 |
" La Dame
d’Uruk " tượng cổ ở Uruk, Irak, 3000 tr. C.N.
(Bảo tàng Bagdad)
|
Sự kiện các bảo tàng, thư
viện bị vơ vét và đốt phá tại các thành phố
Bagdad, Bassora, Mossoul (Irak), từ 9-04 đến
15-04, với sự có mặt của "quân đội giải phóng"
Anh-Mỹ và đồng minh, là một trong những hậu quả
tai hại nhất của cuộc chiến tranh " phòng ngừa "
do chính quyền Mỹ gây nên ở xứ này. Ðây không
chỉ là một tổn thất to lớn về mặt di sản văn hoá
đối với dân tộc Irak, mà còn đối với cả nhân
loại.
Ai cũng biết, lãnh thổ Irak
ngày nay - nằm giữa hai con sông Tigre và
Euphrate - chính là cái nôi của nền văn minh
Lưỡng Hà (Mésopotamie),
một nền văn minh cổ xưa nhất của nhân loại. Tổ
tiên của người Irak chính là các dân tộc
Assyriens, Chaldéens,
Sumériens,
v.v. chủ nhân của những nền văn hoá mà ngay từ
thiên niên kỷ thứ IV trước Công Nguyên đã đạt
đến một trình độ phát triển rực rỡ : những đô
thị đầu tiên của nhân loại đã mọc lên ở đây
(Mari, Uruk, Ur, v.v.). Người ta thường nói "
Lịch sử bắt đầu từ Sumer ", nơi sinh ra chữ viết
(khoảng 3200 tr.C.N.), và cũng là nơi mà các
nghệ thuật tạo hình như điêu khắc, hội hoạ, đã
sớm có những tác phẩm có chất lượng sáng tạo
cao, so với các nền văn hoá khác ở cùng thời
điểm.
Vấn đề làm cho người ta không
những thắc mắc, mà còn phẫn nộ là, tai hoạ này
không chỉ đơn thuần là một vụ cướp bóc, hôi của,
thường gặp trong bất cứ một cuộc chiến tranh
nào, mà ngược lại, đó là một " tai hoạ đã được
báo trước " từ hàng mấy tháng nay, trước khi Mỹ
bắt đầu đánh Irak. Thậm chí, nó đã được lên
chương trình hẳn hoi, bởi những kẻ vốn có những
mưu đồ đen tối.
Chính quyền Bush và bộ tham
mưu quân lực Anh-Mỹ và đồng minh, khi chuẩn bị
cuộc " chiến tranh phòng ngừa " này, thừa biết
những mục tiêu " phi quân sự " cần phải bảo vệ
và che chở, khi lên chương trình đánh phá bằng
bom và hoả tiễn với các phương tiện điện tử
chính xác, song khi bộ binh của họ vào chiếm
đóng các thành phố, thì đã hoàn toàn không làm
cái nhiệm vụ tối thiểu của một " quân đội giải
phóng " là duy trì trật tự, và ngăn cản việc
cướp bóc, vơ vét các công trình phúc lợi công
cộng, trong đó ưu tiên có các bảo tàng và thư
viện, nơi cất giữ những kho tàng vô giá của nhân
loại.
Trong vòng chưa đầy một tuần
lễ, các công trình văn hoá sau đây đã bị cướp
phá, vơ vét, thậm chí có nơi sau đó còn bị đốt
trụi : riêng ở Bagdad, Bảo tàng Nghệ thuật và
Khảo cổ học Quốc gia, Bảo tàng Nghệ thuật và Mỹ
nghệ, Thư viện quốc gia, Nhà Saddam, Trung tâm
Văn Khố, Thư viện của Bộ Tôn giáo. Các bảo tàng
và thư viện ở Mossoul và Bassora cũng đã chịu
chung một số phận.
Qua những thông tin mà cho
đến nay người ta biết được về vụ việc này, thì
có nhiều bằng chứng cho phép khẳng định rằng
quân đội Anh-Mỹ đã được lệnh tại chỗ của cấp
trên không cho phép họ ngăn cản việc cướp bóc,
vơ vét, và đốt phá các bảo tàng và thư viện.
Việc bảo vệ các bảo tàng và
các thư viện ở Bagdad và các thành phố khác ở
Irak, thực ra vẫn là mối quan tâm hàng đầu của
các nhà khoa học ngay từ mấy tháng trước khi Mỹ
bắt đầu đánh Irak.
Ngay từ tháng giêng, các nhà
khảo cổ học danh tiếng nhất thế giới đã cảnh báo
Nhà Trắng và Lầu Năm Góc về nguy cơ những kho
tàng này sẽ bị tàn phá, hoặc bị mất mát, nếu
chiến tranh xảy ra. Các giám đốc bảo tàng, các
nhà sưu tập nổi tiếng - bằng những phương tiện
truyền thông hiện đại - cũng đã trình bày cho
các nhà cầm quyền Mỹ biết ít nhất 400 địa điểm
(trên 7000) cần được bảo vệ trên lãnh thổ Irak.
Trong đợt vận động kêu gọi
đầu tiên này, vai trò của nhà khảo cổ học
McGuire Gibson đã hết sức là tích cực. Lầu Năm
Góc đã phải tiếp ông đến mấy lần.
Kịp đến ngày 20-03-03, ngày
đầu tiên Mỹ tấn công Irak, 100 nhà khoa học từ
Mỹ, Âu châu, Nhật Bản, đã ra một tuyên bố chung
trên tạp chí Science, kêu gọi các bên
phải tôn trọng công ước quốc tế La Haye về việc
bảo vệ các di sản văn hoá, nhất là các bảo tàng.
Nhưng bản tuyên bố đã không nhận được âm vang
nào từ phía Washington và London. Tuy vậy, mười
ngày sau, ở Koweit, trung tá John Kuttas, người
phát ngôn của quân đội Anh Mỹ và đồng minh, đã
trả lời phỏng vấn của báo chí như sau : "
Chính vì quan tâm đến những di sản văn hoá mà
chúng tôi đã không quản ngại nguy hiểm để bảo vệ
chúng tại các địa điểm cần phải bảo vệ, nhất là
các viện bảo tàng ". Ở Chicago, McGuire
Gibson lại lên tiếng nhắc nhở : " Năm 1991,
khi xảy ra cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần đầu
tiên, các bảo tàng ở phía Nam Irak cũng đã bị
cướp phá rồi ". (Trong thời kỳ chiến tranh ở
Afghanistan, bảo tàng Kaboul cũng đã bị vơ vét
sạch). UNESCO gửi đến Washington, một bảng kê
khai 4000 địa điểm cần được bảo vệ, với đầy đủ
bản đồ chi tiết. Không thể bảo rằng cả
Washington, London và bộ tham mưu đã không được
cảnh báo trước ! Ngay trước ngày Bagdad bị
chiếm, John Russell, một chuyên gia về khảo cổ
học đông phương, còn cố kêu gọi : " Phải hành
động ngay ! Bọn " thổ phỉ " chỉ
còn chờ dịp để ra tay. Những người có phận sự
bảo vệ nhà bảo tàng tại chỗ không có đủ súng
ống. Phải làm sao hỗ trợ được cho họ, nếu không
thì sẽ mất hết ! ".
Quả nhiên, điều người ta lo
ngại đã xảy đến.
Dưới đây là lời thuật lại của
người coi việc canh gác bảo tàng Bagdad : "
Hôm đầu (9-04-03), 4 chiếc xe tăng được bố trí
đứng chắn ở ngay trước cửa bảo tàng. Chúng tôi
đã hơi yên trí. Không ai dám bén mảng tới đây,
trong khi ở khắp nơi trong thành phố người ta
đang đi hôi của, phá phách. Nhưng ngay sáng hôm
sau (10-04-03), không còn thấy bóng một chiếc xe
tăng nào nữa. Bọn " thổ phỉ " có
tổ chức bắt đầu kéo đến, có bọn có vũ khí, có
bọn không. Bọn chúng doạ nếu không mở cửa chúng
sẽ giết . Thế là cuộc đập phá, vơ vét kéo dài
hai ngày liền. Ðiều đáng chú ý là bọn có tổ chức
nhất và chuyên nghiệp nhất, đã đến bằng xe hơi,
xe camion, và dường như họ quen biết hết cả các
nơi chỗ để các hiện vật quí nhất .
Một nhà khảo cổ học thấy tình
hình đó, bèn đi đến gặp một người lính lái xe
tăng ở một khu phố khác và khẩn khoản anh ta đến
đây can thiệp. Anh này nhận lời và lái xe tăng
đến trước bảo tàng, nổ mấy phát súng bắn chỉ
thiên. Bọn thổ phỉ liền bỏ chạy. Nhưng ngay sau
đó chiếc xe tăng lại nhận được lệnh phải rời đi
chỗ khác. Thế là bọn kia lại trở lại, và lần này
chúng hoàn toàn tự do vơ vét, đến mãi chiều ngày
11-0403 mới thôi, khi chẳng còn gì để vơ vét nữa".
|
Bia tạc cảnh
đi săn sư tử của nhà vua, ở Uruk, Irak, 3300
tr.C.N.
(Bảo tàng Bagdad)
|
Ngày 12-04-04 tin bảo tàng
Bagdad bị cướp phá và vơ vét sạch đã được các
nhà báo loan tin đi khắp thế giới.
Ðiều trớ trêu, là bộ tham mưu
các lực lượng quân sự Anh- Mỹ đã giải thích với
các nhà báo rằng, " vì lực lượng của họ ở
Bagdad chỉ có 20000 quân, mà trong các khu phố
khác còn rải rác các ổ kháng cự. Hơn nữa, họ
phải ưu tiên bảo vệ cho Bộ dầu lửa " !
Báo Guardian (London) đã
không ngần ngại coi sự kiện trên như dấu hiệu
của " sự tận thế của nền văn minh ".
Câu nói này, ở đây, lại càng
mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Ðương nhiên, trước
hết đó là sự đánh giá chung về cuộc " chiến
tranh phòng ngừa " của Mỹ và đồng minh ở Irak.
Ðó là một cuộc chiến tranh hoàn toàn vô đạo lý,
và bất hợp pháp, điều này chúng ta đã thấy rõ
rồi.
Nhưng ngay trong một hiện
tượng riêng lẻ, như việc những người có quyền
lực và trách nhiệm tại chỗ đã để cho bọn cướp
ngang nhiên vơ vét hết những báu vật của nền văn
minh Lưỡng Hà, di sản văn hoá chung của nhân
loại, thì không phải chỉ bản thân sự mất mát các
hiện vật mới là nghiêm trọng, mà điều còn nghiêm
trọng hơn, chính là sự vô ý thức của con người
trước sự mất mát đó.
Có một cái gì " vô sỉ "
(cynique), tàn nhẫn, và đáng lo ngại trong những
sự kiện mà nhân loại đang phải nếm trải những
ngày qua !
Trên thực tế, hiện tượng "
không ngăn cản" việc cướp phá và vơ vét các bảo
tàng và thư viện ở Irak có những lý do rất thực
dụng của nó.
Cách đây chỉ vài tuần,
William Pearlstein, thủ quĩ của tổ chức American
Council for Cultural Policy (ACCP) - được thành
lập từ năm 2001, gồm các lái buôn, các nhà sưu
tập nghệ thuật và các trạng sư chuyên hoạt động
trong lãnh vực này, với chức năng " bảo vệ các
bộ sưu tập nghệ phẩm và cổ vật phương đông " -
đã đưa ra nhận xét là các luật lệ của Irak về
việc xuất khẩu những cổ vật và nghệ phẩm là nhằm
mục đích " giữ khư khư " những hiện vật đó ở
trong lãnh thổ nước mình. Một luật gia, thành
viên của tổ chức ACCP còn tuyên bố : " Sự tự
do buôn bán các nghệ phẩm và cổ vật của Irak sẽ
là một cách bảo vệ tốt nhất các di sản văn hoá
này của nhân loại " (!).
Theo Dominique Collon, người
trách nhiệm khu vực cổ vật ở British Museum, thì
những lời tuyên bố trên của tổ chức ACCP chỉ
càng khuyến khích sự cướp phá và vơ vét các bảo
tàng và thư viện. Như vậy là, với sự đồng ý cho
phép về phía Mỹ, thị trường sẽ mở rộng cửa để
đón nhận những báu vật cướp được ở các bảo tàng
và thư viện ở Irak ! Ngay từ trước khi có chiến
tranh, Hội các nhà khảo cổ học đã lên tiếng cực
lực phản đối quan niệm nguy hiểm này. Sự nguy
hiểm đó đã trở thành quá rõ rệt, khi người ta
thấy tổ chức ACCP đã được Lầu Năm Góc tiếp nhiều
lần. Tuy nhiên Bộ quốc phòng Mỹ đã tuyên bố
không có một sự biệt đãi nào đối với tổ chức
này.
Mặt khác, việc mua bán chợ
đen các cổ vật đào từ lòng đất lên ở Irak không
phải chỉ gần đây mới có, mà đã có từ lâu, và vẫn
đi theo con đường băng qua Jordanie-Israël,
hoặc Syrie-Turquie, để sang tới Tokyo, New York.
Ngay từ thời Saddam Hussein, đã từng có những vụ
xử tử những bọn làm thất thoát các cổ vật này.
Việc tung ra thị trường quốc
tế một khối lượng khổng lồ những hiện vật vơ vét
được ở các bảo tàng và thư viện ở Irak, đương
nhiên sẽ làm xuống giá các cổ vật trên thị
trường này, nhưng chắc chắn sẽ đem lại một nguồn
lợi lớn cho những con buôn, và trước hết là
những kẻ đã đứng ra tổ chức cuộc vơ vét.
Song, việc này có lẽ không
đáng quan tâm bằng việc các báu vật đó sẽ rơi
vào tay bất cứ kẻ nào có tiền là mua được : từ
các nhà sưu tập tư nhân, các nhà triệu phú, đến
các con buôn. Người dân thường muốn hiểu biết,
cũng như các nhà nghiên cứu, sẽ không còn dịp để
tham khảo chúng trong các bảo tàng, thư viện
nữa, trừ ra các cơ quan này có điều kiện mua lại
các hiện vật đó qua ngả chợ đen ! Một hiện vật
có giá trị văn hoá hay nghệ thuật, một khi đã
không được trưng ra cho quần chúng xem, hoặc
không được đưa vào quĩ đạo của sự hiểu biết, nói
chung, và của giao lưu văn hoá, thì tác dụng của
nó về mặt giáo dục và về mặt " di sản văn hoá "
cũng sẽ bị giới hạn đi rất nhiều.
Người ta ước lượng ít nhất
80% các hiện vật và sách quí trong các bảo tàng
và thư viện ở Irak đã bị thất thoát (170 000
hiện vật, chỉ riêng ở Bagdad).
Những người lạc quan tin
rằng, một phần lớn các hiện vật sẽ có thể thu
hồi lại được bởi các đội công an đặc vụ, và sẽ
được đưa trở về Irak. Còn những người thiết thực
hơn thì cho rằng chắc chỉ độ 10% các hiện vật sẽ
thu hồi lại được để hoàn lại cho các bảo tàng ở
Irak. Ðiều khó khăn nhất, là làm sao tìm lại
được những hiện vật trước đây vẫn nằm trong các
kho dự trữ, song chưa được ghi vào danh mục !
Trích từ Diễn Đàn Forum số 129 - 5/2003 |