Giải pháp nào cho thông tin khoa học ở nước ta

Vietsciences- Nguyễn Văn Tuấn             18/10/2008
 

Những bài cùng tác giả

Vấn đề thông tin khoa học

Ở nước ta, tình trạng thiếu thốn thông tin khoa học rất trầm trọng. Thư viện đại học còn quá nghèo nàn, chẳng những thiếu sách vở, mà quan trọng hơn, thiếu những tập san khoa học quốc tế. Tình trạng này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu khoa học và tác động tiêu cực đến nền khoa học nước nhà. Trong thời kì hội nhập quốc tế, chúng ta cần phải cấp bách xây dựng một hệ thống thư viện khoa học hoàn chỉnh để góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học. Ứng dụng công nghệ thông tin, mà đặc biệt là internet, là một giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thông tin hiện nay.

Vấn đề thiếu thông tin

Những ai làm nghiên cứu khoa học đều biết rằng thông tin đóng một vai trò không thể thiếu được trong nghiên cứu khoa học. Người làm nghiên cứu khoa học không có hay thiếu thông tin chẳng khác gì người mù đi trong đêm tối, vì không biết được những gì đã, đang hay sắp xảy ra trong lĩnh vực chuyên môn.

Vì thế, thiếu thông tin thường dẫn đến những hệ quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất và tiềm năng khoa học quốc gia. Bởi vì thiếu thông tin, cho nên rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học chỉ đơn thuần lặp lại những gì người khác đã làm. Thật vậy, đại đa số các nghiên cứu y học ở trong nước mà người viết có dịp điểm qua đều lặp lại những gì những nhà nghiên cứu nước ngoài, thậm chí trong nước, đã làm từ hơn 20 năm về trước [1]. Nói cách khác, vì thiếu thông tin cho nên chất lượng nghiên cứu khoa học ở nước ta còn thấp, và đó cũng chính là một trong những lí do tại sao các công trình nghiên cứu ở nước ta rất ít xuất hiện trên các tập san khoa học quốc tế [2].

Thiếu thông tin cũng có thể dẫn đến hao tổn ngân sách một cách không cần thiết. Chẳng hạn như năm ngoái, có người đề nghị tiến hành một nghiên cứu với ngân sách 444 tỉ đồng nhằm nâng cao chiều cao người Việt, vì theo họ, “so với người trưởng thành ở Nhật Bản cùng nhóm tuổi thì người Việt Nam vẫn còn thấp hơn 10 cm” (Thanh Niên Online 13/3/2006) và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố di truyền đến chiều cao chỉ 23%. Nhưng các thông tin làm cơ sở cho dự án nghiên cứu này không đúng. Chỉ cần truy nhập vào thư viện y khoa quốc tế, có thể thấy ngay rằng sự khác biệt về chiều cao trong một quần thể do các yếu tố di truyền ảnh hưởng từ 65% đến 87% [3]. Ngoài ra, chiều cao hiện nay ở người Việt cũng tương đương với chiều cao ở người Nhật, Trung Quốc và Thái Lan. Nếu có đầy đủ thông tin thì ý tưởng của dự án đó đáng lẽ không nên có, chứ chưa nói đến việc viết thành một đề án! Nếu không có thông tin và dự án được tiến hành, kinh tế quốc gia đã phải phí đến 26 triệu USD!

Có thể nói ngay rằng tình trạng thiếu thông tin đã làm cho nền khoa học nước ta không phát triển đúng với tiềm năng của nhân lực, nếu không muốn nói là làm cho khoa học nước nhà dẫm chân tại chỗ, không sánh vai được cùng các nước trong vùng (chứ chưa nói đến các nước tiên tiến). Trong một bài tổng quan về nghiên cứu y học ở trong nước [1], tôi phát hiện rằng tính trung bình mỗi bài báo y học từ Việt Nam chỉ có khoảng 9 tài liệu tham khảo (ở phía Bắc) đến 17 ở phía Nam. Không rõ tại sao lại có sự khác biệt khá lớn về con số tài liệu tham khảo giữa hai miền như thế, nhưng ở nước ngoài, một bài báo nghiên cứu y học thường có trung bình 25 tài liệu tham khảo. Ngoài ra, tôi còn phát hiện phần lớn tài liệu tham khảo mà đồng nghiệp trong nước trích dẫn thường 20 năm và là những bài báo trong các hội nghị. Sự thật này cho thấy các nhà nghiên cứu trong nước chỉ sử dụng tài liệu tham khảo mà họ có sẵn hay có thể truy nhập được, và do đó, thường chậm đến 20 năm. (Trong y học, theo một qui luật “bất thành văn”, những bài báo nào trích dẫn tài liệu trên 10 năm được xem là “lạc hậu”, và đánh giá là nhà nghiên cứu chưa cập nhật hóa đầy đủ).

Tại sao các nhà nghiên cứu nước ta thiếu thông tin? Câu trả lời là do thiếu cơ sở vật chất và trường đại học cũng chưa quan tâm (hay chưa nhận thức) đúng mức đến tầm quan trọng của thông tin trong nghiên cứu khoa học. Trong bài Chỗ đứng nào cho giảng viên trẻ (Vietnamnet 8/3/2007), nhiều giảng viên đại học cho biết “Cơ sở dữ liệu nội địa đang ở tình trạng báo động”, vì “chưa có một cơ chế để tích lũy và công khái hóa dữ liệu. Các thế hệ đi trước đã không làm dữ liệu khoa học một các khoa học để lại cho thế hệ mai sau.” Một giảng viên trẻ bức xúc nói: “Những người muốn làm nghiên cứu như tôi phải bỏ tiền ra mua. Tôi chi một số tiền tương đối lớn để làm thành viên của các tổ chức cung cấp tài liệu, để được đọc các tài liệu. Đáng lẽ những việc như vậy trường có thể hỗ trợ bằng cách mua.” Trong bối cảnh thiếu thốn thông tin như mô tả trên đây, thật là không công bằng nếu ta đòi hỏi các nhà khoa học trong nước phải có những công trình nghiên cứu chất lượng cao, nghiên cứu tiền phong. Với tình trạng thiếu thông tin như thế, làm sao chúng ta có thể kì vọng các nhà khoa học nước ta sánh vai cùng các đồng nghiệp ở các trường lớn trên thế giới.

Tình trạng trên rất tương phản với tình hình ở các trường đại học hay viện nghiên cứu khoa học Tây phương, nơi mà thông tin được xem là một loại cơ sở vật chất (infrastructure). Trong các tiêu chuẩn dùng để xếp hạng và đánh giá danh tiếng của các trường dại học, ngoài các tiêu chuẩn khoa bảng, hệ thống thư viện và tập san khoa học là một tiêu chuẩn rất quan trọng. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy các trường đại học “khoe” hệ thống thư viện của mình để cạnh tranh nhau thu hút sinh viên hay nghiên cứu sinh. Xin đơn cử trường hợp Viện nghiên cứu Garvan (nơi tôi đang công tác), có khoảng 400 nhà khoa học, nhưng ngân sách dành cho các tập san khoa học hàng năm dao động từ 700 ngàn đến 1 triệu đô-la, kể cả lương bổng cho hai nhân viên thư viện làm việc toàn thời gian. Bất cứ bài báo nào, từ đâu, công bố năm nào (kể cả vào thế kỉ 19) nếu có nhu cầu chính đáng, viện sẵn sàng dành chi phí để truy cập cho được, và phải truy cập nhanh. Yếu tố thời gian rất quan trọng, vì đối với những trường hợp lâm sàng hiếm hay có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân, việc truy tìm thông tin khoa học xảy ra trong vòng vài phút, chứ không phải vài giờ, và bất kể ngày hay đêm, ngày thường hay ngày cuối tuần.

Mô hình xuất bản “cổ điển”

Trong thời đại kinh tế tri thức, thông tin và tri thức càng ngày càng được xem là một loại hàng hóa. Nhưng loại hàng hóa này càng ngày càng đắt giá và các nhà khoa học ở các nước đang phát triển khó có khả năng tài chính với đến. Điều này dẫn đến tình trạng “Information Divide” (Khoảng cách thông tin) giữa các nước Tây phương và các nước đang phát triển. Trong khi các nước Tây phương thì tràn đầy (và có thể nói là thừa) thông tin, thì các nước đang phát triển như nước ta lại “khát” thông tin. Nhiều nhà khoa học cho rằng khoảng cách thông tin này chính là yếu tố quan trọng nhất có ảnh hưởng đến việc phát triển và cải thiện sức khỏe ở các nước nghèo khó.

Nguyên nhân chính của khoảng cách thông tin giữa các nước nghèo và giàu một phần do mô hình xuất bản ấn phẩm vì lợi nhuận vốn tồn tại trong suốt 70 năm qua. Theo mô hình cổ điển này, các nhà xuất bản lớn quản lí các tập san (trên thế giới có khoảng 24 ngàn tập san khoa học) và qua các tập san buôn bán thông tin kiếm lời. Kiếm lời bằng cách nào? Hiện nay, những người như người viết bài này (tác giả từ các nước đã phát triển) khi công bố một bài báo phải trả cho các nhà xuất bản trung bình là 800 USD (ấn phí trung bình cho mỗi trang dao động từ 70 USD đến 150 USD, tùy theo loại giấy và có màu hay không). Cần nói thêm rằng, các tập san chỉ đóng vai hành chính trung gian, vì tất cả biên tập và chuẩn bị cho việc xuất bản bài báo đều do tác giả đảm nhiệm, còn trách nhiệm bình duyệt cũng thuộc về cộng đồng khoa học và hoàn toàn miễn phí. Các tập san công bố bài báo khoa học và bán thông tin cho độc giả (tức cộng đồng nghiên cứu khoa học)! Đó là chưa kể các tập san còn có thêm thu nhập lớn từ quảng cáo.

Với mô hình “cổ điển” này, nhà khoa học vừa là người sản suất ra thông tin, vừa là người mua thông tin! Nhà khoa học vất vả làm nghiên cứu, phân tích kết quả, viết báo cáo, và phải trả tiền để được công bố thông tin, và phải mua lại thông tin mà mình vừa công bố! Nhiều người không quen với mô hình này thoạt đầu nghe qua thì quá vô lí, nhưng thực tế là như thế.

Mô hình này đi ngược lại với lí tưởng của khoa học, đó là thông tin khoa học là tài sản của nhân loại, và mọi người có quyền truy nhập thông tin. Tuyên bố thiên niên kỉ (Millenium Declaration) ghi nhận quyền được truy cập thông tin. Tuy nhiên, thông tin khoa học ngày nay chịu sự kiểm soát của các tập đoàn xuất bản quốc tế, chủ yếu là Mĩ và Âu châu. Các tập đoàn này đứng đằng sau các tập san khoa học ở các nước Âu Mĩ ngày nay để kiếm lời, và đó chính là một trong những khó khăn cho việc phổ biến thông tin, và lí tưởng khoa học vẫn chưa trở thành thực tế mà chỉ còn là … lí tưởng.

Giải pháp internet

Một cuộc tranh luận “nóng” đã diễn ra trên các diễn đàn khoa học quốc tế về mô hình xuất bản ấn phẩm khoa học hiện nay [4]. Một số nhà khoa học cho rằng việc các tập san (và tập đoàn xuất bản) làm lời trên thông tin từ cộng đồng khoa học là phi đạo đức. Không hài lòng với mô hình xuất bản hiện hành, một nhóm nhà khoa học Mĩ và Âu châu đứng ra thiết lập một hệ thống xuất bản trực tuyến có tên là Public Library of Science (PLoS) [5], nơi mà tất cả các nhà khoa học khắp thế giới có thể công bố kết quả nghiên cứu, và bất cứ ai trên thế giới đều có thể truy nhập và hoàn toàn miễn phí. Một nhóm khác, BioMedical Central (BMC) [5] cũng theo mô hình “Open Access” này, mà theo đó, các nhà khoa học ở các nước đang phát triển có thể công bố kết quả nghiên cứu hoàn toàn miễn phí, và bất cứ ai trên thế giới cũng đều có thể truy nhập thông tin hoàn toàn miễn phí.

Hai năm trước đây, Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization) khởi xướng chương trình Health InterNetwork Access to Research Initiative (HINARI), mà theo đó, WHO sẽ tài trợ một ngân khoản cho cho các nước có thu nhập thấp (kể cả Việt Nam). Dưới chương trình này, các trung tâm nghiên cứu và đại học y dược ở nước ta cũng như các nước đang phát triển có thể truy cập thông tin từ khoảng 2000 tập san hàng đầu trên thế giới. Đây là một phát triển quan trọng trong việc làm giảm khoảng cách thông tin giữa các nước nghèo và giàu, nhưng vẫn chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính vá víu, chứ không giải quyết tuyệt đối vấn đề thiếu thông tin.

Năm ngoái, dưới sự hỗ trợ tài chính từ một số tổ chức từ thiện, Đại học Yale khởi xướng một chương trình có tên là Online Access to Research in the Environment (OARE), mà theo đó, các nhà khoa học từ 70 nước có thu nhập đầu người thấp (dưới 1000 USD) sẽ truy nhập thông tin miễn phí trong các lĩnh vực môi trường học, kinh tế học, luật, hóa học, sinh học, khí tượng học, hải dương học, địa lí học, nông nghiệp và thủy sản, kĩ thuật, năng lượng từ các tập đoàn xuất bản lớn như Elsevier, Blackwell, Taylor & Francis, Springer, John Wiley, Cambridge University Press, Oxford University Press, National Academy of Sciences, Amaerican Association for the Advancement of Science, Nature Publishing Group, Annual Reviews, v.v…

Một số tập đoàn xuất bản “hào hiệp” (như nhóm Bristish Medical Journal và BioMed Central chẳng hạn – cả hai đều ở Anh) có chính sách “lấy tiền người giàu chia cho người nghèo” (theo kiểu Robin Hood). Bởi vì phần lớn các nghiên cứu công bố trên các tập san này xuất phát từ những nước đã phát triển, do đó họ bắt buộc các nhà khoa học có bài đăng trên những tập san do họ quản lí phải trả tiền ấn phí. Họ đưa toàn bộ những bài báo khoa học lên internet, và tất cả các nước trên thế giới đều có thể truy nhập hoàn toàn miễn phí.

Trước những thử thách mới của các tập đoàn hào hiệp này, các nhà xuất bản lớn bắt đầu nhận thức được sự đe doạ của cuộc cách mạng thông tin do internet đem lại. Một số thay đổi chính sách xuất bản và tỏ ra “từ thiện” với các nước nghèo hơn. Vì hiện nay hầu hết các tập san khoa học đều công bố ấn phẩm khoa học trên hai hình thức internet và giấy (gần đây, thậm chí có một số tập san chuyển hẳn sang hình thức công bố ấn phẩm trên hệ thống internet), cho nên các tập san đồng ý cho các nhà khoa học từ các nước truy nhập thông tin trên internet (không phải tạp chí giấy) có giới hạn. Một số tập san (như Science chẳng hạn) có chính sách miễn phí cho những bài báo đã công bố trên 1 năm. Tuy đây là một chính sách “có hậu”, nhưng nghiên cứu khoa học, với tính cạnh tranh cao độ, truy nhập được thông tin trên 1 tuổi thì cũng đồng nghĩa với việc thua kém!

Giải pháp nào cho Việt Nam ?

Quay trở lại với tình trạng thiếu thông tin ở nước ta, một tình trạng mà một nhà nghiên cứu mới đây cho rằng “không thể chấp nhận được” [6]. Tôi cũng đồng tình với cảm nghĩ của đồng nghiệp này. Ở đây, tôi để nghị vài biện pháp cụ thể như sau:

Thiết lập một cơ sở dữ liệu khoa học quốc gia. Hiện nay, nước ta có nhiều tập san khoa học, tuy chất lượng chưa cao, nhưng cũng cung cấp nhiều thông tin có ích và liên quan đến khoa học trong nước. Nhưng các thông tin này chưa được hệ thống hóa, và tình trạng này gây không ít khó khăn cho nhiều nhà nghiên cứu trẻ, kể cả nghiên cứu sinh, vì họ không truy tìm được tài liệu cần thiết. Một vài nghiên cứu sinh phàn nàn với người viết bài này rằng khi họ trình bày đề cương nghiên cứu trước thầy cô, họ bị phê bình rằng chỉ trích dẫn các báo cáo ở nước ngoài mà “coi thường” nghiên cứu từ trong nước, nhưng trong thực tế, rất khó mà biết các nhà nghiên cứu trong nước đã làm gì vì không có cơ sở dữ liệu.

Hệ thống hóa cơ sở dữ liệu rất quan trọng. Trước đây, trước những lo ngại về chất anthrax trong chiến dịch chống khủng bố, các nhà khoa học truy tìm tài liệu khoa học và may mắn thay, vào lúc đó, chỉ có Thư viện Anh (British Library) là cơ quan duy nhất có hệ thống hóa dữ liệu khoa học trước năm 1950. Qua truy cập tài liệu, các nhà nghiên cứu mới phát hiện rằng chưa có nghiên cứu gì về anthrax trong suốt 47 năm! Nếu không có cơ sở dữ liệu của Thư viện Anh, có lẽ người ta phải tốn rất nhiều thời gian và công sức để biết về anthrax. Qua kinh nghiệm này, ở Mĩ và một số nước như Anh và Úc, các thư viện quốc gia có chương trình hệ thống hóa toàn bộ các bài báo khoa học trong một cơ sở dữ liệu và đưa lên internet. Chẳng hạn như hệ thống dữ liệu Pubmed Central (PMC, www.pubmedcentral.nih.gov) của Mĩ có mục đích tập hợp và hệ thống hóa các bài báo khoa học từ các tập san khoa học trong và ngoài nước Mĩ. Với PMC, chúng ta có thể truy nhập những bài báo công bố từ đầu thế kỉ 20. Nước ta có thể học từ PMC để phát triển một cơ sỡ dữ liệu nội địa và qua đó giúp cho thế hệ sau trong nghiên cứu khoa học.

Chủ động liên lạc với chương trình OARE và WHO để đảm bảo Việt Nam nằm trong danh sách của họ. Việc làm này đòi hỏi sự chủ động của một số tổ chức đại diện trong nước (chẳng hạn như Bộ Y tế hay Bộ Khoa học và môi trường). Những thành viên chính trong chương trình OARE là Kimberley Parker (Giám đốc thư viện Đại học Yale), Barbara Aronson (Giám đốc chương trình HINARI của WHO).

Tích cực tham gia vào chương trình Open Access để đảm bảo các nhà khoa học trong nước có thể truy nhập vào các tập san do chương trình này quản lí. Chương trình Open Access có mục tiêu chính là tạo điều kiện cho các nhà khoa học trên khắp thế giới, kể cả ở các nước đang phát triển, có thể truy nhập thông tin khoa học miễn phí. Chương trình này đang được rất nhiều đại học trên thế giới ủng hộ và rất thành công, không chỉ trong xuất bản ấn phẩm khoa học mà cả lĩnh vực phần mềm máy tính như ngôn ngữ R chẳng hạn [7]. Chúng ta có thể tranh thủ mời các nhân vật chính trong chương trình này (chẳng hạn như Leslie Chan, Barbara Kirsop, Stevan Harnard) đến Việt Nam để thảo luận về cách Việt Nam có thể tham gia hay đóng góp vào chương trình Open Access.

Quan trọng hơn hết là mở rộng và đầu tư vào công nghệ thông tin và internet. Phải nói ngay rằng hệ thống internet tại các trung tâm nghiên cứu và đại học nước ta chưa hoàn chỉnh, và trong tình trạng đó, tất cả các giải pháp trên sẽ không thể nào và không bao giờ thành hiện thực, bởi vì tất cả các giải pháp Open Access, OARE hay HINARI đều dựa vào internet. Do đó, các trường đại học và trung tâm nghiên cứu cần phải trước hết kiện toàn hệ thống internet và thư viện. Nếu chưa có hai cơ sở vật chất này, chúng ta chưa thể thảo luận gì được với các nhóm mà tôi vừa nêu.

Như nói trên, đa số các tập san khoa học quốc tế hiện đang nhanh chóng chuyển sang xuất bản trực tuyến, và trong vòng 10 năm tới, tất cả các tập san khoa học ở các nước phát triển sẽ chuyển sang hình thức trực tuyến. Ngay cả hiện nay, rất nhiều thư viện đại học ở các nước Tây phương chỉ đặt mua (hay nói đúng hơn là truy nhập) các tạp chí khoa học qua mạng. Thế nhưng ở nước ta, điều đáng buồn hiện nay là các nhà nghiên cứu trong nước chưa được cập nhật hóa với các tài liệu khoa học quốc tế, mà một trong những nguyên nhân chính là truy nhập internet còn quá hạn chế, quá chậm. Nhiều trường đại học có lắp đặt internet nhưng hình như chỉ làm cho có và để đó, chứ chưa đưa vào khai thác sử dụng. Cụ thể là phần lớn những trang nhà của các trường đại học nước ta là những trang nhà chết. Hệ thống internet của các đại học nước ta chưa chiếm được lòng tin của người trong trường. Thậm chí, phần lớn (có thể nói 100%) giáo sư và nhân viên đại học, kể cả hiệu trưởng và hiệu phó, không dùng địa chỉ email của trường mà chỉ dùng các địa chỉ email công cộng như yahoo hay google!

Vì thế, một trong những nhu cầu cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học là phải tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu truy nhập internet để có thể truy cập các tài liệu nghiên cứu khoa học mới nhất, giúp cho việc phát triển ý tưởng và học hỏi phương pháp trong nghiên cứu. Internet đang mở ra một hướng đi rất quan trọng và có thể nói không ngoa là một cuộc cách mạng khoa học. Nếu chúng ta không phát triển internet cho các trường đại học thì mãi mãi chúng ta sẽ chỉ là người đi theo sau.

Để hội nhập quốc tế và nâng cao khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức, nước ta cần phải “sản xuất” tri thức qua nghiên cứu khoa học, phổ biến tri thức qua giáo dục, và ứng dụng tri thức qua phát triển công nghệ. Ở bất cứ lĩnh vực nào, tất cả các nghiên cứu khoa học đều dựa vào những nghiên cứu trước và tùy thuộc vào khả năng truy cập thông tin và chia sẻ thông tin của nhà nghiên cứu. Không có thông tin cập nhật, các nhà khoa học nước ta sẽ mãi mãi là những người đi bên lề bên lề thế giới khoa học, và mãi mãi “dưới cơ” đồng nghiệp Tây phương. Có người bi quan cho rằng tình trạng “dưới cơ” là đương nhiên, vì cái vòng luẩn quẩn: nghèo dẫn đến thiếu tiền; thiếu tiền dẫn đến thiếu thông tin; thiếu thông tin dẫn đến chất lượng nghiên cứu nghèo nàn; và nghiên cứu nghèo nàn dẫn đến thiệt thòi kinh tế, nghèo khó. Chúng ta cần phải mở một nút thoát trong cái vòng luẩn quẩn này!

Chú thích:

[1] Xem bài “Nghiên cứu y học ở Việt Nam: đặc điểm, thiếu sót, và sai sót” của tôi, đăng trên Tạp chí Thông tin Y học thuộc Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh, số tháng 1,2 và 3/2007. Web: http://203.162.99.91/thoisuyhoc

[2] Xem bài “Nhìn lại 10 năm công bố ấn phẩm khoa học Việt Nam: các nhà khoa học nghĩ gì qua những bài báo đăng trên tạp chí quốc tế” của Phạm Duy Hiển, đăng trên Tập san Hoạt động Khoa học, số tháng 1, 2006.

Web: www.tchdkh.org.vn/tchitiet.asp?code=2033

[3] Xem bài “Di truyền, sự tương tác giữa di truyền và môi trường – yếu tố quyết định chiều cao của con người” của tôi, đăng trên Tập san Hoạt động Khoa học, số tháng 6, 2006. Web: http://www.tchdkh.org.vn/tchitiet.asp?code=2188.

[4] Xem loạt bài tranh luận về quyền truy nhập thông tin khoa học trên Tập san Nature số 293, 412, năm 2001; và Tập san New England Journal of Medicine, số 344, năm 2001.

[5] Địa chỉ của PLoS: www.plos.org, và BioMed Central: www.biomedcentral.com.

[6] Xem bài “Cấp thiết xây dựng thư viện số” của Đào Tiến Khoa, đăng trên Tia Sáng, số 17/4/2007. Website: www.tiasang.com.vn/news?id=1488.

[7] Trước đây các phần mềm phân tích thống kê có mặt trên thị trường rất đắt tiền, các trường đại học Tây phương phải trả hàng trăm ngàn USD để sử dụng cho việc nghiên cứu và giảng dạy. Nhưng gần đây, qua cộng tác giữa các nhà thống kê học trên toàn cầu, một hệ thống ngôn ngữ phân tích số liệu có tên là R đã được phát triển và đang trở thành một phần mềm phân tích số liệu phổ biến nhất trên thế giới. R hoàn toàn miễn phí, và bất cứ ai trên thế giới với nối mạng internet có thể tải xuống máy tính cá nhân bất cứ lúc nào, và bất cứ ở đâu trên thế giới. Về R, có thể xem sách “Phân tích số liệu và tạo biểu đồ bằng R” của tôi do Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật phát hành năm 2007

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Văn Tuấn