Những bài cùng tác giả
 Ngay sau vụ 9-11, một bài viết trên tuần báo Time nêu lên cùng một câu hỏi
của hai thanh niên 17 tuổi, một Mỹ và một Middle East. Câu hỏi đầy ngạc
nhiên và sợ hãi “Tại sao họ ghét chúng ta”, ”Why they hate us?” Sau đó, người
Mỹ đổ xô tìm hiểu về miền Middle East, nơi họ tin vừa gửi đến cho họ một quà
tặng đẫm máu: vụ 9-11-2001. Tiếng Việt dùng chung chữ “Hồi” cho nhiều ý niệm: Hồi giáo/Islam, người
Hồi/Muslim hay Hồi quốc/Pakistan. Theo tiếng Trung Hoa, ý niệm Hồi Hột, Hồi
Hồi ám chỉ mạn bắc của Trung Hoa từ năm 616 đến 840, lúc bước chân người Hoa
chưa ra khỏi Ngọc Môn Quan và Nhạn Môn Quan. Về sau, ám chỉ luôn cả người và
khu vực Trung Á/Central Asia. Do đó, Hồi Hồi này không là “Hồi Hồi” ở miền
Trung Đông/Middle East. Middle East là một vùng đất khác, cực kỳ đa dạng về ngôn ngữ, sắc tộc, niềm
tin, văn hoá, mỹ thuật… Không phải người ở vùng Middle East đều theo Islam,
hoặc người Pakistan đều là Muslim, hoặc tất cả người Muslim đều là.… khủng
bố. Theo tiếng Arabic, “Islam”để chỉ tôn giáo, “Muslim”để chỉ người theo
Islam. Trước 1975 ở Saigon có một thánh đường Islam ở khu Chợ Cũ. Từ Phan
Rang đến Châu Đốc đều có cộng đồng người Chăm Muslim. Theo cựu tổng thống Jimmy Carter/Nobel Hòa Bình 2002, lịch sử chứng minh
những thế lực đối chọi ở Trung Đông luôn cần đến trung gian, Hoa Kỳ chính là
thế lực này. Mới đây, ngày 22 tháng sáu, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã
khơi dậy sự bực tức và tò mò nơi thế giới Islam và không-Islam bằng lời phát
biểu của ông đọc trước quốc hội Pháp. Ông không chấp nhận tấm khăn choàng
burqa của phụ nữ Muslim, coi đó như giam cầm trói buộc họ. Cả hai suy nghĩ trên rập theo thói quen của người da trắng quen định đoạt số
mệnh của người khác dù có hay không đuợc yêu cầu. Ông Sarkozy quên rằng
chính người Anh/Pháp phải chịu trách nhiêm trực tiếp băm vằm miền Middle
East theo quyền lợi chia chác của họ sau Thế Chiến I. Sự sát nhập/thành lập
một số miền - Iraq, Kuwait, Palestine, Israel- bất kể sự khác biệt sâu xa cả
ngàn năm về tôn giáo, sắc tộc, văn hoá và lịch sử, gây bao đau thuơng và
là mầm mống cho sự giận dữ gây nên bất ổn cho toàn vùng mãi đến bây giờ. Lãnh đạo quốc gia, ông Sarkozy có thể không chấp nhận tấm burqa về phương
diện an ninh, nhưng không đuợc quyền quyết định một điều chỉ người phụ nữ
Muslim mới có: “khăn choàng có giam cầm trói buộc phụ nữ Muslim” không.
Không ai có thể trả lời thay cho họ vì mỗi sắc dân có những tư duy văn hoá
riêng. Ví dụ những bức ảnh trên người không một manh vải cuả phu nhân tổng
thống Sarkozy, khi còn là một người mẫu đang chạy tứ tung trên internet
không hề gây khó chịu nơi người Pháp, tuy điều này chắc chắn không thể chấp
nhận ở nước Mỹ. Trong cuốn The Middle East, tạp chí Time ấn hành năm 2006,
phụ nữ Muslim cho rằng chính niềm tin tôn giáo đã giải phóng họ. Tấm áo
choàng che kín mặt mũi họ chính là biểu tượng của tự do, che chở họ khỏi dục
vọng của đàn ông, và là niềm hãnh diện Islam. Tổng thống Sarkozy cũng có thể từ chối người Muslim nhập cảnh. Nhưng nếu
nhận sự có mặt và phần đóng góp của họ vào nước Pháp, tại sao kỳ thị y phục
của họ? Bộ áo không làm nên thầy tu, bộ áo cũng không làm nên khủng bố. Cấm
burqa không có nghĩa là tiêu diệt hết nguyên nhân sâu xa của khủng bố, bất
ổn. Câu trả lời nằm trong câu hỏi của Hugo Grotius, cha đẻ môn Luật Quốc Tế
“Không biết loài người nằm trong tay khoảng một trăm người, hay một trăm
người này thuộc về loài người”. Ông nghiêng về ý kiến thứ nhất: loài người
như những bầy thú vật đựơc một ông chủ cao quí chăn dắt, ngả thịt khi cần. Một thoáng lịch sử
Tấm khăn choàng không phải chỉ độc quyền nơi người Muslim. Phụ nữ Hy Lạp
thời cổ đều đội khăn. Ở châu Âu, mãi đến năm 1175, phụ nữ có gia đình đều
đội khăn che kín tóc và cổ. Mãi đến thời Tudor (1485-1603) mới chế ra mũ,
gọi là hood, chùm đầu và cổ. Cô dâu thời La Mã đội khăn màu cam, màu của lửa
che chở cô dâu khỏi ma quỉ. Ngày xưa các trinh nữ châu Âu để tóc dài. Cô nào
kém tóc, thay thế bằng tấm khăn dài đến lưng. Chú rể là người mở khăn cô
dâu, như chứng nhận sự trinh tuyền và hứa hẹn trước mặt gia đình sẽ yêu
thuơng và bảo bọc cô đến trọn đời.

Đám cưới Queen Victoria với Prince Albert ngày 10/02/1840 . Tranh của Sir Georges
Hayter Nữ Hoàng Victoria (1837-1901) mặc áo cưới trắng, choàng khăn trắng làm cả
châu Âu bắt chước “white wedding”. Sau khi hoàng tế Albert mất, nữ hoàng
Victoria không trang điểm. Khi cần phải xuất hiện, bà đội một chiếc mũ vải
khiêm nhường. Đó là chiếc bonnet, khai sinh ra nhũng chiếc mũ vải xinh xắn
sau này.
Ở Spain, cô dâu choàng mantilla ren trắng từ đầu đến chân không khác burqa
của Muslim. Phụ nữ đi nhà thờ phải choàng mantilla đen. Tờ Life lưu giữ ảnh
Bà Ngô Đình Nhu đang đọc kinh, đẹp quí phái dưới tấm mantilla đen dài đến
lưng. Khắp thế giới, khăn voan trắng hay voan đen đều bắt nguồn từ ý niệm
Islam. Ngay cả mảnh áo dài hững hờ may bằng hàng mousseline mỏng như giọt
mưa một thời bay lượn phố phường Saigon, cũng từ Islam. Mosul, thành phố lớn thứ nhì sau Baghdad, nổi tiếng về nghệ thuật dệt những
chiếc khăn lụa mỏng che mặt cho giói quí tộc Muslim. Khăn lụa Mosul nổi
tiếng trong thế giới Ả Rập với truyện Ngàn Lẻ Một Đêm. Mỗi đêm, người đẹp dở
khăn lụa Mosul viền vàng, hai mắt to đen hình trái olive, môi ngọt như trái
chà là kể cho vua nghe một câu chuyện huyền bí theo phong cách Ả Rập sâu
sắc, ly kỳ, mà tới giờ vẫn không chuyện cổ tích nào có thể thay thế đuợc. Từ 1600, Âu châu du nhập khăn Musol. Tiếng Pháp: mousseline, tiếng Ý:
mussolino, tiếng Tây Ban Nha: muselina, đều có gốc từ chữ Mosul. Mosul ở Âu
châu dệt bằng bông vải, về sau rayon mỏng hơn nhưng không bao giờ đạt đuợc
vẻ mềm mại bóng bẩy của khăn lụa Mosul. Mosul bây giờ chỉ còn là đống gạch
vụn thê thảm đầy bom đạn, kể từ năm 2003 khi tổng thống Bush thừa lệnh phó
tổng thống Dick Cheney mang quân chiếm Irak tìm “vũ khí tàn sát tập thể”.


Hoàng hậu Marie Antoinette (1755-1793) Thế kỷ 18, ở Pháp, khăn choàng và mũ không còn ý nghĩa che chắn hay bảo vệ
nữa. Madame de Pompadour (1721-1764), người tình của vua Louis XV, chỉ quấn
một khăn hoa cùng màu với bộ váy. Hoàng hậu Marie Antoinette (1755-1793)
gắn trên đầu những chiếc mũ diêm dúa cắm đầy đăng ten hoa lá lông chim đuôi
chồn trông như một sở thú nho nhỏ. Kinh thành Paris rộn ràng vui dưới lớp
váy xoè sột soạt và mũ đủ mầu đủ kiểu. Ở châu Phi, cuộc sống du mục ruổi rong qua sa mạc đầy gió cát, đàn ông đàn
bà đều khoác áo choàng rộng phủ từ đầu đến chân. Một phim tài liệu chiếu
cảnh nhà gái đưa dâu trên lưng ngựa băng ngang qua cồn cát. Ai nấy phủ kín
mít giống nhau đề phòng cô dâu bị phục kích bắt cóc giữa đàng. Ngày nay,
tổng thống Obama tuy di chuyển trên trời, nhưng cũng áp dụng chiến thuật
này: cả hai chiếc Air Force I và Air Force II đều bay một lượt. Phụ nữ miền Central Asia có nơi không choàng khăn, nhưng quấn nhiều tấm vải
đủ mầu với nhau trên đầu như một turban. Ở Việt Nam, mỗi sắc tộc đều có khăn đội đầu. Đơn sơ nhất là khăn mỏ quạ của
dân tộc Kinh đồng bằng: khăn vuông gấp chéo, màu đen nhuộm bằng bùn. Đẹp
nhất là khăn Piêu của sắc tộc Thái miền núi. Các noọng dệt Piêu, thêu chỉ đỏ
chỉ hồng cho ngày hội tung còn. Ở miền Trung, hình như các bà các cô ít đội
khăn, ngoại trừ trời lạnh. Đàn ông đàn bà người Chăm đều đội khăn. Ở trong
Nam, các bà phong lưu khoác khăn lụa có in bông lớn gấp chéo choàng sau lưng
thắt nút trước ngực trông rất sang. Người bình dân dùng khăn rằn che nắng,
kéo chùi quết trầu hay xuống sông tắm quấn ngang ngực đặng tôm cá khỏi giựt
mình. Theo Cựu ước của Do Thái, Rebekah, cháu gái của Abraham - ông tổ chung của
ba tôn giáo Do Thái/Muslim/Ki Tô - đi gặp vị hôn phu Isaac, nàng không che
mặt. Lúc Isaac lại gần nàng kéo khăn che kín. Sau khi đuợc tu sĩ chúc phúc,
Isaac mới mở khăn ra. Tấm khăn như một khoảng cách cần thiết bảo vệ cô gái
cho đến khi thuộc hẳn về chồng. Cựu ước cũng ghi Jacob gặp Rachael đang chăn cừu liền xin cưới nàng. Ông bố
Labab ra điều kiện Jacob phải làm việc cho ông 7 năm. Ngày cưới, ông Labab
đánh tráo cô chị Leah, lớn tuổi hơn cô em Rachael. Leah chùm khăn kín mít
nên Jacob không hay. Sau đó, ông nhạc Labah rủ rê nếu Jacob chịu làm không
công thêm 7 năm nữa, ông sẽ gả nốt Rachael. Jacob đồng ý, nhưng lần này cẩn
thận giở khăn che mặt, kẻo không có thể lại bị ông già xí gạt uổng đời trai
chăn cừu thêm 7 năm nữa không chừng. Từ đó mới có tục chú rể mở khăn che
mặt. Có lẽ người Do Thái buôn bán khôn ngoan và giỏi chính trị nhờ kinh
nghiệm bố vợ truyền từ Cựu Ứơc. Ai bảo chăn cừu là khổ?
Riêng tại Middle East
Tấm khăn choàng là truyền thống, không phải định chế tôn giáo. Với người
Muslim, đàn ông phải có râu đàn bà phải có khăn. Khăn choàng đã có từ thời
Assryria với nền văn minh Lưỡng Hà. Tương truyền, vì hoàng hậu quá đẹp nên
trước khi ra trận, vua buộc bà và nguyên một dàn cung nữ phải đội khăn che
kín mặt. Từ đó, chỉ hoàng gia mới đuợc che mặt. Về sau, dân dã mới bắt
chước. Ngoài những lý do khác, phụ nữ Muslim lưu giữ tấm khăn choàng có thể
vì hãnh diện với huyền thoại này. Theo một huyền thoại khác, thời
tiền-Islam, trước khi chiến binh ra trận, phụ nữ khuyến khích họ bằng cách
để ngực trần. Sau Islam, hệ thống tâm linh thay đổi, phụ nữ choàng khăn kín
đáo. Duy có nơi vẫn để ngực trần, như một số bộ tộc ở châu Phi.
 Khăn chứng tỏ vưong quyền nhất là khăn của những vị vua Ai Cập đã có từ
nhiều ngàn năm trước Công Nguyên. Khăn kết bằng đá quí, vàng bạc tỏ sự giàu
sang hay quyền uy chói lọi, trên trán có hai con rắn tuợng trưng cho lửa.
Khăn của Cleopatre, nữ hoàng Ai Cập cuối cùng (69- 30 BC), đính đầy đá quí
emerald. Elizabeth Taylor đóng vai Cleopatre, là nguòi Do Thái 100%.
Trước khi có Islam, giá trị phụ nữ Middle East còn kém gia súc. Vào thế kỷ
thứ bẩy, kể từ khi thiên sứ Muhammed rao giảng Islam, thân phận phụ nữ thay
đổi sâu xa. Islam đình chỉ việc coi họ là món hàng của dục tình, cho phụ nữ
đuợc quyền thừa kế, cấm không đuợc chôn sống bé gái và coi nền giáo dục cho
các em gái là một điều thiêng liêng. Theo tác giả Từ Công Nhượng, người
Muslim dâng tặng ông là “thiên sứ Muhammed”, tiếng Việt trước đây gọi ông là
“thánh Muhammed” hay “tiên tri Muhammed” không hợp với vai trò của ông, vốn
là sứ giả của thượng đế, đấng Allah. Hijab tiếng Arabic có nghĩa tấm màn, che chắn, trú ẩn. Theo nghĩa Muslim có
nghĩa “khăn che đầu và áo phụ nữ.” Hijab là khăn vuông đủ mầu, che tóc và
cổ, cho cả nam lẫn nữ. Kinh Qur’an không hề qui định phải choàng khăn. Duy
có lần thánh Gabriel mặc khải với thiên sứ Mahammed “Vợ ngươi cần phải y
phục đoan trang”. Cũng cần nói thiên sứ Muhammad có năm vợ từ nhiều bộ tộc
nên y phục có thể khác nhau. Sự nhắc nhở trên có thể chỉ nhằm riêng cho vợ
của Mohammed vì bà phải làm gương trước. Theo giáo sư Sushila Singh/Banaras Hindu University ở Varanasi, Ấn Độ, Hijab
là phẩm giá cao trọng cuả phụ nữ, tấm khăn Purdah che chở phẩm giá ấy. Phụ
nữ Ấn đuợc chọn lựa có choàng hay không, choàng khăn trên đâù hay chỉ khoác
hững hờ qua vai
Khăn niqab che kín đầu cổ và mặt, chỉ hở mắt, ông Jack Straw, Bộ Trưởng Bộ
Tư Pháp nước Anh không muốn phụ nữ Muslim dùng khăn này. Khăn burka là loại
kín mít che từ đầu đến chân, chỉ để hở một mạng lưới nhỏ ở mắt, thường thấy
ở vùng Bắc Afghanistan. Loại thông dụng nhất là al-amira gồm 1 mũ và một khăn quấn cổ, Khăn shayla
là một miếng vải dài hinh chữ nhật quấn quanh đầu và chung quanh vai. Phụ nữ
vùng Vịnh thích loại này Khăn khimar gồm một khăn dài che tóc, cổ và vai, để lộ mặt; và áo rộng dài
tới chân. Người phụ nữ Middle East nổi tiếng phủ khimar chính là Đức Mẹ
Maria. Áo dòng của Ki Tô giáo thuộc cả hai giáo hội Phương Đông (Hy Lạp) và
Phương Tây (La Mã) từa tụa như khimar, màu đen, trắng, nâu, xanh da trời.
Khăn chador phủ toàn thể thân hình, phụ nữ Iran thường khoác khi đi ra
ngoài. Những bức tuợng Iran xưa hàng ngàn năm cho thấy có người đội khăn có
người không. Sau cuôc biểu tình đẫm máu ở Iran hai tuần trước, Neda ngã xuống, cổ họng
phun máu con mắt mở lớn kinh hoàng. “Họ đã giết Neda, nhưng không diệt đuợc
tiếng nói của cô, Neda là chị em, là con gái của mọi người, là tiếng nói
khát vọng của tự do”. Ngày 22-6 “Reza Pahlavi, hoàng thái tử của triều đại Iran cuối cùng, nói với
phóng viên AFP ở Washington “Neda sẽ là con gái tôi. Neda sẽ luôn ở cùng
chúng tôi”. Trong ví tay, ông giữ tấm ảnh Neda choàng khăn trong cùng ngăn
với hình ảnh vợ con ông. 70 năm trứơc, phụ nữ Muslim tranh đấu để bỏ tấm khăn choàng. Ngày nay, khi
Islam ngày càng quay lại với truyền thống ngàn xưa, liệu phụ nữ Muslim sẽ
vùng vẫy như phụ nữ phương Tây, hay sẽ vĩnh viễn dấu mình dưới tấm khăn
choàng ấy? Ước vọng Muslim năm 2009 sẽ đơn thuần chỉ là việc giữ lại hay
bãi bỏ tấm khăn choàng? Hay khát vọng cháy bỏng đòi hỏi quyền được làm người
tự do “sẽ cất cánh vượt lên tận cõi thiêng liêng vươn xa hơn cả tấm mạng che
phủ đất trời”(2) ? trần thị vĩnh tường, 25 tháng Sáu, 2009 ----------------------------------------------------- (1) Âm Duơng Trong Islam - Từ Công Nhuợng- Tủ Sách Tìm Hiểu
Islam/California 2004 (2) The Veil - Farid al-Din 'Attar (1142-1221), thầy thuốc, lý thuyết gia,
nhà thần học, thi sĩ lớn nhất của xứ Iran. Khi người Mông Cổ xâm lăng Iran,
ông bị họ chặt đầu vì nhạo báng họ. Ông đuợc chôn trong ngôi nhà mồ tuyệt
đẹp cẩn đá turquoise ở Nishapur, Iran
©
http://vietsciences.free.frr
và http://vietsciences.org
Trần thị Vĩnh-Tường
|