Từ Thượng Hải đến Bắc Kinh  

Vietsciences-Trương Văn Tân      02/03/2007     Trung Quốc Du Hành Ký (2)
 

Những bài cùng tác giả

Tây Hồ
Giang Nam Cổ Trấn
Hàn San Tự
Thượng Hải
Bắc Kinh
Vạn Lý Trường Thành
Ẩm thực
Văn Hoá

 

Từ Quảng Châu tôi bay đến Thượng Hải và đi xe đến Hàng Châu. Hiện nay, Thượng Hải – Hàng Châu – Tô Châu là khu tam giác phát triển công nghệ thu hút nhiều tư bản nước ngoài chủ yếu là Nhật, Đài Loan và Đức. Hàng Châu là thủ phủ của tỉnh Chiết Giang. Tô Châu là một thành phố của tỉnh Giang Tô. Những thành phố nầy cách nhau non 200 km nhưng họ có tiếng nói địa phương hoàn toàn khác nhau. Khu vực nầy từ xưa còn gọi là “Giang Nam”, một vùng địa linh nhân kiệt sản sinh nhiều bậc anh hùng hào kiệt. Thời cổ đại đây là những vương quốc độc lập. Trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Nguyên (2300 năm trước), Tô Châu (Cô Tô) là thủ đô của nước Ngô (tỉnh Giang Tô ngày nay) và Hàng Châu là một thành phố của nước Việt (tỉnh Chiết Giang ngày nay). Thời Tam Quốc nơi nầy là trung tâm quyền lực của nước Đông Ngô dưới quyền cai trị của Tôn Quyền.

Trở lại 2500 năm trước, Ngô và Việt là hai nước không đội trời chung. Ngô Vương Phù Sai và Việt Vương Câu Tiễn tranh dành thiên hạ. Thừa Tướng nước Việt là Phạm Lãi dâng người yêu của mình là Tây Thi cho Ngô Vương thực hiện “mỹ nhân kế”. Tây Thi là một trong “Trung Quốc tứ đại mỹ nhân” xuất thân từ một làng cách Hàng Châu không xa. Tương truyền Tây Thi có một sắc đẹp “Trầm ngư, lạc nhạn” (chim sa cá lặn). Từ khi được Tây Thi, Phù Sai bỏ quên việc nước, đắm say hoan lạc "Ngô Vương cung lý túy Tây Thi" [1]. Quân vương dùng quốc khố nhân dân xây cho nàng một "lâu đài tình ái" có tên là "Quán Oa Cung" trên núi Linh Nham để ngày ngày từ trên cao nàng có thể nhìn về cố hương Việt Quốc. Tiếc thay, một bậc anh hùng cái thế như Phù Sai cũng phải mềm lòng trước nước mắt mỹ nhân để cho nước Ngô cuối cùng bị diệt. Đến bây giờ người ta vẫn chưa rõ Tây Thi là một nữ gián điệp tài ba hay là một người tình cuồng nhiệt nhưng mối tình tay ba đầy bi kịch tính giữa Phạm Lãi, Tây Thi và Ngô Vương Phù Sai trở thành một thiên tình sử đẫm lệ Trung Quốc. Về sau, thi nhân đời Đường La Ẩn có lời biện giải cho Tây Thi:

Gia quốc hưng vong tự hữu thời

Ngô nhân hà khổ nộ Tây Thi

Tây Thi nhược giải khuynh Ngô Quốc

Việt Quốc vong lai hựu thị thùy?

 

Tạm dịch:

Quốc gia hưng vong cũng có lúc

Người nước Ngô làm gì phải giận Tây Thi

Nếu như Tây Thi làm mất nước Ngô

Thì ai là người làm mất nước Việt đây?

Người Trung Quốc có một câu nói “Trên là Thiên Đường, dưới là Tô Hàng” để diễn tả nét đẹp thiên nhiên, khí hậu ôn hòa và nhất là mỹ nữ của vùng Giang Nam (Tô Hàng). Trên mặt kinh tế, từ xưa vùng Giang Nam đã được công nhận là vùng quan trọng trong việc sản xuất lụa tơ tầm và trà. Từ 1500 năm trước, lụa Hàng Châu được di chuyển theo con đường Lụa (the Silk Road) để xuất cảng đến tận Âu Châu. Con kênh Kinh Hàng dài 1800 km nối liền Bắc Kinh và Hàng Châu được đào vào đời nhà Tùy (1400 năm trước) cho việc thông thương Nam Bắc. Sau nầy vua Càn Long nhà Thanh dùng con kênh nầy đến vùng Giang Nam 6 lần để ngao du thiên hạ và đi tìm mỹ nữ!

 

Tây Hồ

Hàng Châu có sông Tiền Đường, nơi mà nàng Kiều của Nguyễn Du đã gieo mình tự tử. Tây Hồ là điểm du lịch chính ở Hàng Châu còn có tên là Tiền Đường Hồ. Tôi nhập bọn với một đoàn du khách Hong Kong và Hàn Quốc đi dạo vòng quanh một phần hồ trên một chiếc tàu. Ngày xưa có lẽ Tây Hồ đẹp hơn bây giờ, vì một phần bờ hồ là thành phố Hàng Châu với những nhà cao tầng hiện đại nhô lên một cách rất "vô duyên". May thay, 2/3 phần còn lại của Tây Hồ vẫn còn liễu rũ, vẫn còn hoa sen, vẫn còn những tầng tháp cổ tọa lạc trên đồi núi xa xa. Dưới ánh nắng chiều hoàng hôn hay những đêm trăng rằm, khung cảnh thơ mộng của Tây Hồ in đậm trên nền trời là một mảnh thiên đường hạ thế, là một nguồn thi hứng bất tận của tao nhân mặc khách bao ngàn năm qua. Phong cách kiến trúc Trung Quốc đậm đà khái niệm “sơn thủy” mà Tây Hồ thể hiện được sự hài hòa giữa thiên nhiên và những công trình mỹ thuật của con người.

Tây Hồ là một bài thơ, một bức tranh thủy mặc và cũng là một nơi có nhiều tình sử lãng mạn. Cô hướng dẫn viên tên Jin chỉ cho tôi ngọn tháp Lôi Phong bên bờ hồ kể cho tôi nghe chuyện tình “Liêu Trai” của con rắn trắng Bạch Xà và một chàng thư sinh. Chuyện kể rằng có một thư sinh họ Hứa cứu sống hai con rắn, một con màu trắng, Bạch Xà, và một con màu xanh, Thanh Xà. Để trả ơn, Bạch Xà biến thành một tiểu thư nhan sắc tuyệt trần kết nghĩa vợ chồng với chàng Hứa, nuôi nấng chàng ăn học, Thanh Xà biến thành tỳ nữ hầu hạ. Hai người ăn ở hạnh phúc hòa thuận. Một hôm, Hứa thư sinh tình cờ gặp một sư ông. Sư ông bảo chàng nguyên khí bất thường vì có yêu khí hiện ra. Sư ông mang chàng Hứa về chuà chữa trị. Bạch Xà đi tìm chồng, nước dâng theo làm lụt cả một vùng. Về sau, sư ông lập mưu bắt sống Bạch Xà chôn sống dưới tháp Lôi Phong. Tôi nghe câu chuyện mà phì cười và bảo cô Jin “Sư ông ở không đi phá hoại hạnh phúc gia đình thiên hạ. Còn tôi như chàng Hứa thì tôi sẽ ở với người vợ đẹp suốt đời dù tôi có chết vì nàng là hồ ly tinh hay rắn độc đi nữa!”. Có lẽ chưa bao giờ nghe ai bình phẩm như vậy, cô Jin thích chí cười vang bảo “Ông thật chung tình!!”. Cô ta lại kể chuyện Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài. Tôi hỏi “Tại sao Hàng Châu lại lắm chuyện tình mà chỉ toàn là chuyện không có happy ending?”. Cô Jin cười cười bảo “Trừ chiến tranh Ngô Việt giữa Phù Sai và Câu Tiễn 2500 năm trước, vùng Hàng Châu tương đối hoà bình từ xưa đến giờ. Vì vậy, người dân Hàng Châu rất phong lưu và lãng mạn”. Tôi chuyển đề tài "Người ta bảo phụ nữ Hàng Châu rất đẹp mà hôm qua đến giờ tôi chưa thấy người đẹp nào cả”. Cô Jin nhanh miệng “Vậy thì không phải ông đang nói chuyện với một người đẹp sao?”. Tôi bị hớ “Nói ra bây giờ thì sớm quá. Tôi chỉ muốn khen cô đẹp trước khi từ giã cô thôi…”.

Cô Jin lại chỉ hai con đê gọi là Bạch Đề (đê ông Bạch) và Tô Đề (đê ông Tô). Bạch là Bạch Cư Dị và Tô là Tô Đông Pha. Bạch Cư Dị  là một nhà thơ lớn đỗ tiến sĩ đời Đường (1300 năm trước). Khi Bạch Cư Dị được bổ làm Thứ Sử Hàng Châu, ông tiến hành đấp đê xung quanh Tây Hồ để hồ có thể chứa nước nhiều hơn, khi gặp hạn có thể dùng nước Tây Hồ để cứu hạn. Ông cảm thông và quan tâm đên nỗi khổ của dân. Khi ông rời chức vụ ra đi, người dân Hàng Châu thương nhớ ông vô cùng. Ông viết một bài thơ để lại trong đó có hai câu:

Thuế trọng đa bần hộ, nông cơ túc hạnh điền

Duy lưu nhất hồ thủy, dữ nhĩ cứu hung niên

 

Tạm dịch:

 

Thuế nặng nên còn nhiều nhà nghèo khó, nông dân còn đói vì ruộng bị khô.

Tôi để lại hồ nước đầy, dùng nó cứu nguy những năm đói kém.  

 

Ba trăm năm sau cũng như Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha là một tiến sĩ vào đời nhà Tống dược bổ làm Thứ Sử Hàng Châu một thời gian. Tô Đông Pha là một người phong lưu, lãng mạn và tài hoa rất mực. Ông vừa là một nhà thơ lỗi lạc vừa là một họa sĩ của trường phái mới đương thời [2]. Trong thời gian ở đây ông tiếp tục công trình của Bạch Cư Dị làm đẹp Tây Hồ bằng cách vét bùn trong hồ vừa làm đê vừa làm sâu hồ tăng thể tích chứa nước. Con đê “Tô Đề” băng ngang Tây Hồ dài gần 3 km có những tiểu kiều (cầu nhỏ) cong cong với chân cầu bán nguyệt. Một nhà thơ vừa là một kỹ sư xây dựng hẵn phải là một kết hợp thú vị. Bạch Đề và Tô Đề chia Tây Hồ thành ba phần: hồ trong, hồ ngoài và hồ sau. Tôi đi trên Tô Đề bước qua những tiểu kiều nhìn xuống dòng nước nhớ câu “Tiểu Kiều Lưu Thủy”. Tôi nhớ lại những thiên tình sử cô Jin vưà kể mường tượng nàng kiều nữ Hàng Châu lượt là xiêm y “Nhân diện đào hoa tương ánh hồng” [3] phải lòng một chàng thư sinh gặp trên những chiếc tiểu kiều. Hai người trao duyên gởi phận, rồi lại ngậm ngùi chia tay cũng trên những chiếc tiểu kiều…

 

Tôi đi chậm lại để nhìn rõ kiến trúc con đê, tôi lại nghĩ đến mặt tích cực của Nho Giáo đã tạo ra những người có tầm vóc như Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha tận tụy hết lòng cho dân.  Những lời thơ đầy hào khí nhà Nho của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ thoang thoảng bên tai

 

Kinh luân khởi tâm thượng

Binh giáp tàng hung trung

Vũ trụ chi gian giai phận sự

Nam nhi đáo thử thị hào hùng

(Kẻ sĩ)

 

Tạm dịch

Cách trị nước đã có trong tim

Binh giáp dẹp giặc đã có trong lòng

Trong trời đất tất cả đều là phận sự

Làm trai như thế mới tài giỏi

 

Tô Đề trên Tây Hồ

 

Giang Nam Cổ Trấn

Tôi từ giã cô Jin để đến thị trấn Zhouzhuang (Chu Trang) trên đường đến Tô Châu. Chu Trang là một trong những thị trấn nhỏ trên sông nước Giang Nam (Giang Nam Cổ Trấn). Theo anh Shao người hướng dẫn mới của tôi thì đây là một khu vực mà phương tiện giao thông chính là đường thủy. Vì vậy, trong những đợt cải cách hiện đại hoá vùng nầy bị bỏ quên, cách kiến trúc nhà cưả vẫn còn nguyên thể của 1000 năm trước. Người ta còn gọi những thị trấn nầy là "Venice of the Orient". Do phương tiện đi lại chính là những con rạch nhỏ, nhà nào cũng có một bến nước và một con đường nhỏ cho bộ hành trước nhà. Hai bên bờ con rạch được nối bằng những chiếc cầu đá với chân cầu bán nguyệt có từ hàng ngàn năm. Anh Shao hướng dẫn tôi đến hai căn nhà có liên hệ thân thuộc đến đại thần trong triều đình nhà Minh, làm tôi nhớ lại những căn nhà cổ của thương nhân người Hoa tại Hội An, nhưng những căn nhà ở đây hoành tráng và uy nghi hơn.

Vùng nầy có thể mãi mãi đi vào quên lãng hoặc có nguy cơ bị hiện đại hóa với những toà nhà bê tông cốt sắt nếu không có bức tranh của nhà danh họa Chen Yifei (Trần Dật Phi). Ông Chen từ Mỹ trở về quê cũ Chu Trang tìm được cảm hứng trong vẻ đẹp ngàn năm của quê hương vẽ ra một loạt tranh "Hồi ức của cố hương" trong đó có bức họa "Song kiều" (Cầu đôi). Bức họa nầy lọt vào mắt xanh ông chủ tập đoàn dầu hỏa Occidental (Mỹ), Armand Hammer. Năm 1985, Hammer tặng Đặng Tiểu Bình bức tranh. Sự trân trọng của người nước ngoài đối với vùng sông nước hẻo lánh nầy khiến ông Đặng phải nhìn lại chính sách du lịch ở các vùng sâu vùng xa. Sau đó không lâu, Chu Trang và các vùng lân cận được nâng cấp thành di sản quốc gia mở cửa cho du lịch. Một đêm sáng ngày, những nông dân nghèo khổ bỗng nhiên có một nguồn thu nhập phong phú như kéo xe lôi, chèo thuyền, bán đồ lưu niệm cho du khách.

 

Song kiều: Cầu đôi bằng đá (Zhouzhuang)

 

 

"Hồi ức của cố hương": Tranh Chen Yifei (Nguồn: www.monadock.net)

 

Hàn San Tự

Tôi đến Tô Châu thăm Hổ Khưu và Hàn San Tự. Tô Châu (Cô Tô) là thủ  đô và trung tâm văn hoá của nước Ngô ngày xưa Hổ Khưu (Gò Cọp) là nơi chôn cất của Ngô Vương Hạp Lư cha của Phù Sai (2500 năm trước). Vì mộ phần của Hạp Lư được giữ bí mật nên cách đây hơn 1000 năm người ta vô tình xây cái tháp cao 50 m trên gò.  Cái tháp nghiêng từ khi hoàn thành gây bởi khoãng trống của mộ phần Hạp Lư bên dưới. Người ta gọi đây là "Chinese Pisa Leaning Tower".

So với Nam Hoa Thiền Tự ở Thiều Quan (Quảng Đông) và Linh Ẩn Tự ở Hàng Châu, Hàn San Tự nhỏ hơn nhưng cũng có một lich sử 1500 năm với gác chuông nổi tiếng từ ngàn xưa. Nhưng Hàn San Tự được nhiều người biết đến qua bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” (Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều) của Trương Kế

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên

Giang phong ngư hoả đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

 

Tạm dịch:

Trăng tàn, quạ kêu, sương đầy trời

Nhìn những cây phong bên bờ sông, ánh đèn trong thuyền chài mà trong lòng buồn bã không ngủ được

Chuà Hàn Sơn ở ngoại thành Cô Tô

Tiếng chuông chuà nửa đêm vẳng đến con thuyền chở khách

 

Trăng tà tiếng quạ kêu sương,

Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ.

Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

(Tản Đà (?) dịch)

Chàng thư sinh Trương Kế lều chõng đi thi nhưng không được bảng vàng tiến sĩ đề tên, từ thủ đô Trường An buồn bã trở về quê cũ. Đến Cô Tô thì cửa thành đã đóng, chàng Trương đành qua đêm trên một chiếc thuyền chài. Ánh trăng, tiếng quạ, màn sương, cây phong, ánh đèn chỉ làm tăng thêm nỗi buồn "thi không ăn ớt thế mà cay"! Chỉ có tiếng chuông chuà mới làm chàng vơi đi nỗi buồn để thốt ra những dòng thơ bất hủ. Bây giờ tiếng chuông chuà nửa đêm không còn. Con sông trước chuà trở thành con kênh nhỏ và hàng cây phong cũng biết mất với thời gian. Bài thơ được viết lại bởi nhiều nhà thư pháp lừng danh và trưng bày xung quanh chùa. Bài thơ cũng được một vị vua nhà Thanh ngự đề, nhưng không may bị Hồng Vệ Binh đập nát trong thời kỳ "Cách Mạng Văn Hoá".

Tôi đọc bài thơ theo âm Hán Việt làm anh Shao hoang mang "Âm Việt Nam sao mà giống tiếng Quảng Đông thế!". Tôi chợt nhớ đến âm Quảng Đông "Duỵt loọc, ú thề, xướng màn thín….." của một lữ khách Trung Quốc nhớ cố hương đọc trong một đêm khuya đã làm cho người mẹ tương lai của Hồ Dzếnh phải cười như chuột rúc trong đêm [4]….

 

Thượng Hải

Khi Hàng Châu và Tô Châu đã là một thành phố ''ngựa xe như nước áo quần như nêm", thì Thượng Hải chỉ là một làng đánh cá. Thượng Hải thành lập gần 700 năm nay nhưng bây giờ là một siêu đô thị lớn nhất Trung Quốc và là một trung tâm thương mãi và văn hoá với dân số 17 triệu người (gần bằng dân số toàn nước Úc). Từ Tô Châu đến Thượng Hải tôi đi ngang một khu công nghiệp đồ sộ Kunsan phần lớn do tiền đầu tư từ các tư bản Đài Loan lập nên.

Ở đầu thế kỷ 20, Thượng Hải là tô giới Anh nổi tiếng là nơi trụy lạc, buôn hương bán phấn, bài bạc ma túy nổi tiếng Viễn Đông. Đây cũng là nơi người Anh đã từng treo bảng "Cấm chó và người Trung Quốc" trước cổng ra vào của một công viên. Ở thập niên 60, Thượng Hải lại trở thành trung tâm của "bọn bốn người" phát động cuộc "Cách Mạng Văn Hóa" cực đoan làm chết hằng triệu người và tàn phá không ít những di sản lịch sử của nhân loại. So với các thành phố cổ ở Trung Quốc, Thượng Hải chỉ là một thành phố "trẻ" ít có những di tích lịch sử. Thêm vào đó, theo chiều hướng "hiện đại hóa" những kiến trúc xưa bị đập phá vô nguyên tắc để thay vào những tòa nhà hiện đại mọc lên như nấm trong đám rừng "bê tông". Chỉ trong vòng 10 năm Thượng Hải chuyển mình từ một thành phố xe đạp thành một thành phố xe hơi. Xe Volkswagen (= People's car) sản xuất tại Thượng Hải với giá thành rất thấp và được đổi thành cái tên Trung Quốc "Đại Chúng" chiếm 25 % số lượng sản xuất xe toàn quốc và đang tiếp tục gia tăng. Những đường cao tốc mới xây trong vòng 10 năm nay tỏa ra như mạng nhện nối liền Nam Bắc. Những anh tài xế Trung Quốc phần lớn thuộc hạng "kamikaze" chạy "bạt mạng" trên xa lộ chèn nhau từng tấc đường không thua gì tài xế Việt Nam trên Quốc Lộ số 1….

Buổi sáng đầu tiên tại Thượng Hải tôi cùng một người bạn tản bộ trên Bến Thượng Hải (The Bund) dọc theo bờ sông Hoàng Phố. Bên nầy bờ sông là những tòa nhà lịch sử với số tuổi hơn 150 năm biểu tượng của Thượng Hải cũ. Bên kia bờ sông là Phố Đông (Pudong) với những tòa nhà chọc trời cao nhất nhì thế giới biểu tượng của Thượng Hải mới. Chúng tôi đi đến Phố Cổ nơi người ta bày bán những đồ giả cổ trong những tòa nhà xưa được Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố trùng tu và xây dựng thêm để thu hút du khách. Tôi đến Thượng Hải nhằm vào Tiết Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng) nên cả khu phố tràn ngập hằng trăm hằng ngàn chiếc lồng đèn đỏ treo cao cao …..

 

Viện Bảo Tàng Thượng Hải là nơi người ta có thể nhìn được lịch sử 5000 năm văn minh Trung Quốc qua những sưu tập lớn nhất thế giới về nghệ thuật và mỹ thuật cổ đại. Viện Bảo Tàng được thành lập năm 1952 và được xây lại cách đây 5 năm với 2 tầng ngầm và 5 tầng lầu với một diện tích 38 000 m2. Ở đây, người ta trưng bày hơn 120 000 hiện vật bằng đồng, sắt, vàng, gốm sứ, ngọc, hổ phách, tranh thủy mặc, thư pháp, tiền tệ. Có nhiều hiện vật từ thời nhà Hạ là vương triều đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc (4000 năm trước). Tôi nhìn thấy bảo kiếm của Việt Vương Câu Tiễn và của Ngô Vương Phù Sai (2500 năm trước), cũng như cái vại bằng đồng bốn chân được chế tạo một cách tỉ mỉ cao gần 1 m với thành vại dầy 10 cm có thể chứa gần 100 lít rượu để Ngô Vương khao ba quân tướng sĩ.

 

Bắc Kinh

Sau Hàng Châu, Tô Châu và Thương Hải, tôi đến Bắc Kinh vào cuối muà Đông. Những cơn gió lạnh buốt thổi từ sa mạc Gô Bi làm cho cái lạnh –5 ºC rất khô nhưng dễ chịu. Với dân số 15 triệu người, Bắc Kinh là thành phố lớn thứ hai sau Thượng Hải. Sau 20 năm theo chính sách "mở cửa", xe đạp bây giờ phải nhường bước cho xe hơi. Tuy nhiên, trên những con đường chính tại Bắc Kinh 1/2 hoặc 1/3 mặt đường được dành độc quyền cho người đi xe đạp. Cũng như Quảng Châu và Thượng Hải, phương tiện giao thông công cộng chính là xe bus và xe điện ngầm. Bắc Kinh có hơn 900 tuyến đường xe bus chạy ngang dọc thành phố. Đại lộ Trường An là một con đường chính đi qua Quảng Trường Thiên An Môn, trung tâm shopping và ẩm thực Wangfuching (Vương Phủ Tỉnh). Dọc theo con đường nầy là những tòa nhà hành chánh của chính phủ, trung tâm thương mãi và những khách sạn cao tầng năm sao. Quảng Trường Thiên An Môn là trung tâm của Bắc Kinh nơi du khách dập dìu qua lại ngày đêm. Trước Quảng Trường, năm ba con diều giấy nhiều màu sắc bay thong dong trên bầu trời mùa đông Bắc Kinh làm tôi nhớ lại truyện "Con Diều Giấy" của nhà văn Lỗ Tấn. Nền trời trong xanh như mùa thu Tokyo nhưng không buồn bã như ông đã từng diễn tả vì đường phố Bắc Kinh ngày nay lúc nào cũng sinh động.

Tôi dùng xe bus và xe điện ngầm như người dân Bắc Kinh để đến những điểm du lịch như Quảng Trường Thiên An Môn, Cố Cung (Tử Cấm Thành), Thiên Đàn (Temple of Heaven), Di Hòa Viên v.v… Thiên An Môn là cửa chính của Cố Cung nơi xuất phát đi tham quan các cung điện của vua chúa triều đình nhà Minh và nhà Thanh. Đây là những kiến trúc vĩ đại đối xứng xây dựng rất tốn kém với vô số chạm khắc trên gỗ trên đá cực kỳ tinh vi. Những mái ngói ở đây có màu vàng đồng nhất là màu biểu tượng của nhà vua. Cái hoành tráng và uy nghi của Cố Cung đã được ống kính của đạo diễn Bernado Bertolucci làm sống lại trong bộ phim nổi tiếng "The Last Emperor".

Với giá "bao cấp" 15 cents US, dân chúng có thể đi lại trên tuyến đường xe bus dài 10 – 15 km. Quãng đường từ trung tâm thành phố Bắc Kinh đến Di Hoà Viên là 25 km chỉ tốn 50 cents. Di Hoà Viên và Viên Minh Viên là hai Ngự Viên dành cho vua được thành lập dưới đời Càn Long nhà Thanh (thế kỷ 18). Năm 1860, Liên Quân Anh Pháp tấn công Bắc Kinh tàn phá hai Ngự Viên nầy, những toà nhà bị đốt cháy đến hai tháng trời mới hoàn toàn bị thiêu hủy. Về sau, Từ Hi Thái Hậu lợi dụng công qủi Hải Quân nhà Thanh xây lại Di Hòa Viên để bà ta có nơi nghỉ mát mùa hè. Viên Minh Viên vẫn còn hoang phế cho đến ngày hôm nay.

Di Hoà Viên

Vạn Lý Trường Thành

Những trận tấn công của những bộ lạc du mục phương Bắc là nỗi kinh hoàng của Hán tộc qua mấy ngàn năm lịch sử. Vì vậy, sau khi thống nhất Trung Nguyên Tần Thủy Hoàng huy động nhân dân làm sai dịch xây Trường Thành để ngăn chận những cuộc xâm lược của người Mông Cổ và người Kim (Mãn Châu). Xương máu đã đổ rất nhiều vào công trình to tát nầy. Vạn Lý Trường Thành có chiều dài là 6300 km. Sau nhà Tần, Trường Thành được tiếp tục gia cố trong khoảng thời gian 1500 năm kể từ đời Hán đến đời Minh. Khi người Mãn Châu xâm chiếm Trung Nguyên diệt nhà Minh thành lập nhà Thanh, Trường Thành mất ý nghĩa và trở nên hoang phế. Ở đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Trường Thành được gia cố trở lại để đón những đoàn quân du khách đến "xâm lăng"..

Mao Trạch Đông có viết "Bất đáo Trường Thành, phi hảo hán" [5]. Đến Bắc Kinh mà không viếng Vạn Lý Trường Thành thì quả là một điều thiếu sót. Gần Bắc Kinh dọc theo Trường Thành có nhiều cửa ải mà bây giờ là những điạ điểm du lịch. Cửa Badaling (Bát Đạt Lĩnh) cách Bắc Kinh 100 km là điểm gần nhất được "cận đại và thương mãi hoá" có cả dây cable lên xuống. Tuy nhiên cũng còn nhiều chỗ còn hoang sơ như Gubeikou (Cổ Bắc Khẩu) cách Bắc Kinh 200 km đường xe lửa. Tôi đến cửa ải Juyongguan (Cư Dung Quan). Cư Dung Quan là tên gọi từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, là một cửa ải yết hầu của Bắc Kinh. Những ngọn núi ở đây rất hùng vĩ và Trường Thành được xây dọc theo triền núi như con rắn khổng lồ lúc ẩn lúc hiện. Muốn đi lên đến đỉnh cũng phải bước hơn một ngàn bậc đá theo vách núi gần như thẳng đứng. Gió cuối đông thổi rất lạnh, nhưng trong người vẫn toát mồ hôi! Từ trên cao nhìn Trường Thành mới thấy đây là kỳ quan thế giới, người ta không khỏi thán phục trước một kiến trúc quân sự vô tiền khoáng hậu trong lịch sử loài người. Người ta cũng không khỏi ngậm ngùi khi biết hàng trăm vạn sinh linh đã bỏ mình dưới chân Trường Thành và những cuộc ác chiến máu chảy thành sông cũng đã xảy ra ở chốn nầy.  

Ẩm thực

Văn hóa ẩm thực Trung Quốc thật là phong phú vì người Trung Quốc có chủ trương "thực vi tiên" (ăn là trước nhất). Những hiện vật cổ đại dược khai quật phần lớn là những công cụ nấu ăn hoặc vại chứa rượu. Điều nầy cho biết sự cầu kỳ trong việc ăn uống của người Trung Quốc từ xưa. Tôi theo phương thức "Tây ba lô" đi vào những ngõ ngách để tìm chỗ ăn uống vừa rẻ, vừa ngon, vừa nhiều! Ở những quán ăn bình dân, một buổi ăn no bụng chỉ tốn trên dưới $1 USD. Những Food Court "sang trọng" hơn như ở trung tâm Wangfuching (Bắc Kinh), người ta bán thức ăn khắp mọi miền Trung Quốc (cháo thịt Quảng Châu, mì cay Tứ Xuyên, giò hầm Giang Nam, thịt dê Mông Cổ….) , sushi Nhật Bản, bibimbab kimchi Hàn Quốc với một giá bình dân. Món đặc sản Bắc Kinh là "vịt nướng Bắc Kinh" với một vài chai bia Tsingtao cũng không quá $10 cho một người.

Thịt cầy cũng là món không thể thiếu trong thực đơn Trung Quốc. Trong tiệm vịt nướng, cô phục vụ mời tôi ăn món "Thần Tiên Cẩu Nhục Lẩu". Cái tên gì đâu chỉ nghe thoáng qua cũng đủ giật mình. Tôi tò mò hỏi "Thịt chó thật à?", "Thật mà!" cô ta vừa trả lời vừa chỉ hai người khách đang nhai ngồm ngoàm bên cái lẩu cầy thật to. Tôi không thuộc trường phái "mộc tồn" nên thoạt nhìn đã hơi "ớn lạnh", lại nói đuà "Thảo nào tôi không thấy con chó nào chạy lanh quanh trên đường phố Bắc Kinh", cô ta thật thà trả lời "Không, không! Chó chúng tôi nuôi không phải chó chạy ngoài đường…". Tôi cười cười lịch sự bảo "Hôm nay tôi ăn vịt, hôm khác tôi đến ăn cầy, được không?"…. 

Có lẽ thức ăn Quảng Châu gần gũi với khẩu vị người Việt Nam hơn. Tôi không quên được bát phở thịt bò vò viên thơm phức ăn với nước mắm và tương ớt trong một tiệm phở mì bên cạnh Công Viên Hoàng Hoa Cương (Quảng Châu). Ở Bắc Kinh, thức ăn dường như đã pha trộn với thức ăn Mông Cổ và Mãn Châu. Trong một tiệm ăn tại Wangfuching, những office ladies xinh xắn ăn sáng với một khúc "dầu chá quẩy" dài gần 50 cm chấm vào một tô sữa đậu nành vừa ăn vừa uống xì xụp một cách ngon lành. Phải nói là người Trung Quốc thích ăn vặt. Ở Quảng Châu cũng như ở Thượng Hải hay Bắc Kinh những hàng thịt nướng tấp nập khách ăn đêm. Tôi thấy có cả bọ cạp dài hơn 5 cm nướng với xì dầu (soy sauce grilled scorpion)!!!

Văn Hoá

Về món ăn tinh thần, trên đại lộ Trường An (Bắc Kinh) tôi tìm thấy 2 "department stores" 6 tầng bán sách đủ loại tấp nập người mua. Người Trung Quốc thích mua sách và đọc sách không kém người Nhật. Khi đến Hàng Châu tôi đã vào một nhà sách lớn tương đương với nhà sách Kinokuniya ở Shinjuku (Tokyo), nhưng khi bước vào "department store" sách nầy, tôi choáng ngợp với lượng sách bán ở đây. Sách được trưng bày nhiều nhất là sách quản lý kinh tế, phương pháp lãnh đạo, nguyên tắc làm giàu, kế toán. Best seller là những quyển nói về nhà tỷ phú Li Kashing (Lý Gia Thành) của Hong Kong. Sách về Mác - LêNin, tư tưởng Mao Trạch Đông được "tân trang" với bìa sách cứng trang trọng. Một loạt sách hoài niệm Mao Trạch Đông được xuất bản để kỷ niệm ngày sinh thứ 110 của ông. Những bộ sách cổ "Tứ Thư Ngũ Kinh", sách về tôn giáo, những bộ "Đường Thi" "Tống Từ" dày ngót một ngàn trang với những chú thích cho độc giả hiện đại cũng hấp dẫn nhiều khách hàng trẻ tuổi. Nhà sách có những tầng riêng cho khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, ngôn ngữ học.

Đài Truyền Hình Trung Ương Trung Quốc (CCTV) có nhiều kênh phụ trách những tiết mục khác nhau về kinh tế, xã hội, quốc phòng, lịch sử, khoa học, nhạc kịch cho mọi lứa tuổi và sở thích. Tin tức và bình luận kinh tế được đặc biệt chú trọng trong phần thông tin mỗi ngày. Ngoài ra, trong chương trình thi văn có những buổi bình luận và tranh luận về những bài cổ thi hoặc giải thích ý nghiã của những chữ Hán cổ với những tương quan lịch sử và điạ lý. CCTV còn có một kênh nói tiếng Anh với những phát ngôn viên có lẽ là người Mỹ gốc Hoa. Ngoài những tin tức cập nhật, có chương trình phát hình giới thiệu văn hóa, xã hội Trung Quốc và chương trình dạy tiếng Hán cơ bản cho người nước ngoài. Tôi đặc biệt chú ý đến chương trình hằng đêm dành cho quốc phòng vì nhiều lý do. Một trong những lý do chính là người điều khiển chương trình là một nữ quân nhân với quân hàm Trung Úy Không Quân ăn nói có duyên, rất trẻ và rất bắt mắt…..

Tôi có cảm giác như càng đi về phía Bắc các cô gái Trung Quốc càng cao và càng đẹp ra. Quần áo thời thượng đúng "mốt", yểu điệu bước đi, tóc dài lả lướt, "Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung" [6], chẳng hỗ thẹn là con cháu Tây Thi Bao Tự lừng lẫy một thời…. Wangfuching là nơi hẹn hò cũng là nơi khoe sắc áo. Chiều xuống có những cặp trai gái đứng hôn nhau ở một góc phố, hôm nầy đi ngang thấy một anh Tây với một cô Tàu, hôm kia một anh Tàu với một cô Tàu. Tây thì thoải mái, Tàu hơi ngượng nghịu. Một đêm tôi lững thững nơi nầy, một cô gái trẻ đẹp nhưng có vẻ già dặn chạy lại hỏi tôi bằng tiếng Phổ Thông là có muốn đi hát karaoke, vừa rẻ lại vừa nhiều cô đẹp. Tôi giả đò không hiểu, trả lời tiếng Anh. Tưởng đâu thoát nạn, không dè cô ta nói một tràng tiếng Anh lặp lại lời rủ rê. Tôi từ chối không dám phiêu lưu.

"Chủ nghĩa thực dụng" của người Trung Quốc phản ảnh qua những công trình xây dựng và thẩm mỹ quan. Nếu cần, họ rất cầu kỳ. Nếu không cần, họ không màng đến chi tiết. Họ có thể đi từ một cực đoan nầy đến một cực đoan khác một cách rất thoải mái. Khu Wangfuching như Ginza của Tokyo là "thiên đàng của người đi bộ", ở đây thay vì trồng hoa người ta mang những chùm hoa plastic xanh xanh đỏ đỏ trang hoàng dọc hai bên phố cho… đẹp mắt.

 Nam Kinh Lộ là một khu phố sầm uất của Thượng Hải. Hai bên đường là những căn phố lầu hai tầng, phiá dưới là nơi buôn bán sang trọng, phiá trên là nhà ở mà cũng là nơi để những cây sào phơi quần áo kể cả nội y phụ nữ chỉa thẳng ra ngoài! Tôi không thể dung hoà được những vẻ đẹp của những kiến trúc cổ xưa với những cái "thực dụng" hiện tại, cũng như cái cung cách "phong lưu tài tử" qua những bài Đường Thi và cái thói "khạc nhổ" ngàn năm vẫn tồn tại trên đường phố.

 

Trăm thấy không bằng một sờ…

Hai mươi năm sau khi Đặng Tiểu Bình tuyên bố chính sách "mở cửa" thực thi "xã hội chủ nghĩa với đặc tính Trung Quốc" (= chủ nghĩa kinh tế thị trường tư bản) theo chủ trương "mèo trắng mèo đen" của ông [7], Trung Quốc đã có những thành tựu đáng kể về mặt kinh tế và phát triển xã hội. Việc biến làng đánh cá Thẩm Xuyến gần Hong Kong thành một đô thị kinh tế có tầm cỡ trong vòng 20 năm thì phải công nhận là một kỳ tích có một không hai. Họ đã học hỏi nhanh chóng phương pháp phát triển kinh tế, tài chánh của tư bản Âu Tây. Xem CCTV, tôi cảm nhận họ cũng học được cách tuyên truyền rất tinh vi kiểu Mỹ. Lối tuyên truyền thô thiển của thời kỳ "Cách Mạng Văn Hoá" với lối nói con vẹt sáo rỗng không còn chỗ đứng trong xã hội Trung Quốc ngày hôm nay. Những biểu ngữ tôn vinh Đảng Cộng Sản không còn thấy trên đường phố, thay vào đó là những khẩu hiệu khuyến khích người dân cố gắng nói tiếng Phổ Thông (Mandarin) để thống nhất tiếng nói và yêu cầu tập thói quen văn minh làm sạch đường phố tránh khạc nhổ nơi công cộng..

Mặt khác, người Trung Quốc có một thái độ rất thực tiễn trong việc rút tỉa kinh nghiệm của 5000 năm văn hiến. Họ không nằm trên bề dày lịch sử tự hào suông để thoả mãn lòng tự ái dân tộc hẹp hòi mà họ phân tích những câu chuyện lịch sử vài ngàn năm trước để vận dụng sáng tạo vào những họat động chính trị hành chánh cho việc trị quốc và bang giao quốc tế ở thế kỷ 21. Chủ nghiã "anh hùng dân tộc" cũng không được đề cập trên sách báo. Về mặt chính trị nó đi ngược lại chủ trương đoàn kết 56 dân tộc trong cộng đồng Trung Quốc, phản ảnh một thực tế Trung Quốc là một đất nước đa dân tộc đa văn hoá và đa ngôn ngữ. Ngày nay, triều đình nhà Nguyên (Mông Cổ) và nhà Thanh (Mãn Châu) không còn xem là triều đình ngoại tộc. Hốt Tất Liệt, Khang Hy, Càn Long được đặt ngang hàng như những vị vua Hán tộc khác. Thậm chí, Thành Cát Tư Hãn cũng được xem là một anh hùng có một chỗ đứng quan trọng trong lịch sử Trung Quốc.

Có lẽ Trung Quốc là một nước duy nhất trên quả điạ cầu nầy có thể đồng hoá được kẻ xâm lược bằng nền văn minh lâu dài của mình. Trung Quốc đã đi qua những bước thăng trầm lịch sử từ thời kỳ vàng son "Thạnh Thế Đại Đường" đến thời kỳ đen tối "bán thuộc điạ" bị liệt cường Âu Tây và Nhật Bản xâu xé vào những ngày cuối cùng của triều đại nhà Thanh. Từ kinh nghiệm lịch sử, Trung Quốc sẽ không dừng lại ở vị trí hiện tại là một nơi sản xuất những đồ rẻ tiền bán cho thế giới mà họ chỉ dùng cơ sở nầy quyết tâm trở thành một cường quốc về khoa học kỹ thuật và không gian. Điều nầy thể hiện rõ qua câu nói của một chuyên gia ngoại giao Trung Quốc trong một buổi mạn đàm trên đài truyền hình Bắc Kinh; ông ta bảo "cuộc cải cách hiện tại là một cơ may duy nhất nước ta có kể từ cuộc "Chiến Tranh Nha Phiến" (1840)".

Đọc lịch sử Trung Quốc và tham quan thực địa là một dịp để "ôn cố tri tân" và để "biết người biết ta". Không phải ngẫu nhiên, học giả Nguyễn Hiến Lê đã dành phần lớn cuộc đời của mình trong việc dịch thuật những kinh điển Trung Quốc. Trong chuyến du hành hai tuần nầy tôi học hỏi được nhiều điều, gọt bớt được nhiều thiên kiến. Người ta bảo "Trăm nghe không bằng một thấy", tôi đi thêm một bước nữa là "Trăm thấy không bằng một sờ"!  

March 2004 (viết lại February 2007)

 

Chú Thích

1.       "Ngô Vương trong cung mê mệt với Tây Thi" trong bài "Ô Thê Khúc" của Lý Bạch

2.       Xem "Tô Đông Pha", Nguyễn Hiến Lê, Xuân Thu xuất bản

3.       "Gương mặt cô gái và hoa đào cùng rạng ánh hồng" (nói đến nét tươi thắm của người con gái) trong bài "Đề Đô Thành Nam Trang" của Thôi Hộ

4.       Xem "Chân trời cũ" của Hồ Dzếnh. Người lữ khách Trung Quốc là thân phụ Hồ Dzếnh

5.       "Chưa đến Trường Thành thì chưa phải là người hảo hán"

6.       "Xiêm y tưởng là mây, dung nhan tưởng là hoa", một câu tán tụng sắc đẹp của Dương Quí Phi trong bài "Thanh Bình Điệu" của Lý Bạch

7.       Đặng Tiểu Bình có lần tuyên bố "Không cần biết chú mèo màu trắng hay đen, miễn bắt chuột là được"

 

 

           © http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Trương Văn Tân