Âm nhạc cổ truyền Việt Nam qua báo chí nửa sau tk XX[*]

Vietsciences- Thân Trọng Bình   19/09/2011

 

Điểm sách

Những bài cùng tác giả Vĩnh Phúc

 

 

Là một đề tài nghiên cứu mang tính tổng lược và nhận xét các bài viết về Âm nhạc cổ truyền Việt Nam được tuyển chọn trên các báo chí nửa sau thế kỷ XX của các tác giả thuộc nhiều lĩnh vực như âm nhạc học, dân tộc học, xã hội học, văn hoá học… Có thể nói, tập sách Âm nhạc cổ truyền Việt Nam qua báo chí nửa sau thế kỷ XX của NGƯT. ThS. Vĩnh Phúc là một tổng hợp luận, khoa học và mang tính thuyết phục.

Với tiêu chí được xác định của tác giả là không với mục đích tóm tắt nội dung các bài viết mà chủ yếu là nêu vấn đề mà các bài viết đề cập để phân tích, so sánh, quan trọng nhất là các quan niệm tương đồng và khác biệt giữa các tác giả khi nghiên cứu cùng một thể loại của nền Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, trên cơ sở đó, tác giả đã mạnh dạn nêu lên những nhận xét của riêng mình, bao hàm cả những nhận xét đồng tình, chưa thực sự đồng tình và không đồng tình.

Cái bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc cổ truyền dân gian và âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp Việt Nam nửa sau thế kỷ XX (theo tiêu chí quy phạm của tác giả về nền âm nhạc truyền thống Việt Nam) đã được tác giả tổng lược theo trình tự logich, nối kết với nhau thành một xâu chuổi sự kiện, xâu chuổi đề tài, xâu chuổi thể loại và điều đáng nói là giúp cho những người quan tâm có thể hình dung ra được các tác giả nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam trong suốt hơn 50 năm qua đã làm được điều gì và những gì cho công cuộc khơi nguồn để tìm lại các giá trị chân chính, vẻ đẹp tự nhiên của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Nội dung công trình đã thống nhất được với mục đích, yêu cầu, cung cấp một lượng thông tin tư liệu đáng quý và những hiểu biết cơ bản về nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, giúp cho các đối tượng quan tâm hiểu rõ công tác nghiên cứu, lý luận về âm nhạc cổ truyền dân gian và âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, đặc biệt là hiểu rõ các thế hệ nghiên cứu, lý luận đi trước đã làm được điều gì, ưu điểm, hạn chế, điều đó giúp chúng ta và các thế hệ kế tiếp có cơ sở để kế thừa, phát huy công tác nghiên cứu, lý luận âm nhạc dân gian Việt Nam - một lĩnh vực luôn vẫn là rất mới đối với những người có quá nhiều kiến thức âm nhạc phương Tây và thiếu quá nhiều kiến thức âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Đúng như tác giả công trình này đã nói rằng, đa số các bài viết đều sử dụng kiến thức âm nhạc phương Tây để trình bày các vấn đề về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, đây vừa là nhược điểm, vừa là cái phổ biến trong các bài viết - Tôi hoàn toàn tán đồng và thực sự thú vị vì cách nhìn nhận, phân tích của tác giả về việc này. Theo tác giả, nhiều bài viết đã xem xét, quy chiếu giá trị của âm nhạc cổ truyền Việt Nam trên cơ sở lý thuyết của âm nhạc phương Tây.

Bằng phương pháp tổng lược, so sánh, nhận xét các bài viết nghiên cứu tiêu biểu về Âm nhạc cổ truyền dân gian và Âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp Việt Nam của nửa sau thế kỷ XX, tác giả đã nêu dẫn, kiến giải các vấn đề và nhận diện về công tác nghiên cứu, lý luận về nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam trong hơn 50 năm qua - Một vấn đề mà lâu nay vẫn đang là diễn đàn chưa đến hồi kết của các nhà nghiên cứu; là một tư liệu đáng quý, cung cấp cho hiện tại và hậu thế những hiểu biết cơ bản về nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam; là tiền đề thuận lợi cho các công trình nghiên cứu mới về âm nhạc cổ truyền Việt Nam cho các nhà lý luận, nghiên cứu sau này.

Đề tài, nội dung tập sách thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản, thiên về hướng chuyên khảo, gồm việc tổng lược và nhận xét, nên các vấn đề đặt ra để giải quyết bao hàm việc dẫn dắt vấn đề đáng quan tâm của từng bài viết, so sánh, đối chiếu, bình luận, đặc biệt là những suy nghĩ, kiến nghị, đề xuất của tác giả về những bất cập trong công tác sưu tầm, nghiên cứu, kiến giải và phát huy giá trị của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Ngôn ngữ súc tích và dễ hiểu, hành văn mạch lạc, tiêu chí và trình tự công trình hết sức khoa học và tất thảy những điều đó đã toát lên một minh chứng giản dị rằng tác giả đã tiến hành nghiên cứu và hoàn chỉnh khá công phu.

Âm nhạc cổ truyền Việt Nam qua báo chí nửa sau thế kỷ XX của tác giả NGƯT. ThS. Vĩnh Phúc là nguồn tư liệu đáng quý cho những người làm công tác nghiên cứu, lý luận âm nhạc, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Sách có thể dùng làm chuyên đề giảng dạy cho sinh viên âm nhạc nói chung và cũng sẽ là một cơ sở khoa học để các đồng nghiệp có thể phát huy từ nhiều góc độ khác nhau trong quá trình nghiên cứu, lý luận về nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

                                                 Huế tháng 5. 2011

                                      NGƯT. ThS. Thân Trọng Bình


[*]  Tác giả: Nhạc sĩ Vĩnh Phúc, Nxb Thuận Hóa Huế, 2011. Số trang: 441, khổ: 14.5 x 20.5.

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Thân Trọng Bình