Gặp lại những đồi sim trên đảo Phú Quốc

Vietsciences-Hồng Lê Thọ      03/08/2009    

 

Những bài cùng tác giả

Bài đọc thêm:

1) Phú quốc

2) Nhà tù Phú Quốc

 

Tặng anh H.V.Ái, chị Đ.T.* và các bạn Đồng Tháp..
 

 

Trái sim màu hồng tía từ lâu đã trở thành một kỷ vật trong ký ức thời thơ ấu. Tôi còn nhớ 40 năm về trước lúc đi học ở Huế, thường gặp các bà lão mặc áo dài, cặp thúng sim bán ngay trước cổng trường, là món quà vặt mà chúng tôi rất yêu thích thuở thiếu thời. Cái vị ngọt dịu pha lẫn mùi chan chát của trái sim ngỡ sẽ không bao giờ gặp lại đó đã trở về khi chúng tôi bước vào cánh rừng nguyên sinh ở Phú Quốc. Rời cảng Kiên Giang sáng sớm ngày 30/4/99 sau hơn 8 giờ bồng bềnh trên con tàu gỗ già cỗi với một cảm giác sờ sợ giữa trời biển mênh mông… biển hôm ấy khá bình yên sau cơn bão số 1, giữa màu xanh ngắt và trong cái nắng chói chan, chúng tôi đã thấy chùm đảo Phú Quốc lấp lánh hiện ra ở cuối chân trời ráng đỏ, một địa danh đã từng nghe nhiều huyền thoại mà chưa bao giờ có dịp đến.

Bến cảng An Thới nhộn nhịp, tàu đánh cá các nơi tụ về chờ biển lặng để ra khơi, mùi muối và cá khô, hải sản bốc lên gây một ấn tượng ban đầu dễ nhớ. Phú Quốc hôm nay vẫn còn giữ nguyên nét đẹp hoang sơ, trở thành một điểm du lịch hiếm có với ưu đãi của thiên nhiên; cảnh đẹp không dừng lại ở những bãi cát thuỳ dương quanh đảo. Bãi tắm Dương Đông với đền Dinh Cậu sừng sững, ở đảo ngọc nầy còn có suối Đá Bản, suối Tranh thơ mộng, con đường lên núi với những cành sim nở hoa màu đỏ tím nhu mì ở Bắc Đảo đã thu hút khách phương xa, quên cả sợ hãi và mỏi mệt vì chặng đường dài.


Nước mắm Phú Quốc tuyệt vời đã đành vì nguồn cá cơm phong phú được ủ khá công phu; thơm và ngọt dịu; vâng, chỉ cần một bát cơm thật nóng chan ít mỡ hành pha ớt và nước mắm nguyên chất lên trên, trộn đều ... cũng đủ ngon, kích thích khẩu vị, nói chi đến ghẹ, mực tươi rói với món gỏi cá trộn dừa khô độc đáo của xứ đảo. Bữa cơm chiều của chúng tôi là thế đấy nhưng đầy ấn tượng rất khó quên.

Phú Quốc còn gắn liền với truyền thuyết "Kim Giao Thần Nữ", người phụ nữ Khơ -me đến khai hoang khẩn hoá của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực vào thời bình minh của những cuộc khởi nghĩa chống Pháp đầy gian truân, với những huyền thoại kể chuyện vua quan nhà Nguyễn lẩn trốn, đi cầu viện nước Xiêm để chống lại Tây Sơn... mà "Dinh Bà Trong", "Ghế Đá Gia Long", "Giếng Ngự" là những dấu ấn còn được giữ lại đến hôm nay.

Đúng ngày này 24 năm về trước, 5 tiếng đồng hồ sau ngày thống nhất đất nước, nhân dân đảo Phú Quốc cũng đã kéo cờ lên đỉnh đài hải đăng, chào đón giây phút kết thúc một cuộc chiến khổ đau dài đăng đẳng. Rất tiếc nhà lao Cây Dừa -- nơi đã giam cầm hơn 40.000 người yêu nước-- nay không còn nữa, linh hồn họ sẽ mãi mãi nằm lại ở Phú Quốc rì rào theo những ngọn sóng bạc đầu ngày biển động. Đài tưởng niệm về họ còn quá đơn sơ, những cuộc hành hương của bà con thân nhân vẫn là những chuyến đi lẻ loi. Vết tích của nhà tù Phú Quốc khốc liệt xưa kia ngày nay chỉ còn lại một tấm bia , cụm hàng rào dây thép gai và một dãy nhà trưng bày một vài kỷ vật thật hiếm hoi !


Đứng ở cảng An Thới nhìn về phía đất liền xa tắp, tôi hình dung được nỗi khát khao của người tù Phú Quốc, nắm sim hái ở rừng đã nát trong tay lúc nào không hay, vị chát hình như vẫn còn đó, đậm hơn khi pha lẫn với cái mặn của gió biển tràn lên môi. Một cơn gió xoáy lốc từ biển ập về làm tôi nhớ lần đi ra thăm Côn Đảo cách đây hai năm, nhớ câu chuyện những người tù Côn Đảo đã chôn mình ở nghĩa địa Hàng Dương trước sự đày đoạ, ngón đòn tra tấn dã man trước những con bão tố rét buốt quét lên thân thể yếu đuối, bệnh tật mà người hướng dẫn rưng rưng kể lại, nhớ cảnh các chị Việt kiều ở Pháp, Đức vừa khóc vừa thắp nhang trên bia mộ những người tù yêu nước vô danh...


Số phận của người tù Phú Quốc nào có khác chi. Không biết những hạt hồ tiêu cay nồng của Phú Quốc xưa kia có gắn liền với máu thịt những người tù khổ sai ở Phú Quốc ngày trước hay không ?

Hai đêm lưu lại đây dưới bầu trời trên đảo Phú Quốc đầy sao, yên ả và thật tĩnh lặng. Trong giây phút thanh bình đó, tôi lại chợt nghĩ về những gì đang xảy ra ở Kosovo để bồi hồi, biết ơn những người đã nằm xuống cho Tổ quốc quyết sinh .

 

Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay
Đất nước mây trời lòng ta mê say
Sóng nước trùng dương dài theo bờ cát
Những dãy đảo xa nằm nghe biển hát…..

(Nguyễn Đức Toàn)


Hồng Lê Thọ (Tokyo)

Báo ĐĐK 5/99

 

 (*) Chị Đ.T là Bác sĩ Đức Tín (đã qua đời), người cùng đi ra Phú Quốc nhân lễ khánh thành Bệnh Viện Đa khoa đầu tiên trên đảo.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồng Lê Thọ