Vì sao thế giới cần có đàn ông?

Bích Hạnh                           
 
   
 

Có vẻ hơi hoang đường, nhưng sẽ chẳng thiệt hại gì khi đặt câu hỏi: Nếu thế kỷ 21 phái đẹp thống trị, thì đàn ông liệu có tuyệt chủng? Giáo sư Steve Jones đã lý giải vì sao ít nhất về mặt sinh học chúng ta cũng khó mà từ bỏ được phái mạnh.

Một trong những nghi vấn lớn nhất trong sinh học là: Đàn ông đóng vai trò gì? Tại sao phụ nữ lại để họ thành công, bởi tất cả những gì họ làm là buộc những người phụ nữ không may mắn copy bản sao gene của mình?

 

Mỗi lần thực hiện thiên chức, một người đàn ông giải phóng một lượng tinh trùng đủ để thụ tinh cho tất cả phụ nữ châu Âu. Như vậy, hiển nhiên thế giới chỉ cần một vài gã đàn ông may mắn là đủ cho tất cả, và chúng ta có thể loại bỏ số còn lại vì lợi ích kinh tế. Và bằng cách nào mà trò chơi nam nữ được duy trì, dù rằng điều đó là không hiệu quả? Một phụ nữ, dường như có thể làm tăng đáng kể tỷ lệ gene của mình trên đứa con nếu cô ta tránh để nó bị pha loãng bởi gene của một người đàn ông khác.

Thực tế, nghi vấn về đàn ông không phải là một, mà là nhiều vấn đề sinh học: nguồn gốc của giới, các loại giới tính khác nhau, và tại sao lại chỉ có hai chứ không phải là hàng tá giới tính. Nhưng khi nhìn ra thế giới, một điều rõ ràng là, rất khó để loại bỏ đàn ông ra khỏi cuộc sống.

Có rất nhiều sinh vật đã thực hiện điều đó, trong đó có một loài thằn lằn California, mà tất cả thần dân của chúng đều là con cái (nhưng kỳ lạ thay, một nửa có xu hướng trở thành con đực bằng cách cố gắng giao phối với chị mình). Thực vật, như chuối và khoai tây, đã vứt bỏ giới đực vĩnh viễn. Tuy nhiên, hầu như không loài nào trong số những giống này tiến hóa quá xa.

Steve Jones, giáo sư gene học, Đại học tổng hợp London, Anh, cho rằng giống đực đã thực hiện nhiệm vụ xào xáo lại ván bài gene, tạo ra một hỗn hợp ADN mới cho thế hệ sau, thay vì chính xác y như trình tự gene của mẹ chúng. Trong canh bạc lớn của sự sống này, chúng là yếu tố cần thiết đối với bất kỳ sinh vật nào luôn luôn chơi bài bằng cùng một tay. Ở các loài thú như người, cũng có những yêu cầu kỹ thuật chán ngắt khiến cho một số gene phải truyền theo dòng cha mới làm việc tốt (đây là một lý do giải thích việc nhân bản lại khó khăn đến vậy).

Nhưng tại sao lại có sự cân bằng giới đến vậy? Theo Steve, có khả năng đó là một phần của chiến lược đầu tư. Hãy tưởng tượng thành phố với 10.000 phụ nữ và chỉ có 10 người đàn ông. Mỗi người đàn ông sẽ có vô số bạn tình, có thể là hàng trăm hoặc hơn nữa, nhưng dù cho các anh chàng có dồi dào sinh lực đến mấy, rất nhiều trong số các cô gái sẽ không thể kiếm được một tấm chồng.

Như vậy, trở thành đàn ông trở nên cực kỳ có lợi, và do đó theo quy luật tiến hóa, gene để trở thành đàn ông sẽ ngày càng phổ biến hơn trong các thế hệ sau. Và đến thời kỳ mà thành phố đạt tỷ lệ nam nhiều hơn nữ, tình thế sẽ đảo ngược bởi rất nhiều đàn ông không thể có con. Cuối cùng, tiến hóa đẩy tỷ lệ cân bằng nhất về 50-50, ít nhất là ở phương Tây.

Mặc dầu vậy, ở Trung Quốc và Ấn Độ, rất nhiều bé gái đã bị giết vì chúng được xem là vô giá trị. Kết quả là dẫn đến sự thừa đàn ông (ở một số vùng tỷ lệ này là 120 nam/100 nữ). Và thế là một số bậc cha mẹ lại bắt đầu quay ra thích con gái, bởi điều đó đảm bảo rằng đứa trẻ sẽ tìm thấy bạn đời khi trưởng thành.

Đàn ông cũng nhằm ở trung tâm của một câu hỏi khác về mặt sinh học. Tại sao trẻ con ra đời lại trẻ như vậy? Tại sao lại không có chuyện hai mảnh nguyên sinh chất già cả và hư hỏng (ông bố và bà mẹ, như chúng ta gọi) kết hợp với nhau, tạo ra một đứa trẻ mới, khỏe mạnh. Ở đây giới tính đực đã phát huy vai trò của chúng: những tế bào tạo ra tinh trùng được đảm bảo không rơi vào quá trình phân hủy, trong khi những tế bào nuôi dưỡng chúng già đi và chết. Không có đàn ông, trẻ con khi ra đời có thể đã già như mẹ chúng. Và đó quả là thảm họa.

BBC, vnExpress.net