Đầu năm 2005 vừa qua, tôi vinh dự được
UNESCO giao phó nhiệm vụ đánh giá bộ hồ sơ về cồng chiêng
của Việt Nam. Đây là cơ hội quí giá giúp cho tôi có thêm
được những hiểu biết thấu đáo hơn về một bộ môn nghệ
thuật đặc sắc của dân tộc.
Văn hoá cồng chiêng được phát triển
từ nền văn hoá đồng thau của dân tộc (mà đại diện tiêu
biểu là trống đồng ra đời cách đây 3.000 năm) là loại
hình nghệ thuật gắn với lịch sử văn hoá của các dân
tộc thiểu số sống dọc Trường Sơn trên Tây nguyên.
Trước đây, đã có một số sách của
các học giả phương Tây viết về cồng chiêng của Việt
Nam, nhưng hầu hết chỉ đề cập đến hình thức mà không
nắm được nội dung, lại chỉ qua cái nhìn của các nhà dân
tộc học chớ không phải nhà nhạc học chuyên sâu. Trong nước
thì các nhà nghiên cứu như Tô Vũ, đặc biệt là giáo sư
Tô Ngọc Thanh có viết nhi?u bài về cồng chiêng Tây nguyên
khá sâu sắc.
Tuy nhiên, cho đến nay trong nước vẫn
chưa có một công trình tổng hợp tất cả những dàn cồng
chiêng của các dân tộc thiểu số. Từ đó mới có được
một cái nhìn toàn diện cho chúng ta thấy rõ tại sao cồng
chiêng Tây Nguyên có một giá trị đặc biệt hơn so với cồng
chiêng đại quy mô có bề dày lịch sử của các nước trong
khu vực như Indonesia hay Philippines, vốn đã có nhiều tài liệu
nghiên cứu đầy đủ về mặt nhạc học, thậm chí có cả
luận án tiến sĩ về các dàn cồng chiêng này.
Sau thời gian dài gần như chìm vào quên
lãng, gần đây nhờ sự quan tâm của chánh quyền Trung ương
và địa phương, sự góp sức của các nghệ nhân cao niên,
các nghệ sĩ trẻ có ý thức bảo tồn vốn cổ, cũng như
những chuyên gia dân tộc học, âm nhạc học tận tâm hợp
lực cùng các Viện nghiên cứu trong nước hoàn thành một
hồ sơ đầy đủ bằng tiếng Anh về cồng chiêng của Việt
Nam. Nếu so với hồ sơ của Nhã nhạc Cung đình trước đây
thì không hề thua kém về mặt tư liệu với đầy đủ hình
ảnh, âm thanh, dĩa hát …
Khi mới đọc qua bộ hồ sơ dài gần 700
trang này, tôi nhận thấy số lượng bài viết rất dồi dào,
có chiều sâu về mặt nghệ thuật, nhưng vẫn chưa thấy rõ
nét độc đáo của cồng chiêng Tây nguyên so với cồng chiêng
các nước khác. Khi đọc đến mục "Tư liệu tham khảo", in
trong phần Phụ Chú tôi chú ý đến bài của Bùi Trọng Hiền
- một nhà nghiên cứu trẻ am hiểu sâu nhiều loại hình
âm nhạc dân tộc - viết khá công phu về cồng chiêng, trong
đó đề cập những nét đặc thù trong thang âm, điệu thức,
tiết tấu mà cồng chiêng các nước khác không có.
Do đó trong một dịp ra Hà Nội, Minh Châu,
trong Viện Âm Nhạc giúp tôi gặp Bùi Trọng Hiền và tôi đã
may mắn được đọc toàn bộ công trình nghiên cứu của anh
về cồng chiêng (chớ không chỉ là bản tóm tắt như trong
hồ sơ chúng ta gởi đến UNESCO), vừa hết sức công phu vừa
đúng theo phương pháp khoa học phương Tây. Vì vậy có thể
nói chính tư liệu quý giá của Bùi Trọng Hiền đã giúp tôi
có được nhận định một cách toàn diện hơn, nhờ vậy
mà mạnh dạn đưa ra nhận xét khẳng định giá trị nghệ
thuật sâu sắc và độc đáo của cồng chiêng trong báo cáo
gởi cho Unesco, nhang qua Hội đồng Quốc tế Khoa học của
UNESCO tham khảo trước khi xét duyệt.
Trong bài viết ngắn này, tôi không đề
cập đến chi tiết mang tính nghiên cứu - vốn khá phức tạp
- mà chỉ đưa ra một vài đặc điểm cho thấy nét độc đáo
của cồng chiêng Tây nguyên.
Tính đa dạng của cồng chiêng Tây nguyên

Hình do anh Trần Thanh
Việt, nhóm erct.com tặng (trong vườn hoa Minh Trần)
Dân tộc Tây Nguyên có hai loại nhạc cụ
chánh là cồng và chiêng. Cồng làm bằng đồng có cái
núm ở giữa, còn nếu phẳng, không có núm thì gọi là chiêng.
Cồng chiêng là nhạc cụ bởi nó đưa
ra tiếng nhạc, nhưng không phải chỉ nhằm để giải trí,
tiêu khiển mà còn gắn liền với một lễ hội hay một sự
kiện quan trọng. Vì vậy cồng chiêng được xem như một vật
thiêng, là phương tiện để con người giao lưu với những
bậc vô hình, là sợi dây nối kết giữa người trần và
các đấng linh thiêng. Do đó âm nhạc ở đây không đơn thuần
là nghệ thuật mà có chức năng phục vụ một sự kiện đặc
biệt trong xã hội hoặc trong đời sống hàng ngày của dân
gian. Hầu như mỗi sinh hoạt trong bộ tộc đều dính liền
với nét nhạc. Lúc đứa trẻ mới lọt lòng thì già làng
sử dụng cái cồng xưa cổ nhứt đến bên giường đánh lên
để cho những âm thanh đầu tiên lọt vào tai đứa bé là
tiếng của bộ lạc, khẳng định nó là một phần của cộng
đồng bộ tộc. Khi đứa trẻ lớn lên thì mỗi giai đoạn
của đời sống đều gắn liền theo tiếng cồng chiêng, từ
việc đồng áng như gieo mạ, gặt lúa; cho đến những buổi
gặp gỡ nam nữ, cuộc chia ly hay tang lễ … đều có những
bài bản riêng.
Trong khi cồng chiêng các nước khác gần
như theo một hệ thống cố định (chẳng hạn như Indonesia
gồm 5 loại nhạc khí) thì biên chế của cồng chiêng Tây
nguyên rất đa dạng. Dàn cồng chiêng có thể chỉ đơn giản
gồm 2 chiếc cồng, cho đến dàn 9,12,15 chiếc cồng và chiêng.
Mỗi
nhạc công sử dụng một cồng. Trong những lễ hội quan trọng
còn có thêm cả trống.
Nếu dàn cồng chiêng ở các nước khác,
chẳng hạn như Gamelan ở Java, Gong Kebyar ở Bali (Indonesia) hay
Kulingtan, dân tộc Mindanao của Philippines, nhạc công luôn ngồi
yên tại chỗ thì người đánh cồng chiêng Tây nguyên luôn
di động, còn động tác thì đa dạng như nghiêng mình, cúi
người, khom lưng ...
Khi đánh cồng, bàn tay mặt của nhạc
công vỗ vào núm cồng như xoa dịu. Trước đây một số nhà
nghiên cứu tưởng rằng chỉ có một cách đánh bên ngoài
mà thôi, nhưng về sau mới biết bàn tay trái nắm ở bên trong
cũng tham gia biểu diễn với nhiều cách, hoặc nắm vào vành
hoặc bóp vành rồi buông ra, giống như cách nhấn nhá trong
các loại đờn dây hay cách ém hơi trong kỹ thuật hát. Thậm
chí có khi nhạc công đeo thêm chiếc vòng để khi lắc tay
thì chiếc vòng đụng vào mặt trong phối hợp với tiếng
gõ bên ngoài. Đó là những kỹ thuật tinh vi mà một người
bình thường khó nhận ra được

Hình do Dr. Tod A. Ragsdale chủ trang
-
worldviewfinder.com tặng
Ngoài ra còn có cách đánh chiêng với dùi
làm bằng gỗ cứng hay mềm khác nhau tùy theo dân tộc. Có
thể gõ vào giữa mặt chiêng hay đánh ngoài rìa tùy theo bài
bản. Người Ê Đê đa số sử dụng loại dùi cứng tạo nên
tiếng vang rất to nhưng lại có nhiều tạp âm. Người Bahnar
thường sử dụng dùi làm bằng cây sắn là loại gỗ mềm
hơn, tuy nét nhạc không vang bằng nhưng âm cơ bản nghe rất
rõ. Loại dùi thứ ba làm bằng gỗ thường có bọc thêm một
lớp bên ngoài (xưa kia người ta sử dụng da tinh hoàn của
trâu, bò hoặc dê, về sau được bọc bằng vải rồi đổi
sang bọc bằng cao su). Dùi loại này phù hợp nhứt vì tạo
nên âm thanh rất hay.
Tên gọi của những chiếc cồng chiêng
cũng rất phong phú, có khi được đặt dựa theo âm thanh nhạc
khí phát ra, có khi là tên gọi theo vị trí của nó trong dàn
nhạc. Đặc biệt hầu hết những chiếc cồng phát ra âm thanh
thấp - vốn là âm cơ bản - mang tên "mẹ". Trong những dàn
có từ 9 cồng chiêng trở lên thì có thêm cồng "cha" bên cạnh
cồng "mẹ", tiếp theo là các cồng con, cồng cháu … tức
hình thành hệ thống gia đình với cồng mẹ luôn luôn đứng
trước cồng cha, phù hợp với chế độ mẫu hệ của người
Tây nguyên.
Khi biểu diễn, hai chiếc cồng mẹ và
cồng cha đánh ra âm thanh trầm gần giống nhau để làm nền
cho cả dàn nhạc. Kế tiếp là 3 cồng con cùng đánh một lượt
với nhau thành một hòa âm, có tác dụng như những cây cột
chống đỡ trong ngôi nhà (chứng tỏ cách sắp xếp chẳng
những theo hệ thống gia đình mà còn mang cả cấu trúc như
nhà cửa, vị trí của những nhạc khí trong một dàn nhạc
có hệ thống). Những chiếc còn lại thì đánh so le theo thứ
tự trước - sau, mau - chậm theo đúng qui định, phối hợp
với nhau thành ra nét nhạc. Để nắm vững những qui định
này đòi hỏi nhạc công phải nhớ nằm lòng, phải nghe cho
rõ và nhứt là phải tập trung tâm trí để vừa tròn phần
mình vừa lắng nghe người khác trong dàn nhạc.
Mỗi dân tộc ở Tây nguyên lại có một
cách điều chỉnh âm thanh rất riêng, không những khác nhau
về độ cao mà còn khác về màu âm. Chẳng hạn âm nào quá
thanh phải chỉnh cho đục một chút để tạo ra nét đẹp
tế nhị, giống như họa sĩ không sử dụng màu đỏ hay màu
xanh tiêu chuẩn mà thường pha đậm hơn hay lợt đi một chút
để tạo phong cách riêng. Kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng
rất tinh vi đòi hỏi một kỹ năng cao, bởi chỉ sử dụng
chiếc búa gỗ nhỏ mà có thể điều chỉnh âm lên cao hay
xuống thấp thật chính xác. Một lổ tai nghe các âm thật
chúnh xác(Đáng tiếc hiện nay ở Tây nguyên số lượng nghệ
nhân thuần thục việc chỉnh âm cồng chiêng chỉ còn đếm
được trên đầu ngón tay).
Đặc biệt trong các buổi lễ lớn hay
những dịp tôn vinh một nhân vật nào thì đối tượng được
tôn vinh phải tọa lạc ở vị trí trung tâm, và dàn cồng
chiêng đi quanh thành hình tròn Bùi Trọng Hiền cho thấy việc
này có ý nghĩa để cho nhân vật ở tâm điểm có thể thưởng
thức âm thanh các cồng chiêng với khoảng cách bằng nhau,
đúng với vị trí của nó chớ không bị nghe tiếng gần tiếng
xa như khi xếp hàng ngang. Thêm nữa, trong buổi lễ, các nhạc
công lại di chuyển ngược với chiều kim đồng hồ, đồng
nghĩa với việc ngược dòng thời gian tìm về dĩ vãng, nhớ
lại cội nguồn.
Những điểm nho nhỏ ấy chứng tỏ từ
tư thế đánh, vị trí của nhạc công, cách kích âm, sắp
đặt của cồng chiêng đều chuyên chở những suy tư và có
hệ thống.
* * *
Tóm lại, chưa một nước nào hay vùng
nào mà có số lượng cồng chiêng nhiều như ở Tây nguyên
nước ta. Chỉ trong bốn tỉnh Đắc Lắc, Pleiku, Kontum và Lâm
Đồng với gần 20 dân tộc ít người, vậy mà trước đây
đã có tới trên dưới 6.000 dàn cồn. Với thời gian, một
số lớn đã bị thất lạc, một số khác lại bị giới trẻ
chỉnh theo thang âm phương Tây để có thể đờn nhạc mới,
khiến cồng chiêng truyền thống bị biến đổi. Ngoài ra do
cồng chiêng có giá trị thương mại khá cao nên rất nhiều
người đã mang cổ vật của gia đình bán cho du khách.
Hiện nay trên Tây nguyên cũng có vài cơ
sở chế tạo cồng chiêng để sử dụng trong đình làng, nhưng
hầu hết những cồng chiêng mới sau này đều được mua tại
Campuchia, Thái Lan … rồi mang về chỉnh âm lại. Theo tổng
kết, đến nay trên Tây nguyên có tổng cộng không đến 2.000
dàn cồng chiêng mới lẫn cũ, nghĩa là chỉ còn lại khoảng
một phần ba so với trước. Đây quả là một mất mát rất
đáng kể.
Do vậy, sự kiện UNESCO chính thức công
nhận cồng chiêng Tây nguyên là kiệt tác di sản truyền khẩu
và phi vật thể của nhân loại là một tin vui lớn lao cho
tất cả những ai có tấm lòng yêu mến vốn cổ. Một điều
cần xác định là theo quan điểm của UNESCO, một bộ môn
nghệ thuật khi được tổ chức này công nhận "kiệt tác"
có nghĩa là nghệ thuật đã đạt đến đỉnh cao nên không
được phép thay đổi. Đó là cách mà tất cả các nước
trên thế giới đều áp dụng cho những bộ môn nghệ thuật
đã được xếp loại di sản phi vật thể của thế giới.
Chính vì vậy mà sắp tới đây, trong kế
hoạch bảo tồn và phát triển cồng chiêng Tây nguyên chúng
ta cần hết sức thận trọng, không để cho việc "đổi mới"
làm biến chất một nghệ thuật truyền thống của dân tộc,
nay đã trở thành di sản của cả nhân loại.