Châu Mỹ La tinh: hội nhập, độc lập và dân chủ

Vietsciences- Nguyễn Trường      24/06/2009

 

Những bài cùng tác giả

              

 Một nguyên tắc đạo đức hiển nhiên không cần tranh cãi là nguyên tắc phổ quát: chúng ta phải nghiêm khắc với chính mình hơn là với kẻ khác. Đó cũng là cơ sở đạo đức của Đông phương: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân.

Khi một đại cường tự dành quyền đơn phương hành động vì quyền lợi riêng tư mà không  quan tâm gì đến luật pháp quốc tế, đại cường đó đã tự xem như biệt lệ đối với nguyên tắc đạo đức phổ quát vừa nói. Hoa Kỳ luôn ứng xử như thế. Chúng ta chứng kiến sự thật trần trụi đó hàng ngày trên khắp thế giới.  

MỸ VÀ CUỘC CHIẾN CHỐNG SANDINISTA

 

 Chẳng hạn, tháng 6-2004, John Negroponte, tân đại sứ Hoa Kỳ ở Iraq, đến Baghdad cầm đầu phái bộ ngoại giao lớn nhất thế giới, với nhiệm vụ trao quyền cho người Iraq để hoàn thành sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của Bush[1] - đem lại dân chủ cho Trung Đông và thế giới. Dân Mỹ được chính quyền Bush long trọng thông báo.

Negroponte đã được tôi luyện nghề nghiệp trong thời gian làm đại sứ ở Honduras trong thập kỷ 1980s, dưới thời Reagan, cùng với nhiều đồng môn ở Hoa Thịnh Đốn lúc đó, khi Cuộc Chiến Chống Khủng Bố đầu tiên đang diễn tiến ở Trung Mỹ và Trung Đông.

Carla Anne Robbins, phóng viên báo Wall Street Journal đã viết về việc đề cử Negroponte đến Iraq dưới tiêu đề "Modern Proconsul"(Toàn Quyền Thời Hiện Đại). Ở Honduras, Negroponte đã được biết như " 'the proconsul', một tước hiệu dành riêng cho quan chức hành chánh quyền lực thời thực dân thuộc địa"[2].  Negroponte đã đứng đầu tòa đại sứ lớn thứ hai Châu Mỹ La Tinh, và một cơ sở CIA lớn nhất toàn cầu - mặc dù Honduras chẳng phải một trung tâm quyền lực thế giới.

John Negroponte, Ronald Reagan , Joao Goulart

Evo Morales, Augusto Pinochet

 

Lula Silva và Barack Obama

 

Robbins lưu ý, Negroponte lúc đó đã bị các nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích che đậy những hành vi tàn bạo và nhũng lạm của giới quân phiệt Honduran - một mỹ từ dành cho nhà nước khủng bố cỡ lớn - để đảm bảo dòng chảy viện trợ Mỹ cho quốc gia then chốt trong cuộc chiến bí mật của T T Reagan chống lại chính quyền Sandinista[3]. Cuộc chiến đã được phát động ngay sau khi phe cách mạng Sandinista lên nắm chính quyền ở Nicaragua. Hoa Thịnh Đốn tỏ ra rất e ngại Nicaragua trở thành một Cuba thứ hai ở Trung Mỹ. Từ Honduras, toàn quyền Negroponte có trách nhiệm giám sát các căn cứ huấn luyện, võ trang đội quân đánh thuê kiêm khủng bố Contras, nhằm lật đổ chính quyền Sandinista.

Năm 1984, Nicaragua đã có phản ứng thích hợp của một chính quyền tôn trọng luật pháp - đưa Hoa Kỳ ra Tòa Án Quốc Tế The Hague. Tòa án phán quyết Hoa Kỳ phải chấm dứt sử dụng vũ lực bất hợp pháp - hay nói theo giọng bình dân, phải chấm dứt các hành động khủng bố quốc tế - chống lại Nicaragua, và trả một số bồi thường lớn. Đã hẳn Hoa Thịnh Đốn không quan tâm đến quyết định của Tòa, và sau đó, đã phủ quyết hai nghị quyết của Hội Đồng Bảo An LHQ hậu thuẫn bản án và kêu gọi tất cả các quốc gia phải tôn trọng luật quốc tế.

Cố vấn pháp lý Bộ Ngoạigiao Hoa Kỳ Abraham D. Sofaer giải thích, vì không thể trông cậy vào hầu hết các quốc gia trên thế giới chia sẻ quan điểm của mình, người Mỹ phải tự dành quyền quyết định phương cách hành động cũng như những vấn đề thuộc quyền thẩm định của chính Hoa Kỳ - trong trường hợp nầy, hành động tấn công khủng bố Nicaragua mà Tòa The Hague đã lên án.

Thái độ coi thường phán quyết của tòa án và cộng đồng quốc tế, giờ đây, được lặp lại ở Iraq. Cuộc chiến khủng bố ở Nicaragua đã để lại một "chính quyền thối nát, vọng ngoại" với một cái giá quá đắt. Theo Thomas Carothers, sử gia hàng đầu về quá trình phát huy dân chủ ở châu Mỹ La Tinh, thương vong dân sự được ước lượng hàng chục nghìn - tính theo tỉ lệ, còn cao hơn nhiều so với tổng số thương vong trong cuộc Nội Chiến Mỹ và tất cả các cuộc chiến trong thế kỷ 20 gộp lại.

Carothers viết theo nhãn quan một người trong cuộc cũng như một học giả đã từng làm việc với Bộ Ngoại Giao thời Reagan, trong suốt quá trình diễn tiến của các chương trình phát huy dân chủ ở châu Mỹ La Tinh. Ông tin những chương trình nầy là "thành thật", mặc dù đã thất bại, vì lẽ Hoa Thịnh Đốn chỉ cho phép những hình thức thay đổi dân chủ hạn chế từ trên xuống, không gây xáo trộn các cơ cấu quyền lực cổ điển từ lâu đã là "đồng minh" của Mỹ.

Nicaragua

Ngày nay, Nicaragua là nước nghèo thứ hai ở Tây bán cầu (chỉ khá hơn Haiti, mục tiêu chính của sự can thiệp của Mỹ trong thế kỷ 20). Khoảng 60% trẻ em Nicaragua dưới 2 tuổi bị thiếu máu do thiếu dinh dưỡng trầm trọng - một chỉ dấu đáng buồn của điều được khen là thắng lợi của tự do.

Chính quyền George Bush rêu rao muốn đem lại dân chủ cho Iraq, đã trông cậy vào chính cùng viên chức đầy kinh nghiệm ở Trung Mỹ - Negroponte.

Trong cuộc điều trần nhận chức của Negroponte, chiến dịch khủng bố quốc tế ở Nicaragua chỉ được lướt qua và xem chẳng có gì đặc biệt quan trọng, nhờ ở biệt lệ của Hoa Kỳ đối với nguyên tắc phổ quát. Vài ngày sau khi Negroponte được bổ nhiệm, Honduras đã rút số quân tượng trưng trong hàng ngũ liên quân, khỏi Iraq. Đây có thể chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng cũng rất có thể người Nicaraguans lúc đó còn nhớ một điều gì từ thời Toàn Quyền Negroponte  mà người Mỹ đã cố tình quên.

Tháng 2-2005, Tổng Thống Mỹ đã chọn Negroponte làm giám đốc tình báo quốc gia đầu tiên. Cũng chẳng thấy có phản ứng  nào trước sự bổ nhiệm một trong số những trùm khủng bố vào chức vụ lãnh đạo chống khủng bố. Điều nầy không phải hoàn toàn vô lý nếu chúng ta nhớ lại sự tương đồng trong định nghĩa chính thức các từ "khủng bố""chống  khủng bố" của Mỹ.

 

NAM MỸ: CÁN CÂN QUYỀN LỰC THAY ĐỔI

 

Một trang quảng cáo - do công ty dầu khí quốc doanh Venezuela, PDVSA, và công ty con, CITGO, ở Houston, đăng trên các báo lớn của Mỹ - mang tiêu đề: "Bằng cách nào, Venezuela giúp lò sưởi các gia đình ở bang Massachusetts tiếp tục hoạt động"[4]. Trang quảng cáo mô tả một chương trình được T T Venezuela, Hugo Chavez, khuyến khích, nhằm bán dầu hạ giá để giúp đáp ứng nhu cầu sưởi ấm trong các cộng đồng có lợi tức thấp ở Houston, South Bronx, và các nơi khác ở Mỹ - một trong nhiều cử chỉ trớ trêu trong cuộc đối thoại Nam-Bắc Mỹ.

Đây là đầu đuôi câu chuyện. Thỏa ước được khai triển sau khi một nhóm Nghị Sĩ Mỹ gửi thư cho chín công ty dầu lớn, kêu gọi các công ty nầy dành một phần trong số lợi nhuận kỷ lục lúc đó để giúp các cư dân nghèo trả hóa đơn năng lượng sưởi ấm. Đáp ứng duy nhất lại đến từ CITGO.

Bình luận ở Mỹ về thỏa ước nầy, cố nhiên, hết sức gượng gạo và ngập ngừng. Các cơ quan truyền thông rêu rao: Chavez, người trước đó đã lên án chính quyền Bush tìm cách lật đổ chính quyền dân cử Venezuela, đã hành động vì mục đích chính trị - không như các chương trình hoàn toàn mang tính nhân đạo của USAID.

Năng lượng dành cho việc sưởi ấm của Chavez là một trong nhiều thách thức nhức nhối từ châu Mỹ La Tinh đối với các nhà hoạch định chiến lược Hoa Thịnh Đốn. Sự chống đối rộng rãi khi T T Bush đến Argentina tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Mỹ Châu, trong tháng 11-2005, đã phản ảnh vấn nạn của Hoa Kỳ.

 

Cuba

Argentina

 

Từ Venezuela đến Argentina, Tây bán cầu đang dần dà thoát khỏi vòng cương tỏa, với các chính quyền trung tả trỗi dậy khắp nơi. Ngay cả ở Trung Mỹ, vẫn còn gánh chịu hậu quả rơi rớt từ cuộc chiến "chống khủng bố" của T T Reagan, mạng lưới kiểm soát của siêu cường phương Bắc cũng đã rệu rã.

Ở Nam Mỹ, quần chúng bản địa ngày một hiếu động và gia tăng ảnh hưởng - nhất là ở Bolivia và Ecuador, cả hai đều giàu năng lượng - hoặc chống đối việc khai thác dầu lửa và hơi đốt, hoặc đòi hỏi chính quyền phải kiểm soát hệ thống sản xuất. Một số còn đi xa hơn đòi hỏi thành lập một "quốc gia Thổ dân Indian"[5] .

Trong lúc đó, quá trình hội nhập bên trong khu vực ngày một mạnh mẽ, đảo ngược tình trạng cô lập từ thời Tây Ban Nha chiếm đóng. Đi xa hơn, sinh hoạt và quan hệ hõ tương giữa các xứ Nam Bán Cầu (South-South interaction) ngày một lớn mạnh, dẫn đầu bởi ba nước lớn Ấn Độ, Brazil, và Nam Phi, nhất là trong lãnh vực kinh tế. Châu Mỹ La Tinh, nói chung, ngày một giao thương nhiều hơn với Liên Hiệp Âu châu và Trung Quốc. Quan hệ khi nhanh, lúc chậm hay đôi khi giật lùi, nhưng vẫn luôn bành trướng, đặc biệt đối với các xứ xuất khẩu nguyên liệu như Brazil và Chile. Venezuela là quốc gia Mỹ La Tinh đã có quan hệ khắng khít nhất với TQ và quyết tâm gia tăng số dầu xuất khẩu qua TQ như một phần trong nỗ lực giảm bớt lệ thuộc vào chính quyền Hoa Kỳ luôn đối nghịch.

 Vấn đề nhức nhối nhất của Hoa Kỳ ở Nam Mỹ là Venezuela, nước cung cấp gần 15% số dầu nhập khẩu của Mỹ. T T Hugo Chavez, đắc cử năm 1998, luôn theo đuổi  đường lối đối ngoại độc lập, một lập trường Hoa Thịnh Đốn diễn giải như thách thức - giống hệt như đối với đồng minh của Chavez - Fidel Castro. Năm 2002, Hoa Thịnh Đốn đã vồ vập viễn kiến dân chủ của T T Bush qua việc hỗ trợ một cuộc đảo chính quân sự  lật đổ chính quyền Chavez trong vài hôm. Tuy nhiên, chính quyền Bush đã phải lùi bước trước sự chống đối khắp nơi ở Nam Mỹ; và cuộc đảo chánh đã bị lật ngược nhanh chóng  bởi sự nổi dậy của quần chúng Venezuela.

Nỗi đau của Hoa Thịnh Đốn càng gia tăng gấp bội khi Cuba và Venezuela thiết lập quan hệ ngày một nồng thắm hơn. Các chương trình hợp tác Cuba-Venezuela cũng tác động đáng kể đến vùng Caribbean - nơi, trong Chiến Dịch Phép Lạ (Operation Miracle), các bác sĩ Cuban đã săn sóc y tế cho dân nghèo  thiếu phương tiện tài chánh, với sự tài trợ của Venezuela.

Chavez đã nhiều lần thắng phiếu trong các cuộc tuyển cử và trưng cầu dân ý được giám sát chặt chẽ, mặc dù gặp phải thái độ thù nghịch gay gắt của giới truyền thông. Sự ủng hộ dành cho chính quyền dân cử ngày một gia tăng dưới thời Chavez.

Phóng viên Mỹ La Tinh kỳ cựu, Hugh O'Shaughnessy, đã giải thích trong một phóng sự đăng trên tờ Irish Times:

Ở Venezuela, nơi kinh tế dựa trên dầu lửa trong nhiều thập kỷ trước đây đã tạo ra một thiểu số thượng lưu chói lọi giàu sang, một phần tư số trẻ em dưới 15 tuổi không đủ ăn, 60% số người trên 59 tuổi không một tí lợi tức. Chưa đến 1/5 dân số được hưởng an sinh xã hội. Ngày nay, dưới thời T T Chavez...thuốc men mới khởi sự đến được với đa số dân nghèo trong một xã hội giàu có nhưng cực kỳ chia rẻ - hầu như tê liệt. Từ khi Chavez lên nắm chính quyền, sau  những cuộc bầu cử dân chủ, và khởi sự cải tổ lãnh vực y tế và an sinh vốn quá tồi tệ đối với đại đa số quần chúng, bước tiến còn chậm . Nhưng tiến bộ đã được cảm nhận ...[6]

 

Ngày nay, Venezuela gia nhập MERCOSUR, khối mậu dịch Nam Mỹ hàng đầu. MERCOSUR, hiện đã có bốn nước thành viên Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay, đem lại một giải pháp thay thế cho tổ chức được biết dưới tên gọi Free Trade Agreement of the Americas, do Hoa Kỳ hậu thuẫn.

Nói chung, từ Venezuela đến Argentina ở châu Mỹ La Tinh, các chính quyền trung tả đã thắng thế. Các sắc dân bản địa đã trỗi dậy như những lực lượng ngày một hiếu động và nhiều quyền lực , đặc biệt là ở Bolivia và Ecuador. Họ đòi hỏi chính quyền phải nắm quyền kiểm soát tài nguyên dầu khí, hay trong vài trường hợp, chống đối việc khai thác năng lượng. Các sắc dân bản địa đã hiểu rõ, không vì lý do gì đời sống, xã hội, và văn hóa của chính họ phải bị đảo lộn hay hủy hoại chỉ để cho người Mỹ an hưởng chễm chệ trong các xe SUV an toàn.

Như đã đề cập trên đây, Venezuela, nước xuất khẩu dầu hàng đầu Tây Bán Cầu, là quốc gia Mỹ La Tinh đã vun đắp những quan hệ mật thiết với TQ và có kế hoạch bán một số lượng dầu ngày một gia tăng cho TQ khả dĩ bớt lệ thuộc vào chính phủ Mỹ luôn thù nghịch.

Việc Venezuela gia nhập Liên Hiệp Quan Thuế Nam Mỹ MERCOSUR, đã được Tổng Thống Argentina, Nestor Kirchner, mô tả như một điểm mốc quan trọng, cũng như Tổng Thống Luiz Inacio Lula da Silva đón nhận như một chương mới  trong quá trình hội nhập và phát triển của MERCOSUR.

Ngoài việc cung cấp nhiên liệu cho Argentina, Venezuela còn mua gần 1/3 số công trái Argentina phát hành trong năm 2005, một yếu tố trong nỗ lực chung toàn vùng nhằm giúp các xứ thành viên tránh sự kiểm soát của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) sau hai thập kỷ phải tuân thủ những quy luật của các định chế tài chánh quốc tế do Hoa Kỳ áp đặt.

Quá trình hội nhập Nam Mỹ đã tiến một bước khá dài khi Evo Morales, xuất thân từ sắc dân bản địa, đắc cử Tổng Thống Bolivia. Morales đã nhanh chóng ký kết với Venezuela một chuỗi thỏa ước về năng lượng. Theo nhận định của báo The Financial Times, những thỏa ước nầy sẽ là nền tảng cho các cải cách mang tính cách mạng trong nền kinh tế  Bolivia, nhất là trong khu vực năng lượng. Bolivia vốn có một trữ lượng hơi đốt kếch sù , chỉ kém Venezuela ở Nam Mỹ.

Quan hệ Cuba-Venezuela ngày một khắng khít hơn, cơ sở trên lợi thế tương đối của mỗi nước. Venezuela cung cấp dầu giá rẻ . Để đổi lại, Cuba giúp Venezuela trong các chương trình y tế và giáo dục, gửi hàng nghìn chuyên gia cao cấp, giáo sư, bác sĩ đến làm việc trong những vùng sâu, vùng xa, nghèo nàn và bị bỏ quên, như Cuba đã thường làm trong các xứ thuộc thế giới thứ ba.

Viện trợ y tế của Cuba rất được hoan nghênh ở nhiều nơi trên thế giới. Một trong những thảm kịch ghê rợn nhất trong những năm gần đây là cuộc động đất tháng 10 năm 2005 ở Pakistan. Ngoài số thương vong lớn lao, số lớn nạn nhân sống sót đã phải đối đầu với thời tiết khắt khe giá lạnh của mùa đông, thiếu cả nơi che thân, thực phẩm, y tế...

Theo John Cherian phóng viên báo Frontline của Ấn Độ, nhật báo hàng đầu  Pakistan - Dawn - cho biết Cuba đã gửi giúp Pakistan một số đông các y, bác sĩ, chuyên viên, cán bộ y tế, và gánh chịu mọi phí tổn (có lẽ với sự hỗ trợ của Venezuela). Tổng Thống đương nhiệm Pakistan, Pervez Musharraf, đã gửi lời cám ơn sâu xa đến chủ tịch Fidel Castro về tinh thần đồng cảm của các đoàn y tế Cuban - trên 1.000 chuyên viên , 44% là nữ giới, chấp nhận làm việc trong những làng mạc xa xôi hẻo lánh, ở một nơi văn hóa xa lạ, sống trong các lều trại thiếu mọi tiện nghi, giữa mùa đông giá rét, sau khi các đoàn cứu trợ Tây phương đã về nước.

Vấn đề trong vùng Nam Mỹ, cũng như ở các nơi khác trên thế giới, là sự khả dĩ lựa chọn một trong các mô hình kinh tế và xã hội thay thế . Nhiều phong trào quần chúng lớn, chưa từng có trước đây, đã ra đời, nhằm phát huy hội nhập xuyên biên giới  - với một nghị trình, bao gồm không những vấn đề kinh tế  mà cả nhân quyền, môi sinh, độc lập văn hóa, và quan hệ giữa các dân tộc khác nhau. Các phong trào nầy được gọi một cách lố bịch là phản toàn cầu hóa chỉ vì chủ trương toàn cầu hóa phải hướng tới mục tiêu phục vụ quyền lợi của đại chúng, thay vì quyền lợi của giới đầu tư và các định chế tài chánh.

Hoa Kỳ đang gặp nhiều vấn đề nhức nhối trải dài từ Bắc xuống Nam Tây Bán Cầu. Vì nhiều lý do, Hoa Kỳ mong muốn có thể trông cậy nhiều hơn vào tài nguyên dầu khí ở Canada, Venezuela, và các vùng bên ngoài Trung Đông. Nhưng quan hệ giữa Canada và Mỹ hiện gặp nhiều vướng mắc xung đột vì, trong nhiều lãnh vực, Hoa Thịnh Đốn đã bác bỏ nhiều quyết định của NAFTA có lợi cho Canada. Như Joel Brinkley tường trình trên báo New York Times: Một phần vì lý do đó, Canada đã nỗ lực vun đắp quan hệ với TQ [và] vài quan chức cho biết Canada có thể chuyển dịch một phần mậu dịch đáng kể, nhất là dầu khí, từ Hoa Kỳ qua TQ[7].

Thật là một điều khó hiểu khi Hoa Thịnh Đốn đã đánh mất tình giao hảo ngay cả với Canada. Các chính sách Nam Mỹ của Hoa Thịnh Đốn đã làm Hoa Kỳ thêm phần cô lập. Một ví dụ gần đây: trong 14 năm liền, Đại Hội Đồng LHQ đã bỏ phiếu chống lại lệnh cấm vận Cuba của Hoa KỲ. Ngoại trừ bốn xứ: Hoa Kỳ, Do Thái, Quần Đảo Marshall, và Palau, 182 quốc gia đã bỏ phiếu chấp thuận quyết nghị. Micronesia bỏ phiếu trắng. Trong thực tế, kết quả chỉ là 182 chống 1.

Gần đây hơn nữa, Hội Nghị các Quốc Gia châu MỸ, trong tháng 5-2009, ngoại trừ Hoa Kỳ, đã đồng thanh bỏ phiếu thâu nhận Cuba vào Tổ chức. Rút cuộc Hoa Thịnh Đốn, thay vì Havana, đã bị cô lập.

 

MỘT CHÂU MỸ LA TINH ĐANG DẦN PHỤC HỒI ĐỘC LẬP

Châu Mỹ Latinh

 

Năm thế kỷ sau ngày Âu châu chiếm đóng, Nam Mỹ ngày nay bắt đầu khẳng định quyền độc lập của mình. Từ Venezuela đến Argentina, phần lớn châu Mỹ La Tinh đang trỗi dậy cởi bỏ tàn tích ngoại thuộc từ nhiều thế kỷ, và những hình thức tổ chức xã hội tác hại và tàn nhẫn, các đế quốc thực dân đã dày công áp đặt.

Các cơ chế kiểm soát mang tính đế quốc - bạo lực và chiến tranh kinh tế ở châu Mỹ La Tinh - ngày một mất dần hiệu quả, một dấu hiệu thay đổi hướng đến độc lập. Hoa Thịnh Đốn ngày nay buộc lòng phải chấp nhận nhiều chính quyền trước đây chắc họ đã thẳng tay đàn áp hoặc dẹp bỏ.

Khắp trong vùng, nhiều phong trào quần chúng năng động đang đem lại nền tảng cho một xã hội dân chủ đầy ý nghĩa. Nhiều sắc dân bản địa như đang tái khám phá di sản từ thời tiền-Columbus, ngày một hiếu động và nhiều ảnh hưởng, đặc biệt ở Bolivia và Ecuador.

Những biến chuyển nầy một phần là kết quả của hiện tượng được các chuyên gia và các tổ chức thăm dò công luận ở châu Mỹ La Tinh theo dõi trong những năm gần đây: trong khi chính quyền dân cử ngày một dân chủ hơn, người dân ngày một vở mộng với các hình thức dân chủ và các định chế dân chủ di sản của  thời ngoại thuộc. Quần chúng đã tìm cách xây dựng những định chế dân chủ cơ sở trên sự tham gia của toàn dân, thay vì do sự áp đặt của giới thượng lưu và người nước ngoài.

Atilio Boron, một nhà khoa học chính trị Argentina, đã giải thích một cách thuyết phục  khuynh hướng mất lòng tin ở các định chế dân chủ hiện hữu. Boron nhận thấy đợt sóng dân chủ hóa ở châu Mỹ La Tinh đã trùng hợp với những "cải cách" kinh tế do bên ngoài chi phối - những cải cách làm suy yếu tính hiệu quả của dân chủ: thành viên nhóm tài phiệt Washington Consensus luôn làm suy yếu dân chủ và  đưa đến tai họa kinh tế ở châu Mỹ La Tinh , cũng như ở nhiều vùng khác trên thế giới luôn phải theo đúng quy luật của nhóm.

Trên nhiều phương diện, ý niệm dân chủ và phát triển thường liên hệ chặt chẽ với nhau. Một liên hệ rõ rệt là cả hai cùng có một kẻ thù chung: tình trạng mất chủ quyền. Trong một thế giới gồm nhiều nhà nước-quốc gia, theo định nghĩa, sự suy giảm chủ quyền thường kéo theo sự suy giảm dân chủ cũng như khả năng lèo lái chính sách kinh tế và xã hội. Điều nầy cuối cùng sẽ phương hại đến phát triển - một kết luận được lịch sử kinh tế trong nhiều thế kỷ xác nhận.

Lịch sử cũng cho thấy mất chủ quyền luôn đưa đến một sự tự do hóa áp đặt, cố nhiên theo quyền lợi của các thế lực có quyền lựa chọn và áp đặt chế độ kinh tế xã hội. Trong những năm gần đây, chế độ áp đặt thường được biết dưới chiêu bài "tân tự do" (neoliberalism). Từ nầy không mấy xác đáng. Chế độ kinh tế xã hội không hề mới mẻ, cũng chẳng tự do, ít ra khi ý niệm được hiểu theo các tác giả tự do cổ điển.

Ở Hoa Kỳ, vì nhiều lý do chính đáng, lòng tin ở các định chế từ lâu liên tục suy giảm. Một hố ngăn cách lớn lao giữa công luận và chính sách công, ít khi được phản ảnh trên báo chí, mặc dù dân Mỹ không thể không biết quyền lựa chọn chính sách của họ luôn bị gạt bỏ.

Chúng ta có thể rút tỉa được nhiều bài học khi so sánh những cuộc bầu cử tổng thống gần đây giữa một nước giàu nhất thế giới và một nước nghèo nhất Nam Mỹ - Bolivia.

Tháng 11-2004, cử tri Hoa Kỳ được lựa chọn giữa hai ứng viên thuộc tầng lớp thượng lưu đặc quyền. Chương trình của cả hai chẳng mấy khác nhau, luôn phù hợp với quyền lợi của khối cử tri ủng hộ chính yếu của họ: giới giàu có và đặc quyền. Các cuộc thăm dò công luận cho thấy đối với các vấn đề quan trọng, cả hai đảng, đặc biệt là chính quyền Bush, đều đứng về phía hữu của đại chúng. Một phần vì lý do đó, các đề tài nầy đều được loại khỏi nghị trình tranh cử. Rất ít cử tri hiểu được lập trường của hai ứng viên về các vấn đề thiết thân của đại đa số cử tri. Các ứng viên được gói ghém và rao bán như kem đánh răng, như xe hơi, như các loại thuốc thời thượng, bởi chính các tập đoàn quân sự-kỹ nghệ sản xuất ra chúng và luôn nhằm dối gạt và lừa đảo.

Ngược lại, thử nhìn lại Bolivia và việc đắc cử của Evo Morales trong tháng 12-2005. Cử tri rất quen thuộc với các đề mục tranh luận trong nghị trình, những vấn đề thực tiển thiết thân như nhà nước phải kiểm soát hơi đốt thiên nhiên và tài nguyên khoáng sản, những vấn đề được quần chúng hậu thuẫn. Quyền của sắc dân bản địa, quyền của phụ nữ, quyền sở hữu đất đai, quyền được cung cấp nước dùng...đều được ghi rõ trong nghị trình chính trị tranh cử bên cạnh những đề mục quan trọng khác luôn là mục tiêu tranh đấu của các tổ chức quần chúng. Người dân đã lựa chọn một người ngay trong hàng ngũ của mình, không phải một đại diện của những nhóm đặc quyền đặc lợi. Cuộc bầu cử đã được người dân thực sự tham gia, chứ không chỉ là một việc làm lấy lệ vài năm một lần.

Sự so sánh, và đây không phải là trường hợp duy nhất, nêu lên vấn đề nơi nào thực sự cần đến các chương trình phát huy dân chủ. Bolivia hay Hoa Kỳ?

Trong bối cảnh của quá trình phát triển, châu Mỹ La Tinh có thể là nơi cần giải quyết một số vấn đề nội bộ nghiêm trọng. Nam Mỹ rõ ràng đang đối mặt với các tầng lớp giàu có, tham lam, và thiếu trách nhiệm xã hội.

Các nghiên cứu đối chiếu về quá trình phát triển kinh tế giữa châu Mỹ La Tinh và Đông Á giúp hiểu rõ khía cạnh then chốt nầy. Châu Mỹ La Tinh hầu như phản ảnh tình trạng bất bình đẳng tồi tệ nhất thế giới. Đông Á về phương diện nầy hình như tốt nhất. Một cách đại cương, đó cũng là tình trạng giáo dục, y tế, và an sinh xã hội. Nhập khẩu ở châu Mỹ La Tinh đã quá nghiêng về mục tiêu thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ của giới nhà giàu; ở Đông Á về đầu tư sản xuất. Hiện tượng thất thoát tư bản ra nước ngoài ở châu Mỹ La Tinh lên gần bằng tổng số nợ với thế giới bên ngoài. Ở Đông Á, hiện tượng nầy được kiểm soát chặt chẽ.

Kinh tế châu Mỹ La Tinh cũng rộng mở cho đầu tư nước ngoài nhiều hơn kinh tế Á châu. Theo tài liệu của UN Conference on Trade and Development (Hội Nghị về Mậu Dịch và Phát Triển LHQ), từ thập kỷ 1950s, các công ty đa quốc gia nước ngoài đã kiểm soát một phần sản xuất kỹ nghệ ở châu Mỹ La Tinh lớn hơn rất nhiều so với các xứ phát triển nhanh và thành công ở Đông Á. Theo báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), đầu tư ngoại quốc và tư nhân hóa có khuynh hướng thay thế các dòng chảy tư bản khác ở châu Mỹ La Tinh, chuyển quyền kiểm soát và gửi lợi nhuận ra nước ngoài, khác với vùng Đông Á.

Trong lúc chờ đợi, các chương trình kinh tế xã hội mới đang diễn ra ở châu Mỹ La Tinh đang đảo ngược các mẫu mực có từ thời ngoại thuộc, với giới thượng lưu và tổ chức kinh tế liên kết với các đế quốc cũ thay vì với các quốc gia láng giềng. Cố nhiên, vì nhiều lý do lịch sử, các thay đổi nầy không được Hoa Thịnh Đốn đón nhận vui vẻ: Hoa Kỳ luôn mong đợi có thể dựa vào châu Mỹ La Tinh như một hậu cứ vững chắc về tài nguyên, thị trường và cơ hội đầu tư. Như các nhà hoạch định từ lâu đã nhấn mạnh, nếu Tây bán cầu thoát khỏi vòng kiểm soát, làm sao nước Mỹ có thể hy vọng đề kháng sự thách thức của các vùng khác trên thế giới?

 

LỰA CHỌN CỦA NAM MỸ

 

Trong tháng 12-2006, một sự trùng hợp sinh và tử đã đánh dấu thời kỳ chuyển tiếp ở Nam Mỹ cũng như thế giới.

Augusto Pinochet, từ trần, trong khi lãnh đạo các xứ Nam Mỹ kết thúc cuộc họp thượng đỉnh hai ngày tại Cochabamba, Bolivia, dưới sự bảo trợ của T T Bolivian - Evo Morales. Nghị trình cuộc họp phản ảnh đợt sóng đối kháng với  kỷ nguyên Pinochet và các Chính Quyền An ninh Quốc Gia Tân Quốc xã[8], do Hoa Kỳ hỗ trợ và đôi khi khai sinh: khủng bố, tra tấn, và bạo lực, lan tràn từ Argentina đến Trung Mỹ.

Trong Tuyên Ngôn Cochabamba, các nguyên thủ và đại sứ của 12 nước nỗ lực nghiên cứu ý tưởng thành lập một cộng đồng toàn lục địa tương tự như Liên Hiệp Âu châu.

Tuyên Ngôn đánh dấu một giai đoạn mới trong chuỗi các vận động tiến tới hội nhập cấp vùng ở Nam Mỹ, 500 năm sau ngày bị Âu châu thôn tính. Tiểu lục địa, từ Venezuela đến Argentina, có thể còn phải nêu gương cho thế giới về phương cách  tạo dựng một tương lai thay thế cho di sản của thời đế quốc và khủng bố.

Từ lâu, Hoa Kỳ đã dùng hai phương pháp chính để thống trị toàn vùng: bạo lực và bóp ngạt kinh tế. Trong đại cương, điều hành sinh hoạt quốc tế cũng không mấy khác với sinh hoạt Mafia. Bố Già không dễ bỏ qua mỗi khi bị phật lòng dù chỉ bởi một chủ tiệm nhỏ - như người dân Nam Mỹ đã hiểu rất rõ.

Các cuộc khởi nghĩa giành độc lập  trước đây đã bị đập nát, một phần vì thiếu hội nhập cấp vùng. Thiếu hội nhập, các cuộc nổi dậy đơn lẻ rất dễ bị chế ngự và dập tắt.

Đối với Hoa Kỳ, kẻ thù thực sự luôn là chủ nghĩa quốc gia độc lập, một tấm gương rất dễ lây lan - theo giọng điệu Henry Kissinger khi định tính chủ nghĩa xã hội dân chủ ở Chile.

Trong số các lãnh tụ hiện diện ở Cochabamba có Tổng Thống Chilean, Michelle Bachelet. Cũng như Allende, bà theo chủ nghĩa xă hội và là một y khoa bác sĩ. Bà cũng là người từng sống lưu vong và tù nhân chính trị trước đây. Thân phụ bà là một tướng lãnh đã bỏ mình trong ngục tù sau nhiều ngày bị tra tấn.

Ở Cochabamba, Morales và tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã khai trương công ty hợp doanh khai thác hơi đốt ở Bolivia. Đây là hình thức hợp tác giúp tăng cường vai trò khu vực như một tay chơi quan trọng trong lãnh vực năng lượng toàn cầu. Venezuela là thành viên Mỹ La Tinh duy nhất của OPEC, với số trữ lượng dầu khí lớn nhất bên ngoài Trung Đông. Viễn kiến của Chavez là thiết lập Petroamerica, một hệ thống năng lượng hội nhập tương đương với hệ thống TQ đang tìm cách khởi động ở Á châu.

Tân tổng thống Ecuador, Rafael Correa, đề nghị một nối kết mậu dịch qua đường bộ và đường sông từ vùng rừng núi Amazon của Brazil đến khu vực duyên hải Thái Bình Dương của Ecuador - một đối tác Nam Mỹ với kênh đào Panama.

Một chương trình hợp tác đầy hứa hẹn khác là Telesur, một nỗ lực nhằm bẻ gãy độc quyền truyền thông của Tây phương. Tổng thống Brazil Lula da Silva kêu gọi các lãnh đạo trong khu vực vượt qua các dị biệt lịch sử để thống nhất tiểu lục địa, mặc dù hiểu rõ đây là một việc làm vô cùng khó khăn.

Hội nhập là điều kiện tiên quyết đưa đến độc lập thực sự. Di sản lịch sử thời kỳ thực dân - Tây Ban Nha, Anh, các cường quốc Âu châu, Hoa Kỳ - là hiện tượng chia rẽ không những giữa các quốc gia trong khu vực mà ngay cả giữa thiểu số thượng lưu giàu có và đại đa số quần chúng nghèo khó bên trong từng quốc gia.

Mối liên hệ hõ tương giữa các sắc dân khá rõ rệt. Giới thượng lưu giàu có thường là da trắng, gốc Âu châu, tây phương hóa; và các tầng lớp nghèo là dân bản địa, da đỏ, da đen, và hợp chủng. Đa số giới thượng lưu da trắng có rất ít quan hệ hổ thuộc với các quốc gia khác trong khu vực. Họ luôn hướng về Tây phương, và không mấy thiết tha hay mặn mà với các láng giềng Nam Mỹ.

Trước các biến chuyển mới ở MỸ La Tinh, Hoa Kỳ buộc lòng phải điều chỉnh chính sách. Những chính quyền ngày nay được Hoa Kỳ ủng hộ - như Brazil với T T Lula - trước đây rất có thể đã bị lật đổ, như trường hợp T T Brazil, Joao Goulart, bởi cuộc đảo chánh do Mỹ giật dây năm 1964.

Các biện pháp kiểm soát trong những năm gần đây đều bắt nguồn từ IMF, hoạt động như một bộ phận của Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ. Argentina trước đây cũng là con cưng của IMF -  mãi cho đến cuộc khủng hoảng 2001.  Argentina về sau đã hồi phục, nhưng cũng chỉ sau khi tách khỏi mọi ràng buộc pháp lý và giám sát của IMF, và mua số nợ còn lại  - một phần nhờ ở sự trợ giúp của Venezuela (một hình thức hợp tác khác). Brazil, theo cách riêng của mình, đã đi cùng hướng để tự giải phóng khỏi IMF. Bolivia đã ngoan ngoãn tuân phục IMF trong 25 năm và rút cuộc cũng chỉ dậm chân tại chỗ với một lợi tức theo đầu người còn thấp hơn khi khởi đầu. Ngày nay, Bolivia đã tách khỏi IMF, cũng nhờ ở sự hỗ trợ của Venezuela.

Ở Nam Mỹ, Hoa Kỳ , rút cuộc, buộc lòng phải sống chung với các chính quyền trung tả, và thay đổi chính sách,  từ nay dựa trên tiêu chí mới: "cá nhân tốt hay xấu". T T Lula của Brazil là "một trong số những người tốt". Chavez và Morales là "những người xấu".

Để chung sống với Hoa Thịnh Đốn, Nam Mỹ đôi khi cũng cần tránh né hoặc phải sử dụng thủ thuật nhào nặn các phương cách ứng xử. Chẳng hạn, sau khi tái đắc cử tháng 10-2006, một trong những việc làm đầu tiên của T T Lula là bay qua Caracas  hỗ trợ Chavez trong chiến dịch vận động tuyển cử. Lula cũng giúp Venezuela với dự án xây cầu qua sông Orinoco, và còn dự kiến nhiều hình thức hợp doanh khác.

Tháng 12-2006, khối mậu dịch Nam Mỹ MERCOSUR tiếp tục cuộc đối thoại về đề tài thống nhất hay hội nhập khu vực trong phiên họp định kỳ 6 tháng một lần tại Brazil, nơi Lula khai trương Nghị Viện MERCOSUR - một dấu hiệu đầy hy vọng khác trong quá trình gỡ bỏ di sản ngoại thuộc.

Trở ngại đối với tiến trình hội nhập song đôi  - giữa nhiều xứ trong khu vực, và bên trong mỗi xứ - đã hẳn là vô cùng lớn lao. Tuy nhiên,  nhiều bước tiến đầy hứa hẹn đang diễn ra, và vai trò của các phong trào quần chúng ngày một năng động, đang tạo cơ sở cho một nền dân chủ chính hiệu và những cải tổ xã hội tối thiết cho quá trình hội nhập, củng cố độc lập và dân chủ, ở châu Mỹ La Tinh.

Ước mong bài học rút tỉa từ các thử thách vùng Nam Mỹ đã trải nghiệm sẽ hữu ích cho giới lãnh đạo các quốc gia Á Phi trong quá trình củng cố độc lập, hội nhập, dân chủ, và phát triển trong những tháng năm sắp tới.

© GS Nguyễn Trường

Irvine, CA, USA

21-6-2009


[1] Bush's messianic mission.

[2] 'the proconsul", a title given to powerful administrators in colonial times.

[3] covering up abuses by the Honduran military - a euphemism for large-scale state terror - to ensure the flow of U.S. aid to this vital country, which was the base for President Reagan's covert war against Nicaragua's Sandinista government.

[4] How Venezuela Is Keeping the Home Fires Burning In Massachuetts.

[5] Indian nation.

[6] In Venezuela, where an oil economy has over the decades produced a sparkling elite of superrich, a quarter of under-15s go hungry, for instance, and 60 per cent of people over 59 have no income at all. Less than a fifth of the population enjoys social security. Only now under President Chavez ...has medicine started to become something of a reality for the poverty-stricken majority in the rich but deeply divided - virtually nonfunctioning - society. Since he won power in democratic elections and began to transform the health and welfare sector which catered so badly to the mass of the population progress has been slow. But it has been perceptible...

[7] Partly as a result, Canada is working hard to build up its relation with China [and] some officials are saying Canada may shift a significant portion of its trade, particularly oil, from the United States to China.

[8] neo-Nazi National Security States.

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường