Tôi đến
Quảng Châu vào một buổi tối sau những ngày Tết
Nguyên Đán Giáp Thân. Khi chiếc máy bay hạ cánh
xuống phi trường Bạch Vân của thành phố Quảng Châu
kết thúc chuyến đi dài 9 tiếng đồng hồ từ Úc tôi
không có nhiều kỳ vọng vào Quảng Châu, vẫn nghĩ
Quảng Châu là một thành phố tạp nham người xe lẫn
lộn như những bức hình tôi thấy vài thập niên trước.
Nhưng khi chiếc taxi chở tôi vào khách sạn ở trung
tâm thành phố, tôi đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc
nhiên khác. Quảng Châu đã có những đường xe cao tốc
trong thành phố, hai bên đường san sát những toà nhà
cao tầng hành chánh, thương mãi hay là những toà nhà
chung cư cho dân thành phố. Với những dòng chữ Hán
dọc theo bên đường, những tấm biển quảng cáo neon đủ
màu sắc, xe hơi chạy ào ạt trên những con đường cao
tốc lập thể làm tôi có cảm giác như đang trở lại
Tokyo nhưng với một bầu trời khoáng đảng hơn vì so
với Nhật đường cao tốc ở đây rộng rãi và những toà
nhà đồ sộ hơn. Tôi ngẩn ngơ không biết đây có phải
là Quảng Châu, Trung Quốc, bởi vì sự tưởng tượng và
thực tế cách nhau quá xa.
Phạm Hồng Thái và Hoàng Hoa
Cương
Tôi đến
Trung Quốc lần thứ nhất và Quảng Châu là thành phố
Trung Quốc tôi đặt chân đến đầu tiên. Lâu nay tôi
vẫn mong được đến thành phố nầy để viếng thăm Hoàng
Hoa Cương nơi chôn cất liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Việc
đầu tiên của sáng ngày hôm sau là tìm đường đến
Hoàng Hoa Cương. Hoàng Hoa Cương nằm trên một con
đường chính của thành phố có tên là Đường Tiên Liệt
(Senle Lu: Tiên Liệt Lộ). Tên chính thức của Hoàng
Hoa Cương là Công Viên Hoàng Hoa Cương một trong
“Quảng Châu Bát Cảnh” của thành phố. Đây là nơi
chôn cất 72 người liệt sĩ của Trung Hoa Quốc Dân
Đảng cầm đầu một cuộc khởi nghĩa không thành công
chống triều đình nhà Thanh ngày 27 tháng 4 năm 1911.
Toàn thể 72 người liệt sĩ bị giết hoặc xử tử. Những
người nầy là những đảng viên trẻ và ưu tú của Quốc
Dân Đảng. Mặc dù thất bại cuộc khởi nghĩa nầy dẫn
đến Cách Mạng Tân Hợi thành công tại thành phố Vũ
Xương gần 6 tháng sau đó (ngày 10 tháng 10 năm
1911). Chủ Tịch Quốc Dân Đảng là Bác Sĩ Tôn Dật Tiên
tuyên bố sự cáo chung của nhà Thanh mở ra thời đại
Trung Hoa Dân Quốc.

Thật ra,
Hoàng Hoa Cương là nơi an nghỉ của hơn 80 người anh
hùng liệt sĩ thời Dân Quốc mà Phạm Hồng Thái là một
liệt sĩ nước ngoài duy nhất được chôn cất ở đây.
Hoàng Hoa Cương chiếm một diện tích 130 000 m2
với một cửa Tam Quan hùng tráng được khắc bốn chữ
“Hạo Khí Trường Tồn” do Bác sĩ Tôn Dật Tiên đề. Đi
qua cửa Tam Quan là bức tượng Nữ Thần Tự Do được mô
phỏng theo Statue of Liberty của Mỹ. Từ cửa Tam Quan
là một con đường 200 m dẫn đến tấm bia khắc tên 72
liệt sĩ. Mỗi ngôi mộ ở đây được xây cất theo nhiều
phong thái khác nhau trông rất hùng tráng và uy
nghiêm. Mộ của Phạm Hồng Thái ở phiá sau công viên
tọa lạc trên một khoảnh đất khá rộng. Trước khi bước
vào khuôn viên ngôi mộ có một tấm bia lớn viết bằng
tiếng Hán lược thuật lại hành động anh hùng của ông.
Ngày 19 tháng 6 năm 1924, sau khi viết bảng cáo
trạng tố cáo tội ác của thực dân Pháp đến nhân dân
toàn thế giới, Phạm Hồng Thái giả dạng ký giả vào
Khách Sạn Victory tại tô giới Sa Diện để ám sát toàn
quyền Merlin. Merlin thoát chết và Phạm Hồng Thái
phải gieo mình xuống dòng Châu Giang tự tử. Cảm xúc
trước hành vi anh hùng của Phạm Hồng Thái, Thị
Trưởng Quảng Châu lúc đó là Hồ Hán Dân của Chính Phủ
Quôc Dân Đảng đem thi thể Phạm Hồng Thái an táng tại
Nhị Vọng Cương trong khuôn viên Hoàng Hoa Cương.
Ngôi mộ được thiết kế để tấm bia quay về hướng Tây
Nam là hướng của Tổ Quốc Việt Nam. Đến năm 1958, vì
nhu cầu xây đường xe trong thành phố ngôi mộ được di
chuyển đến vị trí hiện tại và được Ủy Ban Nhân Dân
Thành Phố Quảng Châu trùng tu cho đến ngày hôm naỵ
Tấm bia được viết bằng tiếng Việt phiá trên “Mộ Liệt
Sĩ Phạm Hồng Thái”, phần dưới tiếng Hán ghi là “Việt
Nam Phạm Hồng Thái Liệt Sĩ Chi Mộ”. Tôi đứng trước
ngôi mộ chắp tay lại vài giây để tưởng niệm một
người anh hùng đã vì sự nghiệp giải phóng dân tộc bỏ
mình nơi đất khách. Tôi có mua một quyển sách nhỏ
giới thiệu Hoàng Hoa Cương bằng tiếng Hán trong đó
hình ảnh và tiểu sử Phạm Hồng Thái chiếm hai trang.
Kế bên ngôi mộ Phạm Hồng Thái có một ngôi mộ người
Việt Nam nhỏ hơn trông rất đơn sơ qua đời năm 1967
có lẽ là đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam nhưng
không biết có liên hệ gì đến Phạm Hồng Thái.

Mộ Phạm Hồng Thái
Tôi đến công
viên Hoàng Hoa Cương đúng vào buổi sáng một ngày thứ
Bảy của những ngày sau Tết Nguyên Đán nên khách vãng
lai khá nhiềụ Có những cô cậu học sinh đứng trước
những ngôi mộ ghi ghi chép chép. Những cặp vợ chồng
trẻ với con nhỏ quây quần bên nhau dưới những hàng
cây cao rợp bóng. Những người trung niên thì tụ tập
trước những sân trống của những ngôi mộ đá cầu lông
hoặc tập nhảy những điệu nhảy Rhumba, Tango trông
rất là điệu nghệ. Những người cao niên hơn thì tập
Taichi hoặc cùng nhau ca những bài ca Việt Kịch
(kịch Quảng Đông) với sư hỗ trợ của tiếng đàn Nhị hồ
và tiếng sáo. Tôi đi lửng thửng thì gặp một nhóm ông
bà cụ tụ tập rất đông đảo. Một bà cụ vừa ca vừa
thách thức một ông cụ, ông cụ ca lại nhưng có vẻ đối
đáp không lại bà cụ. Những người xung quanh vừa vổ
tay vừa cười ra chiều thích thú. Tất cả tạo nên một
cảnh sắc vui tươi nhộn nhịp và thanh bình chưa từng
thấy. Ca được một lúc họ giải tán. Tôi tò mò hỏi bà
cụ ban nảy bằng tiếng Phổ Thông (Mandarin) nhát gừng
của tôi “Qúi vị làm gì mà vui thế??”, bà cụ
nghe cái giọng trọ trẹ của tôi hỏi lại “Cậu từ
đâu tớỉ Hong Kong? Singapore Malaysia” “Không! Từ Úc
Châu”, bà ấy la lên “À… Tôi cũng có thân nhân
ở Úc”. Thế là bà cụ nắm tay tôi ca một mạch gần
5 phút những câu chúc Tết “Kong hee fat choy, Vàng
ngọc đầy nhà, Dồi dào sức khỏe, Trường thọ diên
niên…..”. Người đi qua lại nhìn tôi không biết
chuyện gì xãy ra. Tôi ngơ ngác hơi “quê”, nhưng đến
thăm Hoàng Hoa Cương lại được một bà cụ chúc Tết
“tràng giang đại hải” thì thế nào cũng có một năm
may mắn, “phúc mãn đường” vậỵ
"Tiếng bom Sa Diện"
Tối hôm sau
tôi cùng một người bạn Trung Quốc đi dạo một vòng
“Quảng Châu by night” bằng xe hơi. Dòng sông Châu
Giang chảy ngang thành phố Quảng Châu. Bên nầy con
sông là trung tâm sầm uất, bên kia con sông nhà cửa
ít hơn và trên đà phát triển với một tòa nhà đồ sộ
của Trung Tâm Triển Lãm Thương Mãi Quốc Tế. Chúng
tôi chạy sang bên kia bờ để nhìn thành phố về đêm
với những toà nhà cao tầng rực sáng. Hai bên bờ
người ta trồng những hàng dừa (palm tree) dài hơn 5
km đươc phản xạ bằng những ánh đèn màu xanh trông
rất huyền ảo.
Khi chúng
tôi băng qua cầu để trở lại thành phố, một tấm bảng
chỉ đường tình cờ đập vào mắt tôi với hai chữ Hán
“Sa Diện” (Sa = cát, Diện = mặt) đọc theo tiếng Phổ
Thông (Mandarin) là “Sa Mian”. Tôi bàng hoàng vì nơi
đây đã xảy ra “Tiếng bom Sa Diện” của anh hùng Phạm
Hồng Thái 80 năm trước. Tôi vội vã yêu cầu anh tài
xế chạy theo hướng nầy để tìm Khách San Victory. Sa
Diện thật ra là một hòn đảo nhỏ trên dòng Châu
Giang. Ở đây con sông chia ra làm hai nhánh đổ ra
biển. Sa Diện là một tô giới Anh dưới triều nhà
Thanh. Nơi đây còn lại những tòa nhà với kiến trúc
Tây Phương ở thế kỷ 18, 19. Khách Sạn Victory do
người Anh xây cất là một toà nhà cao ba tầng chiếm
một góc đường và bây giờ được đổi tên là Khách Sạn
Shengli (Thắng Lợi). Phiá trước mặt là một con kênh
thông với sông Châu Giang cách đó không xa. Khi nhìn
Khách Sạn này tôi bỗng nhớ đến một đoạn Sử học thuộc
lòng ở thời kỳ Trung Học; “Sau khi ném bom thất
bại, Phạm Hồng Thái chạy ra khỏi Khách Sạn. Bọn mật
thám Pháp vừa đuổi theo vừa bắn. Phạm Hồng Thái chạy
theo hình chữ “chi” để tránh đạn và hướng về phiá
sông Châu Giang rồi nhảy xuống sông trầm mình tự tử”.
Khi chiếc xe rẽ theo góc đường dọc theo Khách Sạn
chạy về hướng sông Châu Giang lòng tôi cảm khái vô
hạn. Có thể đây là con đường thoát thân của Phạm
Hồng Thái 80 năm trước. Ở con đường ngang nầy bây
giờ xuất hiện một nhà hàng có tên là “Vietnam
Cuisine” thấp thoáng những cô gái Trung Quốc mảnh
khảnh trong chiếc áo dài Việt Nam tha thướt. Người
bạn Trung Quốc nói nhỏ với tôi “Đây là khu vực
nhà cao cấp cua newly-rich!!”. Cách Khách Sạn
Victory không xa là Khách Sạn năm sao White Swan
(Bạch Thiên Nga) cao 30 tầng là một trong những biểu
tượng của thành phố Quảng Châu hiện đại.
Viện Bảo Tàng Nam Việt Vương
Ngày kế tiếp
tôi dùng xe điện ngầm đến thăm Viện Bảo Tàng lăng
của Nam Việt Vương ngang Công Viên Việt Tú là công
viên lớn nhất của thành phố Quảng Châu. Nơi đây là
lăng của Văn Vương Triệu Muội (Zhao Mei) [1]
là cháu nội của Vũ Vương Triệu Đà (Zhao Tuo).
Triệu Muội là vua thứ hai của nước Nam Việt kế tục
Triệu Đà. Lăng nầy tình cờ được phát hiện năm 1983
khi những chiếc xe xúc đất va vào một bức tường đá
kiên cố dưới lòng đất trong một chương trình xây cất
một trung tâm thương mãi tại khu vực nầy. Các chuyên
gia về địa chất và khảo cổ được mời đến để tham gia
vào việc khai quật hơn 1000 hiện vật cách đây hơn
2000 năm. Những hiện vật nầy phần lớn là những công
cụ nấu ăn, vại chứa rượu, cốc uống rượu làm bằng
đồng với những chi tiết điêu khắc rất là tinh vi. Sự
phát triển đồ đồng có hơn 4000 năm trước. Điều nầy
cũng dễ hiểu vì đồng có thể tinh luyện ở 1000º C
trong khi sắt ở 1500º C. Những bộ dấu ấn bằng vàng
của vua, thái tử, hoàng hậu và các bà phi cũng được
trưng bày. Ngoài ra, có những hiện vật trang trí
hoặc trang sức bằng ngọc được chạm khắc với một kỹ
xảo tuyệt vời. Thi thể của Triệu Muội được bọc một
khung có lát hằng ngàn ngọc lá. Bây giờ thi thể
không còn gì mà chỉ còn một hàm răng của người đàn
ông trên dưới 50. Ở một gian phòng khác người ta
trưng bày những vị thuốc Bắc và những hạt mực để làm
mực viết và vũ khí các loại. Có những thanh kiếm sắt
dài hơn 1 m đã hoen rỉ, những mũi tên đồng bắn liên
hoàn có thể là những mũi tên mà Triệu Đà dùng cho
“nỏ thần” mà ông ta học được của An Dương Vương nước
Âu Lạc.
Nhân vật
Triệu Đà và nước Nam Việt là những sự kiện quen
thuộc trong lịch sử Việt Nam. Cuối thời Xuân Thu
Chiến Quốc (2300 năm trước) tại Trung Quốc, Tần
Vương Chính tóm thu sáu nước thống nhất Trung Nguyên
(khu vực phiá Bắc sông Trường Giang) lên ngôi hoàng
đế xưng là Tần Thủy Hoàng. Sau đó Tần Thủy Hoàng đem
quân vượt sông Trường Giang (Dương Tử Giang) thôn
tính các nước Bách Việt. Cũng nên nói thêm là Bách
Việt là khu vưc phiá nam trung lưu va hạ lưu sông
Trường Giang, bây giờ là một phần của tỉnh An Huy,
tỉnh Giang Tây (Dương Việt), tỉnh Chiết Giang (Ư
Việt), tỉnh Phúc Kiến (Mân Việt), Lưỡng Quảng (Quảng
Đông/Quảng Tây) (Nam Việt); Bắc bộ và Bắc Trung bộ
Việt Nam (Âu Việt và Lạc Việt). Quân Tần dừng chân ở
Lưỡng Quảng. Triều đình nhà Tần giao việc quản lý
Lưỡng Quảng cho một viên quan lại tên là Triệu Đà
gốc người Hồ Bắc (Trung Quốc). Sau khi Tần Thủy
Hoàng băng hà, loạn lạc nổi lên. Thừa cơ hội nầy,
Triệu Đà thành lập cát cứ xưng vương lấy tên là
Triệu Vũ Vương và đặt tên nước là Nam Việt bao gồm 2
tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay, thủ đô là
Phiên Ngung (Panyu, Quảng Châu ngày nay). Sau
đó, Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc (Việt Nam) của
Thục Phán An Dương Vương sáp nhập Âu Lạc vào Nam
Việt qua chuyện tình nổi tiếng Trọng Thủy Mỵ Châu.
Lúc bấy giờ
tại Trung Nguyên, sau khi nhà Tần sụp đổ thì xảy ra
một cuộc tranh hùng giữa Hán Vương Lưu Bang và Sở
Vương Hạng Võ. Lưu Bang chiến thắng và thành lập nhà
Hán. Sau khi lập quốc, ba đời vua Hán còn vướng bận
với việc chống trả người Hồ (Hung Nô) phương Bắc,
trong triều đình lại bị Lữ Hậu (vợ Lưu Bang) chuyên
quyền. Trong thời gian nầy nước Nam Việt được để yên
khoãng 100 năm. Trong suốt cuộc đời làm vua, Triệu
Đà nhiều lần thách thức Hán Triều để củng cố nền độc
lập nước Nam Việt. Triệu Đà làm vua đươc 67 năm thì
đến Triệu Muội (15 năm) và 3 đời vua sau (13 năm).
Khi Hán Vũ Đế lên ngôi, vị vua trẻ nầy dùng vũ lực
hoặc chính sách hòa thân (gả công chuá làm thông
gia) để bình định người Hung Nô. Sau khi rảnh tay
với Hung Nô, Hán Vũ Đế cử quân đánh Nam Việt. Nước
Nam Việt bị diệt. Nước Âu Lạc là một phần của Nam
Việt nên đất đai Âu Lạc cũng bị nhà Hán thống trị.
Thời kỳ Bắc Thuộc 1000 năm bắt đầu.
Có một chi
tiết mơ hồ là khi tôi học lịch sử Việt Nam ở thời
Trung Học, những sách giáo khoa Sử thường xem Triệu
Đà như một ông vua Việt Nam. Thậm chí, trước 1975 ở
Quận 5 Sài Gòn cũng có con đường Triệu Đà. Vì Triệu
Đà là vua của vùng đất Lưỡng Quảng nên các sử gia
“nghiệp dư” lại tiến thêm một bước nữa, tuyên bố
“Lưỡng Quảng là vùng đất cũ của Việt Nam”! Khi đến
Quảng Châu tôi thấy người ta dùng từ “Việt” rất
nhiều chẳng hạn như “Việt Kịch” (kịch Quảng Đông)
“Việt Ngữ” (tiếng Quảng Đông), Lưỡng Việt (Quảng
Đông, Quảng Tây). Nhưng chữ “Việt” ở đây viết theo
bộ Mễ (= gạo)粤
. Có lẽ truyền thống Bách Việt vẫn còn ảnh hưởng đậm
nét qua ngôn ngữ và văn hoá người Quảng Đông. Chữ
Việt bộ “Tẩu” (= chạy, thí dụ: Việt Nam)
越 vẫn
dùng qua lại với chữ “Việt” bộ “Mễ” trong quá trình
lịch sử Bách Việt mấy ngàn năm. Cuối thời Xuân Thu
(2500 năm trước), không phải một cách ngẫu nhiên
Việt Vương Câu Tiễn dùng chữ Việt bộ Tẩu để đặt tên
cho vương quốc của mình (bây giờ là điạ phận tỉnh
Chiết Giang là một phần của Bách Việt). Tôi sẽ nói
về Việt Vương Câu Tiễn ở phần sau.
Nam Hoa Thiền Tự
Trước khi đi
Trung Quốc, một người đồng nghiệp trong cơ quan đề
nghị với tôi nên thăm chuà “Nam Hoa Thiền Tự”, đến
đây lạy Phật thì sẽ có nhiều “phúc đức”. Ngôi chùa
nầy ở gần thị trấn Shaoguan (Thiều Quan) cách thành
phố Quảng Châu 200 km về phiá Bắc. Chùa nầy được
thành lập 1500 năm trước do một sư tổ người Ấn Độ
(Bồ Đề Đạt Ma) đến Trung Quốc truyền đạo. Sư tổ đời
thứ sáu Lục Tổ Huệ Năng sáng lập môn phái Thiền Tông
là một nhà tư tưởng Phật Giáo được đặt ngang hàng
với Khổng Tử và Lão Tử [2]. Đến chùa nầy phải đi
bằng xe lưả. Không biết tôi có được cái may mắn
hưởng nhiều “phúc đức” khi đến chùa Nam Hoa hay
không nhưng tôi muốn biết kiến trúc của một ngôi
chùa cổ và "thám hiểm" bằng xe lửa để thấy được sinh
hoạt thật của người dân Trung Quốc.
Nhà Ga và Xe Lửa
Khi tôi đến
ga xe lửa Quảng Châu thì từ xa đã thấy người trùng
trùng lớp lớp. Người ta về quê ăn Tết bây giờ trở
lại thành phố làm việc. Hằng chục ngàn người di động
như một dòng thác trước quảng trường nhà ga. Từ xa
những mái đầu người như những đợt sóng màu đen nhấp
nhô không dứt. Tôi không nghe người ta la hét hoặc
chửi bới. Họ di động với mớ hành lý cồng kềnh trong
trật tự theo một qui luật bất thành văn. Tôi ở giữa
dòng người ngơ ngơ ngác ngác, vai đeo ba lô đi những
bước ngập ngừng không biết phải tiến thoái làm
sao….. Điều khổ tâm khi du lịch Trung Quốc là người
dân không biết tiếng Anh, bảng chỉ dẫn tiếng Anh lại
không có. Trung Quốc là một nước đa dân tộc và nói
nhiều giọng địa phương. Chính phủ khuyến khích người
dân dùng tiếng Phổ Thông mà cơ bản là tiếng Bắc Kinh
để có sự thống nhất tiếng nói. Dù vậy, nhiều người ở
vùng sâu vùng xa vẫn chưa nói thông thạo.
Tôi chỉ biết
nói tiếng Phổ Thông “lắp bắp” nhờ những bài học
tiếng Trung Quốc của đài truyền hình Nhật Bản NHK.
Nghe thì “loạng choạng”, nhưng nhờ Hán Tự (Kanji)
trong tiếng Nhật nên không đến nổi “mù chữ”. Nhờ vậy
tôi có thể sử dụng xe bus hay xe điện ngầm để di
chuyển trong thành phố. Tôi chỉ dùng tiếng Phổ Thông
“ba rọi” của tôi khi ở thế thượng phong làm “chủ”
như ở trong nhà hàng, hoặc khách sạn để pha trò!
Trong trường hợp hỏi thăm đường xá ở nhà ga thì nên
giả câm giả điếc là cách hay nhất. Nói tiếng Phổ
Thông “lắp bắp” chỉ làm cho người ta hiểu lầm tôi là
một nông dân vùng núi vừa đến thành phố! Người Trung
Quốc quá đông nên họ không có thì giờ đứng lại tỏ
thái độ thân thiện hỏi han kẻ "lạc đường" như người
Úc hay đối xử lễ phép như người Nhật. Làm sao bây
giờ? Cái máu hải hồ trong tôi bỗng nhiên bừng dậy
khiến cho cái đầu trở nên thông minh một chút…. Để
hỏi cách thức mua vé, tôi viết chữ Hán nơi đi nơi
đến cộng thêm vài dòng tiếng Anh linh tinh vào một
tấm giấy. Tấm giấy có công hiệu như một lá bùa,
không cần nói một lời chỉ đưa tấm giấy cho một cô bé
ở phòng “Chỉ Dẫn” là tôi sẽ được đối xử một cách
lịch sự duyên dáng, đến nơi đến chốn.
Xe lửa là
phương tiện di chuyển chính liên tỉnh trên toàn
quốc, tiện nghi và sạch sẽ. Trên chuyến xe lửa tôi
đi, sau khi sắp xếp chỗ ngồi cho hành khách các cô
nhân viên biến thành các cô bán đồ kỷ niệm. Đồ kỷ
niệm ở đây là một tấm card mạ vàng giống như credit
card, một bên là hình Mao Trạch Đông, mặt bên kia là
số tử vi của 12 con giáp với hai câu đối “Vạn sự như
ý” và “Xuất nhập bình an”!! Cô nhân viên quảng cáo
tấm card gần 10 phút đồng hồ với giọng lanh lảnh như
một nhà hùng biện. Tôi thấy nhiều người mua, tôi
cũng bèn mua một tấm đúng con giáp của tôi để lấy
hên đầu năm và được Bác Mao phù hộ!! Về phần “giúp
vui” thì Cục Đường Sắt Trung Quốc cho hành khách
nghe nhạc yêu nước hay nhạc ca tụng Mao Chủ Tịch với
những lời ca hơi lổi thời như “Mao Chủ Tịch vạn tuế
vạn vạn tuế” hay là “Mao Chủ Tịch ở mãi trong con
tim chúng ta”… Người Trung Quốc nhất là nông dân
dường như vẫn còn mang nhiều hoài niệm với Mao Trạch
Đông.
************
Kể từ ngày
Triệu Đà thành lập nước Nam Việt lấy Phiên Ngung làm
thủ đô thì Quảng Châu có một lịch sử hơn 2000 năm.
Tên Phiên Ngung vẫn còn nhưng bây giờ là Khu Phiên
Ngung trực thuộc thành phố Quảng Châu. Quảng Châu
cũng là nơi có nhiều liên hệ đến lịch sử Việt Nam
cận đại. Ngoài Phạm Hồng Thái, nhiều nhà cách mạng
Việt Nam cũng đã dừng chân tại đây cho những hoạt
động cách mạng chống Pháp. Ngày nay Quảng Châu là
một trung tâm thương mãi và kinh tế quan trọng của
miền Nam Trung Quốc. Trong suốt 4 ngày tại đây, tôi
không tìm được bóng dáng một căn nhà ở. Bảy triệu
dân thành phố Quảng Châu đã bị chung cư hoá. Có
những chung cư 10 tầng cũ kỹ, mốc thếch như chưa bao
giờ được sơn. Có những chung cư đồ sộ hiện đại 20,
30 tầng cho những người khá giả hơn. Nhưng có lẽ nhờ
vậy, tôi không thấy “slums” với những con kênh đen
ngòm vì nước thãi. Hệ thống giao thông công cộng
thành phố như xe bus và xe điện ngầm vừa rẻ vừa
nhiều nên không thấy những chiếc xe hai bánh chạy
hỗn độn như trên đường phố Sài Gòn.
Tôi từ giã
Quảng Châu bay đến Thượng Hải. Từ trên máy bay tôi
nhìn xuống dòng Châu Giang. Con sông đã từng làm
chứng nhân cho bao cuộc thăng trầm lịch sử, bây giờ
như trẻ lại loang loáng trong ánh nắng bình minh,
vẫn lững lờ trôi về biển…
Chú Thích:
1.
Viện Bảo Tàng ghi là Muội, "Đại Việt Sử Ký Toàn
Thư" ghi là Hồ
2. Xem
"Kinh Pháp Bảo Đàn", Thích Duy Lực dịch và
lược giải