Năm Thiên văn Quốc tế 2009

Vietsciences- Nguyễn Quang Riệu          13/02/2009

 

Những bài cùng tác giả

Từ thời xa xưa, chị Hằng vẫn hiện ra dưới đôi mắt trần của nhân loại với bộ mặt mịn màng mờ ảo trên bầu trời lấp lánh những vì sao. Cách đây 400 năm, nhà thiên văn Galileo Galilei người Ý lần đầu tiên nhìn qua chiếc kính, tuy có kích thước hãy còn khiêm tốn, nhưng rất ngạc nhiên đã phát hiện được bộ mặt chị Hằng lỗ chỗ như tổ ong, do hậu quả của những vụ bắn phá của thiên thạch từ hàng tỷ năm trước đây. Những thiên thể mà ta thường gọi là “Sao Hỏa”, “Sao Kim”, v.v .., thật ra không phải là những đốm sáng nhỏ li ti như những ngôi sao xa xôi, mà lại là những thiên thể láng giềng của trái đất. Chúng là những hành tinh hiện ra trong chiếc kính của Galileo dưới dạng những cái đĩa tý hon đôi khi có hình lưỡi liềm. Galileo còn phát hiện là hành tinh Mộc có một số vệ tinh. Galileo cũng cho rằng trái đất không phải là trung tâm của vũ trụ. Những phát hiện của Galileo đã làm đảo lộn quan niệm về vũ trụ quan ở thế kỷ 17 và củng cố thuyết “nhật tâm” của Copernic, coi mặt trời là nằm ở trung tâm với một số hành tinh kể cả trái đất bay lượn xung quanh. Thuyết nhật tâm tỏ ra mâu thuẫn với quan niệm của Thiên Chúa Giáo hồi đó nên bị cho là tà giáo.

 

Mặt trăng, hình chụp từ Apollo 11

Bản sao ống quang học của Galileo

 

Thuyết “nhật tâm” của Copernic

Liên Hiệp Quốc công bố năm 2009 là “Năm Thiên văn Quốc tế” để kỷ niệm sự kiện trong năm 1609, đúng 400 năm trước đây, khi Galileo sử dụng chiếc kính thiên văn đầu tiên để quan sát bầu trời. Nhân dịp này, UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp Quốc) phối hợp với Hội Thiên văn Quốc tế IAU (International Astronomical Union) để tổ chức những hoạt động phổ biến rộng rãi thiên văn học trên toàn cầu. Hội Thiên văn Quốc tế có khoảng 10 000 thành viên, tất cả đều là những nhà thiên văn chuyên nghiệp thuộc 87 quốc gia. Đối với UNESCO, công việc giáo dục trong lĩnh vực khoa học là một động cơ thúc đẩy sự phát triển bền vững và sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thiên văn học là một ngành khoa học cổ truyền giúp nhân loại hiểu được sự vận hành của toàn thể vũ trụ và tìm những biện pháp để bảo vệ trái đất của chúng ta.

Mục tiêu của Năm Thiên văn Quốc tế là động viên các nhà thiên văn trên thế giới để chia sẻ những kiến thức khoa học thiên văn với quảng đại quần chúng. Một mạng lưới quốc tế gồm hàng nghìn tổ chức thiên văn đã được thành lập để thực hiện những hoạt động phổ biến thiên văn học. Các nhà thiên văn nghiệp dư toàn cầu cũng được mời tham gia vào chiến dịch này và sẽ dùng kính thiên văn của họ để hướng dẫn quần chúng quan sát bầu trời. Trong Năm Thiên văn Quốc tế sẽ có 11 đề án liên quan đến những đề tài trọng đại. Hàng triệu kính thiên văn cỡ nhỏ đơn giản và dễ lắp ráp, tương tự như chiếc kính mà Galileo đã dùng, sẽ được phát cho quần chúng sử dụng. Tổ chức Năm Thiên văn Quốc tế sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng các nhà thiên văn các nước đang phát triển để cộng tác với các nhà thiên văn trên thế giới. Công việc bảo tồn những di tích thiên văn như những di sản thế giới và giữ bầu trời khỏi bị ô nhiễm bởi ánh đèn hay nhiễu xạ phát ra từ những khu công nghiệp cũng là một trong những mục tiêu của Năm Thiên văn Quốc tế. Qua những hoạt động phổ biến thiên văn, dân chúng có thể ý thức được tác động của ngành thiên văn đối với đời sống thường ngày. Chương trình của Năm Thiên văn Quốc tế còn chú trọng cả đến vấn đề thiết lập sự cân bằng số lượng giữa các nhà thiên văn nam và nữ. Hiện nay, trong giới thiên văn, số phụ nữ chỉ chiếm tới khoảng một phần tư. Công việc giảng dạy và phổ biến thiên văn, kể cả đối với học sinh ở trình độ tiểu học cũng là một vấn đề quan trọng. Thiên văn học thường được coi là một ngành khoa học xa vời và các nhà thiên văn là những nhà khoa học tự “nhốt” mình trong tháp ngà. Trên mạng sẽ có những “blog” trình bầy đời sống thường ngày cùng những sở thích của những nhà thiên văn, nhằm bình thường hoá con người làm khoa học. Đề án “100 giờ thiên văn” sẽ là dịp để dân chúng toàn cầu quan sát trực tiếp bầu trời bằng kính thiên văn của các nhà thiên văn nghiệp dư trong 4 ngày liên tục, từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 4 năm 2009, giống như Galileo hồi xưa.

UNESCO và Hội thiên văn Quốc tế đã tổ chức long trọng buổi nghi lễ khai mạc Năm Thiên văn Quốc tế tại trụ sở của UNESCO ở thủ đô Paris. Khoảng 600 đại biểu gồm các nhà thiên văn và sinh viên của nhiều quốc gia trên thế giới được mời đến dự lễ khai mạc trong hai ngày, từ ngày 15 đến ngày 16 tháng 1 năm 2009. Để biểu lộ ý nghĩa, vừa khoa học vừa văn hóa của Năm Thiên văn Quốc tế, ban tổ chức đã mời nhà soạn nhạc hiện đại Jean-Michel Jarre người Pháp chủ trì buổi họp đầu tiên. Jean-Michel Jarre rất nổi tiếng về những buổi biểu diễn hoành tráng nhạc điện tử hoà nhịp với những tia ánh sáng muôn mầu chiếu lên bầu trời. Ông Tổng Giám đốc của UNESCO nhấn mạnh tầm quan trọng của thiên văn học, không những trong lĩnh vực khoa học cơ bản mà còn cả trong công việc thiết lập quan hệ giữa những quốc gia trên thế giới. Bà Chủ tịch Hội thiên văn Quốc tế hy vọng Năm Thiên văn Quốc tế sẽ là dịp để phổ biến thiên văn học cho nhân dân toàn cầu.


 

Quang cảnh hội trường tại trụ sở UNESCO Paris) nhân ngày khai mạc
Năm Thiên văn Quốc tế
(Hình Astronews)
 

Trong suốt hai ngày, chúng ta được nghe những bài báo cáo về quá trình phát triển của thiên văn học qua các thời đại từ hàng nghìn năm về trước, đặc biệt là những nền văn minh cổ xưa Mỹ La Tinh, Ả Rập và Châu Á ... và công trình của những nhà thiên văn như Galileo và Einstein. Mọi người hào hứng tham gia cuộc du hành viễn tưởng trong vũ trụ qua những bài trình bầy hấp dẫn và hình ảnh tuyệt đẹp chụp bằng kính thiên văn đặt trên những con tàu vũ trụ. Nhà thiên văn vô tuyến Hoa Kỳ, Robert Wilson tường thuật quá trình phát hiện ra tàn dư của hiện tượng Big Bang khai sinh ra vũ trụ, khi ông còn đang cộng tác với Arno Penzias tại công ty Bell Laboratories. Sự phát hiện ra bức xạ phông vũ trụ này là một bằng chứng củng cố thuyết Big Bang và đã mang lại cho Wilson và Penzias giải thưởng Nobel.

Các nhà thiên văn trình bầy kết quả săn tìm những hành tinh ở hẳn bên ngoài hệ mặt trời (extrasolar planets). Sự phát hiện ra những hành tinh xa xôi là điều kiện tiên quyết để tiếp tục tìm kiếm những nền văn minh khác trong dải Ngân hà. Sự sống trường tồn chỉ có khả năng tồn tại trên những hành tinh, bởi vì những ngôi sao nóng hàng nghìn độ Celsius, nên có thể thiêu hủy tất cả sinh vật. Hiện nay các nhà thiên văn đã tìm thấy hơn 300 hành tinh nằm ở bên ngoài hệ mặt trời mà phần lớn là những hành tinh khổng lồ và nặng như hành tinh Mộc, chứa toàn là khí. Họ bắt đầu sử dụng những kỹ thuật quan sát hiện đại ngày càng có độ nhạy cao, nhằm phát hiện loại hành tinh có vỏ rắn chắc và nhỏ như trái đất có khả năng chứa được sự sống. Họ đặt ra vấn đề, liệu chỉ có một vũ trụ duy nhất mà chúng ta đang sinh sống ở trong, hay còn có những vũ trụ khác tuân theo những định luật lý- hoá khác hẳn đối với vũ trụ của chúng ta ? Các nhà thiên văn cũng trình bầy phương pháp quan trắc những ngôi sao, sau khi chúng kết liễu cuộc đời qua những vụ nổ khủng khiếp để trở thành những thiên thể siêu đặc như lỗ đen. Chúng ta còn được chứng kiến trực tiếp những buổi quan sát bằng kính thiên văn chuyên nghiệp cỡ lớn đặt tại những đài thiên văn cách thủ đô Paris hàng nghìn kilomet.

 

Ảnh hành tinh Thổ (Saturn) chụp từ một con tàu tự động vũ trụ với rất nhiều chi tiết trong vành đai, trông như một cái đĩa CD. Nhìn từ hành tinh Thổ, trái đất của chúng ta (“Home” nằm ở bên trái trong ảnh) chỉ hiện ra như một đốm sáng mờ ảo nhỏ li ti. (Hình NASA)
 

Tháng 1 năm 2009, UNESCO cũng tổ chức tại Paris một hội thảo thứ hai với đề tài: “Ảnh hưởng của Thiên văn học đối với Xã hội và những nền Văn hóa ”. Vẻ đẹp của bầu trời đã từng là nguồn cảm hứng của những thi sĩ và nghệ sĩ. Trong hội thảo, các nhà khoa học trình bầy quan niệm về vũ trụ cùng những huyền thoại qua những thời đại và những nền văn minh khác nhau. Di tích của những đài thiên văn và những công trình kiến trúc cổ xưa xây trên quy luật của thiên văn học đều là những kho tàng văn hoá quý báu cần được bảo vệ. Vị trí của con người trong vũ trụ, cũng như quan niệm chỉ có một - tức là nhân loại chúng ta trên trái đất - hay nhiều nền văn minh trong dải Ngân hà, là một đề tài hấp dẫn. Sự khác biệt giữa thiên văn học và thuật chiêm tinh đoán định số phận con người cũng là một đề tài tranh luận trong hội thảo. Công việc giáo dục thế hệ trẻ bằng những phương pháp thực nghiệm đơn giản và những buổi trình diễn thiên văn dưới vòm những nhà chiếu hình vũ trụ là những bịên pháp nâng cao dân tri cần được lưu ý tới. Hội thảo khuyến khích công việc đào tạo cán bộ giảng dạy sinh viên và học sinh tại các nước chưa có nền tảng thiên văn học vững chắc. Với sự hỗ trợ của Hội Thiên văn Quốc tế, chúng tôi đã từng tổ chức những khoá học thiên văn này tại Việt Nam. Chúng ta hy vọng các nhà thiên văn nghiệp dư của những Câu lạc Bộ Thiên văn trong nước sẽ ủng hộ và tích cực tham gia cùng các nhà thiên văn toàn cầu vào những hoạt động của “Năm Thiên văn Quốc tế”.

Đã đăng trên Diễn Đàn

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Quang Riệu