Phi thuyền bơm hơi chuẩn bị bay thử nghiệm |
Tháng tới, người ta sẽ tiến hành những chuyến bay thử nghiệm cho nguyên mẫu chiếc "phi thuyền cứu hộ" được bơm căng bằng hơi. Mục đích của con tàu là vận chuyển các nhà du hành lâm nạn về trái đất. Phương tiện tái sử dụng này chỉ nặng 130 kg và đang được thiết kế để mang hàng hoá từ Trạm không gian Quốc tế (ISS) về trái đất. Tuy nhiên, các nhà phát minh tin tưởng nó có thể giúp cứu hộ các nhà du hành đang gặp nạn ra khỏi trạm, hoặc đưa các robot tới bề mặt sao Hoả. "Chúng tôi đang phát triển ý tưởng về các sứ mệnh cứu hộ", Stephan Walther thuộc Hệ thống Cứu hộ và Trở về tại Bremen, Đức, cho biết. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng dự án này sẽ kéo dài hơn 5 năm nữa với một khoản đầu tư lớn.. Trong số các mục đích trên, một chuyến bay lên
Hoả tinh có thể xảy ra sớm hơn, và Walther hy vọng Cơ quan Vũ
trụ châu Âu sẽ sử dụng phi thuyền cứu hộ trong sứ mệnh
của tàu ExoMars của họ, dự kiến vào năm 2009. Ông cho biết
các phương tiện bơm hơi có thể làm giảm một nửa sức
nặng của thiết bị hạ cánh, và cho phép mang được tải
trọng lớn hơn.
Phi thuyền bơm hơi không phải là ý tưởng mới. NASA đã phát triển một chiếc vào thập kỷ 1960, nhưng không có nhiệm vụ nào được khởi động. Chiếc tàu mới lần này - trị giá 2 triệu USD và mất 6 năm để phát triển - đã được thử nghiệm 2 lần, vào năm 2000 và 2002. Lần thử nghiệm sau, nó đã thất bại trong việc bung ra khỏi tên lửa. Lần phóng thử nghiệm tới sẽ diễn ra trên một tàu ngầm của Nga ở biển Barents, ngoài khơi Murmansk. Ở độ cao khoảng 200 km (tương đương quỹ đạo thấp của trái đất), con tàu sẽ tách ra khỏi tên lửa và được bơm phồng lên bằng khí nitơ, sau đó dành 20 phút hoặc hơn để rơi trở về trái đất. Phương tiện này giống hình dạng của một quả cầu lông, và đường kính chỉ có 3 mét. Nó mang theo các sensor áp suất và các thiết bị khác để theo dõi quá trình hạ cánh. Bề mặt của phi thuyền được làm từ một loại polymer dẻo dai, phết một lớp sơn chịu được nhiệt độ khoảng 900 độ C. Thuận An (6/9/2004, vnexpress.net, theo Nature) |
||||