Bút ký mùa hè '99

Vietsciences - Hồng Lê Thọ          14/03/2009

 

Những bài cùng tác giả

Những dòng bút ký này được ghi chép trong quãng thời gian tháng 8/1999 khi người bạn cùng lớp, Yamada Yoshinari sang thăm Việt nam… thời mà chiếc cầu Mỹ Thuận chưa bắc ngang sông Tiền… và Thành phố Hồ chí Minh còn lơ thơ vài chiếc mũ bảo hiểm trên đường phố, không phát triển như bây giờ…

NỖI BUỒN BỰC "ĐẦU TIÊN" CỦA YAMADA

Ba tháng trước khi thực hiện kế hoạch nghỉ hè mà Việt Nam là điểm hẹn, Yamada nói đã đọc 4 quyển sách nói về lịch sử , cách ăn ở, đi lại, những nơi có danh lam thắng cảnh, hớn hở khoe với tôi: "Thọ ơi, tao thấy Việt Nam của mày hay lắm. Đọc lời giới thiệu về chiếc áo dài, giai thoại phố người Nhật ở Hội An, món phở tái... mê lắm, hẹn mày tại Sài Gòn vào tháng 8 tới nhé, nhớ có mặt đi chơi với tao nghen".

Như thói quen của nhiều người nước ngoài khác, khách du lịch thường tìm hiểu rất kỹ lưỡng, kể cả những điều họ cần "phòng thân" ở một nước sắp đến. Niềm thú vị của cuộc du lịch đã bắt đầu như thế, gây bao nô nức trước những điều mới lạ, sự hứng thú tăng dần khi ngày lên đường gần kề. Yamada hiện là giám đốc một phân viện nghiên cứu về công nghệ sinh học, bạn thuở hai đứa còn là sinh viên năm thứ nhất ở Tokyo, quen nhau gần 30 năm, biết bao lần hẹn "thế nào tao cũng sang thăm đất nước Việt Nam của mày", nhất là khi Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng, đang bước vào công cuộc dựng xây ở thời kỳ đổi mới. Được đón người bạn "nối khố" thời hàn vi ngay trên quê hương mình, ai mà không vui. Tôi để dành một tuần với "hắn" là tất nhiên.

Cảnh nhốn nháo ở sân bay Tân Sơn Nhất trước đây

Đúng mùa Vu Lan, rằm tháng 8, Yamada đã xuất hiện trên màn hình chiếc TV đặt ngay ở cổng ra sân bay Tân Sơn Nhất nơi chờ khách dến. Dáng dấp cao lớn, vạm vỡ quen thuộc của Yamada vừa thoáng ấy, sao mãi mà chẳng thấy ra cửa... Chờ gần 30 phút, rồi một tiếng đồng hồ... một nụ cười hiền lành, mồ hôi nhễ nhại, khuôn mặt thấm mệt của Yamada hiện ra. Tôi vội hỏi:

- Sao mày lâu ra thế? Tokyo tháng này cũng nóng như Sài Gòn chứ gì?

Yamada nói như trút được gánh nặng:

- Ôi thôi, cái thằng đứng trước tao khai báo thế nào mà cãi qua cãi lại với ông “cảnh sát” sân bay, không ai hiểu ai, thế là đoàn người dồn cục, hắn còn kẹt lại đã ra được đâu. Tội nghiệp cho nó, chẳng có ai hướng dẫn "mô tê" gì cả.

- Sao mày không nhảy qua quầy khác? Tôi hỏi lại.

Vừa lôi chiếc vali xềnh xệch ra cổng, tay ôm chặt chiếc ví cài lưng, Yamada hổn hển.

- Ừ thì có làm thế nào mới ra được đây này. Rồi hỏi tiếp:

- Xe mày đây?

Tôi đưa tay chỉ ra bến đỗ, nhẹ nhàng an ủi:

- Mày chịu khó theo hướng này với tao, xe đậu ở đằng kia kìa.

- Tại sao mày không nói bác lái xe tấp vô đây?

- Không được đâu, qui định ở đây là khách phải qua chỗ kia, nếu không thì phải đi taxi của họ, mày không thấy à, đoàn khách du lịch mấy chục ông già bà lão cũng phải làm thế thôi. Tao mà đưa xe vào là có người đến gây sự ngay.

Một thoáng thất vọng lẫn thông cảm lướt qua, Yamada đưa mắt nhìn đoàn khách lớn tuổi lê la vali qua đường, quay lại mỉm cười "xứ của mày vui thật", rồi nhanh chân trở lại như những ngày chen chúc, khi đi làm ở Tokyo.

Lên xe xong, Yamada thở phào: "May là có mày đón, nếu không thì tao chẳng biết làm sao". Bác lái xe như hiểu ý, mở hết công suất máy lạnh trong xe, nhẹ nhàng lướt qua cái chốn xôn xao khó tính này.

Yamada hỏi tôi:

- Mày định cho tao ở khách sạn nào vậy?

- Khách sạn Rex, giá 120 USD/ngày, mày chịu không?

- Loại khách sạn sang nhất Sài Gòn phải không? Tao đọc trên sách, họ nói thế. Nhưng sao chọn loại đắt tiền làm gì? Tao sang chơi với mày ở đâu mà chẳng được.

Rồi rút trong túi ra một tập carte visite giới thiệu các khách sạn lớn, bé kèm theo bảng giá tương đối dễ chịu 20 - 80 USD/ngày với những chương trình dịch vụ "du hí" ban đêm khá mời mọc mà ai đó đã nhanh chóng phát cho Yamada trên đường ra cổng sân bay. Nếu là nơi khác, tôi sẽ phải mời Yamada về nhà mình và tận tình lo cho bạn, nhưng ở đây những dự định ấy đành thôi, tốt nhất cứ đưa Yamada vào khách sạn là yên tâm nhất, khỏi phải khai báo thủ tục phiền hà. Để tránh thắc mắc của bạn, tôi đáp:

- Rex ở ngay trung tâm, mày đi đâu cũng được, vả lại lâu lâu mới gặp nhau, mày cứ ở đấy cho thoải mái. Tao sẽ đến đưa đón mày đi chơi, không sao cả.

Đi giữa lòng thành phố nhìn cảnh "ngựa xe như nước áo quần như nêm" của một Paris phương Đông, Yamada vui vẻ:

- Thành phố này đẹp thật, cây xanh hai bên đường, xe cộ qua lại nhộn nhịp vui tươi, khác hẳn cảnh nhốn nháo ở sân bay, may mà tao được vào tới thành phố mới cảm thấy mình là khách du lịch.

Em tan trường về…

Hình như nỗi hào hứng của Yamada đã trở lại, nét cau có ban đầu tan dần, "hắn" vươn vai uốn người, cười một mình thật sảng khoái, rồi buột miệng:

- Sáng mai tao chờ mày ở khách sạn. Nhớ đến sau 9 giờ, vì tao sẽ dậy sớm để đi dạo, ngắm những tà áo dài trước đã, sau đó mới về. Rồi lấy tay chỉ vào một tạp chí hướng dẫn du lịch:

- Xem này, ở Tokyo làm gì có cảnh học sinh mặc áo dài đồng phục đạp xe đi học thật thanh bình như thế, kèm theo một bản đồ thành phố đã được in sẵn, có những mũi tên chỉ các tuyến đường đến trường Nguyễn Thị Minh Khai, nhà thờ Đức Bà... không quên lời dặn "nhớ đi vào sáng sớm trước 7 giờ, bạn sẽ gặp những nàng tiên áo trắng".

SÀI GÒN TRONG MẮT BẠN TÔI

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Lần đầu tiên Yamada được tận hưởng hương vị đặc sản của người Huế ở đất Saigon, tấm tắc khen mùi tôm chấy trên những chiếc bánh bèo có mỡ hành phi thơm phưng phức, hít hà với cái cay xé lưỡi của quả ớt xanh, lần lượt đến món bánh ướt, bánh nâm; mỗi lần sang một thức ăn mới dọn lên là hắn trầm trồ, chẳng hề ngần ngại "xin thêm một đĩa". Buổi cơm trưa hôm ấy kết thúc bằng một tô bún bò giò heo mà như lời Yamada "thật tuyệt vời" không chỉ vì miếng giò được hầm thế nào đó mà vừa dòn lại vừa tan nhanh ngọt lịm... cái mùi của sả, của mắm ruốc dịu ngọt, nồng nàn trong khói bốc lên! Ở Tokyo,Yamada - cũng như nhiều người Nhật khác- thường ăn trưa qua quít bằng một tô mì Tàu hay mì sợi soba pha trong nước cá thu có đến hàng chục kiểu chế biến khác nhau, nhưng nhìn mồ hôi lấm tấm trên trán, cách "bê" nguyên tô bún bò húp nước lèo "sùm sụp" mới rõ hẳn là ngon thật như hắn nói:

- Ở đây, món ăn nào tao thấy cũng có rau, hành, ngò đủ loại. Bắp chuối, rau muống cắt thành sợi có hương vị thật lạ, hài hòa và làm cho thức ăn nhẹ nhàng, đầy đủ hương vị tươi mát.

- Mày thấy đấy, có thêm rau vào, thức ăn vừa ngon lại vừa đỡ ngán vì dầu, mỡ , trong thức ăn của người Việt Nam bao giờ cũng có đủ loại rau, có món còn ăn thêm với rau dấp cá, khế chua trái vã hay chuối xanh xắt nhỏ, đặc biệt là khi ăn các món phở bún mắm hay bánh khoái khi cửa hàng vừa đem ra đây nầy.

Bên ngoài, cơn mưa áp thấp nhiệt đới đang tuôn xối xả, tiếng sét đánh ầm ầm, chớp giật như xé trời. Hai đứa lẳng lặng nhìn nhau, chờ dứt hạt bên ấm trà sen của bà chủ quán. Hơn 4 năm sống cùng cư xá, sau này ra trường mỗi đứa một nơi, chúng tôi cũng đã thay đổi khá nhiều. Bươn chãi ở xứ người hơn nửa đời riết cũng chán, tôi lặn lội tìm về quê hương kiếm cách làm ăn còn Yamada từ một chuyên gia dần dà cũng leo lên được chức giám đốc một phân viện nghiên cứu, cuộc sống làm "học giả" như hắn có vẻ nhàn rỗi và bình yên hơn. Chiếc xe taxi đưa chúng tôi trở lại khách sạn, đường phố ngập nước, nhìn những người hổn hển, ì ạch đẩy Honda bì bõm trên đường thật vất vả Yamada như chẳng hiểu:

- Tại sao vậy, xe họ bị hư vì mưa à? Hắn thắc mắc.

- Đúng rồi, mày không thấy nước trên đường ngập hơn nửa bánh xe sao? Do cống bị nghẽn thoát không được.

Giòng sông uốn quanh

Thành phố trong lành, dễ thở hơn sau cơn mưa , mọi người ồ ạt tuôn ra từ những mái nhà, hè phố sinh hoạt trở nên náo động thật vui, đây đó còn rơi vãi những nhánh cây khô đã bị cơn giông bẻ gảy, nếu chẳng may mà rơi trúng ai đó đi ngang qua thì có thể gây "chết người" như chơi. Chiều hôm ấy Yamada tỏ ý muốn một mình đi chợ Bến Thành theo bản đồ chỉ dẫn - có lẽ sợ gây phiền hà cho tôi - để ngắm nghía Saigon cho thỏa thê như lời hắn nói, hẹn 7 giờ tối gặp nhau.

Đêm thứ bảy của Saigon thật rộn rã, ánh đèn màu khắp thành phố đã bật lên nhấp nháy trên những tòa nhà cao tầng mới xây trông rất đẹp mắt. Vừa thấy tôi, Yamada kể ngay:

- Tao đi vào chợ một mình, mua được mấy xấp vải may áo dài, họ hẹn chiều mai ghé lấy. Mấy bà bán ở chợ tử tế lắm, họ chọn cho tao vải "silk" (lụa) màu trắng, màu xanh, và màu đỏ cho bà xã và hai đứa con gái.

Nghe thế tôi đâm lo, đang thắc mắc "ni tấc" của ba người này đo thế nào mà may được ngay thì Yamada như đã hiểu ý, rút ra một tập giấy ghi sẵn ba số đo, chiều cao của từng người rồi nói:

- Tao đưa ni cho họ và họ nói là "Ok, ok", còn nói là nhất định sẽ vừa ý. Khi nào đi ăn cưới em họ Kazuko tụi tao sẽ mặc cho bà con ngạc nhiên. Bên Nhật đang có "mốt" mặc áo dài đấy!

- Thế thì giá bao nhiêu một cái?

- Cả quần, công may chi chi là 300 đô một cái!

Nghe xong tôi mỉm cười và miễn bình luận gì thêm, chỉ mong sao Yamada bằng lòng là được vì biết rằng giá của nhà may Sĩ Hoàng nổi tiếng nhất Sài Gòn này "xịn" lắm cũng chỉ đến 1 triệu, còn rẻ thì khoảng chừng 200.000 đồng là đã có vải tốt. Đưa Yamada sang khu phố "nhậu" ở đường Thi Sách, thiên hạ ngồi cả trên lề đường ai nấy trông thật vui vẻ, chai lọ để dưới chân bàn ngỗn ngang. Nếu không khí nhậu nhẹt ở Tokyo êm ả nhẹ nhàng ở những nơi sang trọng thì ở khu "nhậu" bình dân ở nước nào cũng thế, ồn ào mạnh ai nấy nói rất rôm rả.

Xe đẩy thành quán nhậu bên vỉa hè ở TPHCM

Tôm sú hấp bia, cua rang me, cá bống chiên xù đã làm Yamada say mê đến tận óc, món nào lên bàn là sau đó bát đĩa sạch trơn, hắn cũng "sướng theo" cái không khí náo nhiệt, nói năng thật hả hê :

- Hồi trưa mày cho tao ăn đồ Huế trông thanh tao, ngon "kiểu cách" còn bây giờ thì ngon "đã miệng" no kềnh ra đây này. Thức ăn ở đây tôm rất tươi, thịt cua ngọt lịm chứ không "nhàng nhạt" như cua biển hay tôm đông lạnh ở Tokyo.

- Chưa đâu, mai mốt trên đường đi Hội An, tao sẽ cho mày ăn tôm hùm ở Nha Trang, lúc đó có lẽ mày sẽ "ú ớ" luôn đấy.

Chen chúc giờ tan sở ở TPHCM” ngày xưa” trước khi có lệnh đội mũ bảo hiểm

Đường trở về khách sạn khá chật vật, các đoàn xe "đua tốc độ" bắt đầu xuất hiện, từng nhóm 5 - 10 xe, có khi thành từng đoàn nườm nượp rú ga hết cỡ, lạng lách tưng bừng, hầu hết là chở hai, chở ba, trai gái lẫn lộn. Tất cả đều còn rất trẻ. Bên lề đường nhiều thanh niên gát xe theo từng dãy hay theo nhóm, trông như ngồi hóng mát xem cảnh... Rồi một lúc sau bất ngờ "hè" nhau lao xuống bất kể.

Một pha biểu diễn

Thỉnh thoảng một chiếc xe com-măng-ca của cảnh sát giao thông mở còi hụ lướt qua. Yamada khiếp sợ, nép mình vào gốc cây me như mong được che chở, hắn khều nhẹ tay tôi:

- Ở Yokohama là nơi nổi tiếng đua xe, tụi nó lôi nhau ra xa lộ rồi chơi với nhau bằng loại phân khối lớn, có khi nhóm này gây hấn nhóm kia đánh nhau dữ tợn lắm đấy. Cảnh sát cũng đầu hàng luôn nhưng ở đây thì rất ít thấy xe lớn, loại 100 phân khối là nhiều. Đáng sợ thật vì tụi này đua ngay trên đường phố như thế thì gây ra tai nạn dễ lắm, nhất là người đi lại bình thường sẽ bị "vạ lây".

- Xảy ra luôn, tụi này đua xe luôn tới 2 - 3 giờ sáng mới chịu tan, có đám hút xì ke "phê" lên rồi thì vô cùng liều lĩnh, gây tai nạn chết người.

Tiếng ồn và khói bụi làm chúng tôi quá đinh óc, nhức đầu, không ai bảo ai lặng lẽ rủ nhau rời bước để tránh xa. Bên lề đường Hai Bà Trưng thỉnh thoảng vang lên lời mời gọi bâng quơ "Hai anh đi đâu đấy". Chốn phồn hoa đô hội này khá phức tạp về đêm, cuộc sống thật hối hả. Yamada chưa muốn đi ngủ, hắn vẫn còn muốn được chiêm ngưỡng cái đẹp của Sài Gòn. Tôi kéo Yamada thả bộ ra bờ sông tàu viễn dương đậu san sát sau lưng Bến Nhà Rồng, những chiếc cần cẩu vẫn chăm chỉ bốc hàng, đưa lên cao rồi hạ xuống. Trên bến cảng sáng rực không khí dễ chịu hơn, những cơn gió mát từ xa lùa vào thật thoải mái. Yamada như tỉnh lại :

- Sài Gòn có điều kiện rất thuận lợi, gần cảng, gần sân bay. Con người Saigon đầy sức sống, tao nghĩ đất nước mày nhất định phát triển nhanh lắm, mới có mấy năm mà như thế này thì khoảng cách giữa Việt Nam với các nước Asean sẽ rút lại không lâu. Nếu tất cả những "năng lượng" (energy) của bọn trẻ tối nay mà dồn vào sản xuất, phát triển khoa học kỹ thuật trong kỷ luật và trật tự thì hay biết bao.

Sài Gòn của tôi trong mắt Yamada thật tràn trề hy vọng, đang còn tiếp tục chuyển mình trong cuộc chạy đua vào thế kỷ 21, có lẽ Yamada nói đúng vấn đề "kỷ luật" và "trật tự" rất cần, cần ngay trong nếp sinh hoạt của một thành phố năng động khi đi vào công nghiệp hóa.

Chia tay dưới một bầu trời đầy sao, không nói gì thêm nhưng hình như cả hai đều chia sẻ ý kiến của nhau. Ngày mai tôi sẽ đưa Yamada về thăm đồng bằng Sông Cửu Long, nơi mà hắn cho rằng "là vựa lúa cho cả khu vực Châu Á trong những năm 2000".

MẶT TRẬN MIỀN TÂY VẪN YÊN TĨNH (*) (1)

Chúng tôi đến Ngã ba Trung Lương vào giữa trưa. Thành phố Mỹ Tho ở trước mặt, một thành phố "trên bến dưới thuyền" tấp nập, những chiếc ghe máy chở đầy ăp trái cây khắp nơi dồn về, nào chôm chôm, chuối, dừa, mãng cầu với những tiếng gọi la bốc hàng í ới thật vui mắt . "Đồng bằng sông Cửu Long đây rồi", Yamada đưa chiếc máy quay phim thu hình, thỉnh thoảng quay lại hỏi tôi "Trái cây gì lạ thế?".

Sông nước Cửu Long yên lành

Xứ ôn đới như Nhật Bản làm gì có cây trái nhiều loại đến vậy, hắn đòi mua ăn thử hết măng cụt đến mãng cầu ... khi xe vừa cập bến phà Rạch Miễu. Theo kế hoạch chiều nay hai chúng tôi về thăm Bến Tre, sau đó trở lại để đi Cần Thơ . Nhìn cảnh sông nước mênh mông, một vài ghe máy mình Rồng chở khách du lịch lướt ngang, xa xa cồn Phụng của ông "Đạo dừa" ngày xưa thấp thoáng; người làm hướng dẫn khách du lịch bất đắt dĩ như tôi cảm thấy lúng túng khi nghe Yamada than thở "Ở đây thật hiền hòa và còn nguyên thủy quá nhỉ!". Nông thôn ở vùng này mượt mà, vườn cây ăn trái xum suê, ruộng đồng cò bay thẳng cánh đang khơi gợi cho người khách phương xa cảnh đồng quê thanh bình của đất phương Nam, hắn nhìn rừng dừa, các cù lao trên sông ra chiều tư lự. Ở Tokyo, dừa từ Philippines, đảo Hawai được bày bán ở các quầy sang trọng trong siêu thị, cứ 2 trái là 1.000 yen (tương đương với 8 - 9USD) bảo sao Yamada không thèm thuồng khi thấy những núi dừa chất đầy ghe.

Trên bến Ninh Kiều(Cần Thơ)

Nước dòng sông chảy xiết, Yamada có vẻ ngại, liếc quanh thấy mọi người vẫn bình tĩnh; tiếng cười đùa, rao hàng lanh lãnh đang làm hắn yên tâm hơn. Một bé gái mời chúng tôi mua vé số, nhìn Yamada rồi cười, một nụ cười hồn nhiên và đôn hậu. Hắn hỏi:

- Cô bé mời gì đấy, vé số hả?. Rồi tiếp:

- Cháu này có lẽ mới lên mười mà phải kiếm sống rồi!

Không chỉ có một em; trên phà còn nhiều đứa trẻ bán hàng rong tíu tít. Tất cả đều ở tuổi đi học nhưng phải làm lụng, cái nghèo của các em như muốn phủ nhận sự màu mỡ của phù sa. Xe chúng tôi rời bến Hàm Luông đi vào những rừng dừa bát ngát của Bến Tre, nơi mà Yamada từng nghe những huyền thoại về các đội quân tóc dài của quê hương Đồng Khởi. Hắn cũng biết khá rõ các người Nhật thời Việt Minh đã có mặt và ở lại mãi mãi trong lòng đất ở nơi đây. Hôm trước, đài truyền hình ở Tokyo đưa phóng sự về bé Phúc, một bé trai bị khiếm thị thổi sáo nổi tiếng ở Bến Tre, một vùng từng bị quân đội Mỹ chà xát bằng chất độc màu da cam trong những năm 1962 - 71, để lại biết bao hậu quả thật đau lòng. Đó cũng là lý do để hắn ghé đến trong chuyến đi lần này. Chúng tôi thả bộ trên bờ mương, gió từ sông lùa qua những rặng dừa trĩu trái xạt xào, không ai hỏi ai, thỉnh thoảng Yamada lượm một xác dừa khô rơi rụng, ném thật xa vào cánh đồng trước mặt, la to "Chikushyo" (1). Tôi biết Yamada muốn nói gì với ai. Đợi hắn lấy lại bình tĩnh tôi sờ nhẹ vào vai .

- Trước khi rời Việt Nam tao sẽ đưa mày đi xem những chứng tích của chiến tranh. Ở đấy mày sẽ hiểu hơn .

- Người Việt Nam ở nông thôn hiền hòa quá mày nhỉ. Không biết họ còn căm thù người Mỹ không? Hắn hỏi đột ngột .

- Ừ, thì như mày thấy đấy, trên bến, dưới phà mọi người nhìn mày với một nụ cười hiếu khách dù thân xác mày to cao không kém người Mỹ .

- Nhưng tao là người Nhật, còn người Mỹ thì thế nào? Hắn cãi lại thật hồn nhiên.

- Cũng thế, chốc nữa hãy cố gắng quan sát người Việt Nam nhìn khách du lịch Mỹ hay Tây như thế nào? Rồi sẽ gặp thôi .

Buổi chiều ở đồng bằng thật đẹp, một cái đẹp không hùng vĩ, lộng lẫy nhưng hiền hòa và dễ chịu sau cơn mưa áp thấp nhiệt đới vừa qua nhanh. Xe chúng tôi trở lại quốc lộ 1 hướng về Bến phà Mỹ Thuận. Trên xe Yamada ngồi đếm cây dừa san sát hai bên đường rồi vui vẻ trở lại.

- Chà với dừa xứ này thì sẽ làm ra biết bao nhiêu than hoạt tính, không biết Việt Nam đã sản xuất được chưa? Toàn là tiền không đấy.

- Mới đốt thành than gáo dừa, chưa có kỹ thuật hoạt hóa cao. Đang còn thử nghiệm ở Trà Vinh.

- Sao tao thấy cái gì ở đây cũng còn ở dạng "thô" cả vậy. Chỉ cần tập trung công nghiệp chế biến chút nữa là hốt bạc. Nếu không công nghiệp hóa nông thôn sớm thì mai mốt ở Sài Gòn sẽ còn chật chội hơn nữa cho mà xem.

Rồi như chợt nhớ ra điều gì, Yamada hỏi vội:

- Hình như nước Việt Nam của mày xuất khẩu gạo đứng thứ nhì thế giới rồi phải không?

- Năm nay dự kiến xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn nếu như không bị mất mùa, lụt lội.

Hồi đó Yamada chỉ biết có tôm đông lạnh, than đá Hòn Gai, cao su Dầu Tiếng nay chỉ hơn 10 năm đổi mới mà hàng hóa Việt Nam đã tiến ra thị trường rất nhanh, dầu thô, gạo, hàng may mặc, trái cây, rau quả... Ngồi trên lan can phà êm ả lướt sóng, xa xa cầu Mỹ Thuận đang xây dựng đã sãi cánh vươn cao trên bầu trời, chuẩn bị nối liền hai bờ hiện ra, Yamada phấn khởi hẵn lên, nhìn tôi như chia sẻ niềm vui gần kề, rồi ưởn ngực nhìn về phía con tàu đang sủi bọt hét thật lớn: "Betonamu yo gambare! Cuu Long yo gambare!"(2) một cách sảng khoái trong cái nhìn vừa ngạc nhiên vừa ngỡ ngàng của những người chung quanh. Một người thương binh đứng bên cạnh hỏi tôi ông Nhật này nói gì, rồi đến bắt tay Yamada thật chặt.

(*)- tên một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của  Erich Maria Remarque (Im Westen nichts Neues, All Quiet on the Western Front, À l'Ouest, rien de nouveau.)

(1)- tiếng chửi " Đồ súc sinh".

(2)- Việt Nam ơi, cố lên, Cửu Long ơi, cố lên.

MẶT TRẬN MIỀN TÂY VẪN YÊN TĨNH (2)

Thật thú vị khi được đón hoàng hôn trên sông Tiền, vô cùng nồng thắm khi anh thương binh mua nước mời chúng tôi uống, hẹn có dịp mời về quê anh chơi ở Cao Lãnh. Yamada không quên hỏi Thuận, tên người bạn mới quen:

- Thế anh bị thương lâu chưa?

- Năm '79, Thuận đáp.

- Anh đạp phải mìn ở đâu, bây giờ còn bị di chứng không?

- Ở biên giới phía Bắc khi tôi đang phục vụ ở Lạng Sơn, đạp trúng phải mìn trong lúc tuần tra ban đêm. Bây giờ thì tàn tật chớ chẳng đau nhức gì cả. Anh cười một cách e lệ, lấy chiếc nạng gõ nhẹ vào đùi như muốn cho Yamada hiểu.

Yamada yên lặng một lúc, lục tìm trong ba lô tấm "bùa hộ thân"(*) ngũ sắc đặt trong tay Thuận.

- Tôi biếu anh cái này, tôi xin ở chùa bên Nhật trước khi đi nay gởi làm kỷ niệm. Ngày nào trở lại sẽ xin đến thăm gia đình bạn.

Chúng tôi chia tay với Thuận trong cử chỉ lúng túng của Yamada, hắn vẫy tay từ biệt anh ấy cho đến khi khuất bóng rồi quay lại nhìn tôi như thầm cảm ơn. Xe đưa chúng tôi tiến sâu vào đồng bằng, hối hả kịp đến trước giờ cơm tối.

Bến phà Cần Thơ

Bến phà Cần Thơ rộn rịp, các đoàn xe chở khách du lịch, xe vận tải nối đuôi nhau dài hun hút. Trong đám đông lố nhố những người da trắng, đa số đều là người già, đang chờ phà cập bến ven sông. Yamada nhanh chân len lỏi, có lẽ hắn muốn đi tìm hiểu một mình. Vẫn ngồi yên trên xe, tôi quan sát thấy hắn nói cười vui vẻ với mấy ông "Tây", rủ hai ba người mua trái cây rồi như giữa người mua và người bán chẳng hiểu ý nhau, Yamada chạy nhanh ra bến nhờ một người Việt Nam đứng đấy "can thiệp". Mãi đến phà gần tới bờ bên kia, Yamada mới trở lại, hắn như đã được giải tỏa ấm ức đã có:

- Tao rủ bọn nó mua quà mới biết đó là một đoàn cựu chiến binh Mỹ sang đây thăm lại chiến trường, căn cứ Mỹ ngày trước. Tụi nó hết còn sợ "Việt cộng" như ngày xưa nữa, còn nói là ban đầu họ tưởng họ sẽ bị ghét cay ghét đắng, hiểu ra vẫn còn nhiều người Mỹ hiểu lầm hay đúng hơn là mặc cảm chưa tan trong lòng họ.

Đến khách sạn, tắm rửa thật thoải mái xong hai chúng tôi ra bến Ninh Kiều tìm một quán cơm bình dân bên bờ sông vừa hóng mát vừa nhìn cảnh sinh hoạt của vùng "gạo trắng nước trong" về đêm. Nghe tiếng máy nổ "bìm bịp" của ghe máy vào ra rộn ràng mà lòng vui lây.

- Hạt gạo ở đây không dài, lại hơi khô. Thường thường người Nhật thích dùng gạo này làm cơm chiên lắm. Hồi đó bố mẹ tao bảo trong chiến tranh cũng đã ăn "gai mai" (gạo ngoại) cứu đói từ Việt Nam chở về. Bây giờ mới được ăn lần đầu, thấy cũng lạ lạ.

- Gạo Nhật dẻo hơn, các giống Japonica, như Sasanishiki, Hoshi-Hikari nổi tiếng cũng đã được trồng thử ở An Giang cách đây gần 10 năm. Nghe đâu cũng đang xuất sang Nhật để làm bánh "Senpei" rất ngon (bánh gạo nướng phồng lên), khả năng thu hoạch không kém.

- Thế à, có lẽ vì giá rẻ hơn gạo nội địa (Nhật Bản) và tương hợp với khẩu vị của người Nhật chăng?

Tối hôm đó tôi cho Yamada ăn rùa, nướng lên thịt rất thơm làm hắn xít xoa bảo rằng chỉ mới được ăn một hai lần trong đời, vì ở Tokyo giá thịt rùa khá đắt và hiếm có. Món lẫu canh chua lươn, theo hắn, toàn là thứ "thập toàn đại bổ" rất mát. Vào mùa hè, ở Nhật Bản thường có thói quen ăn thịt lươn, nướng thật vàng trên lò than rồi nhúng vào nước sốt gia vị vừa ngọt vừa cay để chống "bệnh đuối sức" do nóng bức gây ra. Sáng hôm sau, chúng tôi vội vã rời thành phố Cần Thơ về thăm Sóc Trăng, quê hương của nhà nông học Lương Định Của. Hai bên đường các máy tướt lúa hoạt động khá năng nỗ, thỉnh thoảng một nhà máy xay xát cở nhỏ thoáng qua. Những chiếc ghe chở gạo bên sông lạch nối đuôi nhau tiếp tục "ăn hàng", người công nhân bốc vác nhễ nhại. Yamada đăm chiêu, lo ngại hỏi tôi.

- Thế ở nông thôn người ta bảo quản lúa gạo ra sao? Độ ẩm sẽ tác hại ghê gớm vì vùng này toàn sông nước, không khéo sẽ nẩy mầm hay làm suy thoái chất lượng gạo xay ra.

- Vấn đề là ở chỗ đấy, việc chế biến bảo quản lương thực ở đồng bằng còn phân tán, chưa có nhiều xi lô và hệ thống sấy như ở Nhật. Còn gạo xay rồi thì đúng là rất dễ bị "lão hóa", có khi ăn gạo mới mà cứ tưởng như gạo mục. Tôi đáp.

- Vậy thì tỷ lệ tấm cũng sẽ lên cao nếu độ ẩm không được điều chỉnh ổn định từ khi tướt đến khi xay.

- Rõ ràng là vậy, có khi lên đến 25 - 40% tấm cho nên thu hoạch số lượng thì nhiều nhưng chất lượng khó cạnh tranh được với gạo Thái Lan.

Người Nhật không ăn gạo tấm bao giờ, thường được xay bột làm bánh hay lương thực cho gia súc công nghiệp. Yamada đưa ra một bài tính khá thông thạo, rằng cứ giảm 5% tấm trên một tấn và với sản lượng 1 triệu tấn/năm thì có thể xây được 2 dàn xi lô (5 x 2 cụm) để bảo quản. Và nếu áp dụng kỹ thuật xay tốt hơn thì cứ giảm được 3% trên một triệu tấn thì mua được 20 bộ máy xay loại 500 tấn /ngày. Tôi khá ngạc nhiên hỏi hắn:

- Sao mày rành rẽ vậy?

- Thì ông già tao là chuyên gia cho JICA (Cơ quan Viện trợ Chính phủ), một đời tao thấy ông đi khắp các nước nông nghiệp rồi nói lại trong những bữa cơm như thế, than là việc xay xát, bảo quản lúa gạo ở nước mày còn lãng phí rất nhiều. Ông nói Việt Nam phải sớm hiện đại hóa nông nghiệp, không chỉ trang bị máy kéo, máy cày, nên ưu tiên đi vào công nghiệp chế biến nông sản và giảm bớt sử dụng phân bón, hóa chất độc hại. Bao nhiêu đấy cũng đủ giàu rồi, có sức nuôi cả khu vực Châu Á. Chưa nói đến việc lai giống, cải tạo giống tốt đồng đều hơn.

Hèn chi mà Yamada rất thích xuống xe xin từng nắm lúa ngắm nghía trên đường đi. Đến Sóc Trăng chúng tôi thấy một nhà máy xay xát khá lớn, Yamada nhìn xa xăm rồi lắc đầu:

- Ở đây phương tiện đi lại, cơ sở hạ tầng chưa đủ, giống lúa phức tạp thì xây nhà máy lớn chỉ có "chết" thôi. Nếu lớn thì phải lớn đều trong công nghiệp, sự phát triển đồng bộ rất cần, không thể xây lớn khi chưa có hệ thống bảo quản từ vùng nguyên liệu đến nơi xuất khẩu thật cân xứng với nhau. Chưa nói đến ghe "xi lô" kiểu này thì làm sao đủ cho nhà máy "ăn hàng".

Thấy tôi không thích thú, chẳng bàn bạc gì được, hắn đâm chán. Thầm nghĩ điều hắn nói nghe ra cũng có lý nhưng thôi, biết sao mà góp thêm. Những ngôi đền lạ mắt khiến Yamada ngạc nhiên, hắn thốt lên:

- Ủa, ở đây cũng có người Chăm nữa kia à?

- Người dân tộc Chăm đến ở đây đã lâu lắm rồi.

- Thế mà tao cứ tưởng chỉ khi ra Nha Trang mới gặp.

- Nhất định và ở đấy mày sẽ gặp cả tháp Chăm mà mày chưa thấy bao giờ nữa.

 

chùa Dơi (Sóc Trăng)

Buổi trưa hè ở đồng bằng chói chan, chúng tôi chọn một ngôi đền Chăm để ngơi nghỉ với bữa cơm gọn nhẹ được chuẩn bị sẵn ở khách sạn. Xong xuôi, tôi tìm bóng mát ở chân đền còn Yamada thẩn thờ đi lần theo chiếc tháp nhỏ ngay giữa sân, có lẽ hắn đang thắc mắc tại sao người Chăm lại có ở đây, cùng sống chung thuận hòa với dân tộc Khơ me và dân tộc Việt tại đồng bằng phương Nam. Tôi đoán thế và quên hết khi chìm vào giấc ngủ trưa "dã chiến" thật êm ả trong tiếng ve kêu vang từ hàng phượng vĩ cuối sân.

(*)- Người Nhật có thói quen xin "bùa hộ thân" ở đền chùa trước khi đi xa.

ĐƯỜNG VỀ PHỐ HỘI THÊNH THANG

Rời Sài Gòn vào hừng sáng trong bầu không khí trong lành dễ chịu của đất phương nam, thành phố đang còn chìm trong giấc ngủ muộn, thỉnh thoảng một vài chíếc xe xích lô máy chở hàng kêu chát chúa vút qua thật hối hả.

Bờ biển thành phố Nha Trang

Trên chiếc Land Cruiser, Yamada ưởn người hít thở thật sâu sau một đêm "ngủ say như chết". Chúng tôi đang trên "đường cái quan" tìm về phố Hội, nơi mà nhiều người Nhật đã đến để mua bán, lập nghiệp từ thế kỷ thứ 17; thực hiện ước mơ của Yamada từ khi mới quen tôi 30 năm về trước, lúc "hai đứa" mới bước chân vào đại học ở Tokyo. Biết tôi là người Việt Nam duy nhất trong lớp, hắn kết thân, thuê phòng trọ cùng căn, luôn hỏi chuyện về quê hương Việt Nam, nơi mà Yamada chỉ biết qua những bản tin chiến sự. Chiếc xe bon bon ra khỏi thành phố nhanh chóng, lướt qua những cánh rừng cao su thẳng tắp, Yamada cứ như ông ngố, luôn mồm hỏi han liên miên:

- Họ gánh cái gì đấy?. Khi thấy một bà lão trên vai trĩu nặng thon thả đi bán quà ăn sáng.

- Tao mới thấy cây cao su lần đầu, nếu có công nhân lấy mủ thì dừng xe cho tao chụp một "pô" nghe.

Quốc lộ 1 bây giờ được chỉnh trang khá tốt, chả bù với lúc mới đi lần đầu cách đây 15 năm, hồi đó ngồi trên xe mà cứ nhảy nhỏm vì ổ gà, luôn uốn lượn để tránh né. Cuộc hành trình tiếp tục xe chạy được một quãng xa xa đã thấy những đoàn người Chăm đi dọc theo lề đường, nhìn sắc phục hơi khác lạ của họ, Yamada thắc mắc:

- Có phải là dân tộc thiểu số phải không?

- Đúng rồi. Tôi đáp và giải thích thêm cho bạn về những người Chăm sinh sống ở khu vực này rồi tiếp:

- Chốc lát nữa mày sẽ thấy tháp Chăm dọc trên con đường này, vẫn còn khá nguyên vẹn và rất hùng vĩ.

Ngày trước Yamada cũng đã nghe nói về đất Chiêm Thành khi học lịch sử ở lớp 10, "hắn" tỏ vẻ thông thạo:

- Hình như người "Chiêm Thành" này cũng đã đến Nhật Bản cách đây 10 thế kỷ; mày có biết là điệu múa của họ và trầm hương của người Chiêm Thành được lưu truyền trong cung đình, chùa chiền ở Kyoto, Nara ngày xưa không? Ngay cả việc thờ Yoni hay Linga như trong đạo Bà la môn cũng đã khá phổ biến ở một số địa phương, nhất là vùng cao nguyên phía Bắc Nhật Bản. Không lẽ tôn giáo của người Chiêm Thành đã qua tới Nhật Bản vào thời kỳ ấy?

- Điệu múa cung đình Chăm "Lâm ấp khúc" hay thú tiêu khiển bằng cách đốt trầm để định hương trong "Hương đạo" thì đúng rồi nhưng tại sao ở Nhật Bản cũng có tôn giáo thờ mấy thứ kia thì tao chịu. Không lẽ mối giao lưu giữa các thương thuyền của người Chăm và người Nhật vùng Đông Bắc sâu đậm đến thế sao? Điều này thì chưa nghe thấy bao giờ. Mà cũng có thể như vậy vì người Chăm vốn rất rành nghề đi biển theo gió mùa...

Tháp của dân tộc Chăm đây rồi, chúng tôi lại bước xuống xe. Yamada ngắm nghía, leo từng nấc đến bên cạnh lấy tay sờ vào những viên gạch đỏ, ngữa mặt xem các hình tượng điêu khắc trên đỉnh tháp, trầm trồ:

- Lạ thật, gió biển, bão tố, mưa bão liên miên mà tháp vẫn không suy xuyễn, chẳng bị "phong hóa". Kiểu dáng rất tuyệt vời - không biết người Chăm cổ đã đúc, xây như thế nào? quay lại hỏi tôi một cách nghiêm trang:

- Còn thêm một điều này có lẽ mày chưa biết, những viên gạch này lọc nước rất tốt, có cho nước thấm qua là trong vắt và ngọt dịu. Khi nào đến một giếng nước của người Chăm mày sẽ thấy, có giếng đã đào từ nhiều thế kỷ trước mà bây giờ nước vẫn trong.

Tôi kéo hắn lên xe, đi xa gần một cây số ngừng lại và quay nhìn trở lại Tháp:

- Hãy xem kỹ nhé, bây giờ là gần 4 giờ chiều mày có thấy Tháp sáng đỏ lên thật rực rỡ trong hoàng hôn không?

Ngọn Tháp Chăm thường nằm trên những ngọn đồi trọc và nhìn ra biển. Tôi hỏi lại Yamada "tao đố mày tại sao đấy".

Ngẩn người suy nghĩ một lúc Yamada vẫn chưa tìm ra được lời giải đáp.

- Tao chịu thua, có lẽ họ xây Tháp này để thờ cúng và các lễ hội của dân tộc. Vì vậy chọn điểm cao nhất để bày tỏ lòng tín ngưỡng.

- Ừ, điều đó thì không có gì phải bàn thêm. Các Tháp Chăm này có thể là những ngọn "hải đăng" cho người đi biển nữa đấy. Ngày xưa làm gì có đèn thủy tinh để che lửa trước gió, họ xây tháp gạch đỏ này thay cho đèn, nếu nhìn vào buổi hoàng hôn hay hừng đông khi trời tốt, mày sẽ thấy ngọn Tháp như một ngọn đèn để người đi biển có thể đoán đường đến đất liền còn bao xa. Ánh nắng chói chan chiếu sáng rực rỡ giúp người đi đường nhìn Tháp mà định hướng, thời ấy chưa có 'la bàn".

Yamada vẫn chưa tin cho đến khi xe chúng tôi cách một quãng xa hơn, chừng 50 km, ngọn Tháp lúc này vẫn còn rất rõ nét, sừng sững và rực rỡ trên nền trời nhá nhem tối. Hắn buột miệng:

- Tuyệt cảnh, tuyệt cảnh!

Chiếc máy ảnh trên tay hắn nhảy liên miên, rồi như nhớ ra điều gì ghê gớm:

- Tao nhớ rồi, hồi đó khi quân đội Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam họ đã cắt nguyên một Tháp Chăm chở về Mỹ để trưng bày ở Viện Bảo tàng gì gì đó tao quên rồi.

- Ôi có gì lạ đâu, thì ở Viện Bảo tàng Metropolitan (New York) họ còn lấy cả bức tường Tháp Ai Cập về chưng đấy, hay ngay quãng trường La Concorde ở Paris thì cũng có cả một ngọn tháp, đối diện với Khải Hoàn Môn là của lấy cắp chứ gì nữa. Còn ở Bảo tàng Vương quốc Anh thì thiếu gì, nhìn mà phát tức.

Say sưa với nhau, đúng sai chẳng biết nhưng cả hai chúng tôi vẫn không quên cái nắng hanh hao của cái xứ ba "phan" (1), thắc mắc mảnh đất khôn cằn này tại sao lại là nơi mà những người Chăm xưa kia đến định cư?

Đến Nha Trang lúc trời đã tối hẳn .Chúng tôi vào khách sạn Hải Yến như đã hẹn trước. Khuôn mặt Yamada sạm đi thật rõ sau những ngày rong ruổi ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh... và chuyến tìm về phố Hội khá "dài hơi" hôm nay. Nhìn ra biển khơi về đêm, sóng vỗ rì rào yên ả, xa xa những ngọn đèn của tàu đánh cá nhấp nháy... một khung cảnh nên thơ, lắng dịu. Tối hôm đó Yamada được thưởng thức những hương vị đặc biệt của vùng biển, hai mắt trố lên khi nhìn thấy đĩa tôm hùm hấp bia đỏ rực, to tướng được đặt lên bàn ăn.

- Ở Tokyo, mỗi con như thế này giá ít nhất cũng hơn hai ba trăm đô la, mà là hàng nhập khẩu đông lạnh chứ làm gì được tươi sống như ở đây. Cả đời tao chưa bao giờ được ăn nguyên con, chỉ một vài lát ở tiệc cưới là mừng lắm rồi!

Say sưa và thích thú với những đặc sản, trong hơi men chếnh choáng, Yamada vừa ăn vừa trầm trồ, thỉnh thoảng cao hứng "này nhé, cho mầy biết tay ta" mỗi khi dùng kìm kẹp chiếc càng cua cứng đầu, mút cả nước sốt rang me còn dính trên vỏ. Một bữa ăn thịnh soạn qua nhanh, ai nấy đều muốn chia tay đi ngủ sớm.

Đầm môn trong Vịnh Vân Phong

Tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục lên đường. Xe chúng tôi đã rời khỏi thành phố biển. Yamada ngồi ghi nhật ký, lấy bút chấm từng điểm đỏ lên những nơi đã đi qua, ngạc nhiên với những địa danh có tên gọi Hán -Việt thật đẹp như "Khánh Hòa", "Phú Yên", "Bình Định"... rồi so sánh với những địa danh của Nhật Bản, cho rằng những tên gọi ở Nhật ít có nghĩa văn hóa -văn hóa địa chí- mà nhằm để định vị, định hướng là chủ yếu như "phố nhìn thấy núi Phú Sĩ" (Fujimichô), "Làng phía Đông núi Matsuyama" (Higashi Matsuyama). Là một chuyên gia về công nghệ sinh học, nhưng Yamada rất thích môn địa lý, chuyên nghiên cứu địa hình, địa danh trên thế giới trong những ngày nghỉ ngơi. Đi tới đâu Yamada đều hỏi tên, ghi chép ý nghĩa, âm Hán -Việt thật cần mẫn. Buồng chuối sứ trái to và ngọt lịm, nước dừa thanh khiết mua trên đường đi đã làm cho Yamada quên cái mệt đường xa. Chiếc kẹo đậu phụng dòn tan, cắn kêu rôm rốp làm hắn tươi tỉnh:

Mày nhìn xem, màu đen vàng của đường ngào trên bánh tráng không ngọt gắt như đường tinh luyện, còn đậu phụng thì rất thơm. Mày nhớ mua giúp thêm cho tao vài xấp để đem về nhà làm quà nhé!

Xe đã bước lên đèo Cù Mông, từ trên núi nhìn xuống, Yamada thảng thốt:

- Đất nước vùng này đẹp tuyệt vời, không khác gì với bán đảo xứ Izu (2) quê tao, chỉ tiếc là đi lại còn khó khăn, chứ nếu là đường xe cao tốc như ở Nhật thì đây là một điểm hẹn du lịch khá lý tưởng.

Ghé ăn trưa khá muộn màng ở Qui Nhơn, một tô bún cá ngừ làm cho hắn thoát cơn cồn cào vì đói, món bánh hỏi đặc sản của Bình Định trong mùi thơm phưng phứt của thịt nướng, mỡ hành bốc lên tận mũi, bảo sao Yamada không "thèm", ăn một hơi đến bốn dĩa. Từ Tháp Đôi của người Chăm, chúng tôi trở lại cuộc hành trình, một cơn mưa áp thấp nhiệt đới ập đến, mây vần vũ thật giận dữ trên không, xe chúng tôi phải đi chậm lại vì đường khá trơn trợt, cánh đồng mía rạp mình trước những cơn gió lốc. Yamada có vẻ ái ngại.

- Liệu có đến được Đà Nẵng hôm nay không? Tao thấy như bão sắp tới đấy.

- Cơn mưa này không kéo dài lắm đâu. Tao không thấy đài báo là sẽ có bão. Mày đừng lo. Vùng Trung nam bộ này năm nào cũng gặp bão nhưng chắc chắn không phải là hôm nay (3). Tôi trấn an.

May thật, ầm ầm được vài tiếng đồng hồ rồi quang đãng trở lại, tận cuối chân trời, ánh sáng của buổi hoàng hôn sau cơn mưa được kết thành cung cầu vồng bảy màu thật rực rỡ, trước mắt con sông Trà Khúc đang hiện ra, dãy quạt nước màu đen ven sông quay nhanh. Nơi đây tôi đã từng nhảy xuống lặn hụp khi ở tuổi 12, trên đường từ Đà Nẵng trở về nghỉ hè với gia đình tại Sài Gòn. Hương vị của kẹo mạch nha, đường phổi, bánh phổ… vẫn còn nguyên trong ký ức của những ngày thiếu thời. Bên cạnh, Yamada ngồi yên lặng, hắn ngắm nhìn qua cửa kính xe rồi nói như chia sẻ:

-Vùng này còn nghèo quá mày hả. Ở đây họ phải cày bằng con trâu chứ chưa có máy, giống như những bức tranh cổ của Trung Hoa.

Phố cổ Hội An buổi hoàng hôn

Nhìn lũ trẻ con nô đùa, đá banh trên sân trường, Yamada khá ngạc nhiên, "trẻ em đi chân đất vẫn còn nhiều ghê". Hắn nói như thì thầm một mình. Tôi kể cho Yamada nghe về các khu công nghiệp, chế xuất được hình thành trong thời kỳ đất nước đổi mới, về khu công nghiệp - hóa dầu Dung Quất ở đây đang vào giai đoạn xây dựng cao điểm, nguồn tài nguyên thiên nhiên thủy hải sản, yến sào, khoáng sản phong phú của miền đất khô cằn, nghiệt ngã và đầy thử thách này.. Những địa danh mà Yamada đã biết tới như Sơn Mỹ, Chu Lai với những chứng tích chiến tranh vẫn còn đó, không biết có đủ thì giờ để trở lại trong lần này hay không? Tôi định bụng sẽ dành nửa ngày để đưa Yamada đi thăm.

Lai viễn kiều(Hội An)

Loay loay với những "tính toán" hợp lý cho chương trình còn lại của bạn thì đã nghe tiếng ngáy đều đặn bên tai, hắn đang chìm vào giấc ngủ thật say. Nửa khuya chúng tôi về đến Đà Nẵng, nơi mà Yamada mong nhất trong chuyến đi thăm Việt Nam lần này. Sáng mai hắn sẽ được nhìn thấy tận mắt khu phố cổ Hội An, " Lai Viễn Kiều" (hay còn gọi là cầu Nhật Bản) và cả chùa Non Nước, nơi đang còn những bia mộ mang ấn tích của người Nhật trên Shuinsen (4) xưa kia...

Mùa Vu Lan 1999

-------------------------------------------------------------------------------------

(1)- Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết.

(2)- Izu: vùng bán đảo nghỉ mát nổi tiếng ở Nhật Bản, được nhắc đến trong tác phẩm "Cô đào hát xứ Izu" của Kawabata Yasunari (Nobel Văn chương)

(3)- Sau khi bài viết này được chuẩn bị xong, đầu tháng 11 vừa qua 7 tỉnh miền Trung bị một cơn mưa lũ lớn nhất trong 40 năm qua ập đến bất ngờ, gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng, đã có gần 600 người bị dòng nước khắt nghiệt cuốn trôi; nhiều cửa biển, cầu cống, đường sá, trường học, trạm xá đã bị phá sập. Cố đô Huế, khu phố cổ Hội An cũng đã chìm trong biển nước mênh mông. Nhân dân cả nước, kiều bào khắp nơi trên thế giới hướng về miền Trung thương yêu để cứu đói, rét và thiếu thốn bằng mọi khả năng cao nhất. Mong sao "Đường về phố Hội" sẽ sớm được phục hồi để thênh thang chào đón khách du lịch trong những ngày lễ hội năm 2000.

(4) Thuyền buôn của Nhật bản

CUỘC CHIA TAY LẶNG LẼ

(bài cuối)*

Một tuần rong ruổi với Yamada trôi qua thật nhanh. Từ Đà Nẵng chúng tôi đáp máy bay trở lại Tp. Hồ Chí Minh, chỉ còn hơn 10 tiếng đồng hồ nữa là Yamada phải về Tokyo như chương trình đã định. Không chỉ đối với hắn mà còn cả với tôi, biết bao khám phá, ngỡ ngàng trong suốt chuyến đi từ Sài Gòn ra đến Hội An. Đã lâu lắm, từng được dịp đi đây đó khắp bốn phương trời, lúc nào cũng vội vã, qua quít, lần này thì hoàn toàn được thư giản, cùng người bạn thân nhất "ngao du" trên tổ quốc mình, những nơi chúng tôi đến và đã đi qua đều để lại nhiều ấn tượng khó phai mờ; giây phút cảm động phải chia tay với Thuận, người thương binh mới quen trên phà Mỹ Thuận, lúc Yamada tặng anh "lá bùa hộ mệnh" rút từ trong ba lô, rồi cảnh hắn rưng rưng trước mộ những người Nhật đã nằm xuống vĩnh viễn ở vùng đất Hội An... Rời Đà Nẵng trong bâng khuâng, Yamada còn nuối tiếc, cứ bảo "phải chi được ở Việt Nam thêm vài ngày nữa để đi Huế, thăm Hà Nội thì trọn vẹn biết mấy", tự an ủi "lần sau khi cả gia đình sang đây tao sẽ ra trở lại nơi này". Năm nay Sài Gòn mưa nhiều hơn mọi khi, thật ướt át và tầm tả . Vào buổi chiều cuối cùng của Yamada, hai đứa chúng tôi ghé Dinh Thống Nhất, Viện Bảo tàng Lịch sử trong tâm trạng thật thư thả, chỉ tiếc không đủ thời giờ đưa Yamada đến địa đạo Củ Chi.

Bảo tàng chứng tích chiến tranh ở TPHCM

Sau khi đưa hắn đi ăn phở Bắc ở góc đường Nguyễn Du - Pasteur, hai chúng tôi ghé sang thăm Nhà Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nơi mà tôi đã hẹn trước khi hắn về nước. Nhìn bom Napalm, bom bi, mìn định hướng, các loại súng đạn sát thương hiện đại được chưng bày ngay trước sân Yamada tỏ vẻ sợ hãi. Người Nhật bình thường như hắn chỉ nghe nói đến chứ chưa bao giờ được "trông tận mắt, sờ tận tay", hắn thì thầm một mình.

- Xem phim ảnh "bạo lực" mãi chai lỳ rồi chăng, không thấy đau đớn, tàn nhẫn khi những họng súng, những quả bom ghê gớm này đã bắn giết biết bao nhiêu người, người bắn là ai, kẻ bị giết là ai? Càng tưởng tượng tao càng thấy lạnh tóc gáy. Thế mà người ta vẫn đùa giỡn với chúng, tự cho mình cái quyền buôn súng đạn, bán xác chết để làm giàu.

các lực lương Mỹ tham gia chiến trường miền nam

Yamada tần ngần thật lâu, nhìn chăm chăm những "con vật" quái ác đó như muốn hỏi tội chúng. Đi vào căn phòng chưng bày hình ảnh những trại giam ngục tù Côn Đảo, Phú Quốc, hắn chăm chú đọc lời giải thích bên cạnh, ghi chép vào sổ tay; bức ảnh người mẹ già ôm chầm lấy người con mới được thả ra tù làm hắn ngậm ngùi thấm thía. Chữ "chuồng cọp", "chuồng bò"... không xa lạ gì với Yamada, trong những ngày biểu tình phản đối chiến tranh vào những năm 69, 72; Côn Đảo với những trại giam man rợ kia đã quá "nổi tiếng", là biểu tượng của tội ác không kém gì Auschwitz của Đức quốc xã. Tôi để hắn đi tham quan một mình, những khoảnh khắc ở đây trôi qua trong yên lặng và sâu lắng đối với Yamada. Gần hai tiếng đồng hồ ngồi chờ bên ngoài mà vẫn chưa thấy Yamada quay lại. Giờ đóng cửa đã gần kề, không lẽ Yamada đi lạc, hay do sơ ý đã ra khỏi đây lúc nào không biết chăng? Tôi lật đật sang khu bán hàng lưu niệm, vẫn không thấy hắn đâu. Quay ngược vào sân, đến khuôn viên trước khu nhà trưng bày chất độc màu da cam thì thấy Yamada đang ngồi ngay góc sân bên lề, hai tay ôm lấy đầu, không động đậy.

- Đi về thôi, sắp đến giờ đóng cửa rồi, mày là người khách cuối cùng đấy. Tôi vỗ nhẹ vào vai hắn .

Đứng lên thật uể oải, khoát lại chiếc ba lô lên vai, quay mặt lại phòng chưng bày, Yamada cuối đầu thật thấp như để chào từ biệt. Hai mắt hắn đỏ hoe, tránh nhìn vào tôi, đi thẳng ra cửa thật nhanh.

- Có chuyện gì vậy? Sao thế? Tôi hỏi.

- Không, không có gì cả. Tao thấy hết rồi, xem rất kỹ... những thai nhi hình hài tật nguyền bị ngâm trong formol tao buồn quá, mày đừng hỏi có được không?

Hai anh em nạn nhân chất độc da cam—họ chờ đợi gì ở chúng ta?

Hình như Yamada bị sốc quá lớn trước sự thật, những hậu quả của chất độc màu da cam mà hắn đã nhìn thấy trong những chiếc lọ thủy tinh chăng. Đi được một quãng đường, tôi định bụng lên xe ghé khách sạn Omni nghỉ ngơi, ăn tối rồi chuẩn bị đưa Yamada ra sân bay. Nhưng Yamada lắc đầu từ chối, có vẻ như bực mình cả với tôi.

- Mày để tao một mình được không? Tao muốn thế. Mày về đi, đừơng ra sân bay… tao biết cách đi rồi, kẹt lắm thì tao đi taxi..., đừng lo cho tao... Hẹn mày 9 giờ tối nay ở sân bay, nếu tiện thì gặp nhau lại ở đấy.. . Tao van mày đấy, về đi… Sayonara!

Hiểu ý bạn, tôi tạm chia tay để lại Yamada một mình, đang trong trạng thái bàng hoàng, mặt mày tái xanh, nhợt nhạt.

Khoảng 8 giờ tối, sân bay bắt đầu nhộn nhịp, cảnh tiễn đưa, người ở lại, kẻ đi xa bùi ngùi, luyến tiếc. Tôi đến sớm hơn đã hẹn, nhưng chờ đến 9 giờ, rồi 9:30 vẫn chưa thấy Yamada ở đâu. Không lẽ hắn vào bên trong sân bay rồi? Thật vô lý. Sốt ruột chạy qua lại các cổng vào, nhìn bên trong vẫn không thấy bóng dáng hắn đâu. Đúng lịch bay tối nay Yamada sẽ đi chuyến JAL về Osaka vào 11:30 khuya, có nghĩa là hắn phải đến trước giờ cất cánh hai tiếng đồng hồ. Thế mà vẫn không thấy. Hắn đi rồi chăng?

Sáng hôm sau, ghé văn phòng hãng hàng không xem danh sách hành khách đi chuyến tối qua. Thấy có tên Yamada, tôi yên tâm không còn hồi hộp lo lắng nữa. Cuộc chia tay giữa tôi và Yamada là thế. Không một lời, chẳng có nụ cười quen thuộc. Một thằng bạn thật tê, tôi trách thầm.

Mãi đến ba ngày sau nhận được E-mail của hắn từ Tokyo.

Tokyo, 25/8/1999

trời mưa tầm tã

".....

Thọ ơi, tao xin lỗi mày thật nhiều, không đợi mày như đã hẹn. Hôm đó tao đi bộ một mạch ra sân bay rồi xin vào bên trong thật sớm. Tao thấy mày nháo nhác tìm tao. Mấy lần định xin ra gặp rồi thôi. Suốt buổi chiều hôm đó tao không nhìn thấy gì nữa cả. Lòng bị nghẹn lại, nước mắt trào ra mặt dù tao không khóc. Mày thấy có bao giờ tao khóc đâu. Tao có cảm tưởng những con người tật nguyền suốt đời, lặng lẽ chết đi, nằm đấy ở trong căn phòng chưng bày như muốn nói với tao một điều gì. Về Tokyo được 3 ngày rồi mà tao vẫn chưa kể gì cho vợ con nghe chuyện ấy, nhưng thế nào cả gia đình tao cũng sẽ sang Việt Nam. Tao muốn các con tao hiểu ý nghĩa của "chiến tranh", "hòa bình" bằng chính tâm hồn và nước mắt của chúng như tao.

Cám ơn mày rất nhiều và bây giờ tao đã hiểu tại sao mày thật dễ xúc cảm khi nói đến những nổi đau ấy. Tao chia sẻ với mày nhiều lắm. Khi nào tiện nói cho Thuận biết tao rất sung sướng khi được làm quen. Đừng buồn và giận tao nghe. Tao sợ chia tay với mày mà khóc thì chẳng ai hiểu ra làm sao. Khi nào về Tokyo gọi ngay cho tao. Rất mong được gặp mày. Thương mày và cả nước Việt Nam của mày vô cùng. Hẹn gặp lại. Sayonara.

Yamada

TB. Chuyến đi vừa rồi, tao tiết kiệm, còn lại 210.000 yen, lúc nào tiện mầy nhờ Thuận chuyển lại cho một trường mồ côi nhé. Rất cảm ơn mày. Hôm nay tao vừa chuyển cho mày qua ngân hàng Mitsubishi xong rồi. Khi nhận được nhớ báo cho biết nhé. Tks

Hồng Lê Thọ (Tokyo)


Loạt bài nầy đã đăng trên Báo Nguyệt san Đại Đoàn Kết nguyệt san số tháng 9,10,11,12/1999 và Đại Đoàn Kết số Xuân Nhâm Thìn (2000)

 

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Hồng Lê Thọ