Những bài cùng tác giả
Môi
trường sinh học ở Việt Nam là môi trường đa dạng với nhiều động và thực vật
quý, từ vùng núi phía Bắc, Trung và Tây Nguyên cho đến các vùng dọc biển và
đồng bằng đến các rừng ngập nước tiếp nối giữa đất và nước. Đồng bằng sông
Cửu Long là nơi có hệ sinh thái phong phú và đa dạng, chủ yếu là hệ sinh
thái nước (sông và biển) và rừng ngập nước ở vùng trũng và ven biển.
Đồng
bằng sông Cửu Long được tạo ra bởi phù sa sông Cửu Long ít nhất là từ 6000
năm trước đây. Con người định cư ở đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đời, bắt
đầu được biết đến từ thời Phù Nam cách đây khoảng hai ngàn năm qua di chỉ Óc
Eo ở Long Xuyên và Kiên Giang. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, thì hiện nay
(2007) mật độ dân cư ở đồng bằng là 435 người/km2, cao thứ hai sau đồng bằng
sông Hồng (5). Khoảng 17 triêu (20% dân số cả nước) sống ở đồng bằng sông
Cửu Long và tăng trưởng 2.5% mỗi năm.
I - Tổng quan về môi trường đồng bằng sông Cửu Long
Diện
tích đồng bằng sông Cửu Long 39000km2 trong đó hiện nay đất canh tác và định
cư là 24000km2 còn lại là 5000km2 rừng (đa số là ngập nước). Ba vấn đề môi
trường quan tâm chính mà con người tác động đến là: nước, đất ruộng, rừng.
1/
Nước
Lưu
lượng sông Cửu Long tuỳ vào khí hậu do gió mùa nhiệt đới mang đến qua hai
mùa mưa và khô ở Đông Nam Á. Mặc dù có biển hồ Tonle Sap là hồ chứa thiên
nhiên điều hòa một phần lưu lượng chảy của sông Cửu Long nhưng vũ lượng mưa
trong mùa mưa nhiệt đới ở khắp lưu vực sông Cửu Long từ thượng nguồn ở các
phụ lưu và sông chính đến hạ nguồn rất lớn so với mùa khô, vì thế thủy văn
của sông Cửu Long có thể được mô tả như sau:
- Mùa
nước nổi (lũ) chiếm khối lượng 85% lượng nước đổ ra biển mỗi năm, mà đỉnh
cao là từ tháng 8 đến tháng 10 (4). Đây là lúc nước ngập gây khó khăn trong
hoạt động dân sinh và ô nhiễm từ thành phố chảy thoát ra sông nước. Ở những
vùng có đê ngăn nước lụt một phần, nước ô nhiễm không thoát được vì bị đê
ngăn nước chảy thoát ra, nước ô nhiễm bị tù hảm làm nguy hại đến vệ sinh y
tế công cộng. Nước lũ lụt đa số (85% đến 90%) là từ sông Tiền và sông Hậu,
phần còn lại là nước lũ từ đồng bằng ở Cambodia chảy vào. Đồng Tháp Mười là
nơi nước lũ từ Cambodia tràn vào nhiều nhất so với từ sông Cửu Long (sông
Tiền). Trong hai thập niên của cuối thế kỷ 20, hệ thống kinh rạch, đê đập,
cửa ngăn nước đã được phát triển ở nhiều nơi. Một số kênh ở An Giang nối với
các kênh Rạch Giá, Kiên Giang đổ ra biển ở vịnh Thái Lan trong mùa nước nổi.
Sự thay đổi thủy văn ở một số nơi dẫn tới vấn đề quản lý lưu lượng nước ở
địa phương và giữa chính quyền các tỉnh trong mùa lũ và mùa khô.
- Mùa
khô, từ tháng 12 đến tháng 5, nước mặn xâm lấn từ biển - đất phèn (acid
sulphate). Rừng tràm dọc biển ngập nước biển do thủy triều và sản lượng thủy
sản thâu nhập ít so với mùa nước nổi. Với lưu lượng giảm, nước mặn từ biển
có nơi vào đến 40km sâu trong đất liền (7). Hơn 40% đất phía đồng bằng gần
biển ở bán đảo Cà Mau, Tứ giác Long Xuyên, và Đồng Tháp Mười là bị acid phèn
do đó chỉ có thể canh tác 1 vụ mùa lúa mỗi năm. Nhiều công trình với sự trợ
giúp quốc tế như Mekong River Commission (Ủy hội sông Mekong), UNESCO của
Liên Hiệp Quốc... thiết lập và quản lý tối ưu có hiệu quả các cửa ngăn nước
mặn ở các kênh rạch và giải quyết vấn đề đất phèn, acid sulphate. Tổng cộng
có 12 cửa ngăn nước đã được xây bắt đầu từ năm 1992 và hoàn tất năm 2001
(10). Nhiều vùng vì thế đã tăng sản xuất lúa với 2 vụ mùa một năm. Tuy nhiên
ở một số vùng khác gần biển, sản lượng cá tôm thuỷ sản ít đi và vì thế các
vùng ở đồng bằng gần biển nhất là bán đảo Cà Mau, Bạc Liêu đã có sự tranh
chấp trong kế hoạch quản lý các cửa ngăn nước mặn. Ngoài ra vào mùa khô có
sự khó khăn là thiếu nước cung cấp trong đời sống dân chúng ở một số nơi
đông dân cư. Nước ngầm được coi là nguồn tài nguyên quan trọng. Giải quyết
vấn đề cung cấp nước cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Với mực độ dân tăng
trưởng cao, giếng nước cung cấp hiện nay cung ứng không đủ.
Ô nhiễm
môi trường nước chưa phải là vấn đề đáng quan tâm (trừ một số vùng dân cư,
khu công nghiệp mới và gần các công trình xây dựng như cầu Cần Thơ), nhưng
đang có chiều hướng tăng trưởng trong tương lai gần. Sự phát triển kinh tế,
cơ sở hạ tầng, quản lý nước thải, chất thải rắn chưa tốt đã và đang ảnh
hưởng đến chất lượng môi trường nước.
- Dùng
phân bón nhiều, thuốc trừ sâu ảnh hưởng đến môi trường nước và thuỷ sản
(nhất là tôm)
- Phá
rừng làm đất canh tác ảnh hưởng đến lượng phù sa và do đó ảnh hưởng đến thu
hoạch thuỷ sản
- Đào
kênh, nước ngập để xả acid trong những vùng đất bị acid gây acid ở môi
trường thoát nước ảnh hưởng đến tôm, cá và rừng ngập nước. Đã có nhiều bài
báo cáo khoa học về vấn đề này. Do đó cần quản lý, quan tâm tổng thể vào tác
động vào môi trường khi thực hành dự án chống acid phèn. Hết sức thận trọng
cân bằng phát triển tăng thêm đất canh tác và tăng thu hoạch với bảo vệ hệ
sinh thái rừng nước ngập.
- Dùng
nhiều nước cho hai vụ lúa, nhất là vào mùa khô, và phát triển nhiều kênh
rạch. Hậu quả là làm giảm lưu lượng chảy của sông vào mùa khô, dẫn đến nước
mặn lấn sâu vào đồng bằng.
2/ Đất
và tài nguyên rừng
Từ những
năm đầu khẩn hoang, khai thác ĐBSCL, lưu dân đã biến đất rừng thiên nhiên
giữa các sông rạch thành đất định cư và canh tác. Với vùng đất phì nhiêu,
màu mỡ ở đây, đân số lần lần tăng nhanh kéo theo sự nới rộng đất ruộng canh
tác. Dân phát triển định cư lấn rừng tràm, vùng nước ngập (wetlands). Trong
lịch sử phát triển thì đa số thành phố gần sông và từ đó đến nay phát triển
ra các vùng khác còn hoang sơ.
Vào
những năm cuối thế kỷ 19, miền Nam còn nhiều rừng rậm, dân cư vẫn còn thưa
thớt. Các thú vật như hổ, bò tót, nai... còn nhiều và hiện diện từ Đồng Nai,
Gia Định đến Sóc Trăng, Bạc Liêu (cù lao Dung ở Sóc Trăng xưa còn được gọi
là cù lao Hổ). Như ta biết thì nay chúng đã biến mất.
Trong những năm vừa qua, sự phát
triển kỷ nghệ nuôi tôm ở các vùng đất ngập gần biển đã biến các rừng tràm,
đước thành đất nuôi tôm, làm ô nhiễm môi trường nước và đất. Tốc độ phá rừng
tăng nhanh, huỷ hại sinh học còn có nguy cơ làm đất sói mòn, biển lấn vì lợi
ích kinh tế ngắn hạn là giá quá đắt mà kinh nghiệm vừa qua cho thấy. Để bảo
vệ những vùng thiên nhiên đa dạng sinh học còn sót lại, Việt Nam gần đây đã
thiết lập ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) các vườn quốc gia và khu dự trữ
sinh quyển (biospheres). Vườn quốc gia Chàm Chim ở Đồng Tháp, rừng nước ngập
Trà Sư ở An Giang, rừng quốc gia nước ngập mặn Cà Mau U Minh Thượng, rừng
nước ngập Kiên Lương gần Hòn Chông ở Kiên Giang là khu dự trữ sinh quyển
(UNESCO Biosphere Reserve). Tất cả có nhiều sinh vật quý hiếm như chim sếu,
cá rái có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Giải
quyết quản lý đất xử dụng là quan tâm hàng đầu để bảo vệ tài nguyên thiên
nhiên, sinh vật, bảo tồn đa dạng sinh học.
3/ Tài
nguyên rừng
a/ Rừng
tràm Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang)
Khu dự
trữ sinh quyển Kiên Giang, rộng 11 triệu hecta, gồm khu rừng tràm Kiên
Lương-Kiên Hải, Vườn quốc gia U Minh Thượng, Vườn quốc gia Phú Quốc được
công nhận bởi UNESCO vào năm 2006. Đây là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất
Đông Nam Á và là một trong năm khu dự trữ sinh quyển quan trọng ở Việt Nam,
rất đa dạng về môi trường như san hô, cỏ biển, bò biển (dugong), rùa biển (ở
các hòn và đảo Phú Quốc), tràm, rái cá, sếu đầu đỏ. Cách đây vài năm (khoảng
thời gian từ 2001 đến 2005), khi khu rừng phòng hộ Hòn Chông được cho phép
phá để làm đất nuôi tôm, số lượng sếu đầu đó đến vùng đất rừng tràm ngập
nước thuộc huyện Kiên Lương đã bị giảm đi. Ngày nay nuôi tôm đã bị cấm trong
khu rừng tràm ngập nước còn lại ở Kiên Lương thuộc khu dự trữ sinh quyển
Kiên Giang.
Sếu đầu đỏ
 Sếu
đầu đỏ (Grus antigone sharpii, eastern sarus crane), một loài chim quí hiếm,
nằm trong sách đỏ Việt Nam, có nguy cơ tuyệt chủng. Vào mỗi đầu mùa khô, sếu
đầu đỏ bay đến từ bắc Cambodia và các khu rừng khộp Tây nguyên xuống các
rừng ngập nước ở phía nam như Tràm Chim, Hòn Chông (Kiên Lương) và biển Hồ
Tonle Sap. Hiện nay còn khoảng 300 sếu đầu đỏ thường lui tới mỗi năm các
vùng ngập nước ở Tràm Chim, Kiên Lương. Năm 2004, các nhà khoa học đã tìm
được các tổ sếu ở khu rừng khộp trong Vườn quốc gia Yokdon thuộc tỉnh
DakLak, cho thấy sếu vẫn còn sinh sản ở Tây Nguyên.
b/ Vườn quốc gia U Minh Thượng
Hệ sinh
thái rừng U Minh ở bán đảo Cà Mau với con sông Trẹm chảy giữa rừng, chia
rừng thành hai khu vực U Minh Thượng (thuộc tỉnh Kiên Giang) và U Minh Hạ
(thuộc tỉnh Cà Mau). Rừng nguyên sinh chủ yếu tập trung ở U Minh Thượng, có
hàng trăm loại thực vật, chủ yếu là tràm, móp, mật cật, nhiều loài dương xỉ,
tảo .. nhiều loài bò sát và lưỡng thê (trăn, kỳ đà, cá sấu, rùa, rắn...),
các loài chim (như cò, chim trích..) và côn trùng... Năm 2001, các
nhà khoa học phát hiện ra rừng U Minh có loài cá lông mũi (rái cá, Lutra
sumatrana) quý hiếm nằm trong sách Đỏ Việt Nam và sách Đỏ thế giới. Cá
lông mũi trước đây còn có phân bố ở Thừa Thiên, An Giang, Cần Thơ và Cà Mau
nay thì chỉ còn ở rừng U Minh. Kế hoạch bảo tồn loài rái cá quý hiếm này,
cũng là một lý do để rừng U Minh trở thành vườn quốc gia.
Diện tích rừng vào những
năm trước 1950 là khoảng 400000 hecta, đến năm 1970 còn gần 200000 hecta và
ở thời điểm 1990 còn khoảng 100000 hecta. Số liệu điều tra kiểm kê rừng năm
1995 cho biết rừng có giá trị bảo tồn thiên nhiên ở U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà
Mau là 4200 hecta (tập trung ở khu vực Vồ Dơi), và Khu bảo tồn thiên nhiên U
Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang có diện tích rừng là 8053 hecta. Rừng U
Minh Thượng được chính thức trở thành Vườn quốc gia vào đầu năm 2002.
Vụ cháy rừng U Minh nă m
2002 vừa qua trong vòng 21 ngày đêm là một thảm họa môi sinh. Dưới lớp đất ở
rừng U Minh là lớp than bùn nên sức cháy rất dai dẳng và khó dập tắt. Khoảng
2460 hecta rừng tự nhiên đã bị thiêu trụi. Diện tích rừng ở U Minh Thượng
chỉ còn lại hơn 5 ngàn hecta, trong đó rừng tự nhiên chỉ còn khoảng 1 ngàn
hecta. Hiện nay một phần rừng tràm đã tái sinh qua quá trình tự nhiên và tái
trồng nhưng vẫn còn cần một thời gian dài để phục hồi. Nguyên nhân cháy rừng
là do dân sống chung quanh rừng U Minh Thượng, chủ yếu là người dân ba huyện
An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, lén vào vào rừng săn thú, bắt cá, đốt ong, đó
là tác nhân gây lửa. Theo các nhà nghiên cứu, sau vụ cháy rừng năm 2002, số
lượng cá giảm, nên rái cá muốn tồn tại được buộc phải ra ngoài ăn cá nuôi
trong ao ruộng của dân. Nhiều con rái cá đã bị dân đặt bẫy bắt, bị chết và
bị thương, làm công tác bảo tồn loài cá rái hiếm này càng khó khăn.
b/
Rừng đặc dụng Trà Sư
Giữa những cánh đồng lúa
bát ngát thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, là rừng tràm ngập nước Trà
Sư, được trồng thêm và tái tạo lại rừng từ những năm đầu thập niên 1980.
Rừng Trà Sư được xếp loại là rừng đặc dụng (special-use forest) được bảo vệ.
Rừng có diện tích 845ha và vùng đệm 645 ha. Đây là vùng đất acid phèn, ngập
nước quanh năm trong khu vực Tây sông Hậu, quy tụ nhiều loài cây cỏ, các
loài chim, thú quý hiếm như cò trắng, cò đen, điên điển, le le, dơi.. và đôi
khi sếu đầu đỏ đến trong vài năm gần đây. Chưa phải là rừng quốc gia, nhưng
rừng thuộc loại được bảo vệ. Đây là khu du lịch sinh thái mới đặc sắc vừa
được khuyến khích mở để du khách học hỏi về cảnh quan môi trường rừng tràm
ngập nước ở hạ lưu sông Cửu Long trước khi con người đến khai hoang lập
nghiệp. Tuy nhi ên, hiện nay tỉnh vẫn chưa có kế hoạch quản lý du lich sinh
thái một cách chặc chẻ để giảm tác động vào hệ sinh thái rừng nước ngập Trà
Sư.
c/
Vườn quốc gia Tràm Chim - Đồng Tháp Mười
Rừng ngập nước Tràm Chim,
cách thị xã Cao Lãnh 40km, là khu rừng duy nhất còn lại của vùng trũng ngập
nước rộng lớn Đồng Tháp Mười. Qua các hệ thống kênh rạch, và dân đến lập
nghiệp, từ năm 1975 đến 1995, khoảng 700000 hecta đã được chuyển thành đất
canh tác. Năm 1998, Tràm Chim, rộng khoảng 7600 hecta, được công nhận là
vườn quốc gia để bảo vệ hệ sinh thái đặc trưng của vùng trũng Đồng Tháp
Mười. Đây là vùng đất quan trọng cho nhiều loài chim hiếm như sếu đầu đỏ đến
trú ẩn, kiếm ăn và nghĩ trong mùa khô. Thủy văn của vườn quốc gia Tràm Chim
đã thay đổi nhiều so với tình trạng thiên nhiên do sự thay đổi đất canh tác
chung quanh và h ệ thống kênh đào, rạch do con người xây dựng. Cháy rừng
hiện nay vào mùa khô thường xảy ra do sự bất cẩn và dân xâm nhập vào rừng là
hệ quả của sự thay đổi thủy văn qua các hệ thống đập, rạch, kênh
Tỉnh Đồng Tháp là tỉnh phát
triển với dân số tăng nhanh. Vừa rồi nhiều hộ dân đã lấn đòi trả lại đất ở
khu vực rừng quốc gia Tràm Chim. Với hơn 40000 dân sống chung quanh mà đa số
chưa ý thức được tầm quan trọng của hệ sinh thái vùng trũng Đồng Tháp Mười
và đội ngũ chỉ có 50 nhân viên kiểm lâm thì vấn đề quản lý và bảo vệ Tràm
Chim là vấn đề đáng quan tâm hiện nay ở
Vườn quốc gia Tràm Chim.
Nói tóm lại vấn đề môi trường ở đồng bằng sông Cửu
Long tập trung vào chính vào các vấn đề sau
- Quản lý hoạt động cửa
ngăn nước mặn một cách tối ưu để giảm hệ quả qua sự tăng acid, phèn và sự
giảm sút lượng hải sản ở một số vùng
- Ô nhiễm do chất thải,
phân bón, thuốc trừ sâu và biện pháp xã chất acid ra môi trường nước qua
kênh rạch, làm ảnh hưởng đến lượng thủy sản và hệ sinh thái
- Rừng nước ngập và hệ sinh
thái bị lấn chiếm, gây nguy cơ cho sự bảo tồn đa dạng sinh học. Quản lý bảo
vệ rừng chưa được chặc chẻ gây ra cháy rừng, lấn rừng, bắt sinh vật trái
phép...
II- Thay đổi khí hậu và
đồng bằng sông Cửu Long
Một vấn đề lớn về môi
trường có ảnh hưởng lớn lao sau này mà Việt Nam sẽ đối diện là hệ quả của sự
thay đổi khí hậu do con người gây ra trên trái đất. Khoa học cho ta biết gì
về tác động môi trường do sự thay đổi khí hậu gây ra?. Trong các bản tường
trình mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Thay đổi Khí hậu
(Intergovernmental Panel on Climate Change, IPCC) trong năm 2007 về sự thay
đổi khí hậu, hệ quả và biện pháp để giảm sự tăng trưởng nhanh chóng của khí
nhà nóng do con người tác động đến môi trường thiên nhiên cho thấy sự khẩn
trương của nguy cơ thay đổi môi trường lớn lao ảnh hưởng trực tiếp vào xã
hội, kinh tế của nhiều nước trên thế giới. Một trong những nước bị ảnh hưởng
với tác hại nhiều nhất là Việt Nam. Biến cố và cường độ thiên tai bão sẽ
tăng lên gây thiệt hại nhất ở Trung Việt Nam và mực nước biển dâng sẽ phá
hoại môi trường sống, đất ở hai vùng đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc và đồng
bằng sông Cửu Long ở phía Nam.
Đồng bằng sông Cửu Long là
vựa lúa của Việt Nam và là nơi hơn 40% dân số tập trung, vì thế ảnh hưởng
khí hậu qua mực nước biển dâng lên vào nơi đây sẽ có hệ quả xã hội và kinh
tế lớn lao cho cả nước Việt Nam.
Qua bản tường trình của Cơ
quan Nghiên cứu Khoa học và Kỷ nghệ của Úc (Commonwealth Scientific and
Industrial Research Organisation, CSIRO) ở hội nghị Hobart cuối năm 2006 (3)
(9), cho thấy là tỉ lệ khí CO2 thải ra là mỗi năm tăng gấp đôi so
với những năm trước đây. Trong 4 năm vừa qua, tỉ lệ tăng mỗi năm là 2.5%,
trong khi tỉ lệ trung bình từ thập niên 70 ở thế kỷ trước đến nay là 1% tăng
trưởng. 4 năm liên tục trên mức trung bình là điều chưa từng thấy từ các dữ
kiện đo được từ trạm quan trắc Cape Grimm ở Tasmania (một tiểu bang ở cực
nam nước Úc) trong 30 năm từ khi khi CO2 được đo ở đấy, do cơ
quan nghiên cứu khoa học và kỹ nghệ CSIRO của Úc quản lý
Khó có thể nói là hậu quả
trước mắt đã xảy ra trong các năm vừa qua là do sự tăng tỉ lệ gấp đôi khí CO2
trong các năm vừa quạ. Nhưng ta chắc rằng khí hậu trên trái đất sẽ có những
thay đổi lớn và có ảnh hưởng trực tiếp vào xã hội con người do khí CO2
tích tụ trong bầu khí quyển gây ra. Nhiều hiện tượng xảy ra gần đây là do sự
thay đổi khí hậu của hiện tượng khí nhà nóng lồng kính gây ra từ khi CO2
có quá nhiều trong bầu khí quyển. Ở Nam cực, các băng lớn đã tan rã ở một số
nơi và băng (glacier) biến dần trên các thượng nguồn của các sông trên thế
giới (như vùng Hi Mã Lạp Sơn), là hệ quả của sự thay đổi khí hậu.
Nghiên cứu về ảnh hưởng của
sự thay đổi khí hậu vào các vùng duyên hải Việt Nam đã bắt đầu từ năm 1994
(6). Tuy nhiên sự khẩn trương và kế hoạch quản lý đối phó chưa được quan tâm
đúng mức cho đến khi gần đây, sau khi bản tường trình mới nhất của IPCC và
bản báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về hệ quả đến các nước đặc
biệt là các nước ở Đông Á (8).
Qua các nghiên cứu về ảnh
hưởng thay đổi khí hậu cho ta thấy viễn tượng như sau: hạn hán thường xảy ra
và kéo dài trong nội địa trong khi ở vùng duyên hải thì mực nước biển sẽ
tăng cao dần. Mực nước biển dâng 1m sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến 11% dân số và
3m sẽ ngập 12% diện tích, ảnh hưởng đến 25% dân số, 17% sản xuất nông nghiệp
và 25% sản lượng kinh tế GDP (8). Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng
nặng nề về kinh tế và xã hội. Qua các số liệu về nhiệt độ và vũ lượng từ các
trạm đo thời tiết ở Việt Nam, thì nhiệt độ trung bình hàng năm đã tăng từ 24oC
đến 24.65oC (1901-1998) nhưng vũ lượng trung bình hàng năm thì
giảm đi 180mm (1901-1998). Riêng ở đồng bằng sông Cửu Long, thì nhiệt độ
trung bình mổi năm tăng 0.5oC và 0.2oC ở hai trạm Cà
Mau và Sóc Trăng từ năm 1976 đến 2000, và vũ lượng trung bình mổi năm cũng
tăng khắp các trạm ở đồng bằng sông Cửu Long (với Sóc Trăng tăng 340mm, Bạc
Liêu 365mm, Mỹ Tho 410mm) (1). Điều này cho thấy, với mực nước biển dự đoán
tăng và vũ lượng hiện đang tăng ở đồng bằng sông Cửu Long thì ảnh hưởng của
thuỷ văn đến môi trường và xã hội sẽ lớn hơn hết so với các nơi khác.
Khi mực nước biển tăng lên,
vào mùa khô nước mặn sẽ lấn sâu thêm vào nội địa, mực nước ngầm dưới đất sẽ
tăng làm một số vùng đất trước đây đã thoát nước trở lại vùng nước ngập. Và
qua hệ thống kênh rạch, đê chằng chịt như hiện nay thì ảnh hưởng của mực
nước biển tăng sẽ có tác hại nhiều lần so với hệ thống thủy văn tư nhiên lúc
chưa bị con người thay đổi. Thích ứng của hệ thống tự nhiên lúc nào cũng dễ
dàng hơn hệ thống nhân tạo phức tạp. Trong hai thập niên cuối ở thế kỷ 20,
qua sự phát triển của hệ thống kênh, rạch để phát triển đất canh tác và để
tháo và dẫn nước trong mùa nước lũ ra biển vịnh Thái Lan, khi mực nước biển
dâng lên sẽ dẫn tới nước mặn đi vào nhiều vùng. Với diện tích đồng bằng thu
lại và dân số sẽ cao so với hiện nay thì ô nhiễm và sức ép vào môi trường
sống còn lại sẽ là một vấn đề nan giải và cần phải có kế hoạch giải quyết.
Cần có biện pháp gì để đối
phó ?
Hiện nay Bộ Tài nguyên và
Môi trường là cơ quan có trách nhiệm chính trong lãnh vực đưa ra chính sách
về khí nhà nóng, kế hoạch để đối phó với hệ quả do sự thay đổi khí hậu gây
nên bởi khí nhà nóng mà con người thải ra trên trái đất. Bộ nên kết hợp với
các cơ quan chính phủ liên hệ để lập ra một uỷ ban nghiên cứu về hệ quả kinh
tế, môi trường của sự nâng cao mực biển và thay đổi khí hậu và đề ra những
kế hoạch khả thi thích ứng với khí hậu và thủy văn trong tương lai ở Việt
Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Những gì chúng ta có thể
làm bây giờ chỉ có kết quả 30, 40 năm về sau vì hệ thống địa cầu và hệ sinh
thái không thể có phản ứng ngay được. Hiệp ước Kyoto (protocol) cũng chỉ là
bước rất nhỏ không có kết quả nhiều. Cơ chế thị trường carbon, phát triển
trong sạch đang hoạt động nhưng hiện nay chỉ có hiệu quả nhất định.
Tất cả các nước trên thế
giới đã phát triển và đang phát triển, cần phải cùng chung một nỗ lực thực
thi những chính sách và biện pháp cắt giảm lớn hơn nữa khí thải CO2.
Chính sách năng lượng sạch, chôn khí CO2 (sequestration) vào
những túi dầu đã cạn, hay trong lòng đất, trồng nhiều cây, bảo vệ rừng ...
là những biện pháp khả thi. Hạn chế khí thải độc hại là biện pháp chống ô
nhiễm chứ không phải làm giảm sự thay đổi khí hậu.
Riêng về đồng bằng sông Cửu
Long, rừng tràm ngập nước dọc duyên hải các tỉnh phải được phục hồi và phát
triển vì đó là tuyến đầu mà biển lấn sẽ ảnh hưởng để giảm đi tác hại của mực
nước biển tăng lên. Sự đối đầu và sức sống phát triển của rừng tràm tuỳ
thuộc vào sự quản lý và lượng phù sa bồi đắp từ sông Cửu Long dọc cửa sông
xuống bán đảo Cà Mau. Các đập trên thượng nguồn vì thế có ảnh hưởng không ít
đến kế hoạch thích ứng vào sự thay đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.
Tài liệu tham khảo
(1)
Dirk Schaefer, Recent Climate Change and possible impacts on
Agriculture in the Mekong Delta, Vietnam, German Vietnam-Seminar in Ho Chi
Minh City, Vietnam, on Sustainable Utilisation and Management of Land and
Water Resources in the Mekong Delta, Vietnam, December 17 – 19, 2002.
(2)
Reiner Wassmann, Nguyen Xuan Hien, Chu Thai Hoanh, To Phuc Tuong, Sea
Level Rise Affecting the Vietnamese Mekong Delta: Water Elevation in the
Flood Season and Implications for Rice Production, Journal of Climate
Change, Volume 66, Numbers 1-2 / September, 2004, p. 89-107
(3)
M. Raupach, G. Marland, et al., Global and regional drivers of
accelerating CO2 emission, Proceeding of National Academy
Sciences (PNAS), online version, May 22, 2007
(4)
Takehiko ‘Riko’ Hashimoto, Environmental Issues and Recent
Infrastructure Development in the Mekong Delta, June 2001, Australian Mekong
Resource Centre, Working Paper no. 4,
http://www.mekong.es.usyd.edu.au/publications/working_papers/wp4.pdf
(5)
Tổng cục Thống kê, Việt Nam,
http://www.gso.gov.vn, 2007
(6)
Nguyen Ngoc Huan, Vietnam coastal zone vulnerability assessment,
www.survas.mdx.ac.uk/pdfs/3huan.pdf
(7)
Wolanski E., Nguyen Ngoc Huan, Le Trong Dao, Nguyen Huu Nhan (1996).
Fine Sediment dynamics in the Mekong River estuary. J. Estuarine Coastal and
Shelf Science. No3
(8)
World Bank, The Impact of Sea Level Rise on Developing Countries: A
Comparative Analysis”, World Bank Policy Research Working Paper (WPS4136),
February 2007.
(9)
CSIRO,
http://www.csiro.au/news/ps2im.html
(10)Ian White, Water Management in the Mekong Delta:
Changes, Conflicts and Opportunities, Technical Documents in Hydrology, No.
61, UNESCO, Paris, 2002,
http://unesdoc.unesco.org/images/0012/001278/127849e.pdf
Link:
Vườn quốc gia Tràm Chim
Giá trị của đất ngập nước ở Việt Nam
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Nguyễn Đức Hiệp
|