Điểm sách
NHÀ XUẤT BẢN TRI THỨC TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU

Tên sách: Hồ Tuyết Nham
Tác giả: Chung Nguyên, Doanh Vịnh
Dịch giả: Quỳnh Lan, Ngọc Anh, Minh Thảo
Tiểu thuyết hai tập: Tập 1 – 596 trang; Tập 2 – 632 trang
Khổ sách: 14,5 x 20,5 cm
Giá bìa: Tập 1 – 84.000 VND; Tập 2 – 88.000 VND
Nhà xuất bản Tri thức, 2008
Tổng Phát hành: Công ty Sách Phương Nam * 940 Đường Ba Tháng Hai, Phường 15,
Quận 11, Tp. Hồ Chí Minh * ĐT: (84 8) 8663447 – 8663448 * Fax: (84 8)
8663449 * Website: www.phuongnamvh.com – Chi nhánh Hà Nội: 10B Tăng Bạt Hổ *
ĐT: (84 4) 9724834.
Tổng phát hành : Nhà xuất bản Trí Thức
*****
LỜI NÓI ĐẦU
Những hiểu biết về Hồ Tuyết Nham bắt nguồn từ việc tìm hiểu Tả Tông Đường.
Lúc đầu tôi không có kế hoạch viết về Hồ Tuyết Nham. Về sau, có người viết
về Hồ Tuyết Nham và bắt đầu lưu truyền trong xã hội, thậm chí coi đó là kiểu
mẫu thương gia, có học có hành tất sẽ giàu có! Vì vậy, tôi cũng nảy ra ý
định trở lại với những gì người đó nhìn thấy. Nên tôi mới viết về Hồ Tuyết
Nham.
Câu chuyện lưu truyền trong xã hội về Hồ Tuyết Nham, nói ngắn gọn thế này:
Thứ nhất, sở dĩ Hồ Tuyết Nham có thể từ một anh chàng chân chạy trở thành
một thương gia hàng đầu, là vì ông từng giúp đỡ một người tên là Vương Hữu
Linh; làm ơn tất sẽ được người trả ơn, Vương Hữu Linh liền giúp Hồ Tuyết
Nham trở thành một tên tuổi lớn. Thứ hai, Hồ Tuyết Nham có được đường hướng
kinh doanh, và đường hướng kinh doanh đó là gì? Để ý kĩ, chẳng qua là “uống
rượu”, “chơi hoa”, “chai lì”, “vung tiền”; thật là lạ, ngày nay những kẻ như
vậy cũng không thiếu, vậy tại sao bọn họ chẳng những không giàu có mà còn lũ
lượt phạm pháp phải vào tù? Thứ ba, sở dĩ Hồ Tuyết Nham sa sút, là vì sự
xuất hiện của động cơ hơi nước; hình như động cơ hơi nước không những có thể
biến nhiệt năng thành cơ năng, mà còn có thể biến kẻ giàu thành tội phạm;
nếu thật sự có được chức năng đó thì đã tốt, còn làm cách mạng làm gì nữa?
Chỉ cần có ngài Watt là xong. Vì thế, tôi lại càng có mong muốn viết lại câu
chuyện về Hồ Tuyết Nham.
Lịch sử đã chứng minh, Hồ Tuyết Nham sở dĩ từ một anh chàng trông coi cửa
hàng vàng bạc trở thành một thương gia nổi tiếng, là vì vừa sẵn có trí thông
minh và đầu óc linh hoạt, vừa có được cơ hội ngẫu nhiên mà nên sự nghiệp. Ai
đã tạo cơ hội cho ông? Có phải là Vương Hữu Linh, người từng được ông giúp
đỡ? Có thể khẳng định rằng: không phải. Vương Hữu Linh quả có thông lên bề
trên mà mở rộng cơ đồ, nhưng chỉ làm quan huyện, làm châu phủ, về sau làm
tuần phủ Chiết Giang mới được 1 năm thì quân Thái Bình đánh vào thành Hàng
Châu, liền thắt cổ tự tử. Xin hỏi, một viên quan địa phương nhỏ xíu, sao có
thể nâng đỡ một đời phú thương? Rõ ràng là, người viết truyện cũng quá mơ hồ
về điều này. Người tạo cơ hội cho ông chính là Tả văn Tương Công Tả Tông
Đường, một vị tướng ái quốc tài ba trăm trận trăm thắng. Tả Tông Đường đã
cho Hồ Tuyết Nham bốn cơ hội làm giàu: cơ hội đầu tiên là để ông phụ trách
quân trang, quân lương xây dựng đội tinh binh, cấp cho ông khoản tiền mua vũ
khí đạn dược; cơ hội tiếp theo là lệnh cho ông phải giúp xây dựng xưởng đóng
thuyền Mã Vĩ, cấp cho ông khoản tiền nhập kĩ thuật và thiết bị; cơ hội tiếp
nữa là lệnh cho ông xây dựng trạm tiếp vận Thượng Hải, lo liệu vật tư và
quân trang cần thiết cho đội quân Tây chinh, cấp cho ông khoản tiền tiếp
vận; cơ hội thứ tư là lệnh cho ông nhập vũ khí hiện đại cần thiết từ bên
ngoài để thu phục Tân Cương, lại cấp cho ông khoản tiền nhập vật tư. Vì thế,
không có Tả Tông Đường, tất không có Hồ Tuyết Nham lừng lẫy một thời.
Hồ Tuyết Nham có đường hướng kinh doanh của riêng mình không? Đương nhiên là
có. Không những có, mà cách làm của ông, cho đến tận ngày nay, vẫn là hợp
thời. Có điều tuyệt đối không phải là kiểu uống rượu chơi hoa, mà tựu trung
thể hiện một tay gây dựng trăm năm bền vững với sự nghiệp làm thuốc trong
nhà Hồ Khánh Dư. Một loạt tư tưởng “chân thực”, “đúng giá”, “chọn mua hàng
tốt”, “bào chế hàng thật”, “vì chữ tín”, “cội nguồn đời sống” mà ông triển
khai trong nhà Hồ Khánh Dư, đều là cách thức hiện đại rất có lợi cho công
việc, lấy chữ tín để lập nghiệp. Ngay đến “quảng cáo nhân tâm” cũng là sáng
tạo của Hồ Tuyết Nham. Sau khi bào chế được thuốc hay, ông chưa vội bán, mà
đi tìm cả trăm kẻ lang thang lớn nhỏ, vác lên “túi thuốc Thái Bình” đem phân
phát miễn phí dùng thử tại các bến chợ, và phát liên tục trong vòng ba năm,
mất toi mười vạn lạng bạc trắng! Sức hấp dẫn của việc quảng cáo rộng rãi,
chiến thắng bằng sự chân thực như thế, e rằng ngay cả một số ông chủ nhà máy
thời nay cũng chẳng dám bắt chước. Ý thức cạnh tranh của Hồ Tuyết Nham rất
lớn. Để chinh phục hai hiệu thuốc khác ở Hàng Châu, trong việc dùng người,
kinh doanh, đầu tư, giá cả, ông đều khiến đối thủ chưa lạnh đã run. Đối thủ
bảo trong thuốc của ông không có nhung hươu thật, ông liền công khai giết
hươu, mà còn tuyên bố trước ngày giờ, bằng cách công khai cho mọi người
thấy, dùng cái thật đập lại cái giả, ông đã làm cho đối thủ phải xấu hổ. Về
phương diện đối xử với người làm thuê trong xưởng thuốc, Hồ Tuyết Nham cũng
là người Trung Quốc đầu tiên áp dụng khoa học hành vi. Lúc đó, ông đã thực
hiện “dương phụng” và “âm phụng”, không những nghỉ hưu có lương hưu, mà sau
khi chết còn được cấp một khoản. Còn Hồ Tuyết Nham lưu truyền trong xã hội,
rõ ràng là hiểu biết chẳng đến đầu đến đũa về phương diện thể hiện đường
hướng kinh doanh của mình.
Tại sao Hồ Tuyết Nham lại sa sút? Rõ ràng là, dùng động cơ hơi nước thì
không thể biết chắc được. Nghiêm khắc mà nói, sở dĩ Hồ Tuyết Nham lụn bại,
bị khám nhà và tịch thu đồ đạc, gây ra tai họa là vì khi thu hút vốn từ bên
ngoài, ông đã tâu không đúng lãi suất, bỏ túi khoản hoa hồng. Nhưng nguyên
nhân thật sự là ông đã từng bước hoàn thành thời kì quá độ từ tư bản mại bản
và tư bản quan liêu sang tư bản dân tộc, giáng đòn mạnh mẽ vào cuộc xâm lược
kinh tế Trung Quốc của người châu Âu. Để chống lại việc người châu Âu bóc
lột những người dân Trung Quốc trồng dâu nuôi tằm, ông đã bỏ ra khoản tiền
lớn, bắt đầu từ việc bao tiêu vườn dâu, bao tiêu tơ tằm, rồi nâng giá bán
cho thương nhân châu Âu, khiến cho thương nhân châu Âu vô cùng khó khăn.
Hành động của Hồ Tuyết Nham thậm chí làm chao đảo cả thị trường London thời
bấy giờ. Sự bực tức của người châu Âu, cộng với cuộc tranh giành giữa Lý
Hồng Chương và Tả Tông Đường, tự khắc khiến Lý Hồng Chương phát ra mật lệnh
“muốn đánh đổ Tả phải đánh đổ Hồ trước”, khiến Hồ Tuyết Nham trở thành vật
hi sinh trong cuộc tranh giành chính trị.
Nên bình luận như thế nào, có thái độ ra sao đối với nhân vật lịch sử Hồ
Tuyết Nham vốn vô cùng phức tạp và khó đánh giá này, từ trước đến nay mỗi
người mỗi ý. Nhưng vô vàn những ghi chép sử sách và tấm lòng tưởng nhớ tới
ông của người dân quê nhà đã thể hiện tương đối khách quan con người ông
trước mắt độc giả, mà vẫn không mất đi giá trị nhận thức và ý nghĩa hiện
thực. Đặc biệt là trong công cuộc phát triển mạnh mẽ nền kinh tế hàng hoá xã
hội chủ nghĩa ngày nay, thì điều đó càng đúng. Khi đến thăm phủ Hồ Khánh Dư
ở Hàng Châu, người viết đã mời một số thầy lang tuổi ngoài 80 đến toạ đàm.
Bậc sinh thành ra họ dù là người làm thuê cho Hồ Tuyết Nham, thì vẫn có thể
nói lưu truyền ngàn đời, chuyện cũ luôn mới. Ngay cả những thầy lang cao
tuổi cũng vô cùng thương nhớ ông tổ của nhà Hồ Khánh Dư này, điều này không
thể không có lí.
Lịch sử là lịch sử, tiểu thuyết là tiểu thuyết. Nhưng diễn giải cũng nên có
mức độ. Chính vì xuất phát từ những suy nghĩ này, nên chúng tôi viết lại về
Hồ Tuyết Nham, gửi tới bạn đọc, mong nhận được ý kiến đóng góp phê bình.
CHUNG NGUYÊN
Vườn Phương Nguyên
Bắc Kinh, tháng 10 năm 1996
LỜI GIỚI THIỆU
Nghiên cứu và học hỏi gương danh nhân thế giới luôn là một cách thức cầu học
đáng trân trọng đối với người Việt Nam. Và chúng tôi - những con em nội
ngoại dòng họ Hồ Việt Nam trong tập đoàn Mai Linh - cũng mong muốn được góp
phần vào dòng chảy ấy của văn hóa dân tộc bằng việc ủng hộ dịch và xuất bản
bộ tiểu thuyết lịch sử Hồ Tuyết Nham từ tiếng Trung sang tiếng Việt.
Cuốn sách dựng lại cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Tuyết Nham. Từ một chân chạy
việc, ông đã tạo dựng cho mình một tên tuổi lừng lẫy trong giới thương gia,
sở hữu trong tay hàng loạt các ngân hiệu, các tiệm cầm đồ và đặc biệt là Hồ
Khánh Dư đường, góp phần thay đổi diện mạo, uy thế của nền kinh doanh Trung
Quốc thời đó trước các thế lực kinh tế hùng mạnh của Tây phương. Với ý chí
tiến thủ, sự thông minh và lòng dũng cảm, Hồ Tuyết Nham đã tạo nên một sự
nghiệp lớn lao từ hai bàn tay trắng. Đạo đức kinh doanh của ông được xây
dựng bằng nhân tâm, bằng chữ tín. Và tính sắc sảo, quyền biến, lòng vị tha
của ông được thể hiện qua những chiến lược kinh doanh, chính sách nhân sự,
hưu bổng… có thể nói cho đến nay vẫn là những tham khảo rất đáng quý.
Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang đòi hỏi doanh nhân Việt Nam phải nỗ
lực trên cả hai phương diện trí tuệ và đạo đức kinh doanh: Làm thế nào để
điều hòa lợi ích với các đối tác? Làm thế nào để đồng thời đạt được hiệu quả
cao mà vẫn giữ được uy tín? Làm thế nào để doanh nghiệp luôn bền vững trong
sự phát triển của dân tộc và trong hội nhập quốc tế?...
Với những lý do đó, chúng tôi hi vọng cuốn sách này sẽ mang lại nhiều lợi
ích cho bạn đọc.
Hà Nội, xuân Mậu Tý
HỒ HUY
Chủ tịch Hội đồng Quản trị
Công ty Mai Linh
*****
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Lời giới thiệu
Lời dẫn
Chương 1
NGHĨA TÌNH ĐIÊN LOẠN
Chương 2
TRONG RỦI CÓ MAY
Chương 3
ĐƯỢC ĂN CẢ NGÃ VỀ KHÔNG
Chương 4
BÍ QUÁ HÓA LIỀU
Chương 5
NÚI BẠC XƯƠNG TRẮNG
Chương 6
ĐỦ LÔNG ĐỦ CÁNH
Chương 7
MỘT BƯỚC TỚI TRỜI
Chương 8
MẤU CHỐT QUYỀN THẾ
Chương 9
GIÓ MẠNH CHUYỂN HƯỚNG
Chương 10
KHÓI LỬA KHU TÂY
***
LỜI DẪN
Mùa đông ở Giang Nam khiến người ta không có chỗ để trú ẩn, chỉ có lá cành
là tồn tại, mà cái lạnh thì thấu xương.
Trời vừa tảng sáng, con phố Nguyên Bảo trong thành Hàng Châu bắt đầu trở lại
một ngày mới. Một ông lão dáng vẻ sợ hãi, vừa đi vừa ngáp, chân bước xiêu
vẹo mang dáng vẻ tất bật trên mặt đường lát đá xanh ướt đẫm, cứ nhìn trước
ngó sau, với đôi mắt căng thẳng. Ông chính là Liễu Thành Tường tổng trợ lí
của ngân hiệu* Phụ Khang nổi tiếng bậc nhất.
Đến trước cửa nhà Hồ Tuyết Nham, ông vừa vẫy tay ra hiệu cho người gác cửa
vào phủ bẩm báo, vừa quay người lại, khuôn mặt ướt đẫm dõi nhìn tám chiếc
kiệu hoa lắc lư theo sau. Tám chiếc kiệu hoa dừng lại trước cổng phủ. Liễu
Thành Tường lại vội vã đến trước mỗi kiệu lần lượt vén tấm màn che bằng gấm
lam, miệng nói không ngớt: “Mời bà vào phủ, mời bà vào phủ...”
Các cô gái xinh tươi từ trong kiệu bước ra, họ đều là thê thiếp của Hồ Tuyết
Nham ở ngoài thị trấn. Các cô chưa khỏi sợ hãi trước cảnh cửa hàng cửa hiệu
lần lượt đóng cửa ngoài thị trấn, thì đã khiếp hãi trước toà nhà cổng đá
đang hiển hiện trước mắt này. Ai nấy cúi đầu khép nép, tuy không biết nhau,
nhưng đều hiểu rằng số phận đã khiến họ gặp nhau.
“Lão gia đang đợi trong phủ, mau vào đi!” - Liễu Thành Tường bước tới lần
lượt khom lưng cúi đầu mời vào.
Tám thiếu phụ đành nắm tay nhau, sợ run bần bật, dò dẫm từng bậc bước vào
cánh cổng đá xanh đồ sộ.
Bước vào cánh cổng thứ hai, họ đến trước một khoảng sân rộng, một quý bà
tuổi ngoại tứ tuần đang nghiêm mặt chờ đợi. Bà chính là vợ cả của Hồ Tuyết
Nham. Một đám a hoàn tay bưng tráp đồng bên trong đựng hộp gỗ gụ đứng sau
lưng.
Liễu Thành Tường vội tiến đến bẩm báo: “Thưa bà, họ đều đến cả rồi.” Rồi
quay lại vẫy gọi: “Mau lên, đến chào bà lớn!”
“Thôi miễn, đến nước này rồi, khéo tụ rồi khéo tan thôi!” - Hồ phu nhân lùi
ra phía sau lưng đám a hoàn, để chúng phân phát những chiếc tráp châu báu
cho những cô vợ bé mới đến.
Đúng lúc những cô vợ bé đón lấy mấy chiếc tráp định quay về kiệu, thì ngoài
cổng bỗng đánh rầm một tiếng! Một toán lính Thanh tay cầm vũ khí xông vào.
Toán lính tiến lại phía những cô vợ bé. Trong tiếng kêu thất thanh của các
cô, thứ sử Tạ Trạm Khanh dìu Hình bộ Thượng thư già yếu Văn Dục, sải bước về
phía phủ Hồ.
Trong gian thờ Phật phủ Hồ Tuyết Nham, bà Hồ Thị - mẹ Hồ Tuyết Nham đang tọa
thiền. Hồ Tuyết Nham mặc triều phục nhất phẩm, quỳ trước mặt mẹ.
Văn Dục đá toang cửa gian thờ Phật, trông thấy bà Hồ Thị im, không chút phản
ứng, liền nắm chặt tờ thánh chỉ trong lòng bàn tay.
“Người đâu!” - Văn Dục rít qua kẽ răng ra lệnh.
“Có ạ!” - Tạ Trạm Khanh sải bước tiến lên.
“Tước mũ của quân chó trước!”
“Dạ!” - Tạ Trạm Khanh vươn vai, hất ống tay áo lên, bước tới Hồ Tuyết Nham
đang quỳ trước mặt mẹ.
Đúng lúc Tạ Trạm Khanh vươn tay tới mũ của Hồ Tuyết Nham, Hồ Tuyết Nham đột
ngột đứng dậy. Ông quay lưng lại phía những người đến, nhẹ nhàng bỏ mũ
xuống.
Thế là, thương gia mũ đỏ đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc được cấp hoàng
bào mã quái, được phép cưỡi ngựa vào cung đã bị đánh đổ. Đúng là:
Đến tay trắng về trắng tay đổ cũng sạch trơn,
Sống tất bật chết vội vàng nhanh như giấc mộng;
Bên trái đàm tiếu bên phải đàm tiếu ai đúng ai sai,
Thành cũng buồn bại cũng buồn đời như con rối.
Sai hóa đúng đúng hóa sai vốn chẳng đúng sai,
Nghèo rồi giàu giàu rồi nghèo số phận là thế?
Mây mù tan tan mây mù phảng phất chuyện xưa,
Chuyện đời gian nan lòng người gian nan tự có công bằng.
***
TRÍCH SÁCH
“Những cái lợi bất nghĩa và những tiền có được do đầu cơ cũng đều là tiền
bạc cả, nhưng chúng ta không thể thu nhận. Hồ Tuyết Nham ta chim nhạn bay
đến thì vặt lông nhưng chỉ vặt lông nơi sáng sủa, không phải là tiền cứ qua
tay mình là nhất định phải kiếm chác lợi lộc. Dựa vào kiểu mua không bán
khống để phát tài, chúng ta không làm.” (Chương 7, Quyển 1)
“Ta vốn dĩ là người rất rành việc làm ăn buôn bán, cũng như hiểu rõ những
mánh khoé để kiếm lời, nhưng chưa bao giờ ta coi tiền tài như sinh mệnh..."
(Chương 19, Quyển 2)
“Mặc dù ta đã có trong tay một gia tài lớn lên đến hàng vạn, nhưng điều làm
cho ta lo lắng nhất chính là Khánh Dư đường! Tiền tài chỉ là một thú chơi
nghệ thuật, không mang đến cho người ta mạng sống, cũng không mang cái chết
đi cho người chơi nó. Đời người ngắn ngủi, lập nghiệp không ít khó khăn.
Chẳng nói gì chính sản nghiệp của ta đây, cũng không thể nói trước được gì,
có thể một ngày nào đó sẽ thuộc về tay kẻ khác cũng không chừng. Ta kỳ thực
đã nghĩ thông rồi, tất cả đều kệ nó thôi! Đời người vạn việc, vạn vật, tài
sản tích cóp cả một đời người, cho đến vợ con, tất cả có mà lại là không có,
không có lại là có. Nhưng nếu có người hỏi ta rằng, hỏi Hồ Tuyết Nham ta có
cái gì không thể từ bỏ được không? Ta sẽ không do dự mà trả lời ngay rằng
có, thứ đó chính là tiệm thuốc Hồ Khánh Dư này! Tại sao ta lại trả lời như
vậy ư? Bởi chính tiệm thuốc này đã cho ta thấy được chính mình, cũng chính
tiệm thuốc này đã cho tôi có cơ hội được ở cùng với tất cả các chư vị, cũng
giống như lúc tôi mới bắt đầu khởi nghiệp, được sánh vai cùng tất cả mọi
người...” (Chương 19, Quyển 2)
|