Cuộc bầu cử Tổng Thống Pháp 2007-Một thực tế - một cái nhìn

Vietsciences-Mathilde Tuyết Trần       10/05/2007

 

Những bài cùng tác giả
 

Những tổng thống dưới thời Đệ Ngũ Cộng hòa (1958 -):

Charles de Gaulle 1959-69 Georges Pompidou 1969-74 Giscard d'Estaing  1974-81
François Mitterrand 1981-95 Jacques Chirac 1995-2007 Nicolas Sarkozy từ 16/5/07


Cách đây năm năm, cuộc bầu cử Tổng Thống tại Pháp không diễn ra sôi nổi như năm nay, 2007. Có lẽ vì, qua nhiệm kỳ năm năm lần thứ hai của đương kim Tổng Thống Chirac, xã hội Pháp, nếu không muốn thê thảm hóa, người dân có cảm tưởng là nước Pháp đang dậm chân tại chỗ, có nhiều điều cần phải được sửa đổi gấp rút, mà không ai để ý.

Trong nhiệm kỳ lần thứ hai của Tổng Thống Chirac 2002-2007, các sự kiện nổi bật thí dụ như mùa hè nóng khô năm 2003 làm cho khoảng 15.000 người chết trong hai tuần lễ đầu tháng tám, cuộc trưng cầu dân ý về Hiến Pháp Âu Châu (5/2005), dự án CPE (Contrat Premier Embauche, Hợp đồng thu dụng đầu tiên - 2006), vụ án Outreau (2004/2005) làm cho một số người bị vu oan và ở tù oan, sự phản kháng của dân cư vùng ngoại ô Clichy-sous-Bois vì cái chết của hai người trẻ trong một cuộc đuổi bắt của Cảnh Sát (10/2006), hồ sơ Clearstream, vân vân, đã làm xôn xao dư luận. Ngay tạp chí Spiegel bên Đức (Tấm gương) vừa mới nhắc lại trường hợp một ông già bị Cảnh Sát bắt ngay trước cửa trường mẫu giáo khi đi đón cháu, bà giám đốc trường cũng bị tạm giam vì phản kháng.

Cũng cần nhắc lại là trong vòng hai Tổng Thống Chirac, đã thắng đối thủ, ông Jean-Marie Le Pen, với 25.537.894 phiếu (82,21%). Ông Le Pen chỉ đạt được 5.525.034 triệu phiếu (17,79%).

Trong vòng một, chỉ có 5.665.855 cử tri bầu cho ứng cử viên Chirac (19,88%), ông LE PEN thâu được 4.804.713 (16,86%). Kết quả này cho thấy là hầu như toàn thể cử tri của cánh tả đã dồn phiếu cho ông Chirac, thuộc phái hữu, để tránh cực hữu. Đó là cách bỏ phiếu của cử tri: muốn tránh vỏ dưa, phải chọn vỏ dừa.


Vòng hai: 6 tháng 5 năm 2007

Dưới tựa đề "Nước Pháp ngả về phía hữu" các báo chí ngoại quốc như tại Bỉ, Thụy Sĩ và Đức đã công bố kết quả trước khi các phòng phiếu tại Pháp đóng cửa. Trong những ngày sắp tới, người ta chờ đợi sự công bố thành phần lãnh đạo guồng máy chính quyền – Thủ Tướng và các Bộ Trưởng.

Hai ngày trước ngày kỷ niệm chấm dứt Đại Chiến Thứ Hai tại Pháp (8 tháng năm 1945) cử tri Pháp đã đi bầu vòng hai cuộc bầu cử Tổng Thống với kết quả như sau:

  Số liệu   %
Ghi danh 44.472.363  100,00
Không đi bầu    7.128.894 16,03
Đi bầu 37.343.469 83,97
Phiếu trắng/bất hợp lệ   1.569.450  4,20
Phiếu hợp lệ   35.774.019 95,80
     
Bà Ségolène ROYAL   16.790.611     46,94
Ông Nicolas SARKOZY  18.983.408  53,06


Sự hồi hộp và căng thẳng trong mùa bầu cử đã qua. Như thế, gần 19 triệu dân đã bầu ra vị Tổng Thống thứ sáu của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp là ông Nicolas SARKOZY, người đã có nhiều trách nhiệm và kinh nghiệm trong guồng máy chính quyền lãnh đạo.

Ông Sarkozy đã giữ các trách nhiệm sau đây:

· Bộ trưởng Bộ Ngân Sách, Phát ngôn viên chính phủ và kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Thông tin (ministre du Budget, porte-parole du gouvernement, chargé d'exercer les fonctions du ministre de la Communication, từ 3/1993 – 5/1995 trong chính quyền Édouard Balladur)

· Bộ trưởng Bộ Nội Vụ, An Ninh Nội Địa và Tự Do Địa Phương (ministre de l'Intérieur, de la sécurité intérieure et des libertés locales, từ 5/2002 – 3/2004 trong chính quyền Raffarin)

· Bộ Trưởng Bộ Kinh Tế, Tài Chánh và Kỹ Nghệ (ministre d'État, ministre de l'Économie, des Finances et de l'Industrie, từ 3/2004 – 11/2004 trong chính quyền Raffarin

· Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ và Quản Lý Lãnh Thổ (ministre d'État, ministre de l'Intérieur et de l’Aménagement du territoire, từ 5/2005 – 3/2007 trong chính quyền Dominique de Villepin.

Là Tổng Thống Pháp trong nhiệm kỳ năm năm (2007-2012) ông Sarkozy cũng là Thủ Lãnh Tối Cao của Quân Đội, lãnh đạo trực tiếp về Ngoại Giao và Quốc Phòng, có quyền tuyển chọn Thủ Tướng, và có quyền giải tán Quốc Hội.

Một người quen nói với tôi rằng, khi bầu cho ông Sarkozy trong cả hai vòng, anh ta hy vọng chính phủ cánh hữu sẽ đuổi bớt người ngoại quốc, đang dành công ăn việc làm của người bản xứ hoặc sống bám vào các trợ cấp xã hội làm suy sụp ngân quỹ quốc gia, và sẽ đóng cửa biên giới thương mại chặn hàng hóa rẻ tiền từ châu Á, để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nội địa, rồi như thế sẽ giải quyết được nạn thất nghiệp cho nước Pháp.

Đó chỉ là ý kiến của một người, nhưng ai, dù bầu tả hay hữu, đều mong đợi một sự thay đổi cần thiết cho tình hình hiện tại. Thay đổi như thế nào, vị Tổng Thống mới, ông Sarkozy, sẽ trả lời dân chúng trong năm năm tới đây. Xuất hiện sau khi kết quả bầu cử được công bố, ông Sarkozy tuyên bố " Tôi sẽ trả lại cho dân Pháp sự hãnh diện về nước Pháp" để nhấn mạnh mục đích nâng cao các giá trị Lao Động, Đạo Đức và Kính Trọng của ông.

Theo kết quả nói chung, trọn phái hữu (45%) cộng thêm khoảng 8% số phiếu trung lập (cử tri của ông Bayrou) đã bỏ phiếu bầu ông Sarkozy làm Tổng Thống. Sự kiện số phiếu khoảng 18% của Bayrou bị chia hai, 10% còn lại đã bỏ phiếu cho cánh tả, là một hiện tượng sẽ có ảnh hưởng mạnh đến con đường chính trị của ông Bayrou. Trong kỳ bầu cử hệ thống lập pháp cũng diễn ra trong năm nay, đảng của ông Bayrou sẽ phải thuyết phục cử tri bằng những ứng cử viên có uy tín và thu hút, nếu không muốn mất phiếu cho cả hai bên tả và hữu.

Trên tạp chí SPIEGEL ONLINE vào ngày 05. Mai 2007 tác giả Stefan Simons đã bình luận như sau:
"Sau một tiền đề tranh cử dễ gây ấn tượng của bà Royal "Nước Pháp là Tổng Thống" hoặc của ông Sarkozy "cùng chung sức, tất cả sẽ trở thành hiện thực" là hai chương trình dự tính cơ bản đối lập sâu xa của hai mẫu xã hội của hai nước Pháp khác nhau, theo nhật báo Le Monde: đứng trước thử thách của sự toàn cầu hóa và sự dời chuyển của công việc lao động, suy giảm xã hội và sự lụn bại của thành phần trung lưu xã hội, cả hai ứng cử viên đều tự xem mình là người nắm chốt cho một sự thay đổi đã chín mùi.
Bà ứng cử viên Xã hội cố gắng đưa ra một sự cải tổ linh động lao động với trợ cấp của nhà nước và một sự trao đổi ôn hòa và tin cậy lẫn nhau giữa chính quyền, công đoàn và giới chủ nhân, theo mô hình Bắc Âu, dưới khẩu hiệu "Tham dự Dân chủ".
Ông Sarkozy thì theo mô hình cục súc (rabiateren) của nước Mỹ: giảm thuế cho thành phần chủ nhân kinh tế để thúc đẩy chu trình kinh tế và hy vọng qua đó chủ nhân sẽ đầu tư để thiết lập thêm nhiều công việc lao động mới – giới đầu tư phải được hưởng lợi trước đã, sau đó sự giầu có sẽ thấm dần xuống hạ tầng xã hội (trickle-down-effects).
Hai chiến sách này được gói gém trong lời hứa hẹn dễ hiểu và đơn giản: bà Royal hứa hẹn sẽ tạo ra một "trật tự công bằng", trong khi ông Sarkozy hứa hẹn một đất nước "mà không ai bị bỏ rơi", khẩu hiệu đã dùng của đương kim Tổng Thống Mỹ George W. Bush, để nói lên tính chất "Bảo thủ thông cảm" (mitfühlenden Konservativen) của một hệ thống luật pháp đứng về phía chủ nhân.
"

Tổng Thống Sarkozy là người gốc Hung, sinh ngày 28 tháng 1 năm 1955 tại Paris, quốc tịch Pháp, con của một người Hung sinh năm 1928 tại Budapest, xin nhập cư tại Pháp năm 1944 khi quân đội Hồng Quân Liên Xô tiến vào Hung Gia Lợi. Cha của ông Sarkozy, sau khi đã xin tham gia vào đội quân Lê Dương và đã tham dự huấn luyện quân sự tại Algérie (Sidi-Bel-Abbès), được giải ngũ, và đổi tên Pál Sárközy de Nagybocsa qua tiếng Pháp thành Paul Sarközy de Nagy-Bocsa. Năm 1949 Paul Sarközy cưới bà Andrée Mallah, người gốc Do Thái nhưng theo đạo Thiên Chúa.

Ông Nicolas Sarkozy có hai đời vợ, hai con trai với người vợ cũ, bà Marie-Dominique Culioli, và một con trai với người vợ hiện tại, bà Cécilia Ciganer-Albéniz, người gốc roumanie và Tây Ban Nha.

Các báo chí ngoại quốc, lấy thí dụ là các bài bình luận của báo chí CHLB Đức đã nhận định rằng: Vị Tổng Thống mới của nước Pháp có nhiều dự tính cải tổ trong phạm vi kinh tế và xã hội, vì thế chúng ta chờ đợi những cải tổ cụ thể sẽ làm thay đổi tình hình sinh sống của dân chúng. Còn về mặt đối ngoại, quan hệ ngoại giao đối với vị Tổng Thống này sẽ không dễ dàng, vì ông muốn đặt quyền lợi của nước Pháp lên trên hết.
Ông Sarkozy được đánh giá là người năng nổ, dám nói, dám làm. Sự kiện ông Sarkozy thắng cử được coi như một sự thay đổi thế hệ. Nhưng không phải thay đổi theo lý tưởng thiên tả mà thiên hữu rõ rệt.

Theo những thông tin chính thức mà tôi thu thập được thì nói chung có hai không khí chính sau khi ông Sarkozy đắc cử Tổng Thống.

Không khí thứ nhất, tất nhiên, mười chín triệu cử tri (trên tổng số hơn 63 triệu dân cư) đã bầu cho ông Sarkozy chờ đợi là ông sẽ thực hiện chương trình tranh cử, thực hiện những lời hứa hẹn để giải quyết mọi khó khăn hiện nay của nước Pháp, trọng tâm chính là các vấn đề thất nghiệp, tăng sức tiêu thụ và an ninh công cộng.

Không khí thứ hai là một sự lo âu của những người không bỏ phiếu cho ông Sarkozy, những người muốn giải quyết các khó khăn xã hội theo một đường hướng ôn hòa.

Một số thành phần trẻ đã phản kháng kết quả bầu cử. Theo thông tin chính thức của chính quyền thì có khoảng mười ngàn người biểu tình trên các thành phố lớn như Lyon, Nantes, Paris, Toulouse và Rennes và đã bị đụng độ với lực lượng Cảnh Sát. Các người phản kháng kết quả bầu cử đã đốt cháy, cho đến ngày hôm nay, 9.5.2007, khoảng 1.295 chiếc xe, và có khoảng 840 người bị bắt.
Bản thân tôi đã chứng kiến việc kiểm phiếu trong một làng nhỏ ở vùng quê. Sau khi kết quả được công bố, mọi người ra về trong im lặng, không ai tỏ một thái độ nào đáng ghi nhận.

Chính sách về người nhập cư của Tổng Thống Sarkozy có nhiều điểm quan trọng. Điểm thứ nhất là trong chương trình tranh cử, ông Sarkozy muốn thiết lập một cơ quan quản lý người nhập cư gọi là Bộ Di Dân và Nhân Diện Quốc Gia (ministère de l’Immigration et de l’Identité nationale), nhưng chưa có gì cụ thể về quyền hạn và trách nhiệm cũng như chương trình hành động, và các đạo luật mới của Bộ này.

Điểm thứ hai, ông Sarkozy đã đặt mục đích của chính sách di dân là trong thành phần nhập cư, các bậc cha mẹ phải có công ăn việc làm, mỗi đứa con phải theo một học trình giáo dục hay nghề nghiệp. (Les parents doivent avoir un emploi, les enfants doivent suivre une formation. Chacun devra avoir un emploi ou suivre une formation qualifiante).

Cũng theo chương trình tranh cử, ông Sarkozy sẽ cho thiết lập một mức định hạn chế nhập cư mỗi năm cho từng thành phần. Ông đòi hỏi những người muốn nhập cư vào Pháp sẽ phải có một trình độ thông thạo tiếng Pháp trước khi đặt chân lên nước Pháp. Việc nhập cư theo tinh thần đoàn tụ gia đình chỉ được chấp nhận khi người xin nhập cư có công ăn việc làm và có nơi chốn ở đủ để nuôi sống và đùm bọc toàn thể gia đình mà không xin trợ cấp xã hội.

Những người Việt Nam đã có quốc tịch Pháp, là công dân Pháp, bản thân sẽ không bị đụng chạm bởi chính sách nhập cư mới này. Tuy nhiên, nếu muốn xin bảo lãnh cho thân nhân, dù chỉ là xin nhập nước Pháp với tính cách du lịch, thì người đứng đơn, theo luật lệ hiện hành đã có và đang thực hiện, phải có nơi chốn ở cố định, rộng rãi, có thu nhập cá nhân đầy đủ. Có thể, thời gian tối thiểu để xin gia nhập quốc tịch Pháp, cho vợ hoặc chồng người ngoại quốc, sẽ được nâng cao.
 

Vòng một: 22 tháng 4 năm 2007

Dân số nước Pháp, tính cả các đơn vị hành chánh hải ngoại (DOM - départements d'outre-mer) hiện nay có 63.392.100 dân theo kết quả kiểm tra dân số 2007 ( 63.195.000 dân theo thống kê năm 2006).

Số dân có quyền bỏ phiếu là 44.472.834 người, tức là 70% tính trên tổng dân số (30% là thành phần thanh thiếu niên chưa đến tuổi trưởng thành và dân ngoại nhập không có quyền bầu cử và ứng cử).

Trên số dân có quyền bầu cử thì có 83,78% đi bầu năm nay, đưa cuộc bầu cử 2007 vòng một lên hàng một trong những cuộc tham dự mạnh nhất của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp. Số cử tri, ghi danh, nhưng không đi bầu chiếm 16,22% (28,4% trong năm 2002).
Số người bỏ phiếu trắng hay bất hợp lệ chiếm 1,44%.



Kết quả vòng một ngày 22 tháng tư năm 2007

  Số liệu  %
Ghi danh 44.472.834 100,00
Không đi bầu  7.218.592 16,23
Đi bầu 37.254.242 83,77
Phiếu trắng/bất hợp lệ     534.846   1,44
Phiếu hợp lệ 36.719.396 98,56
     
Ông François BAYROU  6.820.119 18,57
Ông Olivier BESANCENOT  1.498.581  4,08
Ông José BOVÉ    483 008  1,32
Bà Marie-George BUFFET    707.268  1,93
Bà Arlette LAGUILLER    487.857  1,33
Ông Jean-Marie LE PEN  3.834.530 10,44
Ông Frédéric NIHOUS    420 645  1,15
Bà Ségolène ROYAL  9.500.112 25,87
Ông Nicolas SARKOZY 11.448.663 31,18
Ông Gérard SCHIVARDI    123 540  0,34
Ông Philippe de VILLIERS    818 407  2,23
Bà Dominique VOYNET    576 666  1,57


  Như thế, trong vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 2007-2012 ông Sarkozy của đảng UMP thuộc phái hữu (11.448.663 phiếu, tức là 31,18 %) tranh quyền với bà Royal của đảng PS thuộc phái tả (9.500.112 phiếu, tức là 25,87 %).

Kết quả này cũng cho thấy rằng, một sự dồn phiếu cho hai ứng cử viên mũi nhọn đã hình thành. Người ta có thể tóm gọn lại rằng cánh tả đoạt 36,44 % số phiếu, cánh hữu đoạt 45 % số phiếu, thành phần trung lập chiếm 18,57% số phiếu.

Đồng thời cũng nhận thấy rằng lực lượng cánh tả bị phân tán thành nhiều đảng nhỏ, mà báo chí chế diễu là "ứng cử viên nhỏ" (petits candidats), bị phân tán phiếu và mất nhiều phiếu. Thí dụ như đảng Xanh (bà Voynet) chỉ có 1,57% số phiếu, hay đảng Cộng sản Pháp (bà Buffet) chỉ còn lại 1,93% số phiếu.

Qua chương trình tranh cử và những hứa hẹn đổi mới của họ, các ứng cử viên Tổng Thống đã chính thức thừa nhận một thực trạng xã hội với nhiều vấn đề cần phải giải quyết để giữ hòa bình nội địa, thí dụ như vấn đề hàng đầu vẫn là vấn đề miếng bánh mì manh áo (thất nghiệp), sau đó, mỗi ứng cử viên có một lựa chọn ưu tiên khác nhau để hứa hẹn đổi mới trong các lãnh vực: tiểu công nghệ, bình đẳng xã hội, giáo dục và nghiên cứu, cải cách guồng máy hành chánh, dân chủ, sức khỏe, hưu trí, công lý pháp luật, bình đẳng nam nữ, an ninh nội địa, ngoại giao và tương quan lực lượng thế giới, tôn giáo, xã hội, môi trường và sử dụng năng lượng.

Những thành phố hào nháng tráng lệ, những đường sá đầy ngập xe hơi kẹt cứng, những tiệm ăn đầy thực khách, những phi trường và nhà ga xe lửa tấp nập kẻ đi người đến, những cửa tiệm rất sang trọng với những món hàng rất đắt tiền, một đôi giầy giá 500 euros cũng có người mua, các siêu thị đầy ắp hàng hóa... tất nhiên không nói lên sự khó khăn của đa số dân chúng, vì nước Pháp là một trong những quốc gia thu hút nhiều du khách nhất thế giới và thượng tầng xã hội Pháp có sức tiêu thụ mạnh. Thành phố Paris vẫn xứng đáng là một trong những trung tâm văn hóa, kinh tế và chính trị hàng đầu thế giới.

Nhưng nếu sống gần gũi với người dân thường và hiểu những khó khăn hàng ngày của họ thì cái nhìn có khác đi. Hòa bình xã hội cần phải được xây dựng trên một nền tảng cân bằng xã hội, dù là tương đối. Mỗi gia đình thuộc hạ tầng cơ sở, nếu chỉ là một tập hợp của ba thế hệ, đang phải đương đầu trực tiếp mỗi ngày với nhiều khó khăn thực tế:

- vấn đề lương hưu quá thấp của những người già đã lao động mấy chục năm trời (lương hưu căn bản đòi hỏi phải lao động trong suốt 160 tam cá nguyệt, tức là 40 năm lao động ) không đủ để trả phí tổn viện dưỡng lão (thí dụ như lương hưu chỉ có 750 euros, mà tiền trả một tháng cho viện dưỡng lão là 1.300 euros),
- vấn đề giáo dục: năm học bị cắt ra làm nhiều mảnh nhỏ, quá nhiều ngày nghỉ, nghỉ hè quá dài, (nếu cha mẹ đều phải làm việc và ít tiền thì con cái bị bỏ lúng lêu bêu), trình độ các cấp và các hệ thống quá chênh lệch
- vấn đề tuổi trẻ (trên nguyên tắc, thành phần trẻ, dù đã trưởng thành theo pháp lý, từ 18 đến 26 tuổi vẫn còn phải được cha mẹ trợ cấp cho ăn học, nhưng nếu cha mẹ không đủ sức thì thành phần này rất bị thiệt thòi, phải vừa lao động vừa học, khó khăn rất cao, hoặc phải bỏ học, hay đi học nghề hoặc thất nghiệp),
- vấn đề thất nghiệp (nếu cả hai vợ chồng đều thất nghiệp, phải xin trợ cấp xã hội, thì đời sống thiếu thốn vì giá sinh hoạt kể từ khi chuyển sang đồng euros tăng cao, khả năng tiêu thụ của họ bị giảm nhiều)
- vấn đề nhà ở, giá thuê nhà tháng 4 năm 2007 tăng 3,19% so với tam cá nguyệt cuối của năm 2006, thiếu nhiều nhà cho thuê giá rẻ hoặc cư xá sinh viên, giá điện, nước cao
- vấn đề di chuyển, giá của các phương tiện di chuyển công cộng cao so với túi tiền của dân, giá xăng nhớt cho xe cộ tăng chứ không giảm ( tháng 5/2002 giá một lít dầu diesel là 0,76 euro, tháng 5/2007 là 1,042 euro, tức là tăng giá 37%)

Mức lương căn bản tối thiểu theo luật định (SMIC) hiện nay là 8,27 euros/giờ, hoặc 1.397,63 euros/tháng cho 169 giờ lao động. Trên số lương này người dân còn phải trả tiền thuế thu nhập cá nhân và đóng tiền vào các quỹ bảo hiểm xã hội, thí dụ như bệnh tật và hưu trí, cho nên đời sống của những gia đình chỉ kiếm được mức lương tối thiểu rất eo hẹp.
Nhưng cái bức xúc nhất trong các gia đình là viễn ảnh không có tương lai cho giới trẻ và tình trạng giảm thu nhập tối đa, giảm sức tiêu thụ vì thất nghiệp.

Dân Pháp, đầu tiên hết, rất yêu tự do. Tự do đối với họ là trên hết. (Chuyện dài về chế độ thực dân Pháp tại các thuộc địa cũ xin để khi khác sẽ bàn riêng). Sau đó là công bằng. Công bằng và công lý là điều người Pháp đòi hỏi ở chính quyền đang cai trị phải thực thi trên đất Pháp. Và thứ ba là bác ái. Bác ái – mang mầu sắc tôn giáo - là điều người Pháp mong đợi cũng như kêu gọi ở nhân dân, khi hành xử với nhau. Ba chữ - ba giá trị đạo đức này: Liberté, Égalité, Fraternité - đã được phất lên với ba mầu cờ xanh, trắng, đỏ và quốc hiệu Cộng Hòa Pháp.


Trước 40.000 người trong sân và 20.000 người chen chúc trong các đường phố chung quanh sân vận động Charléty ở phía Nam Paris để tham dự mít ting ngày Lễ Lao động quốc tế 1 tháng 5, bà Ségolène Royal – sau lưng là một lá cờ ba mầu xanh, trắng, đỏ vĩ đại, đã cất tiếng hỏi toàn thể:
" Mọi người có muốn một nước Pháp với Tự Do, Công Bằng và Bác Ái hay không ?"

Ông Jean Marie Le Pen, phái hữu, người đã lọt vào vòng hai trong kỳ bầu cử năm năm trước đây, thì kêu gọi cử tri đã bầu cho ông, tẩy chay cuộc bầu cử, không bỏ phiếu cho bà Royal cũng như ông Sarkozy.

François Bayrou, người đã đạt được một số phiếu kỷ lục của chính ông: 6.820.119 phiếu, tức là 18,57 % theo kết quả chính thức 2007 (so với năm 2002 Bayrou chỉ thâu được 1.949.170 phiếu, tức là 6,84%), về hàng thứ ba, đã mở ra một góc nhìn mới trên chính trường.
Trên tinh thần "không hữu, không tả" (ni droite, ni gauche) như đã kêu gọi cử tri, Bayrou từ chối không kêu gọi cử tri dồn phiếu cho ai trong vòng hai, theo ông, mỗi cử tri có quyền tự do quyết định. Nhưng số phiếu quan trọng của ông, số phiếu của gần 7 triệu cử tri, quyết định số phận của bà Royal và ông Sarkozy.

Có phải chỉ là đơn thuần một sự tranh chấp cổ điển giữa cánh hữu và cánh tả hay không ? Ngay cả ông Daniel Cohn-Bendit, người đã từng lãnh đạo phong trào phản kháng của sinh viên năm 1968 tại Paris, hiện nay vẫn tham gia chính trị tại Đức, đã vội vàng tuyên bố, cái trung lập của Bayrou không giống cái trung lập cực đoan (liberal) của đảng FDP tại Đức, thực chất là thiên hữu.

Cử tri bầu cho Bayrou để nói lên cái thất vọng của mình về sự cai trị của hai cánh tả cũng như hữu, một khi nắm quyền chính trong tay. Trung lập không có nghĩa là bị đầu độc hay ảo vọng.
Họ không muốn sử dụng con đường cổ điển, chỉ chấp nhận hoặc là mèo trắng, hoặc là mèo đen, mà hy vọng với lá phiếu họ sẽ đem những người có khả năng thật sự và có một cách nhìn dung hòa lên nắm chính quyền để giải quyết các khó khăn cho dân chúng. Ngay những người của trường phái de Gaulle chính thống vẫn thường nói, họ không thuộc tả cũng như không thuộc hữu, mà yêu nước theo tinh thần quốc gia và sẵn sàng hợp tác với cả hai phía.

Ngày 4 tháng 5 ông François Bayrou đã tách rời khỏi đảng UDF và thành lập một đảng mới mang tên "Phong trào Dân Chủ" (Mouvements démocratiques).

Dân chúng chưa quên rằng, đảng UDF là do Giscard d‘Éstaing sáng lập, người đã mất tín nhiệm của dân chúng qua chính sách "Hiến Pháp Âu Châu" (Constitution Européenne), mà dân Pháp đã bỏ phiếu bất tín nhiệm trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 29 tháng 5 năm 2005 với tỷ lệ chống (non) là 54,87%.

Dân chúng cũng chưa quên những thất vọng đối với chính quyền do ông Lionel Jospin (đảng Xã Hội, PS) làm Thủ Tướng lãnh đạo trong năm năm từ 2 tháng 6 năm 1997 đến 6 tháng 5 năm 2002. Cũng vì thế khi tranh cử Tổng Thống năm 2002 ông Jospin, chỉ đạt được 4.610.113 phiếu (16,18%, và bị loại ngay trong vòng một .

Vì trong đời sống thực sự của năm 2007, người dân thường hỏi nhau: Tự do ở đâu ? Công bằng ở đâu ? và Bác ái ở đâu ? Bất công xã hội bắt đầu từ đâu ?
Bất công xã hội xuất phát từ nhiều nguồn gốc - chính trị, kinh tế, luật pháp, văn hóa, v.v. – và đa dạng. Nước Pháp không phải là một nước không có luật lệ. Câu viết này thật ra là thừa thãi, chính vì nước Pháp có rất nhiều luật lệ để quản lý nhân dân. Nhưng tại sao trong một nước dân chủ và quê hương của "quyền con người" là nước Pháp có nhiều bất công về mặt sử dụng và thi hành luật pháp gây ra nhiều bất mãn trong dân chúng ? Chúng ta đang ở năm 2007, nhưng tình trạng "miệng nhà sang có gang có thép" trước cửa quan và cửa quyền vẫn phổ biến. Người ta có thể lý luận rằng, công lý một trăm phần trăm là không có, là ảo tưởng. Nhưng đối với bất công thường nhật thì sao ?

Trong một xã hội gọi là dân chủ, dù là người dân thấp cổ bé miệng tìm cách nói lên tiếng nói của mình qua các cuộc hội họp cơ sở của các đảng phái chính trị, qua công đoàn, trong một vài công sở, qua nhưng hội cứu trợ hay cố vấn xã hội đủ mọi mầu sắc như các hội bảo vệ trẻ em, bảo vệ phụ nữ... vân vân và vân vân, nhưng con đường duy nhất của dân chúng để (hy vọng) giải quyết bất công trong đời sống hàng ngày là bị bắt buộc phải thông qua guồng máy tư pháp do chính quyền đương nhiệm tổ chức và quản lý. Người Đức thường nói: "Recht haben ist eine Sache. Aber Recht bekommen ist teuer !" (Có lý là một chuyện. Nhưng muốn được có lý thì rất tốn kém !) theo cả hai nghĩa, vừa tốn nhiều tiền vừa hao tổn tinh thần nặng nề, và không phải là không có ít nhiều mất mát. Câu nói này cũng đúng cho tình trạng của nước Pháp. Bất công bắt đầu khi người dân có vấn đề phải nhờ đến luật pháp can thiệp mà không được giải quyết một cách công minh.
Lý luận rằng, tư pháp với tính cách độc lập, không thể bị các thế lực khác can thiệp hay chi phối, để bảo vệ công lý là một lý luận thúc đẩy người dân, muốn có công lý thì phải ra Tòa, và quan Tòa là Công lý, trong khi nhiều nhân vật quan trọng của chính quyền hay trong lãnh vực chính trị thì được guồng máy tư pháp che chở.
Trong các chương trình ứng cử không một ứng cử viên Tổng Thống nào đi vào đề tài cải tổ guồng máy tư pháp một cách chi tiết. Âu cũng là điều dễ hiểu, vì người dân không ai biết chính xác, con số thành phần luật sư/luật gia trong Quốc Hội, Thượng Nghị Viện, các cơ quan quyền lực, các "lobbys", các đảng phái ... và ảnh hưởng của họ lên vấn đề cai trị đất nước là bao nhiêu.

Cái nhìn hiện nay tập trung vào sự hứa hẹn trong chủ đề "Lao động tối đa" (Plein-emploi, Vollbeschäftigung) của Tổng Thống Sarkozy, mỗi người dân phải biết giá trị lao động, góp sức lao động, không được ngồi chơi xơi nước hay ăn bám, và sẽ có công ăn việc làm, sẽ được thực hiện trong năm năm tới.

© Mathilde Tuyết Trần, Lataule 2007
 

Đăng lần đầu ngày 07/05/20007,

Bổ sung thêm ngày 10/05/2007


Nguồn tham khảo:


· Các dữ liệu của INSEE (Viện Thống Kê Pháp, Institut National de la Statistique et des Études Économiques)
· Các văn kiện công bố chính thức của Bộ Nội Vụ Pháp (Ministre de l‘Intérieur et de l‘Aménagement du Territoire)
· Các văn kiện công bố chính thức của Bộ Kinh Tế, Tài Chánh và Kỹ Nghệ (Ministère de l'Économie, des finances et de l'industrie)
· Tạp chí Spiegel – CHLB Đức
· Báo chí – truyền thanh và truyền hình
· Chương trình ứng cử của các ứng cử viên 2007
 

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Mathilde Tuyết Trần