Những bài cùng tác giả
Các thông tin khoa học quan trọng trước khi công bố
trên hệ thống truyền thông đại chúng cần phải được
công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế. Mọi công
trình nghiên cứu khoa học nên được đánh giá và phản
biện thông qua các tập san khoa học quốc tế, chứ
không phải qua một hội đồng nghiệm thu như cách làm
ở nước ta hiện nay…
Trong thời gian gần đây, báo chí nước ta, kể cả báo
mạng, đều có chuyên mục “khoa học” hay “sức khỏe”
nhằm cung cấp những thông tin khoa học trên thế giới
và trong nước đến quần chúng. Thế nhưng, kết quả của
những “nghiên cứu khoa học” đó có đáng tin cậy không
thì thường là bạn đọc đại chúng chỉ còn trông cậy
vào... uy tín và sự... "thẩm định" của tờ báo!
Một khó khăn ở đây là phần lớn nhà báo không phải là
nhà khoa học, nên khả năng thẩm định thông tin khoa
học của họ cũng có nhiều hạn chế. Sự hạn chế này
nhiều khi dẫn đến những hiểu lầm, hay diễn giải sai
kết quả và ý nghĩa của nghiên cứu khoa học.
Trong khi đó, ở nước ngoài thì khác! Người ta có hẳn
một quy ước có tên là là “Qui ước Ingelfinger“ rất
phổ biến trong truyền thông khoa học.
Theo Quy ước này, các nhà khoa học chỉ có quyền tiếp
xúc giới truyền thông đại chúng về các nghiên cứu
khoa học sau khi những thông tin này đã được công bố
trên một tập san khoa học. Cách làm việc này cũng là
một trong những tiêu chuẩn về đạo đức khoa học.
Tin nhanh khoa học, tác hại khó lường…
“Tập san khoa học quốc tế” ở đây dùng để chỉ các tập
san có tên trong danh bạ của Viện Thông tin Khoa học
(Institute of Scientific Information - ISI). Không
một tập san khoa học nào của Việt Nam có trong danh
bạ của ISI.
Việc công bố kết quả nghiên cứu một cách hấp tấp
trên hệ thống truyền thông đại chúng có khi dẫn đến
hệ quả nghiêm trọng, vì nó tạo nên một sự hi vọng
hão huyền hay gây tác hại cho nền kinh tế nước nhà.

bethanechol : C7H17N2O2
(2-carbamoyloxypropyl-trimethylazanium)
Vào thập niên 1980, báo chí Mỹ rầm rộ đưa tin rằng
một nhóm bác sĩ bên Mỹ đã thành công điều trị bệnh
Alzheimer (bệnh mất trí nhớ) bằng cách bơm
bethanechol chloride vào não. Vì bệnh Alzheimer là
bệnh nan y (ông Ronald Reagan từng mắc bệnh này
trong thời gian làm tổng thống Mỹ), không có thuật
điều trị dứt, cho nên báo chí Mỹ lúc đó ca ngợi đây
là “một sự đột phá trong việc điều trị bệnh
Alzheimer”, và “các bác sĩ hi vọng rằng bệnh
Alzheimer sẽ được chinh phục nay mai”! Nhưng sự thật
là họ chỉ điều trị 4 bệnh nhân, và kết quả được đánh
giá một cách chủ quan theo cảm nhận của bác sĩ.
Đến khi thuật điều trị đó được áp dụng cho vài bệnh
nhân khác, kết quả hoàn toàn vô dụng, và bản tin trở
thành câu chuyện hài hước trong giới y khoa.
Mới đây, công trình nghiên cứu về một loại thuốc
điều trị bệnh đái tháo đường được công bố, chỉ 3
tháng sau doanh thu của công ty từ thuốc này giảm
40% so với trước đó, và trị giá của công ty trên thị
trường chứng khoán giảm 13%. Chúng ta còn nhớ năm
ngoái khi thông tin về bưởi và ung thư được báo chí
đưa tin, giá bưởi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long
giảm đáng kể, dẫn đến những mất mát lớn về kinh tế
cho các hộ kinh doanh bưởi.
Ở nước ta trong thời gian gần đây, có quá nhiều
thông tin khoa học được báo chí đưa tin nhưng chưa
bao giờ được công bố trên các tập san quốc tế, và
chưa bao giờ qua bình duyệt bởi giới chuyên môn.
Tin khoa học được phổ biến đến đại chúng ngày càng
nhiều trên các phương tiện truyền thông (Ảnh:
http://www.jmir.org)
Vài tuần qua, giới khoa học trong và ngoài nước xôn
xao về bản tin cho biết các nhà khoa học Việt Nam đã
thành công trong việc ứng dụng kĩ thuật tế bào gốc
để điều trị một bệnh nhân bị hỏng mắt (hội chứng
Stevens – Johnson). Nhưng theo dõi tin tức thì thấy
một số chuyên gia trong hội đồng nghiệm thu đề án
nghiên cứu tỏ ra dè dặt trước kết quả này vì họ cho
rằng có thể các nhà nghiên cứu do hiểu lầm về thành
quả của mình và hiểu lầm này có thể xuất phát từ vấn
nạn thiếu thông tin khoa học.
Thật ra, vì nghiên cứu này chưa bao giờ được công bố
trên một tập san khoa học quốc tế, nên rất khó mà
đánh giá thành tựu của công trình nghiên cứu này.
Tôi thấy ý kiến của GS. Nguyễn Văn Thuận là hoàn
toàn hợp lí khi ông nói “Mọi công trình nghiên cứu
phải được đánh giá thông qua các tạp chí khoa học
thế giới. Như vậy, không cần phải có hội đồng nghiệm
thu làm mất thời gian mà lại tranh thủ được sự góp ý
của các nhà khoa học trên thế giới trong nghiên cứu
của mình".
Để tiếp theo ý này của GS. Thuận, tôi xin trích lại
câu nói nổi tiếng của giáo sư Frank Davidoff, cựu
tổng biên tập tập san Annals of Internal Medicine
(một tập san y học hàng đầu trên thế giới) rằng
“khoa học chỉ tồn tại sau khi kết quả của nghiên cứu
khoa học được công bố trên các tập san quốc tế".
Cũng cần nói thêm rằng vì năng suất khoa học nước ta
(tính theo số lượng bài báo khoa học trên các tập
san quốc tế) còn quá khiêm tốn. Tôi đã làm phân tích
và thấy số lượng bài báo khoa học Việt Nam chỉ bằng
1/10 của Singapore và 1/5 của Thái Lan. Do đó, vấn
đề công bố quốc tế cần phải được xem là một chuẩn
mực trong hoạt động khoa học ở nước ta. Thực hiện
chuẩn mực này sẽ đảm bảo chất lượng thông tin khoa
học tốt hơn trong tương lai.
Nên chăng ở nước ta cũng đã đến lúc cần thực hiện
“Qui ước Ingelfinger" trong công bố thông tin khoa
học ? Vậy "Qui ước Ingelfinger" là gì?
Truyền thông Việt Nam nên áp dụng “Qui ước
Ingelfinger“

Bác sĩ Franz J. Ingelfinger (trái). (Ảnh:
http://usuarios.cultura.com.br)
Năm 1969, bác sĩ Franz J. Ingelfinger (1910-1980)
được bổ nhiệm làm tổng biên tập tập san New England
Journal of Medicine (NEJM), một tập san có lịch sử
trên 100 năm và cho đến nay vẫn là tập san số 1
trong ngành y.
Khi mới nhậm chức, ông phát hiện một số công trình
nghiên cứu khoa học đang được xem xét cho in hay sắp
in trên tập san NEJM đã được hệ thống truyền thông
đại chúng... công bố trước!
Không hài lòng trước tình trạng “cầm đèn chạy trước
ô tô” này, ông đề ra một qui ước mà sau này được
biết đến là Qui ước Ingelfinger. Theo Qui ước
Ingelfinger, NEJM sẽ không công bố bất cứ bài báo
nào nếu kết quả bài báo đó đã được các cơ sở truyền
thông đại chúng đưa tin.
Thoạt đầu, Qui ước này bị giới báo chí phản đối dữ
dội, và ngay cả giới y khoa cũng không đồng tình.
Nhưng ngày nay tất cả các tập san khoa học đều chấp
nhận đây là một biện pháp để đảm bảo chất lượng
thông tin y khoa đến công chúng.
Để hiểu tầm quan trọng và ý nghĩa của Qui ước
Ingelfinger, có lẽ cần phải điểm qua vài nét chính
trong qui trình nghiên cứu khoa học. Xin nói thêm
rằng tôi chỉ nói đến nghiên cứu khoa học thực
nghiệm, như y sinh học, vốn có truyền thống tương
tác với truyền thông, chứ không nói đến các ngành
“khoa học cơ bản” như toán học.
Sau khi một công trình nghiên cứu được hoàn tất, nhà
nghiên cứu thường trình bày kết quả trong một (hay
vài) hội nghị chuyên ngành cấp quốc tế hay quốc gia
dưới hình thức một bài báo ngắn. Mục đích chính của
việc trình bày kết quả trong hội nghị là xin ý kiến
phản biện của các đồng nghiệp. Sau khi đã có những ý
kiến phản biện, nhà khoa học soạn một báo cáo đầy đủ
hơn và đệ trình cho một tập san chuyên ngành để được
bình duyệt (hay phản biện) nghiêm chỉnh hơn. Qua
bình duyệt, bài báo có thể được chấp nhận hay từ
chối cho công bố.
Theo Qui ước Ingelfinger, chỉ khi nào bài báo được
công bố trên một website hay báo giấy của tập san
thì nhà nghiên cứu mới có quyền được tiếp xúc với
giới truyền thông đại chúng để nói về thành quả
nghiên cứu của mình. Trong thời gian bài báo còn
được bình duyệt, hay ngay cả sau khi đã được chấp
nhận cho công bố nhưng chưa đưa lên website, nhà
nghiên cứu vẫn không có quyền tiếp xúc với truyền
thông.
Do đó, một khi bản tin được chuyển tải đến công
chúng, thì các chi tiết về ý tưởng, phương pháp, kết
quả, và diễn giải của công trình nghiên cứu được phê
bình và duyệt qua bởi những chuyên gia trong ngành,
và đảm bảo chất lượng của thông tin. Nếu không qua
khâu “nội bộ” này thì công chúng không thể biết công
trình nghiên cứu đó có giá trị khoa học ra sao,
phương pháp đúng hay sai, cách suy luận có quá đà
hay không...
Nhưng trong thực tế vẫn có một số nhà khoa học vì lý
do nào đó vi phạm quy ước này. Năm ngoái, một chuyên
gia về bệnh tim mạch, giáo sư Martin Leon, tiết lộ
với báo chí về kết quả của một công trình nghiên cứu
mà ông bình duyệt cho tập san NEJM, nhưng công trình
chưa được công bố. Hệ quả là ông bị tập san “kỉ
luật”, không cho công bố bài báo trên tập san trong
vòng 5 năm, và cũng tước luôn vai trò chuyên gia
bình duyệt cho tập san.
… Có thể xem các bài báo trên các tập san khoa học
như là những viên gạch để xây dựng kho tàng tri thức
con người. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thiết
tưởng đã đến lúc giới truyền thông Việt Nam nên áp
dụng Qui ước Ingelfinger để đảm bảo chất lượng thông
tin khoa học cho công chúng. Giới truyền thông chỉ
nên công bố những thành quả khoa học nào đã qua bình
duyệt bởi chuyên gia, hay đã được công bố trên một
tập san khoa học quốc tế.
Tập san khoa học quốc tế
phải có tên trong danh bạ của ISI |
Thật ra, cụm từ “tập san khoa học quốc tế” là cách
gọi của các nhà khoa học nước ta, và cách gọi này có
thể gây ra vài hiểu lầm, thậm chí tranh luận. Chẳng
hạn như có người lý giải rằng các tập san khoa học
của Thái Lan, Lào, hay Myanmar cũng có thể xem là
“quốc tế”!
Tuy nhiên, cụm từ “tập san khoa học quốc tế” ở đây
dùng để chỉ các tập san có tên trong danh bạ của
Viện Thông tin Khoa học (Institute of Scientific
Information - ISI). Để có tên trong danh bạ của ISI,
tập san phải đáp ứng một số yêu cầu và tiêu chuẩn cụ
thể về chất lượng bài báo khoa học, thành viên ban
biên tập, cơ chế bình duyệt (peer-review), tính quốc
tế của ban biên tập và tác giả bài báo khoa học… Mỗi
năm, ISI thẩm định khoảng 2.000 tập san trên thế
giới, và chỉ 10-12% được công nhận cho vào danh bạ.
Tuy nhiên, mỗi năm, một số tập san bị loại ra khỏi
danh bạ ISI vì tiêu chuẩn bị xuống cấp hay do gian
lận trong việc báo cáo.
Hiện nay có khoảng 7.600 tập san khoa học trên thế
giới nằm trong danh bạ ISI; phần lớn xuất phát từ Mỹ
và Âu châu. Các nước trong vùng như Thái Lan,
Malaysia, Singapore… đều có một số tập san được ISI
công nhận. Không một tập san khoa học nào của Việt
Nam có trong danh bạ của ISI.
|
Đã đăng
trên Vietnamnet |