Khoảng cách Bắc – Nam trong tài trợ cho nghiên cứu khoa học

Vietsciences-Nguyễn Văn Tuấn              07/07/2010

 

Những bài cùng tác giả

http://www.divers.ro/uploads_ro/37648/9400/discrimination.jpgNghiên cứu khoa học cần sự hỗ trợ tài chính của người dân qua sự quản lí và phân phối của các cơ quan chức năng thuộc Nhà nước.  Trong quá khứ, đã có nhiều phàn nàn về sự thiếu công bằng và thiếu minh bạch trong việc phân phối tài trợ cho nghiên cứu khoa học.  Quĩ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (viết tắt theo tiếng Anh là “Nafosted”) ra đời nhằm khắc phục những khiếm khuyết trong quá khứ.  Thế nhưng, kết quả phân phối tài trợ trong năm 2009 cho thấy có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các nhóm nghiên cứu khoa học phía Bắc và phía Nam.

Năng suất khoa học của Việt Nam còn thấp.  Tuy chúng ta có đến gần 10.000 giáo sư và phó giáo sư, và nhiều vạn tiến sĩ, nhưng mỗi năm số công trình khoa học trên các tập san khoa học quốc tế chưa đến 1000.  So với các nước láng giềng như Thái Lan và Mã Lai, chúng ta có nhiều giáo sư hơn, nhưng số bài báo khoa học của chúng ta lại quá thấp.  Thật vậy, số công trình khoa học của các nhà khoa học Việt Nam chỉ bằng 1/5 Thái Lan, và số bằng sáng chế gần như là con số không.

Một trong những lí do tình trạng khoa học nước ta còn thấp kém là do bất cập trong qui trình phân phối tài trợ cho nghiên cứu khoa học.  Có thể xem qui trình phân phối tài trợ cho nghiên cứu khoa học trong quá khứ (và hiện nay) như là một cuộc đấu thầu, và người đấu thầu thường là những “cây đa cây đề”, nhưng tiêu chuẩn tuyển chọn và nghiệm thu thì thiếu minh bạch.  Những tiêu chuẩn về chất lượng nghiên cứu và sáng tạo trong khoa học chưa được áp dụng.  Hệ quả là người được tài trợ thì không cho ra sản phẩm như mong muốn, còn người có khả năng và đáng lẽ được tài trợ thì không có tiền để làm nghiên cứu.  Cơ chế đó một mặt gây ra lãng phí tiền của dân, mặt khác làm chùn bước các nhà khoa học có khả năng.

Nhận thức được thiếu sót đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đề ra sáng kiến lập Quĩ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted).  Quĩ này có sứ mệnh là “tài trợ, cho vay để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do tổ chức, cá nhân đề xuất.”  Quĩ Nafosted hoạt động gần giống như các quĩ tài trợ cho khoa học ở các nước tiên tiến, tức là tương đối minh bạch hơn và hi vọng là công bằng hơn so với cách làm trước đây.  Thật vậy, ý tưởng đằng sau của Quĩ Nafosted là nhằm tạo một sân chơi công bằng hơn, minh bạch hơn cho các nhà khoa học. Qua một năm hoạt động và phân phối tài trợ cho nghiên cứu khoa học, có lẽ chúng ta nên nhìn lại sứ mệnh đó có đạt hay chưa.  Để trả lời câu hỏi này, tôi đã phân tích các đề tài được cung cấp tài trợ trong năm 2009.  Danh sách công trình cùng các chi tiết liên quan có thể xem trong  “Danh sách các đề tài nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên được Quỹ tài trợ năm 2009” trên trang web của Nafosted.

Ngành khoa học và chức danh

Năm 2009, Nafosted phê chuẩn 321 đề tài nghiên cứu khoa học.  Trong số này, ngành có nhiều đề tài nhất là vật lí (83 đề tài, chiếm 26% tổng số), kế đến là ngành y sinh học (60 đề tài, 19%), hóa học (57, 18%) toán (46, 14%), và khoa học trái đất (38, 12%).  Các ngành khác có ít đề tài như khoa học máy tính (18, 6%), cơ học (19, 6%).

Con số đề tài có thể không nói lên qui mô tài chính.  Nhưng Nafosted không công bố số tiền tài trợ cho từng đề tài, nên chúng ta chưa biết ngành nào được cấp nhiều nhất hay ít nhất, hay ngân sách quân bình cho mỗi công trình khoa học là bao nhiêu.  Đây cũng là một điều chưa được minh bạch.  Cần nói thêm rằng ở nước ngoài, người ta công bố cả số tiền tài trợ và số năm thực hiện.

Phần lớn người chủ trì đề tài nghiên cứu là tiến sĩ.  Thật vậy, trong số 321 người chủ trì, có 151 người (hay 47%) có bằng tiến sĩ hoặc “tiến sĩ khoa học”.  Số người chủ trì đề tài có chức danh phó giáo sư là 91 (hay 28% tổng số), và số còn lại là cấp giáo sư với 79 đề tài (25%).  Không có ai là thạc sĩ làm chủ trì đề tài nghiên cứu.

Nhưng sự phân phối về học vị và chức danh rất khác nhau giữa các ngành khoa học (bảng 1).  Chẳng hạn như trong khi ngành y sinh học phần lớn (65%) người chủ trì là tiến sĩ, nhưng tỉ lệ này trong ngành toán học chỉ 17%, hay cao hơn một chút là ngành vật lí chỉ (35%).

 

Bảng 1. Phần trăm đề tài nghiên cứu được tài trợ tính theo chức danh của người chủ trì đề tài

 

Ngành

Tiến sĩ

Phó giáo sư

Giáo sư

Vật lí (n=83)

35

40

25

Y sinh học (n=60)

65

32

3

Hóa học (n=57)

53

23

24

Toán học (n=46)

17

24

59

KH trái đất (n=38)

58

24

18

Cơ học (n=19)

63

11

26

KH máy tính (n=18)

61

22

17

 

Phân phối trường, viện

Phần lớn các đề tài nghiên cứu khoa học được tài trợ do các viện hoặc trung tâm nghiên cứu đảm nhận (xem biểu đồ 1).  Trong số 321 đề tài, số đề tài do các viện / trung tâm chủ trì chiếm 56%; phần còn lại là các đại học (44%).  Nhưng sự phân phối này khác biệt giữa các ngành nghiên khoa học. Chẳng hạn như viện / trung tâm có nhiều đề tài thường tập trung vào ngành hóa học (58%), khoa học trái đất (63%), y sinh học (67%), vật lí (53%) và toán (54).  Đại học có tỉ lệ trội trong các ngành như khoa học máy tính, với tỉ lệ 56%, và cơ học (63%).

Tuy nói là đại học cả nước, nhưng trong thực tế thì chỉ tập trung vào một số trường chính ở miền Bắc mà thôi.  Trường Đại học Quốc gia Hà Nội chiếm đến 41 đề tài, kế đến là Đại học Bách Khoa Hà Nội với 30 đề tài.  Ngay cả số đề cương của một Đại học Sư Phạm Hà Nội (13 đề tài) cũng bằng cả 4 đại học miền Nam và miền Trung cộng lại (Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Bách khoa TPHCM, Đại học Cần Thơ, và Đại học Huế)!

  • Đại học Quốc gia Hà Nội: 41
  • Đại học Bách khoa Hà Nội: 30
  • Đại học Sư phạm Hà Nội: 13
  • Đại học Bách khoa TPHCM (không tính Đại học Quốc gia TPHCM): 5
  • Đại học Quốc gia TPHCM: 4
  • Đại học Cần Thơ: 1
  • Đại học Huế: 4

Biểu đồ 1. Phân phối tài trợ nghiên cứu khoa học của Quĩ Nafosted theo ngành và đại học hay viện / trung tâm nghiên cứu. Con số trong mỗi cột là số đề tài được tài trợ.  Màu xanh đậm là đại học, màu xanh lợt là viện / trung tâm nghiên cứu.

So sánh giữa các vùng, sự phân phối giữa trường và viện cũng có khuynh hướng thú vị.  Ở miền Bắc, 62% (176/285) các đề tài xuất phát từ viện; nhưng ở miền Nam số đề tài từ viện chỉ chiếm 19% (4/21).  Hầu hết các đề tài nghiên cứu ở miền Trung (14/15) xuất phát từ các đại học, chủ yếu là đại học Huế.

Chênh lệch Bắc – Nam

Đại đa số các đề tài được cấp tài trợ xuất phát từ các nhóm nghiên cứu phía Bắc.  Thật vậy, trong tổng số 321 đề tài khoa học được cung cấp tài trợ, các trung tâm phía Bắc chiếm 285 đề tài (89%); phần còn lại là miền Nam với chỉ 21 đề tài (6%) và miền Trung với 15 đề tài (5%).  Nói cách khác, số đề tài được tài trợ từ các trung tâm miền Bắc cao gần 14 lần so với số đề tài từ miền Nam (biểu đồ 2).  Tỉ lệ “áp đảo” của các trung tâm phía Bắc hiện diện trong TẤT CẢ các ngành nghiên cứu.  Có ngành như ngành khoa học trái đất, 100% các đề tài được tài trợ là từ các trung tâm phía Bắc!

Biểu đồ 2. Số đề tài khoa học được tài trợ bởi Quĩ Nafosted theo vùng

Điều đáng ngạc nhiên là trong số 21 đề tài mà các nhà khoa học miền Nam được cấp tài trợ, chỉ có 2 đề tài liên quan đến y sinh học (phần còn lại là hóa học với 6 đề tài, vật lí 7 đề tài, cơ học 4 đề tài, và toán 1 đề tài).  Ai cũng biết phần lớn những nghiên cứu y sinh học ở VN xuất phát từ TPHCM, nhưng trong bảng phân phối này, thì sự hiện diện của các nhà khoa học ở phía Nam trong Nafosted còn rất khiêm tốn.

Vài nhận xét

Các phân tích trên đây cho thấy các viện / trung tâm nghiên cứu vẫn đóng một vai trò quan trọng bên cạnh các trường đại học.  Điều này có lẽ là một đặc thù lịch sử của Việt Nam, vốn theo tổ chức khoa học của Liên Xô cũ.  Ở các nước phương Tây, đại đa số các dự án nghiên cứu là từ các trường đại học; ngay cả các viện cũng liên kết hay hợp tác với các đại học để làm nghiên cứu khoa học.  Đã từ lâu, tôi đề nghị nên hoặc là nhập các viện nghiên cứu vào các đại học, hoặc là liên kết với đại học trong đào tạo và nghiên cứu (thay vì như những trung tâm độc lập hiện nay).  Sự liên kết giữa viện nghiên cứu và trường đại học chỉ có thể đem lại lợi ích gia tăng năng suất khoa học và giảm những chi phí không cần thiết.

Có lẽ do qui định của Nafosted nên không có ai chủ trì đề tài nghiên cứu có bằng cấp thấp hơn tiến sĩ.  Theo tôi, đây là một điểm yếu của Quĩ Nafosted.  Không có lí do gì không cấp tài trợ cho các nhà khoa học với bằng cấp cử nhân, thạc sĩ, bác sĩ, v.v… Vấn đề là vấn đề khoa học, và ai có sáng kiến giải quyết và khả thi – bất kể người đó có bằng cấp gì – thì phải tài trợ cho họ.  Ở Úc, Mĩ, Anh, Âu châu (những nơi mà tôi biết) có rất nhiều bác sĩ không hề có bằng tiến sĩ hay thạc sĩ, nhưng họ vẫn được cấp tài trợ cho nghiên cứu, với điều kiện họ có công bố quốc tế và thuyết phục dự án của họ là khả thi.  Một trong những guru và người tôi ngưỡng mộ là ông L. Riggs và bà E. Barrett-Connor, cả hai đều không có bằng tiến sĩ, nhưng tri thức và đóng góp của họ cho nội tiết học thì thuộc vào hàng đẳng cấp top 0.1%; họ là bậc thầy của bậc thầy.  Ở Úc, trong Viện tôi có ông D. Chisholm cũng chưa bao giờ có bằng tiến sĩ, nhưng ông đào tạo ra biết bao người có tài, đến nỗi người ta lấy tên ông đặt cho quĩ học bổng.  Tôi nghĩ cần phải xem lại điều lệ Nafosted, và nên mở rộng tài trợ nghiên cứu cho bất cứ ai, bất cứ nơi nào ở Việt Nam để cho họ có cơ hội đóng góp vào khoa học nước nhà.

Có lẽ những kết quả phân tích trên đây nói lên một điểm nổi cộm: đó là sự chênh lệch khó hiểu giữa miền Bắc và miền Nam liên quan đến các đề tài nghiên cứu được cấp tài trợ.  Đây là một sự chênh lệch có thật.  Sự chênh lệch đến mức vô lí này làm nảy sinh ra nhiều câu hỏi về sự phân phối quĩ nghiên cứu khoa học và sự công bằng trong việc phân phối.  Nên nhớ rằng tiền bạc cho nghiên cứu khoa học là do người dân đóng góp, chứ chẳng phải của Nhà nước.  Và, có thể nói rằng người dân miền Nam đóng góp nhiều thuế hơn người dân miền Bắc, một phần do dân số, và một phần khác do kinh tế phát triển hơn ở các tỉnh miền Nam.  Ấy vậy mà đồng tiền người miền Nam đóng thuế không đến tay các nhà khoa học miền Nam một cách hợp lí!  Do đó, vấn đề không chỉ là chênh lệch vô lí mà còn là một nghịch lí.

Tại sao có sự chênh lệch về phân phối tài trợ cho nghiên cứu giữa miền Bắc và miền Nam?  Tôi nghĩ trong khi chưa có lời giải thích nào thì chúng ta có thể đặt ra vài giả thuyết.  Cách giải thích thứ nhất là các nhà khoa học miền Nam và miền Trung quá kém cỏi, còn các nhà khoa học ngoài Bắc quá thông minh, quá tài giỏi.  Cách giải thích thứ hai là các nhà khoa học miền Trung và miền Nam không muốn làm nghiên cứu, chẳng thèm nộp đề cương nghiên cứu xin tài trợ.  Cách giải thích thứ ba là Quĩ Nafosted chỉ là sân chơi cho các nhà khoa học miền Bắc; họ chỉ cho miền Nam khi còn dư thừa chút tiền.  Cách giải thích tư là thông tin về Quĩ Nafosted không đến các nhà khoa học miền Trung và miền Nam.

Tôi không tin là giới khoa học miền Bắc thông minh hơn hay tài giỏi hơn giới khoa học miền Nam.  Hoàn toàn không có một bằng chứng nào để nói như thế.  Do đó, cách giải thích thứ nhất không có cơ sở khoa học, và nên được bác bỏ.

Các nhà nghiên cứu các tỉnh phía Nam không muốn làm nghiên cứu khoa học?  Giả thuyết này có thể đúng, vì ở miền Nam giới khoa học nhiều khi có cơ sở kinh doanh, hay bác sĩ lo làm tư, nên không muốn làm khoa học.  Đối với nhiều người ở miền Nam, họ không chấp nhận kiểu “làm dự án” như là một cách nâng cao thu nhập cá nhân.  Do đó, rất có thể số đề tài từ miền Nam quá ít, nên chẳng có bao nhiêu đề tài được cấp tài trợ. Nhưng vì tôi không biết đằng sau của hoạt động Quĩ Nafosted như thế nào, và cũng không biết con số đề tài xin tài trợ của 3 miền là bao nhiêu, nên đây vẫn là một câu hỏi còn tồn đọng.

Cách giải thích thứ ba là kì thị Nam Bắc cũng khó có cơ sở khoa học.  Có thể nói thẳng rằng trong nhiều nhà khoa học phía Nam, vẫn còn tồn tại ngầm một quan niệm các quĩ nghiên cứu cấp bộ, cấp Nhà nước là chỉ dành cho các đồng nghiệp phía Bắc.  Đại đa số các hội đoàn khoa học đều do các nhà khoa học phía Bắc làm chủ tịch.  Đại đa số những hội đồng xét duyệt chức danh giáo sư cũng do các giáo sư phía Bắc làm chủ tịch.  Đó là sự thật.  Do đó các nhà khoa học miền Nam không mấy “mặn mà” với việc ra ngoài Bắc xin tài trợ, bởi vì họ nghĩ rằng khả năng được tài trợ rất thấp, mà còn tốn kém cho một việc mà kết quả có thể thấy trước. Ngoài ra, do di sản tiêu cực trong quá khứ, còn nhiều người không tin vào sự công bằng trong xét duyệt đề cương, nên cũng không muốn nộp đề cương nghiên cứu. Dù đó chỉ là cảm nhận (chứ cũng chưa có dữ liệu nào để nói như thế), nhưng vẫn ảnh hưởng đến tâm lí thụ động.

Những ai từng làm trong các đại học phương Tây còn nhớ vào cuối thập niên 1980s và đầu thập niên 1990s khi VN mới mở cửa, có nhiều sinh viên từ VN sang đây du học, nhưng 99% sinh viên xuất thân từ miền Bắc.  Có nhiều du học sinh miền Nam phản ảnh rằng khi họ nhận được thông báo thì không có đủ thì giờ để làm thủ tục, trong khi đó đồng môn ngoài Bắc đã hoàn tất thủ tục.  Đó là một thủ đoạn có thể nói cực kì rẻ tiền và thấp kém, nhưng lại cực kì có hiệu quả để hạn chế du học sinh từ miền Nam.  Sau này, các cơ quan cấp học bổng từ nước ngoài, đặc biệt là Úc, biết được thủ đoạn này nên họ ra thông báo cho cả 3 miền, và sự phân phối du học sinh có phần cân bằng hơn.  Nói như thế để đặt câu hỏi là thủ tục ra thông báo của Quĩ Nafosted có thật sự đến tai và mắt của các nhà khoa học miền Trung và miền Nam?

Đất nước đã thống nhất 35 năm, nhưng những dữ liệu trên đây cho thấy việc phân phối tài trợ cho nghiên cứu vẫn còn một khoảng cách quá lớn giữa Bắc và Nam.  Theo tôi, đó là một rào cản cực kì lớn để khoa học Việt Nam vươn lên và phát triển.  Ngày nào còn sự bất công và phe phái Bắc Nam trong khoa học, ngày đó khoa học Việt Nam vẫn chưa thống nhất và sẽ không có cơ hội huy động trí lực của toàn quốc.

Quĩ Nafosted ra đời nhằm san bằng những bất bình đẳng trong việc phân phối tài trợ cho nghiên cứu khoa học và đem lại sự công bằng cho mọi nhà khoa học.  Chúng ta chưa biết mục tiêu công bằng có đạt hay chưa, nhưng rất tiếc sự mất bình đẳng Bắc – Nam vẫn còn tồn tại một cách phi lí.  Sự phi lí không thể giải thích được bằng logic thông thường.  Hi vọng rằng trong tương lai, Quĩ Nafosted sẽ tìm biện pháp đem lại công bằng cho mọi nhà khoa học trên mọi miền đất nước.

Đã đăng trên nguyenvantuan.net

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Văn Tuấn