Những bài cùng tác giả
Đọc thêm:
Lịch sử lễ Phục
Sinh và quả trứng Fabergé
Chỉ bao giờ trăng thôi là nguyệt thì phụ nữ mới ngưng làm đẹp. Mà đã đẹp
thì dù tuổi tác nào trông cũng vẫn xuân thì.. Từ nữ hoàng Cléopâtre đến
Từ Hi thái hậu, từ công chúa Diana đến cô gái nhỏ Hậu giang, những viên
đá lấp lánh muôn đời là một nỗi say mê không bao giờ cạn, là một bí ẩn
như truyện Ngàn Lẻ Một Đêm, và cũng là một cơn.... ác mộng cho phe có
mày và có râu.
Nhưng cũng có phe mày rậm râu dài lại không lấy điều này làm cơn ác
mộng, xuân thì ạ. Bởi vì họ còn điểm dáng không kém. Đàn ông đeo ruby,
crystal rậm rạp không kém bộ râu của họ. Còn kim cương thì dát đầy cả
turban quấn đầu, lấp lánh như một cầu vòng đầy sao. Họ ở một vùng có
những cái tên rất bí mật mà chúng ta cũng chỉ mới biết đây thôi, như
Kazakhstan , Ubekistan, Tajikistan, Kyrgyztan, Turmenistan.... Đó là
vùng Turkestan hay còn gọi là Central Asia. Turkestan, một vùng đất đầy
mâu thuẫn, khi thì hết sức huyền ảo thiên thai, khi thì đắng cay khắc
nghiệt, bất kể dù phơi mình giữa sa mạc mênh mông hay ẩn kín trong núi
cao dốc thẳm.

Trước Marco Polo đã có những thương vụ buôn bán trao đổi giữa Á và Âu,
xuyên qua Turkestan. Những đoàn lữ hành chất đầy lụa Trung Hoa, hương
liệu và đá quí từ Ấn Độ, đồ bạc từ Iran, đồ gốm Ả Rập, lam ngọc (lapis
lazurite) từ Afghanistan, Byzantine, nô lệ từ Turkey....Những bến bờ mới
lạ mở ra, Con Đường Tơ Lụa- Silk Road, Con đường Ngọc Bích - Nephrite
Road, Con Đường Lam Ngọc - Lazurite Route..... dọc ngang, dâng hiến biết
bao nhiêu những trái ngọt nặng chĩu trên thân thể, sự giàu sang tuyệt
vời của nữ trang và sắc đẹp rạng ngời của kiến thức. Năm 1271 cậu Marco
Polo mười bẩy tuổi bắt đầu chuyến viễn chinh đầu tiên từ quê nhà Venice
vượt qua sa mạc, đồi núi, rừng rậm, sông dài, lên cả đỉnh núi Pamir,
thường được gọi là "nóc nhà của thế giới"...., đến China, Mongolia. Hai
mươi bốn năm sau Marco Polo trở lại quê nhà Venice với một gia tài đồ
sộ, gồm rất nhiều vàng bạc và quí kim, giầu hơn bất cứ công tước, tử
tước của triều đình lúc ấy. Ông viết một cuốn sách noí về cuộc viễn
chinh, về sự giầu có ở phương Đông huyền bí mà cả châu Âu không sao có
được. Tiết lộ này làm cả châu Âu xôn xao náo nức trước những mời gọi vô
cùng quyến rũ ấy. Marco Polo mất tại Venice năm ông bẩy mươi tuổi
(1324). Ông cho khắc trên mộ chí câu bất hủ "Tôi chỉ có thể kể lại được
phân nửa những gì tôi thấy". Chỉ cần một nửa thôi!!!! Cũng đã đủ làm cả
châu Âu mất ngủ. Thế là hàng ngàn đòan lữ hành ruổi ngựa lên đường hướng
về phương Đông huyền bí.

Vì nằm trên những con đường huyết mạch nối lìên Âu Á, Turkestan biến
thành trạm dừng chân của hàng trăm ngàn chuyến lữ hành qua nhiều thế kỷ,
Turkestan không bao giờ là một vùng thuần chủng. Tất cả những bộ lạc du
mục ở Turkestan đều lai giống. Trên bước lữ hành qua Trung Hoa, Mông Cổ,
Tibet, Afghanistan, Iran, Irak..... biết bao mối tình, lãng mạn hay sấm
sét, thuận lòng hay ép uổng, đã xẩy ra. Bao nhiêu vàng bạc quí kim đã
chảy ra để vui lòng mỹ nữ. Những tràn trề hoan lạc rốt cuộc đã sản sinh
ra những nhan sắc Trung Á vô cùng diễm lệ, chẳng hạn như bà hoàng sầu
muộn Soraya, hay như cô thôn nữ vô danh trong ảnh, một nhan sắc mà các
công nương mệnh phụ của các hoàng tộc châu Âu cắn răng ao ước mà cũng
chẳng thể nào có được bờ môi mọng, sóng mũi thon, làn da màu mật ong và
cặp mắt bâng khuâng như nàng. Cứ nhìn ảnh truyền thần nữ hoàng Victoria
của nước Anh thì rõ: trán dô, mũi khoằm, môi mỏng như một sợi chỉ, mặt
trắng bệch như sáp, lông mày lông miếc nhạt nhách, thì mới thấy người
đẹp Trung Á đậm đà biết là chừng nào.

Nhan sắc cô nàng Trung Á đã là một viên ngọc, nữ trang còn làm cho họ
huy hoàng hơn nữa. Dù họ cũng theo Hồi Giáo, phụ nữ Trung Á không đeo
khăn trùm người kín mít. Mà họ chỉ che mặt bằng nhũng khăn thêu tay đính
hạt châu lóng lánh để ngăn nắng, cát và gió sa mạc. Cô thôn nữ Việt Nam
đơn sơ phải đợi anh nông dân đa tình giúp cho "đôi chăn em đắp, đôi trằm
em đeo". Còn em bé Trung Á ngay từ mới lọt lòng đã được bà nội, bà
ngoại, họ hàng mỗi người tặng cho em một đôi bông tai. Từ lúc đó cho đến
ngày chết, hễ ra khỏi nhà cô đều mang nữ trang cứ như ngày lễ hội. Nào
là yếm, áo choàng, bông tai, vòng cổ, bím tóc cũng được quấn hạt trai.
Khi nàng bước đi, chuông bạc reo vui thánh thót dưới chân vừa để trang
điểm vừa xua đuổi tà ma. Nhưng chớ có chàng trai nào dại dột đến gần
buông lời, bởi vì cô nào cô nấy cũng thủ trong thắt lưng một con dao sắc
cán bằng ngọc thạch. Nàng mà rút dao ra tử chiến thì không kém gì nam
nhi cả. Khi còn con gái, nàng thắt bốn bím tóc, hai cái đằng trước, hai
cái đằng sau như trong ảnh.

Khi lập gia đình, nàng chỉ còn thắt hai bím thôi. Ngày về nhà chồng, gia
đình bộ lạc tiễn đưa nàng bằng những rương nữ trang ngất ngưởng trên
lưng lạc đà. Những món này gồm mão gắn ruby , vòng cổ san hô (coral),
bông tai dài 15 cm, yếm che ngực nạm ngọc trai, turquoise và amber, dây
kim cương viền theo tóc rủ dài trên trán, dây lưng ngọc bích, hài cong
gắn ngọc bích và san hô, những hộp đựng kinh sách nạm ruby và topaz,
vòng bụng toòng teeng nhũng viên topaz lả tả ngay rốn..... Và giời ạ, cả
một cái "thong" tam giác bằng bạc nạm ruby, chờ bàn tay chú rể ... gỡ
rối tơ lòng. Cái "thong" ngày nay của Victoria Secret - đâu có lấy gì
làm bí mật - chính là lấy cảm hứng từ miếng tam giác mướt êm của cô em
Trung Á. Bên chú rể đón nàng cũng với nhưng rương nữ trang như thế. Mà
những món ấy, thì những đại gia như Cartier, Christian Dior, Verdura hay
các designer như De Vroomen, Stephen Dweck hay David Yurman cũng ngả mũ
chào thua. Những đại gia này bây giờ cũng khó lòng làm cho được cái mão
cô dâu trong ảnh, kết bằng bạc nạm ruby, carnelian, onyx...

Xứ Trung Á sản xuất ra những người làm nữ trang đầu tiên trên thế giới.
Họ vưà là thợ, là nghệ sĩ, là nhà toán học.... Từ ngàn xưa họ đã tỉ mỉ
chạm khắc những hình kỷ hà đối xứng, chim chóc, hoa lá, mặt trăng mặt
trời, các vị thần thánh....Cho tới ngày nay, họ vẫn hãnh diện duy trì
truyền thống làm nữ trang bằng tay và cố giữ cho không mai một. Tuy tiếp
xúc với văn hóa Turkestan từ ngàn năm nay, những người thợ Nga cũng
không sao bắt chước được mảy may nào design của miền Turkestan. Cô nàng
Trung Á cũng tự vẽ lấy kiểu và đặt thợ làm nữ trang cho gia đình. Từ hộp
đựng kinh sách, cán gươm, roi ngựa, chiến hài, áo giáp, áo khoác, yên
cương, thảm, ly tách... cho chồng, đến vòng cổ, lá bùa bằng bạc độn chỉ
trăm mầu cho cậu bé trai, những vòng tay, hài thêu cho bé gái, rồi khăn
quàng, vòng cổ, kiềng, nhíp, dao .... cho các cô gái lớn. Tất cả những
nữ trang này đều làm bằng bạc. Họ tin tưởng bạc mang lại điều may mắn.
Họ không thích vàng cho lắm. Vàng xếp hàng thứ bẩy, trong khi bạc xếp
hạng nhất. Khuynh hướng ưa bạc hơn vàng ngày nay vẫn còn đậm nét nơi phụ
nữ châu Âu, đó là do nguồn gốc ấy.
Một tuần lễ trước biến cố 9-11-2001 World Trade Center, một bản tin rất
ngắn trên internet cho biết một cô bé mười lăm tuổi, được cha và anh dẫn
theo đoàn tám con lạc đà chất đầy nữ trang, của cải, từ một bộ lạc rất
xa, đến bản doanh của .... Osama bin Ladin, xin được gá nghĩa mà không
cần duyên phận. Bản tin không nói bin Ladin có từ chối hay không. Từ đấy
đến nay... !!! Ô này cô em Trung Á, bím tóc thanh tân, giọt mắt long
lanh, nụ môi tươi thắm, lá nõn đầu mùa, đùi nghiêng dợn sóng, tam giác
nạm bạc, tứ giác dát vàng.... Em nay đã về đâu sau cơn gió cuồng bay của
mùa chiến chinh năm ấy ???
Ơi các xuân thì, đêm đã hầu tàn và tim đèn sắp cạn. Đợi mãi chưa thấy
"Aladdin và cây đèn dầu" vù vù bay đến cho mượn đỡ tí dầu chong đèn viết
tiếp hầu các xuân thì.. Xin tạm biệt ở đây, hẹn gặp lần sau.
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Trần Thị Vĩnh Tường
|