Trong mỗi kỳ bầu cử, đề tài cổ điển về món nợ quốc
gia lại nổi lên gây sôi động trên các phương tiện truyền
tin hiện đại và khích động tâm lý dân chúng phản ứng
theo một chiều hướng có lợi cho một số ứng cử viên,
nhưng sau đó thì tình hình êm xuôi trở lại và không ai
còn hứng thú bàn tán về đề tài khó hiểu này.
Thật ra, đây chỉ là một đề tài đơn giản, dễ hiểu,
nhưng được thổi phồng, lấp liếm, lung lạc dư luận quần
chúng qua những cách viết và cách nói có vẻ rất khoa
học, rất kinh tế chính trị, rất chuyên môn, như để cảnh
cáo rằng: Ai không biết thì dựa cột mà nghe. Nhất là,
khi nói đến nợ, tức là nói đến tiền, mà tiền thì đếm
được, cho nên các con số phải thật chính xác, lý luận
phải chặt chẽ.
Một thí dụ điển hình đã được lập đi lập lại nhiều lần
tại Pháp: một số chính khách phe hữu sử dụng tình trạng
thiếu hụt ngân sách của quỹ bảo hiểm xã hội (sécurité
sociale) để khích động dân chúng đổ tội cho những người
ngoại quốc di dân, hội nhập đã tràn vào nước Pháp để
"lợi dụng" cơ chế bảo hiểm xã hội của Pháp, mà không có
đóng góp, làm cho ngân quỹ quốc gia bị khủng hoảng trầm
trọng. Rồi từ đó nuôi dưỡng mầm mống kỳ thị người ngoại
quốc trong dân chúng, thi hành những biện pháp quản lý,
thanh trừng gắt gao đối với thành phần dân chúng hội
nhập, hạn chế tối đa thời gian điều trị trong các nhà
thương, loại bỏ nhiều thứ thuốc chữa bệnh, nhiều phương
cách điều trị ra khỏi danh sách được chấp nhận, tăng
thêm mức đóng góp của dân chúng...vân vân.
Trên thực tế, ngân sách quỹ bảo hiểm xã hội của Pháp
thiếu hụt 10,3 tỷ € theo báo cáo của hội đồng kế
toán (Commission des comptes de la Sécurité sociale) năm
2006. Sự thiếu hụt này xuất phát từ nhiều nguyên nhân có
tính cách mâu thuẫn: trong khi chi phí cho bảo hiểm bệnh
tật giảm từ 8 tỷ (2005) xuống còn 6,3 tỷ (2006), thì sự
thất thu vì hưu trí đạt đến 2,2 tỷ € (thế hệ sinh
sau 1945 được quyền về hưu trước 60 tuổi nếu đã lao động
đủ 160 tam cá nguyệt (40 năm dài lao động), cho nên giảm
bớt sức đóng góp cho quỹ bảo hiểm xã hội), thiếu hụt vì
đã dự trù quá ít cho chi phí của thành phần trẻ, và sau
cùng thiếu hụt khoảng 200 triệu € do chi phí vì tai
nạn/bệnh tật gây ra bởi lao động.
Một số cử tri rơi vào bẫy "thiếu hụt ngân sách quỹ
bảo hiểm xã hội là nguyên nhân của tình trạng nợ quốc
gia" một cách thật đáng tiếc !
1/ Tình trạng vay nợ cá nhân
Ai cũng biết rằng, nợ tiền thì không có gì là khó
hiểu: mượn tiền, vay nợ thì phải trả cả vốn lẫn lời, và
lãi mẹ thì đẻ lãi con theo thời gian. Người ta có câu
"time is money", thì giờ là tiền bạc, là thế. Người tin
theo nhà Phật, trong thâm tâm, rất sợ bị mắc nợ mà
không, hoặc chưa trả được, vì nợ kiếp này không trả thì
kiếp sau sẽ phải trả, tạo ra duyên nợ để "gặp" lại nhau
mà thanh toán nợ nần.
Còn tại sao phải vay nợ ? Trăm ngàn lý do là nguyên
nhân của nợ nần. Sông có khúc, người có lúc. Trong suốt
một đời người, lúc lên voi lúc xuống chó, lúc túng quẫn
quá thì phải vay nợ. Thực ra, khi vay nợ, con nợ có hai
khuynh hướng, tiêu cực và tích cực. Vay nợ trong một mục
đích phát triển là khuynh hướng tích cực: thí dụ như vay
nợ vì thiếu ăn, phải giữ gìn sức khỏe là cái vốn căn
bản, vay nợ để xây nhà khỏi phải trả tiền thuê, vay nợ
để làm ăn buôn bán, khuếch trương, vay nợ để trả tiền
học cho con...là đầu tư cho tương lai. Ngược lại, nợ nần
tiêu thụ xa xỉ, để khoe giầu khoe sang bằng mọi hình
thức, cho có vẻ hơn người khác, là tiêu cực. Đây là nói
trên bình diện cá nhân.
Các nguyên do nợ nần này không có gì là khó hiểu.
Người dân bình thường đều hiểu và rút kinh nghiệm về vay
nợ và trả nợ từ những khó khăn trong cuộc sống của bản
thân họ. Tùy theo tình trạng kinh tế và phong cách sinh
sống tại mỗi nước mà các nguyên do chính yếu gây ra mắc
nợ có khác nhau.
Theo dữ liệu "Schuldenreport 2006" của Hiệp hội Liên
Bang các Trung Tâm người tiêu thụ (Verbraucherzentrale
Bundesverband) tại Đức, con số người bại sản không trả
được nợ lên đến 3,13 triệu (chiếm 8,1% các đơn vị gia
đình). Trong số này có 22% nợ từ 2.500 đến 10.000 €,
27% nợ từ 10.000 đến 25.000 €, 26% nợ từ 25.000 đến
50.000 €, 16% nợ từ 50.000 đến 100.000 € và 9%
nợ hơn 100.000 €. Nguyên nhân chính của sự kiện mắc
nợ tại Đức là tình trạng thất nghiệp, thâu nhập thấp, ly
dị, và thất bại nghề nghiệp.
Thê thảm nhất là những trường hợp ly dị mà bản án ly
dị trở thành bản án tử hình về kinh tế, khi quan tòa
phán xử bất công, chỉ có một người, hoặc vợ hoặc chồng
(thí dụ người đã ký một mình đơn mượn nợ của nhà băng),
phải một mình trả số nợ đã mượn cho cả gia đình ăn tiêu
khi còn chung sống. Từ tình trạng suy sụp tình cảm kéo
theo tình trạng suy sụp kinh tế bản thân, làm cho nhiều
nạn nhân kiệt quệ lâu dài. Ly dị tại Đức trở thành một
hình phạt.
Năm 2005 số nợ không trả được lên đến 235 tỷ €,
nếu tính thêm số nợ 771 tỷ € tiền nợ có cầm của cải
( nhà, đất, báu vật...) thì con số nợ của người tiêu thụ
lên đến 1.006 tỷ €. Điều này làm cho nước Đức đứng
hàng thứ hai trên thế giới về tình trạng mắc nợ của dân
chúng. Hạng nhất là USA (với nguyên nhân hàng đầu là phí
tổn cho bệnh tật), hạng ba là nước Anh (tiền lãi quá
nặng). Tại các nước Pháp, Thụy Điển và Hòa Lan, con số
các đơn vị gia đình mắc nợ chỉ khoảng từ 3 đến 4%.
Trong đời sống hàng ngày tại Pháp, các ngân hàng rất
khắc nghiệt đối với khách hàng mắc nợ. Không có thu nhập
thì các ngân hàng có quyền từ chối không mở trương mục,
đừng nói chi đến việc cho vay nợ. Một người dân có thu
nhập trung bình dễ lâm vào cảnh vay nợ để mua nhà, mua
xe, mua bàn ghế, đi du lịch, ăn diện, nuôi đàn con ăn
học...vân vân, có khi ký ba bốn hợp đồng vay nợ.
Vay nợ để mua nhà là một chương trình trả nợ dài hạn
trong vòng 19 năm (theo trung bình) tại Pháp. Nếu giữa
chừng thời gian, vì những lý do khủng hoảng cá nhân như
ly dị, thất nghiệp, đau ốm, hay người thân qua đời, hoặc
phải khai bại sản vì không trả nổi nợ nần chồng chất,
tiền lãi mẹ lãi con làm cho số nợ mỗi ngày mỗi tăng, thì
các ngân hàng khóa thẻ tín dụng, không chấp nhận trả
những khoản tiền đã được ký bằng ngân phiếu, tịch thâu
lương, ghi tên vào danh sách mắc nợ (sổ đen của ngân
hàng quốc gia - Banque de France), tịch thu nhà đất để
bán đấu giá, khiến cho người dân chạy đàng trời cũng
không thoát, kiệt quệ phá sản hoàn toàn.
Tổng số nợ của thành phần dân chúng mắc nợ lên đến
836,1 tỷ euro trong tháng ba năm 2007. Lý do mắc nợ của
dân chúng Pháp là mua nhà hay tiêu thụ (mua xe, trang
trí nhà cửa, đi du lịch, tiêu dùng). Theo thống kê của
INSEE thì năm 2004 xã hội nước Pháp gồm có 26.220 đơn vị
gia đình, 56,8% đơn vị có chủ quyền nhà đất, 40,1% ở
thuê, thì thành phần ở thuê này không được hưởng sự ưu
đãi của luật mới.
Một con số khác đáng chú ý là tỷ số nợ nần trung bình
của những người mắc nợ là 64% trên mức thu nhập căn bản
(chưa trừ thuế). Cũng theo INSEE thành phần dân số nước
Pháp gồm có 50,4% có gia đình, số còn lại là các thành
phần ly dị (6,8%), góa vợ hay chồng (7,3%), độc thân
(35,3%).
2/
Tình trạng vay nợ của
chính phủ
Đứng trên bình diện quốc gia, thì tại sao chính phủ
phải vay nợ ?
Cũng như một đơn vị gia đình có thu và có chi, mỗi
chính phủ đều có một ngân sách quốc gia, gồm có hai phần
Thu nhập và Chi Tiêu, được phân chia theo các thứ tự ưu
tiên và các kế hoạch phát triển hay củng cố xã hội toàn
diện.
Nguồn lợi chính của một chính phủ là các loại thuế
thu của dân. Người dân đóng thuế, phần vì bị luật lệ bắt
buộc phải đóng thuế, phần thì tin tưởng rằng, chính phủ
đương nhiệm sẽ sử dụng nguồn lợi thuế để làm những công
việc có ích cho toàn thể xã hội, và để phân phối lại một
phần nào cho tầng lớp dân chúng nghèo, thiếu học, thiếu
may mắn, mà trong xã hội nào cũng có, thực thi lý thuyết
công bằng và đoàn kết xã hội.
Dân có giầu, nước mới mạnh. Nếu một phần lớn dân
chúng kém thâu nhập, hoặc không có thâu nhập nào cả, lấy
đâu ra mà đóng thuế, và nếu thành phần giầu có chuyển
tài sản ra nước ngoài để trốn thuế, thì tất nhiên, sức
thâu thuế của chính phủ cũng bị giảm đi.
Khi một chính phủ cần tiền chi tiêu cho các ngân sách
của nhà nước hoặc để thực hiện các kế hoạch to lớn vĩ
đại, mà tiền thâu thuế của dân không đủ thì chính phủ
thường đi vay nợ, nhưng vay nợ của ai ?
Chính phủ vay nợ của các ngân hàng tư nhân trong và
ngoài nước, nhất là những ngân hàng tầm vóc quốc tế.
Ngoài ra chính phủ cho in nhiều loại công phiếu để vay
tiền của các công ty tư nhân hay cá nhân. Các hãng bảo
hiểm, thí dụ như bào hiểm đời sống, thường dùng vốn từ
các hợp đồng tiết kiệm của dân, để mua các công phiếu
của chính phủ, coi như là cho chính phủ vay nợ.
Không có một nước nào, nếu chỉ nói riêng về các nước
trong khối Liên Minh Âu Châu hiện nay, mà ngân sách quốc
gia cân bằng hay tốt đẹp (thâu nhiều hơn chi).
Nguyên nhân đầu tiên là chính phủ đương nhiệm chi
nhiều hơn thâu trong thời gian nắm quyền cai trị nước.
Nguyên nhân thứ hai là số nợ chồng chất của quá khứ
do các chính phủ cũ để lại, cộng thêm lãi mẹ và lãi con,
vẫn còn đó chưa trả hết.
Nguyên nhân thứ ba, là một số luật lệ "cho phép"
chính phủ đương nhiệm vay thêm một số nợ mới một cách
hợp pháp.
Nguyên nhân thứ tư là đến một thời gian và mức độ nào
đó thì chính phủ đương nhiệm chỉ vay nợ mới để trả nợ
cũ, thậm chí có khi chỉ trả lại được ít vốn mà phần lớn
là tiền lời.
Chỉ số phần trăm
mức độ nợ quốc gia
tính trên căn
bản tổng sản lượng quốc dân
của các nước trong
khối Liên Minh Âu Châu
(thống kê năm 2004
)

Gạch mầu đen là những quốc
gia sử dụng đơn vị tiền euro
Nguồn: Cơ quan hành chánh
quản trị Âu Châu (Commission européenne), dự đoán
kinh tế cho xuân 2005
Các con số thống kê chính thức công bố số nợ của
chính phủ thường được tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng
sản lượng quốc dân (1), tức là giá trị bằng đơn vị tiền
tệ của tổng số hàng hóa và dịch vụ bán được trong một
năm tại thị trường nội địa. Vì thế, sức mua (hay sức
tiêu thụ) của thị trường trong nước là một sức mạnh kinh
tế rất quan trọng.
Trong năm 2006, tổng sản lượng quốc dân (BIP) của Đức
là khoảng 2.300 tỷ EUR, tổng số nợ chiếm 1.560 tỷ EUR ,
tức là 67% của tổng sản lượng quốc dân, mỗi năm lại nợ
thêm khoảng 40 tỷ, tức là 1,7% của tổng sản lượng quốc
dân.
Thí dụ như theo dữ liệu tháng 9 năm 2006 chính phủ
Đức vay của các ngân hàng tư nhân nội địa 34,54%, của
các chủ nợ nước ngoài 47,40%, của Ngân Hàng Quốc Gia Đức
0,30%, của ngân quỹ Xã Hội 0,03%, và của các chủ nợ
trong nước 17,73%.
Nói một cách dễ hiểu, nếu bạn có tiền, ra ngân hàng,
mua công phiếu của chính phủ Đức, vì bạn đồng ý với điều
kiện bán công phiếu, thí dụ thời gian có hiệu lực là bốn
năm, tiền lời mỗi năm cố định là 4%, tức là bạn đã cho
chính phủ Đức vay tiền, và chính phủ Đức phải trả cả vốn
lẫn tiền lời cho bạn.
Một điều thú vị nhỏ trong phần này: tôi xin quay trở
lại tình trạng nợ quốc gia dưới thời Louis XVI, năm
1788, một năm trước khi xẩy ra cuộc Cách Mạng Pháp 1789,
dữ kiện này cắt nghĩa tại sao, vua Louis XVI đã không
thể đưa nước Pháp vào một cuộc phiêu lưu quân sự tại một
nước xa xôi ở Đông Nam Á Châu, Việt Nam, thể theo lời
yêu cầu của Giám Mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) và
không thể thi hành hiệp ước ký kết tại Versailles năm
1787 *. Vì thế, nước Pháp sau này không có quyền đòi hỏi
nhà Nguyễn phải thực thi hiệp ước Versailles.
Năm 1788 triều đình vua Louis XVI thâu 471,6 triệu
quan tiền Pháp theo các ngân sách thâu thuế như sau:
Thuế trực thâu: 163,0 triệu quan
Thuế gián thâu: 219,3 triệu quan
Các loại thâu nhập linh tinh: 89,3 triệu quan
Tổng cộng thâu nhập: 471,6 triệu quan
Nhưng triều đình Louis XVI đã chi ra cho:
Quân đội của Vua: 173,3 triệu quan
Triều đình Vua: 89,8 triệu quan
Chi phí cho cầu đường, xã hội, an ninh v.v. 110,0
triệu quan
Chi tiêu linh tinh: 261,1 triệu quan
Tổng cộng chi tiêu: 633,1 triệu quan
Triều đình vua Louis XVI đã thâm thủng ngân quỹ tới
161,5 triệu quan thời ấy, tức là tương đương với 46.835
kí vàng ròng ! (2)
Ngân sách phân phối lại cho dân chúng chỉ có 110,0
triệu quan, chiếm 17%, triều đình Louis XVI đã để cho
dân thiếu thốn nghèo đói, trong khi Hoàng Hậu Marie
Antoinette tiêu xài rất phung phí, xa xỉ, gây bất mãn và
tạo mầm mống cho cuộc Cách Mạng 1789. Làm sao Louis XVI
có thể quyết định dấn thân vào một cuộc phiêu lưu quân
sự tại Việt Nam !
Trong năm 2006 ngân sách quốc gia Pháp có những khoản
thâu nhập như sau:
Thuế tiêu thụ (TVA) (3) 125,7 tỷ €
Thuế thâu nhập cá nhân (4) 57,0 tỷ €
Thuế lợi tức của các công ty (5) 41,4 tỷ €
Thuế TIPP 19,3 tỷ €
Thuế các tài sản lớn (ISF) (6) 3,2 tỷ €
Các nguồn thâu nhập khác (7) 24,8 tỷ €
Tổng số thu nhập quốc gia năm 2006 được xem là 282 tỷ
€. Nhưng khi trừ đi 65 tỷ € phải chuyển cho các
vùng tự lập trong nước và trong khối Liên Minh Âu Châu
thì ngân sách quốc gia còn lại một ngân khoản là 221 tỷ
€ (8)
Trong năm 2006, ngân sách chính phủ Pháp (Chirac/de
Villepin) chi ra các khoản như sau:
Giáo dục 60,0 tỷ €
Trả tiền lãi của nợ quốc gia 40,0 tỷ €
Quốc phòng 35,4 tỷ €
Nghiên cứu và đại học 20,0 tỷ €
An ninh và nội vụ 18,0 tỷ €
Lao động 13,2 tỷ €
Đoàn kết xã hội 12,6 tỷ €
Di chuyển 9,4 tỷ €
Tổng số ngân sách chi lên đến 266 tỷ € và gây ra
một sự thiếu hụt phải bù đắp bằng nợ mới là 45 tỷ €.
Năm 2007 có một sự thay đổi Tổng Thống và chính phủ
toàn diện về phía hữu và cực hữu, nên việc so sách ngân
sách của 2006 và 2007 là một chi tiết cần thiết.
“Sổ nợ quốc gia” đuợc quản lý riêng rẽ, cho nên khi
đọc bảng tổng kết ngân sách quốc gia (chi/thâu), người
ta không thấy các thông tin có liên quan đến nợ, nợ của
ai và nợ để làm gì. Trong năm 2007 chính phủ Pháp
Sarkozy/Fillon dự kiến sẽ vay thêm 113 tỷ €.
Ngược lại, dự kiến ngân sách để trả nợ và trả tiền
lời lên đến 110 tỷ € (71 tỷ để trả tiền vốn nợ, số
còn lại là để trả tiền lời).
Như thế, ai cũng hiểu rằng: vay thêm nợ mới để trả
một phần nợ cũ !
Theo dữ liệu do Bộ Kinh tế, Tài chánh và Kỹ nghệ Pháp
phân phát cho dân chúng vào tháng năm 2007 thì ngân sách
quốc gia nước Pháp gồm có những ngân khoản chi tiêu và
thâu nhập như sau:
NGÂN SÁCH QUỐC GIA 2007 (Pháp) |
CHI |
tỷ € |
THÂU |
tỷ € |
Ngân sách giáo dục và
nghiên cứu |
80,3 |
Thuế tiêu thụ trực tiếp
(TVA) |
133,5 |
Ngân sách các vùng hành
chánh |
49,5 |
Thuế thu nhập cá nhân |
57,1 |
Ngân sách trả nợ và tiền
lời |
40,9 |
Thuế lợi tức các công ty |
46,1 |
Ngân sách quốc phòng |
36,2 |
Thuế nội địa đánh trên các
sản phẩm dầu khí |
18,0 |
Ngân sách cho công việc và
xã hội |
24,3 |
Các loại thuế linh tinh:
thuế nhà đất, thuế tài sản lớn, thuế xe hơi |
11,1 |
Ngân sách An ninh nội địa
và tư pháp |
22,0 |
Các nguồn thu nhập của nhà
nước |
26,9 |
Ngân sách cho Liên minh Âu
Châu |
18,7 |
|
|
Ngân sách di chuyển, thành
phố và nhà ở |
15,9 |
|
|
Các ngân sách linh tinh |
46,9 |
|
|
Tổng cộng |
334,7 tỷ € |
Tổng cộng |
292,7 tỷ € |
|
|
Thiếu hụt |
42 tỷ € |
Tổng số ngân sách chi tiêu của chính phủ đưa đến một
nhu cầu tài chánh tổng cộng là 334,7 tỷ. Trong khi đó,
các nguồn thu nhập – theo dự tính – sẽ đem lại một số
tiền là 292,7 tỷ €, như thế sẽ thiếu hụt 42 tỷ €
trong năm 2007. Xem kỹ, thì số tiền thiếu hụt này gần
như tương ứng với số tiền phải sử dụng để một phần vốn
nợ và tiền lời.
Ngân sách chi của nước Pháp trong năm 2007 gồm có
những chi tiết như sau:
Giáo dục đệ nhị cấp 59.560 tỷ
Trả tiền lời nợ quốc gia 40.863 tỷ
Quốc phòng 36.285 tỷ
Nghiên cứu và đại học 21.314 tỷ
An ninh nội địa 15.683 tỷ
Lao động 12.637 tỷ
Xã hội và di dân 12.204 tỷ
Quản lý và kiểm soát tài chánh 8.912 tỷ
Di chuyển 8.809 tỷ
Thành phố và nhà cửa 7.158 tỷ
Tư pháp 6.271 tỷ
Quy chế xã hội và hưu trí 4.981 tỷ
Điều hành kinh tế 3.943 tỷ
Cựu chiến binh 3.750 tỷ
Trợ cấp phát triển 3.121.tỷ
Quan hệ với địa phương 3.070 tỷ
Nông sản, thủy sản, rừng và nông thôn 2.954 tỷ
Hành chánh trung ương 2.498 tỷ
Công việc đối ngoại 2.264 tỷ
Nên chú ý rằng đây chỉ là những danh sách chi tiêu
chính, theo thứ tự ưu tiên, của chính phủ được công báo
cho dân biết. Một số những ngân sách quốc gia khác được
quản lý riêng biệt và có tính chất bảo mật (một thí dụ:
ngân sách của Quốc Hội Pháp trong năm 2003 là
483.259.306 €)
3/ Tình trạng nợ nần của
chính phủ sẽ đem đến những hậu quả nào ?
Một chính phủ, lúng túng trong việc quản lý ngân sách
quốc gia vì một số nợ khổng lồ sẽ không có thực lực để
cải tổ xã hội, nhưng cũng không thể ngưng hẳn việc phải
vay thêm nợ vì phải bảo đảm sự hoạt động tiếp tục các hệ
thống quản lý quốc gia, sẽ phải cắt giảm lương hưu và
nhiều ngân sách của các bộ phận phục vụ dân chúng thuộc
chính quyền quản lý thí dụ như công chức, quân đội, y
tế, an ninh, tăng thâu thuế quá cao thì sẽ phải đương
đầu với mọi phát triển nạn “chợ đen” của thị trường nội
địa để tránh thuế, các “chủ nợ” đòi nợ, gây một chuỗi
phản ứng dây chuyền tiền lãi tăng cao, tiền mất giá và
thị trường chứng khoán khủng hoảng, sụp đổ, dân chúng
thiếu sức tiêu thụ sẽ làm cho thị trường nội địa mất
thăng bằng, gây thất nghiệp toàn diện..., một sự khủng
hoảng chính trị tất sẽ là hậu quả tiếp theo.
Là người tiêu thụ, dân chúng phải gánh chịu tất cả
mọi loại thuế, vì ngoài loại thuế trực thâu đánh trực
tiếp lên thu nhập cá nhân, người dân trả thêm thuế một
cách gián tiếp khi tiêu thụ qua các loại thuế gián thâu
khác, vì tất cả các công ty đều tính tiền thuế gián thâu
phải trả vào giá thành sản phẩm khi bán hàng hóa hay
dịch vụ.
Các loại thuế gián thâu đánh trên tiêu thụ là một
trong những yếu tố làm giảm sức tiêu thụ của tầng lớp
dân chúng trung lưu và hạ tầng. Lý thuyết cho rằng, sức
tiêu thụ của thành phần giầu có và tối ưu giầu có sẽ đưa
lại cân bằng cho ngân sách thâu thuế, chỉ là lý thuyết,
vì người giầu tiêu tiền trên khắp thế giới, không chỉ
tiêu tiền của họ trên thị trường nội địa, nếu không muốn
nghĩ đến sự việc, người giầu thường chuyển tài sản của
họ ra nước ngoài ( thí dụ như chuyển qua Lục Xâm Bảo
(Luxembourg), Lichtenstein, Ile Caiman...)
Đầu năm 2007, tại Đức, thuế gián thâu đánh trên tiêu
thụ (gọi là thuế giá trị thặng dư, Mehrwertsteuer, viết
tắt là MwST) được tăng từ 16% lên 19%, trên lý thuyết
chính phủ Đức để dùng mức tăng thuế gián thâu này để
giảm phụ phí lương và bãi bỏ thuế đoàn kết Đông Đức (9),
một hình thức “viện trợ đòn bẩy " cho giới chủ nhân,
trong niềm hy vọng họ có thể thâu nhận thêm nhân công,
giảm bớt thất nghiệp.
Các lý thuyết gia tính rằng, người dân trả thuế tiêu
thụ cao, một mặt, nhưng mặt kia, được giảm bớt thuế
lương và các chi phí bảo hiểm xã hội (bảo hiểm thất
nghiệp, bảo hiểm sức khỏe, và lương hưu), thì coi như
"huề", không bị thiệt hại. Nhưng bài toán này không hẳn
đơn giản là, hễ cứ trả thêm 1 đồng thuế gián thâu thì
được bớt 1 đồng thuế trực thâu ! Thành phần bị thiệt hại
nhiều nhất là những người thất nghiệp, về hưu, lương
thấp, thu nhập thấp, tóm lại những người mất sức mua vì
giá cả tăng.
Cũng theo Hiệp hội Liên Bang các Trung Tâm người tiêu
thụ (Verbraucherzentrale Bundesverband, VZBV) chính phủ
sẽ thâu thêm 24 tỷ tiền thuế và mỗi đầu người phải trả
thêm 290 € tiền thuế trong năm 2007. Ngay trong giới
chủ nhân cũng có tiếng nói cho rằng sự tăng thuế này sẽ
làm cho hàng trăm ngàn người mất công ăn việc làm, nếu
gía cả của nhiều món hàng và dịch vụ tăng lên 3% khiến
cho thị trường không có sức tiêu thụ. Năm 2004 chính phủ
Đức thâu 137 tỷ € đánh trên thuế giá trị thặng dư,
chiếm 0,31% trên tổng số thuế thâu được là 439 tỷ €.
So với Đức, nước Pháp sẽ thâu 133,5 tỷ € thuế TVA
(taxe sur la valeur ajoutée), chiếm 46% trên tổng số
thuế thâu được là 292,7 tỷ €.
Khi tổng thống Sarkozy tuyên bố sẽ bãi bỏ thuế đánh
trên các sự kiện tài chánh như chuyển nhượng hay cho
tặng tài sản, thừa kế, tức là giảm bớt thâu nhập cho
ngân quỹ " Các loại thuế linh tinh".
Điều này, mới nghe qua thì thấy có lý và hấp dẫn, vì
tài sản tích lũy được đã chịu qua một lần thuế thu nhập
cá nhân, khỏi phải chịu thêm một lần thuế thứ hai trong
các trường hợp kể trên, nhưng cũng chỉ có lý cho thành
phần có của để truyền lại qua thừa kế hay làm quà tặng.
Nếu, trên lý thuyết cho rằng, giảm thuế trực thâu, để
"khuyến khích" thành phần được giảm thuế, sẽ
sử dụng số
tiền này cho tiêu thụ, để tăng mức thu của thuế gián
thâu, thì cũng chỉ là lý thuyết, vì không có gì bảo đảm
trên các quyết định tiêu thụ của từng cá nhân cả.
Thêm vào vấn đề thất nghiệp còn có hai yếu tố xã hội
có ảnh hưởng vào ngân quỹ chi/thâu quốc gia, đó là vấn
đề phát triển dân số và vấn đề sức khỏe. Một người bạn
Pháp của tôi nói mai mỉa rằng, cha anh bị đưa đi cưỡng
bách lao động trong thời Đệ nhị thế chiến, trong hơn 40
năm lao động ông đã đóng góp vào các quỹ xã hội, nhưng
ông chết trước khi được hưởng lương hưu, nếu ai cũng làm
như cha anh, thì chính phủ đương kim không có vấn đề gì
cả.
Trên thực tế, không phải ai cũng chết trước khi được
hưởng lương hưu. Xã hội Pháp và Đức giống nhau ở một
điểm là tỷ lệ sinh đẻ đã giảm dần từ thập niên 70, hiện
tại thành phần lớn tuổi chiếm một tỷ lệ cao hơn là thành
phần trẻ tuổi. Thêm vào đó, tuổi thọ tăng, người già
sống đến 80, 90 tuổi, khác với vấn đề sức khỏe trong quá
khứ, mới 60 đã được lên "lão". Quỹ lương hưu hiện tại là
do thế hệ trẻ đang lao động góp vào, không đủ để trả
lương hưu cho thế hệ đi trước. Các biện pháp tiêu cực
như tăng tuổi về hưu, dần dần từ 60 lên 67, hay cắt giảm
lương hưu, không giải quyết tận nguồn của vấn đề. Nhất
là thế hệ trẻ, ít hơn, sẽ phải tiếp tục đóng nhiều thuế
vào ngân quỹ nhà nước, để trả khối nợ khổng lồ, như thế
hệ hiện tại đang phải trả nợ của thế hệ đi trước.
Pháp và Đức là hai quốc gia mạnh trong khối Liên Minh
Âu Châu, cho nên vai trò của hai nước này trong việc gìn
giữ giá trị đồng EURO không phải là nhỏ. Năm 1997 khối
Liên Minh Âu Châu đã nhất ý đặt ra một kế hoạch như sau:
- Toàn thể số nợ không được vượt quá 60% tổng sản
lượng quốc dân.
- Số nợ mới không được quá 3% tổng sản lượng quốc
dân
- Khi vi phạm quy luật này, quốc gia sẽ bị phạt
0,5% tổng sản lượng quốc dân.
Nguyên tắc đã được đặt ra như thế, nhưng trên thực tế
thì không ai kiểm soát được ai, ngược lại, các nước còn
đặt ra thêm nhiều “ngoại lệ” để tự biện hộ. Điều thiếu
sót cơ bản trong kế hoạch này là vấn đề tiền lãi, mấu
chốt của sự kiện vay nợ và trả nợ – câu hỏi mức độ tiền
lãi tăng trưởng theo thời gian là bao nhiêu – không được
giải quyết.
Phương thuốc căn bản để giải quyết khối nợ khổng lồ
còn đọng đó và không phải vay nợ thêm vẫn là: giảm nợ,
tăng thâu.
Giải pháp kìm số nợ phải vay thêm mỗi năm dưới mức
chỉ số phát triển kinh tế đang được coi là một cách
thích ứng nhất.
Nhưng tăng thâu như thế nào để làm đầy công quỹ nhà
nước ?
Bốn phương cách sau đây có thể dùng làm cơ sở thảo
luận:
- Phương cách thứ nhất là thúc đẩy xuất cảng,
qua đó thúc đẩy các phản ứng dây chuyền kế tiếp:
tăng sản xuất hàng hóa, tăng lao động, tăng thâu
nhập công ty và cá nhân, tăng tiêu thụ nội địa,
tăng mức thâu thuế.
- Phương cách thứ hai là cải tổ hệ thống thuế
vụ để thâu thuế cho quân bình : tăng thuế, thí
dụ như tăng tỷ lệ thâu thuế hoặc ban hành các
loại thuế mới... nhưng không làm giảm sức tiêu
thụ của đa số dân chúng.
- Phương cách thứ ba là giảm chi, thí dụ cắt
bỏ những hệ thống hành chánh rườm rà, nặng nề,
giảm bớt các tầng lớp quản lý hành chánh...
- Chống tham nhũng, hối lộ, chợ đen, lãng phí
công quỹ và các thủ đoạn chiếm đoạt của công làm
của riêng
Các đảng phái chính trị tại Pháp và Đức đưa ra nhiều
hướng giải quyết. Nhưng tóm lại có hai khuynh hướng giải
quyết chính như sau:
- Phía hữu và phía trung lập (néo-liberal) muốn
tích cực giảm chi bằng cách cắt giảm mọi trợ cấp xã
hội, kiểm soát nghiêm ngặt và thúc bách người nhận
trợ cấp xã hội, đồng thời giảm bớt thuế cho thành
phần thượng tầng để khuyến khích đầu tư.
- Phía công đoàn và cánh tả thì đòi hỏi ngược lại,
tức là tăng mức thâu thuế đối với thành phần thượng
tầng, giảm thuế cho thành phần hạ tầng, và tăng các
trợ cấp xã hội để thúc đẩy sức tiêu thụ của phần lớn
dân chúng trong thị trường nội địa làm đòn bẩy thúc
đẩy đầu tư và giải quyết nạn thất nghiệp.
Một thí dụ điển hình mới đây trong năm 2006 vẫn còn
làm tốn nhiều giấy mực của báo chí, đó là những tuyên bố
của chàng ca sĩ nổi tiếng từ những năm 60 đó là Johnny
Hallyday (tên thật là Jean-Philippe Smet, sinh ngày
15.06.1943 tại Cité Malesherbes, Paris, chồng cũ của ca
sĩ Sylvie Vartan). Anh này, vốn là gốc dân Bỉ qua Pháp
lập nghiệp sinh sống (mẹ là người Pháp cha là người Bỉ),
than phiền rằng anh đã phải trả quá nhiều thuế cho nhà
nước. Johnny bèn nộp đơn xin trở lại quốc tịch Bỉ để xin
được đánh thuế theo luật Bỉ, ít phải nộp thuế hơn. Tòa
án Bỉ từ chối đơn xin gia nhập quốc tịch Bỉ của Johnny.
Anh ta bèn tuyên bố sẽ rời nước Pháp, di cư qua Thụy Sĩ,
để trả thuế theo luật Thụy Sĩ. Sau chiến thắng của ông
Nicolas Sarkozy trong kỳ bầu cử Tổng Thống vừa qua thì
Johnny, bạn của cựu Tổng Thống Chirac và đương kim Tổng
Thống Sarkozy, từ Thụy Sĩ tuyên bố sẽ trở về Pháp nếu
mức thâu thuế tối đa sẽ được giảm xuống, từ 60% xuống
50%. Năm 2006 Johnny “kiếm” được 8,75 triệu €, sau khi
đã trừ tất cả mọi phí tổn, nếu phải đóng 60% của con số
này, tức là chỉ còn lại có 3,5 triệu € để sống trong một
năm, thì Johnny không đồng ý.
Nếu chỉ tính một cách đơn giản rằng, đem số tiền 3,5
triệu € để tiết kiệm trong nhà băng một năm, với phân
lãi hiện thời là 2,5%, thì số tiền này đẻ thêm ra một số
tiền lời thâu nhập mới là 87.500 € ! Đúng như người Pháp
có câu “l‘argent appelle l‘argent”, người Việt nói “tiền
đẻ ra tiền”.
Tất nhiên, chàng Johnny tiêu xài khác dân thường.
Chàng sẽ không ăn, như người dân bình thường, một cái
bánh mì tay cầm ngoài đường giá chỉ có 2,5 €, mà có thể,
nếu thèm bánh mì, sẽ ăn cũng cái bánh mì đó dọn trên đĩa
sứ men trắng tinh viền vàng của nhà hàng trong một khách
sạn 5 sao giữa trung tâm hoa lệ Paris, giá là 35 €, uống
một tách cà phê nhỏ xíu giá 9 €, hoặc đúng tiêu chuẩn
hơn, chàng có thể sẽ ăn một bữa trưa thường nhật với vợ
giá khoảng 300 €, uống một chai rượu vang giá khoảng 150
€, rồi để lại tấm giấy 50 € tiền “bo” (pourboire) trên
bàn.
Một thí dụ khác cũng đã làm sôi động dư luận bên Đức:
Peter Hartz, cha đẻ của đạo luật Hartz IV (Hartz IV
Reform: cắt bỏ lương thất nghiệp – 60% của lương làm
việc – sau tối đa một năm, người thất nghiệp chỉ được
lãnh trợ cấp Hartz IV là 345 € một tháng) bị Tòa Án
Braunschweig tuyên án rất nhẹ: Peter Hartz bị phạt tiền
360 ngày 1.600 € (576.000 €) và hai năm án tù treo, vì
ông này bị kết tội tham nhũng và hối lộ một số tiền là
2,6 triệu € của hãng sản xuất xe hơi VW cho ông chủ tịch
công đoàn của hãng là Klaus Volkert.
Ghi chú:
(1) Tổng sản lượng quốc dân ( tiếng Đức là
Bruttoinlandsprodukt (BIP), tiếng Pháp là produit
intérieur brut (PIB) là chỉ số kinh tế quốc dân trong
một năm, tức là trị giá thành tiền của tất cả các hàng
hóa và dịch vụ đã được bán ra (tiêu thụ) trên thị trường
nội địa trong một năm.
(2) Quan tiền Pháp đầu tiên trong lịch sử nước Pháp
là "quan cỡi ngựa" (Franc à cheval) từ thế kỷ thứ XIV vì
có in hình vua Jean le bon (1350-1364) cỡi ngựa, bằng
vàng nhuyễn nặng từ 3,8 đến 3,9g, tương đương với một
chỉ vàng ròng hiện nay. Sau đó, vua Charles V
(1364-1380) ấn định chính xác một quan Pháp nặng 3,826g.
Đồng quan này được gọi là "quan đi bộ" (Franc à pied) vì
in hình vua đứng trên ngai vàng có phủ trướng.
Năm 1785 vua Louis XVI ấn định đơn vị tiền tệ một
quan vàng (gọi là 1 livre tournois) nặng 0,29g vàng
ròng, còn một quan bạc (gọi là 1 livre) thì nặng 4,45g
bạc ròng.
Từ năm 1879 đến năm 1928 một quan vàng Pháp được ấn
định nặng 0,3225g, nhưng tiền vàng dần dần được thay thế
bằng tiền giấy kể từ năm 1914, khi Đệ nhất thế chiến bắt
đầu.
(3) Thuế TVA (taxe sur la valeur ajoutée) là loại
thuế đánh trên tiêu thụ, tức là đánh trên tất cả mọi
hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng phải trả trong
giá bán trên thị trường nội địa. Tại Pháp hiện nay thuế
TVA được đánh theo hai tỷ lệ: 5,5% và 19,6%.
(4) Số tiền thuế này thu được của 16 triệu dân, vì
trong tổng số 33 triệu phải đóng thuế, thì có 17 triệu
được miễn thuế vì thu nhập thấp
(5) Số thuế này thu được của 1/3 tổng số các công ty
đang hoạt động, có nghĩa là 2/3 không bị đóng thuế
(6) Thuế ISF (impôt de solidarité sur la fortune) là
một loại thuế đánh trên những tài sản lớn hơn 760
000 €: Đây là một loại thuế tự nguyện cho những
người có tài sản lớn, họ tự đánh giá và tự khai mức độ
tài sản của mình. Sở thuế vụ chiếu theo lời khai mà đánh
thuế, và sở thuế có một thời hạn là ba năm để kiểm tra
lại lời khai thuế của đương sự.
(7) Các nguồn thâu nhập khác của chính phủ thí dụ như
lợi nhuận của các cổ phần nhà nước, các loại tiền phạt,
thuế truyền hình, linh tinh...
(8) Các con số này không chính xác từ đồng từ cắc,
chỉ có tính cách tương đối.
(9) Thuế đoàn kết với Đông Đức (Solidaritätszuschlag)
là một loại thuế trực thâu đánh vào thu nhập cá nhân và
vào lợi nhuận công ty để chi phí cho sự thống nhất lãnh
thổ hai bên Tây và Đông Đức vào năm 1991. Thuế này được
đánh theo trị giá 3,75% trong hai năm 91,92. Năm 93, 94
được bãi bỏ, nhưng 1995 lại được đánh lại với một trị
giá cao hơn là 7,5%, kể từ năm 1998 mức thuế đánh là
5,5%. Loại thuế này đem lại cho ngân quỹ quốc gia mỗi
năm khoảng 10 tỷ €.
Tài liệu tham khảo bằng tiếng Pháp và tiếng Đức:
Các dữ liệu công bố chính thức của Insee, Comptes
nationaux Base 2000 et Banque de France, Ministère de
l’Économie, des finances et de l’emploi, tạp chí
Marianne, tạp chí Der Spiegel, Verbraucherzentraler
Bundesverband (VZBV), và các trang trên mạng