'Tiểu hành tinh' thứ 10 lạnh lẽo và xa xôi nhất

B.H.                           16/03/2004         Reuters         vnExpress
 
   
 

Thông báo chính thức chiều qua của Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, thiên thể mới được tìm thấy là thế giới tối tăm và băng giá nhất trong thái dương hệ. Nó nhỏ hơn Diêm Vương tinh chút xíu và ở khoảng cách xa gấp đôi.

"Tiểu hành tinh" mới (được đặt tên là Sedna, theo tên nữ thần Inuit, người đã tạo ra các sinh vật trên biển Bắc cực) nằm cách mặt trời hơn 13 tỷ km và nhiệt độ của nó chưa bao giờ vượt quá âm 240 độ C.

Phác thảo về tiểu hành tinh Sedna, phía xa là mặt trời

 

 

"Mặt trời nhìn từ khoảng cách này nhỏ đến mức bạn có thể nhầm nó với đầu một cái đinh ghim", Mike Brown, một nhà thiên văn tại Viện Công nghệ California, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

 

Sedna đồng thời cũng là một trong những vật thể đỏ nhất trong thái dương hệ, chỉ thua kém Hoả tinh. Phải mất 10.500 năm trái đất nó mới chạy hết một vòng quỹ đạo hình elip xung quanh mặt trời.

Brown và các nhà thiên văn khác đã phát hiện ra Sedna hôm 14/11 năm ngoái, trong một cuộc điều tra vùng ngoài hệ mặt trời. Khi quan sát sâu vào không gian, họ nhận thấy các ngôi sao và các vật thể vũ trụ đứng yên khác, cùng với một vật thể chuyển động rất chậm mà về sau được gọi là Sedna

 

Vị trí của Sedna trong hệ mặt trời: Từ trong ra lần lượt là mặt trời và các hành tinh bên trong, sao Mộc (Jupiter), sao Thổ (Saturn), sao Thiên Vương (Uranus), sao Hải Vương (Neptune), sao Diêm Vương (Pluto) và Sedna. Con số đi kèm với mỗi hành tinh là khoảng cách từ đó đến mặt trời, tính theo đơn vị AU.

 

 

Các ngôi sao và vật thể ngoài hệ mặt trời thường ở quá xa, nên với người quan sát trên trái đất chúng gần như bất động. Vì thế, chúng được các nhà thiên văn sử dụng làm nền để quan sát chuyển động của các vật thể gần hơn trong hệ mặt trời - ND.

"Bất cứ thứ gì chuyển động rất chậm băng ngang qua bầu trời, chúng tôi biết rằng đó phải là một thành phần của hệ mặt trời: một vệ tinh, một hành tinh hay một tiểu hành tinh", Brown cho biết. "Nhưng đây là vật thể chuyển động chậm nhất từng được nhìn thấy trong không gian, và chúng tôi biết nó phải nằm ở rất xa".

Sedna tự quay quanh mình một vòng hết 40 ngày - một chuyển động chậm đến mức các nhà thiên văn dự đoán có một mặt trăng đang kìm hãm tốc độ quay của nó. Để kiểm nghiệm điều này, Brown và cộng sự đã sử dụng Đài thiên văn vũ trụ Hubble để quan sát.

 

Tiểu hành tinh, không phải là hành tinh

 
 

Brian Marsden, giám đốc trung tâm Tiểu hành tinh thuộc Hiệp hội Thiên văn Quốc tế, nhận xét Sedna là một phần của hệ mặt trời, nhưng không có nghĩa là một hành tinh.

Kích cỡ của Sedna so với trái đất, mặt trăng, sao Thuỷ và sao Diêm Vương.

 

"Tôi cho rằng sẽ là sai lầm nếu gọi nó là hành tinh thứ 10. Giống như thể lầm lẫn trong việc gọi sao Diêm Vương là hành tinh thứ 9 vậy", Marsden nói.

Để được xếp vào dạng hành tinh, các vật thể vũ trụ phải đạt đến một kích cỡ nào đó, và Diêm Vương tinh ở giới hạn dưới của kích cỡ này, Marsden nhận xét. Ông cảm thấy sao Diêm Vương không đạt tiêu chuẩn - quỹ đạo của nó không tròn mà cũng chẳng thuộc cùng một mặt phẳng với quỹ đạo của các hành tinh khác trong hệ.

Vì Sedna nhỏ hơn (bằng 3/4) và lệch tâm hơn so với sao Diêm Vương, Marsden nghi ngờ về thứ hạng hành tinh của nó. Brown đồng ý với đánh giá này, và thậm chí cả với quan điểm của Marsden cho rằng Diêm Vương tinh không phải là hành tinh.

 

Thứ hai, 15/3/2004, 15:49 GMT+7

Tìm thấy hành tinh thứ 10 trong hệ mặt trời?

 

Nằm xa hơn bất cứ hành tinh nào khác trong thái dương hệ, thiên thể vừa phát hiện có đường kính lớn xấp xỉ sao Diêm Vương (2.500 km), và được gọi là Sedna, theo tên nữ thần biển Inuit.

Kính thiên văn vũ trụ Spitzer đã phát hiện ra vật thể này.

 

 

Phát hiện rất có thể lại làm dấy lên một cuộc tranh cãi về việc có nên xếp nó là một hành tinh thực sự hay không, bởi nếu đúng, người ta sẽ phải định nghĩa lại về hệ mặt trời

Sedna là vật thể lớn nhất được tìm thấy bay quanh mặt trời kể từ sau phát hiện ra sao Diêm Vương năm 1930. Tuy nhiên, các nhà quan sát vẫn không chắc lắm về kích cỡ của nó. Một nhà thiên văn cho biết nó thậm chí có thể còn "bự" hơn cả Diêm Vương tinh - vốn đã được liệt vào diện hành tinh.

Thiên thể này được tìm thấy trong một cuộc khảo sát do tiến sĩ Michael Brown, thuộc Viện công nghệ California, đứng đầu tiến hành. Những tính toán sơ bộ cho thấy nó nằm cách trái đất khoảng 10 tỷ km, trong vành đai Kuiper (vùng biên hệ mặt trời, phía ngoài sao Hải Vương, có dạng đĩa với vô số thiên thể băng).

Điều quan trọng của Sedna là ở chỗ nó là vật thể đầu tiên được tìm thấy bay trên một quỹ đạo thường gặp, trong khi các thiên thể khá lớn khác như Quaoar và Vanura cũng xuất phát từ vành đai Kuiper, nhưng lại đi lạc sang các quỹ đạo khác nhau.

Một nhóm các nhà thiên văn tin rằng sao Diêm Vương cũng không phải là một hành tinh thực sự, mà chỉ là một vật thể lớn nhất trong vô số các vật thể tí hon ở vùng ngoài của hệ mặt trời mà thôi.

Chi tiết về phát hiện này sẽ được Cơ quan vũ trụ Mỹ NASA công bố chiều nay