Bài học về phương pháp nghiên cứu khoa học từ Takeo Doi:

    Hoàng Hưng dịch - Phạm Toàn giới thiệu

 

Điểm sách

 

 

 Giải phẫu sự phụ thuộc (Hoàng Hưng dịch, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2008)

 

Việc mở cửa phổ biến các tác phẩm tinh hoa kinh điển thế giới vào Việt Nam sẽ giúp bạn đọc hai điều: trước hết là học lấy những nội dung cần thiết cho việc xây dựng đất nước, bên cạnh đó, có vị trí quan trọng hơn nhiều là rút ra những bài học về phương pháp nghiên cứu khoa học.

Nước Nhật Bản bắt đầu công cuộc Duy Tân “mở cửa” ra phương Tây từ năm 1868 dưới thời hoàng đế Meiji, ban đầu tập trung vào việc “học” những tri thức tường minh thuộc kỹ thuật và công nghệ, và từ những năm 1920-30 thì bắt đầu chuyển sang những lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn “xa vời” hơn, mù mờ hơn, trong đó có Phân tâm học và những ứng dụng vào Tâm lý học chữa bệnh.

Có ba cây đại thụ trong Phân tâm học của Nhật Bản là Kosawa Heisaku với chủ đề về phức cảm Ajase (biến thái của phức cảm Oedipe mang nhiều mầu sắc Phật giáo), Kitayama Osamu về sự cấm đoán “Không được nhìn”, và Doi Takeo về những ý tưởng xoay quanh cái amae. Phong cách nghiên cứu của cả ba tác giả này luôn luôn mang tinh thần vận dụng học thuyết Freud vào hoàn cảnh Nhật Bản, chứ không “học” nước ngoài một cách giáo điều. Nhân dịp xuất bản tại Việt Nam hai công trình của Doi Takeo, cũng nên rút ra từ đó những bài học cho giới nghiên cứu Việt Nam.

Tư tưởng chỉ đạo công trình Giải phẫu sự phụ thuộc là sự đi tìm  “tư duy của người Nhật Bản” và đem “so sánh nó với tư duy phương Tây vì thấy nó không có tính logic mà mang tính trực giác… (trang 97); định hướng đó chi phối động cơ nghiên cứu của tác giả một cách rất rõ ràng.

Sau hàng chục năm hành nghề trị bệnh tâm lý, tác giả ngẫm nghĩ và phát hiện cái amae và khái niệm amae này trở thành trung tâm trong công trình Giải phẫu sự phụ thuộc. Nói một cách thô thiển, amae là trạng thái tâm lý phụ thuộc dẫn tới những hệ quả cả về tình cảm cũng như về ứng xử, một đặc trưng điển hình Nhật Bản. Khác với sự thể hiện trong cái được phương Tây gọi bằng “self” và cái “ego” với nhiều yếu tố độc lập, tự do, logic, chủ động, với người Nhật Bản trạng thái gửi trong khái niệm amae mang nhiều yếu tố nội tâm, phụ thuộc.

Tương tự như vậy, nếu như với phương Tây, các khái niệm “signifiant” và “signifié” (cái biểu đạt và cái được biểu đạt) hiện ra khá rành mạch trên bề mặt, trung lập, dễ phân tích, thì trong tâm lý người Nhật Bản, cái giri và cái ninjiô tồn tại trong một quan hệ hữu cơ với nhau, lẩn kín vào với nhau, như cái bình và chất chứa bên trong bình.

Phương pháp nghiên cứu của Takeo Doi không chỉ là chuyện ngôn ngữ, mà là sự thể hiện của tâm lý dân tộc trong lớp ngôn ngữ tồn tại và phát triển lâu đời với dân tộc.

Cách nghiên cứu của Takeo Doi cũng lý giải được vì sao người Nhật Bản lao vào hiện đại hóa đất nước song vẫn duy trì được một nền văn hóa truyền thống; vì sao một dân tộc dân chủ hóa cao độ lại vẫn chấp nhận thiết chế phong kiến mà điển hình là vẫn duy trì được lòng tôn trọng nhà vua; vì sao một dân tộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đến chân tơ kẽ tóc song lại không triệt để đòi hỏi tự do đến mức quá trớn; vì sao trong ứng xử, người Nhật Bản có vẻ như khó nói lời xin lỗi, song lại hối lỗi sâu sắc hơn người phương Tây... “So sánh với tư duy phương Tây thì nó không có tính logic mà mang tính trực giác. Tôi tin rằng điều này không thể không liên quan đến sự ngự trị của tâm lý amae ở Nhật Bản…” (trang 97).

Chúng ta còn tiếp tục học được bài học về nghiên cứu tương tự ở tác phẩm tiếp theo của Takeo Doi, Giải phẫu cái tự ngã.

 

Giải phẫu cái tự ngã (Hoàng Hưng dịch, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2008)

Việc tiếp thu cuốn sách Giải phẫu sự phụ thuộc cả về nội dung cũng như phương pháp nghiên cứu sẽ dẫn bạn đọc ngay cả với người ít được huấn luyện tâm lý học cũng dễ dàng tiếp thu sự tiếp nối của Takeo Doi trong cuốn Giải phẫu cái tự ngã.

Vẫn xuất phát từ quan điểm coi “Tâm lý điển hình của một dân tộc chỉ có thể biết được thông qua sự quen thuộc với ngôn ngữ mẹ đẻ của nó. Ngôn ngữ bao gồm mọi thứ nội tại trong hồn của một dân tộc và do đó cho ta trắc nghiệm dự phóng tốt nhất đối với mỗi dân tộc” (trang 18, Giải phẫu sự phụ thuộc).

Đi theo con đường riêng đó, có hai khái niệm nhị phân omote ura được Takeo Doi đặt ra, và diễn giải xuyên suốt công trình. Như chính Takeo Doi đã diễn giải:

Mục tiêu của tôi là khảo sát các khái niệm Nhật Bản ấy dưới ánh sáng những ý tưởng có gốc phương Tây và, làm như thế, tôi đào sâu chúng và khám phá một ý nghĩa phổ quát của chúng. Điều đó là chiều hướng nghiên cứu của tôi ngay từ lúc khởi đầu. (trang 18).

         Như chính tác giả bộc bạch khi đánh giá tác phẩm của mình,

… Trong cuốn “Giải phẫu sự phụ thuộc”, tôi phải trình bầy những ý tưởng của chính mình, nhưng tôi đứng trên một địa phận chưa từng được thăm dò, và tôi cảm thấy khó cưỡng lại ham muốn viết về những gì mình khám phá ra ở đó. Viết cuốn “Giải phẫu cái tự ngã” là một kinh nghiệm hoàn toàn khác. Lĩnh vực này đã được các học giả và nhà tư tưởng khác bàn đến trước tôi, và như vậy tôi phải quyết định cho chính mình con đường mà mình sẽ đi. (trang 29)

Đó không chỉ là vấn đề thuật ngữ, mà là vấn đề tâm lý học dân tộc.

       Ta lại nhận được ở đây bài học nghiên cứu khoa học của riêng Takeo Doi. Thật vậy, những thuật ngữ tiếng Anh Recto Verso, headstails, outside inside, façade interior… đều mang lại cho ta cảm tưởng rằng chúng mang nghĩa của omote ura trong tiếng Nhật Bản. Cũng tương tự như thế,  façade truth, mask real face, outward appearance inner reality cũng đều mang hàm nghĩa của tatemae honne trong tiếng Nhật Bản. Nhưng không có sự tương ứng nào giữa các thuật ngữ tiếng Nhật và tiếng Anh trên đây là thật chính xác. Vì tiếng Anh sử dụng những cặp đôi trên như những sự đối lập mang tính tôn ti: façade (omote) chọi với inner truth (ura), outside chọi với inside, appearance chọi với reality, và cuối cùng evil chọi với good. Trong mỗi trường hợp, thuật ngữ tương ứng với omote được coi như tiêu cực, khác với cái một nửa tích cực hơn trong cặp. 

Và thế là, với việc đi rất sâu và khái niệm cơ sở omote ura, tác giả đưa chúng ta sang khái niệm tatemae honne để đi vào một chiều kích đặc trưng Nhật Bản: các “bí mật” mà chỉ vạch ra một điểm gốc sau đây là đủ thấy giá trị công trình của Takeo Doi. Nếu Freud coi trong bề sâu tâm lý con người có một bí mật, chúng sẽ hiện lên chẳng hạn qua những giấc mơ, và phân giải giấc mơ vừa là lý thuyết lại vừa là thực tiễn chữa bệnh tâm lý dựa theo phân tâm học. Nhưng với người Nhật Bản, qua phân tích kỹ cái omote ura cũng như cái tatemae honne, ta lại thấy được phần giá trị tích cực của các bí mật, và điều kiện để có sức khỏe tâm trí là ở chỗ ta cảm thấy thoải mái khi có các bí mật.

Đó chỉ là một ví dụ. Tác phẩm Giải phẫu cái tự ngã bổ sung cho bạn đọc thông thường nào đã đọc và yêu quý Giải phẫu sự phụ thuộc, và nếu bạn đọc là nhà nghiên cứu thì bài học sẽ còn sáng giá gấp nhiều lần.

Xin trân trọng giới thiệu.

PHẠM TOÀN



Tổng phát hành : Nhà xuất bản Trí Thức

 

           

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org