Tôi muốn truyền niềm đam mê khoa học cho thanh niên VN

 
   
Phạm Văn Thiều.

Bạn đọc yêu vật lý và thiên văn hẳn nhớ các tác phẩm xuất sắc của Stephen Hawking hay Trịnh Xuân Thuận như "Lược sử thời gian", "Giai điệu bí ẩn"..., song ít ai biết người âm thầm 10 năm qua chuyển chúng ra tiếng Việt - dịch giả Phạm Văn Thiều. VnExpress trò chuyện với ông về những trải nghiệm trong hành trình này.

- Với một loạt tác phẩm dịch nổi tiếng như "Lược sử thời gian", "Giai điệu bí ẩn", "Giai điệu dây và bản giao hưởng vũ trụ", "Hỗn độn và Hài hòa"..., có thể nói ông là người đi tiên phong trong việc đưa các sách phổ biến khoa học nổi tiếng của thế giới vào Việt Nam. Điều gì đã dẫn ông đến với công việc "đưa đò sang sông" này?

Dịch giả Phạm Văn Thiều sinh năm 1946, tại Nam Trực, Nam Định, hiện là cán bộ Viện Vật lý - Điện tử, Chánh văn phòng Hội vật lý Việt Nam, Trưởng ban biên tập báo Vật lý và Tuổi Trẻ của Hội vật lý VN.

- Năm 1982, khi còn công tác ở Học viện Kỹ thuật quân sự, tôi được cử đi tu nghiệp tại Viện Vật lý Hạt nhân ở Paris. Sang đến đây tôi mới phát hiện ở phương Tây có một kho tàng sách phổ biến khoa học rất hay mà ở Việt Nam ít được biết đến. Những sách này thường có hai loại. Thứ nhất là nhóm sách bình dân do những người không chuyên viết, không đáng quan tâm lắm. Thứ hai là sách của các nhà bác học lớn, những người đang say mê làm việc ở tuyến đầu của khoa học. Tác giả của nó không chỉ xuất sắc trong nghiên cứu, mà còn là những tài năng văn học. Do vậy, tác phẩm tuy nói về nghiên cứu cơ bản nhưng lại đậm chất văn học, rất hay, với các ví dụ minh họa rất độc đáo và hấp dẫn. Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên lúc nhỏ sách vở thiếu thốn lắm, rất thèm được đọc các sách hay. Khi bắt gặp loại sách thứ hai này, tôi lập tức nghĩ rằng sẽ phải dịch chúng ra tiếng Việt để nhanh chóng truyền bá cho thanh niên Việt Nam. Tuy nhiên, bắt đầu bập ngay vào những sách lớn thì khó mà thành công, nên tôi phải luyện dần. Ban đầu là dịch tin, bài cho các báo, rồi tập dịch truyện khoa học viễn tưởng, truyện trinh thám, một số tác phẩm văn học... rồi đến các sách khoa học phổ thông, sau cùng mới dám "đụng" đến các tác phẩm nổi tiếng như Lược sử thời gian.

- Và ông đã đưa chúng đến với bạn đọc như thế nào?

- Tình cờ giáo sư Cao Chi có bản photocopy cuốn Lược sử thời gian, ông rủ tôi cùng dịch. Dịch nhưng chả có nơi nào dám xuất bản vì sợ ít người đọc. Tôi cũng nản, nhưng rồi một lần tâm sự điều này với một giáo sư vật lý ở trường King College (London), ông ấy bảo: "Cứ yên tâm đi, mẹ tôi không biết gì về vật lý cả, thế mà vẫn thích đọc quyển ấy đấy", tôi mới vững dạ dịch tiếp. Khi ra đời, kết quả thật bất ngờ. Thời gian tới, Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật và tôi sẽ cho tái bản với cố gắng mang lại cho bạn đọc một cuốn sách đẹp, chính xác về nội dung với những hình vẽ chuẩn lấy từ những bản in mới nhất ở nước ngoài.

Cuốn Giai điệu bí ẩn của Trịnh Xuân Thuận cũng là một tác phẩm hấp dẫn, đậm chất văn học. Khi liên lạc với ông Thuận lần đầu tiên, tôi có nói với ông ấy rằng tôi rất hiểu ý đồ đó của tác giả. Ông ấy rất mừng và bảo rằng đã phải viết nó bằng tiếng Pháp để có được chất văn học đó. Bản dịch sang tiếng Anh của cuốn sách này đã thất bại vì không chuyển tải cái hồn của tác phẩm, do vậy, ông ấy trông đợi nhiều vào bản tiếng Việt.

Tiếp đó là cuốn Giai điệu dây và bản giao hưởng vũ trụ của Brian Greene, giáo sư Đại học Columbia (Mỹ), viết khi mới 36 tuổi. Tôi biết đến nó do tình cờ đọc được một mẩu tin trên báo, nói rằng khi đưa bán đấu giá tại hội chợ sách Frankfurt, cuốn Giai điệu dây đã qua mặt cả tác phẩm Hồi ký của nhóm Spicegirls, rất ăn khách khi đó. Ông Phạm Xuân Yêm - giáo sư vật lý lý thuyết của Đại học Paris 6 - từng nhận xét rằng "Đây là một cuốn sách nói về thế giới vi mô hay nhất từ trước đến nay, và sẽ là thách thức lớn đối với người dịch". Quả thực việc dịch rất khó khăn, tôi đã mất 6 tháng ròng đánh vật với nó. Lúc đưa cho Nhà xuất bản Trẻ, họ đã ngại ngần sợ rằng không bán được. Nhưng rất may nó đã được bạn đọc đón nhận.

- Có một cuốn sách cũng được ông nhắc đến nhiều lần, nhưng ở ngoài Bắc hầu như không thấy, là cuốn "Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận", tại sao vậy?

- Đúng thế. Tháng 7/2000, tôi đưa ông Thuận đi Văn Miếu, ông ấy có tâm sự về một cuốn sách ít nhiều có tính tiểu sử, không biết tôi có muốn xem qua không. Khi đọc thử, tôi thấy hay quá, rất có ích cho sinh viên Việt Nam nên đề nghị được dịch ngay. Tên gốc của tác phẩm là "Một nhà vật lý thiên văn", nhưng Nhà xuất bản Trẻ lại đổi tên thành "Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận". Khi ra đến cửa hàng sách, người ta chẳng biết nó thuộc loại gì, lại tưởng là cuốn sách hỏi đáp với bác sĩ nên xếp vào mục tâm lý - y học, không bán được. Do đó, Nhà xuất bản đã chuyển hết vào Nam, nay mới bắt đầu chuyển ra Bắc.

- Ông đã gặp phải những khó khăn gì trong việc dịch các tác phẩm lớn này?

- Khó khăn đầu tiên là hệ thống thuật ngữ khoa học tiếng Việt chưa đầy đủ, còn thiếu rất nhiều. Do đó khi dịch tôi phải sáng tạo. Ngoài ra, như tôi nói ở trên, tác phẩm của các nhà khoa học lớn đều có nhũng ý tưởng khoa học cũng như triết học rất sâu sắc, nhưng điều quan trọng nữa là họ đã thổi vào các tác phẩm của họ những khát vọng, đam mê của những người trong cuộc. Nếu người dịch không truyền tải được cái hồn ấy, cái tinh thần ấy của tác phẩm, thì bản dịch sẽ thất bại. Đó mới là khó khăn lớn nhất. Còn trong tương lai, có lẽ khó khăn lớn sẽ là vấn đề bản quyền.

- Với các tác giả hàng đầu, còn đang nghiên cứu, có nhiều thuật ngữ hoặc các công trình mới công bố liên tục, làm sao ông có đủ kiến thức để chuyển tải sang tiếng Việt?

- Tôi tốt nghiệp đại học chuyên ngành vật lý lý thuyết, nên có điều kiện tiếp cận nhiều lĩnh vực khoa học, kể cả toán học. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên cập nhập kiến thức từ sách báo chuyên môn, đặc biệt là các tạp chí phổ biến khoa học của nước ngoài.

- Việc dịch nhiều như vậy phải chăng cũng một phần vì kinh tế?

- Nếu làm kinh tế thì tôi đã dịch các sách phổ thông, đơn giản hơn nhiều. Dịch các cuốn sách lớn tốn gấp 3-4 lần thời gian so với các sách thông thường, mà tiền nhuận bút cũng chỉ tương đương. Chẳng hạn, một cuốn sách vật lý cho học sinh tôi chỉ dịch trong vòng có một tháng, trong khi cuốn Giai điệu dây và bản giao hưởng phải mất 6 lần thời gian đó, mà cũng chỉ được 5 triệu đồng, không đáng bao nhiêu cả. Mà dịch sách khó thì mệt lắm. Xong một cuốn sách tôi chẳng bao giờ dám đọc lại cả, mà phải một thời gian dài sau đó mới giở đến nó, để "hoàn hồn" đã. Cuốn Giai điệu dây làm tôi ngót đi 4 ký đấy. Bù lại, những tình cảm của bạn đọc là nguồn động viên rất lớn. Một lần, có một em học sinh lớp 11 trường Chu Văn An (Hà Nội) đến tận tòa soạn của tôi, khoe ra tất cả các sách do tôi dịch mà cậu đã dành tiền ăn sáng mua được. Tôi rất xúc động.

Vậy mục đích chính của ông là gì khi truyền tải các tác phẩm "khó nhằn" này?

- Tôi mong mỏi được truyền cho người đọc biết những khát vọng, nỗi gian khổ và cô đơn của những người làm công tác khoa học, kích thích các sinh viên Việt Nam theo con đường này, truyền cho họ niềm đam mê. Tôi muốn thanh niên nước ta phải được tiếp cận với các sách phổ biến khoa học hay nhất thế giới. Tuy nhiên, các nhà xuất bản hiện nay chưa thực sự quan tâm đến việc giới thiệu các phẩm quý đó đến công chúng. Khi in xong, họ không có động thái giới thiệu gì cả, đánh đồng chúng với các sách phổ biến khoa học bình thường khác, nên đôi khi các cuốn sách quý bị rơi vào quên lãng là vì thế.

- Ở Việt Nam cũng không ít sách viết về các đề tài tương tự, nhưng tại sao các tác phẩm nước ngoài lại có sức hút hơn hẳn?

- Thứ nhất, vì chúng là con đẻ của những trí tuệ lớn, khả năng văn học cao. Thêm nữa, với điều kiện ở các nước phương Tây, các tác giả này dễ tiếp cận với những tư liệu gốc và quý, điều mà ở Việt Nam không có được. Ngoài ra, để đầu tư cho một tác phẩm đồ sộ như vậy, họ phải tập trung hoàn toàn thời gian và công sức. Trong khi đó, các tác giả ở Việt Nam thường viết sách khoa học như là một nghề tay trái, không có điều kiện chuyên tâm.

- Ông có sợ sự trùng lặp giữa các cuốn sách?

- Khoa học là mênh mông. Mỗi tác giả chỉ đề cập đến một vấn đề, một vài khía cạnh mà thôi, bởi vì mỗi vấn đề đó đã là chủ đề rất lớn rồi. Tuy vậy, tôi luôn chọn các tác phẩm có sắc thái riêng, để tránh sự trùng lặp. Không chỉ có các tác phẩm về vũ trụ, thiên văn học, tôi cũng đã dịch nhiều thể loại khác nhau, như cuốn Định lý cuối cùng của Fermat, và sắp tới có thể là cuốn Lịch sử mật mã.

- Điều cuối cùng ông định nói với độc giả là gì?

- Tôi mong giới trẻ hãy quan tâm đến khoa học nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, tôi cũng khuyên các bạn rằng những cuốn sách như Lược sử thời gian hay Giai điệu bí ẩn chỉ nhằm phổ biến kiến thức, chứ không phải để nghiên cứu khoa học. Nếu muốn hiểu sâu phải đọc sách chuyên môn.

Thuận An thực hiện

 

© http://vietsciences.free.fr