Sinh vật sống lại sau 32.000 năm đóng băng

 

Thứ sáu, 25/2/2005

 

Một dạng vi khuẩn mới tìm thấy trong một đường hầm ở Bắc cực đã hồi sinh trong phòng thí nghiệm, sau 32.000 năm vùi mình dưới lớp băng sâu. Sinh vật này có thể là lời giải để các nhà khoa học tìm ra phương pháp đông lạnh mới.

"Sự tồn tại của các vi khuẩn trong những môi trường cực kỳ khắc nghiệt cho thấy có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ khám phá ra

Lấy mẫu từ tầng đất đóng băng vĩnh cửu trong đường hầm ở Alaska.

những dạng sống tương tự trên các sông băng hoặc tầng đất đóng băng vĩnh cửu của sao Hỏa, hoặc trên các biển băng của mặt trăng Europa của sao Mộc", Richard Hoover, một nhà sinh học thiên văn tại Trung tâm bay vũ trụ Marshall của NASA phát biểu.

Các sinh vật khác cũng đã được tìm thấy trong những môi trường băng giá tương tự, đôi khi gắn với những túi nước lỏng trong tảng băng. Một vài vi khuẩn sống sót trong băng ở dạng bào tử, cần phải chăm bẵm mới có thể trở lại dạng sống bình thường.

NASA mô tả phát hiện mới này như "sinh vật đầu tiên sống sót trong băng cổ đại được mô tả đầy đủ". "Chúng ngay lập tức bắt đầu bơi khi được rã đông, cũng như nhanh chóng sẵn sàng để ăn và phân chia", Hoover nói.

Thông báo về những sinh vật trên được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi các nhà khoa học châu Âu cho biết họ tìm thấy một khối băng lớn nằm gần bề mặt ở xích đạo sao Hỏa. Rất có thể trong khối băng đó từng có sự sống, giống như các sinh vật sống đã chịu được điều kiện cực lạnh trên trái đất.

Khu vực tìm thấy các vi khuẩn là một đường hầm ở phía bắc Fairbanks, Alaska, Mỹ. Các vi khuẩn này được gọi tên khoa học là Carnobacterium pleistocenium, có thể rất hữu ích với các chuyên gia y học.

T. An (theo vnexpress.net;  LiveScience)