Bí ẩn của những người sống sót sau sét đánh
Nhân trái đất quay nhanh hơn bề mặt
Các hoạ sĩ Phục hưng cho thuỷ tinh vào màu vẽ
Bằng cách nào các bức vẽ của Tintoretto và những danh họa Phục hưng khác ở vùng bắc Italy toả sáng kỳ lạ như vậy? Sử dụng một kính hiển vi điện tử, Barbara Berrie, nhà khoa học bảo tồn tại Viện bảo tàng nghệ thuật quốc gia Italy, đã khám phá ra bí mật của họ: Các mảnh thuỷ tinh tí hon được trộn với bột màu. "Vượt ra ngoài những khuôn mẫu thực hành thông thường và đưa các vật liệu thuộc lĩnh vực khác vào tranh vẽ, các họa sĩ đại tài của thời Phục hưng đã tạo ra một bảng màu mang lại cho họ danh tiếng ngay lập tức và lâu dài như là những nhà sáng chế màu vĩ đại", Berrie nói. Từ lâu, các nhà khoa học cho rằng các họa sĩ, những nhà làm kính và thiết kế gốm ở Bắc Ý đều có cách riêng để pha chế bột màu và thuốc nhuộm, và có lẽ họ lấy các thành phần của bột màu từ những người bào chế thuốc, giống như hầu hết người ta vẫn làm vậy ở châu Âu. Song Louisa Matthew, trưởng khoa Nghệ thuật thị giác tại Đại học Union ở Schenectady, New York tìm thấy bằng chứng rằng Venice đã phát triển một thị trường thuốc nhuộm và bột màu đặc biệt trước các vùng khác của châu Âu tới một thế kỷ. Berrie tìm thấy một chút bột thuỷ tinh, có độ dày chỉ bằng phần nghìn centimét trong hai bức họa của Lorenzo Lotto - một trong chiếc áo dài đỏ mà Thánh Catherine mặc, và một trong chiếc áo khoác màu đỏ cam của Thánh Joseph trong một bức tranh Giáng sinh. Thủy tinh cũng có mặt trong bột màu vàng được sử dụng trong một bức họa của Tintoretto về Chúa Jesus tại Biển Galilee. "Họ cũng dạy tôi một bài học: Hãy thử tìm kiếm bên ngoài những gì ta biết và những gì ta nghĩ", Berrie nói. T. An (theo AP)
Cửa tự động mở theo dáng ngườiKhác với các loại cửa tự động thông thường - mở toang cả cánh khi có ai đó đi qua. Loại cửa tự động của hãng Tanaka (Nhật) chỉ hé mở đủ để cho thân người đi lọt. Nhờ vậy, nó sẽ hạn chế tối đa sự mất nhiệt trong phòng điều hoà, và ngăn bụi bẩn từ ngoài lọt vào.
Có thể bạn sẽ tự hỏi điều gì hay ho ở loại cửa chỉ đủ cho một người ra vào này: Nó làm giảm thiểu lượng nhiệt hoặc không khí điều hoà thoát ra ngoài toà nhà, cũng như tối thiểu hoá sự xâm nhập của phấn hoa các chất ô nhiễm khác từ bên ngoài. Công nghệ thiết kế này mới chỉ ở giai đoạn đầu, song các chuyên gia Nhật Bản đã một lần nữa chứng tỏ rằng họ lại đi trước thế giới ít nhất 10 năm trong lĩnh vực phát minh. T. An (theo Gizmodo)
Đốt nước ra lửaN Không có gì kỳ lạ trong cơ chế hoạt động của đèn Aqueon. Đầu tiên, nước được đổ vào bình chứa của đèn và một dòng điện 220v sau đó sẽ tách các nguyên tử hydro và ôxy trong phân tử nước ra. Hydro sau đó được đốt cháy và ôxy được bổ sung vào ngọn lửa hydro để tăng độ phát sáng. Đèn nước phát ra lửa nhưng không xả ra khói, những gì được thải ra ngoài trong quá trình đốt nhiên liệu chỉ là hơi nước nên hoàn toàn không gây ô nhiễm. Sản phẩm sẽ được bán rộng rãi vào mùa giáng sinh năm nay. (Theo Thế giới mới, Gzimodo)
Những sinh vật kỳ lạ ở Angkor
Ai đã từng đến thăm Angkor đều không thể bỏ qua nụ cười Bayon huyền bí và vũ điệu Apsara mê hồn trên các phù điêu đá. Nhưng rất ít người nhận thấy Angkor còn ẩn giấu những bí mật khác: tượng của những sinh vật kỳ lạ, có thể một thời từng sống trong rừng đại ngàn đất nước Chùa tháp.
Chiếm một tỷ lệ lớn trong hàng nghìn bức điêu khắc đá ở Angkor là những nhân vật có nguồn gốc từ đạo Hindu, tôn giáo đã du nhập vào Campuchia từ thời kỳ đầu của nền văn minh do người Khmer xây dựng. Điển hình về vẻ đẹp và sự độc đáo có thể kể đến tượng Garuda với đầu, cánh và móng vuốt của đại bàng. Là vua của các loài chim và kẻ thù của rắn, Garuda là một trong ba vị thần mang hình dáng động vật uy quyền và thường xuất hiện nhất trong các truyền thuyết của đạo Hindu. Tượng Garuda có thể được khẳng định là sản phẩm của trí tưởng tượng thuần tuý, dựa trên việc kết hợp một số đặc điểm bề ngoài của người và đại bàng. Nhưng với tượng rắn bảy đầu Naga, một giải thích tương tự có lẽ sẽ không dễ được chấp nhận, vì nhiều người tin rằng Naga thực sự tồn tại.
Naga là con vật được nhắc đến cả trong đạo Phật và đạo Hindu. Du khách đến Angkor có thể chiêm ngưỡng những bức tượng Naga rất tinh xảo trên đường dẫn vào Angkor Wat. Theo truyền thuyết, Naga không phải là con vật bình thường. Ngoài 7 cái đầu và kích thước khổng lồ, Naga còn có phép thuật để biến hình thành con người. Nó là kẻ sát nhân khủng khiếp, có thể giết người bằng cách phun nọc độc hoặc cuốn chặt lấy nạn nhân và bẻ gẫy hết xương chỉ trong nháy mắt. Đối với nhiều người dân vùng hạ lưu sông Mekong, Naga vừa là loài vật linh thiêng, vừa là mối đe dọa có thật. Hàng năm, vào ngày lễ Bang Fai Phaya Nark, hàng trăm nghìn người dân địa phương và du khách lại đổ về bờ sông để chứng kiến một phong cảnh ngoạn mục: vô số những quả cầu lửa bay lên từ mặt sông dọc theo biên giới Lào - Thái. Một số người dân trong vùng giải thích rằng những quả cầu phát sáng đỏ này là trứng của Naga, nổi lên khỏi mặt nước để chuẩn bị nở thành rắn con. Số khác tin rằng đó là một loại pháo hoa do Naga bắn lên để mừng thời điểm kết thúc tuần chay của đạo Phật. Nhưng dù theo cách nào đi nữa, người ta vẫn tin rằng Naga là có thật và đang sống ở đâu đó trên dòng sông Mekong. Năm 2002, một đoàn thám hiểm của kênh truyền hình Discovery sau nhiều ngày tìm hiểu những chứng cứ do người dân cung cấp và nói chuyện với các nhân chứng đã kết luận rằng sự tồn tại của một loài rắn khổng lồ trong các cánh rừng Đông Nam Á có thể là sự thật.
Không phải mọi sinh vật được mô tả trên những điêu khắc của Angkor đều có nguồn gốc từ những truyền thuyết của đạo Phật và đạo Hindu. Sau một hồi luồn lách dưới những tán sung cổ thụ và chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ bí của Ta Prohm, còn được gọi là lăng Hoàng hậu, ở gần lối ra, nếu chịu khó để ý du khách sẽ nhìn thấy một phù điêu mô tả một loài động vật với những đặc điểm rõ ràng đến mức bất cứ ai có một chút kiến thức về động vật thời cổ đại đều nhận ra ngay đó là thằn lằn gai sống (Stegosaurus). Con vật có một cái cổ nhỏ, 4 chân ngắn và đuôi dài. Dọc theo sống lưng là những chiếc gai đặc trưng của Stegosaurus được chạm khắc rõ ràng và tỉ mỉ. Đây là bức khắc duy nhất tìm thấy ở Ta Prohm có hình ảnh loài vật lạ lùng này. Thằn lằn gai sống và những loài khủng long khác cùng thời với nó đã tuyệt chủng rất lâu trước khi Angkor bắt đầu được xây dựng (thế kỷ thứ 9). Vậy phải giải thích như thế nào về hình ảnh Stegosaurus trên tường Ta Prohm. Một số giả thuyết cho rằng vào thời kỳ đó, đã có những loài vật giống khủng long sống ở vùng đất được chọn để xây dựng Angkor. Giả thuyết này dựa trên những phát hiện gần đây về những loài động vật giống khủng long được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Năm 1999, tại hồ Murray (Papua New Guinea), người dân đã nhìn thấy một sinh vật dài khoảng 2 mét với nhiều đặc điểm được mô tả gần giống thằn lằn gai sống. Còn tại Congo, rất nhiều người, bao gồm cả nhà chức trách địa phương khẳng định đã nhìn thấy một động vật khác thường, to bằng con voi nhưng lại có một chiếc cổ dài và linh hoạt, đầu nhỏ và chân ngắn, những đặc điểm của khủng long ăn thực vật. Như vậy, rất có thể bức phù điêu ở Ta Prohm mô tả một động vật giống khủng long, sau đó đã tuyệt chủng vì một lý do nào đó. Một giả thuyết khác cho rằng, người dân trong vùng đã đào được những hoá thạch của thằn lằn gai sống tại địa điểm xây dựng và cho khắc hình của nó lên đá. Tuy nhiên, dù chấp nhận cả hai khả năng trên thì vẫn còn một câu hỏi chưa có lời giải: mục đích thật sự của người Khmer khi tạo ra bức phù điêu này là gì, vì nó không hề liên quan đến các truyền thuyết tôn giáo, cũng không xuất hiện trong bất cứ câu chuyện nay ghi chép nào về cuộc sống thường ngày hay các sự kiện lịch sử diễn ra trước và trong thời điểm xây dựng Angkor. Khoa học và Đời sống (theo Unexplained Earth)
Người Trung cổ ít bị sâu răng
Giáo sư Wolfgang Arnold, tại Đại học Witten/Herdecke, Đức, đã nghiên cứu những dấu vết còn lại của những người được chôn trong khoảng thế kỷ 5-9. Ông tìm thấy những người này có hàm răng tốt hơn hậu duệ của họ, cho dù chẳng bao giờ đánh răng. "Hình ảnh những người thời Trung cổ có hàm răng thối rữa là sai lầm. Hồi đó cũng có đồ ngọt và mặc dù không có bàn chải đánh răng, nhưng không một người nào có dấu hiệu sâu răng". "Những món ăn thời đó gồm rất nhiều rau sống và ngũ cốc mà cũng chẳng có sữa để trộn lẫn, nên sẽ cần phải nhai rất nhiều, và đó là lý do vì sao tình trạng sâu răng bị giảm đi rất nhiều". M.T. (theo Ananova)
Lộ diện phòng ăn hoành tráng thời La Mã cổ đại
Một bằng chứng ấn tượng về lối ăn chơi xa xỉ của người La Mã cổ đại mới được phát hiện tại một khu biệt thự ở miền nam Italy. Cuộc khai quật nơi ở của một dòng họ quý tộc tại Faragola, Puglia, đã làm lộ diện một kiểu bàn ăn cổ xưa của người La Mã - chiếc tràng kỷ hình bán nguyệt - nơi các vị khách quan trọng ngồi thưởng thức bữa tiệc xa hoa. Cùng với một vòi nước ở giữa để cung cấp nước sạch cho bữa ăn, chiếc tràng kỷ có nền xây bằng gạch và được phủ những tấm đệm cho khách an toạ. Trang trí xung quanh là hình khắc những nàng tiên nhảy múa, cùng các mảnh đá cẩm thạch nhiều màu sắc được ốp xen kẽ. "Chỉ còn vài bàn ăn kiểu đó sót lại cho đến nay, nhưng không có cái nào được trang trí tinh xảo và còn nguyên vẹn như cái được tìm thấy ở Faragola", nhà khảo cổ Giuliano Volpe tại Đại học Foggia, cho biết. Kiểu bàn ăn hình bán nguyệt này cũng xuất hiện trong bức hoạ Bữa tiệc cuối cùng ở nhà thờ St. Apollinaire, ở Ravenna. "Kiểu ăn đó bắt nguồn từ thói quen ăn tiệc ngoài trời - ban đầu là những tấm đệm đặt trên mặt đất - sau đó đã được đưa vào trong nhà. Tôi cho rằng ban đầu nó chỉ được xem như cách ăn thoải mái, tiện lợi hơn so với kiểu bàn ăn hình chữ nhật truyền thống, nhưng về sau lại trở thành một mốt thời thượng", giáo sư cổ điển Katherine Dunbabin tại Đại học McMaster ở Canada nhận định. Kiểu bàn ăn này chỉ xuất hiện trong những gia đình giàu có và đủ nhàn rỗi để tổ chức những bữa tiệc xa hoa.
Sự xa xỉ lộng lẫy bao trùm toàn bộ khu biệt thự này ở Faragola. Được xây dựng vào thế kỷ thứ 4, khu dinh thự này đạt tới đỉnh điểm của sự hưng thịnh vào thế kỷ 5. Thuộc về dòng họ nghị sĩ Cornelii Scipiones Orfiti, công trình nổi bật bởi những bồn tắm hơi rộng lớn và đắt tiền, với những phòng tắm nóng, ấm và lạnh. Nhưng căn phòng hoành tráng nhất chính là phòng ăn. Chủ nhà sẽ ngồi ở bên phải của chiếc tràng kỷ bán nguyệt, trong khi các vị khách quan trọng nhất sẽ ngồi ở phía bên trái, đối diện với chủ nhà. Không quá 5-7 vị khách danh dự được ngồi trên chiếc tràng kỷ này. Tại đó, họ có thể xem các nhạc công, vũ nữ, diễn viên xiếc biểu diễn phía trước, và chiêm ngưỡng cả những "tấm thảm thuỷ tinh" - những mảng kính gắn ngà voi và đá hoa cương, nằm giữa sàn nhà bằng đá cẩm thạch nhiều màu sắc. "Việc trưng bày những tác phẩm nghệ thuật quý giá như vậy trên sàn nhà thực chất là một cách phô trương của cải đầy thách thức", Volpe cho biết. Làm giàu nhờ việc sản xuất lương thực, nhà Orfiti thường đến sống ở khu biệt thự này vào mùa thu hoạch và quản lý mọi đất đai từ đó. Có thể do khủng hoảng kinh tế, cuộc sống dư dật của họ kết thúc vào thế kỷ 6 và ngôi biệt thự bị bỏ hoang, lãng quên. Minh Thi (theo Discovery)
Một ngày gấu Bắc cực bơi 74 km
Mỗi năm, gấu thường bơi hàng nghìn kilomét để kiếm mồi, chẳng hạn hải cẩu và từ đó kéo theo những giai thoại về chúng, với việc bơi từ đảo này đến đảo khác, hoặc băng qua các vịnh rộng lớn. Tuy nhiên, người ta từng nghi ngờ về việc liệu gấu có đi bộ trên băng như một phần của lộ trình, hoặc quá giang trên một tảng băng trôi nào đó. "Điểm mới ở lần này là chúng tôi có dữ liệu chỉ ra thời gian con gấu ở trong nước", Jon Aars, một nhà nghiên cứu tại Viện Cực Nauy, cho biết. "Đây là lần đầu tiên một chuyến bơi xa như vậy được ghi nhận bởi thiết bị đo vệ tinh gắn trên gấu Bắc cực". Con gấu cái, được trang bị thiết bị định vị vệ tinh, đi vào vùng nước ở phía đông đảo Spitsbergen, vùng nước Bắc cực thuộc Nauy, vào sớm ngày 20 tháng 7, bơi về phía đông bắc và xuất hiện trên đảo Edgeoya một ngày sau đó. Một thiết bị cảm biến trên cổ gấu sẽ phát ra những tín hiệu khác nhau khi nó ở trong vùng nước biển mặn, so với trên đất liền hoặc trên băng. Aars cho biết con gấu có thể đã bơi gần 100 km vì nó hầu như không đi theo đường thẳng giữa hai điểm ở cách xa nhau 74 km này. Tốc độ trung bình của con vật là 3-4 km/giờ, tương đương với một người đi bộ. T. An (theo Reuters)
Phát kiến trị giá hàng triệu đôla của nhà khoa học bình dân
Ông Nguyễn Văn Thanh, chủ nhân của những sản phẩm ấn tượng như xốp chống cháy, bột chống cháy rừng..., mới đây lại trình lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ ba kết quả nghiên cứu mới, mà nếu được đưa vào ứng dụng sẽ có khả năng tạo bước đột phá cho xuất khẩu đồ gỗ và mang lại hàng triệu đôla. Sản xuất ván ép, gỗ lát sàn nhà là hướng ưu tiên đầu tư của Chính phủ để xuất khẩu, giải quyết nguồn nguyên liệu rừng trồng. Nhưng đến nay, gần như tất cả các sản phẩm gỗ ván ép của Việt Nam cũng như ở Đông Nam Á không xuất được sang EU, Mỹ vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn về kỹ thuật. Làm sao để ván ép, đồ gỗ của Việt Nam không còn chất gây ung thư formaldehyde, ure, không biến dạng khi gặp nước, không dẫn lửa, mối mọt và nứt tách..., được chấp nhận rộng rãi hơn trên thế giới? Câu hỏi này ám ảnh ông Thanh. Sau nhiều tháng miệt mài nghiên cứu cuối cùng, ông cũng cho ra "lò" ba sản phẩm: Nhựa nhiệt rắn làm ván ép không có chất gây ung thư và chống cháy; Sơn lót chống cháy TLS và Công nghệ xử lý gỗ rừng trồng, biến gỗ rừng sản xuất thành gỗ cứng nhóm II. Sản phẩm nhựa nhiệt rắn Với sản phẩm nhựa nhiệt rắn của ông Thanh, các sản phẩm ván ép đã nâng cao được chất lượng, đi trước cả nghiên cứu của nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Kết quả phân tích mẫu nhựa nhiệt rắn của Công ty cổ phần giám định VINACONTROL, đơn vị chuyên thẩm định hàng hóa xuất nhập khẩu ngày 5/8/2005 cho thấy, hàm lượng formaldehyde chỉ chiếm 62 phần triệu (thấp hơn rất nhiều tiêu chuẩn của Mỹ); không phát hiện: chì, arsen, thủy ngân, cadmium, Phenol; ngâm trong nước 30 ngày không biến dạng, không trương nở, không bị tách lớp, trái lại càng rắn chắc hơn. VINACONTROL cũng đã kết luận: Ván ép chống cháy không gây độc hại cho người sử dụng và môi trường. Trong khi đó, keo MELAMINE RESIL BR-240 của một công ty ở Đài Loan hiện đang được dùng để sản xuất đồ gỗ tại Việt Nam có hàm lượng Formaldehyde tự do lên đến gần 15%; làm lượng chất rắn 50 ± 2%; khi sử dụng phải trang bị bảo hộ lao động, không được ngửi, tránh tiếp xúc trực tiếp với da, mắt. Ông Thanh tâm sự: "Tôi không muốn nhìn thấy chính thị trường nước ta tiếp tục bị đồ gỗ của nước ngoài chiếm lĩnh, mà chỉ muốn nó vượt qua được hàng rào kỹ thuật của EU, Mỹ để mở tiếp cánh cửa thị trường này, mang ngoại tệ về cho đất nước". Sơn lót chống cháy Việc tìm và sản xuất thành công loại sơn lót chống cháy (dung môi pha bằng nước) cũng là bước tiến quan trọng đánh dấu thành công của ông. Điều đặc biệt là sản phẩm sơn lót TLS được sản xuất ra trong thời gian rất ngắn, có thành phần... nước lã nhưng vẫn mang đặc tính vượt trội hơn bất kỳ loại sơn lót nhập khẩu nào nhờ đặc tính chống cháy, lại hoàn toàn không gây độc hại. Độ thẩm mỹ của TLS ngang với sơn lót mà các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đang nhập khẩu. Hiện nay Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt 1,5 tỷ USD, sản xuất đồ gỗ trong nước cũng nhiều lên. Do đó, mỗi năm nước ta nhập và thải ra môi trường gần hai nghìn tấn dung môi, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, nguồn xăng thơm sử dụng để xử lý gỗ trước khi phun sơn bóng luôn có hạn, giá đắt, nên nếu dùng sơn lót chống cháy TLS để thay thế cho sơn nhập khẩu không những giảm được ô nhiễm môi trường mà còn giảm được chi phí đáng kể cho doanh nghiệp, chống được hỏa hoạn. Phương pháp xử lý gỗ rừng trồng Trong đơn gửi Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị cấp bằng độc quyền sáng chế phương pháp xử lý gỗ rừng trồng cho Nguyễn Văn Thanh, Công ty sở hữu trí tuệ Gia Việt (đơn vị được ông Thanh ủy quyền) đã nêu bật tính vượt trội của phương pháp xử lý gỗ bằng hơi nước độc đáo. Một phát minh tưởng như đơn giản nhưng hoàn toàn khoa học: đưa gỗ rừng sản xuất với đặc điểm mềm, nhanh mục, dễ thấm nước, cong vênh vào bình đựng nước, sau đó tăng nhiệt độ trong bình lên 160- 180 độ C, áp suất trong bình đạt khoảng 4-5 atmotphe. Nhiệt độ cao sẽ hóa lỏng nhựa trong thân gỗ, làm co giãn sợi xenlulô. Sau đó xả hơi nước đột ngột và đưa dung dịch keo nhựa nhiệt rắn (epoxy phenolic, keo melamin đã ankyt hóa hoặc một số loại keo nhiệt rắn khác) vào bình. Nhựa nhiệt rắn ngấm dần vào sợi xenlulô, làm cứng gỗ rừng trồng như gỗ rừng tự nhiên, chống cháy. Theo ông Thanh, các thí nghiệm này hoàn toàn có thể triển khai rộng rãi được. Do đó nếu đưa vào ứng dụng sớm sẽ là lối ra lý tưởng cho ngành trồng rừng hiện nay đang ứ đọng nguyên liệu rừng sản xuất, hoặc bán với giá vô cùng rẻ. Đây là một phương án góp phần xóa đói giảm nghèo, làm sạch môi trường. Bạn đọc quan tâm có thể liên hệ với ông Nguyễn Văn Thanh theo số điện thoại 0913 661 202. (Theo Tiền Phong)
Luyện thép từ nhựa thải
Các nhà khoa học Australia vừa phát triển một công nghệ làm thép "thân thiện môi trường", trong đó tận dụng nhựa phế thải. Quy trình này có thể được ứng dụng trong tái chế kim loại vụn chiếm khoảng 40% sản lượng thép hiện nay. Trong quy trình luyện thép mới, nhựa thải sẽ được "nạp" vào các lò nung như một nguồn carbon thay thế và được đốt nóng tới nhiệt độ 1.600 độ C. Theo tác giả công trình, bà Veena Sahajwalla từ Đại học New South Wales, nhựa phế thải rất dễ kiếm, từ túi mua hàng cho tới can đựng nước tẩy rửa hay chai nước. Chúng chứa đủ lượng carbon để luyện thép. Chỉ riêng ở Australia, mỗi năm có khoảng 1 triệu tấn nhựa được sử dụng thô và phần lớn cuối cùng trở thành phế thải đổ đầy mặt đất. Sahajwalla hy vọng công nghệ luyện thép mới sẽ biến một vấn đề môi trường "đau đầu" thành nguồn tài nguyên giá trị. Trong quy trình luyện thép, carbon được dùng để gia tăng độ cứng. Hàm lượng carbon càng cao thì thép càng cứng nhưng khó uốn hơn. Sahajwalla cho biết có tới 30% lượng than đá trong các lò nung có thể được thay bằng nhựa phế thải. Chỉ có PVC là một trong số ít loại nhựa không thích hợp cho công nghệ này vì nó có khả năng giải phóng carcinogen khi bị cháy. Ngoài ra, công nghệ luyện thép mới không thay thế được tất cả than đá và than cốc, song có thể phối hợp nhựa và than. Theo chuyên gia Clyde Henderson từ tờ Energy Economics của ngành than đá, thì một công nghệ tương tự tận dụng đầu mẩu nhựa tái chế đã được ứng dụng trong các nhà máy nhiệt điện ở Nhật Bản. Mỹ Linh (theo ABC)
Tàu con thoi hạ cánh thành công
19h12 giờ Hà Nội, chuyến bay đầu tiên trở lại bầu trời của tàu con thoi Discovery đã kết thúc thành công trong sự hồi hộp nghẹt thở của các chuyên gia tại Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA). Con tàu tiếp đất êm ái trong màn đêm tại Căn cứ không quân Edwards, không lâu trước lúc bình minh. Mưa bão ở Mũi Canaveral, bang Florida đã buộc Cơ quan vũ trụ Mỹ phải đổi địa điểm hạ cánh cho tàu con thoi. Nơi tiếp đất dự kiến ban đầu là Trung tâm Vũ trụ Kennedy đã được chuyển thành Căn cứ không quân Edwards.
Chính vì việc chuyển đổi này mà về sau NASA sẽ phải tốn thêm ít nhất một tuần và khoảng một triệu đôla để chất nó lên một chiếc Boeing 747 để đưa từ California trở lại Florida - nơi đặt bệ phóng. Discovery theo kế hoạch đã hạ cánh hôm qua, song thời tiết xấu đã buộc con tàu phải bay quay trái đất thêm 24 giờ nữa. NASA đã cực kỳ cẩn trọng cho sự trở về này, vì đây là chuyến bay đầu tiên của loạt tàu con thoi sau tai nạn thảm khốc của tàu Columbia năm 2003. Sự hồi hộp và lo lắng còn tăng thêm do sự cố bung mảnh xốp cách nhiệt trên bồn nhiên liệu ngoài - tình huống tương tự như kịch bản đã xảy ra với Columbia. T. An Lộ diện nhà thờ cổ đại ở Ai Cập
Dấu tích một nhà thờ cổ và nơi ẩn dật của các thày tu có từ những năm đầu của hoạt động tu hành mới được phát hiện tại một tu viện Cơ đốc thuộc vùng Biển Đỏ. Các công nhân đã phát hiện ra khu đổ nát khi đang phục chế nền móng của nhà thờ Apostles thuộc tu viện St. Anthony. Di tích nằm sâu dưới mặt đất khoảng 2 m. Tu viện nằm trên vùng hoang mạc phía tây của Biển Đỏ do những môn đồ của thánh Anthony thành lập. Thánh Anthony là một ẩn sĩ qua đời vào năm 356 sau Công nguyên và được coi là cha đẻ của đạo Cơ đốc. Dấu vết còn lại bao gồm những cột trụ của nhà thờ làm bằng gạch bùn và các khu ở 2 phòng. Trong một căn phòng người ta tìm thấy một cái bếp lò và lò nướng. Căn phòng khác có chữ viết Coptic trên tường. "Những căn phòng này cổ nhất ở Ai Cập và nó hé mở ánh sáng về chế độ tu đầu tiên ở Ai Cập", nhà khảo cổ Abdullah Kamel nhận định. M.T. (theo AP)
Sai lầm của một số vĩ nhânSự thay đổi nhanh chóng trong cuộc sống và sự nghiệp của Newton đương nhiên trở thành chủ đề đàm tiếu của người đương thời. Nhân vật anh hề trong một vở kịch đương thời đã nói: Ai chẳng biết đại danh của ngài Isaac! Thợ đúc tiền! Vĩ đại thật!... Newton ngừng nghiên cứu khoa học
Sự thay đổi nhanh chóng trong cuộc sống và sự nghiệp của Newton đương nhiên trở thành chủ đề đàm tiếu của người đương thời. Nhân vật anh hề trong một vở kịch đương thời đã nói: Ai chẳng biết đại danh của ngài Isaac! Thợ đúc tiền! Vĩ đại thật! Sự phủ định của Einstein
Năm 1927, nhà vật lý học người Đức Werner Heisenberg trên cơ sở thành tựu của nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực lượng tử học đã tìm ra "Nguyên lý bất định", phản ánh sự thực về tính hai mặt của hạt sóng lượng tử. Nguyên lý này cho thấy: đối với hạt vi mô, muốn xác định đúng vị trí thì không thể xác định đúng vận tốc của nó. Ngược lại, muốn xác định đúng vận tốc của nó thì không thể xác định đúng vị trí. Đây là căn cứ lý luận quan trọng để người sau nhận thức hạt vi mô. Nhưng Einstein đã phủ định nguyên lý này, nói lượng tử học không có căn cứ lý luận, chỉ là giả thuyết ngẫu nhiên không hoàn chỉnh. Ông không chỉ phê phán lý luận lượng tử mà thực tế còn ngừng nghiên cứu lĩnh vực này, tập trung hoàn toàn vào thuyết tương đối. Về sau, Einstein không hề có thành quả nghiên cứu lượng tử lực học. Sai lầm dẫn tới sự thụt lùi đáng tiếc. Nhiều người lúc đó cho rằng đây là bi kịch, vì từ đó Einstein mày mò tiến lên trong cô đơn, còn loài người mất đi một ngọn cờ, một vị thủ lĩnh của khoa học. Sự bảo thủ của Mendeleev. Định luật tuần hoàn các nguyên tố hoá học của Mendeleev là phát hiện có tính cách mạng trong lĩnh vực hoá học. Sau đó, Mendeleev cũng từng dự định tiếp tục nghiên cứu làm rõ nguyên nhân sự biến hoá có tính tuần hoàn về tính chất của các nguyên tố theo nguyên tử lượng. Nhưng ông không thoát khỏi ảnh hưởng của những quan niệm truyền thống - nguyên tố không thể chuyển hoá, không thể phân chia. Vì thế đến cuối thế kỷ 19, khi người ta phát hiện sự tồn tại của nguyên tố phóng xạ và điện tử, đưa ra những chứng cứ thực nghiệm mới, chỉ ra sự biến đổi từ lượng sang chất của nguyên tử thì Mendeleev không lợi dụng thành quả mới này tiếp tục phát triển định luật tuần hoàn của mình, ngược lại ra sức phủ định tính phức tạp của nguyên tử và sự tồn tại khách quan của điện tử. Việc phát hiện ra nguyên tố phóng xạ rõ ràng chứng tỏ nguyên tố có thể chuyển hoá, nhưng ông lại nói: "Chúng ta không nên tin tính chất phức tạp của đơn chất mà chúng ta đã biết". Ông còn tuyên bố: "Khái niệm nguyên tố không thể chuyển hoá là hết sức quan trọng, là cơ sở của cả thế giới quan". Tuy vậy, trên cơ sở những phát hiện vĩ đại về nguyên tố phóng xạ và điện tử, các nhà khoa học đã từng bước vạch ra bản chất của định luật tuần hoàn các nguyên tố hoá học. Họ dựa vào những nội dung hợp lý trong định luật tuần hoàn Mendeleev để đưa ra định luật tuần hoàn mới, khoa học hơn so với lý luận của ông. Định luật này chỉ ra các nguyên tố trong bảng tuần hoàn được sắp xếp theo hoá trị của nguyên tử, nguyên tử số tăng thì hoá trị của nguyên tử cũng tăng, số lượng neutron cũng sẽ tăng. Số hoá trị và số neutron kết hợp lại thể hiện gia tăng của nguyên tử lượng. Nhưng thực tiễn chứng minh không phải có bao nhiêu nguyên tố là có bấy nhiêu loại nguyên tử. Trong một loại nguyên tố có đồng vị tố chứa nhiều neutron, cũng có đồng vị tố chứa ít neutron. Nguyên tử lượng của nguyên tố là số bình quân của đồng vị tố. Hoá trị đây chính là số lượng điện tử bên ngoài nhân nguyên tử, cũng chính là điện tích của nhân nguyên tử, tức nguyên tử số. Từ đó giải quyết được vấn đề mà Mendeleev còn bỏ ngỏ. Tính bảo thủ đã khiến một nhà khoa học lớn như Mendeleev thụt lùi trên con đường nghiên cứu bí ẩn của định luật tuần hoàn, mất đi cơ hội phát triển định luật này. Thế Giới Mới (theo Độc giả tinh hoa)
Hệ thống quan sát hồng ngoại cho xe hơiLái xe trong đêm tối là một trong những tình huống căng thẳng và dễ gây tai nạn nhất. Từ tháng 10 tới, hãng BMW danh tiếng của Đức sẽ đưa vào sử dụng hệ thống quan sát ban đêm bằng hồng ngoại có tên BMW Night Vision.
Hệ thống này gồm một camera hồng ngoại nhiệt gắn chìm phía trước mũi xe và một màn hình nhỏ hiển thị ảnh thu được phía trước mặt người lái. Trên màn ảnh, các vật cản trên đường sẽ biểu hiện thành những vùng sáng, vật thể càng ấm càng sáng hơn. Người (đi bộ bên lề đường) và động vật (băng ngang đường) sẽ là những điểm sáng nhất trên ảnh. Hệ thống sẽ giúp cho người lái dự kiến được những tình huống nguy hiểm sớm hơn và có thể chuẩn bị tinh thần đề phòng tốt hơn. Từ trước đến nay, công nghệ hỗ trợ quan sát ban đêm bằng hồng ngoại thường chỉ được áp dụng trong lĩnh vực quân sự. (Theo KHĐS, ADIT, TheAutochannel)
Phát hiện cung điện của vua David
Các nhà khảo cổ Israel tuyên bố vừa phát hiện ra dấu tích của một công trình được cho là cung điện huyền thoại của vua David trong kinh thánh, trong một cuộc khảo sát bí mật ở miền Đông Jerusalem. Khu cung điện đổ nát trải dài trên 30 m ở Silwan, khu vực cổ nhất của Jerusalem, giáo sư khảo cổ Gabriel Barkai cho biết. Cung điện có tuổi đời hơn 30 thế kỷ. Nhà khảo cổ đứng đầu Eliat Mazar tin rằng đó chính là cung điện truyền thuyết mà vua Tyre đã tặng cho vua David để cám ơn ông về cuộc chiến chống lại người Philistine, theo kể lại trong kinh thánh. Tuy nhiên các nhà khảo cổ Israel đã phản đối tuyên bố này. M.T. (theo AFP)
Tìm hiểu chế độ ăn của người tiền sử
Bằng cách phân tích những dấu vết còn sót lại trên bộ răng hoá thạch, các nhà khoa học đã tìm ra thực đơn của 2 loại người tiền sử. Những người Australopithecus africanus nhỏ nhắn, mảnh khảnh, sống khoảng 2-3 triệu năm trước, thường ăn chủ yếu những thức ăn mềm như quả tươi, lá non và một chút thịt. Trong khi đó người Paranthropus robustus có kích cỡ tương tự người A. africanus, nhưng sống khoảng 2 triệu năm trước, có răng phẳng và to hơn, hàm dày và rộng hơn, cơ nhai nặng hơn. Răng của họ chứng tỏ họ đã ăn những đồ thô cứng như hạt giống, hột quả, rễ cây và thân củ - loại thức ăn mọc ở hoang mạc. Nhưng người P. robustus cũng có dấu hiệu đã ăn những đồ ăn mềm giống người A. africanus, chứng tỏ họ đã tìm cách sống sót tốt hơn trên hoang mạc. "Cũng giống như giữa tinh tinh và khỉ đột - cơ thể của chúng khác nhau, nhưng hầu như chúng ăn cùng loại thức ăn khi sống cùng nhau", tác giả nghiên cứu Peter Ungar tại Đại học Arkansas, Mỹ, cho biết. "Những thời điểm chúng khác biệt nhau là khi thức ăn bị khan hiếm. Khi những món ăn mềm và ngọt không còn, khỉ đột chuyển sang ăn lá cây cứng và cành cây, bởi cơ thể chúng cho phép tiếp nhận những thứ đó". Từ lâu, các nhà nghiên cứu vẫn tin rằng người P. robustus chuyên ăn đồ cứng, dựa trên giải phẫu khuôn mặt. Nay nghiên cứu của Ungar đã chứng tỏ người P. robustus có chế độ ăn đa dạng, và sự khác biệt này được tạo ra bởi những khoảng thời gian ngắn nhưng vô cùng thiết yếu. "Những người tiền sử này đều thích ăn quả hơn - bởi nó ngon và nhiều năng lượng", Ungar nói. "Tôi cho rằng cả hai nhóm người sẽ ăn thịt ngay khi có thể, cũng tương tự như tinh tinh ngày nay". M.T. (theo Livescience)
Xốp cách nhiệt 'có thể đã va vào tàu con thoi'
Các quan chức NASA cho hay ít nhất một mảnh vỡ của tấm xốp bảo vệ đã văng vào cánh tàu con thoi Discovery khi nó cất cánh. Tuy nhiên, họ cũng tin rằng con tàu sẽ trở về trái đất an toàn. Phó giám đốc chương trình tàu con thoi của NASA, Wayne Hale, cho biết bằng chứng mới qua ảnh dường như cho thấy có va chạm trên một trong hai cánh tàu. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng có sự phân chia ý kiến trong NASA về việc mảnh xốp đó có thực sự tiếp xúc hay không. Bản thân Hale không tin rằng vụ va chạm này có thể gây bất cứ hư hại nào tới tàu con thoi. Song tháng 1/2003, trong một sự cố tương tự (một mảnh xốp cách nhiệt va vào cánh), tàu con thoi Columbia đã nổ tung khi quay trở lại bầu khí quyển trái đất. Sau sự cố với Discovery, Cơ quan vũ trụ Mỹ đã hoãn tất cả các chuyến bay trong tương lai của tàu con thoi, cho đến khi họ tìm ra một giải pháp hiệu quả để ngăn chặn hiện tượng xốp cách nhiệt rơi ra khỏi bồn nhiên liệu ngoài trong lúc cất cánh. T. An (theo BBC) Sẽ sửa chữa tàu con thoi ngay trong vũ trụ
NASA đang lo ngại về thứ mảnh vỡ lủng lẳng này - được gọi là các filler - có thể góp phần làm con tàu nóng lên quá mức trong quá trình thâm nhập trở lại bầu khí quyển. Công việc sửa chữa như vậy chưa từng được thực hiện trong những chuyến đi bộ ngoài không gian trước đây. Cánh tay máy của Trạm vũ trụ sẽ đưa một nhà du hành tới vị trí mà anh ta có thể khắc phục sự cố. Nhiệm vụ này được thực hiện trong chuyến đi bộ thứ 3 ra ngoài khoảng không của phi hành đoàn. Chuck Campbell, thuộc nhóm khí động học của tàu con thoi cho biết các filler có thể làm tăng nhiệt độ của lớp sứ cách nhiệt lên 10-30%. Những mảnh sứ bị vỡ đặc biệt nhạy cảm với sự gia nhiệt này. Hai mảnh filler như vậy đang gắn lơ lửng giữa các miếng sứ cách nhiệt gần mũi tàu Discovery, một có đường kính khoảng 2,8 cm và mảnh kia khoảng 2,2 cm. Các quan chức NASA cho biết, điều này không liên quan tới những hư hại từ mảnh xốp cách nhiệt. Có lẽ chúng lỏng lẻo do những rung lắc trong quá trình phóng lên. T. An (theo BBC)
|
||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||