Chấn hưng khoa học từ chuẩn mực và thuật dùng người

: Vietsciences- Đặng Hữu Chung            19/10/2008
 

Những bài cùng tác giả

Lời cảnh báo của GS. Pierre Darriulat về nạn chảy máu chất xám chỉ có thể ngăn chặn được trên cơ sở nền khoa học và giáo dục nước nhà được chấn hưng. Mà việc này chủ yếu phụ thuộc vào chuẩn mực và thuật dùng người.

Quan niệm về nhân tài

Cho đến nay câu hỏi thế nào là nhân tài vẫn còn gây nhiều tranh luận. Tuy nhiên, khái niệm về nhân tài trong thời đại ngày nay được hiểu theo nghĩa rộng hơn, bao gồm hầu hết mọi lĩnh vực trong xã hội như khoa học, nghệ thuật, kinh doanh,… và không nhất thiết phải có bằng cấp cao hay chức danh khoa học “hoành tráng”.

Bill Gates là một ví dụ điển hình trong thời đại của chúng ta. Ông đã bỏ dở dang khi theo học ở đại học Harvard mà vẫn trở thành chủ tịch của tập đoàn phần mềm Microsoft nổi tiếng và trở thành người giàu có thuộc bậc nhất thế giới với tài sản 57 tỷ USD và cho mãi đến thời gian gần đây (7/6/2007) ông mới được cấp bằng cử nhân và Tiến sĩ danh dự thuộc ngành luật vì "Ông là doanh nhân có ảnh hưởng nhất trong cuộc cách mạng máy tính cá nhân". Một ví dụ khác trong quá khứ, nhà bác học Thomas Edison chưa học xong bậc tiểu học, mà chính xác chỉ theo học được 3 tháng ở một trường tiểu học và sau đó bị đuổi học vì lý do trò Edison có một trí tuệ không bình thường nhưng đã trở thành nhà phát minh vĩ đại trong thế kỷ 19.

Trong thời gian gần đây, trên các diễn đàn Internet chúng ta đã đọc quá nhiều về các câu chuyện lãng phí nhân tài và hiện tượng chảy máu chất xám. Nhiều nhà khoa học được đào tạo, tu nghiệp ở các nước tiên tiến đã trở về quê hương với lòng đầy nhiệt huyết, mong muốn được cống hiến hết mình cho công cuộc dựng xây đất nước. Nhưng cuối cùng, phần lớn trong số họ đành phải ra đi hoặc chuyển sang lĩnh vực kinh doanh để không phải chứng kiến những công việc nhàm chán hằng ngày đang diễn ra ở một số các cơ quan nghiên cứu. Họ có lòng tự trọng cao và không muốn mình trở thành nhân vật thừa. Không chỉ trong lĩnh vực khoa học, gần đây hiện tượng các công chức bỏ việc hàng loạt cũng đã xảy ra. Tiền lương cũng chỉ là một lý do, nhưng có lẽ lý do chủ yếu nhất đó là họ không có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.

Sự cần thiết của một triết lý giáo dục

So sánh với nền giáo dục của các nước trên thế giới chúng ta không khỏi bâng khuâng và tự hỏi chúng ta đang đi theo trường phái giáo dục nào, nhưng biểu hiện rõ nét nhất của nó là sự nhìn nhận lệch lạc về bằng cấp. Tư tưởng học để ra làm quan, để được vinh thân, phì gia đã hình thành trong mỗi chúng ta từ lúc còn nằm nôi. Có lẽ do đất nước chúng ta đã trải qua hàng nghìn năm nô lệ, cho nên danh vọng và địa vị trong xã hội đã trở thành niềm khát khao trong mỗi con người. Chắc chắn đây không phải là cái đích mà nền giáo dục hướng đến. Cái lớn nhất mà nền giáo dục mang lại là tính nhân văn và tri thức, không mang nặng hình thức khoa cử khuôn sáo. Những thành tích giả tạo trong học tập, nghiên cứu sẽ hủy diệt tương lai của một đất nước. Nó không diễn ra ngay lập tức mà sẽ diễn ra một cách lặng lẽ từ thế hệ này đến các thế hệ khác. Rõ ràng các thế hệ kế tiếp chúng ta đang cần một triết lý giáo dục mới, mang đặc trưng của nền văn minh hiện đại. Đấy cũng chính là nền tảng cơ bản để xây dựng nên các chuẩn mực mới trong xã hội.

Tác hại của sự thiếu chuẩn mực

Hiện nay chúng ta đang sống trong một xã hội ngổn ngang về bằng cấp và chức danh khoa học, nhưng điều đáng buồn nhất là bằng cấp và chức danh không đi đôi với năng lực chuyên môn. Mặc dù chưa có số liệu thống kê một cách đầy đủ nhưng qua đánh giá cục bộ cho thấy con số này chiếm tỷ lệ khá lớn. Thầy cần chức danh “giáo sư”, còn trò cần bằng “tiến sĩ” hai nhóm đối tượng này sẽ góp phần phình to số lượng “học giả” không học thật. Sự cổ vũ cho xu hướng này chính là các tiêu chuẩn không chuẩn để công nhận các loại chức danh, bằng cấp. Tư tưởng cào bằng trong khoa học, một phép trung bình cộng đặt không đúng chỗ thật sự là mối nguy hại cho sự tiến bộ và phát triển khoa học nước nhà.

Chúng ta thừa hiểu rằng một người tốt nghiệp đại học cách đây vài thập niên và trong suốt thời gian đấy người ta không hề có công trình nghiên cứu nào và cũng chẳng bao giờ liên quan đến việc giảng dạy thì chắc chắc kiến thức chuyên môn trong họ chỉ còn là những khái niệm mơ hồ. Thế nhưng chính họ lại nắm giữ các vị trí quan trọng trong việc đào tạo ở các trường đại học vừa mới hình thành. Đây cũng là một trong những nghịch lý trong hệ thống giáo dục-đào tạo hiện nay. Cùng với nhiều vấn đề tiêu cực khác chúng đã trở thành sự thách thức thực sự đối với sự nghiệp trồng người. Tình trạng thừa thầy thiếu thợ chính vì thế mà ngày càng gia tăng.

Bộ máy quản lý ở các cơ quan nghiên cứu cũng không ngừng phát triển ồ ạt với hiệu quả công việc rất thấp. Đôi khi người ta nghĩ ra chỉ để thăng cấp cho nhau và tạo nên số đông về phe cánh khi cần lấy ý kiến biểu quyết. Nếu so sánh với các viện nghiên cứu ở châu Âu chúng ta sẽ nhận thấy rằng bộ máy của họ rất đơn giản, đâu cần quá nhiều các trưởng, phó phòng như ở Việt Nam. Đã thế, việc bổ nhiệm, đề bạt các chức vụ trong các cơ quan nghiên cứu cũng cho thấy có quá nhiều điều bất cập, thiếu dân chủ và các chuẩn mực hợp lý. Cho nên tình trạng các trưởng phòng chuyên môn quá yếu kém về chuyên môn là chuyện thường ngày. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời thì người có tài sẽ mãi là người ngoài cuộc. Nếu những nhà khoa học chỉ mới được “trọng” mà không “dụng” thì tài năng sẽ mai một theo thời gian và như thế sẽ dẫn đến sự lãng phí nhân tài, một thứ lãng phí lớn nhất trong các loại lãng phí.

Thành viên các hội đồng khoa học từ cấp cơ sở cho đến cấp cao hơn thường chỉ tập trung những nhà khoa học mà sự nghiệp nghiên cứu đã bị bỏ qua từ rất lâu có khi đến vài thập kỷ và dĩ nhiên họ không còn xứng đáng là đại diện cho các hướng nghiên cứu hiện nay. Tuy vậy họ vẫn muốn là những người cầm trịch trong việc xem xét phân bổ kinh phí, nghiệm thu đề tài hay đưa ra những ý kiến có ý nghĩa quyết định đến sự nghiệp khoa học của các nhà nghiên cứu nghiêm túc. Nguy hại hơn nữa, chính họ đã trực tiếp hoặc gián tiếp đề ra các tiêu chí cho việc xét chọn, do đó yếu tố khách quan sẽ không được bảo đảm và trở thành công cụ để hợp thức hóa lòng tham. Vừa là thành viên của Hội đồng khoa học đồng thời vừa là ứng cử viên trong việc đấu thầu đề tài, điều này cần phải được nhanh chóng loại bỏ. Với ảnh hưởng của mình họ còn áp đặt danh sách những người kế vị và như thế các loại hội đồng cũng chỉ là nơi để họ thao túng. Điều này cho thấy việc thành lập hội đồng cũng rất tùy tiện và đôi khi còn phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người có chức vụ. Ở các nước văn minh thành viên hội đồng khoa học phải độc lập với các chức vụ quản lý và phải bao gồm những nhà khoa học có năng lực chuyên môn nổi trội thông qua các công trình khoa học có chất lượng được công bố trong thời gian gần đây. Trong khi đó ở nước ta đã có quan niệm cho rằng nên chọn thành viên hội đồng là những người có chức vụ trong cơ quan nghiên cứu để dễ dàng cho việc theo dõi. Đây là quan niệm quá sai lầm!

Cuối cùng, người ta thường biện bạch cho những tồn tại nêu trên rằng hiện nay chúng ta đang “hụt hẫng” đội ngũ kế cận. Không! Đó chính là sự hụt hẫng giả tạo xuất phát từ sự đố kỵ, ích kỷ và lòng tham không bờ bến của một số trong các vị có chức sắc khoa học.

Việt Nam qua vài chỉ số đánh giá theo chuẩn quốc tế

Chúng ta đang sống trong thời đại hệ thống thông tin toàn cầu, đồng thời cũng là thành viên của WTO và cao hơn nữa là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an liên hợp quốc. Mọi hành động của chúng ta sẽ có được sự phản ánh tức thời. Cho nên chúng ta không thể tự đặt mình ra ngoài chuẩn mực chung của cộng đồng quốc tế.

Theo thống kê mới nhất cho thấy lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ ở nước ta hiện nay tương đối đông đảo, trong đó cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng hơn 1.4 triệu; cán bộ có trình độ trên đại học khoảng 30 nghìn, trong đó hơn 13 nghìn TS và khoảng 6 nghìn GS-PGS. Với một lực lượng hùng hậu về số lượng như thế, chắc chắn xã hội cũng đã đặt ra nhiều kỳ vọng.

Chúng ta hãy cùng nhìn lại Việt Nam qua một vài chỉ số đánh giá của các tổ chức quốc tế. Có thể đây không phải là những thước đo chính xác bảo đảm sự tin cậy tuyệt đối, nhưng nó đủ tốt, được quốc tế thừa nhận và bao hàm nhiều khía cạnh cần được xem xét một cách khoa học.

Thông qua công cụ ISI Web of Science chúng ta có thể dễ dàng tìm được số lượng các công trình khoa học được công bố đối với mỗi quốc gia cũng như đối với từng cá nhân các nhà khoa học. Chúng ta hãy so sánh thành tích của khoa học Việt Nam trong thời gian 5 năm từ 2004-2008 (tính đến thời điểm tháng 09/2008) với một số quốc gia trong khu vực. Từ đây có thể nhận thấy rằng chúng ta không thể so sánh nổi với Ấn độ và Hàn Quốc, nhưng ngay cả với ông bạn láng giềng Thái Lan chúng ta cũng đã thua kém quá xa. Thái Lan chỉ có hơn 65 triệu dân, nghĩa là vào khoảng 76% dân số Việt Nam (85 triệu) và chắc rằng số lượng các GS-PGS cũng ít hơn so với Việt Nam. Thế nhưng số lượng công trình khoa học của Thái Lan mạnh hơn ta rất nhiều. Trong giai đoạn 2004-2008 Việt Nam chỉ đạt khoảng 20% số lượng công bố của Thái Lan. Đây là vấn đề đáng để chúng ta suy nghĩ, vì nó chính là hệ quả trực tiếp từ các chuẩn mực sai lệch về bằng cấp, chức danh.

Một hướng đánh giá khác về sự tác động của khoa học và công nghệ đến nền kinh tế quốc dân, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế tri thức của Việt Nam phát triển rất chậm với chỉ số KEI đạt 2.92 điểm và xếp ở vị trí 91 trong tổng số 128 nước được khảo sát. Thái lan đạt 4.76 điểm xếp vị trí 63.

“Ranking Web of World Universities” đã sắp xếp Top 4000 đại học trên toàn thế giới thực hiện vào tháng 7/2008. Trong đó vị trí 1-25 thuộc về các trường đại học của Mỹ, vị trí 26 là đại học Cambridge, đại học Oxford xếp vị trí 47 và Việt Nam có được 6 trường: Đại học Tự nhiên Tp.HCM xếp vị trí 1848, Đại học Bách khoa Tp.HCM - 1936, Đại học Cần Thơ - 2315, Đại học Quốc Gia - 2623, Đại học Bách khoa Hà Nội - 3137 và Đại học Kinh tế Tp.HCM - 3250. Trong bảng xếp hạng Top 100 trường đại học thuộc châu Á Việt Nam không có được một đại học nào, trong khi đó Thái Lan có đến 9 đại học với vị trí cao nhất là 28 (vị trí 384/4000).

Hành động để chấn hưng nền khoa học

Trước hết mục tiêu đào tạo phải dựa trên nhu cầu thực tiễn. Đào tạo nhiều mà không giải quyết tốt vấn đề sử dụng thì sẽ trở nên gánh nặng cho xã hội. Người có bằng cấp, chức danh khoa học cao mà không có năng lực chuyên môn chắc chắn sẽ trở thành đối tượng ăn bám, cản trở sự phát triển của khoa học. Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu họ nắm giữ các vị trí quản lý trong khoa học, là thành viên của các loại hội đồng. Sự cống hiến trong khoa học phải được nhìn nhận công bằng, không phân biệt giai cấp, thành phần trong xã hội và phải dựa trên những chuẩn mực khách quan. Thiếu chuẩn mực này sự tôn vinh của xã hội sẽ trở thành sự cổ vũ, khuyến khích cho các nhà khoa học chạy theo thành tích ảo. Trong giai đoạn trước mắt nhà nước cần tập trung giải quyết tốt chế độ tiền lương đủ bảo đảm cuộc sống, không nên bổ sung nguồn thu nhập thông qua các đề tài. Cần rà soát lại danh sách cán bộ nghiên cứu khoa học và loại ra những trường hợp không có kết quả nghiên cứu trong nhiều năm qua. Đặc biệt, phải tạo ra môi trường cạnh tranh về năng lực chuyên môn. Việc bổ nhiệm cán bộ quản lý, thành viên các hội đồng khoa học cần được tiến hành công khai, dân chủ dựa trên thành tích cống hiến trong những năm gần đây để bảo đảm họ có đủ kiến thức và tầm nhìn trong điều hành công việc. Về độ tuổi nghỉ hưu và kéo dài thời hạn công tác nên xem xét lại một cách nghiêm túc để phát huy được sự cống hiến cho khoa học một cách hiệu quả.

Dẫu có muộn màng cũng phải quyết tâm đưa nền khoa học nước nhà tiến lên trong thời gian sắp tới và như thế vẫn còn hơn không có bao giờ.

Đã đăng trên Tia Sáng

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Đặng Hữu Chung