Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu (GNSS)

Vietsciences- Nguyễn Đức Hùng     20/01/2006

 

Phần 1: Tóm tắt
Những phương pháp dẫn đường
Phần 2: Những hệ thống dẫn đường vô tuyến trước GPS
Phần 3: Lý do chế tạo hệ thống định vị toàn cầu và tóm lược lịch sử chế tạo GPS

Phần 1: Tóm tắt
Những phương pháp dẫn đường
Phần 2: Những hệ thống dẫn đường vô tuyến trước GPS
Phần 3: Lý do chế tạo hệ thống định vị toàn cầu và tóm lược lịch sử chế tạo GPS
Phần 4: Khái quát hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu GNSS
Phần 5: Nguyên lý cơ bản hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu GNSS
Phần 6: Nguyên lý đo vị trí bằng GNSS
Phần 7: Sai số và những phương pháp nâng cao độ chính xác
Phần 8: Hướng tương lai và nhu cầu sử dụng GNSS
Phần 9: Ứng dụng của GNSS
Phần 10: Tình hình ứng dụng GNSS ở Việt Nam
Phần 11 Phần cuối


Kết luận
Tài liệu tham khảo
Phụ lục
Phụ lục 1 Một số thuật ngữ
Phụ lục 2 Tiểu sử TS Ivan Getting và TS Bradford Parkinson

Phần 1: Tóm tắt:

1. Những phương pháp dẫn đường
1.1 Dẫn đường là gì? Sơ lược lịch sử xác định vị trí
1.2 Những phương pháp dẫn đường
1.2.1 Dẫn đường bằng mục tiêu (Pilotage):
1.2.2 Dẫn đường dự đoán (Dead reckoning):
1.2.3 Dẫn đường thiên văn học (Celestial navigation):
1.2.4 Dẫn đường vô tuyến điện (Radio navigation):
1.2.5 Dẫn đường quán tính (Inertial navigation):

 

Phần 1


Tóm tắt


Ngày nay nếu chúng ta ngồi trên chiếc xe ô tô bóng láng, trên xe ô tô có trang bị thiết bị dẫn đường GPS (GPS navigator) chúng ta có thể nhìn thấy vị trí hay tọa độ của xe mình hiện trên màn hình có bản đồ điện tử trong hệ thống đường xá phức tạp. Vậy thiết bị dẫn đường GPS trên xe ô tô có nguyên lý hoạt động như thế nào?
Thiết bị dẫn đường GPS dựa trên nguyên lý hoạt động của Hệ thống định vị toàn cầu (Global Positioning System, viết tắt là GPS) hoặc tên gọi mới ưa dùng hơn Hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu

 (Global Navigation Satellite Systems, viết tắt là GNSS). Hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu bao gồm ba hệ thống vệ tinh dẫn đường như sau: GPS do Mĩ chế tạo và hoạt động từ năm 1994, GLONASS (GLobal Orbiting Navigation Satellite System) do Nga chế tạo và hoạt động từ năm 1995, và hệ thống GALILEO do Liên hiệp Âu Châu (EU) chế tạo và sẽ được đưa vào sử dụng trong tương lai không xa vào khoảng năm 2008. Nguyên lý hoạt động chung của ba hệ thống GPS, GLONASS và GALILEO cơ bản giống nhau. Trong bài viết này, người viết sẽ trình bày sơ lược về lịch sử ra đời của hệ thống GPS, nguyên lý hoạt động của hệ thống GPS và tình hình thực tại của những hệ thống GNSS cũng như những ứng dụng trong tương lai.

Hình 1 Một loại máy dẫn đường GPS trên xe hơi (Vision Engineer, 2005)

 

Hình 2 Máy dẫn đường GPS trên xe taxi ở Nhật (Wikipedia, 2006)

 

Hình 3 Máy dẫn đường vệ tinh Garmin StreetPilot 2620 (Garmin, 2005)

 

1. Những phương pháp dẫn đường

 

1.1 Dẫn đường là gì? Sơ lược lịch sử xác định vị trí

 

Lịch sử dẫn đường và xác định vị trí tàu gắn liền với lịch sử dẫn thuyền thám hiểm trên biển trong nhiều thập kỉ trước khi các phương tiện bay trên không như máy bay và vũ trụ ra đời.

Từ thời tiền sử, con người đã tìm cách để xác định xem mình đang ở đâu và đi đến một đích nào đó và trở về bằng cách nào. Những hiểu biết về vị trí thường mang tính sống còn và có sức mạnh kinh tế trong xã hội. Con người thời săn bắn kiếm thức ăn thường đánh dấu lối đi của mình để có thể trở về hang động nơi ở của mình. Sau đó họ làm ra bản đồ, và phát triển thành hệ thống mạng vĩ tuyến (vị trí trên trái đất đo từ đường xích đạo về phía cực bắc và phía cực nam) và kinh tuyến (vị trí trên trái đất đo từ đường kinh tuyến gốc sang phía đông hoặc sang phía tây). Đường kinh tuyến gốc sử dụng trên thế giới là đường kinh tuyến đi qua Đài quan sát Hoàng gia (Royal Observatory) ở Greenwich, Anh Quốc.

Khi con người di chuyển từ vùng này đến vùng khác bằng thuyền chạy trên biển, những người đi biển thuở ban đầu đi dọc theo bờ biển để tránh bị lạc. Sau đó họ biết cách ghi hướng đi của họ theo các vì sao trên trời họ sẽ đi ra biển xa hơn. Những người Phoenicians cổ đại đã sử dụng Sao Bắc Cực (North Polar) dẫn đường để thực hiện chuyến đi từ Egypt và Crete. Theo Homer, nữ thần Athena đã nói với Odysseus khi điều khiển con tàu Navis trong chuyến đi từ Đảo Calypso rằng “hãy để chòm sao Đại Hùng phía bên trái mạn thuyền”. Thật không may, những vì sao chỉ có thể nhìn được vào ban đêm và khi có thời tiết đẹp trời trong sáng. Con người cũng đã biết dùng những ngọn đèn biển - những ngọn hải đăng (lighthouses) – lấy ánh sáng để dẫn đường, giúp những người đi biển vào ban đêm và cảnh báo nguy hiểm.

Tiếp theo, trong lịch sử ngành hàng hải (marine navigation) người ta sử dụng la bàn từ (magnetic compass) và sextant. Kim la bàn luôn chỉ hướng cực bắc, và cho chúng ta biết “hướng mũi tàu” (heading) chúng ta đang đi. Bản đồ của người đi biển thời kì thám hiểm thường vẽ hướng đi giữa các cảng chính và những nhà hàng hải giữ khư khư những bản đồ đó cho riêng mình.

Sextant sử dụng những chiếc gương có thể điều chỉnh được đo góc độ chính xác của các vì sao, mặt trăng và mặt trời trên đường chân trời. Từ những góc đo này và sử dụng cuốn sách Lịch thiên văn hàng hải (The Nautical Almanac) chứa đựng các thông tin vị trí của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao người ta có thể xác định được vĩ độ trong thời tiết đẹp, vào cả ban ngày lẫn ban đêm. Tuy nhiên những người đi biển không thể xác định được kinh độ. Ngày nay nếu nhìn vào những tấm hải đồ rất cũ, chúng ta đôi khi có thể thấy vĩ độ của bờ biển rất chính xác nhưng kinh độ có khi sai lệch đến hàng trăm hải lý. Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng trong thế kỷ thứ 17 mà chính phủ Anh Quốc đã phải thành lập lên một Ban đặc biệt xác định kinh độ. Ban này đã tập hợp nhiều nhà khoa học nổi tiếng để tìm cách tính kinh độ. Ban này đưa ra phần thưởng 20.000 bảng Anh, tương đương với số tiến ngày nay khoảng 32.000 đô la Mỹ, nhưng thời đó món tiền này có lẽ có giá trị hơn rất nhiều, cho những người nào có thể tìm được cách xác định kinh độ với sai số trong vòng 30 hải lý.

Phần thưởng đã mang lại thành công. Câu trả lời là phải biết được chính xác thời gian khi đo độ cao bằng sextant. Ví dụ, theo Lịch thiên văn Greenwich dự đoán rằng mặt trời lên cao nhất (vào thiên đỉnh người quan sát) vào lúc chính ngọ (buổi trưa), tức là 12 giờ trưa. Nếu có một đồng hồ trên tàu, khi rời cảng (nước Anh), làm đồng bộ thời gian của đồng hồ này với thời gian Greenwich. Tàu chạy về phía tây. Ví dụ, lúc 2 giờ chiều trong ngày, khi sử dụng sextant đo độ cao của mặt trời thì lúc đó vị trí mặt trời sẽ tương đương với thời gian 2 giờ phía tây của Greenwich. Như chúng ta đã biết, ngày nay lấy kinh tuyến gốc là Greenwich, kinh độ được tính 180 độ theo phía đông, và 180 độ theo phía tây tương ứng với 12 múi giờ phía đông và 12 múi giờ phía tây. Biết được giờ đo chúng ta sẽ tính được kinh độ. 

John Harrison (1639-1776)Vào năm 1761, một người thợ đồ gỗ mỹ thuật tên là John Harrison (1639-1776) đã phát minh một đồng hồ dùng trên tàu có tên gọi là Thời kế (chronometer), có sai số 1 giây trong một ngày. Vào thời gian đó một Thời kế đo thời gian có độ chính xác như thế là một điều không thể ngờ được! Trong hai thế kỉ tiếp theo, sextants và thời kế đã được sử dụng kết hợp với nhau để xác định vị trí của tàu biển (vĩ độ và kinh độ).

Đầu thế kỉ 20, người ta đã phát minh ra một số hệ thống dẫn đường vô tuyến điện (radio-based navigation systems) và sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Các tàu chiến và máy bay quân sự của quân đồng minh và phát xít đã sử dụng những hệ thống dẫn đường vô tuyến điện trên mặt đất, những công nghệ tiên tiến nhất thời đó.

Một số hệ thống dẫn đường vô tuyến trên mặt đất vẫn còn đến ngày nay. Một hạn chế của phương pháp sử dụng sóng vô tuyến điện được phát trên mặt đất là chỉ có hai lựa chọn: 1) hệ thống rất chính xác nhưng không bao phủ được vùng rộng lớn, 2) hệ thống bao phủ được một vùng rộng lớn nhưng lại không chính xác. Sóng vô tuyến tần số cao (như sóng TV vệ tinh) có thể cung cấp vị trí chính xác nhưng chỉ có thể bao phủ vùng nhỏ hẹp. Sóng vô tuyến tần số thấp (như sóng đài FM, frequency modulation, sóng điều tần) có thể bao phủ được vùng rộng lớn hơn nhưng lại không cho chúng ta vị trí chính xác.

Chính vì vậy những nhà khoa học đã nghĩ rằng cách duy nhất bao phủ sóng chính xác trên toàn thế giới là đặc những trạm phát sóng vô tuyến điện cao tần đặt trong không gian và phát sóng xuống trái đất. Một trạm phát sóng vô tuyến điện nằm ở phía trên không gian của trái đất có thể phát sóng vô tuyến điện cao tần bằng tín hiệu được mã hóa đặc biệt có thể bao phủ được khu vực rộng lớn và vẫn tới được trái đất cách xa ở phía dưới với một mức năng lượng hữu ích cho phép tái tạo lại thông tin thì sẽ có thể xác định được vị trí. Đây là ý tưởng ban đầu của hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Ý tưởng này đã đúc kết lại 2,000 năm sự tiến bộ trong khoa học dẫn đuờng bằng cách tạo ra “những hải đăng trong vũ trụ” (space-based lighthouses) làm đồng bộ được với thời gian tiêu chuẩn có thể dùng để xác định vị trí chính xác.

Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) có thể cho chúng ta biết vị trí ở bất kỳ nơi nào ở trên bề mặt trái đất với sai số trong khoảng 20 tới 30 feet, tức khoảng 6-9 mét, trong mọi điều kiện thời tiết và liên tục 24 giờ trong ngày. Với máy thu có độ chính xác cao hơn thu tín hiệu “hiệu chỉnh vi phân” bằng máy thu GPS đặc biệt đặt ở vị trí cố định đã biết, chúng ta có thể thu được vị trí với sai số có thể giảm xuống phạm vi nhỏ hơn 3 feet (1 mét).

 

1.2 Những phương pháp dẫn đường

 

Từ thuở bình minh của loài người cho đến bây giờ, việc dẫn dắt xác định vị trí tầu trên biển và các phương tiện giao thông dựa vào những phương pháp gì? Các phương pháp dẫn đường có thể được tóm tắt như sau:

 

1.2.1 Dẫn đường bằng mục tiêu (Pilotage):

Phương pháp dẫn đường bằng mục tiêu là phương pháp dẫn đường và xác định vị trí phương tiện giao thông bằng những mục tiêu nhìn thấy. Những mục tiêu nhìn thấy có thể là đỉnh ngọn núi, hải đăng, chập tiêu v.v… Phương pháp dẫn đường bằng mục tiêu là phương pháp cổ xưa và đơn giản nhất.

 

1.2.2 Dẫn đường dự đoán (Dead reckoning):

Phương pháp dẫn đường dự đoán là phương pháp dẫn đường dựa vào vị trí xuất phát ban đầu, tốc độ di chuyển và hướng di chuyển để dự đoán vị trí của phương tiện. Phương pháp này nếu không có ảnh hưởng của ngoại cảnh như dòng chảy, gió và sóng thì cho độ chính xác cao.

 

1.2.3 Dẫn đường thiên văn học (Celestial navigation):

Phương pháp dẫn đường thiên văn học là dựa vào việc quan sát các thiên thể đã biết trên bầu trời như mặt trời, mặt trăng và các vì sao, sử dụng sextant để đo độ ca và góc độ giữa các thiên thể, dùng đồng hồ (thời kế) để đo thời gian và dùng lịch thiên văn để tính toán vị trí của tàu. Phương pháp dẫn đường thiên văn học là phương pháp được sử dụng nhiều trong ngành hàng hải.

Hình 2 Thời kế (Chronometer)

 

Hình 3 La bàn đi biển (marine compass)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sextant

 

Hình 4 Lịch thiên văn hàng hải (Nautical Almanac)

 

1.2.4 Dẫn đường vô tuyến điện (Radio navigation):

Phương pháp dẫn đường vô tuyến điện là phương pháp sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện từ một trạm phát cố định có vị trí đã biết, tại điểm thu sóng máy thu sẽ tính toán thời gian, khoảng cách và kết quả thu được vị trí máy thu sóng vô tuyến điện. Phương pháp sử dụng GPS/GNSS cũng được coi là phương pháp vô tuyến điện, các vệ tinh hệ thống định vị toàn cầu được coi là các trạm phát vô tuyến điện, hay nói chính xác hơn ‘các trạm phát vô tuyến điện ở trong vũ trụ’ (space-based radio wave transmitters).

 

1.2.5 Dẫn đường quán tính (Inertial navigation):

Phương pháp dẫn đường quán tính dựa trên hiểu biết vị trí, vận tốc và động thái ban đầu của phương tiện, từ đó đo tốc độ động thái và gia tốc rồi dùng phương pháp tích phân để tính toán ra vị trí của phương tiện. Đây là phương pháp dẫn đường duy nhất không dựa vào nguồn tham khảo bên ngoài. Nếu phương pháp dẫn đường vô tuyến chịu ảnh hưởng của sóng vô tuyến điện và không sử dụng được trong những khu vực không có sóng thì phương pháp dẫn đường quán tính có thể khắc phục được.

 

(Xem tiếp Phần 2: Những hệ thống dẫn đường vô tuyến trước GPS)

 

Những bài liên quan:

Hệ thống Thông tin Định vị Toàn cầu bằng vệ tinh

Những sự kiện đáng chú ý trong năm 2005

Lịch sử la bànn

© http://vietsciences.free.fr http://vietsciences.net   Nguyễn Đức Hùng