Trở Về Ký Ức

Vietsciences-Trương Văn Tân            30/07/2007
 

Những bài cùng tác giả

Sakura, nhạc truyền thống Nhật

Trở lại Nhật Bản lần nầy tôi được cái may mắn làm một du khách cùng với Ba Mẹ tôi gia nhập vào một đoàn du lịch cùng chu du Nhật Bản. Dù là một du khách hơi "bất đắc dĩ", tôi cũng tìm được thời gian để nhìn lại Tokyo, Kyoto, Osaka, những khu trung tâm như Ginza, Shinjuku, Ikebukuro, Shinagawa. Thành phố Tokyo được phát triển nhiều mặt. Nhiều địa danh mới với những tuyến đường xe điện, xe điện ngầm mới làm tôi ngạc nhiên đến bàng hoàng.
Vào thập niên 60 toà nhà cao 30 tầng gần ga Hamamatsu-cho đã từng được xem là toà nhà cao nhất nước Nhật. Sau khi Keio Plaza Hotel cao gấp đôi được xây gần cửa Tây ga Shinjuku với thiết kế chống động đất, người Nhật xây hàng loạt khách sạn 5 sao cao tầng xung quanh những nhà ga chính như Shinjuku, Ikebukuro, Shinagawa làm thay đổi bộ mặt Tokyo. Những kiến trúc to lớn mà tôi biết được trong chuyến du lịch nầy như quảng trường Takashimaya Time Squares ở Shinjuku hay Rainbow Bridge màu trắng bắt ngang vịnh Tokyo với dáng dấp của Golden Gate Bridge ở San Francisco làm cho khung trời Tokyo trở nên khoáng đãng hơn phảng phất một không khí Tây Phương.
 

 

Quảng trường Takashimaya Time Squares (Tokyo)

 

Rainbow Bridge (Tokyo)

Những gì tôi muốn tìm lại thì không còn hiện hữu, những gì tôi không mong đợi thì không hẹn mà gặp. Con đường, nhà ga của quá khứ không đẹp như bây giờ nhưng cũng đủ gợi trong tôi một niềm cảm xúc một sự bồi hồi khi trở lại chốn xưa. Ký ức của thời sinh viên bây giờ chỉ là những hình ảnh nhạt nhoà trước sự phát triển đô thị ồ ạt trong vài chục năm qua. Những con đường cũ đã thay hình đổi dạng. Cảnh vật cùng thay đổi với con người. Những bước đi thoăn thoắt của "daikon ashi" (1) đã biến mất trên đường phố, trong nhà ga mà bây giờ chỉ thấy những dáng đi thon thả dịu dàng của những office ladies cũng thời thượng không kém gì các bậc đàn chị trước kia. Những quán nhậu "akachochin" (2) với cái đèn lồng đỏ treo lủng lẳng trước quán, những tiệm mì ăn đứng "tachigui soba" (3) lần lượt biến mất với thời gian, hay trở thành "chain store" mà thức ăn mất dần đi cá tính vì phương pháp sản xuất hàng loạt. Khi tôi rủ anh bạn Nhật đi ra quán akachochin năm xưa, anh bạn nửa đùa nửa thật bảo tôi "Ồ… Tân-san! Sao lỗi thời quá! Nước Nhật đã đi vào thế kỷ 21 rồi làm gì còn akachochin nữa!". Câu nói của anh bạn làm tôi hơi "sốc" biết rằng mình bị đẩy vào thế hệ cũ tuy vẫn phải chấp nhận thời gian đã san bằng và khỏa lấp tất cả. Mà thật vậy, tôi đi từ Tokyo đến Osaka không còn thấy những quán lụp xụp với chiếc đèn lồng đỏ bán những món nhậu đặc biệt Nhật Bản của năm xưa.

"Những ngày xưa thân ái" không thể nào thiếu cái món mì ăn đứng "tachigui soba". Cái thời sinh viên còn nghèo, không phải vì thích cái món nầy mà chỉ vì nó vừa túi tiền học trò. Nhưng ăn nhiều lần cũng ghiền lại cảm thấy ngon, mà nghĩ lại thì chỉ ăn toàn là bột qua nhiều dạng vật lý khác nhau. Thỉnh thoảng muốn ăn sang thêm 50 yen để có quả trứng sống bỏ vào tô mì. Sang thêm chút nữa thì thêm 50 yen được miếng tempura tôm. Cái tempura bột chiên thì nhiều nhưng con tôm thì chỉ bằng ngón tay út, nhiều lúc chỉ ngửi được mùi tôm nhưng chả thấy con tôm..... Trên những bước đường lưu lạc lang thang xứ người xứ ta tôi cũng có may mắn thử qua các món "sơn hào hải vị" Tây Tàu Việt Nhật đủ cả, nhưng tôi không bao giờ quên cái món tachigui soba với tô nước dùng đo đỏ trong trong nóng hổi có vị nước tương Nhật Bản, cái miếng tempura ăn xốp xốp dòn dòn với một chút ớt bột shichimi cay cay, một chút hành xắt mỏng, vừa ăn vừa bưng cái tô húp xì xụp. Cái món zaru soba cũng vậy. Đi vào quán ăn không đủ tiền ăn "gomoku ramen" (4) (mì thập cẩm) thì phải chọn lấy zaru soba. Đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao zaru soba phải để trên một phiến tre. Nhìn vào giống như cái giường trải chiếu nên anh em vui miệng gọi là soba "giường"! Một món ăn đơn giản nhưng cái vị cay nồng của wasabi trong chén nước chấm thì không bao giờ quên được.

Chiếc xe bus đưa chúng tôi đến Kyoto. Con đường Gion Douri vẫn tấp nập khách nhàn du từ khắp nơi trên thế giới. Dòng sông Kamogawa vẫn lững lờ trôi qua cố đô ngàn năm yêu kiều nầy. Bờ sông như một công viên đường thẳng. Những cặp trai gái ngồi trên bãi cỏ dọc theo hai bên bờ với một khoảng cách đều đặn, đủ gần để chừa chỗ trống cho người khác nhưng đủ xa để còn có một chút "riêng tư". Dòng sông tạo một không gian tĩnh mịch dường như muốn chứng kiến những mối tình "cố đô" kéo dài từ thế hệ nầy sang thế hệ khác. Cố đô nào dù Huế hay Kyoto và con người của cố đô lúc nào cũng có một bản sắc riêng của nó. Giọng nói yểu điệu hoàng cung lên lên xuống xuống của người con gái Kyoto lúc nào cũng khiến cho lòng người rung động. Tôi bất chợt nhớ đến bài ca "Shiroi buranko" (Chiếc đu màu trắng) mà tôi có dịp nghe từ một cô bạn năm xưa vai sánh vai cùng đi dọc theo dòng Kamogawa. Thoang thoảng bên tai lời ca trong một giai điệu nhè nhẹ Kyoto "Boku no kokoro ni ima mo yureru" (Đến bây giờ con tim tôi vẫn còn rung động).....

Những danh lam, thắng cảnh, chùa chiền ở Kyoto ngày xưa êm đềm lãng mạn bao nhiêu thì bây giờ ồn ào náo nhiệt bấy nhiêu. Số lượng khách du lịch quá tải đến độ chóng mặt đè nặng lên Kyoto. Cái mong manh, dịu dàng của Kyoto dường như muốn vỡ nứt trước sự ồ ạt của làn sóng du khách phần lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và thậm chí người Việt từ Mỹ.

Ngôi chùa lớn nhất Nhật Bản: Todaiji (Đông Đại Tự, Nara-Kyoto)

 

 

Kiyomizu-tera (Thanh Thuỷ Tự, Kyoto) với cấu trúc đa tầng bằng gỗ

 

Tôi trở lại ngôi trường Đại Học cũ. Những cây tùng xanh mướt năm xưa trồng trước cổng trường bây giờ là những cây đại thụ một vòng tay ôm không hết. Thời gian cứ hững hờ trôi theo một đường xoắn ốc mà chu kỳ co dãn khi nhanh khi chậm nhưng lúc nào cũng muốn đi ngược lại nhịp điệu đời người. Một niên học mới lại bắt đầu. Nhìn những khuôn mặt trẻ trung hớn hở cười cười nói nói của những cô cậu sinh viên làm tôi cảm thấy mình già đi xen lẫn một chút ganh tị. Những biến chuyển xã hội của vài chục năm qua cộng với ảnh hưởng của chủ nghĩa hưởng thụ vật chất Tây Phương tưởng chừng như chọc thủng được nền văn hóa truyền thống Nhật Bản. Lớp trẻ Nhật Bản ngày nay có vẻ được "quốc tế hóa" hơn, thoải mái hơn, vui tươi hơn, nhưng sự cần cù, tỉ mỉ, khiêm tốn, lễ phép, kỷ cương, tinh thần tập thể vẫn là truyền thống được gìn giữ tuyệt đối. Trên xe điện người ta im lặng đọc sách báo hoặc chăm chú đọc và gởi những lời nhắn từ những chiếc điện thoại cầm tay. Không ai nghe một tiếng chuông điện thoại di động reo ồn ào ở những nơi công cộng kể cả những chuyến xe điện đông người.

Trở lại Nhật làm một du khách nhưng lại nhớ đến cái tuổi học trò, lòng tôi bất giác bồi hồi. Tôi muốn đi lại tất cả những con đường xưa chốn cũ, đến nhìn lại từng nhà ga của một thuở xa xưa. 

Xin được làm người trên bến cũ  

Đợi tàu như thuở mới đôi mươi

(Mưa trên Yamatesen, Nguyễn Nam Trân)

Gió đầu Xuân mơn trớn trong cái lạnh khô và gắt rơi rớt của mùa Đông. Những cánh hoa anh đào mà người Nhật vẫn hằng yêu mến năm nay nở trễ hơn mọi năm vì những làn gió Đông còn lưu luyến trần gian chưa chịu từ giã ra đi. Người Nhật yêu hoa anh đào bằng một sự nhiệt tình. Hằng năm, họ mở hội chờ đợi từng ngày từng giờ để chuẩn bị cho ngày hoa nở như một kẻ si tình chờ ngắm người yêu...

Tôi tình cờ đọc được một bài haiku treo trong nhà một người bạn.

            Sakura saku                

Haru no komichi o  

Kimi to yuku

(Hoa anh đào khoe sắc

Trên con đường nhỏ

Của mùa Xuân

Chậm bước cùng em )

Bây giờ tất cả chỉ là ký ức. Như một giấc mộng đẹp.  

 (Tạp ghi sau chuyến đi Nhật March/April 2005)

 TVT

Chú thích:

(1)   Daikon ashi: chân củ cải. Daikon: củ cải trắng, ashi: chân. Củ cải trắng Nhật dài 30 - 40 cm, hai đầu thon nhỏ ở giữa phình ra có đường kính 10 - 15 cm. Lúc xưa phụ nữ Nhật thường ngồi xếp theo kiểu Nhật làm cho bắp chân to ra như hình dạng củ cải trắng.

(2)   Aka: đỏ, chochin: đèn lồng. Những quán nhậu Nhật thường treo đèn lồng đỏ để gây sự chú ý người qua lại.

(3)   Tachi: đứng, gui: ăn, soba: mì Nhật màu xám. Một lối ăn nhanh (fast food) lâu đời tại Nhật.

(4)    Ramen: mì trứng màu vàng.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Trương Văn Tân