Đọc Max Planck

Vietsciences- Nguyễn Xuân Xanh          05/02/2009

 

Những bài cùng tác giả

Kỷ yếu Max Planck

…người ta chỉ học, khi người ta tự đặt cho mình câu hỏi. 

Niềm hạnh phúc của nhà nghiên cứu không phải nằm ở chỗ nắm giữ được chân lý, mà ở chỗ phấn đấu đi tìm chân lý. 

Không có khoa học nào, sự tự nhận thức nào có thể giải thích cho chúng ta một cách trọn vẹn rằng chúng ta, trong một hoàn cảnh nhất định của cuộc đời, sẽ tự hành động như thế nào. 

Cái huyền diệu là trong tất cả các hiện tượng của tự nhiên có một tính quy luật phổ quát ngự trị ở mức độ nào đó có thể nhận thức được cho chúng ta. 

Có một chân lý phổ quát: người ta, để có được thành công, nên đặt các mục tiêu cao hơn là chúng cuối cùng có thể đạt được. 

Châm ngôn của tôi luôn luôn là: suy nghĩ mỗi bước đi trước đó, rồi sau đó, nếu người ta tin tưởng có thể trách nhiệm được cho nó, thì không còn để cái gì lay chuyển được nữa.  

Khái niệm tự do của ý chí con người chỉ có nghĩa, rằng con người cảm thấy tự do trong nội tâm, và điều đó có đúng hay không, chỉ có anh ta biết. 

Đó là một sự tự dối mình nguy hiểm, nếu người ta tìm cách thanh toán một mệnh lệnh đạo đức khó chịu bằng cách viện dẫn một định luật tự nhiên không thể thay đổi được. 

Cái lừa dối chúng ta, không phải giác quan, mà là lý trí của chúng ta. 

Không một ông vua khoa học nào mà, nếu cần thiết, không có ý muốn và năng lực làm công việc của một người đánh xe chở hàng, trong phòng thí nghiệm, hay trong phòng lưu trữ, ở ngoài trời hay tại bàn làm việc. 

Nếu chúng ta chỉ nhìn nhận một ý tưởng khoa học mới khi nó đã chứng minh được sự chính đáng của nó một cách dứt khoát rồi, vâng nếu chúng ta chỉ đòi hỏi thôi, rằng ngay từ đầu nó có một ý nghĩa có thể hiểu được rõ ràng chứa đựng trong đó, thì chúng ta có thể sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho sự tiến bộ khoa học. Vì chúng ta không được phép quên rằng thông thường chính những ý tưởng không có một ý nghĩa rõ ràng mới là những cái đã mang lại cho khoa học những động cơ mạnh mẽ nhất thúc đẩy sự phát triển đi lên. 

Trong mọi trường hợp chúng ta nên, như tôi nghĩ, bám theo giả thiết cơ bản của mọi nghiên cứu khoa học, là tất cả hiện tượng trên thế giói diễn ra độc lập với con người và với các dụng cụ đo đạt của nó. 

…tôi từ lâu đã có khuynh hướng tín ngưỡng sâu sắc, tuy nhiên tôi không tin vào một Thượng đế bằng hình người, lại càng không tin vào Chúa Ki tô.[…] Con đường của Ngài không phải con đường của chúng ta, nhưng niềm tin vào Ngài giúp chúng ta vượt qua được những thử thách khó khăn nhất. 

Các nỗ lực vô vọng của tôi nhằm sát nhập lượng tử tác dụng một cách nào đó vào lý thuyết cổ điển kéo dài nhiều năm liền và tốn nhiều công sức cho tôi. Các đồng nghiệp tôi cho đó là một loại bi thảm. Nhưng tôi lại có ý kiến khác. Bởi vì sự thu hoạch mà tôi nhận được từ sự làm sáng tỏ đó lại càng có giá trị hơn.  

 

"Cái gì đã đưa tôi đến khoa học của tôi…" 

Điều đã đưa tôi đến khoa học của tôi, và từ thuở thiếu niên đã làm cho tôi say mê, là sự thật hoàn toàn không tự nhiên chút nào, rằng các quy luật tư duy trùng hợp với các tính quy luật trong tiến trình diễn ra của các ấn tượng mà chúng ta nhận được từ thế giới bên ngoài, rằng do đó con người có khả năng tìm được những sự giải thích cho các tính quy luật kia. Trong quá trình đó, điều quan trọng đặc biệt là thế giới bên ngoài biểu thị một cái gì độc lập với chúng ta, và tuyệt đối, mà chúng ta đối mặt với nó, và đối với tôi cuộc tìm kiếm các định luật cho cái tuyệt đối kia hiện ra như một nhiệm vụ khoa học đẹp nhất của cuộc đời. 

Những suy nghĩ này được hỗ trợ và khích lệ bởi những giờ giảng bài tuyệt vời mà tôi đã nhận được nhiều năm liền tại trường trung học Maximilians-Gymnasium của thầy toán Herman Müller, một con người ở tuổi trung niên, sắc sảo và hài hước, đã biết diễn giải ý nghĩa của các định luật vật lý mà ông dạy cho bọn học sinh chúng tôi bằng những thí dụ đặc sắc. Cho nên tôi cảm nhận định luật thứ nhất, nguyên lý bảo toàn năng lượng, như một tin lành, đó là một định luật có hiệu lực tuyệt đối độc lập với chúng ta. Điều không quên được đối với tôi là sự giải thích mà thầy Müller đã cho chúng tôi trong thí dụ của thế năng của một người thợ hồ đang vận chuyển khó học một viên đá xây dựng lên mái nhà. Công mà ông đã thực hiện không hề biến mất; nó được tích tụ, cả năm trời, cho đến ngày viên đá đó tách ra khỏi mái nhà, và rơi lên đầu của một người khách bộ hành đi qua. 

Sau khi kết thúc trường trung học, tôi lên đại học, trước nhất ba năm…tại Đại học München … Một ghế giáo sư cho môn "Vật lý lý thuyết", lúc đó chưa có ở München, cũng giống như ở các đại học khác… 

Một năm sau luận án, tôi được phép hoạt động khoa học với tư cách Privatdozent ở München. Tôi phải nhận xét không phải không thất vọng, rằng ấn tượng về các bài luận văn tiến sĩ và habilitation của tôi trong cộng đồng vật lý học lúc bấy giờ là bằng không. Tôi biết từ các cuộc nói chuyện với các vị giáo sư của tôi, rằng không ai trong họ có một sự hiểu biết về nội dung. Họ cho qua công trình của tôi, bởi vì họ biết tôi từ những công việc khác trong các giờ thực tập, và trong seminar toán. Nhưng ngay cả trong những nhà vật lý gần gủi hơn với đề tài, tôi cũng không thấy có sự quan tâm này, nói chi đến sự tán thưởng… 

Tôi tin đã tìm thấy một tia sáng trong bóng tối nhiệt động học khi phân khoa triết học của Đại học Göttingen tổ chức một giải thưởng về đề tài "Nguyên lý bảo toàn năng lượng". Cho nên tôi quyết định tham gia vào cuộc thi, và soạn một bài nghiên cứu nhỏ, và nó được công bố trong dư luận sau đó. Tại Göttingen, công trình của tôi được xếp hạng thứ hai. Ngoài bài tôi ra còn có hai bài nữa, cũng đều không được đăng quang. Đi tìm hiểu vì sao bài của tôi không được xếp hạng nhất, tôi tìm thấy câu trả lời trong bảng đánh giá chi tiết của phân khoa Göttingen. Sau một vài phê bình nhỏ không đáng kể, bảng đánh giá viết: "Sau cùng, phân khoa phải khước từ sự đồng ý của mình vì các nhận xét mà qua đó tác giả đã tỏ ra hài lòng cho có lệ với định luật Weber." 

Các nhận xét này có tình tiết như sau. Wilhelm Weber là giáo sư vật lý ở Göttingen. Giữa ông và Helmholtz có một cuộc tranh cãi khoa học căng thẳng mà tôi đã đứng về phía Helmholtz một cách kiên quyết. Tôi tin mình không nhầm lẫn khi tôi cho điều đó là lý do chính khiến cho phân khoa ở Göttingen đã từ chối giải nhất cho tôi. Nếu bằng thái độ của tôi, tôi đã làm mất đi sự tán thưởng của các giáo sư Göttingen, thì bù lại mặt khác tôi đã gây sự chú ý của các vị giáo sư ở Berlin, và tôi sẽ cảm nhận được điều đó một cách nhanh chóng….Đầu năm 1889, theo đề nghị của phân khoa triết học Berlin, tôi được bổ nhiệm làm đại diện môn vật lý lý thuyết tại đại học, đầu tiên là ngoại ngạch, và từ 1892 trở đi là chính ngạch.  

Đó là những năm tôi đã làm một cuộc mở rộng mạnh mẽ nhất của cả tư tuy khoa học của tôi. Vì giờ đây lần đầu tiên tôi tiếp xúc gần gủi hơn những con người lúc đó đã lãnh đạo hoạt động nghiên cứu khoa học trên thế giới… 

Một chân lý mới của khoa học thường thắng lợi không phải bằng cách những kẻ chống đối nó sẽ được thuyết phục và tuyên bố mình được dạy dỗ, mà đúng hơn bằng cách những kẻ chống đối dần dần chết đi, và thế hệ mới ngay từ đầu được làm quen với nó. 

Trong Tự thuật khoa học
(Wissenschaftliche Autobiographie)
 

 

Khoa học và niềm tin 

Khoa học đòi hỏi một tâm hồn có niềm tin. Ai dấn thân nghiêm túc vào lao động khoa học của bất cứ loại nào đều nhận ra rằng trên cổng vào đền thờ khoa học có viết mấy chữ: Hãy có niềm tin. Đó là phẩm chất mà những người làm khoa học không thể thiếu. 

Một người cầm trong tay một khối lượng những kết quả thu lượm được từ một quá trình thí nghiệm phải có một hình ảnh giàu tưởng tượng về định luật mà anh ta theo đuổi. Anh ta phải thể hiện nó vào một giả thiết tưởng tượng. Khả năng lý luận thôi không giúp anh ta đi thêm một bước nào, bởi không có trật tự nào hiện ra từ cái hỗn độn của các yếu tố kia trừ khi có một phẩm chất kiến tạo của tư duy để xây dựng nên trật tự bằng một quá trình khử bỏ và chọn lọc. Rồi chương trình tưởng tượng mà người ta cố gắng làm các cuộc kiến tạo trên đó lại bị sụp đổ và sụp đổ, và chúng ta phải bắt đầu lại cái khác. Viễn quang giàu tưởng tượng này, và niềm tin vào sự thành công cuối cùng là không thể thiếu được. Ở đây không có chỗ đứng cho con người thuần lý. 

Như một sự thật, Kepler là một thí dụ hoành tráng của điều tôi vừa nói. Cuộc đời ông diễn ra trong cảnh túng quẩn, thất vọng nặng nề, chạy ăn một cách đắng cay, thường xuyên sống dưới áp lực kinh tế. Đau đớn nhất của ông có lẽ là phải đứng ra bảo vệ mẹ mình trước lời buộc tội phù thủy đối với bà. Nhưng điều mà trong hoàn cảnh nào cũng vẫn giữ cho ông ngẩng cao đầu, và vẫn có khả năng lao động, đó chính là khoa học, nhưng không phải chỉ vì mớ số liệu của các quan sát thiên văn, mà là niềm tin của ông vào sự ngự trị của các định luật hợp lý trong vũ trụ. Điều đó người ta thấy đặc biệt rõ hơn khi làm một cuộc so sánh với vị thầy và thủ trưởng của ông là Tycho Brahe. Ông này có cùng những kiến thức khoa học, của cùng chất liệu quan sát, nhưng ở ông lại thiếu đi niềm tin về những định luật vĩnh hằng vĩ đại. Vì thế Tycho de Brahe vẫn là một trong nhiều nhà nghiên cứu xứng đáng, trong khi Kepler trở thành người khai sáng ngành thiên văn hiện đại. 

Một tên tuổi khác xuất hiện trong khuôn khổ này: Julius Robert Mayer, mà khám phá của ông về sự tương đương nhiệt cơ học không bao lâu sẽ kỷ niệm 100 năm. Nhà nghiên cứu này tuy đau khổ về sự thiếu thốn vật chất ít hơn là đau khổ vì sự làm ngơ trước lý thuyết của ông về tính chất không-phá-hủy-được của lực trong giới chuyên môn của ông, bởi giới này lúc bấy giờ, vào giữa thế kỷ trước, rất đa nghi tất cả những gì có mùi vị triết học tự nhiên. Nhưng ông không để mình bị ảnh hưởng bởi sự im lặng dai dẵng, và ông cũng ít tìm được sự an ủi hay thỏa mãn ở điều ông đã khám phá, mà nhiều hơn ở điều ông tin vào, và cuối cùng ông còn chứng kiến được, rằng sau những năm đau khổ của cuộc chiến đấu không ngừng nghĩ, Hội những Nhà nghiên cứu tự nhiên và Bác sĩ Đức, mà trung tâm là Hermann Helmholtz, trong hội nghị thường niên năm 1869 tại Innsbruck đã mang lại cho ông sự công nhận đã thiếu từ lâu.

Trong Khoa học và niềm tin
(Wissenschaft und Glaube)
 

 

"…có một điểm…" 

…có một điểm, một điểm duy nhất trong thế giới tinh thần và thế giới tự nhiên vô cùng tận; một điểm mà mỗi một khoa học, và do đó mỗi một sự xem xét có tính cách nhân quả, nói một cách không những thực tế, mà còn lôgíc, là không bao giờ tiếp cận được, và sẽ vẫn mãi mãi là không thể nào tiếp cận được:  

Điểm đó chính là cái Tôi 

Một điểm nhỏ xíu trong phần thế giới, nhưng là cả một thế giới, thế giới mang nặng trong mình hạnh phúc cao nhất, bên cạnh đau khổ cũng sâu thăm nhất, là tài sản duy nhất mà không quyền năng của số phận nào có thể cướp đi khỏi chúng ta được, và cái đó chỉ có thể mất đi một ngày nào đó trong tương lai cùng với cuộc đời của chúng ta. Không phải thế giới nội tâm riêng của mình vuột khỏi sự xem xét có tính chất nhân quả. Nói một cách căn bản, không có gì cản trở chúng ta, để chúng ta hiểu được trọn vẹn mỗi sự trải nghiệm trong sự tất yếu nhân quả một cách chặt chẻ của nó. 

Nhưng để được như thế, một điều kiện khó khăn nhất không thể thiếu được: Sau lần trải nghiệm kia, chúng ta phải cực kỳ khôn ngoan hơn.

Trong Quy luật nhân quả và tự do của ý chí
(Kausalgesetz und Willensfreiheit)
 

 

Hai mươi năm nhìn lại 

Nếu nhìn lại thời gian hai mươi năm giờ đã trôi qua, lúc khái niệm và độ lớn của lượng tử tác dụng trong vật lý lần đầu tiên bắt đầu lột xác hình thành từ mớ dữ kiện thực nghiệm, và bước lên con đường dài lắm quanh co cho đến lúc bức màn được vén lên, thì cả sự phát triển đối với tôi hôm nay đôi khi giống như một sự minh họa cho lời nói đã được thử thách của Goethe, rằng con người làm lỗi bao lâu nó còn phấn đấu (der Mensch irrt solang er strebt). Và cả lao động tinh thần của một người làm nghiên cứu mệt nhọc xem như hoài công hay tuyệt vọng, nếu thực sự nó thỉnh thoảng không nhận được sự chứng minh không-bác-bỏ-được rằng cuối cùng anh ta sau những chuyến phiêu du đủ mọi hướng ít ra cũng đã đến gần chân lý một thêm bước thật quyết định. Giả thiết tất yếu cho điều đó, dù còn lâu cũng chưa phải là một bảo đảm cho thành công, dĩ nhiên là sự theo đuổi một mục đích mà sức chiếu sáng của nó cũng không bị làm mờ đi bởi những thất bại ban đầu.

Trong bài diễn văn Nobel Sự hình thành và phát triển đến nay của thuyết lượng tử 1920. 

 

Con người, khoa học và cuộc đời… 

Khoa học chính xác bắt rễ từ cuộc sống. Nhưng nó gắn bó với cuộc sống theo hai nghĩa. Bởi vì nó không chỉ lấy chất liệu từ cuộc sống, mà cũng còn tác động lên cuộc sống, lên phần vật chất và tinh thần, và trong thực tế càng mãnh liệt và hiệu quả hơn khi nó có thể phát triển càng ít bị cản trở hơn. Điều này được thể hiện một cách rất đặc biệt. Trước tiên, trong hoạt động ở thế giới quan mà nó đã tạo ra, và trên đường tìm kiếm cái thực tồn siêu hình học với mức độ ngày càng phát triển, khoa học tự tách xa khỏi những dữ liệu đã có và những lợi ích của cuộc sống, và bằng cách nó đi vào những con đường ngày càng cô đơn, và ít trực quan hơn. Nhưng chính trên những con đường này, và chỉ trên những con đường đó, các mối quan hệ có tính cách quy luật, phổ quát, không thể thấy trước được bằng phương thức khác, mới được khám phá. Và những mối quan hệ đó bây giờ có thể được thông dịch lại vào cuộc sống, và bằng cách đó làm lợi ích cho các nhu cầu vật chất của con người.[…] 

Trước những sự thật như thế (những hệ quả tiêu cực của khoa học) có lẽ có những người mà với thời gian đã hoàn toàn quên sự kì diệu đi, sẽ nẩy ra ý định học lại từ đầu. Và sự thật: đứng trước tự nhiên vô cùng phong phú, và không ngừng đổi mới, con người, dù anh ta có tiến xa trong nhận thức khoa học đến đâu, cũng vẫn luôn luôn là đứa trẻ ngạc nhiên, và luôn chuẩn bị cho mình trước những ngạc nhiên mới. 

Cho nên, chúng ta thấy mình trong cả cuộc đời bị khuất phục dưới một quyền lực cao hơn, mà bản chất của nó chúng ta, từ quan điểm của khoa học chính xác, không bao giờ lý giải được, quyền lực mà không một ai biết suy nghĩ có thể bỏ qua được. Ở đây, đối với một con người suy ngẫm, không những có những mối quan tâm khoa học mà cả siêu hình học, thì có hai loại thái độ để lựa chọn: hoặc sợ hãi và kháng cự một cách thù địch, hoặc tôn kính và tận tụy tin tưởng. Nếu chúng ta hướng mắt nhìn về tổng số của những đau khổ vô vàn và sự hủy hoại thường xuyên về tài sản và máu huyết đã luôn xảy đến cho con người tự bao đời, chúng ta sẽ bị cám dỗ để đồng thuận với các nhà triết học về chủ nghĩa bi quan, khi họ chối từ giá trị của cuộc sống và bảo vệ ý kiến cho rằng chúng ta không thể nói về một sự tiến bộ bền bỉ, về một sự phát triển cao hơn của nhân loại, rằng ngược lại mỗi một nền văn hóa, một khi nó đã đạt được đỉnh cao nhất định, thì quay những cái gai của nó đâm vào chính bản thân nó, và lại tự hủy diệt một cách vô nghĩa và không mục đích.

Một quan niệm chung như thế có thể được biện minh bằng khoa học chính xác hay không? Câu hỏi này phải được phủ định ngay bởi vì khoa học không thẩm quyền cho sự trả lời nó. Từ quan điểm khoa học, người ta có lẽ cũng có thể đại diện cho quan niệm ngược lại, và ngay cả với nhiều lý lẽ hơn. Người ta phải mở rộng hơn sự xem xét, không phải tính đến hằng trăm năm, mà đến hằng nghìn năm. Hay là có ai đó thực sự nghiêm chỉnh phủ nhận sự thật là con người của chủng loài hiện đại qua cả trăm nghìn năm qua đã không có một sự tiến bộ, một sự hoàn thiện nào? Tại sao sự phát triển cao hơn này không tiếp tục, nếu không theo đường thẳng, thì ít ra theo các đường dợn sóng?

Dĩ nhiên: những suy nghĩ như thế không ích lợi gì cho từng con người riêng lẽ, nhìn dài hạn, chúng không đem lại cho anh ta sự giúp đỡ nào trong cảnh túng thiếu, hay một sự chửa trị nào cho những đau khổ của anh ta. Đối với anh ta, không còn có gì khác hơn ngoài một sự chịu đựng can đảm trong cuộc chiến đấu vì cuộc đời, và một sự tuân thủ âm thầm vào ý muốn của một quyền lực cao hơn ngự trị trên anh ta. Bởi vì không một yêu sách chính đáng nào về hạnh phúc, thành công và sự an lành trong cuộc đời được đặt vào cái nôi cho bất cứ ai trong chúng ta. Cho nên chúng ta phải tiếp nhận mỗi diễn biến thân thiện của định mệnh, mỗi một giờ phút được sống vui như một món quà không xứng đáng, vâng với trách nhiệm gắn liền. Cái duy nhất chúng ta chắc chắn được quyền xem là tài sản của chúng ta, tài sản cao quý nhất, cái mà không quyền lực nào của thế giới có thể cướp đi được, và là cái có thể làm chúng ta hạnh phúc lâu dài, đó là quan niệm căn bản về đạo đức và tinh thần trong sáng có dấu ấn trong sự chu toàn trách nhiệm một cách có lương tâm. Và ai được diễm phúc cùng hoạt động cho sự xây dựng nền khoa học chính xác, người ấy sẽ cùng với nhà thơ Đức vĩ đại chúng ta tìm thấy sự hài lòng, và hạnh phúc nội tâm của anh ta trong sự ý thức, rằng đã nghiên cứu cái có-thể-nghiên-cứu-được, và chiêm ngưỡng cái không-thể-nghiên-cứu-được.

Trong Ý nghĩa và Biên giới của khoa học chính xác
(Sinn und Grenzen der exakten Wissenschaft)
 

 

Chiến đấu cho một thế giới quan khoa học 

Thưa Quý Ông Bà, 

Vật lý có liên quan gì đến cuộc chiến đấu cho thế giới quan? có thể có người trong Quý Vị sẽ có khuynh hướng hỏi, nếu người đó suy nghĩ về ý nghĩa của đề tài mà tôi hôm nay muốn có một đóng góp. Vật lý xét ra chỉ thuần nghiên cứu các đối tượng và diễn biến của thế giới vô sinh, trong khi  người ta đòi hỏi từ một thế giới quan, nếu nó thỏa đáng cách nào đó, rằng nó phải bao trùm cả cuộc sống thể xác lẫn tinh thần, và có thái độ về tất cả câu hỏi về tinh thần cho đến những vấn đề khó nhất của đạo đức học. 

Dù câu hỏi thoạt tiên có vẽ hiển nhiên như thế nào, nhưng khi xem xét kỹ, nó không đứng vững được. Trước nhất phải nói rằng, tự nhiên vô sinh cũng thuộc về thế giới, rằng cho nên một thế giới quan, nếu có yêu sách về giá trị rộng lớn, cần phải để ý đến các định luật của tự nhiên vô sinh, và rằng nhìn lâu dài nó sẽ không đứng vững nếu mâu thuẩn với các định luật kia. Tôi không cần phải lưu ý ở đây về hằng loạt các giáo điều tôn giáo mà khoa học vật lý đã đẩy vào chỗ chết. 

Nhưng với tác dụng tiêu cực và làm tan rã như thế, ảnh hưởng của vật lý lên thế giới quan chưa nói lên được đầy đủ. Ngược lại, nó tác động mạnh hơn bằng đóng góp của nó vào việc xây dựng tích cực. Trước tiên về mặt hình thức. Người ta biết rằng các phương pháp của khoa học vật lý, vì tính chính xác của nó, đã tỏ ra hiệu quả một cách đặc biệt, và cũng qua đó, trong phương diện nào, đã trở thành tấm gương cho các ngành khoa học tinh thần. Như mỗi một khoa học xuất phát nguyên thủy từ cuộc sống, nên vật lý thực tế cũng không bao giờ tách rời khỏi những nhà nghiên cứu, những người tiến hành nó, và mỗi nhà nghiên cứu đồng thời cũng là một nhân cách, với tất cả những tính chất trí thức và đạo đức. Do đó, thế giới quan của nhà nghiên cứu luôn luôn tác động lên phương hướng của công việc khoa học của anh ta, và dĩ nhiên, ngược lại sau đó các kết quả của việc nghiên cứu anh ta cũng sẽ không phải không có ảnh hưởng lên thế giới quan của anh ta. Trình bày chi tiết điều này cho vật lý, tôi thấy đó là nhiệm vụ chính của các phần trình bày của tôi hôm nay. Do đó tôi hy vọng, nếu không nhận được sự đồng ý hoàn toàn, thì cũng ít nhất không nhận sự mâu thuẩn từ Quý Vị, nếu tôi nói rằng, vật lý trong cuộc chiến đấu cho thế giới quan có một vũ khí để sử dụng, thực tế một vũ khí rất sắc bén.

[…]

Một nền khoa học, không có năng lực hay ý hướng tác động vượt khỏi khuôn khổ của dân tộc, thì không xứng đáng với cái tên của nó. 

Tính không-mâu-thuẩn khoa học của vật lý hàm chứa trực tiếp yêu cầu có tính cách đạo đức của tính-đúng-thật và tính-chân-thật, điều cũng có giá trị đối với tất cả các dân tộc văn hóa và cho mọi thời đại, và vì thế nó được quyền đòi hỏi vị trí hàng đầu và cao cả nhất của đức hạnh.

Tính công bằng là không tách rời khỏi tính-đúng-thật…Như các định luật tự nhiên vững chắc và do đó có tác dụng, trên diện rộng cũng như hẹp, thì cuộc sống chung của con người cũng đòi hỏi sự bình đẳng cho tất cả mọi người…Thật là bất hạnh cho một cộng đồng nếu ở đó cảm giác về sự bảo đảm công lý bị rung lay, ở đó nếu trong các cuộc tranh chấp luật pháp vị trí và nguồn gốc xã hội lại đóng một vai trò quan trọng[…] 

Cái cơ bản không phải là sở hữu bền vững, mà chính là cuộc chiến đấu không ngừng, hướng về mục tiêu lý tưởng, là cuộc đổi mới cuộc sống hằng ngày, hằng giờ, gắn bó với sự chiến đấu không ngừng luôn luôn bắt đầu lại mới, chiến đấu cho sự cãi thiện tốt hơn, và cho sự hoàn thiện. 

Chúng ta cuối cùng phải tự hỏi, không phải một sự gắng sức không ngừng nhưng vô vọng như thế làm cho chúng ta không thỏa mãn một cách cao độ hay sao? Một thế giới quan còn có một giá trị nào chăng, nếu nó không chỉ ra cho những người đã hằng hiến mình cho nó ít nhất một điểm duy nhất vững chắc ở đâu đó trong cuộc đời để đem lại một điểm tựa lâu bền và trực tiếp trong những đau khổ liên miên và trong sự quay vòng không ngừng của tồn tại của họ? 

Chúng ta muốn sung sướng cho rằng câu hỏi này rất có thể cho phép một câu trả lời tích cực. Thực sự: có một điểm cố định, một tài sản vững chắc mà trong mỗi phút giây mỗi con người, dù thấp kém nhất, cũng có thể gọi là của anh ta, một kho báu bảo đảm đem lại cho mỗi con người tư duy và cảm xúc cái hạnh phúc lớn nhất của anh ta, sự thanh bình nội tâm, và do đó một giá trị vĩnh hằng ngự trị trong anh ta. Đó là - một thái độ thuần khiết và một ý hướng tốt. Hai điều đó chính là miếng đất thả neo vững chắc trong những thời giông bảo của cuộc đời, chúng là tiền đề tiên khởi hết cho hành động thực sự có thể làm mãn nguyện, đồng thời là liều thuốc phòng bịnh hữu hiệu nhất chống lại sự hành hạ của sự ăn năn. Những giá trị đó đã đứng như thế nào ở buổi đầu của mỗi hoạt động khoa học đích thực, thì chúng sẽ tạo nên như thế ấy tiêu chuẩn không nhầm lẫn được cho giá trị đạo đức của mỗi con người riêng lẽ.

Trong Vật lý trong cuộc chiến đấu cho thế giới quan
(Physik im Kampf um die Weltanschauung)
 

 

Niềm tin về thực tại 

…Khoa học vật lý đòi hỏi gỉa thiết của một thế giới thực, độc lập với chúng ta, nhưng chúng ta không bao giờ nhận thức trực tiếp được nó, mà luôn luôn phải qua lăng kính của các cảm xúc giác quan của chúng ta, và của các kết quả đo đạt được truyền đạt qua đó. 

…Trong tất cả những diễn biến của tự nhiên ngự trị một tính quy luật phổ quát, và trong một mức độ, có thể nhận thức được đối với chúng ta.

Trong Tôn giáo và khoa học tự nhiên
(Religion und Naturwissenschaft)
 

Khi các vị thầy vĩ đại của nghiên cứu tự nhiên chính xác ném các ý tưởng của họ vào khoa học: khi Nicolaus Copernicus gạt bỏ trái đất ra khỏi trung tâm vũ trụ, khi Johannes Kepler xác lập các định luật mang tên ông, khi Isaac Newton khám phá lực hấp dẫn phổ quát, khi người đồng hương vĩ đại của Quý Ngài thiết lập thuyết sóng của ánh sáng, khi Michael Faraday sáng tạo các cơ sở của điện động lực học – chuỗi thí dụ còn nhiều để kể…, thì các quan điểm có tính chất kinh tế chắc chắn là những quan điểm sau cùng nhất đã tôi luyện các con người này trong cuộc chiến đấu của họ chống lại các quan điểm lỗi thời và chống lại các quyền uy thống trị. Không – đó vì là niềm tin vững như đá, dựa trên hoặc nghệ thuật, hoặc tôn giáo, về thực tại của thế giới quan của họ.

Trong Sự thống nhất của thế giới quan vật lý
(Die Einheit des physikalischen Weltbildes)
 

Tôn giáo và khoa học tự nhiên 

Thật vậy, chúng ta, con người, cảm thấy nhỏ bé đáng thương làm sao, yếu đuối làm sao, nếu chúng ta nghĩ, quả đất mà trên đó chúng ta sống, chỉ là một hạt bụi tí hon, chẳng có nghĩa gì trong vũ trụ thật bao la, nhưng đồng thời đối với chúng ta phải là điều lạ thường, rằng chúng ta, các sinh vật nhỏ xíu trên một hành tinh lại cũng nhỏ xíu nhưng lại có khả năng, với những tư duy của chúng ta, nhận thức được tuy không phải bản chất, nhưng là sự hiện hữu và kích thước của các viên đá xây dựng cơ bản của toàn thể vũ trụ to lớn. 

Trong mọi trường hợp chúng ta có thể nói tóm tắt lại, rằng theo tất cả những gì khoa học tự nhiên dạy cho ta, trong toàn bộ lãnh vực của tự nhiên, mà trong đó chúng ta, con người trên hành tinh bé xíu của mình, đóng một vai trò vô cùng nhỏ bé, có một tính quy luật nhất định ngự trị, độc lập với sự hiện hữu của một nhân loại tư duy, nhưng nó lại cho phép, trong chừng mực nó có thể hiểu được bằng các giác quan của chúng ta, một sự diễn đạt tương ứng với một hành động hợp mục đích. Tính quy luật do đó biểu thị một trật tự thế giới hợp lý mà tự nhiên, và nhân loại bị chi phối dưới đó, nhưng bản chất đích thực của nó đối với chúng ta là không-nhận-thức-được, và vẫn như thế, bởi vì chúng ta chỉ nhận được tri thức từ đó qua những cảm xúc giác quan đặc thù của chúng ta, những thứ mà không bao giờ loại bỏ được. Nhưng rồi những thành quả thực sự phong phú của nghiên cứu khoa học tự nhiên đã cho phép chúng ta đi đến kết luận một cách chính đáng, rằng chúng ta bằng sự tiếp tục lao động không ngừng ít ra vẫn không ngừng tiến gần hơn mục tiêu không bao giờ đạt được, và những thành tựu đó củng cố trong chúng ta niềm hy vọng về những hiểu biết luôn được đào sâu hơn của chúng ta về sự ngự trị của lý tính toàn năng đang chi phối giới tự nhiên. 

Đối với cá nhân có tín ngưỡng, Thượng đế được cho trước tức thời và tiên khởi. Từ Ngài, từ ý muốn toàn năng của Ngài tuôn ra tất cả sự sống và tất cả sự kiện trong thế giới của tinh thần cũng như của vật thể. Nếu Ngài không được nhận thức bằng lý trí, thì Ngài cũng còn có thể được hiểu trực tiếp trong trực quan thông qua các biểu tượng tôn giáo, và đặt thông điệp thiêng liêng của Ngài vào linh hồn của những người có đức tin đối với Ngài. Ngược lại, đối với người nghiên cứu tự nhiên, cái duy nhất được cho tiên khởi là nội dung của tri giác bằng giác quan của anh ta và của các đo đạt được suy ra từ đó. Từ đó anh ta tìm cách, trên con đường nghiên cứu quy nạp, tiến gần đến Thượng đế và trật tự của Ngài, trong chừng mực có thể, như cứu cánh cao cả nhất mãi mãi không bao giờ đạt tới được. Như vậy khi cả hai, tôn giáo và khoa học tự nhiên, đều cần đến niềm tin nơi Thượng đế cho hoạt động của họ, thì Thượng đế đối với một bên là sự khởi đầu, đối với bên kia là sự kết thúc của tất cả tư duy. Đối với một bên thì Ngài là nền tảng, đối với bên kia Ngài là vương miện của sự kiến thiết của mỗi nghiên cứu mang tính chất thế giới quan. 

Con người cần khoa học tự nhiên để nhận thức, nhưng nó cần tôn giáo để hành động. 

Trong Tôn giáo và khoa học tự nhiên 

Đôi khi chỉ cần một sự hướng đạo khác  

Cho đến đây, thưa Quý Ông Bà, một cách khảo sát thuần khoa học đã dẫn dắt chúng ta, nhưng ở đây nó lại bắt đầu bỏ rơi chúng ta. Vì chúng ta thấy rõ, rằng quy luật nhân quả trên con đường mòn của cuộc đời riêng chúng ta không thể là người hướng đạo được, bởi vì một cách lôgíc, nó loại bỏ khả năng, rằng chúng ta bằng thuần túy những tư duy có tính nhân quả có thể một lần đi đến một sự nhận thức về các động cơ của các hành động tương lai chúng ta.

Nhưng con người bây giờ cần đến những nguyên tắc để theo đó nó định hướng hành vi của mình, nó cần đến chúng còn khẩn trương hơn cần đến nhận thức khoa học. Một hành động duy nhất đôi khi đối với anh ta có ý nghĩa hơn cả tất cả khoa học của thế giới cộng lại. Cho nên ở điểm này anh ta bị buộc phải nhìn quanh để tìm kiếm một sự hướng đạo khác, và một cái như thế anh ta chỉ tìm được bằng cách thay vì định luật nhân quả anh ta đưa vào định luật đạo đức, trách nhiệm đạo đức và mệnh lệnh vô điều kiện. Lúc đó, cái "phải" nhân quả được thay bằng cái "nên" đạo đức, sự thông minh được thay bằng tính cách, nhận thức khoa học bằng niềm tin tôn giáo. Ở đây cái nhìn ra bên ngoài không còn bị giới hạn, những cái nhìn xa và những câu hỏi cháy bỏng được mở ra một cách phong phú cho người khao khát và tư duy. 

Khoa học và tôn giáo, chúng tạo thành không phải đối kháng trong thực tế, mà cần nhau để bổ sung trong mỗi con người trầm tư nghiêm chỉnh. Chắc không phải là điều ngẫu nhiên khi những người tư duy vĩ đại nhất của mọi thời đại đồng thời cũng là những người thiên về tín ngưỡng sâu sắc, mặc dù họ không thích trưng ra công khai những điều thiêng liêng nhất của họ. Chỉ có một sự kết hợp giữa sức mạnh của lý trí và sức mạnh của ý chí mới đem lại quả chín và thơm ngon nhất của triết học: Đạo đức học. Bởi vì khoa học cũng đem ra ánh sáng những giá trị đạo đức, nó dạy chúng ta trước nhất tính chân thật và sự tôn kính. Tính chân thật trong sự vươn tới không ngừng những nhận thức luôn chính xác hơn của thế giới tinh thần và thế giới tự nhiên xung quanh chúng ta, sự tôn kính trong sự trầm tư về cái mãi mãi không thể hiểu được, cái huyền bí của tạo hóa trong lồng ngực của mình.

Trong Quy luật nhân quả và tự do của ý chí 

Giáo dục 

Ai có thanh niên, người đó có tương lai. Vì thế một sự định hình hợp lý của giáo dục trong nhà trường là một trong những điều kiện quan trọng nhất cho sự tiến bộ khoa học, và tôi không thể không có đôi lời về điểm này. 

Dạy cái gì ở nhà trường, điều đó ít quan trọng hơn là học như thế nào. Một định lý toán học thôi, nếu được một học sinh hiểu thực sự, sẽ có giá trị cho cậu ta nhiều hơn mười công thức mà cậu đã học thuộc lòng và cũng biết áp dụng theo đúng cách, nhưng không hiểu ý nghĩa thực sự của chúng. Bởi vì trường học không nên truyền đạt những kỹ năng chuyên môn lập đi lập lại, mà nên truyền đạt tư duy có phương pháp và hợp với lý luận. Người ta có thể không chống lại, xét về cơ bản, việc tri thức được đánh giá ít quan trọng hơn năng lực. Chắc chắn một tri thức mà không có năng lực là vô bổ, cũng giống như mỗi một lý thuyết chủ yếu chỉ chứng minh được tầm quan trọng của nó thông qua những ứng dụng đặc biệt của nó. Nhưng một lý thuyết không bao giờ có thể được thay thế bởi những kỹ năng lập đi lập lại. Cho nên yêu cầu đầu tiên cho việc giáo dục các năng lực thành thạo vẫn là một sự giáo dục chuẩn bị cơ bản kỷ lưỡng, ở đó khối lượng nội dung học là ít quan trọng hơn cách dạy học. Nếu sự giáo dục chuẩn bị này không được thực hiện trong nhà trường, thì nó khó lòng được bù lại được ở giai đoạn sau; bởi vì các trường cao đẳng nghề và đại học sau này phải đáp ứng những nhiệm vụ khác. Tuy nhiên, nhiệm vụ cuối cùng quan trọng nhất của giáo dục là không phải hướng đến tri thức, cũng không phải đến năng lực, mà phải hướng đến hành động. Nhưng cũng vậy, như năng lực phải đi trước hành động, thì tri thức và sự thông hiểu là điều kiện tiên quyết không thể thiếu cho năng lực. Trong thời đại sống vội của chúng ta hôm nay, thời đại dành một sự quan tâm đặc biệt cho tất cả gì mới, cho cái tạo một ấn tượng chấn động ra bên ngoài, thì trong giáo dục khoa học người ta cũng tìm thấy khuynh hướng dạy trước một số kết quả mới gây ấn tượng mạnh, trước khi chúng thực sự được chín mùi. Nó gây trong dư luận một ấn tượng tốt khi người ta thấy có những vấn đề hiện đại của nghiên cứu khoa học cũng được đưa vào chương trình học của trung học phổ thông. Tuy nhiên điều đó là đáng lo ngại cao độ. Vì ngoài vấn đề dạy một cách căn cơ như vừa nói, thì một sự tự phụ tri thức rỗng tuếch và một thói quen học lước qua sẽ dễ được nuôi dưỡng trong tư duy ở các em học sinh. Chẳng hạn tôi sẽ cho là rất đáng lo ngại, nếu dạy thuyết tương đối hay thuyết lượng tử trong trung học. Học sinh có năng khiếu cao luôn luôn là một ngoại lệ, và chương trình giáo dục không phải định ra để dành riêng cho các học sinh như thế.

Trong Nguồn gốc và ảnh hưởng của các ý tưởng khoa học
(Ursprung und Auswirkung Wissenschaftlicher Ideen)

 
 


Trích từ Max Planck, Người Khai Sáng Thuyết Lượng Tử, Kỷ yếu mừng sinh nhật thứ 150.
Chủ biên: Phạm Xuân Yêm - Nguyễn Xuân Xanh - Trịnh Xuân Thuận - Chu Hảo - Đào Vọng Đức. Nhà xuất bản: Tri Thức, Hà Nội

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Xuân Xanh