Những bài cùng tác giả
--Một “lối thoát” bế tắc--
Tập truyện ngắn" Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư đã được giới phê bình
văn học đề cập khá nhiều, khen là chủ yếu, thậm chí có tác phẩm mang nội dung
tương tự của một nhà văn quân đội cũng đã được dư luận quan tâm, so sánh cho
rằng "này nọ", rằng "ai giống ai"chưa biết. nhưng rõ ràng là tác phẩm của
Chị đã thành công vang dội, phản ánh qua số lượng phát hành thu hút độc
giả, loạt bài viết tán dương trên các phương tiện truyền thông đại
chúng.. (1, 4) . Vì vậy góp thêm tiếng nói để ca ngợi đặc trưng văn học miệt
vườn, chất phát nam bộ, ngôn ngữ bình dân.. của Nguyễn Ngọc Tư như nhiều
người đã viết e cũng thừa, không bằng, có khi lại "dỡ" hơn. "Đặc sản"(từ của
GS Trần Hữu Dũng) nam bộ(2) trong nhiều truyện ngắn
cũng đã khẳng định vị trí của Nguyễn Ngọc Tư trên văn đàn nước Việt, không
lẽ nguồn suốí nầy đã cạn rồi sao mà phải chuyển hướng, Chị sợ người đọc nhàm
chán hay muốn phá tan sự bình lặng, phản kháng lại mình?(3)
Từ lâu tôi đã có ý định viết cảm nghĩ về hiện tượng nầy sau khi tham khảo
khá nhiều ý kiến, nhưng nếu không phụ họa vào cao trào ca ngợi Nguyễn Ngọc
Tư thì e rằng mình lạc điệu, càng kích thích cho dư luận văn học đang
nghiêng về phía tác giả. Ngay từ lúc CĐBT còn "nóng", mới ra lò, nhà văn Đỗ
Hồng Ngọc cũng đã nêu lên mấy ý nhẹ nhàng. băn khoăn có ý trách manh nha
"phá phách"của Nguyễn Ngọc Tư khi Chị cố gắng tìm ra con đường mới trong
sáng tác văn học, hay như nhà báo Bích Châu(SGGP) cũng đã gợi ý tác giả nên
có cái nhìn thấu đáo hơn khi miêu tả xã hội nông thôn miền Nam, tránh gây
ngộ nhận... Đó là những góp ý hiếm hoi, đáng trân trọng*. Hẳn tác giả
cũng đã cảm thấy tuy bộc bạch việc ra đời của CĐBT chỉ là một cuộc tìm tòi
cách viết mới, mà không được thì lại quay về "lối cũ".
Có nhà bình luận văn học đã nêu lên tính nhân văn(hay nhân bản) (4) của tác
phẩm trong khi say sưa ngưỡng mộ. rằng NN Tư đã nói lên nỗi đau và bao dung
khi nhân vật chính, Nương trong truyện bị lũ vô lại hãm hiếp! Rõ ràng "khen
quá một chút vẫn còn hơn chê" đã làm khuất đi mặt trái đằng sau Cánh đồng
Bất tận, một truyện ngắn chỉ dăm chục trang, nhắc đi nhắc lại quá nhiều tình
huống "người lớn" thậm chí cả súc vật(Vịt, Chó... ) làm tình để tô đậm nỗi bức
xúc(dồn nén) về tình dục của lứa tuổi dậy thì của hai chị em( trai và gái).
kể cả những đọan văn gợi cảm về sự thủ dâm của người nam hay nữ trong truyện
mà tác giả không quên điểm qua có lẽ cũng không ngoài ý định đó.
Từ chỗ chứng kiến người mẹ thân yêu "yếu lòng" trước lão bán vải dạo (5) đến
những lúc rong ruổi theo cha với biết bao sự kiện trác táng, làm tình "vô
cảm" của ông đã làm cho tâm hồn trong trắng của trẻ thơ bị hoen ố, đưa đến
những suy nghĩ vô cùng tai hại, xem "đó" là những hành động thú tính bình
thường (!) được ví như lũ vịt đến mùa "động đực" và nhấn thêm rằng "một chục
con đực có thể đáp ứng sinh lý cho cả đàn vịt cái" với ngụ ý gì, phải chăng
người cha trong truyện là thế ?! Tác giả mô tả nhân vật "Tôi" (Nương) là một
cô gái xinh đẹp ở tuổi dậy thì, sống du mục theo đàn vịt với một người cha
bất mãn, ông ta sẵn sàng “trả thù” bằng tình dục với bất cứ người đàn bà nào
mà ông phát hiện, vì tự ái bị vợ "lăng loàn" bỏ đi theo trai, cô gái
ấy(Nương) đã chứng kiến và nghe thấy biết bao cảnh làm tình của cha mình với
đàn bà, khi dưới ghe lúc trên bờ như thế thì tâm sinh lý của người con gái
ấy sẽ phát triển như thế nào, thử hỏi cô bé ở tuổi ngây thơ nghĩ gì và bị
ảnh hưởng ra sao. Để rồi cuối cùng cô cũng trở thành nạn nhân theo luật nhân
quả (6) nhưng lại có một cảm thụ hết sức đặc biệt là chấp nhận và không tỏ
phản ứng chống đối tích cực khi bị dày vò thể xác, để kẻ cuồng dâm không đạt
được khoái cảm! Với triết lý đó, tác giả nhấn sâu một bước, đó là tạo cảnh
Nương bị hãm hiếp và sẵn sàng chấp nhận sự dày vò thể xác với lối lý sự
"cùn"chỉ có thể tìm thấy ở những tác phẩm kích dâm theo lối "sadism"(Bạo dâm
hay cuồng dâm) không thể nào tồn tại trong tâm hồn một thiếu nữ
"nhà quê" như Nương.
Tác giả đã đi quá xa, vô tình hay hữu ý lọt vào lối lập luận hết sức nguy
hiểm và xúc phạm, lùi dần vào đoạn kết đầy "tính nhân văn" là lãng quên và
tha thứ (!) cho những lỗi lầm của "người lớn"(từ chủ ý theo Phật giáo như ở
lời mở đầu??) (7) . Đành rằng đứa bé ngây thơ có ra đời (sau khi xảy ra sự
kiện Nương bị hại) như tác giả viết, hoàn toàn vô tội, nhưng làm thế nào để
người phụ nữ lâm vào cảnh ngộ đó có thể tha thứ "lỗi lầm" của lũ vô lại?
Than ôi. Viết về cái tận cùng của sự đốn mạt, thú tính của con người thì có
nên dễ dãi" thông cảm" hay ngược lại ? Đứng vào vị trí của người trong
cuộc(bị hiếp dâm). là người phụ nữ bị hạ nhục như vậy thì họ nghĩ làm sao.
Chắc chắn không là như vậy, đó là một vết thương nặng nề chỉ mong thời gian
và sự thông cảm sẻ chia của người thân để nổi đau đó vơi đi mà thôi. Nếu
CĐBT được các em đọc, nhất là giới nữ, thử tìm hiểu xem họ nghĩ gì nào? Chắc
chắn là người ta không thể đứng về phía tác giả. không thể có lối nhìn "vị
tha"(nhân văn) kiểu như thế.
Có "võ đoán" không khi nói rằng tác giả đã gặp bế tắc trong lúc muốn khơi
mạch cho dòng văn mới của mình, thả hồn phóng khoáng, rơi tỏm vào những câu
chuyện "cực đoan" mà ta có thể lượm lặt đây đó ở những sách báo khiêu dâm để
rồi không có lối ra. Ngay cả những đoạn mô tả người phụ nữ bị đánh ghen kia,
có bao giờ xảy ra tình huống "kỳ cục"(đổ keo dán sắt vào cửa mình) như thế
chăng. Đã đành có những vụ án đánh ghen nổi tiếng thô bạo như tạt axit, vạch
rách mặt, đốt nhà, xé áo quần.. để làm nhục hay trả thù "đối phương"nhưng
đưa một cảnh đánh ghen "thô bỉ" như chị nông dân trong truyện để làm gì, cố
nhấn thêm lên sự tàn ác dã man của phụ nữ nông thôn miền nam ? hay là một
trò đùa đắc chí của tác giả trong chữ nghĩa, muốn "quậy"phá chơi cho biết
tay, cố tình gây ấn tượng để mọi người không quên sự tồn tại của mình bằng
cách nầy chăng(8). "đánh ùm" như thế có ác lắm không?(9) . Người viết tự hỏi
chẳng lẽ NN Tư đã chọn cách làm nầy để “đánh bóng” mình, “bức xúc” muốn được
“bằng chị bằng em” trong trào lưu một số nhà văn nữ trẻ đang hoạt náo trên
văn đàn bằng những tác phẩm kích dục ?
Qua những bài phỏng vấn gần đây(10). tác giả đã thừa nhận, tỏ ý "loay hoay"
với cách viết mới, "tiến thoái lưỡng nan" vì không thể tiếp tục lối viết như
trong CĐBT nhưng chưa quay trở về được với dòng văn học miệt vườn, vốn viết
rất phong phú và sắc sảo của Chị. Có khe khắt lắm không, nêu lên như
vậy khi trong lòng vẫn ngưỡng mộ một cây bút tài hoa và chân chất ? Người
viết vô cùng lúng túng và quan ngại vì lo rằng liệu Nguyễn Ngọc Tư nhìn ra
như thế hay không. hay sẽ cho rằng quá nặng lời ? Liệu những lời góp ý nầy
giúp được nhà văn tiến lên trong sự nghiệp văn chương và đi xa hơn trong
sáng tác nghệ thuật.
Thành công của một tác phẩm là tạo được dư luận rộng rãi về vấn đề đã nêu (
ngoài cách hành văn) trong tác phẩm, nhưng có phải là đó là mức chuẩn duy
nhất của bậc thang giá trị văn học, khi nội dung của nó lại cường điệu,
không sát nếu không nói là ngược với thực tế dù rằng hư cấu ? Tạo ra một
hiện tượng văn học mới, thổi cho nó một sức sống trong cảnh văn hoá "đọc"
đang bị văn hoá "nghe nhìn" lấn lướt hiện nay là điều đáng trân trọng, làm
giàu thêm cho nền văn chương nước nhà nhưng nếu hiện tượng nầy quá xa lạ với
tâm sinh lý con người (ở đây là phụ nữ). khai thác những khía cạnh "sâu
kín"của tình dục thì đó không phải là văn học chính thống mà chỉ là những
sản phẩm khiêu dâm thời thượng và khuynh hướng đó chẳng mới mẻ gì trong thị
trường kích dục thường thấy trên mạng dưới cái tên “truyện người lớn”.
Nhiều cây bút trên thế giới đã trở thành tỷ phú nhờ những tác phẩm kiểu nầy,
vì vậy cũng không có gì ngạc nhiên khi CĐBT bán chạy như “tôm tươi”, là loại
”hàng lạ” trong một xã hội còn lắm điều cấm kỵ, chắc chắn khuynh hướng nầy
sẽ được những nhà văn gặp “bế tắc” trong sáng tác khai thác.
Hiện nay ở Việt Nam, xuất hiện một vài nhà văn nữ giới lãng mạn, đi vào ngõ
ngách của tâm lý thầm kín của phụ nữ gây được tiếng vang, ồn ào trên văn đàn
như Man Nương(Phạm thị Hoài). Bóng đè(Đỗ hoàng Diệu) tuy nhiên nhìn về bề dày
thì vẫn còn kém xa Quỳnh Dao(Đài loan). Vệ Tuệ ( Trung quốc) hay các nhà văn
ở Miền Nam trước đây như Mai Thảo(Để tưởng nhớ mùi hương). Nguyễn thị
Hoàng(Vòng tay học trò) … một thời gây sóng gió mặc dù họ không trắng
trợn và “lõa lồ” như NN Tư.
Đâu rồi những tác phẩm văn chương hiện đại của Việt nam? Người ta thường
trách móc, tự vấn tại sao đất nước có nền văn hoá, truyền thồng lâu đời,
trải qua những kỳ tích vĩ đại trong lịch sử từng làm ngạc nhiên, phấn chấn
cho hàng trăm triệu người trên trái đất và đang chuyển mình bức phá lạc hậu,
nghèo đói một cách mãnh liệt hôm nay nầy lại chỉ có “Cánh đồng bất tận” với
những người “chăn vịt chạy đồng” là hiện tượng đáng chú ý, bàn luận sôi nổi
trong đời sống văn học đến thế sao? Một xã hội sinh động đang cọ xát kịch
liệt giữa “cũ” và” mới”, giữa những bóng tối và ánh sáng, giữa con người
chật vật với “thực tế”, với “hội nhập”…phải chăng là một “cánh đồng bất tận”
bao la, là sân chơi cho những nhà văn hiện đại, là bãi đáp cho những đàn cò
trắng của văn học Việt Nam hơn là những vũng bùn đục ngầu sa đọa kiểu phương
tây mà họ đã đi trước N N Tư hàng thế kỷ. Thế mà “Cánh đồng bất tận của N N
Tư lại được giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam mới là chuyện lạ đời, tiêu
chí đánh giá để trao giải thưởng của Hội nằm ở đâu, liệu điều nầy vô tình đã
hạ thấp giá trị của nền văn học hay nói khác đi văn học đương đại của nước
nhà chỉ có thế mà thôi, “Cánh đồng bất tận” là đỉnh cao nhất ?! Đáng buồn
thay.
Câu chuyện nầy tưởng đã cũ nhưng còn mang tính thời sự khi mà phê bình văn
học hôm nay vẫn không dám nhìn thẳng vào sự thật, chỉ loay hoay sáo mòn với
những lời tâng bốc, nịnh hót, chạy theo “mốt “nhất thời với ý đồ đòi hỏi “tự
do trong sáng tác văn học”(lợi dụng việc chống lại các quan chức phụ trách
văn hóa tỉnh Cà Mâu yêu cầu NN Tư làm kiểm điểm). quên rằng văn học nhân văn
vẫn sống mãi với loài người, và may mắn thay vẫn còn hàng triệu triệu độc
giả biết thưởng thức những giá trị chân, thiện, mỹ. (viết thêm đoạn nầy ngày
3/6/2007)
Hồng lê Thọ(Tokyo)
8/2006
Chú:
(1) trong đó không ít ý kiến bệnh vực nhà văn Nguyễn NgọcTư trước sự đàn áp
phi lý(và thô bạo) của Ban Tuyên Giáo tỉnh ủy Cà Mâu trong kiểm điểm "nghiêm
khắc" nhà văn chứ chưa hẳn hoàn toàn tán thành nội dung cốt truyện(Tuổi Trẻ
8/4 và 9/4/2006, báo Công An tpHCM ngày 10/4/2006) .
(2) GS Trần Hữu Dũng(Mỹ) một fan nhiệt tình hiếm thấy của Nguyễn Ngọc Tư, bạn
đọc có thể truy cập những bài của Nguyễn Ngọc TƯ/bài báo... trên trang WEB:
Viet-Studies. info của T. H. D
(3) "bạn bè chê mình viết không có gì mới. Và tự mình Tư cũng thấy cần phải
đổi mới mình đi"trả lời phỏng vấn của Lam Điền(Tuổi trẻ) đăng lại trên
Viet-Studies. org/Nguyễn NgọcTư
(4) Tuổi trẻ 10/4/2006 đưa lời bình của một số độc giả, nhà văn,
nhà nghiên cứu nổi tiếng, và “Chia sẻ cùng Nguyễn NgọcTư…” (vnexpress.
net/Vietnam/Van-hoa/2006…)
(5) Đề nghị bạn đọc tham khảo bài"Bắt gặp bố mẹ "yêu" có thể ám ảnh suốt
đời" của Minh Thùy trên Vnexpress. net với nhiều ý kiến đáng suy gẫm.
www. vnexpress. net/GL/Doi-song/2006/07/3B9EC4F6/
Thử đọc một đoạn dưới đây(CDBT, Nguyễn Ngọc Tư) :
"Đứa mười tuổi quay lưng lại, đứa chín tuổi úp mặt vô áo chị nó, nhưng cả hai
vẫn như thấy rõ ràng, trên chiếc giường tre quen thuộc, má oằn uốn người dưới
tấm lưng chơm chởm những nốt ruồi(của người bán vải dạo) . Họ cấu víu. Vật
vã. Rên siết. " và nhiều đoạn văn liên quan đến tình dục khác
trong CDBT.
(6) "nhân quả trong cuộc sống có nhiều lắm... và nhân quả không phải là cái gì
Trời giáng xuống, mà do chính lòng người; những nổi đau bắt đầu từ lòng thù
hận của con người... "Nguyễn Ngọc Tư trả lời Lam Điền, đã dẫn
(7) "Nổi đau trong Cánh đồng bất tận. Thảo Vy"tạp chí Văn Hoá Phật Giáo số
11-28/12/2005
(8). (10) "lâu lâu mình đánh ùm một cái cho người ta nhớ mình... khi
bạn đọc thấy mình đã nhàm, bản thân mình thấy mình cũng cạn kiệt khi đi theo
hướng đó thì mình phải vẹt một hướng khác mà đi chứ... Cánh đồng bất tận là
món mà Tư xen vào cho người ta thấy khác lạ, để còn nhớ mình,... "Nguyễn
Ngọc Tư, đã dẫn ở trên (6)
(9) Phỏng vấn của Anh Vân:(vnexpress. net/vietnam/van-hoa/2006/04... )
-Nhiều chi tiết trong Cánh đồng bất tận" bị xem là quá ác, như đổ keo dán sắt
vào cửa mình của người phụ nữ, gái điếm dập dìu, vẻ lạnh lùng tàn nhẫn của
người đàn ông ghét đàn bà, một thằng con trai mới lớn bị hấp dẫn bởi một cô
gái điếm... Khi đặt bút viết những dòng ấy, chị đắn đo, trăn trở ra sao để chọn
cách thể hiện?
-Có lần, tôi nghĩ, sao để hai đứa bé ngồi trong kẹt bồ lúa bắt gặp mẹ nó và
ông bán vải làm gì. Nhưng rồi tôi nghĩ, liệu chúng chỉ nhìn mẹ chúng nắm tay
ông kia đi dung dăng dung dẻ trên đường quang đãng thì có còn là nỗi ám
ảnh, là bi kịch trong tâm hồn chúng không?"Nguyễn Ngọc Tư
*Tham khảo bài “Những hỏa mù của bình luận văn chương” Ngô Ngọc Ngũ Long
trong “Văn Học-Nghệ thuật Thành phố Hồ chí Minh—Thực trạng và Giải pháp”.
Nhà xuất bản Văn Nghệ 2006. Và bài “Hỏa mù” trên báo SGGP ngày
9/7/2006 của tác giả Bích Châu.
©
http://vietsciences. free. fr
và http://vietsciences. org
Hồng lê Thọ
|