Những bài cùng tác giả
Điểm sách
Tự do học thuật hay academic freedom
là khái niệm quan trọng trong giáo dục đại học. Theo lí tưởng của tự do
học thuật, giảng viên và sinh viên trong đại học có quyền tự do nghiên cứu,
tự do giảng dạy và tự do học hỏi và tìm hiểu mà không bị kiểm duyệt, đàn áp,
hay chi phối bởi các thế lực chính trị và kinh tế. Cách đây 200 năm, Đại
học Berlin, nay là Đại học Humboldt, được thành lập dựa trên ý tưởng khai
sáng của Kant và lí tưởng tự do học thuật. Sự ra đời của Đại học Humboldt
đã góp phần đưa nước Đức thành một cường quốc khoa học, kinh tế, và quân
sự. Một nhóm học giả Việt Nam trong và ngoài nước đã góp công làm nên Kỉ
yếu Humboldt như là đóng góp một tiếng nói cho nền giáo dục đại học Việt
Nam vẫn đang còn loay hoay với khái niệm tự do học thuật.

Kỉ yếu Humboldt
là một công trình nghiên cứu và lí luận về giáo dục đại học. Kỉ yếu gồm 57
bài viết theo 6 chủ đề, từ lịch sử phát triển giáo dục đại học, đến hệ thống
đại học của Mĩ, Canada, Úc, Nhật, Trung Quốc, Việt Nam, và những định hướng
cho giáo dục đại học trong thế kỉ 21. Những bài viết trong kỉ yếu cung cấp
cho chúng ta một lượng thông tin đồ sộ về hệ thống giáo dục của các nước
trong vùng và vòng quanh thế giới. Bài viết về “Đại
học. Lịch sử một ý tưởng” của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh là một tổng quan công
phu về ý tưởng và lịch sự phát triển đại học, rất cần thiết cho giới lãnh
đạo đại học. Bài phân tích của hai tác giả Trần Nam Bình và
Nguyễn Đức Hiệp cung cấp nhiều số liệu cụ thể về hệ thống giáo dục của Úc.
Cuốn kỉ yếu còn có những so sánh bằng dữ liệu cụ thể giữa hai hệ thống giáo
dục đại học Việt Nam và Thái Lan, với những kết quả … bất ngờ. Chẳng hạn như
trong số 38,217 giảng viên đại học ở Việt Nam, khoảng 15% có bằng tiến sĩ;
còn ở Thái Lan, trong số 59,562 giảng viên, số có bằng tiến sĩ là 24%. So
sánh này cho thấy con đường đại học Việt Nam có tên trong danh sách “Top
200” còn rất xa vời. Những bài viết chỉ ra những bất cập trong hệ thống giáo
dục đại học, cùng với những đề nghị cụ thể để nâng cao chất lượng đào tạo
với những tiêu chí cụ thể làm cho cuốn kỉ yếu không chỉ là một công trình lí
luận mà còn là một cẩm nang về so sánh giáo dục đại học quốc tế.
Kỉ yếu Humboldt là công trình tập thể của
các học giả trong và ngoài nước. Với sự đóng góp của nhiều nhà khoa học tên
tuổi quen thuộc trong nước (như Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Xuân
Xanh, Bùi Văn Nam Sơn, Lâm Quang Thiệt, Ngô Việt Trung, v.v.), ngoài nước
(cố giáo sư Bùi Trọng Liễu, Hà Dương Tường, Cao Huy Thuần, Phạm Xuân Yêm,
Nguyễn Quang Riệu, Vũ Quang Việt, Trần Hữu Dũng, Trần Nam Bình, Nguyễn Đức
Hiệp, v.v.), và một số nhà giáo dục nổi tiếng của Mĩ (như P. Altbach, R.
Levin, và G. Casper). Cá nhân tôi và chị Phạm Thị Ly (Đại học Quốc gia
TPHCM) cũng có đóng góp một bài về mối tương quan giữa kinh tế tri thức và
nghiên cứu khoa học. Trong bài này, chúng tôi chỉ ra rằng có một mối tương
quan chặt chẽ giữa năng suất khoa học quốc gia và chỉ số kinh tế tri thức.
Ngoài ra, còn có rất nhiều công trình biên soạn công phu của các giáo sư Cao
Huy Thuần (Humboldt 1810: Giữa
hai tự do),
Hoàng Tụy (Ba vấn đề của đại
học Việt Nam hiện nay),
Bùi Trọng Liễu (Giáo dục đại
học nào cho Việt Nam?),
Lâm Quang Thiệp (Humboldt, Hoa
Kỳ và Đại học Việt Nam),
v.v. Có thể nói đây là một công trình đồ sộ, với hơn 800 trang, thể hiện
tâm huyết của các giáo sư và chuyên gia trong và ngoài nước quan tâm đến nền
giáo dục đại học nước nhà.
Giáo dục đại học Việt Nam cũng từng trải
qua một giai đoạn lịch sử. Trước 1975, ở miền Nam tồn tại một hệ thống giáo
dục đại học theo mô hình Pháp và sau này là Mĩ, nhưng thông tin về hệ thống
giáo dục đó còn quá ít, đến nổi thế hệ sau ít ai biết được miền Nam đã có
một nền giáo dục đại học tương đối qui củ và hoàn chỉnh. May mắn thay,
trong kỉ yếu này có sự đóng góp của Giáo sư Lê Xuân Khoa (nay định cư ở
California), từng giữ chức thứ trưởng Bộ Giáo dục (1965) và phó viện trưởng
Viện Đại học Sài Gòn từ 1974-1975 (chức này giống như phó hiệu trưởng Đại
học Quốc gia ngày nay). Trong bài “Đại học miền Nam trước 1975: Hồi
tưởng và nhận định”, Giáo sư Lê Xuân Khoa đã mô tả một hệ thống đại học
ở miền Nam thời đó mang đầy dấu ấn của mô hình Humboldt, và đang trên đà trở
thành một đại học tên tuổi trong vùng.
Đây cũng là một công trình tâm huyết của
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, người có sáng kiến và biên tập cuốn kỉ yếu. Cần
nói thêm rằng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh là một chuyên gia về xác suất thống
kê, từng nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Kĩ thuật Berlin trước khi hồi
hương khoảng 20 năm trước. Tôi có hân hạnh quen biết anh từ vài năm qua, và
thấy ở anh một một nhà khoa học lúc nào cũng trăn trở với nền giáo dục và
khoa học nước nhà. Kỉ yếu Humboldt là một trong những đóng góp của anh cho
nền giáo dục và khoa học nước nhà.
Có lẽ nhiều bạn đọc sẽ hỏi tại sao
Humboldt? Câu trả lời ngắn là năm 2010 là năm kỉ niệm 200 năm ngày
thành thập Đại học Humboldt (Đức). Đại học Humboldt (Humboldt University of
Berlin) không phải là đại học lâu đời nhất trên thế giới, nhưng là hình
tượng tiêu biểu của một đại học hiện đại. Đại học Humboldt được sáng lập
vào năm 1810 dưới tên gọi là Đại học Berlin (University of Berlin). Năm
1828 Đại học có tên là Đại học Frederick William (Frederick William
University), và mãi đến năm 1948 mới đổi thành tên Đại học Humboldt để ghi
công người sáng lập là Wilhelm von Humboldt và người em là Alexander
von Humboldt. Ông Wilhelm Humboldt là một nhà ngôn ngữ học đồng thời là một
nhà cải cách giáo dục. Tuy ra đời sau các đại học lâu đời như Oxford,
Cambridge, hay Sorbonne, nhưng mô hình của Đại học Humbolt đã trở thành mô
hình chuẩn cho các đại học Âu châu. Nếu Đại học Bologna ở Ý (thành lập năm
1088) được xem là “mẹ đẻ của đại học Âu châu”, thì Đại học Humboldt được xem
“bà mụ” cho đại học hiện đại.
Mô hình Đại học Humboldt có một ý nghĩa
rất quan trọng đến hệ thống giáo dục đại học thế giới ngày nay. Mô hình đại
học theo Humboldt là dựa trên tinh thần khai sáng của Immanuel Kant cùng ý
tưởng liberal của Friedrich Schleiermacher. Theo mô hình này, đại
học không chỉ là trung tâm đào tạo nhân tài, mà còn là một trung tâm khoa
học và văn hóa, với tự do học thuật được xem là đặc điểm quan trọng nhất.
Đại học là nơi mà các thành viên (giáo sư, giảng viên, sinh viên) tự do theo
đuổi đề tài nghiên cứu, tự do giảng dạy, tự do học để đi tìm sự thật (chân
lí) mà không chịu sự chi phối của chính quyền và tôn giáo. Mô hình Đại học
Humboldt sau này trở thành một mô hình chuẩn của đại học trên thế giới.
Trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam
hiện nay, cuốn kỉ yếu Humboldt có một ý nghĩa quan trọng. Cho đến nay,
chúng ta biết rằng giáo dục đại học Việt Nam không dựa trên triết lí nào.
Và, hình như các chuyên gia thẩm quyền cũng chưa đồng ý một triết lí nào.
Chính vì thế mà đại học Việt Nam chỉ loay hoay với những vấn đề đào tạo
[phần lớn là] cấp thấp, giới lãnh đạo đại học có khi không ý thức sứ mạng và
giá trị nhân văn của đại học. Chẳng những thế, đại học Việt Nam đang suy
đồi trầm trọng so với các nước trong vùng. Dựa vào bất cứ chỉ tiêu khách
quan nào, đại học Việt Nam vẫn thấp hơn các đại học trong vùng, chứ chưa nói
đến so với quốc tế, như một số bài viết trong Kỉ yếu chỉ ra. Do đó, cuốn kỉ
yếu sẽ rất thiết thực cho giới lãnh đạo đại học, các nhà quản lí giáo dục,
các nhà nghiên cứu về giáo dục đại học, và tất cả những ai trong công chúng
quan tâm đến giáo dục đại học nước nhà.
Nói đến đại học mà không bàn đến khoa học
là một thiếu sót, và cuốn kỉ yếu này cũng sẽ có ích cho các nhà khoa học xã
hội. Chúng ta biết rằng nghiên cứu khoa học ở các đại học Việt Nam rất kém
và thấp. Chính vì thế mà nền khoa học nước ta ở một vị trí rất khiêm tốn
trên trường quốc tế. Theo phân tích của tôi, nền khoa học Việt Nam chỉ đứng
vào hạng 61 trong số 235 nước trên thế giới, Thứ hạng này thấp hơn so với
Thái Lan (hạng 39), Malaysia (54), Indonesia (58) và Philippines (56). Các
cường quốc khoa học Á châu như Singapore (hạng 31), Hàn Quốc (21) và Trung
Quốc (18) được xếp hạng trên Việt Nam khá xa. Chúng ta có hi vọng thay đổi
tình thế hay không? Câu trả lời có lẽ qua Đại học Humboldt.
Đại học Humboldt ra đời đã thay đổi toàn
bộ hệ thống đại học Đức, và góp phần quan trọng đưa nước Đức lên vị trí
cường quốc về kinh tế, quân sự và khoa học vào thế kỉ 19-20. Cho đến nay,
khoa học Đức vẫn đứng vào thứ 3 (sau Mĩ và Anh). Cần nói thêm rằng Đức từng
là cường quốc quân sự nhưng lạc hậu về kinh tế nên nổi bị Napoleon đánh bại
chỉ trong một đêm! Trong bối cảnh đó, Đại học Humboldt ra đời “để lấy
những sức mạnh tinh thần bù đắp những tổn thất về vật chất.” Do đó, nếu
Đại học Humboldt cho chúng ta một kinh nghiệm thì câu trả lời là: có thể
-- chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trên
trường quốc tế, nếu giáo dục đại học Việt Nam dựa vào một triết lí giáo dục
tốt và nếu đại học có được tự do học thuật, tự do giảng dạy, và tự do học
tập để tìm sự thật khoa học.
Ghi chú:
Đại học Humboldt 200 năm
(1810-2010): Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam, do Nguyễn Xuân
Xanh (cùng Ngô Bảo Châu, Pierre Darriulat, Cao Huy Thuần, Hoàng Tuỵ, và Phạm
Xuân Yêm) biên tập, Nhà xuất bản Tri thức ấn hành. Khổ sách: 16x24 cm. Số
trang: 820. Giá bìa: 165.000 đồng. Sách được bán tại: 53 Nguyễn Du, Hà Nội;
hoặc đặt mua qua email:
sales@nxbtrithuc.com.vn.
Tổng phát hành : Nhà xuất bản Trí Thức
|