Một ngôi làng tự nhiên  bốc cháy !

 

Có bao giờ tự nhiên những vật dụng trong nhà hay ngoài vườn bạn tự nhiên bốc cháy ? Chuyện lạ nhưng không phải là hiếm này vừa xảy ra ở ngôi làng nhỏ An Trung, xã Duy Trung (Duy Xuyên - Quảng Nam) nhiều ngày nay. Đến chiều 31/8, vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân các đám cháy.

Phải đến sáng hôm qua 31/8, tức hơn 5 ngày sau khi các đám cháy nhỏ liên tiếp bộc phát, anh Nguyễn Thanh An (thôn Kinh Nam - An Trung) mới mạnh dạn... đóng cửa, đưa gia đình về quê ngoại ở xã Duy Phước - Duy Xuyên ăn giỗ. Trong hai ngày 24 và 25/8, nhà anh An trở thành tâm điểm của cả làng An Trung với tổng cộng hơn 50 lần các đồ vật trong nhà như quần áo, các món đồ mà bao bì có chất nylon như mì tôm, gói dầu gội đầu nhỏ, thuốc lá... ngún khói. Đây cũng là căn nhà thứ tư trong ngôi làng chừng 40 nóc nhà này có nhiều vụ tự phát hỏa và cháy liên miên, cháy "lùng nhùng" trong tủ đựng hàng làm dư luận hoang mang. Đến nỗi, cả chuyện con gái anh An, bé Nguyễn Thị Huyền Trang (5 tuổi) - được giao canh chừng có chỗ nào cháy là báo cho cha mẹ - cũng bị đồn thổi là người "nhìn đâu thì lửa cháy ở đó" (!). Đơn giản, vì bé Trang là người đầu tiên nhìn thấy lửa, và đã phát hiện hơn 100 vụ cháy như thế...

Hàng xóm của anh An là mẹ con bà Nguyễn Thị Thủ, 70 tuổi, cũng xảy ra nhiều vụ cháy. Con trai bà, anh Nguyễn Thanh Dũng, chìa hai tay ra: "Nhiều ngày liền hễ nghe có tiếng la đâu đó là tôi xách gàu chạy tới dập lửa. Cả làng ni ai cũng nơm nớp. Hai tay tôi nóng ran". Nhà bà Thủ được xem là điểm khởi phát của đợt phát hỏa đầy bí ẩn này. Khoảng giữa tháng 7, tự dưng trại chứa đồ phía trước nhà bà bốc cháy lúc 16 giờ, từ trên nóc xuống. Gia đình cứ nghĩ do dây điện kéo ngang qua chập gây cháy, liền dời ra sau nhà. Năm ngày sau, lại cháy trại. Một ngày sau đó, lại cháy lần nữa. Gia đình tháo dỡ toàn bộ trại chứa đồ, chất thành đống, nhưng đến khoảng 13 giờ thêm đợt cháy khác bùng phát... Rồi đến cây rơm ngoài xa cũng cháy. Trời mưa tầm tã nhưng cứ xế chiều là cháy. Lần cuối, hàng xóm tới dập lửa gần xong mẹ con anh Dũng trong nhà mới hay.

Đống đổ nát sau 4 lần cháy ở nhà bà Nguyễn Thị Thủ (ảnh: H.X.H)

Anh Dũng thú thực với chúng tôi là dù lửa đã tạm lắng vài hôm nhưng không thể nói trước được điều gì. Sự vụ càng gây hoang mang khi liên tiếp nhà anh Lê Văn Sinh và ông Nguyễn Thanh Tường (70 tuổi, cha anh An) cháy đống rơm, chuồng heo... "Mãi đến khi xảy chuyện nhà anh An, rồi cháy liên tiếp, nói thiệt mình cũng hơi lo: lửa ở đâu mà nhiều thế, liệu có... cháy tới nhà mình không ?" - anh Nguyễn Trường Tâm (44 tuổi), nhà ở đầu đường, tâm sự. Còn ông Nguyễn Thanh Tường nói: "Tui vẫn băn khoăn, chẳng biết do cái chi, ở đâu mà ra. Đã 70 tuổi nhưng tui chưa từng thấy chuyện này. Có người giải thích bởi chất phốt-pho gì đó, tui không hiểu. Chừ thì sợ, lỡ đang làm ngoài đồng mà phát cháy ở nhà thì khốn". Ông Tường còn kể, trước đây ông có nghe nói đến một thứ "lửa dậy" cứ tự nhiên cháy trên nóc nhà xuống (?).

Chủ tịch UBND xã Duy Trung Phạm Tấn Đức xác nhận với chúng tôi về hiện tượng ngún cháy ở giường, quần áo... ở vài hộ làng An Trung. Ông Đức quả quyết, kể từ khi yêu cầu các cơ quan chức năng sớm tìm hiểu nguyên do vụ việc và được giải thích sơ bộ là do có chất phốt-pho gây cháy, người dân An Trung đã bớt dao động. Tuy nhiên, họ vẫn cần được các cơ quan chuyên môn sớm công bố kết luận và có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Về phía lực lượng phòng cháy chữa cháy, trung tá Võ Đình Nhành - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an Quảng Nam - nói rằng nếu đúng như nhận định ban đầu về nguyên nhân cháy do chất phốt-pho thì sẽ rất khó cho công tác phòng ngừa, vì làm sao biết "nó" nằm ở chỗ nào...

Hứa Thuận Quảng

 

Xung quanh hiện tượng kỳ lạ "Một ngôi làng tự nhiên bốc cháy" ở Quảng Nam: Lửa vẫn tiếp tục bốc cháy khắp nơi

 

Em Trang với góc học tập của mình

Sau khi đọc bài viết Có một ngôi làng tự nhiên... bốc cháy, chúng tôi nhận được thêm nhiều thông tin khác nhau của bạn đọc, trong đó có sự nghi ngờ bé Trang, một học sinh giỏi nhiều năm, "nhìn đâu lửa cháy đó”. Ngay trong ngày, chúng tôi đã trở lại làng An Trung, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên.

 

Khoảng 18h30 ngày 31/8, lửa lại phát ra từ cây rơm nhà bà Tửu (gần nhà anh Nguyễn Thanh An - đã nêu ở bài trước), khi bà Nguyễn Thị Xính (gần nhà bà Tửu) phát hiện thì ngọn lửa đã bốc lên rất cao. Nghe tiếng kêu la thất thanh của bà Xính, mọi người trong làng đổ xô đến dập lửa. Gần 3 tiếng đồng hồ sau, nhiều thanh niên trong làng với sự hỗ trợ của 2 máy bơm nước mới hoàn toàn dập tắt được ngọn lửa. Hiện trường còn lại chỉ là một cây cốt bê tông và những đám rơm khô cháy dang dở. Có lẽ đây là vụ ''tự cháy'' gây thiệt hại nặng nề nhất ở trong làng kể từ những ngày xảy ra hiện tượng ''tự nhiên... bốc cháy".

Trong lúc đó, một số người ở đây xì xầm về đôi mắt bé Trang. Xin nhắc lại, trong bài viết trước chúng tôi đã đề cập đến em bé Nguyễn Thị Huyền Trang, con gái anh An học lớp 5 (chứ không phải 5 tuổi, xin cáo lỗi cùng bạn đọc - NV) là người được bố mẹ phân công ở nhà canh chừng để phát hiện có lửa tự bốc cháy, và chính em đã phát hiện nhiều vụ cháy nhất nên dẫn đến sự nghi ngờ đôi mắt bé Trang phát ra lửa. Sau vụ cháy mới nhất nói trên, dư luận xấu càng có cớ đổ lỗi cho bé Trang. Thông tin ấy đã lọt đến tai gia đình. Ông nội Trang là cụ Nguyễn Thanh Tường, 73 tuổi, tức tưởi khóc, đòi tự tử. Chị Trương Thị Thế, mẹ của Trang buồn rầu tâm sự: "Mấy ngày nay, ngoài chuyện luống cuống vì lửa ưng cháy hồi mô thì cháy, mất ăn mất ngủ còn phải nghe dư luận xầm xì về chuyện của con mình, buồn thúi ruột". Chưa hết, vì những nguyên cớ tào lao đó mà những ngày qua Trang ngại tiếp xúc, đi lại trong xóm, em chỉ thu mình lại ở nhà.

Hiện trường cây rơm bà Tửu bị cháy

Năm nay học lớp 5D, Trường Tiểu học Duy Trung, Trang là học sinh giỏi 4 năm liền, là Cháu ngoan Bác Hồ và Đội viên TNTP xuất sắc. Trong lúc trò chuyện với Trang tại nhà (từ 8h30 đến 10h ngày 1/9), chị Thế (mẹ Trang) phát hiện mùi khét trong tủ, mở ra thấy một bao trà bị cháy một mảng lớn; liền sau đó, Trang bảo có mùi khét dưới bếp nên mọi người chạy xuống (trong đó có cả người viết) thấy một bao ni-lông đựng thân hành tươi vừa mới mua về cũng vừa cháy nham nhở, sờ vào còn nóng, những lá hành xanh đã quăn lại... Tức là ở những nơi không có "mắt bé Trang nhìn" vẫn cháy.

Trong khi mọi sự lý giải vẫn đang còn chờ các nhà chuyên môn thì những chuyện không chờ ai lý giải đã xảy ra được thổi phồng và lan rộng ở huyện Duy Xuyên. Đã có tin đồn sợi mì Quảng để trong rổ nhựa thì cháy nhưng rổ nhựa thì còn nguyên; lại có tin do gần đến rằm tháng bảy nên ''cô bác'' đói quá đi ''ăn vụng''. Thế nhưng, những chuyện chúng tôi chứng kiến ở trên xảy ra sáng ngày 1/9, tức đã là ngày 17/7 âm lịch, không phải "gần đến rằm tháng bảy".

Theo chúng tôi, các cơ quan chức năng nên có biện pháp khẩn trương tìm ra nguyên nhân để có sự lý giải cho người dân an tâm. Khi chưa có điều kiện di dời người dân đi nơi khác thì phải có phương án đề phòng lửa có thể xuất hiện và gây cháy lớn (làng quê này gần như nhà nào cũng dự trữ vài cây rơm khô cho trâu bò), có biện pháp xử lý ngay những tin đồn thất thiệt, gây hoang mang trong dân chúng, trong đó có sự ảnh hưởng đến cuộc sống và học tập của cháu Trang và gia đình.

Trần Văn Chương

Về "Ngôi làng tự nhiên bốc cháy" ở Quảng Nam: Phốt-pho hay mê-tan là "thủ phạm"?

 

Nơi đây, cây rơm nhà ông Nguyễn Thanh Tường đã bốc cháy hồi giao thừa năm nay. (ảnh: H.X.H)

Như Thanh Niên đã thông tin, sau nhiều ngày tạm lắng, các đám cháy đã bùng phát trở lại với tần suất nhiều hơn tại làng An Trung, xã Duy Trung (Duy Xuyên, Quảng Nam). Liên tiếp trong ngày 2/9 và sáng ngày 3/9, thêm nhiều vụ cháy đã xảy ra tại làng. Người dân ở đây càng lúc càng lo lắng, trong khi các ngành chức năng vẫn chưa tìm ra biện pháp phòng ngừa hữu hiệu...

 

Lại cháy!

Vào lúc 5 giờ sáng 2/9, lại thêm một đám cháy bộc phát tại nhà anh Nguyễn Thanh An, lần này lửa bắt vào mùng, mền... Đến 18 giờ 45 phút ngày 2/9, thùng đựng đồ nhà anh An bốc cháy lần nữa. Khoảng 9 giờ 15 phút hôm qua 3/9, thêm một cây rơm của nhà bà Nguyễn Thị Châu dựng cách nhà anh An chừng 150 mét về hướng tây bắc cháy lớn. Rất may người dân cảnh giác, phát hiện và dập tắt kịp thời... Chính những sự cố có tính hệ thống và nhất là chưa có được lời giải thích rõ ràng này đã khiến chính quyền địa phương bối rối. Chủ tịch UBND xã Duy Trung Phạm Tấn Đức qua trao đổi với các bậc cao niên ở làng, khẳng định: “Trước năm 1975, làng An Trung cũng đã xảy ra vài vụ cháy lạ như thế này, nhưng sau đó "im bặt", đến bây giờ lại phát khởi”. Ông Đức cho hay, tại vị trí làng bây giờ, đã có thời kỳ rộ lên những đợt đào đãi vàng. Cách làng chừng 150 mét cũng có một khu nghĩa địa...

Theo ghi nhận của chúng tôi, hồi giao thừa năm nay, tại nhà ông Nguyễn Thanh Tường đã từng xảy ra vụ cháy đống rơm mà đến nay chưa tìm ra nguyên nhân. Ông Tường nhớ lại, cách đây gần 20 năm, một ngôi nhà ở Duy Sơn (Duy Xuyên) cũng tự nhiên cháy rụi. Trong khi đó, đợt phát hỏa tương tự xảy ra vào năm 1998 ở xã Tam Dân (Tam Kỳ), tại vùng giáp ranh huyện Hiệp Đức và Quế Sơn năm 1999... đến nay cũng chưa được lý giải rõ ràng.

"Địa phương rất quan tâm vấn đề này. Ngay trong sáng nay (3/9) chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra tiến hành xác minh cụ thể nguyên nhân để có hướng giải quyết. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường vận động, giải thích cho nhân dân để tránh gây hoang mang trong dư luận".

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Nguyễn Xuân Phúc

Trước tình hình này, PV Thanh Niên đã tiếp xúc với lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Khoa học - Công nghệ để tìm hiểu căn nguyên. Tuy nhiên, những động thái của ngành chức năng Quảng Nam cũng chỉ dừng ở mức độ "ghi nhận". Sở Tài nguyên - Môi trường đã cử đoàn cán bộ tới khảo sát hiện trường sau đó khuyến cáo người dân không nên quá hốt hoảng, cường điệu vấn đề mà phải bình tĩnh, cần có thời gian nghiên cứu xử lý. Còn Sở Khoa học - Công nghệ sau khi khảo sát đã làm việc với UBND xã, trước mắt yêu cầu địa phương giải quyết vấn đề thoáng khí, đặt nhiều quạt máy trong những nhà xảy ra cháy để không khí đối lưu, tạm thời chuyển những vật dụng có giá trị nhưng dễ cháy đi nơi khác, đồng thời phải luôn cảnh giác vì sẽ không biết cháy... bộc phát lúc nào. Lãnh đạo hai cơ quan đều cho rằng, việc thiếu thốn trang thiết bị, máy móc chuyên dụng để thu thập mẫu, phân tích, đánh giá... là lý do chậm trễ trong việc xác minh nguyên nhân các vụ cháy kỳ lạ này.

 

P2O5 hay CH4?

Trao đổi với Thanh Niên về hiện tượng này, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Dương Chí Công nói: "Cần có thời gian để tìm hiểu nguyên nhân. Chúng tôi đã cử đoàn cán bộ chuyên môn ra hiện trường, và phán đoán ban đầu là có thể do phốt-pho (P2O5) - thường phát cháy ở nơi có nhiều hài cốt và xảy ra vào ban đêm; hoặc do khí mê-tan (CH4) - xảy ra ở nơi có mỏ lớn. Hai chất này hoàn toàn khác nhau. Nhưng tôi nghiêng về hướng khí mê-tan phụt lên, gặp nhiệt độ cao và bốc cháy".

Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Phạm Phước thì phát biểu: "Chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được cái "gốc" của vấn đề, vì gặp khó khăn ở khâu thiết bị, máy móc. Chiều 1/9, tôi cùng một số chuyên gia đã xuống xem xét cụ thể hiện trường và ghi nhận hiện tượng cháy ở một số vật dụng dễ cháy như giấy, bao nylon, rơm rạ... Vị trí cháy, "tâm" cháy, tập trung nhiều ở nhà anh Nguyễn Thanh An, và mở rộng phạm vi xung quanh bán kính chừng 30-40 mét, đúng như báo chí nêu. Tôi khẳng định chắc chắn: đây không phải sự cố là do con người bất cẩn gây cháy mà là một hiện tượng tự nhiên”.

Hứa Xuyên Huỳnh

Bộ Khoa học - Công nghệ đến khảo sát "ngôi làng tự nhiên bốc cháy"

 

 

Chiều 8/9, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam - Trần Công Tám cho biết: Dự kiến trong chiều nay 9/9, đoàn chuyên gia của Bộ Khoa học - Công nghệ sẽ đến làng An Trung (xã Duy Trung), nơi xảy ra hiện tượng tự bốc cháy kỳ lạ nhiều ngày qua, mang theo các thiết bị chuyên dùng để tiến hành khảo sát, lấy mẫu giám định để xác định nguyên nhân gây cháy.

 

Cũng theo ông Tám, lửa vẫn tiếp tục gây cháy tại nhà anh Nguyễn Thanh An, bà Nguyễn Thị Thủ từ ngày 4-8/9, với tần suất ít hơn. Sáng qua 8/9, chính quyền địa phương đã nhận được đơn xin chuyển nhà của gia đình anh Nguyễn Thanh An, hộ xảy ra nhiều vụ cháy nhất tại làng An Trung, và đang xem xét giải quyết.

Hứa Xuyên Huỳnh

Truy tìm nguyên nhân "ngôi làng tự bốc cháy"

 

Cây rơm nhà ông Nguyễn Thanh Tường đã bốc cháy hồi giao thừa năm nay. (ảnh: H.X.H)

Hôm qua 10/9, tổ công tác liên ngành do Bộ Khoa học - Công nghệ thành lập đã chính thức tìm hiểu, khảo sát thực địa tại làng An Trung (Duy Trung - Duy Xuyên) để tìm nguyên nhân của hiện tượng tự bốc cháy kỳ lạ.

 

Đặt chân đến làng An Trung, 8 thành viên trong tổ công tác gồm các chuyên gia thuộc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, các viện Địa chất, Hóa học, Địa lý, Ứng dụng công nghệ (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam), Vụ Khoa học xã hội và tự nhiên (Bộ KH&CN) đã chia thành 3 nhóm chính: nhóm nghiên cứu mẫu nước, mẫu đất, kiến tạo địa chất. Các chuyên gia tiến hành xem xét hiện trường, lấy mẫu khí, mẫu nước, mẫu đất, đo tia hồng ngoại trên và trong lòng đất khoảng 40 cm. Những mẫu vật này được lấy từ các vị trí từng xảy ra hiện tượng bốc cháy kỳ lạ như nhà anh Nguyễn Thanh An, bà Nguyễn Thị Thủ, ông Nguyễn Thanh Tường, ông Lê Văn Sinh...

"Không có gì thần bí cả"

PGS-TSKH Nguyễn Địch Dỹ, Viện Địa chất (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam), tổ trưởng tổ công tác, đã khẳng định như vậy với các nhà báo vào cuối buổi làm việc đầu tiên. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông cho biết: "Hướng điều tra mà chúng tôi tập trung là tìm một loại khí nhẹ, linh động. Khí nhẹ, phân tán, linh động như thế thì phải gặp một thứ gì đó, như bụi trong không khí, rồi tụ lại. Đó mới là những suy đoán, hiện chúng tôi tiếp tục tìm ở dưới đất, trong không khí, trong nước của các hồ ao xung quanh, đo cả hồng ngoại... để xem xét các điều kiện liên quan".

Từ trước khi đặt chân đến hiện trường, các chuyên gia trong tổ công tác đã đề cập đến nhiều giả thuyết khác nhau để có hướng tìm hiểu tổng quát như vấn đề bom đạn tồn sót sau chiến tranh, yếu tố địa chất, địa lý, lịch sử định cư của dân làng... Thậm chí tổ công tác còn đề nghị nghiên cứu trên một vùng rộng lớn ở Quảng Nam - những nơi từng xảy ra cháy trước đây như Duy Thành - Duy Xuyên, Quế Phong - Quế Sơn năm 1998... Riêng ở làng An Trung, một vùng trũng rộng 10 ha với gần 40 hộ dân được đặc biệt lưu tâm. Từ hiện tượng kỳ lạ này, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh cũng đã đề xuất trung ương sớm tiến hành nghiên cứu, đánh giá cơ bản về cấu tạo vùng đầm lầy Quảng Nam, cụ thể là vùng châu thổ sông Thu Bồn...

Trong khi đó, PGS-TS Lê Văn Cát (Viện Hóa học, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam) cho rằng ông "không thiên nhiều về khả năng tác nhân gây cháy là do khí tích tụ", sau khi phân tích loại trừ các nghi vấn gây cháy như mê-tan (thường cháy với tốc độ lớn, đi kèm với tiếng nổ), hoặc như khí H2S (mùi trứng thối, cực độc, với tỷ lệ nhỏ chưa cháy thì người đã... chết rồi). Thêm lý do điều kiện thực tế ở hiện trường khá thoáng, xét về mặt khoa học thì với tốc độ chuyển động các phân tử trong điều kiện như thế này là khoảng 400-500 m/s thì khí dễ tản, loãng rất nhanh (nếu có).

Hôm nay (11.9), tổ công tác tiếp tục các bước phân tích, nghiên cứu, thu thập thông tin tại làng, đồng thời có buổi họp với chính quyền xã, huyện và ngành chức năng Quảng Nam.

Hứa Xuyên Huỳnh

Các nhà khoa học làm việc ở "làng tự bốc cháy": Dân làng An Trung chưa thể "kê cao gối ngủ"

 

Anh Nguyễn Thanh An trưng ra các vật bị cháy với các nhà khoa học

Đó là một cuộc chiến thực sự: các nhà khoa học vừa tỉ mỉ lấy từng mẫu vật, phân tích, khảo sát, kể cả... nghe ngóng thông tin bên lề từ người dân An Trung - nơi xảy ra hiện tượng tự bốc cháy kỳ lạ hơn một tháng qua. Cho đến cuối ngày làm việc thứ hai, 11/9, nguyên nhân gây cháy vẫn là một ẩn số đối với tổ công tác của Bộ Khoa học - Công nghệ.

 

Các nhà khoa học... chờ lửa

11h40 ngày làm việc thứ hai 11/9, PGS-TS Nguyễn Văn Phổ (Viện Địa chất, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam) vẫn còn loay hoay lấy thêm mẫu nước từ nhà bà Nguyễn Thị Thủ và nhà anh Nguyễn Thanh An. Cầm trên tay máy đo độ pH, ông Phổ lấy mẫu nước, đo độ a-xít... Vì các khí nếu hòa tan trong nước thì không thể nhiều đến độ gây cháy, và qua phân tích sơ bộ cho thấy giữa chất lượng nước và hiện tượng bốc cháy kỳ lạ không có mối liên quan nào, nhưng ông Phổ vẫn có lý do riêng: "Đã đến đây thì phải đo tất cả các chế độ, ở các khu vực xảy ra hiện tượng cháy, lấy mẫu về phân tích. Phân tích để loại trừ cũng là một phương pháp, không cứ gì phân tích những thứ liên quan. Và bổ trợ cho việc quay dần đến nguyên nhân cuối cùng...".

PGS-TSKH Nguyễn Địch Dỹ - trưởng tổ công tác liên ngành hiểu công việc mình đang làm khẩn trương như thế nào. "Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ hối thúc, cả dân làng An Trung cũng thế. Nhưng để kết luận thì cũng còn lâu chứ không đơn giản. Hoạt chất nghi vấn đó, về tính chất hóa học thì các chuyên gia biết cả. Tìm nó trong môi trường này mới không đơn giản. Rõ ràng không phải là hiện tượng thần bí. Khi chưa tìm ra nguyên nhân thì người dân cứ bình tĩnh, không phải sợ hãi gì cả. Hiện tượng này vẫn có thể xảy ra" - ông Dỹ cho biết.

Trong khi các nhà khoa học làm việc thì dân làng cũng hồi hộp chờ đợi

Thật khó mô tả tâm trạng hồi hộp, hy vọng của các nhà khoa học khi... chờ ngọn lửa bất thần bốc lên tại hiện trường. Buổi trưa đầu tiên tại làng An Trung, khi ấy đã quá 11h, ai đó bất ngờ buột miệng "mọi hôm thì chỉ còn vài chục phút nữa là cháy" đã khiến mọi người nhỏm ngay dậy. Chính vì chưa "tận mục sở thị" hình thù ngọn lửa tai quái đã và vẫn đang gây ra nỗi thấp thỏm lo âu cho người dân ở An Trung nên các chuyên gia còn phải dựa nhiều vào lời mô tả của nhân chứng. PGS-TS Nguyễn Ngọc Long (chuyên gia vật lý Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay ông quan tâm đến vấn đề liên quan về vật lý - đám mây tích điện, phải vừa lấy mẫu ở cả những nơi không xảy ra cháy, đo phóng xạ... vừa nghe nhân chứng mô tả, căng mắt chờ hiện tượng cháy bùng phát. PGS-TS Lê Văn Cát cũng tiếc nuối vì không quan sát được hiện tượng "cháy nhanh và mạnh". "Những phương tiện mang theo không đủ độ tin cậy để cho biết ngay kết quả, mà phải mang về Hà Nội nghiên cứu, ít nhất phải mất một tuần để khẳng định" - ông Cát nói.

Thấp thỏm trong giấc ngủ

Rời phiên họp "bỏ túi" giữa tổ công tác Bộ Khoa học - Công nghệ với chính quyền và rất đông người dân làng An Trung để nghe kết luận sơ bộ và các khuyến cáo cần thiết của nhà chuyên môn, hai cha con bác Nguyễn Thanh Tường về nhà con trai - anh Nguyễn Thanh An - lẳng lặng ngồi. Dù tỏ ra thông cảm vì kết luận không thể có một sớm một chiều, bác Tường vẫn băn khoăn: "Tôi vẫn chưa thể yên tâm, nhất là khi được nghe giải thích là cũng có thể cháy nữa. Nếu còn cháy nữa thì tội cho con tôi (anh Nguyễn Thanh An - PV); chẳng lẽ cứ ngồi giữ nhà hoài, lấy chi ăn?". Còn anh Nguyễn Thanh An thì vẫn chưa thể ngủ ngon dù đã có sự hiện diện của các chuyên gia từ Hà Nội vào, nhất là đã được khuyên nên "kê cao gối ngủ". Những đêm mất ngủ vẫn nối dài, kể từ 23/8. "Đêm nào cũng không dám mắc màn ngủ vì sợ cháy. Hễ nghe tiếng động lạ, mùi vị lạ... là bật dậy liền. Có đoàn ở đây cũng không yên tâm vì các chuyên gia vẫn còn đang thu thập tài liệu, chưa kết luận dứt khoát. Nên tôi yêu cầu có nhà khoa học nào đó "bám trụ" để thấy được đám cháy mà giúp cho dân làng" - anh An thổ lộ.

Trước mắt, tổ công tác liên ngành khuyên một số hộ dân cải thiện môi trường xung quanh và đề nghị Sở Khoa học - Công nghệ hỗ trợ kinh phí làm hầm biogas. Mặc dù những khuyến cáo ban đầu như xử lý chất lượng nước giếng đào, giếng khoan bằng đá vôi, cải thiện vệ sinh môi trường, xây hầm biogas... là cần thiết nhưng rõ ràng người dân An Trung vẫn còn lo lắng. Điều này có lẽ chính các chuyên gia cũng hiểu. PGS-TS Nguyễn Ngọc Long tâm sự: "Vấn đề tâm linh xảy ra khi anh cảm thấy bế tắc về mặt khoa học. Tôi biết rằng đoàn chúng tôi nay mai về Hà Nội cũng mang theo những lo lắng của người dân An Trung".

Thông tin thêm về hiện tượng làng An Trung: Chưa có kết luận cuối cùng

Trong buổi làm việc cuối cùng tại làng An Trung (chiều 11/9), sau phiên họp với chính quyền và nhân dân, tổ công tác liên ngành của Bộ Khoa học - Công nghệ tiếp tục tiến hành kiểm tra, xem xét kỹ các mẫu vật liên quan và nhất là kiên trì... chờ để chứng kiến hiện tượng bốc cháy. Tuy nhiên, không có thêm thông tin mới ngoài những nhận định ban đầu. Hôm qua (12/9), các chuyên gia đã trở về Hà Nội mà vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng, dự kiến sẽ có thông tin chính thức trong tuần này. Trao đổi với Thanh Niên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Trước mắt địa phương vẫn tiếp tục tăng cường các biện pháp cơ học (như phun nước, giữ độ ẩm, bố trí lực lượng phòng cháy...) tại làng An Trung để ổn định tình hình, chờ kết luận chính thức từ Bộ Khoa học - Công nghệ".

Hứa Xuyên Huỳnh

 Thanh niên  online