Nguyễn Quý Đường
"Đến Hải Vân được uống trà, ngồi chõng tre, ở lều tranh, nghe hò Huế, hò
Quảng và được tham dự các buổi ngâm thơ, bình văn thì còn gì bằng. Ở đây có
gió mát của biển Đông, một ít vị mặn của biển và rất nhiều hơi ấm tình
người", bạn Nguyễn Quý Đường chia sẻ với độc giả VnExpress.net.
Trên con đường xuyên Việt qua dải đất miền Trung đầy nắng gió, đèo Hải Vân
lâu nay đã trở thành nơi thưởng ngoạn lý tưởng của lữ khách vào Nam, ra Bắc.

Lê Thánh Tôn là vị vua đầu tiên đặt chân đến Hải Vân năm Canh Dần (1741). Từ
trên đỉnh cao nhìn xuôi về phương Nam với đồng ruộng phì nhiêu, non sông
ngời sáng, vị minh quân này lúc đó đã tiên liệu được tương lai nên xúc cảm
phong cho nơi này là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Đời Nguyễn - vua Minh
Mạng đã cho khắc 6 chữ vàng đó lên đá trên Hải Vân quan.

Ngọn đèo luôn có cả một biển mây vờn này được ca tụng bởi muôn vàn vẻ đẹp
khác nhau. Từ bên phía bắc qua phía nam đèo và ngược lại dài chừng 20km có
hàng trăm khúc cua tay áo, thật kỳ vĩ mà cũng muôn phần nguy hiểm...

Bãi biển Lăng Cô là một danh thắng thiên nhiên của Thừa Thiên Huế, là nơi lý
tưởng cho những ai đam mê tắm biển. Từ lâu đã nổi tiếng là một bãi biển có
điều kiện tự nhiên và phong cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam. Đến đây, du
khách sẽ được chiêm ngưỡng bãi cát trắng dài tới 10km bên cạnh làn nước
trong xanh bao la tuyệt đẹp.

Ngày 27/8/2000 đã mở ra một trang sử mới của ''Đệ nhất hùng quan'' - hầm
đường bộ qua đèo Hải Vân chính thức được khởi công. Đã chấm dứt những chuyến
xe đầy lo âu, những tai nạn thương tâm, những ngày tắc đèo dài đằng đẵng. Đà
Nẵng - vùng kinh tế năng động nhất miền Trung - đã nối liền với Huế, hình
thành một huyết mạch di sản nối liền quần thể di tích cố đô với phố cổ Hội
An và thánh địa Mỹ Sơn.

Khen ai đã khéo đặt tên cho nơi này: Hải Vân (Mây biển). Có những lúc mây
nhiều che phủ cả khúc đèo. Mây quấn quýt như níu lấy chân du khách. Ở độ cao
gần 500m so với mặt nước biển, đèo Hải Vân là nơi ngừng nghỉ tuyệt vời. Du
khách cảm thấy ngất ngây trước trời mây non nước, tận hưởng hết vẻ đẹp vô
cùng ngoạn mục của cảnh núi cao, biển rộng có một không hai này.

Tạo hóa đã ưu đãi cho tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng đèo Hải Vân
nổi tiếng. Ngọn đèo khá hiểm trở này có thể không lợi lắm về mặt giao thông
nhưng về mặt du lịch lại là đoạn trời đất giao thoa và cực kỳ giàu chất thơ.

Đèo Hải Vân đã được vua Lê Thánh Tôn phong 4 chữ "Đệ nhất hùng quan" cùng
thời với "Nam thiên đệ nhất động" ( Hương Tích ) thật không ngoa, du khách
một lần qua đây không khỏi mê mẩn tâm hồn cho vẻ đẹp của cảnh trời mây nước,
một bên là biển xanh thăm thẳm một bên là núi cao mây trắng bay.

Rong rêu đã mọc đầy trên chiếc lô cốt - được gọi là Đồn Nhất - do thực dân
Pháp xây dựng vào năm 1826 để bảo vệ con đèo chiến lược này. Nó bền bỉ bám
trên sườn núi hàng chục năm nay và từ đây có thể kiểm soát được suốt dọc con
đèo từ cả hai phía. Đồn Nhất đã chứng kiến biết bao cuộc nổi dậy của nhân
dân Việt Nam trong suốt thời kì đấu tranh chống thực dân Pháp đô hộ.
Nguyễn Quý Đường
|