Các nhà thiên văn đã khám phá ra một
"ngoại hành tinh" nhỏ nhất từ trước đến nay, trong
một hệ rất giống hệ mặt trời của chúng ta, dù rằng
về những mặt khác thì nó hoàn toàn xa lạ.
 |
Hành tinh
tìm thấy thuộc một hệ rất giống hệ mặt trời
của chúng ta. |
Thiên thể tìm được là hành tinh
thứ tư đang bay quanh một pulsar - đám tro tàn đậm
đặc của một ngôi sao khổng lồ sắp chết. Nó được gọi
tên là PSR B1257+12 và nằm cách chòm sao Xử Nữ
khoảng 1.500 năm ánh sáng.
Được xem là nhỏ nhất vì hành tinh này chỉ nặng bằng
1/5 khối lượng của sao Diêm Vương, hay bằng 1/30
khối lượng của mặt trăng. Lý do khiến các nhà thiên
văn có thể phát hiện ra nó là nhờ ngôi sao mẹ -
pulsar - đều đặn phát ra những xung năng lượng khi
đang quay tròn.
Tiến sĩ Maciej Konacki, thuộc Viện
Công nghệ California giải thích, hầu hết các pulsar
quay nhanh với tốc độ ổn định, và có thể cạnh tranh
với đồng hồ nguyên tử về tính chính xác. Vì thế nếu
có bất kỳ hành tinh nào cho dù rất nhỏ ở gần pulsar
này, ta có thể dễ dàng phát hiện ra sự chao đảo của
pulsar dưới sức hút của nó.
Điểm tương đồng của hành tinh mới
tìm thấy và hệ của nó với hệ mặt trời là khoảng cách
giữa quỹ đạo của các hành tinh. Chúng giống như mô
hình hệ mặt trời thu nhỏ lại một nửa. Ba hành tinh
nằm phía trong PSR B1257+12 quay trên những quỹ đạo
cách sao mẹ một tỷ lệ tương ứng như sao Thuỷ, sao
Kim và trái đất. Hành tinh thứ tư này có quỹ đạo lớn
gấp 6 lần quỹ đạo của hành tinh thứ 3, tương đương
vị trí của vành đai thiên thạch nằm giữa sao Mộc và
sao Hoả.
"Thật ngạc nhiên, hệ hành tinh
quanh pulsar này giống với hệ mặt trời của chúng ta
hơn bất cứ hệ hành tinh nào khác được tìm thấy quanh
một ngôi sao giống như mặt trời", Konacki nhận xét.
T. An
(vnexpress.net, theo ABConline)