Những bài cùng tác giả


Xem video Kiệu Đức Mẹ Ngày Thánh mẫu Một thị trấn nhỏ bé với trên 12,000 cư dân ở miền nam tiểu bang
Missouri đã bị tràn ngập ngắn hạn bởi một khối người Việt đông gấp 5
lần vào tuần lễ đầu của tháng 8, đặc biệt từ ngày thứ Năm mồng 5 tới
trưa ngày Chủ Nhật mồng 8 tháng 8 năm 2010. Đó là thị trấn Carthage
với nickname Thị trấn Hoa Kỳ Lá Thích (America's Maple Leaf City).
Hiện tượng tràn ngập này đã liên tục xảy ra đều đặn mỗi năm, từ hơn 30
năm vừa qua, trong sự hân hoan đón tiếp và hỗ trợ của từ các cấp chính
quyền địa phương tới hơn 3000 gia đình tư nhân, các cơ sở thương mại,
tôn giáo. Họ coi đây như là ngày vui chung của mọi người và chính
quyển thị trấn tuyên dương “Ngày của Thành Phố”. Đó là Ngày Thánh Mẫu (Marian Days), thường được gọi với tên quen thuộc
là Đại Hội Thánh Mẫu Missouri, do Chi Dòng Đồng Công Việt Nam tổ chức
hàng năm vào đầu tháng 8. Dòng Đồng Công là dòng tu thuần túy Việt Nam do cha Đaminh Maria Trần
Đình Thủ sáng lập cho người Việt Nam từ ngày 4 tháng 4 năm 1941 tại
miền Bắc Việt Nam và ngày 15-8-1948 được Đức Cha Đaminh Hồ Ngọc Cẩn
chấp thuận cho lập Đoàn Đức Mẹ Đồng Công. Ngày 2-2- 1953, Đức Cha Phạm Ngọc Chi ban sắc lệnh thành lập dòng tại
Bùi Chu theo giáo luật. Phương châm của dòng là câu “Non Ministrari
Sed Ministrarae” “Không đợi được phục vụ mà hãy phục vụ”. trong kinh
thánh Mathew đoạn 20, câu 28. Tinh thần của dòng là “Bỏ Mình, Yêu Nhau
và Tận Hiến”. Cha sáng lập dòng thường nhắc nhở tu sĩ rằng "Hết mọi tu sĩ Đồng Công
phải luôn cầu xin Chúa cho mình có một đức tin mạnh mẽ, vững chắc
không lay chuyển. Để đạt mục đích đó, anh em phải tập cho quen đời
sống hoàn toàn phó thác và cậy trông vào Chúa theo lời Chúa phán: ‘Hết
mọi sợi tóc trên đầu các con đã được đếm cả’ (Mt 10,30; Lc 12,7). Trước biến cố tháng 4 năm 1975, Dòng Đồng Công phát triển khá mạnh ở
Việt nam với hơn hai chục linh mục, rất nhiều tu sinh. Dòng đảm trách
công việc truyền giáo, mở trường dạy học, lập nhà thương, nhà tế bần
giúp đỡ người nghèo khó. Dòng có các cơ sở tại Thủ Đức, Phan Rang, Quy
Nhơn, cư xá Rạng Đông tại Đà Lạt, nhưng hiện nay các cơ sở này đều bị
nhà nước tịch thu. Vài tháng trước biến cố 75, Cha sáng lập dòng đã linh cảm rằng miền
Nam Việt Nam sẽ gặp nạn lớn và ngài đã có ý định di tản toàn bộ thành
viên của dòng ra nước ngoài. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, chỉ có 8
linh mục và gần 160 tu sĩ tới được Hoa Kỳ. Ngài ở lại vì không muốn ra
đi khi mà còn nhiều anh em không đi được. Tới trại tạm cư Fort Chaffee, các linh mục tu sĩ được khuyên là nên
phân tán mỏng chứ khó mà có thể tập trung một chỗ. Tuy vậy, các linh
mục cũng vẫn cố gắng tìm mọi cách để kết hợp với nhau. Cùng dịp này,
cha Nguyễn Đức Kiên (Thiệp), trước đây du học vừa mới hoàn tất tiến sĩ
Thần học ở Roma cũng được sang Hoa Kỳ với tính cách refugee để hội
nhập với anh em trong dòng. May mắn khi đó dòng được Đức Cha Bernard Law đang là giám mục Giáo
Phận Sprinfield Cape-Girardeau, Missouri giúp đỡ, đưa tất cả về một
chủng viện của dòng các Cha Thừa Sai Vô Nhiễm ở Carthage đã ngưng hoạt
động từ năm 1970. Giáo sĩ, tu sinh bắt đầu tổ chức lại cuộc sống, cử
hành Thánh lễ cho giáo dân. Ngày 25 tháng 10 năm 1980, Tòa Thánh chấp nhận cho thành lập Giám Tỉnh
Đồng Công Missouri trực thuộc Tòa Thánh để phục vụ giáo dân Việt Nam
khắp nước Mỹ. Ngày lễ hội rộng lớn đầu tiên được tỉnh dòng tổ chức vào tháng 6 năm
1978 tại Missouri với mục đích khuyến khích giáo dân xem lễ, cử hành
lễ bằng tiếng Việt và được gọi là Ngày Đền Tạ với khoảng 1500 giáo dân
tham dự. Sau đó, danh xưng “Ngày Thánh Mẫu” được áp dụng. Tới năm
1983, Ngày được dời sang tháng 8, ít mưa hơn. Ngoài việc thờ phụng Chúa, tôn vinh Đức Mẹ, tỉnh dòng phụ trách Đền
Thánh Khiết Tâm Đức Mẹ, huấn luyện tu sĩ, tổ chức nhà Hưu dưỡng các
linh mục, tái phát hành nguyệt san Trái Tim Đức Mẹ tới khắp mọi nơi
trên thế giới từ năm 1978. Nhắc lại là nguyệt san này được Dòng Đa
Minh ấn hành ở miền Bắc từ trước năm 1954. Kịp tới khi đất nước chia
đôi vào năm 1954, nguyệt san được dòng Đồng Công phụ trách tại miền
Nam từ năm 1960 cho tới biến cố 1975. Hiện nay tỉnh dòng có khoảng 70 linh mục và 60 tu sĩ. Các linh mục
được gửi đi phục vụ tại giáo sứ khắp Hoa Kỳ. Đa số trong tám vị linh
mục của dòng tới nước Mỹ vào năm 75 đã mãn phần, riêng hai cha Lê An
Đại, Phan Tiến Đức được gửi về Việt Nam dạy học từ nhiều năm qua, cùng
với cha Kiên. Tình Dòng đã được sự viếng thăm nhiều lần của Đức Hồng Y Nguyễn Văn
Thuận, Đức Giám mục Huỳnh Văn Của và là nơi an nghỉ cuối cùng của Đức
Cha Ngô Đình Thục, quý cha Viện Trưởng Đại học Cao Văn Luận, Lê Văn Lý
. Đức cha Thục đã chủ tọa ngày Thánh Mẫu vào tháng 8 năm 1984. Trong nước thì cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ tiếp tục công việc tôn
thờ Đức Mẹ tại quê hương với số giáo sĩ và tu sĩ còn ở lại. Các ngài
làm đủ mọi công việc lao động, tự lực cánh sinh, phân tán tới các địa
phương khác nhau để phục vụ. Theo cha nguyên Giám Tỉnh Dòng Đồng Công
Missouri, linh mục Nguyễn Đức Kiên, hiện nay tại Việt Nam dòng có hơn
50 linh mục và gần 500 tu sĩ. Cha Đaminh Thủ mất ngày 21 tháng 6 năm 2007 tại Bệnh Viện Nguyễn Tri
Phương, quận 5 Sài Gòn, hưởng thọ 101 tuổi. Ngài bị tai biến não. Đám
tang của ngài được cử hành long trọng với sự tham dự của gần 5000 giáo
dân, gần 150 giáo sĩ và cả trăm công an áo vàng dẫn dường, theo sau
giữ trật tự, đề phòng bất trắc. Ngài từng bị chính quyền mới kết án tù
chung thân vì cho là chống lại nhà nước. Do sự can thiệp từ nước
ngoài, án tù được giảm xuống là 20 năm rồi 6 năm. Ngài đã được coi là
người Cha, người Anh Cả và người Bạn Đường của mọi thành viên Dòng
Đồng Công trong, ngoài nước. Sự ra đi của Ngài đã để lại nhiều tiếc
thương kính mến của các tu sinh, giáo sĩ theo chân ngài từ những năm
thiếu thốn gian truân thành lập dòng ở Bùi Chu, miền Bắc, tới thời
gian dài “nín thở qua sông” sau 75 ở miền Nam và của các linh mục, tu
sĩ tỉnh dòng hải ngoại cũng như của giáo dân. Năm nay, Ngày Thánh Mẫu XXXIII lại được chi Dòng Đồng Công Missouri tổ
chức tại trụ sở của dòng với sự tham dự của gần 150 linh mục, 14 thầy
Sáu vĩnh viễn (trong đó có Phó tế Tuyên úy Nhà Tù Nguyễn Mạnh San),
hơn 100 nữ tu, 27 nam tu sĩ. Khoảng 45 linh mục và 25 nữ tu đến từ
Việt Nam. Theo quý vị này thì chính quyền Việt Nam dành mọi dễ dàng
cấp giấy thị thực xuất cảnh, nhưng sứ quán Hoa Kỳ lại hạn chế, e ngại
nhập cảnh không về. Chủ tế các lễ lớn là 3 vị Giám mục Hoa Kỳ và Đức
Giám Mục luôn luôn bình dị tươi cười Nguyễn Mạnh Hiếu, giáo phận
Toronto. Về phía dân chúng, theo sự ước lượng của sở Cảnh sát Carthage, có
khoảng trên 60,000 người tham dự. Giáo dân tới từ khắp các tiểu bang ở
Hoa Kỳ, có người tới từ Canada hoặc Âu Châu. Ngày trọng đại chính thức khai mạc vào chiều thứ Năm, 5/8 nhưng nhiều
bà con ta đã tới trước đó mấy ngày. Từng đoàn xe lớn nhỏ tiến vào thị
trấn qua xa lộ 44. Họ trú ngụ tại khách sạn đã giữ từ 6 tháng trước,
nhưng đa số ngủ tại lều trên bãi cỏ xanh rộng 27 mẫu của nhà dòng.
Những mái lều đủ mầu, đủ cỡ được san sát dựng lên như bát úp. Cư dân
địa phương quanh địa điểm hành lễ cũng sẵn lòng cho phép bà con căng
lều, đậu xe trên vườn, dưới lề đường. Một thành phố mới được thành
lập, mà báo chí địa phương gọi là “Thành phố Việt Nam”. Hội Thánh Tin
Lành Baptist phục vụ khách hành hương với 2 xe bus, liên tuc chuyên
chở miễn phí cho bà con từ nhà dòng tới trung tâm thương mại để mua
sắm hoặc về khách sạn. Trật tự an ninh được cảnh sát sắp đặt tuần tiễu, hướng dẫn xe cộ ra
vào hết sức chu đáo. Không có rối loạn quan trọng nào xảy ra, ngoại
trừ một gia đình để chú chó nhỏ tuột dây, đuổi cắn vài em bé; một vụ
nhậu say xỉn rồi gây lộn của vài người quá vui. Quy luật của ban trật
tự Ngày Thánh Mẫu là không bia rượu, ma túy; không cờ bạc, cãi cọ gây
lộn, mở nhạc to, không đốt pháo, xả rác; ăn mặc đứng đắn, lịch sự kín
đáo… Một phòng Y tế cũng được nhiều bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên phụ
trách để điều trị cấp cứu cho người tham dự. Thời tiết nóng bức cộng
với liên tục đi lại, rước lễ, tham dự hội thảo cho nên phòng Y tế cũng
khá bận rộn với nhức đầu, cao huyết áp, ngất xỉu, muỗi cắn, dị ứng,
tiêu chẩy… Phòng Y tế cũng điều trị cấp cứu cho một nam ca sĩ kiêm MC
nhiều máu nghệ sĩ, lại cao đường huyết, vì quá tận tâm với nghề
nghiệp, nhiệm vụ cũng như điều trị cho một nữ ca sĩ đau họng vì cất
cao lời hát liên tục, thể theo lời yêu cầu của khán giả. Thực phẩm thuần túy quê hương được các hội đoàn giáo sứ khắp nơi cung
cấp đã mạng lại đầy đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh, cho tín hữu, đặc
biệt là nhà hàng Đồng Hành với Chủ tịch Cộng đoàn Đào Phi Hùng và nhà
hàng Phú Cường/ Bình Dương với linh mục Đinh Văn Phúc, vừa chạy bàn,
vừa nấu phở, mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn tươi cười phục vụ. Một chuyện đáng kể khác là có một lão nhân “ngoại đạo” đã cùng bà vợ
có đạo liên tục tới làm công việc phục vụ dọn dẹp trên 10 năm vừa qua
tại Ngày Thánh Mẫu. Lần này ông cũng tới phục vụ và ngày thứ Tư đã mãn
phần, được chịu các bí tích rửa tội, ân xá. Ai ai nghe thấy tin này
cũng đều xúc động, thán phục tinh thần nhân ái phục vụ của lão ông sấp
sỉ tuổi “cổ lai hi”. Chương trình Ngày Thánh Mẫu XXXIII rất phong phú với 4 Thánh Lễ Đại
Trào tôn thờ Mình Máu Thánh Chúa, kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, biệt
kính Khiết Tâm Mẹ và Thánh lễ Đại Trào bế mạc. Xen vào đó là các Thánh
lễ cầu cho việc Truyền Giáo, cầu nguyện cho Bệnh nhân và những người
đau khổ, Giờ Đền Tạ của Hội các Bà Mẹ Công Giáo, , Đạo Binh Đức Mẹ
…Giáo dân ngồi/ quỳ trên sân có, lề đường quanh lễ đài cầu nguyện,
rước lễ vào sáng tinh sương cũng như chạng vạng tối. Ngày Thánh Mẫu
cũng có các hội thảo về Thăng Tiến Hôn nhân, Tâm sự Người Cao Niên,
hội thảo Thiếu niên, giới trẻ, hội thảo về Luân lý, Niềm tin tôn giáo
với sức khỏe … Long trọng nhất vẫn là lễ Rước kiệu Đức Mẹ dài tới 2 dặm đường giữa
buổi chiều nắng nóng vào ngày thứ Bẩy. Phải hiện diện tại chỗ mới thấy
được lòng tôn sùng Đức Mẹ của giáo dân cao như thế nào. Những cụ già
trên dưới 80 tuổi, những thanh thiếu niên đầy nhựa sống mà một số mang
tóc vàng tóc xanh dựng đứng, những em bé được cha mẹ bồng bế, đẩy trên
xe. Ai ai cũng luôn miệng cầu nguyện, lần hạt mân côi, bất chấp mồ hôi
nhễ nhại, nóng bức. Ấy là năm nay thời tiết tương đối nhẹ nhàng hơn,
nhờ có cơn mưa lớn vào tối ngày thứ Tư. Có mấy em bé ngất xỉu, vài lão
bà vấp ngã chảy máu trán được cấp cứu tại phòng y tế, khi khỏe lại đòi
ra tiếp tục theo đoàn rước kiệu Đức Mẹ. Điểm cần nhắc lại về Tượng Đức Mẹ. Theo linh mục Nguyễn Đức Kiên, đây
là 1 trong 7 tượng Đức Mẹ Thánh Du Quốc Tế được Đức Giáo Hoàng Joan 23
làm phép năm 1962 để viếng thăm các quốc gia đang có chiến tranh.
Gương mặt của Mẹ được tạc qua diễn tả của chị Lucia, một trong ba em
bé có diễm phúc nhìn thấy sự xuất hiện của Đức Mẹ. Tượng đã được Đạo
Binh Xanh Đức Mẹ Việt Nam thời kỳ Cụ Đỗ Sinh Tứ làm Hội Trưởng rước về
Việt Nam các năm 65-67, sau đó Tượng được cất giữ ở Fatima vì chiến
tranh tại Việt Nam quá tàn khốc. Năm 1984 Tượng được rước về Tỉnh Dòng
Đồng Công Missouri để giáo dân khắp nơi thờ phượng, cầu xin cho tới
ngày nay. Vì lịch sử đặc biệt của Tượng Đức Mẹ với nhiều ơn xin đã
được đáp ứng cho nên số người sùng kính ngày một nhiều hơn. Trong Ngày
Thánh Mẫu năm nay, nhiều bệnh nhân ung thư nan trị cũng tới tham dự để
được chữa lành. Phòng xin khấn do cha Phạm Minh Vận phụ trách luôn
luôn bận rộn tiếp khách, ghi tên. Trong các thánh lễ, các ca đoàn Thánh Tử Đạo Arlington, Ave Maria,
Thiên Ân, Teresa OK… đã trình tấu thánh nhạc hết sức long trọng, nhiều
rung cảm. Thêm vào đó là hai đêm văn nghệ do Trung Tâm Asia phụ trách
cũng được các tham dự viên nhiệt liệt tán thưởng. Đặc biệt ca nhạc sĩ
Trúc Hồ đã sáng tác nhạc phẩm về Đức Mẹ, riêng tặng dòng tùy nghi phát
hành. Hầu hết các chương trình Ngày Thánh Mẫu đều được hai đài Hồn Việt và
Little Saigon TV và các đài phát thanh rộng rãi gửi tới bà con đồng
hương khắp nơi. Kết luận
Sau ba ngày lễ hội, mục đích chính Ngày Thánh Mẫu đã được mỹ mạn thực
hiện. Đó là bày tỏ lòng tôn thờ Thiên Chúa, cổ động lòng Tôn sùng Trái
Tim Đức Mẹ để thi hành 3 mệnh lệnh Fatima là cải thiện đời sống, lần
hạt mân côi và tôn sùng Khiết Tâm Đức Mẹ. Giáo dân ra về với niềm hân hoan, mãn nguyện. Sinh viên học sinh thì thỏa mãn vì đã có cơ hội hăng say theo dõi
thuyết trình, tranh luận về good sex, bad sex với LM Nguyễn Bá Thông.
Những cặp sắp kết đôi nhắc nhở nhau về các hướng dẫn của LM Vũ Thế
Toản, Đinh Văn Nghị với nhiều Phép Lạ, Sự Lạ, Dấu Lạ mà Đức Giê Su đã
làm; hoặc trong gia đình, người mẹ là nguồn suối phát sinh yêu thương;
là chiếc neo mang lại sự ổn định cho cuộc sống tình cảm; là mặt trời
tạo mái ấm cho chồng con, cho mọi người trong nhà. Cho nên Chúa Giêsu
nói với môn đệ yêu quí “Đây Là Mẹ Con” (Gn 19:27). Ông già bà cả thơ thới, nhẹ lòng vì đã có dịp chia sẻ tâm sự người cao
niên với LM Đoàn Đình Bảng, xin kết hợp với Mẹ để khen ngợi Chúa và
truyền giảng Đạo Chúa cũng như giữ vững niềm tin để bảo vệ sức khỏe
trên con đường truyền giáo. LM Nguyễn Quang Đán với đề tài “Hãy Đến Mà Ăn” nhắc nhở mọi nguoi về
thực phẩm ăn uống sao cho khỏe mạnh, đến Bữa Tiệc Thánh Thể mà mọi
người thường quen tham dự trong suốt dọc đường cuộc sống Kitô hữu. Diễn giả Cao Tấn Tĩnh trong Hội Thảo về Đức Mẹ đã nhấn mạnh “Fatima:
Màng Cứu Rỗi Trong Mùa Biển Động Diệt Vong”. Một vấn đề quan trọng mà giáo dân cần biết đã được LM Phạm Cao Đích
lưu ý mọi người là cánh đồng truyền giáo của Giáo hội VN còn rất rộng
rãi bao la. Với dân số trên 86 triệu mà người Công giáo chỉ mới hơn 6
triệu. Ngài nhấn mạnh: “Đức Mẹ sẽ dạy chúng ta phương thức truyền giáo
hữu hiệu nhất, vì Mẹ là mẫu gương truyền giáo”. Tín hữu đến tham dự Ngày Thánh Mẫu mà có lòng sốt sắng, đạo đức chân
thành thống hối các lỗi lầm, xưng tội, dự thánh lễ, rước lễ và cầu
nguyện theo ý Đức Thánh Cha, sẽ được hưởng ơn Đại Xá. Còn những ai
không hội đủ các điều kiện vừa kể nhưng đã có lòng muốn thống hối , ăn
năn tội lỗi và sốt sắng tham dự Ngày Thánh Mẫu, thì được hưởng ơn Tiểu
Xá. Mọi người nhẹ nhàng thơ thới, hân hoan. Từng đoàn xe nối đuôi nhau rời khỏi thị trấn Lá Thích Carthage, trả
lại sự yên tĩnh hiền hòa cho 12 ngàn cư dân địa phương hiếu khách. Và hẹn Tái Ngộ vào tháng 8 năm tới, với Ngày Thánh Mẫu XXXIV. Arrivederci Carthage!!! Bác sĩ Nguyễn Ý Đức Texas- Hoa Kỳ.
|