Điểm sách

Tên sách:
Émile hay là về giáo dục
Tác giả:
Jean-Jacques Rousseau
Dịch giả:
Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương
Số trang:
692 trang
Khổ sách: 16
x 24 cm
Giá bìa:
117000 VND
Tủ sách Tinh
hoa Tri thức Thế giới
Nhà xuất bản
Tri thức, tháng 7/2008
Tổng phát hành : Nhà xuất bản Trí Thức
Cuốn sách
kinh điển về giáo dục của Jean-Jacques Rousseau
1. Tác
giả - tác phẩm
Jean-Jacques
Rousseau (1712-1778), nhà triết học, nhà văn, nhà sân khấu xuất thân từ một
gia đình gốc Pháp, được nuôi dạy theo truyền thống Tin lành. Ông ham thích
các tác phầm lãng mạn và các tác phẩm của Plutarque - sử gia Hy Lạp cổ đại.
Sau nhiều năm học tập gian khổ và sau cuộc gặp gỡ có tính chất quyết định
với bà de Warens, từ cuộc sống lang thang để lại những kỉ niệm đáng yêu,
Rousseau đến với người bảo trợ ở Chambéry, rồi ở Charmettes, say mê học nhạc
và đọc sách. Ở Paris, sau những thất vọng trong xã hội phù hoa ông kết bạn
với Diderot và cộng tác với Từ điển bách khoa. Với tư cách là một
triết gia theo thuyết tự nhiên thần và nhị nguyên luận, ông đề cao tình yêu
đối với thiên nhiên và có một quan niệm bi đát về xã hội, cho rằng xã hội
văn minh làm hư hỏng con người. Tác phẩm Khế ước xã hội (1762) đã làm
cho Rousseau có vai trò quan trọng trong triết học chính trị. Rousseau đã đi
xa hơn Ch. L. Montesquieu và Voltaire trong việc bảo vệ tự do và bình đẳng
trên cơ sở hoà giải quyền tự do cá nhân với những yêu cầu của đời sống xã
hội. Theo ông, cần thiết lập một trật tự xã hội “tự nhiên”. Đây là một học
thuyết về nhà nước mà nền tảng là sự hiệp thương giữa mọi người, nhân dân có
quyền nắm chính quyền, lật đổ chúa phong kiến. Khế ước xã hội của
Rousseau đã gợi ý cho việc soạn thảo Tuyên ngôn về nhân quyền - tác
phẩm thể hiện quan điểm chính trị của cuộc cách mạng tư sản, có ảnh hưởng
đến các nhà triết học lớn của Đức như I. Kant và J. G. Fichte.
Với tư cách
là một nhà văn, ông nổi tiếng trên văn đàn với những tác phẩm như Julie
hay nàng Héloise mới (1761), Thú nhận (1782) Những mơ mộng của
một người dạo chơi cô độc (1772-1778). Những tác phẩm này thể hiện nhân
cách phức tạp của Rousseau mà "những niềm say đắm dữ dội, trào dâng" luôn
vấp phải thực tế và ràng buộc xã hội, bộc lộ rõ tư tưởng của Rousseau về
quan hệ con người trong xã hội, tạo cơ sở cho sự hình thành tính tâm lí
trong văn học châu Âu. Rousseau là đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa linh cảm
trong lí luận văn học và sân khấu, là người có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền
văn học Châu Âu không chỉ trong thời đại Khai sáng.
Émile hay
là về giáo dục
(Émile ou de
l'éducation) là sự hoà quyện giữa văn chương và triết lý. Như tiêu đề của nó
đã chỉ ra, đó là một chuyên luận về giáo dục, hay đúng hơn là một chuyên
luận về "nghệ thuật hình thành con người". Tuy nhiên, cũng có thể coi đó là
một tiểu thuyết xã hội - sư phạm với nhân vật hư cấu là cậu bé Émile. Việc
giáo dục Émile chỉ nhằm một mục đích: đào tạo một con người tự do, có khả
năng tự bảo vệ chống mọi sự gò ép khiên cưỡng; mà muốn đào tạo một con người
tự do thì chỉ có một cách duy nhất là đối xử với họ như một sinh thể tự do,
tôn trọng tự do của đứa trẻ. Chính ở chỗ này nảy sinh một sai lầm nghiêm
trọng trong cách hiểu tác phẩm, tuy rằng Rousseau đã cẩn thận phân biệt rõ
việc tôn trọng các nhu cầu tự nhiên của đứa trẻ (và tự do là nhu cầu đầu
tiên trong các nhu cầu đó) với việc thỏa mãn các ham muốn, các ý thích thất
thường của trẻ.
Bách khoa
toàn thư Việt Nam có viết: “Cùng với những vấn đề về giáo dục được đặt ra,
Rousseau phê phán nền giáo dục đương thời đàn áp nhân cách của trẻ, kể cả
dùng nhục hình. Ông cho rằng bản tính con người vốn là thiện, nhưng đã bị xã
hội bất bình đẳng huỷ hoại, nên cần xây dựng một nền giáo dục mới, phù hợp
với thiên nhiên và bản tính vốn có của con người. Nhân vật chính là Émile -
người được hưởng sự giáo dục toàn diện, trong đó thầy tôn trọng nhân phẩm
trò, giáo dục trò bằng sự thuyết phục. Tác phẩm thể hiện lòng yêu trẻ tha
thiết, tinh thần dân chủ và chủ nghĩa nhân văn, tôn trọng tự do và nhân phẩm
con người.” Tư tưởng sư phạm của Rousseau được phản ánh trong các đề án cải
cách giáo dục quốc dân của Pháp thời Cách mạng 1789 và có ảnh hưởng đến
nhiều nhà tư tưởng - sư phạm, như J. H. Pestalozzi, A. S. Makarenko, J.
Dewey v.v… Cho đến nay, Émile hay là về giáo dục vẫn là một tác phẩm
được đọc nhiều nhất và phổ cập nhất về đề tài này. Đặc biệt ở Nhật Bản,
người ta bắt buộc tất cả các giáo viên mầm non phải đọc cuốn sách này trước
khi bước vào nghề.
Tác
phẩm gồm các phần như sau:
Quyển I
(Kể
về giai đoạn bé Émile từ lúc ra đời đến lúc tập nói, tức là khoảng từ 0 đến
2 tuổi): Trong giai đoạn này, nhà giáo dục cần chăm sóc sức khỏe của bé, từ
việc ăn uống đến việc tập luyện cử động tay chân và sử dụng các giác quan.
Cần để ý tới các nhu cầu thiết yếu và những nhu cầu giả tạo có tính hình
thức và bất lợi của bé.
Quyển II
(Giai đoạn Émile từ 3 đến 12 tuổi): Chú bé Émile đang ở lứa tuổi nhi đồng.
Sự phát triển của cậu bé luôn gắn với các trò chơi giáo dục, chơi mà học,
các hình thức giải trí, trò chơi vận động… được nhà giáo dục áp dụng. Tuy
nhiên cần để ý là trí óc của bé Émile còn non nớt, cho nên các hình thức
giáo dục chủ yếu vẫn là cho nó chơi. Chú bé Émile không chỉ học tập qua sách
vở mà quan trọng nhất là qua kinh nghiệm cuộc sống và môi trường xung quanh.
Quyển III
(Giai đoạn Émile từ 12 đến 15 tuổi): Cậu bé Émile được giáo dục chẳng những
qua sách vở, qua kinh nghiệm cuộc sống, mà còn được học kiến thức thực
nghiệm hướng nghiệp cho nghề nghiệp tương lai. Cậu được học toán học, tự
nhiên học, khoa học thực nghiệm để nắm vững các tri thức và ứng dụng vào đời
sống. Cậu còn được học môn lịch sử nhân loại, môn tâm lý học ứng dụng để ứng
xử mọi tình huống xảy ra trong đời sống hằng ngày. Cậu bé Émile đang đi vào
tuổi trưởng thành cho nên việc phát triển tư duy logic, tư duy lý luận, phân
tích và tổng hợp… được các nhà giáo dục coi trọng.
Quyển IV (15
đến 20 tuổi: tuổi của lý trí và những đam mê): Cậu bé cần được hưởng nền
giáo dục đạo đức (trong đó có cả giáo dục giới tính, giáo dục thẩm mỹ…) và
giáo dục tôn giáo để bước vào thế giới của người lớn mà không ngỡ ngàng, vấp
váp.
Quyển V
(Émile 20 đến 25 tuổi - độ tuổi khôn lớn và hôn nhân): Rousseau kể chuyện
về Sophie, người sẽ là vị hôn thê tương lai của Émile. Như vậy Rousseau
dành riêng quyển cuối cùng này để nói về giáo dục các em gái.
2. Thông
tin về dịch giả
2.1. Dịch
giả Lê Hồng Sâm
Dịch giả Lê
Hồng Sâm sinh năm 1930, từng dạy tại khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp,
Chủ nhiệm bộ môn văn học Pháp. Bà đã tham gia vào nhiều hoạt động nghiên cứu
và dịch thuật các tác phẩm của Pháp, chẳng hạn như là đồng chủ biên Tuyển
văn học Pháp thế kỷ XIX, NXB Thế giới, 1997 (sách song ngữ), chủ biên
dịch và giới thiệu Tấn trò đời (Balzac), 16 tập, NXB Thế giới,
1999-1001. Riêng về sách dịch, bà đã dịch và giới thiệu trên dưới 20 tác
phẩm văn học Pháp tới bạn đọc Việt Nam, mà gần đây nhất là các cuốn
Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa (Đới Tư Kiệt), NXB Văn học, 2003;
Nữ hoàng (Sơn Táp), NXB Hội nhà văn, 2007; Bản mệnh của lý thuyết
(Antoine Compagnon), NXB Đại học Sư phạm, 2006. Có thể nói, bà đã có nhiều
đóng góp nghiêm túc trong việc trao đổi văn hoá giữa hai nước Pháp Việt.
2.2. Dịch
giả Trần Quốc Dương
Sinh năm
1935
Nghề nghiệp:
giáo viên trung học, trưởng phòng nghiên cứu giáo dục so sánh, Viện Khoa học
Giáo dục (1979-1990), Tiến sĩ Giáo dục học (Berlin 1984). Đã từng tham gia
dịch bộ Tấn trò đời (Balzac), và một số sách thiếu nhi.
MỤC LỤC
Bùi Văn
Nam Sơn
giới thiệu
“ÉMILE HAY
LÀ VỀ GIÁO DỤC” - MỘT TRIẾT LÝ GIÁO DỤC NHÂN BẢN: DẠY VÀ HỌC LÀM NGƯỜI
Lê Hồng
Sâm dịch
LỜI NÓI ĐẦU
QUYỀN MỘT
QUYỂN HAI
QUYỀN BA
Trần Quốc
Dương dịch
QUYỂN BỐN
QUYỂN NĂM
Trích
sách: Émile hay là về giáo dục, trang 25
LỜI NÓI ĐẦU
Tập sách gồm những suy tư và quan sát này, không thứ tự và hầu như không
mạch lạc, được khởi thảo để chiều lòng một bà mẹ hiền biết suy nghĩ. Thoạt
tiên tôi chỉ dự định viết một bài thuyết minh chừng vài trang; do đề tài lôi
cuốn tôi ngoài ý muốn, bài thuyết minh dần dà thành một công trình hẳn là
quá to tát đối với nội dung của nó nhưng lại quá nhỏ bé đối với vấn đề mà nó
bàn luận. Tôi đã cân nhắc rất lâu việc công bố nó; và trong khi soạn thảo,
nhiều lần nó đã khiến tôi cảm nhận rằng từng viết vài tập mong mỏng không đủ
để biết cấu thành một cuốn sách. Sau nhiều nỗ lực vô bổ để làm tốt hơn, tôi
cho rằng phải đưa nó ra đúng như nó vốn thế, bởi xét thấy cần hướng sự chú ý
của công chúng về phía đó; và xét rằng, dù các ý tưởng của tôi có dở, song
nếu tôi làm nảy ra được những ý tưởng hay ở người khác, thì tôi không hoàn
toàn uổng phí thì giờ của mình. Một con người, từ nơi ẩn cư, tung những
trang viết của mình ra với công chúng, không người ca ngợi hưởng ứng, không
có phe phái bênh vực, thậm chí chẳng biết mọi người nghĩ gì hoặc nói gì về
những trang viết ấy, thì nếu như có lầm lẫn, cũng chẳng phải sợ mọi người
chấp nhận những sai lầm đó mà không kiểm tra xem xét.
Tôi sẽ nói ít về tầm quan trọng của một sự giáo dục tốt; tôi cũng sẽ không
dừng lại để chứng minh rằng sự giáo dục hiện hành là dở; hàng ngàn người
khác đã làm việc đó trước tôi, và tôi không thích viết đầy một cuốn sách
những điều mà ai cũng biết. Tôi chỉ nhận xét rằng, từ lâu lắm rồi, chỉ có
một sự kêu ca phàn nàn về cách làm đã được xác lập, mà không người nào tính
đến chuyện đề xuất một cách làm tốt hơn. Văn chương và tri thức thời đại
chúng ta có khuynh hướng phá hủy nhiều hơn là xây dựng. Người ta chỉ trích
với giọng ông thầy; để đề xuất, phải dùng một giọng điệu khác, mà triết lý
cao ngạo không ưa thích lắm. Mặc dù đã có bao nhiêu sách vở, như người ta
nói, chỉ nhằm mỗi mục tiêu là công ích, song lợi ích đầu tiên của mọi lợi
ích, là nghệ thuật đào tạo con người, hãy còn bị lãng quên. Đề tài của tôi
hãy còn hoàn toàn mới mẻ sau cuốn sách của Locke,
và tôi rất sợ là nó vẫn còn mới mẻ sau cuốn sách của tôi.
Người ta không hề hiểu biết tuổi thơ: dựa trên những ý tưởng sai lầm của ta
về tuổi thơ, thì càng đi, càng lạc lối. Những bậc hiền minh nhất chuyên chú
vào những điều con người cần biết, mà không coi trọng những điều trẻ con có
thể học được. Họ luôn tìm kiếm người lớn trong đứa trẻ, mà không nghĩ về
hiện trạng của đứa trẻ trước khi nó là người lớn. Đó là điều tôi đã chuyên
tâm nghiên cứu hơn cả, để nếu như toàn bộ phương pháp tôi đề xuất có sai lầm
và hão huyền, thì mọi người vẫn có thể lợi dụng được các quan sát của tôi.
Tôi có thể đã nhìn rất kém điều cần làm; nhưng tôi cho rằng mình đã nhìn rõ
chủ thể mà trên đó ta cần thao tác. Vậy xin các vị hãy bắt đầu bằng việc
nghiên cứu kỹ hơn các học trò của mình; bởi chắc chắn rằng các vị không hề
hiểu chúng; mà nếu các vị đọc cuốn sách này với ý đó, thì tôi nghĩ cuốn sách
chẳng phải là vô ích đối với các vị.
Về những gì mà người ta sẽ gọi là phần hệ thống, ở đây chẳng là gì khác
ngoài sự vận hành của tự nhiên, đó chính là điều sẽ khiến độc giả khó nghĩ
nhất; chắc người ta cũng sẽ công kích tôi ở điều này, và có lẽ họ không sai
đâu. Người ta sẽ nghĩ rằng mình đang đọc những mơ mộng của một nhà ảo tưởng
về giáo dục hơn là một khảo luận về giáo dục. Làm thế nào được? Tôi không
căn cứ vào các ý tưởng của người khác mà viết; tôi căn cứ vào các ý tưởng
của mình. Tôi không hề nhìn như những người khác; từ lâu người ta đã trách
tôi về điều này. Nhưng việc cho mình những con mắt khác, những ý tưởng khác,
có tùy thuộc vào tôi hay chăng? Không. Tùy thuộc vào tôi là việc đừng tự tán
thành, đừng tưởng rằng riêng mình khôn ngoan hơn toàn thể thiên hạ; tùy
thuộc vào tôi, không phải việc thay đổi cảm nghĩ, mà là nghi ngờ cảm nghĩ
của mình: đó là tất cả những gì tôi có thể làm, và là những gì tôi đang làm.
Nếu đôi khi tôi lấy giọng quả quyết, thì đó không hề là để áp đặt với độc
giả; đó là để nói với độc giả giống như tôi nghĩ. Tại sao tôi lại đề xuất
dưới hình thức nghi vấn điều mà, về phần mình, tôi chẳng hề nghi ngờ? Tôi
nói đúng điều đang diễn ra trong đầu óc mình.
Trong khi trình bày một cách thoải mái cảm nghĩ của mình, tôi rất ít muốn
cảm nghĩ ấy có uy quyền, thành thử tôi luôn kèm theo đó các lý lẽ của tôi,
để mọi người cân nhắc chúng và xét đoán tôi: nhưng, dù tôi không hề định
khăng khăng bênh vực các ý tưởng của mình, tôi vẫn cho rằng mình buộc phải
đề xuất chúng; bởi các phương châm mà về chúng tôi có ý kiến trái ngược với
ý kiến những người khác không hề vô sự. Chúng thuộc những phương châm mà ta
cần phải biết là đúng hay sai, những phương châm tạo nên hạnh phúc hay bất
hạnh cho loài người.
Hãy đề xuất điều gì có thể làm được, người ta không ngừng nhắc đi nhắc lại
với tôi như vậy. Cứ như thể người ta bảo tôi: hãy đề xuất làm điều người ta
đang làm; hoặc chí ít hãy đề xuất điều thiện nào đó dung hòa được với điều
ác hiện hữu. Một dự án như thế, về một số vấn đề, còn hão huyền hơn các dự
án của tôi rất nhiều; bởi, trong sự dung hòa ấy, cái thiện hỏng đi, còn cái
ác không chữa khỏi. Chẳng thà tôi nhất nhất tuân theo cách làm đã được xác
lập, còn hơn là có một cách làm tốt nửa vời; như vậy trong con người có lẽ
sẽ ít mâu thuẫn hơn; con người không thể đồng thời hướng về hai mục đích đối
lập. Hỡi các bậc cha mẹ, điều có thể làm được là điều các vị muốn làm. Tôi
có phải chịu trách nhiệm về ý muốn của các vị hay không?
Trong mọi loại dự án, có hai điều cần xem xét: thứ nhất, tính tốt đẹp tuyệt
đối của dự án; thứ hai, tính dễ dàng của việc thực hiện.
Về điều thứ nhất, để cho bản thân dự án có thể được chấp nhận và bản thân nó
có thể thực thi, chỉ cần những gì tốt đẹp ở nó thuộc về bản chất của sự vật;
thí dụ như ở đây, sự giáo dục được đề xuất cần phù hợp với con người, và rất
thích ứng với lòng người.
Điều thứ hai phụ thuộc vào các quan hệ nhất định trong một số tình thế: đó
là những quan hệ ngẫu nhiên với sự vật, do vậy, chúng không hề là tất yếu,
và có thể biến thiên đến vô tận. Chẳng hạn sự giáo dục này có thể thực thi
tại Thụy Sĩ, mà không thực thi được tại Pháp; sự giáo dục kia có thể thực
thi ở tầng lớp thị dân, còn sự giáo dục nọ ở giới quyền quý. Tính dễ dàng
nhiều hay ít của việc thi hành phụ thuộc vào hàng ngàn trường hợp không thể
xác định bằng cách nào khác ngoài việc ứng dụng riêng biệt phương pháp cho
xứ sở này hay xứ sở nọ, cho trạng thái này hay trạng thái nọ. Mà tất cả
những sự ứng dụng riêng biệt ấy, do không thiết yếu đối với đề tài, nên
không ở trong kế hoạch của tôi. Những người khác có thể lo điều đó nếu họ
muốn, mỗi người lo cho Xứ sở hoặc Quốc gia mà họ sẽ nhằm tới. Đối với tôi,
chỉ cần nơi đâu sẽ ra đời những con người, ta có thể đào tạo họ theo những
gì tôi đề xuất; và trong khi đào tạo họ theo những gì tôi đề xuất, ta đã làm
điều tốt nhất cả cho họ cả cho người khác, thế là đủ. Nếu tôi không làm trọn
lời hứa này, chắc hẳn là tôi sai trái; nhưng nếu tôi làm trọn lời hứa, thì
mọi người cũng sai trái khi đòi hỏi nhiều hơn ở tôi, bởi tôi chỉ hứa có vậy
mà thôi.
|