Những bài cùng tác giả
Hồ Nước Mặn Lớn (Great Salt Lake) là tên một hồ nước mặn rộng lớn ở phía bắc của
bang Utah (Hoa Kỳ). Thủ phủ của bang này là Thành phố Hồ Muối (Salt Lake
City). Đây là hồ muối rộng nhất của tây bán cầu, rộng thứ tư trong các hồ
kín trên thế giới và là hồ nước rộng thứ 37 trên Trái đất. Hồ có tổng diện
tích mặt nước bình quân là 4 400 km2. Nhưng có năm chỉ là 2 460
km2 (1963), và cũng có năm rộng tới 8 500 km2 (1987).
Chiều dài của hồ khoảng 120,7 km và chiều rộng 56,3 km. Từ thành phố Salt
Lake City đến hồ phải đi ô tô khoảng 70 km nhưng đường rất đẹp và phải trả
tiền trước khi vào khu vực Khu Bảo tồn thiên nhiên này của bang Utah. Cả một
vùng rộng lớn đồi cỏ trên các đảo và bán đảo quanh hồ không có dân cư sinh
sống, chỉ có cỏ dại và một khu hệ động vật rất đặc trưng.

Hình lấy từ Google Earth

Vị trí
của Hồ Nước Mặn Lớn tại bang Utah

Đây là loại hồ
nội sinh (endorheic) nghĩa là chỉ nhận nước từ ba nhánh sông Jordan, Weber
và Bear và bốc hơi, chứ không chảy tiếp đi đâu hết. Hàng năm ba nhánh sông
này đưa vào hồ khoảng 1,1 triệu tấn chất khoáng và vì vậy độ mặn của hồ cao
hơn nhiều so với nước biển. Hiện nay độ mặn đo được ở vịnh Gunnison của hồ
này là 28% muối (!).Ở vịnh Gilbert độ mặn ít hơn cho nên nồng độ muối chỉ
khoảng 11% (1997) hoặc 15% (1995). Thành phần muối khoáng trong hồ chủ yếu là
muối ăn (NaCl), chỉ có thêm một lượng nhỏ MgSO4, K2SO4
và Na2CO3...Tổng lượng muối có chứa trong hồ này ước
chừng khoảng 4,5-4,9 tỷ tấn (!) và ngành công nghiệp mỗi năm khai thác từ hồ
này được khoảng 2,5 triệu tấn muối ăn và các muối khoáng khác. Chính vì mặn
như vậy cho nên trong hồ không có con cá nào sống được. Ngược lại sinh vật
sống chủ yếu trong hồ là các vi khuẩn lưu huỳnh tự dưỡng quang năng. Chúng
có màu đỏ -tía (red-purple) rất đặc trưng. Sinh khối của vi khuẩn này ở vịnh
Gunnison ước tính phải có tới 180 nghìn đến 2 triệu tấn (!). Từ trên máy bay
có thể màu đỏ-tía của nước hồ. Một nhóm động vật không xương sống là loài
Artemia franciscana (còn gọi là Tôm mặn- Brine shrimp - hay Khỉ
biển-"Sea Monkey”) thuộc lớp Tôm cua (Crustacea) rất phát triển trong
Hồ Nước Mặn Lớn. Ở đáy hồ còn có khá nhiều các Tảo silice (Diatoms) hoặc Vi khuẩn
lam (Cyanobacteria) sinh sống. Trong hồ còn có những loài tảo ưa mặn , điển
hình nhất là loài
Dunaliella salina, một loài tảo rất giàu beta-carotene . Chúng đều
là thức ăn cho các Artemia trưởng thành. Artemia thường chết vào tháng 12 vì
thiếu thức ăn và vì nhiệt độ nước thấp tới 30C.
 
Loài Artemia franciscana.
Tảo
Dunaliella salina
Artemia
trưởng thành thường nổi lên thành các vệt màu nâu trên mặt hồ, và chúng
chính là thức ăn cho các loài chim.
Vì có nhiều thức
ăn thích hợp nên ở vùng này có khá nhiều loài chim khác nhau. Các nhà khoa
học cho biết tại vùng hồ này có khoảng 2-5 triệu chim bờ biển (shorebirds),
trong đó có khoảng1,7 triệu chim thuộc chi Podiceps , vài trăm ngàn chim
thuộc họ Anatidae. Trong số này nhiều nhất là loài Phalaropus tricolor
(trên 500 000 con), loài Phalaropus lobatus (trên 280 000 con),
loài Recurvirostra americana (trên 250 000 con), loài Larus
californicus (trên 160 000 con), loài Pelecanus erythrorhynchos
(trên 18 000 con)...
 
Loài
Recurvirostra americana

Loài
Phalaropus tricolor

Chim thuộc chi
Podiceps

Loài Larus californicus

Loài Pelecanus erythrorhynchos
Đặc biệt thú vị là vùng ven Hồ
Nước Mặn Lớn đang được bảo tồn rất nhiều loài bò rừng Bizon, tên khoa học là
Bison bison. Đó là loài bò rừng to khỏe và rất hiền lành mà du khách có
thể gặp rất nhiều trên đảo Antelope, hòn đảo lớn nhất trong số 9 hòn đảo của
Hồ Nước Mặn Lớn. Ai đến tham quan hồ này đều muốn tận mắt nhìn thấy loài động
vật quý hiếm đang được bảo quản rất nghiêm ngặt ở đây. Chúng có chiều dài
khoảng 3m, cao 2m, nặng khoảng 410-1000 kg, con lớn nhất có thể nặng tới
1130 kg. Mỗi con có hai sừng nhọn, cong và rất ngắn . Có nhiều mô hình bò
rừng Bizon bằng nhựa để du khách chụp hình làm kỷ niệm.
 
Ngoài bò rừng Bizon trên đảo
ven hồ có có nhiều hươu nai hoang dại cũng được bảo quản chặt chẽ để ngăn
chặn việc săn bắn. Có khi gặp chúng đi lững thững trên đường ô tô. Đây là
một điển hình về tình hình bảo vệ chặt chẽ các động vật hoang dã trong các
Khu bảo tồn thiên nhiên ở Mỹ
 
Vì Hồ Nước Mặn Lớn có nồng độ muối
cao nên khi tắm thấy cơ thể rất dễ nổi lên và không ít khách du lịch, nhất
là trẻ em rất thích đến tắm ở hồ này.
.
Thiên nhiên không chỉ tạo ra
phong cảnh kỳ thú của Hồ Nước Mặn Lớn ở Utah mà chính nhờ có hồ này mà cải thiện
được rất nhiều cho điều kiện khí hậu của cả miền bắc bang Utah, nhất là khí
hậu của thủ phủ bang là Salt Lake City.
|