Chim yến tổ trắng và chim yến tổ đen (*)

Vietsciences-Võ Quang Yến      02/07/2007
 

Điểm sách

Những bài cùng tác giả

Giới thiệu một cuốn sách về chim yến: Chim yến tổ trắng và chim yến tổ đen  
 

Cuốn sách nầy ra đời từ một cuộc hợp tác giữa Ts Nguyễn Quang Phách lúc còn phục vụ ở Viện Biển Nha Trang, nguời chịu trách nhiệm khoa học ở Công ty Yến sào Khánh Hoà, và Ts Jean François Voisin, Giảng sư ở Phân khoa Chim chóc thuộc Viện Quốc gia Vạn vật học Paris.

Tôi còn nhớ một hôm chị Cao Phương Dung, cán bộ nghiên cứu ở Viện Biển Nha Trang, lúc ấy đi thực tập ở Viện Hóa học các Chất Thiên nhiên tại Gif-sur-Yvette, nhân lại thăm vợ chồng chúng tôi, hỏi tôi có biết ai ở Pháp khảo cứu về chim chóc, đặc biệt về chim yến để hợp tác làm việc. Tôi không ở trong ngành nên chẳng biết ai, tuy vậy tôi cũng chịu khó lên hỏi ở Viện Quốc gia Vạn vật học Paris. Ông Voisin ân cần tiếp tôi rồi dẫn tôi đến thư viện của Phân khoa tìm kiếm. Qua nhiều bài báo, chúng tôi luôn thấy dính liền với chim yến một tên Nguyễn Quang Phách, người đã khởi xướng một chương trình khảo cứu từ năm 1981 và cũng đã bảo vệ một luận án về chim yến tổ trắng Collocalia fuciphaga germani ở Hà Nội năm 1993. Tôi tức khắc gọi điện thoại cho chị Dung, bảo chuyên gia về chim yến có ngay bên Việt Nam, khỏi cần tìm kiếm đâu ở bên Pháp xa xăm. Chị Dung cười trả lời : Anh Phách là chồng em đó ! Ở bên ta, đàn bà khi lấy chồng vẫn giữ tên con gái nên khó đoán biêt. Thế là sau đó tôi đưa chị đi thăm ông Voisin, đem theo làm quà biếu một tổ yến sào nhỏ, vàng, quí báu mà cả ông Voisin lẫn tôi chưa bao giờ thấy. Ông Voisin không chuyên về chim yến nhưng sẵn sàng cộng tác. Ông tranh thủ với Viện Quốc gia Vạn vật học gởi ông đi về Nha Trang nhiều lần cùng khảo sát với anh Phách. Công trình khảo cứu của anh Phách đã đồ sộ, thêm vào tài liệu chung thu lượm được trong những chuyến về Việt Nam của ông Voisin, lẽ tất nhiên một cuốn sách gom góp những kết quả đã đạt trong hơn 20 năm cần phải được ra đời. Chính trong thời gian dự thảo cuốn sách mà ông Voisin mời tôi tham dự về mặt hóa học vì nói đến chim yến thì phải biết về tổ yến mà hiểu cách làm tổ chưa đủ, còn cần phải biết thành phần cấu tạo của nó. Thành thử, không phải chuyên gia về chim chóc, tôi được vinh hạnh ký tên vào một cuốn sách về chim yến.

Báo chí trong ngành chim chóc đã có đánh giá về cuốn sách nầy. Trước hết là có sự ngạc nhiên một nhà xuất bản Pháp cho ra một cuốn sách chuyên khảo nghiên cứu toàn bộ bằng tiếng Anh có tầm cỡ quốc tế trên một loài chim rất độc đáo. Đây là một dịp để các tác giả tổng hợp tất cả những bài báo hiếm có đến nay đã được đăng trên cùng đề tài. Vì ít được khảo cứu ở các nước khác, những tài liệu đưa ra phần lớn là từ Việt Nam, nơi có nhiều chim yến tổ trắng hơn chim yến tổ đen. Ngoài một cuốn sách về chim ở Borneo, cuốn sách nầy là độc nhất bàn cải về chim yến (J.M.T., Alauda 3 71 2003). Đây là một cuốn sách bao trùm mọi khía cạnh về sinh vật học và dân số động lực học của một loài chim quý báu cống hiến yến hàng vừa là một món ăn bổ ích, vừa là một môn thuốc thần diệu : chỗ xây tổ trong hóc thường ở các đảo ngoài biển, chỗ kiếm mồi trên đất liền bắt chim hằng ngày phải bay hằng trăm cây số, phương cách xây tổ, chế độ thức ăn cho chim con và chim lớn nói lên một sự chọn lựa chưa thấu hiểu, sự sinh trưởng từ chim con đến khi sinh sản, chết chóc,…Tất cả các chi tiết đều được trình bày tỷ mỷ, cặn kẽ. Những nhận xét và kết quả trên thực địa đều được đem so sánh với những tài liệu trong sách vở, trước khi chỉ định một vị trí cho những chim yến Việt Nam trong khuôn khổ Bộ Chim én Apodiforme (Chr. Jouanin, Revue d’Ecologie 2 58 2003). Sách đã được viết với những kết quả khảo cứu tường tận. Những chương về tiến hóa, phân loại, hình thái hang hóc, cấu tạo tổ yến, lịch sử thương mãi không những chỉ dựa lên thực tế mà còn nêu ra nhiều phát hiện. Như nhiều nhà khảo cứu khác về hệ thống chim, các tác giả không chống lại được cám dỗ đề nghị quan điểm của mình tất nhiên có nhiều khác biệt với phép phân loại ở những công tác khác (Phil Chantler, Oriental Bird Club Bull. 37 2003).

Thị trường tổ yến ngày nay được tổ chức quanh Hồng Kông trên hơn 170 tấn tương đương với hai triệu tổ. Không trực tiếp nuôi được chim yến, người ta chỉ biết soạn sửa cho chúng phát triển đều đặn vì khi ta lấy tổ thì chim mất dịp đẻ trứng, nuôi con và sinh trưởng. Một cuốn sách khảo cứu loại nầy rất cần thiết để hiểu biết thêm về chim yến từ đấy hiệu chính cách bảo vệ chúng, tất là bảo vệ môi trường đồng thời bảo đảm nền thương mãi một nguồn lợi thiên nhiên quý báu.

 

(*)The White-Nest Swiftlet and the Black-Nest Swiftlet


A Monograph, with Special Reference to Vietnamese Populations
 
Phach NGUYEN QUANG, Yen VO QUANGJean-François VOISIN

NXB N. Boubée, 9 rue de Savoie, 75006 Paris (2002), 297 trang,  ISBN : 2-85004-103-3
 



 

© http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Võ Quang Yến