Sau 15 năm chìm trong bóng tối mờ ảo
(khoảng 1984 đến 2001), trái đất đang có xu hướng đảo ngược với hiện
tượng rực sáng lên từ năm 2001 đến 2003. Các nhà nghiên cứu kết luận
như vậy sau khi đo ánh đất - lượng ánh sáng do trái đất phản xạ lên
không.
Quá trình chuyển tiếp "tối - sáng"
này có thể là hệ quả của sự thay đổi lượng mây đang che phủ trái
đất. Theo nhóm nghiên cứu, càng nhiều mây, lượng ánh sáng bật lại vũ
trụ càng nhiều, và trái đất lạnh đi, trong khi một hành tinh mờ tối
với những đám mây thưa thớt có thể được sưởi ấm nhiều hơn, do giữ
lại được nhiều tia sáng.
Điều đó có nghĩa những thay đổi về
độ sáng có thể là tín hiệu về sự thay đổi khí hậu, mặc dù hiện còn
quá sớm để nói về điều đó.
"Công trình này có thể sẽ được sử
dụng trong những cuộc tranh luận về hiện tượng trái đất ấm lên. Tuy
nhiên, bài báo của chúng tôi không chứng minh cũng như bác bỏ hiệu
ứng nhà kính", Enric Palle, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đài quan
sát thiên văn Gấu Lớn ở California, phát biểu.
Ngoài ánh sáng phản xạ, biến đổi
khí hậu còn "phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, như lượng khí nhà
kính có mặt trong bầu khí quyển. Tuy nhiên, những dữ liệu mới khẳng
định mây cũng chịu trách nhiệm về điều đó. Nó cũng chứng minh rằng
chúng ta còn thiếu hiểu biểu sâu sắc về hệ thống khí hậu, đến mức
không thể mô hình hóa sự biến đổi của nó trong tương lai", Palle
nhận định.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng hai bộ
dữ liệu đo độ phản xạ ánh sáng của trái đất. Một là độ bao phủ của
mây, do vệ tinh cung cấp. Nhóm thứ hai phân tích về ánh đất, được
xác định bằng tỷ lệ rọi sáng của nó lên vùng tối của mặt trăng.
Tuy nhiên, James A. Coakley Jr,
thuộc Đại học bang Oregon, Mỹ, chuyên gia nghiên cứu dữ liệu mây vệ
tinh và biến đổi khí hậu, nhận xét các quan sát về "ánh mặt trời
phản xạ từ trái đất mới được nghiên cứu quá ít. Ở thời điểm này, còn
quá sớm để nói về việc sử dụng những quan sát đó làm thước đo dao
động khí hậu".
B.H. (theo AP,
1/6/2004) |