Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản

    

Điểm sách





Tên sách : Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản
Tác giả : Max Weber
Dịch giả : Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng và Trần Hữu Quang
Số trang : 464 trang
Khổ sách : 16 x 24 cm
Giá bìa : 75 000 VND
Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới
Nhà xuất bản Tri thức, 01/2008

 

 


Max Weber và Nền đạo đức Tin lành
 

Không chỉ là đại diện tiêu biểu cho xã hội học Đức thế kỷ XX, Max Weber còn được biết đến như là một nhà triết học, nhà luật học, nhà kinh tế học và nhà sử học với những kiến thức và lý giải uyên thâm. Theo Raymond Aron, khối lượng công trình đồ sộ của Weber có thể được xếp làm bốn loại chính sau đây: (a) các công trình phương pháp luận trong khoa học xã hội và triết học, (b) các công trình sử học, (c) các công trình xã hội học về tôn giáo, và (d) công trình quan trọng nhất của Weber là quyển Wirtschaft und Gesellschaft (Kinh tế và xã hội) (1922). Vốn được coi là một trong những nhà sáng lập của bộ môn xã hội học, Weber đã để lại những dấu ấn đặc trưng về mặt tư duy phương pháp luận xã hội học. Cũng giống như Georg Simmel (1858-1918), một nhà triết học và xã hội học Đức và cũng là bạn của ông, Max Weber còn được coi là một nhà tư tưởng về tính hiện đại (Modernität) – tính hiện đại xét như là hệ quả của quá trình lý tính hóa (Rationalisierung) toàn bộ đời sống xã hội trong quá trình chuyển từ các xã hội cổ truyền sang các xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại ở châu Âu.
 

Max Weber (1864-1920) cùng Schumpeter và Sombart lãnh đạo tờ Archiv für Sozialwissenschaft und Sozialpolitik (Hồ sơ khoa học xã hội và chính sách xã hội). Lúc đầu bị ảnh hưởng của những cách phân tích marxit, về sau, Weber tìm cách áp dụng vào khoa học xã hội một phương pháp dễ hiểu, cố gắng xây dựng cho mỗi thời kỳ lịch sử một kiểu mẫu lý tưởng và nhấn mạnh quá trình hợp lý hoá đặc trưng cho thế giới hiện đại
Đầu năm 1904, ông bắt tay vào những nghiên cứu về xã hội học tôn giáo mà ông sẽ theo đuổi cho đến năm 1922. Được thúc đẩy nhờ tác phẩm Về chủ nghĩa tư bản hiện đại (Der moderne Kapitalismus, 1902) của W. Sombart và do cuộc tranh luận xoay quanh những đóng góp của E. Gothein, W. Wittich và G. Jellinek, về những mối liên hệ hiện tồn giữa chủ nghĩa tư bản và đạo Tin lành, ông lần lượt công bố trong tập XX và XXI của Archiv für Sozialwissenschaft und Sozialpolitik (Hồ sơ khoa học xã hội và chính sách xã hội, 1904-1905) công trình nghiên cứu nổi tiếng Nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản.
Trái với Sombart, người gắn sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản với đạo đức Do Thái, trong công trình nghiên cứu xã hội học này, Max Weber phát triển và chứng minh luận điểm rằng: lối sống “khổ hạnh” của giáo thuyết Calvin đã có một ảnh hưởng quyết định đối với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản hiện đại, với sự hợp lý hoá nền kinh tế - một đặc trưng của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Weber xuất phát từ một thực tế thường nghiệm là: vào cuối thế kỷ 19, những tín đồ Tin lành là những người thành công nhất về hoạt động kinh tế. Ông thử lý giải hiện tượng ấy bằng cách quy “tinh thần của chủ nghĩa tư bản” vào lối sống (“khổ hạnh trong thế gian”) có động cơ tôn giáo đặc thù của phái Thanh giáo và phái Calvin. Theo ông, “nền đạo đức Tin lành” ấy đã tương ứng với một “đạo đức học về nghề nghiệp” được hiểu theo nghĩa một “lẽ sống” để người tín đồ có thể chứng thực rằng mình được hưởng “ơn cứu độ” một cách tiền định. Khi nghề nghiệp (Beruf) trở thành “thiên chức”, thành “ơn kêu gọi” (Berufung) thì nó lại phù hợp với các tiêu chí có tính quy phạm của chủ nghĩa tư bản hiện đại: việc tổ chức đời sống và tổ chức lao động một cách hợp lý và sử dụng vốn tư bản một cách hiệu quả. Weber thiết lập, bằng cách dựa trên những bài thuyết giáo của Benjamin Franklin, một hình mẫu lý tưởng về tinh thần của chủ nghĩa tư bản, tinh thần ấy khiến cho sự theo đuổi nhu cầu về tiền bạc là một nghĩa vụ đạo đức được đưa vào trong quy tắc chỉ đạo hằng ngày của người lương thiện. Kết tinh tư tưởng mới mẻ cho rằng “bổn phận được thực hiện thông qua các nghề nghiệp trần thế, rằng bổn phận ấy là hoạt động đạo đức cao nhất mà con người có thể đảm nhiệm ở đời này”, khái niệm ấy (beruf) thực ra là một sản phẩm bất ngờ của cuộc Cải cách Tin lành mà Weber đã thuật lại sự phát triển thông qua ý nghĩa (của từ beruf) mà cuộc Cải cách này đã dùng ở thời Luther.
Nền đạo đức tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản bao gồm hai phần. Phần đầu, nhan đề “Vấn đề”, bắt đầu bằng một bản tường trình những kết quả của một nghiên cứu dựa vào kinh nghiệm do một học trò của Weber chủ trì, M. Offenbache, người đã chỉ ra sự xuất hiện nhiều người theo đạo Tin lành trong tầng lớp kinh doanh và kỹ nghệ của vùng Baden. Với nhan đề “Quan niệm về đạo đức nghề nghiệp trong đạo Tin lành khổ hạnh”, phần hai trở lại phân tích những mối quan hệ được thiết lập trước đó, bằng cách hướng về những hình thức của đạo Tin lành có thể làm nổi bật tốt hơn nét độc đáo về ngữ cảnh của ý niệm Beruf. Sau khi quan sát sự cấp tiến của chủ nghĩa khổ hạnh ấy trong phong trào Kiên tín (Pietist), giáo phái Methodist, phong trào Baptist, Weber chuyên tâm tìm kiếm “những mối liên quan tồn tại giữa những tư tưởng tôn giáo cơ bản của đạo Tin lành khổ hạnh với những câu châm ngôn dùng cho sinh hoạt kinh tế thường ngày”, bằng cách dựa trên những trước tác của Richard Baxter. Việc lên án sự hám lợi, sự hưởng thụ gắn bó với sự chiếm hữu, sự tiêu thụ, phúc lành thần thánh cho những nguyện vọng về lợi lộc, sự khuyến khích điều lương thiện và ca tụng lao động “không ngừng nghỉ, liên tục, có hệ thống trong một nghề nghiệp thế tục” mà những văn bản ấy biểu lộ, là chừng ấy những yếu tố khuyến khích “vốn liếng được hình thành nhờ tiết kiệm do sự khổ hạnh bó buộc”. Những yếu tố ấy đã thực sự bước vào một nền đạo đức Thanh giáo ở cội nguồn tinh thần chủ nghĩa tư bản.
Nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản còn có giá trị đặc biệt về phương pháp luận. Trái với các nỗ lực lý giải sự ra đời của chủ nghĩa tư bản từ một nguyên nhân độc nhất (monocausal), M. Weber đề nghị nhiều cách tiếp cận khác nhau về một hiện tượng lịch sử cá biệt là chủ nghĩa tư bản hiện đại nhưng có ý nghĩa phổ quát của tiến trình “duy lý hóa” của phương Tây. Luận điểm về mối quan hệ giữa nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản của Weber đã mở ra một cuộc thảo luận sôi nổi về các cơ sở và các cách tiếp cận có tính phương pháp luận trong các ngành khoa học xã hội. Lúc đầu, công trình này được hiểu một cách đơn giản như là đối lập lại với quan niệm duy vật lịch sử. Nhưng, chính Weber đã phản đối cách hiểu phiến diện này (qua một loạt bài “Phản-phê bình” của ông) vì theo ông, vấn đề không phải là thay thế cách lý giải “đơn nguyên nhân” này bằng một cách lý giải “đơn nguyên nhân” khác mà phải nỗ lực lý giải và tiếp cận các hiện tượng phức tạp của xã hội và lịch sử (chẳng hạn: chủ nghĩa tư bản hiện đại) bằng nhiều cách khác nhau và bổ sung cho nhau. Công trình này của ông, do đó, đã góp phần quyết định trong việc thay đổi và phong phú hóa các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội ngày nay.
Nhóm dịch giả của cuốn sách gồm những người hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau (Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Tùng, Nguyễn Nghị, Trần Hữu Quang). Sách do Nhà xuất bản Tri thức ấn hành tháng 01 năm 2008.
 

Mục lục
Vài ghi chú của nhóm dịch giả
Những chữ viết tắt
Những chữ viết tắt các quyển Kinh Thánh mà Max Weber trích dẫn
Lời giới thiệu
Lời nhận xét mở đầu
Max Weber – Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản
 

Phần Một
VẤN ĐỀ
Chương 1: Tôn giáo và sự phân tầng xã hội
Chương 2: “Tinh thần” của chủ nghĩa tư bản
Chương 3: Khái niệm “Beruf” theo Luther. Các mục tiêu nghiên cứu
 

Phần Hai
QUAN NIỆM ĐẠO ĐỨC VỀ NGHỀ NGHIỆP
TRONG ĐẠO TIN LÀNH KHỔ HẠNH
Chương 4: Các nền tảng tôn giáo của nền khổ hạnh tại thế
Chương 5: Nền khổ hạnh và tinh thần của chủ nghĩa tư bản
Các giáo phái tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản
Thư mục các công trình được Max Weber trích dẫn trong quyển sách này
Niên biểu tóm tắt cuộc đời và một số công trình chính của Max Weber
Tác phẩm của Max Weber
Thư mục chọn lọc một số công trình nghiên cứu về Max Weber
Chú giải từ vựng
Bản chỉ mục (Index)



Tổng phát hành : Nhà xuất bản Trí Thức

 

           

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org