Tàu Cassini bay sát vệ tinh của sao Thổ

B.H.                                            vnexpress
 
   

Hôm nay, tàu thăm dò Cassini sẽ thu nhận những hình ảnh cận cảnh nhất về Phoebe - vệ tinh tối tăm, xù xì và lập dị của Thổ tinh - khi nó bay ngang qua thiên thể này.

Tàu Cassini khi bay qua sao Mộc (12/2000). 

Phoebe là kẻ lập dị trong số 31 vệ tinh của sao Thổ, do quỹ đạo của nó ngược chiều với hầu hết các vệ tinh lớn khác của hành tinh này, và nghiêng một góc 30 độ so với mặt phẳng quỹ đạo của Thổ tinh.

Trong những quan sát gần đây nhất do tàu Voyager cung cấp năm 1981, Phoebe được biết đến như một thiên thể lồi lõm và lởm chởm, đến mức dường như ở đó có một ngọn núi lớn hay một miệng hố sâu rộng đến vài chục km.

Tuy nhiên, Cassini sẽ chụp những bức ảnh ở vị trí gần hơn nhiều: 2000 km so với 2,2 triệu kilomét của tàu Voyager. Nhờ đó nó có thể cung cấp những hình ảnh chi tiết hơn về bề mặt không bằng phẳng của Phoebe, cấu tạo và nguồn gốc của vệ tinh. Và bằng việc xác định khối lượng và thể tích của thiên thể có đường kính 220 km này, các nhà khoa học cũng có thể suy ra mật độ, từ đó khẳng định đó là một vật rắn hay là một khối đá vụn, cấu tạo từ băng hay đá.

Cassini khi đang trên đường đến sao Thổ.

Phoebe tối đến kỳ lạ, chỉ phản xạ 6% ánh mặt trời nhận được. Độ tối và quỹ đạo giật lùi của nó khiến một số nhà khoa học cho rằng Phoebe là một thiên thể ngoại lai - di cư từ vành đai Kuiper, vành ngoài của hệ mặt trời, tới.

Các quan sát từ trái đất cho thấy độ tối này có thể là chỉ thị cho sự có mặt của carbon - một nhân tố quan trọng tạo nên sự sống. Ngoài ra, Phoebe còn cất giấu băng đá - một niềm hy vọng khác của các nhà khoa học trong khi tìm hiểu sự sống trên trái đất từ đâu tới.

Cassini là tàu thăm dò hợp tác giữa NASA và Cơ quan vũ trụ châu Âu, sẽ đi vào quỹ đạo quanh sao Thổ ngày 1/7 tới. Còn trong năm sau, nó sẽ thả robot thăm dò Huygens xuống bầu khí quyển của một vệ tinh lớn của hành tinh này là Titan.

Hành trình của Cassini

1. Tháng 10/1997: Cassini rời mặt đất từ Cape Canaveral (Mỹ).

2. Tháng 4/1998: Bay qua sao Kim, nhận được lực đẩy hấp dẫn của hành tinh này.

3. Tháng 6/1999: Lần thứ hai bay qua sao kim

4. Tháng 8/1999: Bay qua trái đất, nghiên cứu từ trường trái đất.

5. Tháng 12/2000: Bay qua sao Mộc, nghiên cứu bầu khí quyển bão tố của hành tinh này.

6. Tháng 6/2004: Tiếp cận sao Thổ, chụp ảnh.

B.H. 12/06/04(theo BBC, ABConline)