Một dấu tích giao thoa văn hóa? |
Vietsciences-Văn Ngọc 21/03/2005 |
Hai kiểu nhà sàn trên trống đồng Đông Sơn, với mái võng và mái lồi. Kiểu nhà sàn này là một biến thể của kiểu nhà sàn khắc trên trống đồng Đông Sơn, mà phiên bản trung thực nhất là kiểu nhà sàn bằng tre gỗ hiện vẫn tồn tại và được người Toradja sử dụng trong đời sống hàng ngày ở đảo Célèbes (ngày nay gọi là Sulawesi, thuộc Indonesia). Hiện tượng này có ý nghĩa gì, nếu quả thật khối kiến trúc nói trên thể hiện hình tượng của một ngôi nhà sàn mái hình thuyền biến thể thuộc nền văn hoá Đông Sơn ?
Chúng ta biết rằng, về mặt lịch sử và văn hoá, dân tộc Chăm có quan hệ mật thiết với một vài dân tộc Tây Nguyên thuộc ngữ hệ Nam đảo (Mã Lai-Đa đảo) : Giarai, Êđê, Churu, Raglai. Mà những dân tộc này đều là những dân tộc thuộc nền văn hoá Đông Sơn - theo nghĩa một nền văn hoá cổ, mà địa bàn là một vùng rộng lớn ở Đông Nam Á, có liên quan tới những chiếc trống đồng tìm thấy ở địa điểm Đông Sơn - nền văn hoá này được thể hiện qua một số biểu hiện văn hoá vật chất và tinh thần cụ thể, từ hoa văn trang trí trên y phục, đồ dùng trong nhà, đến kiến trúc, đến những tục lệ, truyền thống lễ hội, huyền thoại, v.v.
Con đường truyền bá của chiếc rìu đá có mộng (khoảng từ 2500 đến 1500 trước C.N., theo nhà tiền sử học Heine-Geldern). Bản thân dân tộc Chăm - theo giả thuyết của nhà tiền sử học Heine-Geldern về lộ trình của chiếc rìu đá có mộng - có thể có cùng nguồn gốc Nam đảo với những dân tộc kể trên, mà tổ tiên, trong khoảng thời gian 1000 năm, giữa 2500 -1500 tr. C.N., đã di cư từ vùng Vân Nam xuống (cư dân Bách Việt ?), xuyên qua bán đảo Mã Lai, quần đảo Indonesia, các đảo thuộc Đại dương châu, vòng lên đến Đài Loan, Nhật Bản. Một bộ phận của những tộc người này có thể đã xâm nhập vùng Tây Nguyên Việt Nam, nhưng đã bị những tộc người thuộc ngữ hệ Môn-Khmer có mặt ở đây từ trước xua đuổi đi. Một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng, ở vào một thời điểm có thể cũng không muộn hơn, những tộc người gốc Mã Lai - Đa đảo kể trên, trong đó có tổ tiên của người Chăm, đã từ biển đông xâm nhập vào vùng ven biển miền trung Việt Nam. Sau đó, do tiếp thu văn hoá Ấn Độ, bắt đầu từ những thế kỷ đầu Công Nguyên, người Chăm đã phát triển lên thành một quốc gia lớn mạnh (vương quốc Lâm Ấp), và đã dồn những tộc người gốc Nam đảo kém phát triển hơn lên vùng Tây Nguyên. « Có thể người Giarai đã tràn lên vùng cao nguyên Pleiku và vùng bình nguyên Ayun Pa Cheo Reo theo đường đèo An Khê và đường Cung Sơn. Người Êđê và người Churu thì lên cao nguyên Đắc Lắc bằng đường đèo Phượng Hoàng hiện nay. Những nhóm người tràn lên đã chẻ đôi khối người Môn-Khơme có trên Tây Nguyên từ trước : một khối cư trú từ nửa tỉnh Gia Lai trở ra phía bắc, gồm người Bana, Xơđăng, Giẻ Triêng, Brâu, Rơmâm, v.v., và một khối từ nửa tỉnh Đắc Lắc trở vào phía nam, gồm người Mơnông, Mạ, Koho, v.v. » (theo Nguyên Ngọc, Một số vấn đề văn hoá xã hội, Tập san nghiên cứu NGOK LINH, số 1 – 2001) Lục địa Sunda trước khi bị ngập chìm trong trận Đại Hồng Thuỷ cách đây khoảng 8000 năm, theo giả thuyết của Stephen Oppenheimer.
Cho đến nay, người ta biết rằng người Chăm, cũng như các cư dân của vương quốc Phù Nam, thuộc nền văn hoá Sa Huỳnh, có niên đại từ 500 tr. C.N. đến 100 sau C.N., mà địa bàn trải dài từ Quảng Nam đến Nam bộ (Đồng Nai, Cần Giờ). Nhưng người Chăm đến vùng đất này có thể đã cả ngàn năm trước đó rồi (xem các giả thuyết đã dẫn), vậy chắc hẳn họ đã có cả một nền văn hoá cổ khác nữa ? Nếu đem so sánh các biểu hiện văn hoá nghệ thuật của người Chăm với một số dân tộc Tây Nguyên, người ta có thể khẳng định được rằng người Chăm đã từng thuộc cùng một nền văn hoá với họ : văn hoá Đông Sơn. Qua những phát hiện khảo cổ học mới đây ở Gò Mả Vôi (xem Nguyễn Quang Trọng, Những phát hiện mới về văn hoá Sa Huỳnh..., DĐ số 140, 4-2004). , người ta có thể thấy được rằng nền văn hoá Sa Huỳnh khác hẳn với nền văn hoá Đông Sơn trên nhiều điểm : sự phong phú của các hiện vật bằng sắt, trình độ kỹ thuật sản xuất đồ trang sức, và nhất là đồ thuỷ tinh rất tinh xảo, v.v. Tuy nhiên, cho tới nay, người ta vẫn chưa biết gì mấy về những truyền thống kiến trúc cổ trong nền văn hoá này, ngoại trừ những dấu tích cột chống đã mục nát của những ngôi nhà sàn. Người ta chỉ biết đến những di tích kiến trúc đền đài bằng gạch đá của người Chăm : Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Hoà Lai, Tháp Mắm, v.v. Đó là những sản phẩm văn hoá mang đậm ảnh hưởng của nghệ thuật Ấn Độ. Nhưng trước khi có nền kiến trúc bằng gạch đá, chắc hẳn dân tộc này cũng đã phải trải qua thời kỳ xây cất bằng tre, gỗ ? Người Chăm không để lại những ngôi nhà sàn mái nhô, hoặc sống võng, hay sống lồi, như một số dân tộc Tây Nguyên, có lẽ vì họ đã đi vào sản xuất nông nghiệp ngay từ sớm ở các vùng đồng bằng (lúa Chiêm), nhưng người ta biết chắc chắn rằng dân tộc Chăm có một truyền thống ở nhà sàn từ lâu đời : dấu tích những ngôi nhà sàn ở Hội An được ghi lại bằng hình vẽ trong sử liệu Giao Chỉ Độ Hải Đồ của Chaya Shinoku, người Nhật Bản, thế kỷ 17 - xem Văn Ngọc, Từ trong lũ lụt nghĩ đến tương lai đô thị cổ Hội An, DĐ số tháng 1-2000 ). Truyền thống ở nhà sàn này vẫn được tiếp tục một cách mạnh mẽ và bền bỉ bởi những người Chăm hiện đang cư ngụ tại một số vùng ngập trũng, hoặc gần sông nước ở Việt Nam (chủ yếu là để tránh lũ lụt !). Người Giarai và người Êđê cho tới gần đây vẫn còn giữ truyền thống xây nhà dài, nhà rông, nhà kho, và nhà ở theo kiểu « hạ thu thượng khuếch », nhưng mái nhà của họ là kiểu mái có sống lồi, cũng giống như ngôi nhà làng của người Bana, Xơđăng, v.v. Tuy nhiên, kiểu nhà này, cũng như kiểu nhà có mái hồi tròn của người Cơtu, Stiêng, vẫn được coi như thuộc kiểu nhà khởi nguyên thuộc nền văn hoá Đông Sơn. Người Dayak (Indonesia) cho rằng hai dạng nhà sàn khắc trên trống đồng Đông Sơn (nhà sàn hình thuyền mái võng và nhà cầu mưa mái lồi) đều thuộc dạng nhà khởi nguyên : nhà sống võng gắn với các biểu tượng chim - núi - thế giới bên trên - mặt trời - đàn ông..., còn nhà sống lồi gắn với các biểu tượng rắn nước - sông - thế giới bên dưới - mặt trăng - đàn bà, v.v. Ngôi nhà cổ truyền của người Toradja (đảo Célèbes, Indonesia) được coi là biểu tượng của con thuyền, với mô típ trang trí chủ yếu là đầu con trâu, tuy nhiên mô típ chim/gà vẫn được chạm khắc hoặc vẽ ở mặt trước nhà cùng với mô típ mặt trời như trên trống đồng Đông Sơn (theo Tạ Đức, Truyền thống Đông Sơn...Tạp san nghiên cứu NGOK LINH, số 2 , 6-2001). Hình dáng ngôi nhà sàn mái hình thuyền trên đỉnh ngọn tháp Chăm ở đền Pô-Kluang Garai gợi nghĩ đến những ngôi nhà sàn Đông Sơn có mái hồi tròn của người Cơ tu, Stiêng, của người Nhật Bản cổ đại, và của những tộc người ở Papoua, Tân Guinée, v.v.
Đồng thời, về mặt mỹ thuật, Pô-Klaung Garai là biểu hiện của một nền nghệ thuật đã đạt đến độ chín muồi ở thế kỷ 14 : rất có thể là nó đang manh nha tìm cách thoát khỏi những ràng buộc về qui ước của nghệ thuật tôn giáo Ấn Độ, mà nó đã chịu ảnh hưởng trong nhiều thế kỷ. Đáng tiếc thay, đây cũng là một trong những biểu hiện cuối cùng của nghệ thuật Chăm, trước khi vương quốc này đi vào suy vong.
Diễn Đàn Forum, Paris, số 145 tháng 11/2004 © http://vietsciences.free.fr Văn Ngọc |