Tìm thấy tín hiệu lạ cách chúng ta 1.000 năm ánh sáng |
Tháng 2/2003, các nhà thiên văn tìm kiếm sự sống ngoài trái đất (SETI) đã hướng chiếc kính thiên văn radio khổng lồ ở Arecibo, Puerto Rico, tới khoảng 200 vùng trên bầu trời. Trước đó, cũng chiếc kính này đã phát hiện những tín hiệu radio lạ lùng ít nhất hai lần từ mỗi vùng trong đó, và các nhà thiên văn đang cố gắng xác nhận lại chúng. Tháng 4 vừa qua, họ đã hoàn tất việc phân tích số liệu, và kết quả cho thấy tất cả các tín hiệu lạ dường như đều biến mất. Ngoại trừ một tín hiệu đang mạnh dần lên. Người ta đã đặt 3 giả định về tín hiệu khó hiểu này. Thứ nhất, nó phát sinh từ một hiện tượng thiên văn chưa từng được biết trước đây. Thứ hai, nó có thể "trần thế" hơn, được tạo ra từ chính chiếc kính thiên văn. Và sau cùng là giả thuyết được trông đợi nhất: nó là tín hiệu liên lạc của một nền văn minh ngoài trái đất, kết quả 6 năm làm việc của dự án SETI@home. Tín hiệu, được gọi tên là SHGb02+14a, có tần số khoảng 1.420 megahertz, là một trong các tần số chính mà ở đó hydro (nguyên tố phổ biến nhất trong vũ trụ) dễ dàng hấp thụ và giải phóng năng lượng. Nó dường như phát ra từ một điểm nằm giữa chòm sao Song Ngư và chòm sao Bạch Dương - vị trí mà trong khoảng cách 1.000 năm ánh sáng từ đó tới trái đất, không hề có ngôi sao hoặc hệ hành tinh rõ ràng nào. Và tín hiệu truyền đi rất yếu ớt. "Chúng tôi đang tìm kiếm một thứ cho thấy nó là nhân tạo", Eric Korpela, người vừa hoàn thiện việc phân tích, cho biết. "Tín hiệu tìm thấy không làm được điều đó, nhưng có thể đó là do khoảng cách quá xa". Kính thiên văn chỉ quan sát tín hiệu trong khoảng một phút, không đủ để các nhà nghiên cứu phân tích thấu đáo. Nhưng, Korpela tin rằng SHGb02+14a không thể là kết quả của bất kỳ sự nhiễu loạn radio nào, và nó không mang đặc điểm của bất kỳ vật thể vũ trụ nào từng được biết. Tuy vậy, điều đó cũng không có nghĩa chỉ các nền văn minh mới có thể tạo ra tín hiệu tương tự. "Nó có thể là một hiện tượng tự nhiên chưa từng được con người đề cập đến, giống như hiện tượng tôi đã tìm thấy", Jocelyn Bell Burnell ở Đại học Bath, Anh, nhận định. Chính Bell Burnell năm 1967 đã nhận ra một xung radio, mà trước đó người ta cho là tín hiệu của nền văn minh ngoài trái đất, nhưng sau mới rõ nó là ánh sáng đầu tiên bắt được từ một pulsar (ẩn tinh). Còn có những điều kỳ lạ khác. Chẳng hạn, tần số của tín hiệu chênh lệch từ 8 đến 37 hertz mỗi giây. "Bạn có thể nghĩ rằng điều đó xảy ra khi máy phát được đặt trên một hành tinh đang quay tròn rất nhanh, và rằng những người văn minh ở đó không chỉnh lại tín hiệu phát đi theo sự quay này", Korpela nói. Tuy nhiên, lý giải trên không thuyết phục được Paul Horowitz, một nhà thiên văn tại Đại học Harvard. Ông chỉ ra rằng phần mềm của SETI@home hiệu chỉnh bất kỳ chênh lệch tần số nào. Thực tế rằng tín hiệu tiếp tục chênh lệch ngay cả khi có sự hiệu chỉnh là "đáng ngờ", ông nhận xét. "Nếu nền văn minh này thông minh đến vậy, họ sẽ căn lại tín hiệu của mình theo chuyển động quay của hành tinh". Thay đổi tương đối nhanh của tín hiệu cũng là điều đáng nói. Để có được dao động tần số như chúng ta quan sát, hành tinh phát ra nó phải quay nhanh gấp 40 lần trái đất. Thêm nữa, nếu kính thiên văn quan sát một tín hiệu đang có tần số dao động, thì với mỗi lần quan sát, nó phải tìm thấy một tần số mới. Nhưng trong trường hợp của SHGb02+14a, tất cả các lần quan sát đều bắt đầu với tần số 1.420 megahertz, sau đó mới tăng hoặc giảm. Tuy nhiên, cũng có lý do để nói rằng tín hiệu đó là nhân tạo, bởi nó luôn phát ra từ cùng một điểm trên bầu trời. "Có lẽ một vật trên mặt đất gần nơi đặt kính thiên văn đã phát ra tần số ở khoảng này", Korpela nói. Điều đó có thể xác nhận bằng cách dùng một kính thiên văn khác để lắng nghe SHGb02+14a. Sau cùng, một khả năng khác là ai đó đã tấn công mạng lưới phần mềm của SETI@home để tạo ra bằng chứng giả về nền văn minh ngoài trái đất. Song, đặc tính khác thường của tín hiệu cũng cho thấy nó khó có thể là sản phẩm của một trò đùa. "Vì tôi không thể nghĩ ra cách chế tạo một tín hiệu tương tự, nên tôi không nghĩ ra cách nào để giả mạo nó", Korpela nói. Thuận An (vnexpress.net theo NewScientist) |
|