Tham vọng của Hoàng đế Suryavarman II

Vietsciences- Trần Viết Điền             09/10/2010

 

Những bài cùng tác giả

                    Tham vọng của Hoàng đế Suryavarman II hoàn toàn bị chôn vùi tại Đại Việt năm 1150

                Sau 65 năm dời đô về Thăng Long, tính từ mốc lịch sử 1010,  các triều vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông đã củng cố và phát triển Đại Việt một cách bền vững. Nhân tài vật lực tụ hội, triều đình với quan văn quan võ kiệt xuất đã làm bừng sáng Thăng Long. Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, lấy lại những phần đất của tổ tiên ở phương nam đã bị nước Chiêm lấn chiếm, triều Lý đã  cắm  một mốc son chói lọi vào năm 1076. Thật vậy, cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt  của liên minh Tống-Chiêm-Chân Lạp năm 1076 là một thử thách lớn lao đối với Đại Việt.  Triều Lý ở Thăng Long, đứng đầu là Lý Nhân Tông, đã chèo lái con thuyền Đại Việt  vượt qua bão táp phong ba 1076 rất oanh liệt, đầy trí dũng, minh chứng sự sáng suốt của Lý Thái Tổ khi quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Các nhà sử học đã nghiên cứu sự kiện lịch sử 1076 khá sâu và đã từng công bố, thu hút sự chú ý của độc giả, khán thính giả của các phương tiện truyền thông đại chúng. Cũng vì lẽ đó, một số sự kiện lịch sử quan trọng khác đôi khi chưa được quan tâm đúng mức, chưa được đánh giá đúng tầm, thậm chí có thể bị đại chúng quên lãng.                                           

Tượng Lý Thái Tổ (G.W)         Tượng Lý Thái Tôn (G.W)

Tượng Lý Thánh Tông (G.W)    Tượng Lý Nhân Tông (G.W)

                                                        

                   Trong tâm cảm “Từ thuở mang gươm đi mở nước, ngàn năm nhớ mãi đấtThăng Long”, chúng tôi  mạo muội  đặt vấn đề: Các nhà sử học thường nêu bật công lớn của bốn vua triều Lý với cụm từ “phá Tống bình Chiêm”,  và các nhà nghiên cứu lại tập trung vào những sự kiện liên quan Tống, Chiêm. Trong khi đó, vào thời Lý Thần Tông, Lý Anh Tông trị vì,  Đại Việt  đã nhiều lần bẻ gãy ý đồ xâm lược Đại Việt của vua Suryavarman II, vị vua kiệt hiệt của đế quốc Chân Lạp, thì ít nhắc đến. Đến thế kỷ 12,  Suryavarman II từng tiêu diệt nhiều vương quốc ở Đông Nam Á để bành trướng lãnh thổ, nhiều lần xâm lược Đại Việt nhằm thôn tính nhưng không thành công,  để rồi  hoàn toàn thất bại đầy tủi hận khi phải mất mạng trong lần thân chinh đánh phá Đại Việt năm 1150.

                  Trước khi đi vào giai đoạn lịch sử bi tráng của Đại Việt và đế quốc Chân Lạp thời Lý Thần Tông, Lý Anh Tông và Suryavarman II trị vì, thiết tưởng điểm qua bối cảnh lịch sử chính trị, ngoại giao, quân sự của vài đời vua Lý, vua Chiêm và vua Chân Lạp trước Lý Thần Tông, Suryavarman II, Jaya Harivarman VI:

                   Trước hết điểm qua thực lực của các nước Tống, Chiêm, Chân Lạp thuộc liên minh chống Đại Việt để thấy tư thế  vững mạnh của Đại Việt lúc ấy :

Bản đồ thế giới vào thế kỷ 12 (G.W)

                    Đến năm Bính Thìn [1076], Thái Ninh năm thứ 5,  triều đình Tống Thần Tông, kinh đô Khai Phong, đang phải đối phó với nước Kim, nước Liêu ở phía Bắc và nội bộ đang chia rẽ trầm trọng,   nhưng vì nước Tống là một đại quốc, đang hận chưa lấy được Đại Việt mà còn bị Đại Việt đánh  vào châu Ung, châu Khâm trước đó nên họ vẫn quyết tâm đánh chiếm Đại Việt. Triều đình Tống Thần Tông từ kinh đô Khai Phong rất  thâm độc khi liên minh với Chiêm và Chân Lạp ở phía tây nam Đại Việt, nhằm tiêu diệt Đại Việt đang tự cường và tự chủ.

Tống Thần Tông (G.W) (vua nhà Tống, rất thâm độc khi liên minh với Chiêm và Chân Lạp, năm 1076, nhằm xâm chiếm và sát nhập Đại Việt vào đồ bản Trung Hoa)

 

                 Còn nước Chiêm Thành mặc dầu đã bị Đại Việt đánh bại nhiều lần trước đó, thậm chí bị đế quốc Chân Lạp cướp phá, nhưng  đến năm 1074, hoàng thân Than lên ngôi xưng là Harivarman IV (1074- 1080), nước Chiêm Thành phục  hưng và vua Harivarman IV cho dựng lại kinh đô Indrapura (Quảng Nam) đã bị bỏ từ lâu, cho trùng tu khu thánh địa Mỹ sơn và xây mới nhiều đền đài tráng lệ. Ông vua Chiêm Thành này có thực tài nên vô hiệu hóa  một chiến dịch quân sự của Đại Việt, do Lý Thường Kiệt trực tiếp chỉ huy, đánh vào Chiêm Thành năm 1075.

Thánh địa Mỹ Sơn

                   Lúc bấy giờ Chân Lạp với kinh đô Angkor đã trở thành đế quốc, nhiều lần định thôn tính Chiêm Thành nhưng Harivarman IV của Chiêm Thành cũng chống trả sự xâm lược của đế quốc Chân Lạp. Thật vậy, sau khi vua Suryavarman I tài ba của đế quốc Chân Lạp,  ngự trị ở Angkor,  mất vào năm 1050, thì 2 người con là Udayadityavarman II Harshavarman III thừa kế sự nghiệp. Thời kỳ từ 1050 đến 1066 này ở Chân lạp lại loạn lạc cho đến tận năm 1066. Sau năm 1066  Harshavarman III có thực quyền, thống nhất được đất nước,  liền nhiều lần thân chinh đi đánh Chiêm Thành  nhưng không thành công trọn vẹn.

Một ngôi đền ở Angkor do Harshavarman III xây dựng(G.W)

                 Tuy Tống- Chiêm- Chân Lạp liên minh đánh Đại Việt nhưng không chặt chẽ, chủ yếu vẫn là quân Tống tham chiến dưới sự chỉ huy của Chiêu thảo sứ Quách Quỳ. Khi liên minh này xâm lược Đại Việt vào tháng 3, mùa xuân năm Bính Thìn [1076] đã bị Đại Việt  đánh bại, quân xâm lược Tống phải đền tội hơn 1000 binh. Vua Lý Nhân Tông anh minh đã sai Lý Thường Kiệt thống lĩnh đại quân để chống quân Tống.  Với tổng chỉ huy tài ba Lý Thường Kiệt, quân Đại Việt đã làm nên đại thắng ở đại phòng tuyến Như Nguyệt lẫy lừng trong lịch sử. Vua Lý Nhân Tông vẫn ngự ở kinh đô Thăng Long để đọc thư báo tiệp mỗi ngày.

Tượng đài Lý Thường Kiệt (G.W)

                   Trên đây, chỉ điểm lại vài nét của mốc son 1076, ghi dấu Đại Việt chiến thắng oanh liệt trong cuộc xâm lược của liên minh Tống, Chiêm, Chân Lạp,  xin được chuyển qua nội dung chính của bài viết.

                    Thế kỷ 11, 12 Chân Lạp đang trên đà mở mang lãnh thổ, chiếm nhiều đất đai của Chiêm Thành, Thái, Lào, Miến để phát triển thành đế quốc Chân Lạp. Vì các vua Chân Lạp từ 1000 đến 1128 phải giải quyết những bất ổn về nội trị, phải chống trả những cuộc xâm lược của Champa do Harivarman IV thân chinh. Và do những chiến công “phá Tống bình Chiêm” vang dội của Đại Việt dưới thời Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông nên đế quốc Chân lạp luôn giữ mối bang giao hòa hiếu với Đại Việt. Đại Việt sử ký toàn thư chép những năm Chân Lạp có cử sứ giả sang Đại Việt để bang giao: 1012, 1014, 1020, 1025, 1026, 1039, 1056, 1077, 1089, 1120, 1123. Thời kỳ này, chỉ một lần ngoại giao giữa Đại Việt và đế quốc Chân Lạp có xấu đi khi đế quốc Chân Lạp liên minh với Tống trong cuộc xâm lược năm 1076, trên danh nghĩa chứ không thực sự tham chiến.  Sau khi Harshavarman III tử nạn, do Harivarman IV của Champa gây ra, khi vua này  thân chinh đánh phá Angkor vào 1080. Sau cái chết của Harshavarman III là thời kỳ trị vì của Jayavarman VI (1080 - 1107 ) và Dharanindravarman I (1107 – 1113), nói chung hai ông vua này không có gì nổi bật. Năm 113, người cháu trai của Dharanindravarman I làm cuộc đảo chánh dân sự, giết vua Dharanindravarman I để cướp ngôi và trở thành vị vua kiệt xuất Suryavarman II của đế quốc Chân Lạp. Và kể từ khi ông vua đầy tham vọng và hiếu chiến này lên ngôi, tình hình Đông Nam Á đầy bất ổn, luôn xảy ra xây dựng lớn mà tàn phá cũng lớn. Giữa Đại Việt và đế quốc Chân Lạp không còn hòa hiếu như xưa, vì tham vọng quá lớn của Suryavarman II.

Suryavarman II được khắc trên một phù điêu bằng đá ở Angkor Wat(G.W)

                   Dưới triều đại của Suryavarman II, ở kinh đô Angkor,  ngôi đền lớn nhất Angkor Wat được xây dựng trong khoảng thời gian 37 năm. Angkor Wat là nơi thờ thần Vishnu. Vương quốc Haripunjaya của dân tộc Môn (nay là miền Trung Thái Lan) bị Suryavarman II thôn tính. Một khu vực xa hơn về phía tây của vương quốc Pagan (nay là Myanmar )cũng bị Suryavarman II xâm chiếm và nhập vào đồ bản của đế quốc Chân Lạp. Phía nam, Suryavarman II cũng  lấn đến vương quốc Grahi (nay là tỉnh Nakhon Si Tham marat của Thái Lan) thuộc  khu vực bán đảo Malay. Về phía đông, nhiều vùng của Chiêm cũng bị sáp nhập vào đế quốc Chân Lạp. Về phía bắc, các vùng đất song song với Đại Việt,  đến biên giới phía bắc của Lào ngày nay cũng bị Suryavarman II thôn tính. Như thế thời Suryavarman II đế quốc Chân Lạp có lảnh thổ với diện tích gấp 10 diện tích lãnh thổ Đại Việt.

Cảnh Angkor Wat do Suryavarman II xây dựng 37 năm(G.W)

 Bản đồ đế quốc Chân Lạp vào thời Suryavarmann II(G.W)

                    Vào năm 1080, sau khi hòa hoãn với Đại Việt, vua Harivarman IV của Champa đã xua quân đánh đế quốc  Chân Lạp, chiếm Sambor (bắc Phnom Penh và đông hồ Tonle Sap), giết vua Harshavarman III, tàn phá kinh thành Somesvara (Angkor), bắt nhiều người Chân Lạp làm tù binh. Năm 1145, vua Suryavarman II của Chân Lạp phục thù, đánh Champa chiếm Đồ Bàn, tàn phá khu thánh địa Mỹ sơn. Mãi đến năm 1149 vua Chiêm mới đuổi được quân xâm lược.

 

Ảnh chụp vệ tinh bình đồ kinh đô Angkor của đế quốc Chân Lạp(G.E)

 

Phù điêu đá chạm nổi đoàn binh của vua Chân Lạp ra trận ở Angkor(G.W)

                     Năm 1128, Suryavarman II hòa hoãn với Harivarman V của Champa để dồn sức tấn công Đại Việt. Sau khi vua Lý Nhân Tông băng hà ngày 4 tháng chạp năm Đinh Mùi[1127] tại điện Vĩnh Quang, ngày 8 tháng chạp linh cửu quàng ở điện Hồ Thiên, Hoàng thái tử Lý Dương Hoán lên ngôi trước linh cửu, chưa kịp táng tiên đế, chưa đầy hai tháng quốc tang  thì Suryavarman II đã cử quân tướng 2 vạn sang xâm lược Đại Việt từ ngày 29 tháng giêng Mậu Thân [1128]. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mậu Thân, Thiên Thuận năm thứ 1[1128]. Mùa xuân, tháng giêng…Ngày Giáp Dần, hơn hai vạn người Chân Lạp vào cướp bến Ba Đầu ở châu Nghệ An. Xuống chiếu cho Nhập nội thái phó Lý Công Bình đem các quan chức đô cùng người châu Nghệ An đi đánh.”. Quân Chân Lapl  hơn hai vạn, của một đế quốc với lãnh thổ rộng gấp mười Đại Việt, với sự lãnh đạo của một hoàng đế kiệt hiệt như Suryavarman II, đã từng thôn tính nhiều vương quốc,  thì đây là một cuộc xâm lược đích thực, không dừng lại ở mức cướp bóc! Vua Lý Nhân Tông đã tiên liệu khi để lại di chiếu, có đoạn dặn dò : “…Mà thái tử Dương Hoán tuổi đã tròn một kỷ[12 tuổi], có nhiều đại độ, thông minh thành thật, trung nghiêm kính cẩn, có thể theo phép cũ của trẫm mà lên ngôi hoàng đế. Nay kẻ ấu thơ chịu mệnh trời, nối thân ta truyền nghiệp của ta, làm cho rộng lớn thêm công nghiệp đời trước. Nhưng cũng phải nhờ quan dân các ngươi một lòng giúp rập mới được. Này Bá Ngọc, ngươi có khí lượng của người già cả, nên sửa sang giáo mác, để phòng việc không ngờ, chớ làm sai mệnh, trẫm dù nhắm mắt cũng không di hận. Việc tang thì chỉ 3 ngày bỏ áo trở, nên thôi thương khóc; việc chôn thì nên theo Hán Văn Đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh tiên đế…”(sdd, tr 296). “Việc không ngờ” đâu chỉ “biến động giành ngôi của các thân vương” mà còn nạn ngoại xâm của các lân bang nữa. Ngày Quí Hợi tháng hai, tướng Lý Công Bình đã đánh bại quân xâm lược Chân Lạp ở bến Ba Đầu, bắt được chủ tướng và quân lính. Ngày Đinh Mão, tháng 2, khi các quan dâng biểu mừng vua lên ngôi thì cũng là ngày nhận thư báo thắng trận của Lý Công Bình gửi về kinh sư. Tháng 3, Lý Công Bình đem binh về kinh sư, dâng tù 169 người.

Tượng Lý Thần Tông(G.W)

                  Bị thua đau vào cuối tháng giêng, chỉ hơn nửa năm, vào tháng 8, hoàng đế Suryavarman II lại lệnh cho một đạo quân lớn gồm 700 thuyền chiến lại đánh phá ở hương Đỗ Gia thuộc châu Nghệ An (nay thuộc Hà Tĩnh). Hoàng đế Lý Thần Tông xuống chiếu sai tướng Nguyễn Hà Viêm ở Thanh Hóa, tướng Dương Ổ ở châu Nghệ An đem quân đánh và phá được giặc. Suryavarman II lại gửi hoàng đế Lý Thần Tông một phong quốc thư, yêu cầu Đại Việt cử sứ giả sang Chân Lạp. Vua Đại Việt không thèm trả lời.

                   Bốn năm sau, Nhâm Tý [1132], Thiên Thuận năm thứ 5, Suryavarman II của Chân lạp cử tướng hội quân cùng với Chiêm Thành lại đánh châu Nghệ An. Hoàng đế Lý Thần Tông xuống chiếu sai Thái úy Dương Anh Nhĩ huy động quân binh ở phủ Thanh Hóa và châu Nghệ An chống trả mạnh mẽ, kết quả phá tan quân xâm lược.

                    Năm Ất Mão [1135], Thiên Chương Bảo Tự năm thứ 3, không xâm lược được Đại Việt, Chân Lạp và Chiêm Thành chuyển qua hòa hoãn đều cử sứ giả sang Đại Việt. Chỉ hai năm sau, vào năm  Đinh Tỵ [1137], Thiên Chương Bảo Tượng năm thứ 5, Suryavarman II, chưa nguôi hận,  lại sai tướng Phá Tô Lăng đưa quân đánh phá châu Nghệ An. Mặc dầu sử Việt  không ghi chép số lượng quân Chân Lạp, nhưng có thể đoán định quân xâm lược phải có số quân lớn đáng kể,  vì hoàng đế Lý Thần Tông phải xuống chiếu sai Thái úy Lý Công Bình đem quân đi đánh. Chỉ một tháng sau, vừa địch họa lại gặp động đất “nước sông đỏ như máu”, nhưng Thái úy Lý Công Bình cũng đánh tan được quân giặc.

                Thế kỷ thứ 12, Champa vào thời vua Jaya Indravarman V [1086-1139]đã liên minh với Chân Lạp  để gây chiến tranh chống lại với Ðại Việt. Sau những lần xâm lược Đại Việt không thành công,  Suryavarman II của đế quốc Chân Lạp quay ra nghi ngờ vương quốc Champa, dưới triều vua  Jaya Indravarman III [1139-1145], đang  liên minh  với Ðại Việt, quyết định tuyên chiến với Chiêm  vào năm 1145. Quân đội viễn chinh của đế quốc Chân Lạp xâm lược Chiêm, chiếm thành Ðồ Bàn, vua Jaya Indravarman III mất tích,  và Suryavarman II đặt quyền cai trị ở lãnh thổ miền bắc Chiêm Thành. Trước tình hình nguy ngập này, vua Jaya Indravarman VI [1139-1147], thủ lĩnh  một tiểu vương quốc Panduranga,  quyết định nổi dậy chống cuộc xâm lăng của đế quốc Chân Lạp. Vua Jaya Harivarman VI [1147-1163] kế tục  nghiệp kháng chiến  và hoàn toàn thắng lợi năm 1149, giải phóng thủ đô Đồ Bàn và đưa Chiêm Thành  thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Chân Lạp.

                            

             Sơ đồ đường rút lui khỏi Chiêm Thành và xâm lấn Đại Việt của đoàn quân do Suryavarman II chỉ huy năm 1150

                 Trong khoảng thời gian từ 1145 đến 1149, đế quốc Chân Lạp đã cai trị miền bắc Chiêm Thành  và như thế đế quốc này tiếp giáp Đại Việt ở phía tây nam. Do Suryavarman II phải đối phó với cuộc kháng chiến mạnh mẽ của hai đời vua ở nam Chiêm Thành  nên tạm hòa hoãn với Đại Việt. Năm 1149 thất bại ở Chiêm, vua Suryavarman II lại thân chinh đánh Đại Việt vào năm 115O.Lúc bấy giờ vua Lý Anh Tông chỉ mới 10 tuổi, nhưng các quan văn võ vẫn có người giỏi phò tá, trong đó có thái phó Tô Hiến Thành là người từng dẹp được giặc Thân Lợi [1141], Thái sư Mậu Du Đô từng được lệnh vua lo tuần phòng biên giới…Nói chung việc canh phòng của Đại Việt rất cẩn mật. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “ Canh Ngọ [1450], Đại Định năm thứ 11…Mùa xuân, tháng 3, hạn. Mùa thu, tháng 7 hạn. Tháng 9, người Chân Lạp cướp châu Nghệ An, đến núi Vụ Thấp gặp nắng nóng ẩm thấp, phần nhiều chết vì lam chướng bèn tự tan vỡ” (sđ d, tr 318).

Vùng núi Vụ Quang, Hương Sơn, Hà Tĩnh là tử địa của tàn binh Chân Lạp do Suryavarman II chỉ huy năm 1150

                   Các nhà sử học khi nghiên cứu văn khắc trên bia đá ở Angkor Wat, thừa nhận Suryavarman II từng xâm lược Chiêm, Đại Việt trong khoảng từ 1145 đến 1150. Năm 1149 bị vua Chiêm anh hùng Jaya Harivarman IV từ phía nam đánh tới, dồn quân Chân Lạp lui dần về phía bắc.   Có khả năng, vào năm 1150, cuộc tháo lui của quân Chân Lạp ở thế thua đối với quân quật khởi Chiêm Thành, lại trở thành chiến dịch xâm lược Đại Việt. Quân Chân Lạp lúc này vẫn còn do Suryavarman II chỉ huy,  không những dùng thủy binh mà còn dùng tượng binh, bộ binh trong trạng huống “thiên không thời” (hạn hán kéo dài từ xuân đến thu), “địa chẳng lợi”(Chiêm Thành  đang hừng hực kháng chiến, Đại Việt lo phòng vệ cẩn mật), “nhân không hòa”(cả người Chiêm và người Đại Việt đều oán hận đế quốc Chân Lạp) cho nên đoàn quân xâm lược của Suryavarman II đã có một kết thúc bi thảm ở núi Vụ Thấp, còn gọi núi Vụ Ôn, tức núi Vụ Quang ở huyện Hương Sơn tĩnh Hà Tĩnh. Có khả năng Suryavarman II và phần nhiều binh lính của ông vua hiếu chiến đã chết thảm vì lam chướng ở tử địa Vụ Quang, quân Chân Lạp còn lại như rắn mất đầu và chỉ còn số ít nên tự tan vỡ. Angkor Wat hoành tráng đầy kiêu hãnh do Suryavarman II khai sinh, nhưng cũng là nổi đau của linh hồn Suryavarman II đang vất vưỡng đâu đó trong mây núi Vụ Quang ; bởi không có một phiến đá nào ở Angkor Wat ghi lại ngày tháng năm tử trận của một hoàng  đế đầy tham vọng. Tự hào thay, con cháu họ Lý của miền Diên Uẩn-Cổ Pháp, những hậu duệ kiệt hiệt của dòng họ Lý Lĩnh Nam, nối tiếp dòng máu bất khuất của người  anh hùng Lý Nam Đế, từng trị vì đất nước Vạn Xuân vang bóng một thời độc lập tự chủ.                                  

Bầu trời đền Lý Bát Đế, trong ngày kỵ vua Lý Anh Tôn, các đám mây như rồng chầu về ngôi đền   (G.W)

29- 9-2010    

                                                                                                                                                      Trần Viết  Điền

 

         ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Trần Viết  Điền