Những bài cùng tác giả
- Từ một mảnh sành Thanh Hóa
- Người Nhật Bản với phố cổ Hội An và văn hoá Chăm Việt Nam
- Tách trà sứ gốm Việt Nam trong Trà đạo của người Nhật Bản
1
1/ Từ một mảnh sành Thanh Hóa

Bình hoa gốm Chu Đậu(Hải Dương) ở viện
bảo tàng Topkapi(thổ nhỉ kì)
Vào một buổi chiều chủ nhật cuối thu năm 1978, khi lang thang trong khu
trưng bày đồ cổ Châu Á của Viện bảo tàng Topkapi (Thổ Nhĩ Kỳ), tôi ngạc
nhiên khi thấy 4 mảnh sành, trong đó có 3 mảnh men lam màu xanh Cobalt kiểu
đời Nguyên, ghi "Đồ sành An Nam" với nét thanh thoát hình cánh hoa mẫu đơn
và một mảnh khác men ngọc (Céladon) ẩn hình hoa sen, ám họa mang dáng dấp
đời Tống ghi niên đại thuộc thế kỷ 9 - 11 đào được ở thành phố Fustat (Ai
Cập cổ đại), với câu hỏi về nguồn gốc "Có phải là Long Tuyền Diêu của Trung
Quốc hay là của Thanh Hóa (Việt Nam)" ? Điều thú vị là thành phố Fustat
-vùng đất cổ ở ngoại ô thủ đô Cairo ngày nay chỉ tồn tại đến hậu bán thế kỷ
12 (năm 1168), vì người bản xứ đã tự hủy diệt, đập bỏ tất cả trong cuộc giao
tranh "vườn không nhà trống" với Thập Tự Quân, cho thấy mảnh sành men ngọc
nêu trên đã phải có mặt trước đó.

Celadon Việt nam—Song
ngư
Vài năm sau Viện bảo tàng mỹ thuật Osaka (Nhật Bản) trưng bày một bát men
ngọc "An Nam" của ông Kimura, một nhà sưu tầm đồ cổ Việt Nam khá nổi tiếng,
bát nầy có màu men, hình dáng và hoa văn rất giống với mảnh sành ở
Topkapi, lại thêm chú thích đáng lưu ý: "Celadon An Nam - rất khác với men
ngọc của Long Tuyền (Trung Quốc), Sukhothai, Sawalakok (Thái Lan) - có chân
bát rất cao; thường thoa thêm một lớp oxyt sắt mà giới chuyên môn gọi là đáy
Chocolat, một đặc trưng của đồ sứ gốm Việt Nam ngày trước". Hơn 10 năm sau,
vào những ngày cuối năm 1990, ở khu phố bán bàn ghế, tủ, chén giả cổ ở lăng
Cha Cả ngày trước (quận Tân Bình) tôi tìm thấy 2 cái bát men ngọc hoàn
chỉnh, trong đó một bát có men tuy không dầy như bát ngọc Bắc Tống thường
rất nặng tay, nhưng hoàn toàn giống hệt mảnh sành và bát men ngọc ở Osaka
nêu trên. Lẽ nào ngày nay còn sót lại những cổ vật quí hiếm như thế ?
Trước khi nhắc lại lịch sử di dời của nghề đồ sứ men ngọc từ đời Tống sang
nước ta, xin nói phương pháp xác định 2 bát men ngọc liệu là đồ thật hay đồ
giả. Theo cách thẩm định của cụ Vương Hồng Sển để biết đồ cổ loại này thật
hay giả là phải xem độ dày bóng của men ngọc, những điểm lấm chấm đen hay
nâu của oxyd sắt tiết ra từ bên trong qua thời gian, thêm nữa là mô típ về
hoa văn bằng bút sắt (hay tre) ẩn chìm trong men. Với mấy yếu tố này thì 2
cái bát mua được tuy không hoàn toàn giống nhau về nước men nhưng cho phép
người khảo chứng có thể tạm xác định là "đồ thật" khoảng thế kỷ thứ 10 - 13, còn
được sản xuất ở đâu thì chưa rõ, là "Long Tuyền Diêu" ở Chiết Giang (Trung
Quốc) hay Thanh Hóa nước ta, mà cũng có thể là men ngọc kiểu "Tống Hồ Lục"
của Xiêm La hoặc một nơi nào khác ? Về điểm này, có thể tóm tắt như sau:
1- Nhiều tư liệu lịch sử và khảo cổ cho biết trong những tù binh người Tống
bị bắt đưa về khai hoang ở Thanh Hóa vào năm Ất Mão (1075) khi Lý Thường
Kiệt đem quân sang đánh Châu Khâm, Châu Liêm (Trung Quốc) và sau đó là đợt
di dân chạy loạn giặc Nguyên Mông, đã có một số danh nhân nghề gốm sứ Bắc
Tống sang miền Bắc, mang kỹ thuật Céladon về định cư định canh ở Thanh Hóa
và sản xuất đồ gốm sứ ở đây trong suốt gần 2 thế kỷ với mô típ phù hợp với
văn hóa Việt Nam, chịu ảnh hưởng của đạo Phật thịnh hành vào thế kỷ 11 - 13.
Không những thế, trong cuộc sơ tán này, họ còn mang theo nhiều sản phẩm sành
sứ sang Việt Nam và đó cũng là lý do tại sao chúng ta tìm thấy nhiều đồ cổ
quí giá của Trung Quốc có mặt ở nước ta.
2- Mặt khác, từ thế kỷ thứ 9 kéo dài đến thế kỷ 17, và nhất là sau khi nhà
Nguyên thống trị Trung Quốc thay nhà Tống, người Hồi giáo ở vịnh Ba Tư,
thương nhân từ vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đã tấp nập qua lại
bến Vân Đồn, phố Hiến... mua bán hương liệu, đồ gốm sứ. Phẩm vật Trung Quốc
cũng được chuyển sang nước ta để trao đổi hàng hóa tại đây hay xuất đi nơi
khác. Vì thế, các bến cảng miền Bắc vào thời kỳ này là "kho hàng" (Entrepôt)
hay trung tâm giao dịch bao gồm cả phía Nam Trung Hoa (Quảng Đông, Phúc
Kiến...) lúc bấy giờ. Không chỉ ở Topkapi (Thổ Nhĩ Kỳ) mà cả ở đảo Okinawa
(Nhật Bản), Sumatra (Indonesia), quần đảo Philippines... người ta tìm thấy
nhiều mảnh sành thời Lý, Trần rất đẹp, chen lẫn trong đồ "thật" và đồ "nhại"
của Trung Quốc.
3- Trong đợt người Hoa đời Tống di dân, lánh nạn, nhiều họ tộc đã sang Việt
Nam và sau đó, từ đầu đời Nguyên, vua Thái Lan cũng đã mời công nhân sứ gốm
đến Xiêm La xây dựng các lò nung tương tự. Mặt khác, theo Roxanna M.Brown,
một chuyên gia về đồ gốm sứ Đông Nam Á, cho biết, sau khi nhà Nguyên suy
tàn, các họ tộc đời Tống ở Thanh Hóa đã trở về Trung Quốc, và cũng đã có
những nhóm người chuyển sang Xiêm La để tiếp tục sản xuất, giải thích tại
sao đồ sành của Thanh Hóa không mấy phát triển khi bước vào thế kỷ thứ 16 -
17. Trong những cuộc chuyển di của người Hoa khắp lục địa Châu Á ấy, có lẽ
cũng đã có số người dừng chân ở Bình Định (Gò Sành), Đồng Nai... xây dựng lò
sản xuất hàng sứ gốm có mô típ rất gần gủi với các nơi khác trong khu vực.

Thố men ngọc Việt Nam
Nhiều nhà khảo cổ học Nhật Bản cho rằng đồ sành sứ Thanh Hóa đã chịu ảnh
hưởng của Việt châu diêu từ đời nhà Đường, khi tìm thấy nhiều cổ vật (bình,
vại...) có hình dạng giống như hàng sành sứ của các lò nung vùng này và mang
dáng dấp của men ngọc đời Tống, đậm nét nhất vào thế kỷ 10 - 13, khi phát
hiện nhiều bát, chén céladon có mô típ rất gần gũi với Long Tuyền Diêu. Như
vậy, mảnh sành ở Topkapi rất có thể là sản vật của Thanh Hóa đã theo các
thương thuyền của con đường lụa trên biển từ thế kỷ thứ 10 - 12. Chi tiết
giúp tôi khẳng định thêm được điều đó khi tìm thấy ở Viện bảo tàng Istanbul
ngày nay một lọ hoa men lam tuyệt vời còn nguyên vẹn, ghi rõ "Đại Hòa năm
thứ 8" tức vào đời vua Lê Nhân Tôn (nhà Hậu Lê, năm 1450), của một nghệ nhân
họ Bùi ở Nam Sách (Hải Dương), chứng tỏ sứ gốm ở Việt Nam là hàng hóa được
xuất khẩu ra nước ngoài một cách qui mô.
Theo kết quả nghiên cứu gần đây của Giáo sư Misugi Takatoshi (Nhật Bản), con
đường tơ lụa trên biển hình thành rất sớm, từ khi kỹ thuật đóng thuyền buồm
bọc gió vượt biển được xác lập từ đầu công nguyên và ngày càng phát triển
khi kỹ thuật la bàn đi biển được phát minh tạo điều kiện cho những thương
thuyền cỡ lớn chuyên chở hàng lụa, hồ tiêu, hương liệu và các loại gỗ quí
(trầm hương), sản phẩm sành sứ thay thế dần các đoàn lữ hành bằng lạc đà
trên lục địa đầy trắc trở. Song song với sự hưng thịnh rực rỡ của nền văn
minh lưỡng hà vào thế kỷ 9 - 11, hàng hóa từ Trung Quốc, Việt Nam,
Indonesia... đã được đưa đến các xứ Ai Cập cổ đại để mua bán, trong đó có
hàng "sành sứ An Nam", đặc biệt loại bát chén men ngọc được người Vịnh Ba Tư
rất ưa chuộng, xem là một dụng cụ để đo thuốc độc trong thức ăn (poisoning
test) trong thời kỳ các nước và bộ tộc tranh chấp ác liệt và truyền thuyết
đó vẫn được lưu lại cho đến ngày nay.
1/1998
Hồng Lê Thọ
( Tokyo )
đã đăng trên báo Sài gòn giải phóng(1998)
2
2/ Người Nhật Bản với phố cổ Hội An và văn hoá Chăm Việt Nam
Nếu có dịp đến thăm Viện Bảo tàng NEZU (quận Bunkyo, Tokyo), bạn sẽ vô cùng
ngạc nhiên khi phát hiện ở đây có một chiếc lu đựng nước bằng gốm pha men
nâu sậm của dân tộc Chăm, được các nhà khảo cổ gọi là gốm "Gò Sành" của xứ
Bình Định ngày xưa. Khảo sát đồ gốm Seto và Bizen ở miền Nam Nhật Bản vào
thế kỷ thứ 15 - 16 và so với những sản phẩm cùng chủng loại của người Chăm,
lạ thay tại sao chúng lại rất gần gũi, từ hình dạng, hoa văn đến nước men
đen bóng (có khi là nâu đậm). Câu hỏi ấy đã được đặt ra trong giới khảo cổ
Nhật Bản đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.
Một nhà nghiên cứu về Chăm học ở TP Hồ chí Minh đã ngạc nhiên đến tột bực
khi xem tập catalogue của Viện Bảo tàng Machida (tỉnh Kanagawa), nơi thu
thập được khá phong phú sản phẩm sứ gốm của nước ta, rằng "ở Ninh Thuận có
rất nhiều, hiện nay vẫn còn tìm thấy". Dựa vào nguồn tư liệu viết về mối
giao lưu giữa hai nước Việt - Nhật qua "Chu ấn thuyền" (Shuinbune) (*) của
Mạc Phủ vào hậu bán thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 17 thì các tàu buôn này tập
trung mua bán khá lớn ở các bến cảng của người chăm vùng biển Trung Bộ, sau
đó mới đến Hội An, Thanh Hà, Phố Hiến và Hà Nội (Đông Kinh) với các mặt hàng
chủ yếu là sành sứ, trầm hương, kén tơ tằm, yến sào, gỗ quí... trong đó sứ
gốm chiếm tỷ lệ cao nhất. Những sản phẩm sứ gốm này thường được người Nhật
Bản gọi chung là sứ gốm "An Nam", "Giao Chỉ" đối với các loại có men lam hồi
hay men ngọc, và các loại men nâu hoặc đen thì họ gọi gộp là gốm Khmer hay
gốm Chăm (đã có từ thế kỷ thứ 2 - 3).
  |
gốm Gò Sành
gốm Bizen(NB) |
Nghề sứ gốm của Nhật Bản phát triển rực rỡ vào thế kỷ 17 - 18, khi tướng
quân Toyotomi của Mạc Phủ ra lệnh "dẫn độ" nghệ nhân người Triều Tiên mang
theo kỹ thuật lò nung ở nhiệt độ cao (trên 1.300 độ C) của nhà Minh, còn sản
phẩm sứ gốm Seto hay Bizen nói trên đã tồn tại từ trước cho thấy có khả năng
kỹ thuật sản xuất sứ gốm của người Chăm đã được truyền sang Nhật Bản trước
cả thời kỳ hai nước giao lưu bằng "Chu ấn thuyền". Cũng có người giải thích
rằng hàng hoá sứ gốm men đen, nâu, nhất là các loại lu, vại để đựng nước
uống trên thuyền đã được trao đổi giữa các tàu buôn qua lại trên biển Đông
của người Nhật hay Trung Quốc trong đó có cả bọn cướp biển. Mặt khác người
Chăm cũng đến tận quần đảo Đài Loan để mua bán và định cư từ những thế kỷ
đầu Công nguyên và họ đã mang theo để sử dụng chăng ? Giả thuyết này khá thú
vị khi các nhà dân tộc học tìm thấy ở Đài Loan những bộ tộc thuộc nhân chủng
Malaysia - Polynesien có đặc trưng sinh hoạt văn hoá rất gần gũi với người
Indonesia (đảo Java) và người Chăm ở Việt Nam. Tuy vậy, những phát hiện đó
cũng chưa giải thích được sự tương hợp giữa hàng sứ gốm người Chăm và sản
phẩm của Seto hay Bizen ở Nhật Bản.

Con đường tơ lụa trên
biển
Một giai thoại trong lịch sử thường được nhắc lại trong những khảo cứu về
con đường tơ lụa trên biển vào thời kỳ "Chu ấn thuyền" là Tướng quân
Tokugawa - người thống nhất sơn hà vào quyền lực Mạc Phủ trong 300 năm (từ
thế kỷ 14 - 17) - rất say mê bát uống trà "An Nam" làm bằng gốm nung màu
vàng nhạt có hoa văn cánh sen trang nhã màu hồng tía hay màu xanh cobalt đời
Trần. Từ đó, các lãnh chúa phiên bang đều ưa chuộng, trở thành một phong
cách trong nghệ thuật uống trà của người Nhật Bản ở Kinh Đô (Kyoto). Ngoài
mục đích bảo vệ quyền lợi kinh tế của Mạc Phủ, những thương thuyền Nhật Bản
sang nước ta đã thu mua hàng vạn ấm chén uống trà bằng sứ gốm được gọi là
"An Nam Yaki" hay "An Nam Somesuke", thậm chí đã có một số lò sứ gốm ở gần
Kyoto đã "nhái" lại theo kiểu "An Nam" để tung ra thị trường, một loại hàng
giả nổi tiếng thời ấy. Điều đó cho thấy nghề sứ gốm của nước ta thời bấy giờ
đã phát triển vài thế kỷ trước Nhật Bản. Mặt khác, nhiều tư liệu mới phát
hiện đã chứng minh trước khi thế lực của các công ty tàu biển Đông Ấn - Hoà
Lan khuynh loát vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương vào thế kỷ 16 bằng
phương tiện chuyên chở cỡ lớn (và súng đạn) xuất hiện các bến cảng dọc theo
bờ biển của nước Việt Nam thời trung đại (khoảng thế kỷ thứ 11 đến 17),
trong suốt 500-600 năm... đã có mối quan hệ trao đổi và trung chuyển hàng
hoá giữa các thương thuyền khắp nơi kéo đến vì thế nghề sứ gốm ở Bát Tràng,
Thanh Hoá với màu men lam hồi hay men ngọc, Bình Định với men nâu đậm hay
men xanh bóng đã có điều kiện phát triển khá rực rỡ, cao nhất là thế kỷ 13 -
15, trở thành một trong những mặt hàng chủ lực lan rộng đến cả Nhật Bản,
Indonesia, Malaysia và nhiều nước trong vùng vịnh Ba Tư, trong đó có những
sản phẩm sứ gốm của dân tộc Chăm.

Thương thuyền Shuinsen của
Nhật bản

Tàu buôn hàng của Trung quốc trên con đường tơ lụa
Song song với sự phát triển đó, nền văn hoá người Chăm nở rộ với nhiều sắc
thái khá độc đáo, là một tụ điểm giao thoa nhiều nền văn minh, tôn giáo và
nhân chủng khác nhau theo luồng người di trú hay luồng tàu thương nhân mang
đến. Người ta còn lấy làm lạ rằng tại sao dân tộc Chăm lại có thể hội tụ
nhiều tôn giáo có khi rất tương khắc vào thời kỳ mà việc giao dịch, đi lại
rất hạn chế, chỉ có đường bộ và đường biển bằng tàu buồm chạy theo gió mùa ?
Ở đấy đã có đạo Bà La Môn, Hồi giáo, Ấn giáo, đạo Phật (tiểu thừa và đại
thừa) cùng tồn tại, không kể đến các loại tôn giáo địa phương khác của người
Trung Quốc hay người Việt. Liệu những điều đó có gắn liền với quá trình hình
thành và tan rã của nước Lâm Ấp thuở xa xưa hay Chiêm thành sau này? Giáo sư
Ogura Sadao, một chuyên gia về sử học nổi tiếng ở Nhật Bản, cho biết: "Người
Nhật Bản quan tâm đến Hội An không phải chỉ vỉ ở đấy có khu phố cổ, nơi ghi
lại những dấu ấn về mối giao thương chính thức giữa Việt Nam và Nhật Bản từ
thế kỷ 16, vấn đề chúng tôi muốn biết thêm là nền văn hoá của dân tộc Chăm
đã hình thành và tồn tại như thế nào trong suốt 10 thế kỷ hoặc có thể lâu
hơn nữa, từ thời cổ đại". Tại khu di tích vừa mới khai quật tại thành phố
Kagawa ở miền Nam nước Nhật vào tháng 8 - 1998, các nhà khảo cổ Nhật Bản tìm
thấy một vòng bằng đá ngọc xanh thuộc thế kỷ thứ 3 tại khu vực ăn ở của một
lãnh chúa (hay phú hào ?) có hình dạng hoàn toàn giống những vòng trang sức
của người Chăm ở Óc Eo mà chúng tôi đã thấy ở Bảo tàng Thành phố Hồ Chí
Minh. Có phải đây là một bằng chứng mới xác minh mối quan hệ giao lưu giữa
người Nhật Bản và người Chăm ngày trước, phù hợp với nhận định ban đầu của
Giáo sư Misugi Takayoshi, rằng có những dấu hiệu cho thấy "người Chiêm Thành
đi bằng Giao chỉ thuyền" đã vượt biển đến các vùng đảo của Nhật Bản từ thế
kỷ thứ hai vì người dân tộc Chăm sống ở ven biển vốn có nghề đi biển theo
hướng gió mùa rất thông thạo. Cho nên cũng không lạ gì khi các nhà khảo cổ
trẻ tuổi Nhật Bản thường xuyên đi tìm những mảnh vụn sứ gốm, hàng trang sức
đang nằm dưới lòng đất ở Mỹ Sơn, Trà Kiệu... để tìm một lời giải đáp bằng
học thuật; điều vẫn được xem là khá "bí ẩn" trong quan hệ Nhật - Việt vào
thời kỳ mà con đường tơ lụa trên biển bắt đầu hình thành.
Tokyo, 9-2000
HỒNG LÊ THỌ
-------------------------
(*) thương thuyền mang ấn thư triện đỏ do Mạc Phủ cấp gọi là "Chu ấn thuyền"
(Shuinbune) hay Goshuinsen (Ngự chu ấn thuyền) - ám chỉ thuyền của Mạc Phủ
cử đi để phân biệt với tàu buôn của bọn "hải tặc".
đã đăng trên báo SGGP (9/2000)
(bổ sung ngày 28/2/2009))
đọc thêm ”Vài nét về đồ Gốm Việt Nam trên thị trường Gốm quốc tế vào thế kỷ
14 đến thế kỷ 17”
http://www.gosanh.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=237
và “Japan early trade coin and the commercial trade between Vietnam
and Japan in the 17th century” http://tripatlas.com/Nanban

Du thuyền trên vịnh Hạ Long ngày nay

Thuyền buồm ngày xưa

đào cổ vật dưới đáy biển trên con đường tơ
lụa

Cổ vật dưới đáy biển

3
3/ Tách trà sứ gốm Việt Nam trong Trà đạo của người Nhật Bản
Người Việt chúng ta thường nghe nói đến Trà đạo, thú uống trà tao nhã của
người Nhật Bản với những lễ nghi cầu kỳ kéo dài gần 4 giờ đồng hồ cho một
cuộc gọi là Chaji. Trà đạo hình thành từ thế kỷ thứ IX mà mục đích của nó là
tạo ra sự thanh thản, tịnh tâm để thả hồn hòa với thiên nhiên, cảnh vật như
quan niệm của Thiền đạo trong Phật giáo.
Tách trà An-Nam phổ biến ở Kyoto
Vào những ngày đầu xuân đúng lúc hoa anh đào nở rộ từ thượng tuần đến hạ
tuần tháng 3 hằng năm, khắp nước Nhật, người ta thường thấy trên đường ngắm
hoa bên sườn đồi thoai thoải theo dốc núi là một quán trà với sạp gỗ phủ một
miếng vải màu đỏ, bên trên che một chiếc dù rực rỡ dành cho người thưởng
ngoạn ghé ngồi dừng chân uống trà trông thật nhàn nhã và phong lưu. Những
buổi uống trà này không lệ thuộc vào lễ nghi cho nên "dễ chịu" hơn so với
thủ tục của Chaji ... Nhìn những cô gái mỹ miều trong bộ kimono sặc sỡ, vén
tóc búi cao để lộ chiếc gáy trắng muốt đi lại dịu dàng mời khách uống trà
càng làm cho nét xuân thêm rạng rỡ, trở thành điểm nhấn của buổi du ngoạn
độc đáo này. Nếu bước chân vào bên trong quán, người ta phát hiện được những
bộ sưu tập về dụng cụ pha chế trà, tủ đựng các ấm chén, tách, đĩa quý hàng
trăm năm trước được trưng bày, sắp xếp một cách cẩn trọng theo lịch sử phát
triển của ngành gốm sứ ở Nhật Bản. Một nét văn hóa vô cùng đặc sắc của dân
tộc Nhật rất đáng ngưỡng mộ.

Thương thuyền Nhật Bản lui tới Hội An
Trước thế kỷ XIV, nghề gốm Nhật Bản chưa mấy phát triển, chủ yếu
vẫn là dựa vào Trung Quốc và Trà đạo cũng còn nằm trong khuôn viên của nhà
chùa và các gia đình phú hào, lãnh chúa nhưng đến thế kỷ XV, khi tập quán
uống trà ngày càng phổ biến, lan rộng trong đời sống nhân dân thì nhu cầu
phát triển về gốm sứ đi kèm cũng trở nên rầm rộ và ngày càng tinh xảo, điệu
nghệ hơn. Đó cũng chính là cơ duyên hội ngộ của Trà đạo Nhật Bản và gốm sứ
Việt vào cuối thế kỷ thứ XVI đầu thế kỷ XVII khi các đoàn thương thuyền của
Nhật Bản theo gió xuôi về nam cập bến Hội An, Phố Hiến ... Trong hơn 35 năm,
một số lượng hàng gốm sứ Việt đã ra đi từ đây để phục vụ cho nghệ thuật uống
trà với tên gọi Beni-anam, một loại chén uống trà hoa xanh lam có điểm màu
đỏ và xanh lục lộng lẫy hay hình hoa sen thể hiện bằng màu xanh lá cây và
màu đỏ rất đẹp mà gia đình tướng quân Tokugawa rất đỗi ưa chuộng. Môn phái
Trà đạo nổi tiếng ở thế kỷ thứ XVII là Kanamori showa còn giữ được một bình
đựng nước men trắng hoa sen của Việt Nam ( thế kỷ XII - XIII ) và nhiều gia
đình phú hào ở Osaka vẫn còn lưu giữ các loại chén, bình nước để dùng trong
trà đạo. Đã có lúc hàng Việt Nam khan hiếm, các lò gốm ở Kyoto đã phải làm
hàng nhái mang tên Kyoyaki thay cho Annam-yaki.

Dụng cụ dùng trong Trà Đạo(tách trà An-nam)
Theo giáo sư Hasebe Gakuji ( viện Bảo tàng Tokyo ) thì kỹ thuật đồ sứ Việt
Nam đã có ảnh hưởng rất lớn đến những người thợ nghề này ở Seto ( thuộc tỉnh
Aichi ngày nay ), một nơi được tướng quân Tokugawa đặt hàng với số lượng lớn
gốm sứ hoa xanh như của Việt Nam khi phát hiện được những hoạt động của gia
đình Owari Chaya ( Nagasaki ) được mô tả trong bức tranh "Chaya Shiroku vượt
biển thông thương với nước Giao Chỉ" ở Hội An nổi tiếng. Hiện nay Viện Bảo
tàng Tokyo còn giữ được một chiếc đĩa hoa xanh có chân rất đặc biệt do thợ
gốm Seto làm vào nửa đầu thế kỷ 19 có ghi chữ "Đại Việt quốc" kèm theo mấy
câu thơ chung quanh, mô phỏng theo đồ sứ Việt Nam, cho thấy "đồ sứ Việt Nam
được đưa vào Nhật Bản liên tục có tác dụng kích thích những người thợ gốm
Nhật Bản" ( GS. Hasebe Gakuji trong Tìm hiểu quan hệ Nhật - Việt qua đồ gốm
sứ). Vì vậy những chiếc đĩa xanh lam với mô típ cảnh vật thiên nhiên của đồ
sứ Imari ( tỉnh Kyushu - Nhật Bản ) sau này vẫn mang dáng dấp của gốm Chu
Đậu, nhẹ nhàng và thanh thoát phù hợp với ý thích trong nghệ thuật của người
Nhật hơn là tính kỹ xảo, chi tiết rườm rà trong hàng gốm sứ Cảnh Đức Trấn (
Trung Quốc ).

Người viết đã được dịp trông thấy những chiếc chén trà hoa xanh có hình con
chuồn chuồn rất trang nhã ở Viện Bảo tàng Nezu ( Tokyo ) và được biết nhiều
gia đình Nhật Bản hiện nay vẫn còn cất giữ những chén trà tương tự như một
bảo vật của tổ tiên. Đây là loại chén chuyên dụng trong Trà đạo, vì vậy có
thể thương lái người Nhật đã đặt hàng sản xuất riêng trong những chuyến đi
buôn ở Việt Nam vào thời ấy(*).
Còn gì thú bằng khi tham dự một buổi "tiệc" trà mà trên tay cầm
một chiếc chén là hàng gốm sứ nước Việt đã có từ hàng trăm năm về trước với
độ dày khả dĩ giữ được hơi ấm rất lâu trong gió thoảng lành lạnh còn sót lại
của buổi đầu xuân. Điều đó hoàn toàn có thể thưởng thức vào mùa hoa anh đào
nở mỗi năm trong công viên ở thành phố Kyoto cổ kính.
Hồng Lê Thọ
1/2006
---------------
(*) Nghệ thuật uống trà của Việt Nam (điển hình là trà xanh) và trà cụ đã
được tiền nhân chúng ta cho xuất cảng sang Nhật trong giai đoạn nầy (từ
triều nhà Lý sang đến nhà Trần). Hiện nay tại một bảo tàng viện của người
Nhật ở Kyoto (cựu thủ đô của Nhật) vẫn còn lưu giữ và chưng bày một số trà
cụ từ Việt Nam mà họ đã nhập vào nước Nhật trong triều đại nhà Lý mà người
Nhật vẫn xem là những món đồ "quốc bảo". Tản Mạn Chuyện Trà
http://www.vietnamreview.com/modules.php?name=News&file=print&sid=4792
12/09/2006(bổ sung chú thích nầy ngày 28/2/2009)
đã đăng trên Sức khỏe và đời sống số ra ngày
Thứ 7, 28/01/2006.(Báo Xuân )
©
http://vietsciences.free.frr
và http://vietsciences.org
Hồng Lê Thọ
|