Khoa học Việt Nam đang ở đâu?

Vietsciences- Nguyễn Văn Tuấn             18/10/2008
 

Những bài cùng tác giả

Các công trình nghiên cứu được công bố trên các tập san này thường trải qua quá trình bình duyệt nghiêm chỉnh về ý tưởng và phương pháp thực hiện. Đó là tiêu chuẩn số 1 để đề bạt các chức vụ giáo sư trong đại học, và phản ánh năng suất khoa học của một nước.

Các công trình nghiên cứu khoa học thường do các nghiên cứu sinh cấp thạc sĩ hay tiến sĩ, các giáo sư hay phó giáo sư thực hiện. Theo sách Khoa học và công nghệ Việt Nam, tính đến cuối năm 2003, nước ta có 2 triệu người có trình độ đại học và cao đẳng, trong đó có 14.000 tiến sĩ và 20.000 thạc sĩ. Theo một thống kê chưa đầy đủ, nước ta có khoảng 6.000 người mang chức danh giáo sư và phó giáo sư, đó là một lực lượng khoa bảng khá lớn so với các nước trong vùng.

Với một lực lượng khoa học như thế, câu hỏi đặt ra là năng suất khoa học của nước ta so với các nước trong vùng thời gian qua như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể tham khảo các dữ liệu của Viện Thông tin khoa học (Institute of Scientific Information) về các ấn phẩm khoa học từ Việt Nam.

Ấn phẩm khoa học từ Việt Nam trong 10 năm qua

Năm 2007, Bộ Khoa học và công nghệ hoàn lại cho ngân sách nhà nước 125 tỉ đồng vì không phân phối hết cho các đề án nghiên cứu. Năm trước đó, con số được Bộ KH-CN hoàn trả lên đến 321 tỉ đồng.

Trung bình mỗi giáo sư và phó giáo sư nước ta công bố 0,58 bài báo trong vòng 10 năm qua!

Trong thời gian 10 năm (từ 1996-2005), các nhà khoa học nước ta công bố 3.456 công trình nghiên cứu khoa học trên các tập san quốc tế.

Đặt mối tương quan giữa con số này với số lượng giáo sư và phó giáo sư (những người đáng lẽ phải nghiên cứu khoa học), trung bình mỗi giáo sư và phó giáo sư nước ta công bố 0,58 bài báo trong vòng 10 năm qua!

Nói cách khác, cứ hai giáo sư mới có khoảng một công bố quốc tế trong vòng 10 năm. Các nước trong vùng như Thái Lan, Malaysia và Singapore, các đại học đặt ra tiêu chuẩn hay khuyến khích mỗi giáo sư cần có ít nhất một công bố quốc tế trong vòng hai năm. Ở các nước tiên tiến hơn, mỗi giáo sư phải có ít nhất một công bố quốc tế trong thời gian đó, nếu không thì chức vụ giáo sư có thể lung lay.

Con số ấn phẩm khoa học từ nước ta đã ít, so với các nước khác trong vùng thì thuộc vào hàng thấp nhất. Thật vậy, số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học nước ta chỉ bằng 1/5 số lượng từ Thái Lan (14.594 bài trong cùng thời gian), 1/3 Malaysia (9.742 bài), 1/14 Singapore (45.633 bài). Ngay cả so với Indonesia (4.389 bài) và Philippines (3.901 bài), con số công bố quốc tế nước ta cũng thấp hơn.

Lĩnh vực nghiên cứu nào mạnh và yếu của nước ta? Khoảng 1/5 các công trình nghiên cứu khoa học từ Việt Nam liên quan đến các ngành y sinh học. Con số này ở Thái Lan là 43%. Các công trình nghiên cứu khác có thể thuộc vào lĩnh vực yếu của Việt Nam là: môi trường (chiếm 4% tổng số công bố quốc tế), kinh tế (2,5%), công nghệ sinh học (1,3%) và nhân văn - xã hội học (1,6%).

Tuy nhiên, số lượng công trình liên quan đến ngành toán và vật lý từ Việt Nam chiếm gần 1/4 tổng số bài báo khoa học và đây là lĩnh vực mạnh của nước ta so với các nước trong vùng như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines, con số này chỉ dao động từ 0,5 - 4%.

Trong điều kiện còn thiếu thốn về cơ sở vật chất nghiên cứu và thiếu thốn chuyên gia, phần lớn (khoảng 80%) các nghiên cứu khoa học ở nước ta đều phải hợp tác với nước ngoài. Chỉ có 20% các công trình nghiên cứu từ Việt Nam là do nội lực (tức hoàn toàn do người Việt thực hiện).

Tuy nhiên, tỉ lệ nội lực dao động rất lớn giữa các ngành; chẳng hạn như trong ngành y sinh học, chỉ có 3% là do nội lực, phần còn lại nhờ hợp tác với nước ngoài. Riêng ngành công nghệ sinh học, 100% các công bố quốc tế là do hợp tác với nước ngoài. Tuy nhiên, các ngành có tỉ lệ nội lực cao là toán (66%), kỹ thuật (gần 40%) và kinh tế học (41%).

Về chất lượng nghiên cứu khoa học cũng rất đáng quan tâm. Một công trình nghiên cứu khoa học có giá trị thường được đồng nghiệp trên thế giới trích dẫn. Do đó, một cách khác để gián tiếp đánh giá chất lượng là xem xét tỉ lệ các bài báo được trích dẫn.

Tính chung, khoảng 1/5 các bài báo khoa học từ Việt Nam chưa bao giờ được trích dẫn sau năm năm công bố. Đây cũng là tình trạng chung ở các nước trong vùng, với tỉ lệ chưa bao giờ trích dẫn (trong vòng 5 năm) được ghi nhận tại Thái Lan (15%), Malaysia (19%), Indonesia (19%), Philippines (13%) và Singapore (17%).

Phân tích chi tiết cho thấy các công trình nội lực thường có chất lượng thấp hơn các công trình hợp tác với nước ngoài. Tính trung bình mỗi công trình nội lực được trích dẫn 3,2 lần, trong khi đó công trình hợp tác có chỉ số trích dẫn trung bình là 11,6 lần.

Cần cải cách trong quản lý nghiên cứu khoa học

Các phân tích trên cho thấy “sản lượng” khoa học của nước ta vẫn còn rất khiêm tốn so với các nước trong vùng (chứ chưa nói đến thế giới). Nếu (xin nhấn mạnh “nếu”) mức độ tăng trưởng số bài báo khoa học của Việt Nam là 41 bài/năm (như ước tính từ phân tích này) và chúng ta bắt đầu với 202 bài năm 1996, thì phải cần đến 60 năm sau chúng ta mới bắt kịp số lượng bài báo của Thái Lan vào năm 2005!

Các nghiên cứu khoa học ở nước ta vẫn chủ yếu tập trung vào các ngành mang tính lý thuyết (như toán học và vật lý lý thuyết) và còn rất yếu trong các lĩnh vực ứng dụng như khoa học đời sống và môi trường.

Trong quá trình phát triển kinh tế, chúng ta cần nhiều nghiên cứu ứng dụng hơn là lý thuyết. Điều này đặt ra định hướng và chính sách về nghiên cứu khoa học trong tương lai phải tập trung vào các lĩnh vực phục vụ sức khỏe và kinh tế của Việt Nam.

Một điều rất đáng quan tâm là nền khoa học nước ta hiện nay còn lệ thuộc quá lớn vào các đồng nghiệp nước ngoài. Trong ngành y sinh học, một ngành tương đối mạnh ở nước ta, chỉ có 2% trong số các công trình được công bố trên các tập san quốc tế là do nội lực, 98% còn lại là do hợp tác hay đứng tên chung cùng các nhà khoa học nước ngoài.

Thật ra, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu là một điều tốt trong hoạt động khoa học hiện đại, nhưng hợp tác như thế nào để thành quả và tri thức khoa học dựa trên chất liệu của Việt Nam vẫn là của người Việt Nam mới là vấn đề mà chúng tôi đã nêu ra gần đây.

Nhất là hiện tượng “hợp tác khoa học theo kiểu nhảy dù”, trong đó các tác giả Việt Nam chỉ là “lính đánh bộ” và sở hữu tri thức vẫn là tác giả nước ngoài, dù chất liệu nghiên cứu là từ Việt Nam và của người Việt Nam!

Đầu tư cho khoa học và công nghệ (KHCN) ở nước ta còn rất khiêm tốn so với các nước trong vùng. Trong năm 2006, nước ta đầu tư 428 triệu USD cho KHCN, chiếm khoảng 0,17% GDP toàn quốc.

Theo số liệu của UNESCO, Singapore là nước (trong vùng) có đầu tư cho KHCN cao nhất với 2,2% GDP (tương đương 3,01 tỉ USD), kế đến là Malaysia (0,5% GDP hay 1,54 tỉ USD), Thái Lan (0,3% GDP hay 1,79 tỉ USD). Tuy nhiên, tính trên GDP, đầu tư cho KHCN ở nước ta vẫn còn cao hơn Indonesia (0,05% GDP) và Philippines (0,12% GDP).

Nhưng ở nước ta đang có một nghịch lý rất đáng quan tâm: trong khi nhiều đề án nghiên cứu thiếu kinh phí thực hiện thì ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học lại không phân phối hết.

Hai sự thật trên đặt ra vấn đề phân phối ngân sách nghiên cứu khoa học sao cho công bằng và hợp lý. Đã có nhiều ý kiến cho rằng mô hình quản lý khoa học như hiện nay chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, vì những bất cập trong việc quản lý và phân phối ngân sách.

Có thể nhìn cách phân phối kinh phí hiện nay ở nước ta như là một cuộc đấu thầu xây dựng, và các đề tài nghiên cứu đôi khi không phải xuất phát từ nhu cầu thực tế cũng như không theo kịp trào lưu và định hướng của khoa học quốc tế. Cần đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong vấn đề xét duyệt đề tài nghiên cứu. Cũng cần nên xem lại qui trình nghiệm thu đề tài vốn không giống bất cứ nước nào trên thế giới.

Cần phải xem công bố quốc tế là tiêu chuẩn số 1 để đề bạt chức vụ (chứ không phải chức danh) giáo sư. Hệ thống đề bạt giáo sư ở nước ta vẫn dựa vào các tiêu chuẩn “nội địa” mà không mấy quan tâm đúng mức đến chuẩn mực quốc tế. Đại đa số tiến sĩ nước ta không hay chưa bao giờ có các bài báo trên các tập san khoa học quốc tế.

Ngoài ra, theo thống kê, hiện nay chúng ta có đến 70% tiến sĩ không làm nghiên cứu mà chỉ làm các chức vụ hành chính và quản lý. Hệ quả là tuy trên giấy tờ nước ta có đến 14.000 tiến sĩ và 6.000 giáo sư, nhưng năng suất khoa học thì quá thấp để có thể so sánh với các nước trong vùng.

Có thể nói hoạt động nghiên cứu khoa học ở nước ta đang tụt hậu so với sự phát triển kinh tế; do đó để nâng cao hiệu suất khoa học, Nhà nước cần phải cải cách hệ thống quản lý khoa học ngay từ bây giờ chứ không nên đợi đến vài năm nữa, khi các nước trong vùng ngày càng bỏ xa ta.

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Văn Tuấn