Nhân đọc cuốn "Đường thi trích dịch"

Vietsciences-Bùi Trọng Liễu          18/05/2007
 

Những bài cùng tác giả

Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nhà xuất bản Văn học vừa xuất bản cuốn « Đường thi trích dịch » của hai tác giả Đỗ Bằng Đoàn (dịch nghĩa và chú giải) và Bùi Khánh Đản (dịch vần), tháng 7 năm 2006, dày 1271 trang, khổ 16x24 cm, in rất đẹp, bìa cứng, trang nhã, giá 129 000 đ. Tôi không biết nên gọi là « xuất bản » hay là « tái bản », vì cuốn này vốn đã được in ronéo 300 cuốn tại Sài Gòn năm 1959 lúc sinh thời của hai tác giả.

Tôi vốn không phải là người hiểu biết nhiều về thơ văn, sao lại viết mấy dòng này ? Bởi vì có một « cơ duyên » . Vốn là cách đây đã khoảng gần hai năm, tình cờ tôi đọc được một bức thư của GS Mai Quốc Liên, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – mà tôi chỉ gặp có một lần duy nhất trong vài phút trong một buổi hội họp ở Paris cách đây đã vài năm – gửi chung trên mạng : ông đặt câu hỏi tìm xem có ai biết tông tích gia đình của hai tác giả, để liên lạc xin sự đồng ý để xuất bản. Quê cụ Đỗ Bằng Đoàn vốn gần quê tôi ; thuở xưa gia đình cũng là chỗ quen biết ; một con trai của cụ lại có thời là bạn học với tôi trong vài tháng ở trường Nguyễn Khuyến vào năm 1949 trong thời kháng chiến chống Pháp, thuở chúng tôi còn niên thiếu – và cũng vì thế mà tôi đã có dịp viết bài « Về một ông Thành hoàng », tổ tiên của họ Đỗ này, đăng trên báo Thời Đại số 7, năm 2002.  Sự tình cờ này làm tôi bỗng nhiên trở thành một mắt xích trung gian. Trong chiến tranh và sau chiến tranh, gia đình của hai (cố) tác giả, vốn đông, lại phân tán định cư ở nhiều nước, nên đã phải một thời gian tìm kiếm mới bắt được đủ liên lạc. Rồi rốt cục, với sự thỏa thuận của gia đình hai tác giả, cuốn sách đã được Trung tâm Nghiên cứu Quốc học đưa in, và hôm nay, tôi đã được một bản để đọc.

Trong Lời giới thiệu, GS Mai Quốc Liên có mấy đoạn viết : Mặc dù hàng ngàn năm đã trôi qua, thơ Đường vẫn giữ vẻ đẹp tươi thắm, sức quyến rũ, chiều sâu triết học …của nó. […]. Tiếng Việt với trên 70%  từ gốc Hán vốn mượn âm Trường An thời Đường Tống (thế kỉ IX-X), đã vô cùng thuận lợi để tiếp nhận thơ Đường. […]. Đã vậy, Việt Nam còn « bứng trồng », « tiếp biến » thơ Đường vào thơ Việt, để có thơ Đường luật ở ta …Bao nhiêu thời gian, bao nhiêu thăng trầm, duyên nợ ; đến nay, giữa lúc bao nền văn hóa khác vào ta và văn hóa Việt cũng đã biến đổi nhiều, thơ Đường vẫn giữ được vị trí hàng đầu của mình trong tâm thức Việt Nam.

Chắc không cần nói thêm.

Về nội dung, cuốn sách cho cảm tưởng là một công trình sưu tầm và chú giải công phu. Phần đầu cuốn sách dành cho tiểu truyện của 133 nhà thơ của cả bốn thời kỳ : Sơ Đường (618-712), Thịnh Đường (713-765), Trung Đường (766-835), Vãn Đường (836-907). Tiếp theo là các bài thơ, xếp theo thứ tự : thất ngôn luật, thất ngôn tuyệt cú, ngũ ngôn luật, ngũ ngôn tuyệt cú, ngũ ngôn bài luật, trường thiên cổ thể. Tổng cộng là 503 bài. Mỗi bài được chép lại bằng ch Hán, phiên âm ra tiếng Việt, dịch vần, và dịch nghĩa kèm với chú thích. Các bài thơ dịch vần không nhất thiết theo Đường luật, mà nhiều bài dịch thành thơ lục bát.

Cuối cuốn sách còn có thêm một Niên biểu, ghi những sự kiện lớn của thơ Đường, do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học dịch từ Đường thi đại từ điển của nhà xuất bản Giang Tô Cổ Tịch in năm 1992.

Tôi là kẻ vừa đọc vừa học, thấy thích thú ; tuy không dám khẳng định, nhưng có cảm tưởng là nhng ai yêu thơ Đường hẳn vừa lòng khi có cuốn sách này trong tay. 

Đã đăng trên Diễn Đàn Forum (Zidol)

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Bùi Trọng Liễu