DÂN CHỦ VÀ GIÁO DỤC
Một dẫn nhập vào triết lý giáo dục

    

Điểm sách

 


NHÀ XUẤT BẢN TRI THỨC TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU

Tên sách: Dân chủ và giáo dục, Một dẫn nhập vào triết lý giáo dục
Tác giả: John Dewey
Dịch giả: Phạm Anh Tuấn
Số trang: 450
Khổ sách: 16 x 24 cm
Giá bìa: 75.000 VND
Nhà xuất bản Tri thức, 2008
Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới

***


 

 

 

I. Tác giả:
 

John Dewey là một nhà triết học thuộc chủ nghĩa thực dụng, nhà tâm lý học và là nhà giáo dục thường được coi là cha đẻ của phong trào cải cách giáo dục, sinh ngày 20 tháng Mười năm 1859 tại Burlington, Vermont, Hoa Kỳ. Năm 1875, Dewey vào học ở Đại học Vermont và nhận bằng cử nhân ở đây. Năm 1894, Dewey chuyển đến Đại học Chicago với vai trò là Trưởng khoa Triết học, Tâm lý và Giáo dục học. Năm 1896, ông thành lập Đại học Thực nghiệm, ngày nay được biết đến nhiều hơn với tên gọi “Trường Dewey”. Dewey rời Chicago đến Columbia vào năm 1904 do có xung đột về cách quản lý Trường Thực nghiệm. Sau đó, ông trở thành một triết gia, một nhà giáo dục xuất chúng được nhiều người biết tới. Dewey nghỉ hưu vào năm 1930, mặc dù ông tiếp tục giữ cương vị giáo sư danh dự cho đến năm 1939; ông vẫn hoạt động cống hiến không ngừng cho đến khi qua đời vào ngày 1 tháng Sáu năm 1952 trong ngôi nhà của mình ở New York.
 

II. Tác phẩm:
 

“Cuốn sách này là kết quả của một nỗ lực nhằm phát hiện và trình bày những quan niệm gắn liền với một xã hội dân chủ, và vận dụng các quan niệm đó vào những vấn đề của hoạt động giáo dục. Cuốn sách chỉ rõ những mục tiêu và phương pháp kiến tạo của nền giáo dục công lập xét từ quan điểm nói trên, và đưa ra đánh giá có tính phê phán các lý luận về nhận thức và sự phát triển đạo đức. Các lý luận đó đã được phát biểu trong những điều kiện xã hội trước đó song vẫn tiếp tục có hiệu lực trong những xã hội mang danh xưng dân chủ và cản trở việc thực hiện đầy đủ cái lý tưởng dân chủ.”
Việc phân chia xã hội thành nhiều giai cấp gây nên hậu quả tai hại là tạo ra những sự phân ly có tính nhị nguyên, đang cản trở sự phát triển của giáo dục (như sự đối lập giữa hoạt động chân tay và hoạt động trí óc, giữa "văn hóa" và "học nghề"…). Chúng đưa đến quan niệm sai lầm rằng nội dung giáo dục là gồm nhiều lĩnh vực cô lập với nhau và có giá trị khác nhau đối với đời sống xã hội. Nguyên nhân sâu xa của sự đối lập này là xem Tinh thần, hành động và bản tính tự nhiên là khác nhau về bản chất.
Triết lý [giáo dục] của Dewey cho rằng tinh thần con người tìm thấy nguồn gốc và cả chức năng của mình ở trong hoạt động kiến tạo môi trường sống chung quanh, nơi đó thể xác và tinh thần, tư duy và kinh nghiệm, cá nhân và cộng đồng, môi trường vật lý và môi trường xã hội không được phép tách biệt và tháo rời khỏi nhau.
“Như [nội dung] cuốn sách này sẽ dần dần bộc lộ, triết lý được trình bày ở đây gắn sự trưởng thành của dân chủ với sự phát triển của phương pháp thực nghiệm trong các môn khoa học, các khái niệm về tiến hóa của khoa sinh học, và sự tái tổ chức lại nền công nghiệp, đồng thời chỉ ra những thay đổi trong nội dung và phương pháp của giáo dục do sự đòi hỏi của những phát triển đó.”
 


III. Mục lục

John Dewey, Giáo dục chính là cuộc sống
Lời người dịch

 

Lời nói đầu
Chương I
Giáo dục xét như là một tất yếu của sự sống
Chương II
Giáo dục xét như là một chức năng xã hội
Chương III
Giáo dục xét như là điều khiển
Chương IV
Giáo dục xét như là sự tăng trưởng
Chương V
Sự chuẩn bị, sự bộc lộ và Chương VI
Nền giáo dục bảo thủ và nền giáo dục tiến bộ
Chương VII
Khái niệm dân chủ trong giáo dục
Chương VIII
Mục tiêu trong giáo dục
Chương IX
Sự phát triển tự nhiên và hiệu quả xã hội xét như là mục tiêu
Chương X
Hứng thú và kỷ luật
Chương XI
Kinh nghiệm và tư duy
Chương XII
Tư duy trong giáo dục
Chương XIII
Bản chất của phương pháp
Chương XIV
Bản chất của nội dung
Chương XV
Giải trí và làm việc trong chương trình học của nhà trường
Chương XVI
Ý nghĩa của môn địa lý và môn lịch sử
Chương XVII
Khoa học trong chương trình học
Chương XVIII
Giá trị của giáo dục
Chương XIX
Lao động và nhàn hạ
Chương XX
Môn học lý thuyết và môn học thực hành
Chương XXI
Các môn học tự nhiên và các môn học xã hội: Thuyết duy tự nhiên và thuyết nhân văn
Chương XXII
Cá nhân và thế giới
Chương XXIII
Những khía cạnh nghề nghiệp của giáo dục
Chương XXIV
Triết lý giáo dục
Chương XXV
Những lý luận về nhận thức
Chương XXVI
Những lý luận về đạo đức

Mục lục vấn đề và nội dung thuật ngữ
Niên biểu tóm tắt về cuộc đời và tác phẩm của John Dewey

 

IV. LỜI NGƯỜI DỊCH
 

Tôi có vinh dự xen lẫn niềm vui cá nhân khi được tiếp cận cuốn Dân chủ và giáo dục của John Dewey với tư cách một dịch giả. Một người “ngoại đạo” như tôi được đảm nhận dịch một tác phẩm được coi là quan trọng nhất của triết gia – nhà giáo dục khởi xướng trào lưu Tân giáo dục tại Mỹ và châu Âu vào cuối thế kỷ XIX thì quả là niềm hân hạnh lớn. Tròn hai mươi năm trước – năm 1988 – cuộc đời đã tình cờ cho tôi có dịp quan sát và tìm hiểu ở phạm vi gần một cơ sở thực nghiệm giáo dục tại Việt Nam có nhiều nét tương đồng về triết lý giáo dục (dù sự hình thành có thể khác nhau) với trường học thực nghiệm giáo dục của John Dewey tại Chicago trước đó hơn tám chục năm (Chicago Laboratory School of Education). Sự tương đồng được thấy ở quan niệm coi trẻ em là trung tâm thay vì người thầy trên bục giảng. Sự phản hồi xã hội trước hai trường học thực nghiệm này thật thú vị. Ở Mỹ, người ta tưởng rằng đề cao trẻ em tức là để cho chúng tự do thể hiện (express themselves freely). Ở Việt Nam, hầu hết mọi người đều đinh ninh rằng tôn trẻ em lên vị trí cao nhất có nghĩa là làm hư chúng. Thực thể thực nghiệm giáo dục tại Việt Nam mà tôi đang nói tới là Trường Thực nghiệm Giáo dục Phổ thông (Experimental School of General Education) được thành lập năm 1978 tại Hà Nội mà người hiệu trưởng đầu tiên là Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại. Trường thực nghiệm của John Dewey tồn tại trong hơn bốn năm. Trong bốn năm ấy trường thực nghiệm đã giúp cho John Dewey có chất liệu để viết cuốn sách về giáo dục quan trọng đầu tiên của ông The School and Society (Nhà trường và xã hội). Trường thực nghiệm tại Hà Nội vẫn tiếp tục tồn tại cho đến hôm nay, trên danh nghĩa, và từ lâu đã bắt đầu gia nhập dòng giáo dục “chủ lưu”. Trong cuốn tiểu thuyết Tìm lại thời gian đã mất của nhà văn Pháp Marcel Proust, nhân vật chính – người kể chuyện đã bị ký ức đột ngột hiện về xâm chiếm khi anh ta bắt gặp mùi vị của chiếc bánh madeleine nhúng vào tách trà nóng… Có lẽ tôi đã ở trong tâm trạng tương tự trong thời gian dịch cuốn sách này. Đối với tôi, quãng thời gian thực hiện bản dịch tưởng như là một chuyến đi trở về hai mươi năm trước. Nhiều câu hỏi và sự băn khoăn của ngày ấy đã phần nào tìm được lời giải đáp ở trong cuốn sách này.

John Dewey cho rằng nhà trường không phải là nơi được xây dựng để làm chỗ cho trẻ em đến đó học. Nhà trường chính là môi trường sống của ngày hôm nay. Không có sự tháo rời giữa nhà trường và cuộc đời thực bên ngoài. Hai mươi năm trước, khẩu hiệu của Trường Thực nghiệm Giáo dục Phổ thông tại Việt Nam là: “Hạnh phúc đi học.” Hơn tám chục năm trước đó, John Dewey đã viết: “Nếu được đề nghị nêu đâu là sự cải cách cấp thiết nhất về ý nghĩa đích thực của giáo dục, tôi sẽ đáp: ‘Hãy chấm dứt coi giáo dục như là sự chuẩn bị đơn thuần cho cuộc sống tương lai, hãy coi giáo dục như là ý nghĩa đầy đủ của đời sống đang diễn ra trong hiện tại’.” (The Philosophical Review, Vol.2, No. 6, Nov., 1893: Tạp chí Triết học, Tập 2, Số 6, Tháng 11 năm 1893).
 

Nhưng John Dewey – người khởi xướng trào lưu Tân giáo dục lại cảnh giác và cảnh báo những nguy cơ đến từ chính Tân giáo dục. Ngay từ đầu, ông đã luôn giữ khoảng cách với phe “lãng mạn” của trào lưu này. Ông cho rằng Tân giáo dục không chỉ đơn giản là sự chống lại nền giáo dục truyền thống bởi điều đó lại dẫn đến một tình thế nhị nguyên, một sự phân đôi còn tai hại hơn. Đúng ra, Tân giáo dục còn “nghiêm ngặt”, “khắt khe” hơn về phương pháp, so với nền giáo dục truyền thống, và thật thú vị là tuy John Dewey đề cao trẻ em song ông đòi hỏi rất nhiều ở người thầy. “Hãy tôn trọng trẻ em, tôn trọng chúng đến cùng, song hãy tôn trọng cả bản thân chúng ta [người lớn] nữa.” (Dân chủ và giáo dục, Chương IV, John Dewey dẫn lời của Emerson). Người thầy phải có khả năng cùng một lúc nhìn thế giới bằng con mắt của trẻ em và con mắt của người lớn. “Giống như cô bé Alice lạc vào Xứ sở Diệu kỳ, người thầy phải cùng trẻ em bước vào mặt sau của chiếc gương, bước vào chiếc kính lăng trụ của trí tưởng tượng, nhìn mọi sự bằng con mắt của trẻ em với mọi hạn chế bắt nguồn từ kinh nghiệm riêng của chúng; thế nhưng, bởi người thầy tất yếu phải bước ra khỏi chiếc gương đó, vì thế mà người thầy còn phải đủ khả năng khôi phục lại cách nhìn theo quan điểm của người lớn để cung cấp cho trẻ em những mốc tri thức và phương tiện của phương pháp.” (Tạp chí Perspectives của UNESCO, vol XXIII, no.1-2, 1993, tr. 277-193).

Nguyên lý về tính liên tục (continuity) và tính tương tác (interaction) trong Lý thuyết Kinh nghiêm (Theory of Experience) của John Dewey đã thủ tiêu hoàn toàn thuyết nhị nguyên từng tồn tại dai dẳng cùng những tác hại của nó trong giáo dục kể từ thời cổ đại với giáo dục theo kiểu Plato. Sự thủ tiêu mọi thuyết nhị nguyên hoặc những sự đối lập nhị nguyên còn đưa ông đến một lý luận mới về sự hình thành nhận thức (epistemology), một lý luận về logic của sự truy tìm nhận thức (theory of inquiry). Như tôi biết, đây là hai đóng góp lớn nhất của John Dewey cho triết lý giáo dục nói riêng.

Triết học của John Dewey phát triển lên từ kinh nghiệm thông thường và có thể kiểm chứng được bằng kinh nghiệm thông thường, vì thế triết học của ông không chỉ thích hợp với sự nghị luận trong giới học thuật mà còn còn có thể thích hợp với bất kỳ ai dù làm nghề gì. Báo The New York Times ngày 3 tháng 3 năm 1925 trong bài điểm sách cuốn Experience and Nature (Kinh nghiệm và tự nhiên) của John Dewey đã viết: “Không phải ai cũng có thể hiểu được triết học của ông, nhưng hầu như ai cũng ắt phải thực hành triết học của ông trong chừng mực nào đó.”

Chuyển ngữ tư tưởng của John Dewey có khó khăn ở chỗ làm sao tránh được cách hiểu dễ sa vào sự “tầm thường hóa” các vấn đề triết học. Chữ “kinh nghiệm”, chẳng hạn, dễ khiến ta liên tưởng đến nghĩa xấu của từ này. John Dewey chú trọng tới nghĩa của câu văn hơn là tới cách hành văn. Ông thường dùng cả đoạn văn dài lê thê và “ngổn ngang” để phát biểu một ý tưởng nào đó, bởi ngay chính ông cũng đang phải vật lộn để tìm và chọn “từ” nhằm diễn đạt những điều mà cho tới khi đó còn chưa được nói tới trong triết học. Ông là kẻ vác thánh giá (crusader) đi tìm chân lý, chứ không phải là kẻ giải thích chân lý có sẵn. Vì thế, trong khi tôn trọng nguyên tắc đề cao sự nghiêm ngặt trong việc dịch các tác phẩm kinh điển, chúng tôi vẫn buộc phải thỉnh thoảng sử dụng đến dấu ngoặc vuông “[]” để làm rõ một ý hoặc để nối liền mạch một đoạn văn, song nhất quyết không phải theo nghĩa “diễn dịch” theo ý riêng. Người đọc – và nhất là người học – có quyền tham khảo, trích dẫn gần như từ nguyên tác, là một yêu cầu được chúng tôi đề cao, đặc biệt khi mà cuốn sách chắc hẳn sẽ được sử dụng nhiều trong giới sư phạm “mô phạm”.

Đối với người đọc vì mục đích nghiên cứu, phần “Mục lục vấn đề và nội dung thuật ngữ” nằm ở cuối cuốn sách sẽ giúp ích phần nào. Tại đây, người đọc có thể dễ dàng tra cứu, tìm vị trí xuất hiện của thuật ngữ hoặc vấn đề liên quan trong cuốn sách. Bên cạnh đó, phần “Niên biểu tóm tắt cuộc đời và tác phẩm của John Dewey” sẽ giúp người đọc có được hình dung tương đối tổng thể về tác giả của tác phẩm này.

Cuối cùng, như là vấn đề cố hữu của triết học, các thuật ngữ và vấn đề triết học có đời sống tồn tại riêng đối với mỗi một nhà triết học. Nội dung thuật ngữ vừa bị ấn định theo mỗi nhà triết học, nhưng đồng thời chúng lại không ngừng diễn biến. Vì thế mà sự trao đổi và tranh luận đến cùng nên là tinh thần được duy trì liên tục, thậm chí đôi khi tranh luận không phải để đi đến sự đồng thuận.

Dù chỉ trong khuôn khổ hẹp của một bản dịch, mối quan hệ giữa người dịch và biên tập viên của nhà xuất bản bao giờ cũng có tầm quan trọng đặc biệt. Người biên tập không phải là người đứng ở ngoài “soi xét” bản dịch, họ thực sự còn là người tham gia mà không vi phạm tới “tự do” của người dịch. Trên tinh thần đó, tôi muốn cảm ơn chị biên tập viên vì sự giúp đỡ thiết thực và hiệu quả, và vì rất nhiều thời gian cùng sự kiên nhẫn mà chị đã dành cho tôi.

Cuối cùng, xin cảm ơn Nhà xuất bản Tri thức đã cho tôi cơ hội có được vinh dự và niềm vui dịch tác phẩm quan trọng này!
 

Phạm Anh Tuấn
Hà Nội, mùa xuân 2008


Tổng phát hành : Nhà xuất bản Trí Thức

 

           

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org