
Quốc đảo nhỏ bé Singapore chỉ có
vẻn vẹn 682,7 km2 và với dân số chỉ có
hơn 4,4 triệu người. Vậy mà năm 2005 vừa qua đã đón
tiếp tới 8,3 triệu du khách. Nhiều người trong số
này đã đến nhiều lần. Khách Việt Nam đi theo tuyến
hàng không giá rẻ (lấy vé sớm chỉ có 99 USD vé khứ
hồi!) hôm nào cũng kín máy bay. Đội quân dịch vụ du
lịch của nước này chỉ có 150 000 người nhưng đã đem
về cho đất nước 9,6 tỷ USD (2005).
Một thiên
nhiên không ưu đãi
Tôi đã đến đây nhiều lần và lúc nào cũng nặng lòng
suy nghĩ thiên nhiên đâu có ban tặng cho Singapore
nhiều ưu đãi như nước ta, nhưng vì sao lại hấp dẫn
được nhiều du khách đến thê? Riêng chuyện không đủ
nước ngọt mà phải mua thường xuyên từ Malaysia đã
thấy khó khăn biết ngần nào. Một đất nước mới giành
được độc lập từ năm 1965 và đâu có một nền văn hóa
gì riêng biệt. Cả nước có 76% là người Hoa, 13,7% là
người Mã Lai , 8,4% là người Ấn Độ, và 1,8% là các
dân tộc khác. Nói với nhau phải bằng...tiếng Anh
(!), học hành từ Tiểu học đến Đại học cũng đều bằng
tiếng Anh. Một bờ biển dài tới 193 km nhưng làm gì
có bãi tắm (trừ một bãi tắm nhân tạo ở đảo du lịch
Sentosa). Cả nước không có một ngọn núi nhỏ nào, nơi
cao nhất (Bukit Timah) chỉ cao hơn mặt biển có 166m
(!). Không có nông nghiệp nên lương thực, thực phẩm
đều phải nhập hết từ nước ngoài. Chi phí nhập khẩu
hàng năm cho lĩnh vực này lên đến trên 5,7 tỷ USD,
cho dầu và mỡ là 529 triệu USD, cho rượu và thuốc lá
là 1,85 tỷ USD (!). Chi phí về nhập khẩu các nguồn
năng lượng năm 2004 lên đến 41,45 tỷ USD ...
Một
xã hội phồn vinh
Bình quân thu nhập đầu người ở Singapore cao tới 29
700 USD, hơn cả Nhật Bản (29 400USD), mặc dầu mật độ
dân số đứng hàng thứ hai trên thế giới ( chỉ sau có
Monaco!). Tuổi thọ của người dân Singapore được coi
là cao thứ nhì thế giới (bình quân 81,6 tuổi), chỉ
sau có Andora (83,5 tuổi) , cao hơn cả Nhật Bản
(81,2 tuổi). Kim ngạch xuất khẩu từ Singapore năm
2005 cao tới 212,4 tỷ USD trong khi kim ngạch nhập
khẩu chỉ là 187,5 USD (!). Tổng thu nhập quốc nội
năm 2005 lên tới 131,3 tỷ USD.
Singapore chỉ là một dấu chấm nhỏ xíu trên bản đồ
thế giới nhưng là một thành phố hiện đại. Nhà cửa
phần lớn được xây dựng theo quy hoạch từ sau ngày
độc lập và gồm nhiều nhà cao tầng rất đẹp. Đường phố
đầy những hàng cây xanh nhập nội với tán lá xòe rộng
như được uốn từ nhỏ. Dòng sông Singapore thơ mộng và
những bờ biển được trang điểm bằng các hàng ăn hải
sản chạy dài. Không thấy ai nghèo khổ. Tất cả các
khuôn mặt đều rạng rỡ và thân thiện. Ai cũng tự giác
chấp hành pháp luật nên không có bất kỳ ai vứt ra
đường dù một chiếc giấy gói kẹo hay một mẩu thuốc
lá.
Một thị trường du
lịch
Du khách cảm thấy ở
Singapore một tuần vẫn không thiếu chỗ tham quan. Đó
là đảo du lịch Sentosa với các khu nghỉ ngơi đẳng
cấp cao (Sijori Resort, The Sentosa Resort & Spa,
Shangri-La’s, Rasa Sentosa Resort...Trên đảo có biết
bao nhiêu chỗ để chơi và để xem. Đó là Thủy cung
(Underwater World), là Tháp Carlsberg (cao 110m), là
Khu âm nhạc nước (Musical Fountain), là Khu trượt xe
cảm giác mạnh (Sentosa Luge), là Sân gôn (Sentosa
Golf Club), là Khu biểu diễn Cá heo (Dolphin
Lagoon), là Vườn Bướm và Côn trùng, là Triển lãm
Hình ảnh Singapore, là Tháp Sư tử biển mà du khách
có thể leo lên bên trong đến tận miệng sư tử...Năm
2004 riêng hòn đảo nhỏ bé này đã đón tiếp tới 5
triệu lượt du khách. Làm gì cũng phải chi tiền: đi
cáp, đi thăm Thủy cung, nghe nhạc nước, trượt xe...
Riêng khách Việt Nam đông nghịt trên đảo và thi nhau
móc túi để mua vé (!). Ngoài hòn đảo Sentosa còn
biết bao chỗ thú vị khác để tham quan: Công viên
chim Jurong ( 20,2 ha với 9000 chim thuộc 600 loài
khác nhau), Vườn Thú (với 300 loài khác nhau, trong
đó có tới 30 loài khỉ -vượn), Bảo tàng Mỹ thuật
Singapore (Hiện đang có cả các phòng bày tranh của
Cao Hành Kiện, tranh của các họa sĩ Việt Nam), Phố
chợ Trung Hoa, Trung tâm Di sản Mã Lai...
Nhìn chung
có thể thấy rõ sự đầu tư hoành tráng nhằm thu hút du
khách trên khắp thế giới. Du lịch đích thực trở
thành một ngành Công nghiệp không khói (!)
Một trung tâm mua sắm quốc
tế
Tại Singapore tất cả
các nhà cao tầng đều có vài tầng dưới là Siêu thị.
Chỗ nào cũng gặp Siêu thị. Các khách sạn cũng có
Siêu thị xen vào. Bên dưới các Khu Hội thảo quốc tế
hết sức khang trang cũng gắn liền với Siêu thị. Có
cả các chợ nhỏ bán hàng giá hạ. Có thể nói không
ngoa là đến Singapore có thể mua hàng hiệu của toàn
thế giới, có thể mua thượng vàng hạ cám, từ hàng rẻ
nhất đến hàng đắt giá nhất. Có cả một Thư thành gồm
vài chục hiệu sách bán phong phú sách và đĩa nhạc,
đĩa hình của rất nhiều nước. Người bán hàng chỗ nào
cũng vồn vã, lịch sự. Khắp nơi có chỗ đổi tiền cho
nên dù không đâu nhận bán bằng ngoại tệ nhưng du
khách không thấy có gì trở ngại. Du khách đi lại
rất thuận tiện nhờ hệ thống tàu điện ngầm hiện đại
và an toàn. Xe buýt, xe con và xe taxi thay thế hoàn
toàn cho các phương tiện cá nhân như xe maý, xe đạp.
Xe đi với tốc độ rất nhanh mà không thấy có tai nạn
giao thông nhờ tính tự giác cao và hệ thống đèn
đường hiện số khắp mọi nơi.
Một trung tâm giáo dục đẳng
cấp cao
Học sinh Singapore học
tiếng Anh từ bậc tiểu học, sách giáo khoa các cấp
đều dựa vào giáo trình của các nước tiên tiến cho
nên có thể nói kiến thức được giảng dậy là khá cập
nhật . Hệ thống giáo dục phổ thông ở Singapore bao
gồm 172 trường Tiểu học, 158 trường Trung học cơ sở,
16 trường Trung học Phổ thông. Vì học toàn bằng
tiếng Anh cho nên nhiều gia đình ngoại quốc gửi con
em đến học ngay từ bậc phổ thông. Đại học Quốc gia
Singapore (NUS) là một Đại học đẳng cấp cao với 13
Khoa khác nhau, hiện đang có mặt 22 000 sinh viên và
tới 8000 nghiên cứu sinh (trong đó có khá nhiều sinh
viên và nghiên cứu sinh Việt Nam. Đại học Bách khoa
Nanyang (NTU) là Đại học danh tiếng nhất trong số 5
Đại học Bách khoa ở Singapore. Hiện có 5 377 sinh
viên và 2 180 nghiên cứu sinh đang theo học ở NTU.
Tổng số sinh viên đang theo học tại các trường Đại
học ở Singapore hiện là 97 676 sinh viên (45 người
dân 1 sinh viên !). Singapore còn tổ chức liên kết
đào tạo với nhiều trường Đại học danh giá ở nước
ngoài (như Đại học Quốc gia Australia, Đại học
Illinois (Hoa Kỳ), Đại học Basel (Thụy Sĩ), Đại học
Phúc Đán (Trung Quốc)... Giáo dục Cao đẳng Kỹ thuật
(ITE) cũng rất phát triển ở Singapore. Hiện có 19
207 sinh viên đang theo học tại 11 trường loại này.
Một trung tâm điều trị y tế
có uy tín
Trong những năm gần
đây Singapore còn nổi lên như một trung tâm khám
chữa bệnh thu hút rất đông người nước ngoài. Nổi bật
lên là việc khám và điều trị ung thư, bệnh thận,
bệnh thần kinh. Mỗi năm trung bình có tới 150 000
bệnh nhân đến từ nước ngoài, mặc dầu chi phí không
phải là thấp. Các bác sĩ Singapore cũng nổi tiếng
về việc ghép nội tạng . Từ năm 1987 đã ra đời Tổ
chức ghép phủ tạng (HOTA- The Human Organ Transplant
Act) và từ đó đến nay hàng năm đã cứu sống được rất
nhiều người nhờ ghép thận, ghép gan, ghép tim và
ghép giác mạc. Luật pháp Singapore cho phép sử dụng
nội tạng của những người đột tử do tai nạn giao
thông để cứu sống người khác.
Từ
hình ảnh Singapore chúng ta cần suy nghĩ về hoạt
động du lịch của mình. Thiên nhiên đã ưu đãi chúng
ta rất nhiều và mặc dầu hoạt động du lịch ngày càng
tiến bộ nhưng chúng ta chưa đầu tư đủ tầm để thu hút
khách du lịch quay trở lại nhiều lần. Chúng ta chưa
biết phát huy thế mạnh của y học (bao gồm cả y học
cổ truyền) và giáo dục (kể cả ngành Việt Nam học) để
thu hút nhiều người nước ngoài đến điều trị hoặc học
tập... Mặt khác chúng ta đã chi quá nhiều tiền cho
các chuyến du lịch để đến các nơi vui chơi mà nhẽ ra
hoàn toàn có thể có được ngay trên đất nước mình.
Một
đất nước chỉ có cảng nước sâu và chất xám mà trở nên
giàu có- phải chăng có không ít bài học đáng để
chúng ta suy nghĩ?