Những bài cùng tác giả
(1)
Năm 2010, Đại học Berlin của nước Phổ (tiền thân nước
Đức), nay còn được gọi là Đại học Humboldt, kỷ niệm 200 năm ngày thành lập.
Một sự kiện có ý nghĩa đối với “sức khỏe” của xã hội toàn thế giới. Vì sao?
Đại học Berlin là bà mẹ của các đại học hiện đại thế giới. Đó là đại
học lấy nghiên cứu, khám phá kết hợp với giảng dạy, tự do
giảng dạy và tự do học làm trọng tâm hoạt động, mà không có sự can thiệp
của nhà nước.
 
Cái tên Đại học Humboldt thực ra để kỷ niệm cả hai anh em
ruột Wilhlem và Alexander von Humboldt. Cả hai đều là những nhân vật tên
tuổi của Phổ thế kỷ 18-19. Alexander, người em, là nhà nghiên cứu khoa học
tự nhiên và thám hiểm, đi ra thế giới bên ngoài, trong khi Wilhelm là nhà
chính trị, nghiên cứu ngôn ngữ và cải cách giáo dục, đi vào nội tâm. Chính
Wilhelm là người xây dựng đại học Berlin và cải tổ nền giáo dục Đức. Ông
Wilhelm chỉ thua Alexander một việc: là không điển trai bằng ông em thôi.
Các Anh Chị có lên internet nhớ phân biệt. Cũng như nhớ phân biệt Đại học
Humboldt ở Berlin với đại học Humboldt State University của Hoa Kỳ! Đã có
nhiều sự nhầm lẫn thú vị.
Còn vì sao đại học lại hệ trọng cho “sức khỏe” của xã
hội? Vì nó tạo ra tri thức mới để làm giàu cho xã hội, tạo ra công nghệ,
high-tech, cung cấp các nhà lãnh đạo quốc gia, tạo ra tầng lớp trí thức có
nhân cách mạnh mẽ, làm cho quốc gia hùng cường. GS Steven Weinberg, nhà vật
lý lý thuyết Hoa Kỳ đọat giải Nobel phát biểu: Tôi tin rằng không có các
đại học nghiên cứu lớn, mô hình bắt đầu từ Đức thế kỷ 19, chúng ta ở
Hoa Kỳ sẽ phải tự nuôi sống bằng cách trồng đậu nành, và giới thiệu Grand
Canyon cho du khách từ Đức và Nhật Bản.
(2)
Trong tình thế nào, Đại học Berlin đã ra đời? Trong sự
thất trận trước Napoléon, nỗi đau và tủi nhục quốc gia, sự lạc hậu của đất
nước, sự thoái trào của đại học Đức trước khuynh hướng khai sáng thực dụng
đang thắng thế, và đang có nguy cơ bị thay thế bởi các trường chuyên nghiệp.
Đại học Berlin ra đời nhằm lấy sức mạnh tinh thần để bù đắp những mất mát
về vật chất: đó là kỳ vọng to lớn mà các nhà cải cách Phổ đã đặt vào đại
học Berlin để vực dậy đất nước, bằng con đường trí tuệ.
Đại học Berlin chính là đại học trồng người
cho mục tiêu đó - trồng người trăm năm theo đúng nghĩa, một dự phóng rất xa.
Phát triển con người toàn diện, hướng đến hoàn hảo, đó là khẩu hiệu
của giáo dục.
Nhưng đại học Berlin lại không phải là tác phẩm của các
công chức nhà nước, mà thoát thai từ tinh thần và sứ mệnh cao cả của hai
giới tinh hoa Đức: các nhà văn lãng mạn, thấm nhuần chủ nghĩa tân-nhân văn;
và các nhà triết học duy tâm Đức. Người Đức tuy là một dân tộc chiến binh
nhưng không tự ví mình như những người La Mã, mà thấy gần gủi hơn với người
Hy Lạp, một dân tộc đã thiết lập sự vĩnh cửu của mình trong thế giới ý tưởng
của triết học, khoa học, văn học và nghệ thuật, hơn là trong quân sự hay
chính trị.
Người Đức có đặc thù là phát
triển văn hóa, nghệ thuật và triết học trước khi phát triển ý thức
chính trị. Để mượn lời nhận xét của GS Wolf Lepenies, Berlin: “Vương quốc
nội tâm kia mà nền triết học của chủ nghĩa duy tâm Đức cũng như nền văn
chương của trường phái cổ điển Weimar đã xây dựng, đã đi trước sự thành lập
vương quốc chính trị (của Đức) hơn một trăm năm”. Nhà đại văn hào Schiller
khẳng định trong một bài thơ văn xuôi mang tên Cái lớn lao của Đức
rằng nhân phẩm và tính chất quốc gia của Đức độc lập với chính trị. Tôi xin
đọc vài câu: “...người Đức sống trong/ một ngôi nhà sắp sụp đổ, nhưng
bản thân anh ta/ là một cư dân cao cả, và trong khi/ Vương quốc chính
trị chao đảo/ phẩm chất tinh thần vẫn tiếp tục được dựng xây/ củng cố bền
chặt và hoàn hảo hơn.”
Đó là những nét hết sức đặc thù của dân tộc Đức. Jürgen
Mittelstraß, một GS về lịch sử đại học, có một nhận xét khá độc đáo: “Hoặc
là đại học có một lý thuyết, và lý thuyết đó là duy tâm. Hoặc không có đại
học”! Chỉ có những đại học với những nguyên lý ngoại hạng như đại học
Berlin mới tạo ra những kết quả ngoại hạng, và chỉ có kết quả ngoại hạng mới
có tác dụng lên diện rộng của xã hội như Humboldt nói. Tuy nền
giáo dục đại học Đức chưa bao giờ có đầy đủ các tính chất Humboldt; tự do
hàn lâm chỉ có trong vòng chấp thuận của chính trị và tôn giáo, như Max
Weber nói, nhưng đại học Đức đã phát triển mạnh mẽ, và đã làm rạng danh quốc
gia, đã đưa nước Đức thành cường quốc về công nghiệp và khoa học vào hậu bán
thế kỷ 19. Trong vòng khoảng 30 năm, Đại học Đức đã mang về 30 giải Nobel,
một kỳ tích chỉ có Hoa Kỳ mới vượt qua được sau này. Cuộc cách mạng khoa học
thứ hai của thế kỷ 19 sẽ khó hình dung dược nếu không có các đại học nghiên
cứu Đức theo mô hình Humboldt. Cuối thế kỷ 19, mô hình đại học Humboldt đã
ảnh hưởng lên toàn thế giới. Chúng ta có thể nói về một Liên đoàn đại học
Humboldt thế giới. Thế giới khen ngợi không tiếc lời.
(3)
X in
nói một chút về đại học Anh quốc trước khi nói về đại học Hoa Kỳ. Anh quốc
có truyền thống đại học rất sớm. Oxford là một trong 3 đại học châu Âu đầu
tiên thế kỷ 12, bên cạnh Bologna và Paris. Nhưng Đại học Anh, mà đại diện là
Oxford và Cambridge, có truyền thống nhân văn rất mạnh, đặt nặng việc đào
tạo sinh viên thành người có văn hóa hơn là người thông thái; đào tạo công
chức cho nhà thờ và nhà nước là chính. Người phát
ngôn nổi tiếng nhất của đại học Anh của thế kỷ 19 là nhà thần học John Henry
Newman, với cuốn sách nổi tiếng từ đó đến nay của ông: Ý niệm của một Đại
học xuất bản khoảng 50 năm sau đại học Humboldt, đề cao tri thức nhân
văn, là cứu cánh tự thân, hơn là tri thức hữu dụng là phương tiện
đi đến mục đích. Ông cũng không xem đại học là nơi nghiên cứu.
John Stuart Mill, đồng nghiệp của
Newman, có một bài diễn văn khai mạc nổi tiếng chứa đựng tinh thần nhân văn
tuyệt vời. Ông viết: Đại học không phải là chỗ của giáo dục nghề nghiệp. Các đại học không chủ ý
dạy tri thức đòi hỏi để làm cho con người phù hợp với các cách kiếm sống nào
đó. Mục tiêu của đại học không phải tạo ra các luật gia, bác sĩ hay kỹ sư có
kỹ năng, mà tạo ra những con người có năng lực (tư duy) và có văn hóa.[…]
Con người là con người, trước khi con người là luật gia, bác sĩ, nhà kinh
doanh, hay nhà sản xuất; và nếu chúng ta làm cho họ thành những người có
năng lực và nhạy cảm (capable and sensible), họ sẽ tự làm cho họ
thành những luật gia hay bác sĩ có năng lực và nhạy cảm.
John Stuart Mill
Trong
những lúc lo lắng vì nền giáo dục nhân văn trên thế giới bị thua thiệt trước
giáo dụng thực dụng ngày càng bành trướng trên, các học giả thường tìm lại
cái tháp ngà nhân văn ấm áp của hai vị này để được an ủi.
(4)
Đại học Hoa Kỳ. Lịch sử như đã thay ca giữa Đức và Hoa
Kỳ. Hai quốc gia này đã luân phiên nhau chiếm ngự vũ đài tri thức thế
giới trong hai thế kỷ liền bằng các đại học tinh hoa của họ, đưa khoa học
lên những đỉnh cao rực rỡ, và tạo nên sự phồn vinh chưa từng có cho thế
giới. Năm 1933, thời điểm Hitler lên nắm quyền, cũng là lúc nền đại học Đức
cáo chung để chuyển ngọn đuốc sang bên kia bờ Đại Tây dương.
Đại học Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ trong hai giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất vào cuối thế kỷ 19, với đạo luật Morrill cấp đất cho đại
học, với tinh thần trí thức Đức được các nhà lãnh đạo đại học Mỹ du nhập
vào, và chủ nghĩa dân túy Hoa Kỳ, muốn phục vụ rộng rãi xã hội. Ở đây tinh
thần đại học của Hoa Kỳ đã hiện rõ, có khác biệt với châu Âu. Nhưng cho đến
thế chiến thứ nhất và cả thứ hai, đại học Hoa Kỳ vẫn chưa thật sự là đại học
xuất sắc.
Giai đoạn thứ hai, và là giai đoạn hoàng kim, diễn
ra sau thế chiến thứ hai, với nhiều nhân tố thuận lợi, như luật hỗ trợ các
quân nhân giải ngũ đi vào đại học, sự tăng trưởng sinh sản mạnh mẽ, cái sốc
sputnik, sự di tản của lực lượng khoa học hàng đầu từ châu Âu sang Hoa Kỳ,
và báo cáo nổi tiếng của Vannevar Bush mang tên“Khoa
học: Biên giới vô tận” đưa chính sách nghiên cứu khoa học, nhất
là khoa học cơ bản, về các trường đại học dân sự - phù hợp với tinh thần đại
học của Humboldt.
Đại học Hoa Kỳ là kết tinh của ba nhân tố: Là đại học
nhân văn (Anh) trong chương trình đào tạo cử nhân, đại học nghiên cứu
(Đức) trong chương trình đào tạo thạc sĩ và nhân sự nghiên cứu, và là đại
học dịch vụ (Hoa Kỳ) trong mục tiêu phục vụ xã hội.
“Ý tưởng đại học” trước đây như một cái làng với các thầy
tu nay phát triển lên thành “Ý tưởng của multiversity”, đa đại học,
với một thành phố tri thức có sự đa dạng bất tận.
Tính từ năm 1950 là thời điểm phôi
thai, 55 phần trăm tất cả giải Nobel và Fields của thế giới được trao về tay
những học giả thường trú tại Hoa Kỳ; Hoa Kỳ trở thành trung tâm thế giới của
đào tạo thạc sĩ. Năm 2005 các đại học danh giá Hoa Kỳ thu hút đến 70 phần
trăm số khoa học gia giải Nobel đương thời, một con số cực kỳ to lớn. (Nhớ
đến Berlin đã từng có 14 khoa học gia giải Nobel sống đương thời!)
Năm 1963 Clark Kerr, nhà quản lý đại
học lỗi lạc của Hoa Kỳ, đã cho rằng tri thức giờ đây là “khu vực đầu
tàu” của sự tăng trưởng kinh tế, như ngành đường sắt ở hậu bán thế kỷ 19, và
ngành công nghiệp ôtô đầu thế kỷ 20 đã từng làm.
(5)
Đại học là một trong ít các định chế của xã hội tồn tại
lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại, lâu hơn cả các
vua chúa, lãnh chúa phong kiến, không
những không tàn lụi đi mà ngày càng phát triển mạnh mẽ thêm.
Hầu hết các đại học thời Trung cổ vẫn còn hiện hữu tại vị trí cũ của chúng,
như Clark Kerr nhận xét.
Ý tưởng giáo dục châu Âu đã có từ khoảng 2500 năm trước
tại Hy Lạp cổ đại. Hàn lâm viện của Platon có thể được xem là hạt nhân của
học thuật đầu tiên của châu Âu, hội tụ đầy đủ các tính chất học thuật: đi
tìm cái tốt, cái chân lý, bằng khoa học, bằng sự đối thoại trong không khí
tự do, bằng sự tự nguyện, thầy và trò bình đẳng nhau, thầy và trò tìm đến
nhau. Đó thực tế là những hạt giống ý tưởng đại học của các nhà cải cách
đại học Đức Fichte, Humboldt và Schleiermacher sau này.
Nhưng đại học có tổ chức và tinh
thần gần gủi với đại học chúng ta ngày nay chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ 12
tại Tây Âu, với các đại học đầu tiên là Bologna, Paris và Oxford.
Mục tiêu của đại học là mối
quan tâm học thuật, khoa học, mong muốn đạt đến nhận thức và tri thức, hơn
là từ lý do kinh tế.
Dần dần nhà thờ và nhà nước thấy tính chất hữu ích của
các tổ chức đại học, ra sức bảo hộ và giúp đỡ. Tôi xin đọc một đoạn trong
hiến chương của Đại học Naples:
“Chúng ta mong muốn rằng, trong tất cả các phần đất của Vương quốc nhiều
người sẽ trở thành uyên bác và thông thái, bằng cách tiếp cận được suối
nguồn của tri thức, và trường học của niềm tin, để cho những người tốt
nghiệp phục vụ cho công lý thánh thiện, và sẽ trở thành hữu ích cho chúng
ta, cho nền hành chánh của công lý và luật pháp mà chúng ta thúc giục mọi
người tuân thủ.” (Naples 1224)
(6)
Nhưng câu
hỏi quan trọng: tinh thần nào đã nuôi dưỡng đại học châu Âu thời Trung cổ cả
ngàn năm qua? Xin thưa: đó là tinh thần khoa học. Tinh thần này đã
bắt nguồn từ thời cổ đại Hy Lạp, sau khoảng một ngàn năm, tái xuất hiện
trong cuộc dịch thuật vĩ đại diễn ra cùng lúc. Trong vòng gần 100
năm, đội quân dịch thuật quốc tế mà phần lớn là học giả Ả Rập đã dịch sang
tiếng La tinh các tác phẩm quan trọng của các nhà khoa học Hy Lạp và Ả rập:
Aristote, Euclid, Ptolemy, Y khoa của Hippocrate và các tác phẩm Quang học,
Đại số học của các học giả Ả rập.
Châu Âu đã đưa kho tàng tư liệu này vào trong chương
trình giảng dạy để làm động lực phát triển. Galilei, Newton và tất cả các
nhà khoa học tên tuổi khác của châu Âu, đều phải trải qua việc học tập các
tác phẩm kinh điển của Aristote trong thời sinh viên.
Khoa học có thể được tìm thấy ở nhiều nền văn hóa trên
thế giới, như tại khu vực Islam hay Trung Hoa thời Trung cổ, nhưng đã không
được thể chế hóa để phát triển bền vững.
(7)
Ở phương Đông ,
như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, các thể chế giáo dục cổ điển cao cũng được
hoàn thiện mặt hình thức vào thế kỷ 12 tại Trung Quốc. Chu Dy và các học giả
khác xây dựng chủ nghĩa tân-khổng giáo của nhà Tống, tiêu chuẩn hóa các bộ
sách Tứ thư, Ngũ kinh, và các sách này được dùng cho các kỳ thi hoàng gia để
chọn nhân tài phục vụ nhà nước, kéo dài đến đầu thế kỷ 20.
Việt Nam
cũng có đại học đầu tiên vào cùng thời kỳ: Văn Miếu năm 1070, Quốc
Tử giám năm 1076, với mục đích lo việc đào tạo quan chức phục vụ bộ máy
hành chánh của nhà vua, lấy Nho Giáo làm hệ tư tưởng và chính trị, tương tự
như Trung Hoa.
Nhưng điểm khác biệt rất cơ bản là đại học Trung
Hoa không có khoa học như đại học châu Âu. “Trung Hoa có nhiều (môn)
khoa học, nhưng không có khoa học, không có một quan niệm (concept) duy nhất
để bắt cầu cho toàn thể các khoa học”. Các nhà triết học Trung Hoa không có
tư duy hệ thống cho các khoa học như Aristote và các môn đệ đã làm. Vật lý
là môn khoa học nền tảng, nhưng nhà nghiên cứu lịch sử khoa học TQ Needham
cho rằng có ít tư duy vật lý một cách hệ thống ở Trung Hoa, “khó có thể nói
về một khoa học vật lý phát triển” ở đó. Do đó người ta không thể chờ đợi
một cuộc cách mạng khoa học hiện đại như ở châu Âu thế kỷ 17.
(8)
Ý
tưởng đại học Humboldt, hay của châu Âu tuy đã có mặt tại VN hơn nửa thế kỷ
trước bởi những học giả Tây học thuộc “thế hệ vàng”, nhưng nó không được thể
chế hóa, theo đuổi và phát triển một cách liên tục. Nhìn chung, đại học VN
dường như đã mất đi rất nhiều truyền thống quốc học lẫn Tây học. Thế hệ
vàng của những trí thức VN Tây học yêu nước thế kỷ 20 lẽ ra đóng vai trò
chuyển đổi nền đại học cổ truyền VN sang nền đại học hiện đại để đi vào quỹ
đạo đại học thế giới. Nhưng hoàn cảnh lịch sử đã đánh mất đi vai trò lịch
sử của họ.
Bây giờ, muốn đổi mới đại học một cách sâu xa, xã hội VN
cần có một cuộc dịch thuật vĩ đại như thời Trung cổ ở châu Âu hay
thời Minh Trị ở Nhật Bản, để đưa tinh hoa văn hóa thế giới vào đất nước.
Điều này đòi hỏi xã hội phải có một thái độ cởi mở. Đại học phải lấy
nghiên cứu làm đầu tàu. Đại học cần có giao lưu thường xuyên với
đại học thế giới, và có cùng thước đo học thuật. Cơ chế chính trị cần
phải từng bước tương thích với nhu cầu phát triển của đại học, phù
hợp với quy luật thế giới, vì lợi ích sống còn của quốc gia. Đại học phải có
nhiều quyền tự chủ hơn. Và điều sống còn: là đại học phải có văn hóa
trọng đãi nhân tài. Phá hủy văn hóa này, là phá hủy nền đại học. Nói tóm
lại, đại học Việt Nam phải có tính chất Humboldt, vừa tinh hoa, vừa
phục vụ. Kết
luận . Với
hàn lâm viện của Platon, ngôi nhà minh triết được phát họa như bản
thảo học thuật đầu tiên cho nhân loại. Với sự xuất hiện của đại học Trung cổ
thế kỷ 12 tại châu Âu, ngôi nhà đó được xây dựng thành các thể chế bền vững.
Cả hai, hàn lâm viện và đại học, đều có chung lý tưởng là đi tìm chân lý
bằng phương pháp khoa học. Khoa học trở thành động cơ của học thuật
châu Âu.
Trong thế kỷ 21, sự cạnh tranh giữa các quốc gia để đạt
tới đại học trác việt đã bùng nổ, xuất phát từ sự cạnh tranh kinh tế
quyết liệt và từ quan niệm xem đại học như đầu tàu của công nghệ và đổi mới,
tạo ra và truyền bá tri thức tinh hoa cho xã hội. Đại học chiếm ngự cả thế
giới, cả những quốc gia với hệ thống chính trị không tương thích.
Chiếm được trọn thế giới, nhưng đại học lại có nguy cơ
mất đi linh hồn và lý do tồn tại của nó: sự minh triết, vốn là động
lực phát triển nội tại gần 2500 năm qua, để trở thành công cụ thuần túy của
công nghiệp và thương mại.
Đại học VN không thể đứng ngoài cộng đồng đại học thế
giới, không thể không được trao cho sứ mạng vinh quang mà các nhà cải cách
Phổ đã đặt vào nó 200 năm trước: đó là sứ mạng trồng người, xây dựng con
người nhân văn, xây dựng khoa học, sứ mệnh canh tân quốc gia, lấy sức
mạnh tinh thần để bù đắp những thua thiệt vật chất từ hàng thế kỷ qua,
vượt lên mọi lợi ích cục bộ nhất thời, để xây dựng lại giang san.
Nguyễn Xuân Xanh
(Bài nói chuyện trong cuộc hội thảo BÀN VỀ TINH THẦN ĐẠI HỌC
ngày 22.3.2011 tại Đại học Xã hội và Nhân văn TP
HCM
do Đại học và NXB Tri Thức tổ chức)
| |